Thông tin

PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN TÂY NAM BỘ

TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Tỳ kheo THÍCH CHƠN HIỂN
Trụ trì Tổ đình Long Thiền – Biên Hòa

 

Miền Tây Nam Bộ hay người xưa thường gọi là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một vùng đất đã xuất hiện nhiều anh hùng kiệt xuất, cống hiến biết bao xương máu cho hòa bình độc lập, là vùng đất giàu đẹp đáng tự hào được thiên nhiên ưu đãi, một đồng lúa nước bao la, những con sông rạch thừa cá, dư tôm, những cánh rừng bạc ngàn cây gỗ. Cũng từ vùng đất đầy phù sa này, đã sản xuất rất nhiều lương thực, thực phẩm, hoa màu, ngoài đảm bảo đời sống của dân địa phương, còn cung cấp cho các tỉnh trong cả nước. Do vậy, đời sống dân chúng nơi này, có một cuộc sống chất phát hiền lành, không tranh đấu hơn thua. Thực là con dân miền Tây Nam Bộ, nhu hòa, nhẫn nhục, “Thắng không kiêu, bại không nản chí sờn lòng”, nhưng quyết không khuất phục bạo lực cường hào, làm sao giữ vững con đường chánh nghĩa, xóa bỏ những sự bất công, đem lại sự yên bình cho cuộc sống. Nhưng rồi vào ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẳng…đến năm 1867, thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên nước ta và lan tỏa lần xuống khắp vùng đất Nam bộ. Thực dân Pháp đã xây dựng chánh quyền, bằng cách lợi dụng người Việt để cai dân Việt. Lập ra từ ông Phủ, ông Huyện, Hương Cả, Tuần Quản…bắt những dân nghèo làm thuê cho họ, bóc lột công sức lao động rất cay nghiệt. Những người tu hành bị kèm kẹp, tù đày… Tôi còn nhớ, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành kể lại: “Khi chúng nghi ngờ người tu hành theo Việt Minh, thì chúng bắt và tra tấn rất dã man, thậm chí để cây mía trên đầu, dùng dao từ trên chẻ xuống đầu….” . Từ những phẩn uất đó, nên quý Ngài tham gia hai cuộc kháng chiến cứu quốc. Lúc bấy nhiều tỉnh thực hiện, dựa vào cán bộ Phật giáo có trình độ, khả năng đưa vào công tác thành, đi xâu vào quần chúng nhân dân, nhất là công nhân lao động, tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên Phật tử, đưa phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ…

Với tham vọng của Thực dân Pháp, núp dưới cờ quân Anh xâm chiếm nước ta, đến ngày 23/9/1945, Pháp dánh chiếm nước ta lần thứ 2. Từ đó Sài Gòn – Gia Định, các tỉnh niềm Tây Nam Bộ bắt đầu khởi nghĩa kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Kế thừa truyền thống vẻ vang của đạo Phật, từng góp công sức chống ngoại xâm để gữi nước, nên lúc bây giờ Phật giáo là lực lượng đồng hành gắn bó với dân tộc. Chư Tôn Đức trưởng lão phát huy truyền thống cao đẹp trên, thống nhất đóng cửa Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Trường Phật học Huế, do trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa đảm trách, hướng dẫn tất cả vào Nam ở tại chùa Phật Quang, sau giải tán tại Bang Chang, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cũng từ đó, các nhà sư xét thấy trách nhiệm với dân tộc, nên không thể chỉ kép kín tu thành mà quý ngài đã “xếp áo cà sa, mặc chiến bào”, quý ngài chỉ chuẩn bị chút hành trang cho mình, nóp1 với giáo2 lên đường chống thực dân Pháp. Tình hình chống giặc cứu nước đang sôi sục cao độ và cũng từ thời điểm này, các tổ chức Phật giáo cứu quốc thành lập khắp mọi nơi. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Liên Việt, Chư Tôn Đức trưởng lão các Tỉnh, Thành hội Phật giáo được thành lập, điển hình như Hội Phật giáo cứu quốc miền Tây Nam Bộ do trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chánh hội trưởng; PGCQ tỉnh Biên Hòa do Hòa thượng Thích Huệ Thành lãnh đạo; PGCQ Thành hội Phật giáo Sài Gòn do Hòa thượng Thích Pháp Nhạc, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt lãnh đạo; PGCQ tỉnh Gia Định do Đại đức Kỳ Lân lãnh đạo; PGCQ tỉnh Trà Vinh do Hòa thượng Thích Thái Không lãnh đạo; PGCQ tỉnh Long An do Đại đức Thích Từ Tâm lãnh đạo; PGCQ tỉnh Cần Thơ do Hòa thượng Thích Pháp Thân lãnh đạo; PCQ tỉnh Sa Đéc do Thầy Huệ Phương lãnh đạo; PGCQ Châu Đốc do Hòa thượng Thích Định Long lãnh đạo; PGCQ tỉnh Vĩnh Long do Hòa thượng Thích Pháp Long lãnh đạo; PGCQ. tỉnh Mỹ Tho do Hòa thượng Thích Pháp Tràng lãnh đạo; Thành hội Phật giáo Cứu quốc Mỹ Tho do Sư Bà Diệu Đạo lãnh đạo; PGCQ Thủ Đầu Một do Hòa thượng Thích Thiện Thắng lãnh đạo,…Phân công phụ trách các Miền, như Đại diện miền Tây Nam Bộ: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Pháp Tràng, Thầy Lê Hoàng Minh; Đại diện miền Đông Nam bộ: Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tầy Huệ Phương; Thành Sài Gòn – Gia Định: Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Bửu Ý… Và dẫn đến hai cuốc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quân, ngụy quyền tay sai… mãi đến chiến dịch Hồ Chí Minh chiến thắng mùa xuân 1975, thống nhất Nam Bắc một nhà, dành được Độc lập - Tự do – Hạnh phúc cho toàn dân. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nói về sự hoạt động của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Phật giáo Cổ sơn môn hoạt động ở miền Tây Nam Bộ.

1. Khái quát bối cảnh thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Nói đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là phải nhắc đến thời Phật giáo Việt Nam bắt đầu dần dần khôi phục, từ Chư Tôn Đức trí thức, lãnh đạo Phật giáo miền Đông và niềm Tây Nam Bộ. Từ những tỉnh, thị xã và thành phố là tổ chức Hội kỵ, đây là một tổ chức vần công cúng giổ Tổ của các chùa. Rồi lần lần đến tổ chức Hội Lục Hòa Liên Xã, được thành lập tại Trường hạ Tổ đình Giác Lâm vào năm 1922, do Đại lão HT. Thích Từ Văn lãnh đạo3… Và sau ngày 2/9/1945, khi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, tại Vườn Hoa Ba Đình (nay là Hội trường Ba Đình), thì ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực đân Pháp tái đánh chiếm Việt Nam và chiếm lĩnh chính sự từ Bắc chí Nam. Nhân dân ta chỉ hưởng 21 ngày độc lập tự do và sau đó tiếp tục đi vào con đường kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc bây giờ, Phật giáo cứu quốc Nam Bộ của các nơi lần lược ra đời… Đến năm 1952, Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử ra đời và ngày 09 tháng 11 năm 1968, là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được tổ chức và có Ban Chứng minh, Hội đồng lưỡng viện là Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo. Và có Hiến chương, gồm: 12 chương và 20 điều quy định cho các Ban Đại diện miền Bắc Trung phần, miền Nam Trung Phần, Cao nguyên Trung Phần, niềm Đông Nam Phần, miền Tây Nam Phần, đại biểu 32 Tỉnh hội4 và 84 Quận hội trong toàn quốc5 thực hiện.

2. Hoạt động của Phật giáo Cổ truyền tại miền Tây Nam Bộ

Vào năm 1971, Chư Tôn Đức các tỉnh miền Tây Nam bộ cung thỉnh phái đoàn lãnh đạo trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam về tham dự Hội nghị tại chùa Già Lam (Già Lam cổ tự). Trong phái đoàn có Đại Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, HT. Thích Bửu Ý là Tổng thứ ký viện Hoằng Đạo của GHPGCTVN, HT. Thích Quảng Kim… cùng chư Tôn Đức lãnh đạo GHPGCTVN, tại Đại hội này công cử Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam miền Tây Nam Bộ, gồm: HT. Thích Huệ Đức (Phạm Hữu Vinh là sư phụ thầy Thích Huệ Sanh) làm Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, khu miền Tây Nam Bộ; Yết ma Thích Thiện Tín (Tạ Văn Út), Phó Tăng trưởng GHPGCTVN, trụ trì chùa Thiên Phước tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng); thầy Thích Huệ Sanh lúc bây giờ là Chánh văn phòng GHPGCTVN tại khu miền Tây Nam Bộ. Văn phòng đặt tại Già Lam cổ tự, ấp Xẻo Vong B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, nay là ấp Xẻo Vong C, phường Hiệp Lợi, Tp.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Sau năm 1975, HT. Thích Huệ Đức là Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp. Cần Thơ, Thành viên HĐCM Trung ương GHPGVN. HT Thích Huệ Sanh (đệ tử HT. Thích Huệ Đức) hiện nay (2020) đang giữ chức vụ Ủy viên Ban nghi lễ Trung ương, Phó ban BTS kiêm Trưởng ban Ban nghi lễ GHPGVN tỉnh Hậu Giang, Chứng minh BTS Phật giáo Thị xã Ngã Bảy, Ủy viên Ban chấp hành Hội chất độc màu da cam, Thành viên Ủy ban MTTQVN xã Hiệp Lợi, Thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu giang, trụ trì Già Lam Cổ Tự.

Trước ngày 30/4/1975, HT. Thích Huệ Đức, Yết ma Thích Thiện Tín…là những vị này đại diện GHPGCTVN lãnh đạo các tỉnh khu miền Tây Nam Bộ, lãnh đạo các tỉnh và công cử chức danh các tỉnh, là HT. Thích Thiện Khai (Trần Văn Mâu), trụ trì chùa Linh An là Tăng trưởng GHPGCTVN tỉnh Bạc Liêu; HT. Thích Chơn Đức, trụ trì chùa Hội Linh là Tăng trưởng GHPGCTVN tỉnh Cần Thơ; Thầy Thích Hạnh Đoan (Lê Ngọc Thanh) trụ trì chùa Phước Quang là Tăng trưởng GHPGCTVN tỉnh An Xuyên (Cà Mau); TT. Thích Đại Thọ, trụ trì chùa Hòa Đồng Tôn Giáo là Tăng trưởng tỉnh Long Xuyên; Thầy Thích Huệ Ngọc là Tăng trưởng Tỉnh Hội Châu Đốc; TT. Thích Giác Phước (Trần Văn Hương), trước 1975 là Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang và sau này là nguyên Ủy viên HĐTS GHPGVN, nguyên Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang, nguyên trụ trì chùa Phật Quang, Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang…

Lúc bây giờ, Đại Hòa thượng Thích Huệ Thành là Tăng thống GHPGCTVN, lãnh đạo 04 Ban Đại diện đại diện các miền (03 Ban đại diện và 01 Thành hội Sài Gòn), như: 1. Ban Đại diện miền Trung, Chánh Đại diện: Thượng tọa Thích Trí Tâm; Phó Đại diện: Thượng tọa Thích Huệ Quang. 2. Ban Đại diện miền Đông, Chánh Đại diện: Hòa thượng Thích Trí Tấn; Phó Đại diện: Yết ma Thích Huệ Nhơn. 3. Thành hội Sài Gòn, Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Chơn Minh; Tăng phó: Hòa thượng Thích Thiện Nghị. 4, Ban Đại diện niềm Tây, Chánh Đại diện: Hòa thượng Thích Huệ Đức; Phó Đại diện: Yết ma Thích Thiện Tín. Và bầu cử ra 31 Ban Đại diện, đại của các Tỉnh, Thị, Thành, như: 1. Tỉnh hội Gia Định, Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Pháp Âm (chùa Thiên Hương); 2. Tỉnh hội Gò Công, Đại diện Hòa thương chùa Long Hưng; 3. Tỉnh hội Long An, Tăng trưởng: Hòa thượng Hóa Sự (chùa Long An); 4. Tỉnh hội Hậu Nghĩa6, Tăng trưởng: Hòa thượng  Huệ Tánh (chùa Phước Lưu); 5. Tỉnh hội Định Tường7, Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Huệ Hòa (chùa Vạn Phước); 6. Tỉnh hội Kiến Hòa (Bến Tre), Tăng trưởng: Yết ma Vĩnh Chơn (chùa Phước Long); 7. Tỉnh hội Phong Dinh (Cần Thơ), Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Pháp Hiệu (chùa Hội Linh) 8. Tỉnh hội Ba Xuyên (Sóc Trăng), Tăng trưởng: Yết ma Thích Thiện Tín; 9. Tỉnh hội Bạc Liêu, Đại diện: Đại đức Thích Thiện Thông (chùa Tường Vân); 10. Tỉnh hội An Xuyên (Cà Mau), Tăng trưởng: Đại đức Thích Hạnh Đoan (chùa Từ Quang) 11. Tỉnh hội Vĩnh Bình (Trà Vinh), Tăng trưởng Hòa thượng Chơn Lý (chùa Từ Lâm); 12. Tỉnh hội Vĩnh Long, Tăng trưởng: Hòa thượng Pháp Vân (chùa Long Khánh); 13. Tỉnh hội Sa Đéc, Đại diện: Yết ma trụ trì chùa Phước Long 14. Tỉnh hội An Giang, Tăng trưởng: Đại đức Thích Giác Long (chùa Phước Điền); 15. Tỉnh hội Kiến Phong8, Đại diện: Hòa thượng Thiện Tài (chùa Bửu Lâm Tổ Đình); 16. Tỉnh hội Châu Đốc, Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Ngọc (chùa Định Long) và Hòa thượng chùa Bửu Chung); 17. Tỉnh hội Kiên Giang, Đại diện: Đại đức Thích Giác Phước (chùa Phật Quang); 18. Tỉnh hội Chương Thiện, Đại diện: Đại đức Thích Chơn Tánh; và các tỉnh chuộc khu miền Đông và Tây Nguyên Trung Phần…., như 19. Tỉnh hội Phước Tuy (Vũng Tàu), Tăng trưởng Thị xã: Yết ma Thiện Pháp (chùa Phước Lâm); 20. Tỉnh hội Bình Dương, Phó Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Trang (chùa Phước Long); 21. Tỉnh hội Tây Ninh, Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Giác Nguyên (chùa Thiên Phước); 22. Tỉnh hội Biên Hòa, Tăng trưởng Hòa thượng Thích Thiện Giáo (chùa Bửu An); 23. Tỉnh hội Tuyên Đức9, Tăng trưởng: Đại đức Thiện Tâm (chùa Minh Châu); 24. Tỉnh hội Phú Bổn10, Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Huyền Thơ (chùa Thiên Quang); 25. Tỉnh hội Quảng Ngãi, Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Tín Hạnh (chùa Văn Khánh); 26. Tỉnh hội Bình Thuận, Đại diện: Đại đức Thích Bửu Chơn; 27. Tỉnh hội Pleiku, Tăng trưởng: Đại đức Giác Thọ (chùa Minh Quang); 28. Tỉnh hội Qui Nhơn, Tăng trưởng: Hòa thượng Huệ Pháp (chùa Minh Tịnh); 29. Tỉnh hội Nha Trang, Tăng trưởng: Yết ma Huệ Quang (chùa Đông Phước); 30. Tỉnh hội Phú Yên, Tăng trưởng: Thượng tọa Phước Quang; 31. Thị xã Cam Ranh, Tăng trưởng: Đại đức Thích Phước Quang (chùa Phước Long).11

Còn dưới đây là danh sách chư sơn thiền đức tổ chức thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thuộc niềm Đông và miền Tây Nam bộ của một số chùa tiêu biểu, như Tổ đình Giác Lâm (Gia Định), Tổ đình Long Thiền (Biên Hòa), Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương), Tổ đình Nghĩa Phương (Nha Trang), Tổ đình Bửu Lâm (Mỹ Tho), Tổ đình Giác Viên (Chợ Lớn), Sắc từ Từ Ân (Chợ Lớn), chùa Từ Lâm (Phú lạc), chùa Giác Huệ (Gò Vấp), chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức), Chí Ngọc thiền viện (Long Khánh), chùa Thiền Lâm (Cai Lậy), chùa Linh Phước (Mỹ Tho), chùa Thiên Phước (Tây Ninh), chùa Khải Tường (Cầu voi Tân An), chùa Từ Phước (Chợ Lớn), chùa Long Sơn (Tây Ninh), chùa Long Thạnh (Bà Hom), chùa Trinh Tường (Thủ Đức), chùa Phước Tường (Bến Lức), chùa Thanh Lâm (Tây Ninh), chùa Long Nghĩa (Rạch Kiến), chùa Bửu Hưng (Mỹ Tho), chàu Thiền Lâm (Hóc Môn), chùa Hiệp Long (Tây Ninh), chùa Triều Long (Bến Tranh), chùa Tân Thạnh (Mỹ Tho), chùa Long Thọ (Bình Dương), chùa Giác Chơn (Chợ Lớn),. Chùa Xuân Hòa (Long Khánh), chùa Hạnh Lâm (Tây Ninh), Huệ Nhãn thiền viện (Long Khánh), chùa Phú Thạnh (Phú Nhuận), chùa Trường Thạnh (Sài Gòn), chùa Pháp Dương (Da Cao - xa lộ), chùa Phước Lâm (Củ Chi), chùa Giác Ân (Tham Lương), chùa Cửu Thiên (Thủ Đức), chùa Long Phước (Q. 6), chùa Bửu Long (Gò Vấp), chùa Phổ Hiền (Gò Vấp), chùa Linh Châu (Gia Định), chùa Già Lam (Cần Thơ), chùa Bát Nhã (Hòa Hưng), chùa Phước Long (Bình Dương), chùa Phước Thành (Chợ Lớn), chùa Linh Sơn (Thủ Đức), chùa Thiên Phước (Thủ Đức), chùa Bửu Lâm (Thủ Đức), chùa Giác Ngạn (Tây Ninh), chùa Long Quang (Cần Đước), Thiện Hườn viện (Tân Quy Đông), chùa Hồng Phước (Tây Ninh), chùa Khánh Lâm (Long Thành), chùa Bửu Đức (Mỹ Tho), chùa Phú Long (Phú Nhuận), chùa Thiên Tôn (cố Hòa Thượng Viện trưởng, Bình An – Chợ Lớn), chùa Bửu Thành (Chợ Lớn), chùa Giác Thọ (Gò Vấp), chùa Cẩm Phong (Tây Ninh), chùa Giác Tánh (cần Giuộc), chùa Long Ân (Bình Dương), chùa Phước Quang (Bàn Cờ – Sài Gòn), chùa Từ Lâm (Vĩnh Bình), chùa Giác Thông (Gò Vấp), chùa Thiên Phước (Cầu Kho), chùa Đức Lâm (Tần Bình – Gia Định), chùa Phật Ấn (Sài Gòn), chùa Bửu Nghiêm (Bình Dương), chùa Vĩnh Tràng (Trường) (Mỹ Tho), chùa Vạn Phước (Kiến Hòa), chùa Khánh Linh (Chợ Đệm – Chợ Lớn), chùa Kim Tiên (Cai Lậy), chùa Phúc Lâm (Thủ Đức), chùa Long Phước (Chợ Lớn), chùa Bình Long – Thới Quang (Sài Gòn), chùa Thiên Quang (Hóc Môn), chùa Bửu Sơn (Mỹ Tho), chùa Hưng Thạnh (Phú Nhuận), chùa Phước Long (Thủ Đức), chùa An Phước (Gò Dầu – Tây Ninh), chùa Phước Vân (Gò Dầu), chùa Từ Thoàng (Chợ Lớn), chùa Kiến Phước (Chợ Lớn), chùa Giác Nguyên (Lái Thiêu), chùa Từ Quang (Hóc Môn), chùa Quan Âm (Hậu Nghĩa), chùa Khánh Thiên (Hòa Hưng), chùa Giác Thọ (Gò Vấp), Huệ Thiền thiền viện (Chợ Lớn), Thiện Chơn thiền viện (Phú Nhuận), chùa Khánh Sơn (Chợ Lớn), chùa Hưng Long (Biên Hòa), Thiện Trí thiền viện (Chợ Lớn), chùa Linh Nguyên (Hậu Nghĩa), chùa Linh Phước (Thị Nghè), chùa Thiền Lâm (Hóc Môn), chùa Sùng Đức (Chợ Lớn), chùa Phước Thành (Tân Định), chùa Bửu Lâm (Ông Giả - Chợ Lớn), chùa Phước Lâm (Trảng Bàn), chùa Phước Hưng (Bình Dương), chùa Long Triều (Chợ Đệm), chùa Vĩnh An (trảng Bàn), Thiện Minh thiền viện (Hóc Môn), chùa Linh An (Thủ Đức), chùa Linh Bửu (Thủ Đức), chùa Thái Bình (Cần Giuộc), chùa Linh Phước (Thủ Đức), chùa Thiên Minh (Chợ Cầu), chùa Chưởng Phước (Cần Giuộc), chùa Chủng Thánh (Cần Giuộc), Phổ Đức thiền viện (Gò Vấp), chùa Khánh Sơn (Chợ Lớn), chùa Long Hưng (Gò Công), chùa Linh Chơn (Phú Nhuận), chùa Tân Long (Kiến Hòa), chùa Phụng Sơn (Chợ Lớn), chùa Bình Hòa (Bình Đông – Chợ Lớn), chùa Long Thọ (Bình Chánh – Chợ Lớn), chùa Hưng Long (Ngã Sáu – Sài Gòn), chùa Châu Long (Tân An), chùa Phước Hưng (Vĩnh Long), chùa Thanh Lâm (Tây Ninh), chùa Phước Tường (Thủ Đức), chùa Phước Lâm (Vũng Tàu), chùa Phước Sơn (Cần Đước), chùa Hưng Long (Cần Đước), chùa Diệu Giác (Gia Định), chùa Bửu Liên (Lá Thiêu), Thiện Minh thiền viện (Tây Ninh), chùa Giác Phước (Củ Chi), chùa Tập Phước (Gia Định), chùa Chơn Minh (Mỹ Tho), chùa Bửu Thanh (Thủ Đức), chùa Bửu Phước (Thủ Đức), chùa Thành Long (Thủ Đức), chùa Long An (Tân An), chùa Phước Lưu (Trảng Bàn), chùa Long Linh (Thủ Đức), chùa Tân Hòa (Thủ Đức), chùa Thái Hòa (Gò Vấp), chùa Long Thành (Tân An), chùa Hạnh Sơn (Biên Hòa), chùa Phước Hội (Củ Chi), chùa Pháp Thanh (Chợ Lớn), chùa Linh Sơn (Rạch Núi – Cần Giuộc), chùa Thiên Quan (Thủ Đức), chùa Thiên Phước (Mỹ Tho), chùa Kiến Phước, chùa Thanh Lâm (Tây Ninh), chùa Phước an (Cầu Sơn), chùa Phước Lâm (Vĩnh Sơn – Tây Ninh), chùa Thiền Lâm (Gò Kén – Tây Ninh), chùa Long Thành (Cai Lậy), chùa Linh Tiên (Thủ Đức), Thiền Sanh thiền viện (Khánh Hội), chùa Thiên Quang (Gò Công),12 và các chùa trong thành phố Biên Hòa, như: chùa Bửu Phong, chùa Đại Giác, chùa Phước Long, chùa Phước Hội, chùa Bửu Hưng, chùa Thanh Long, chùa Hiển Lâm, chùa Hội Phước, chùa Thiên Long, chùa Thanh Lương, chùa Bửu Sơn…

Trong tờ Tập san Xuân Thái Bình năm Giáp Dần 1974, có in bức THÔNG ĐIỆP ĐẦU NĂM của Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử), với nội dung bức thông điệp đã nói lên khí bách, bản lĩnh, lý luận và tuyên đoán của Đức Tăng Thống, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong những năm khói lửa này. Tôi nói cách nào, cũng không diễn tả được những tính chất phát biểu khí khái trong bức thông điệp này, nhất là tờ báo phát hành công khai trong lòng địch, nên tôi xin trích nguyên văn nội dung bức thông điệp như sau:

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
(Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử)
THÔNG ĐIỆP ĐẦU NĂM
của Đức Tăng Thống

---------

Thân gởi đến Chư Tôn Hòa thượng, Quí Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, Quí Phật tử quốc nội cũng như quốc ngoại.

Kính Quí liệt vị,

Phật Giáo Việt Nam đã vươn mình khói lửa, đã hòa đồng cùng dân tộc trong mọi cảnh huống của thời đại, ngược dòng lịch - sử đã chứng minh điều đó.

- Đinh Tiên Hoàng dựng cờ độc lập thống nhất san hà.

- Lê Thánh Tôn mở mang bờ cõi.

- Trần Nhân Tôn bảo vệ non sông, giữ gìn Tổ Quốc, đều được các bậc thiền sư, tín hữu giúp rập trong mọi sự việc cứu nước, cứu dân.

Tổ Quốc vinh quang là Phật giáo xương minh là thịnh đạt. Nước nhà nghiêng ngửa thì Phật giáo cũng suy vong.

Với sự kiện đó, suốt trên ¼ thế kỷ, mưu cầu độc lập dân tộc, tự do Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào, Phật giáo đồ Việt Nam không ngừng tiết lộ trong tinh thần tự lập, tự cường, không từ gian lao, không nề khó nhọc, xã thân vì đạo pháp, hi sinh vì dân tộc.

Do sự hi sinh cao cả của toàn dân, trong có 85 phần trăm người, Phật tử gồm cả Tăng Ni và Thiện Tín đã đem lại một thắng lợi lớn lao là nguyện vọng hòa bình, hạnh phúc, đã được công nhiên minh định, bởi Hội nghị Ba Lê, mà thế giới đều hoan nghinh và nhiệt thành hỗ trợ, vì hòa bình Việt Nam là then chốt đêm lại sự an lành cho thế giới.

Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh, mọi sự việc, không có hoàn cảnh nào, sự việc chi mà không phải trải qua nghịch thuận, việc khó dễ, nhưng với những kinh nghiệm đã rút tỉa, những ý chí đã rèn luyện, cộng lại lòng kiên nhẫn, vị tha và bát ái của dân tộc, nhất định Hòa bình thật sự sẽ đến với Tổ quốc Việt Nam ta, một ngày không xa vậy.

Sở dĩ tôi nêu lên các điểm trên là muốn nói lên Đạo pháp và Dân tộc luôn luôn gắn liền không thể tách rời ra được, Huống nữa Đạo Phật vào đời để cứu đời, không thể xa cách đời như nhiều người lầm tưởng.

Người Phật tử đã có trách nhiệm hành đạo và hoằng đạo, lại còn có bổn phận công dân, cứu nước và xây dựng nước.

Do đó, trước thềm năm mới, nhân danh Giáo hội, tôi yêu cầu Quí Hòa thượng, Quí Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni, Quí Đạo hữu Nam Nữ, cố gắng thật hành những điểm thiết yếu sau đây:

1) Đầu năm mở đàn cầu nguyện Phật từ gia hộ, nước nhà mau được thanh bình, muôn dân an cư lạc nghiệp.

2) Tích cực trong mọi địa hạt văn hóa, cứu tế xã hội, giúp đồng bào để hàn gắn vết thương đau của chiến cuộc.

3) Từ lời nói đến việc làm, luôn luôn thúc đẩy cho hòa bình thật sự sớm thực hiện trên giải đất thân yêu của Tổ quốc.

Sau hết tôi nguyện cầu Đức Từ Phụ ban ơn cho dân tộc Việt Nam ta trong đó có cả Tăng Ni và Thiện tín được nhiều phúc lành trên đường phục vụ nền đạo đức dân tộc, nhất là nền Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Trân trọng kính chào Quí liệt vị.

Tăng - Thống
Đại Hòa - Thượng
THÍCH - HUỆ - THÀNH

Tóm lại, lúc bây giờ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, vào những năm này hoạt động rất có hiệu quả, như tại Già Lam Cổ Tự là năm 1971 đến 1981 là trụ sở hoạt động của Phật giáo Cổ truyền. Nhất là ở tại văn phòng này, còn giữ lại danh sách chư Tăng xin miễn dịch từ năm 1972 đến ngày 15/4/1975, có 403 người và những người đó hiện nay vẫn còn hoạt động cho GHPGVN, như HT. Thích Huệ Sanh xưa là Chánh Văn phòng của GHPGCTVN, hiện nay là Ủy viên Ban nghi lễ TƯ, Phó ban BTS kiêm Trưởng ban Ban nghi lễ tỉnh Hậu Giang; cố TT. Thích Giác Phước xưa kia là Chánh Đại diện GHPGCTVN tỉnh Kiên Giang, nay là Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang… Nói chung “Mùa hè đỏ lửa năm 1972”, đây là thời điểm chiến tranh ác liệt, Việt Nam Cộng Hòa rất cần quân chủng ra trận, cho nên bắt buộc tổng động viên tu sĩ tại chổ13. Chính vì vậy, lúc bây giờ Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn ở miền Tây Nam Bộ phải khéo léo, uyển chuyển mọi tình hướng, mục đích là không để tu sĩ ôm súng ra trận… nếu không khéo thì tu trẻ của chúng ta thời bây giờ phải làm sao?... Do vậy, chúng ta nên thấy được sự khó khăn, khổ nhọc của bậc lãnh đạo Phật giáo Cổ truyền và Cổ Sơn Môn lúc bấy giờ…Vừa tham gia hoạt động cách mạng nhưng phải ngoại giao, để xin giấy miễn dịch cho chư Tăng. Vì vậy, chư Tăng lúc bấy giờ không có phân biệt hệ phái Khất sĩ hay Bắc tông, nơi nào xin giấy miễn dịch được thì họ tham gia, như Sư Giác Phước (TT. Thích Giác Phước, trụ trì chùa Phật Quang – Kiên Giang) và nhiều Sư khác bên hệ phái Khất sĩ, cũng tham gia hoạt động của Phật giáo Cổ truyền. Đó là bằng chứng danh sách còn lưu lại tại Già Lam cổ tự, đây là văn phòng Phật giáo Cổ truyền đại diện miền Tây Nam Bộ.

3. Hoạt động Phật giáo Cổ sơn môn tại miền Tây Nam Bộ

Theo tài liệu của HT. Thích Huệ Thông, ghi trong Phần VII: HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ BẢN CHẤT CỦA TỔ CHỨC PHẬT GIÁO CỔ SƠN MÔN14, về việc hoạt động Phật sự như thế nào của sư Trí Hưng (HT. Thích Trí Hưng) là Phó Tăng thống Phật giáo Cổ Sơn Môn, chúng tôi xin phép không đề cập đến, trong bài này, chỉ đề cập Phật giáo Cổ Sơn Môn hoạt động tại khu miền Tây Nam Bộ.

Theo tư liệu và lời kể của các vị cao niên thì một số vị của Phật giáo Cổ truyền tham gia tổ chức Phật giáo Cổ Sơn Môn sau này là do quý ngài uyển chuyển, linh  hoạt, phương tiện tùy duyên. Dù tham gia tổ chức Cổ Sơn Môn do hoàn cảnh lịch sử nhưng hầu hết quý ngài vẫn luôn giữ tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Sau ngày tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945, Hòa thượng Thích Huệ Minh được chính quyền cách mạng giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng). Năm 1951 được suy tôn làm Tăng trưởng miền Tây Nam Bộ, năm 1963, Hòa thượng được suy tôn làm Phó Tăng thống Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam; đến năm 1966, ngài được suy tôn làm Tăng thống Phật giáo Cổ Sơn Môn và chùa Vĩnh Hưng là ngôi chùa duy nhất ở đồng bằng Nam Bộ, trở thành Viện Tăng Thống Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam, cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981. Đồng thời, đây cũng là chốn lưu trú tu học của nhiều vị tôn túc, đệ tử của ngài, như cố HT. Thích Trí Bổn, năm 1963 là Trưởng Ban hoằng pháp Phật giáo Cổ Sơn Môn tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng), đến sau giải phóng, năm 1983 là Ủy viên BTS kiêm Trưởng ban Ban nghi lễ tỉnh Hậu Giang (nay là Sóc Trăng) và Phó ban Thường trực Ban đại diện Thị xã Sóc Trăng từ khóa I đến khóa III; TT. Thích Thiện Tín, trụ trì chùa Thiên Phước, Thị trấn Kế Sách là Phó ban Ban hoằng pháp tỉnh Ba Xuyên; cố HT. Thích Thiện Sanh là Tổng Thư ký Phật giáo Cổ Sơn Môn, đến năm 1981, ngài tham gia GHPGVN là Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ủy Viên Thường trực Ban Tăng sự TW GHPGVN, Ủy viên Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni TWGHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, Nguyên Phó Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Khánh Sơn cho đến ngày viên tịch; cố HT Thích Vĩnh Đạt, nguyên Trưởng ban BTS Phật giáo tỉnh Đồng Tháp; cố HT Thích Trí Đạt ở TP Cần Thơ; cố HT Thích Chơn Minh ở Đồng Tháp, cố HT Thích Trí Hoằng ở Kiên Giang, cố Hòa thượng Thích Pháp Độ trụ trì chùa Khánh Sơn là Tăng trưởng Phật giáo Cổ sơn môn tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng); Cố Hòa thượng Thích Hồng Chánh, chùa Long Hưng TP Sóc Trăng; cố HT Thích Trí Kỉnh ở Chùa Quan Âm, Thị tứ Đại Ngãi là Phó Tăng trưởng Phật giáo Cổ sơn môn tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng); HT. Thích Trí Phát là thơ ký, trợ lý cho Hòa thượng Tăng thống Phật giáo Cổ Sơn Môn, nay là nguyên Ủy viên Ban nghi lễ TƯ, nguyên Trưởng ban Ban nghi lễ tỉnh Sóc Tăng… Cũng trong thời gian này, cũng có cố Đại lão Hòa Thượng Thích Huệ Viên, chùa Vĩnh Hòa, TP Bạc Liêu nhiều lần tham gia hoằng pháp ở các Tỉnh, Thành miền Trung, TP HCM và được cung thỉnh sang đất nước Campuchia để khai kinh, truyền pháp.

Tuy rằng với hình thức lãnh đạo Phật giáo Cổ Sơn Môn, nhưng tinh thần lãnh đạo của HT. Thích Huệ Minh thể hiện lòng yêu nước, yêu dân tộc ta. Vì vậy, ngài đã được chánh quyền cách mạng giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng ngày nay), để nối kết hoạt động cách mạng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, HT. Thích Trí Kỉnh trụ trì chùa Quan Âm thị tứ Đại Ngãi “Vào khoảng 1953 và 1954 đã trao trả các chiến sĩ cách mạng yêu nước, gần một ngàn người tại chùa Quan Ân, Đại Ngãi này, lúc bây giờ cụ Tôn Đức Thắng và HT. Thích Hoằng Đức, Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh nói chuyện suốt đêm. Còn HT. Thích Thiện Đức vào khoảng năm 1968, 1969 là Ủy viên Mặt trận Việt Minh khu Tây Nam Bộ15”. Sau đây, chúng tôi nêu lên một số tỉnh miền Tây Nam Bộ hoạt động Phật giáo Cổ Sơn Môn đã tìm được tài liệu, như:

Tỉnh An Giang, lúc bấy giờ có HT. Thích Chí Đạt tự Nhật Đạt, (thế danh: Nguyễn Văn Huệ), theo dòng kệ thiền Lâm tế Gia phổ là đời 41.

Năm 1963, Hòa thượng Thích Chí Đạt cùng chư sơn thiền đức, Tăng Ni cùng Phật tử tham gia phong trào đấu tranh, chống lại chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm, tại khu vực tỉnh Châu Đốc. Đến 1965, Hòa thượng được Tăng Ni và Phật tử tín nhiệm cung thỉnh ngài làm Chánh đại diện Phật giáo Cổ Sơn Môn tỉnh Châu Đốc, trụ trì chùa Kỳ Viên cho đến ngày Việt Nam hoàn toàn giải phóng 1975. Sau đó Hòa thượng chư tôn thiền đức tỉnh An Giang tích cực hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước Phật giáo tỉnh An Giang. Năm 1992, Hòa thượng tham dự Đại hội Đại biểu tỉnh An Giang, được Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh tin tưởng và tín nhiệm cung thỉnh ngài làm Phó ban BTS Phật giáo lâm thời tỉnh An Giang…

Từ năm 1982 – 1992, Hòa thượng là một trong một trong năm vị, tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II và thứ III tại Thủ Đô Hà Nội.

Từ năm 1993, tại Đại hội Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ I, Hòa thượng được trung ương GHPGVN, suy cử ngài là Phó ban BTS kiêm Trưởng ban Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh An Giang, liên tục 3 nhiệm kỳ (1993 – 2007). Đồng thời cũng năm 2007, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang, suy cử Hòa thượng chứng minh BTS PG tỉnh An Giang cho đến ngày viên tịch (2012). Đệ tử của Hòa thượng Thích Chí Đạt là HT. Thích Thiện Tín, xưa kia là chúng của chùa Sắc tứ Thập Phương. Hiện nay Hòa thượng là Ủy viên Nghi lễ TƯ, Phó ban BTS GHPGVN tỉnh An Giang, Trưởng ban BTS GHPGVN thị xã Tân Châu, trụ trì Phước Long cổ tự tại xã Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang và Hòa thượng hứa sẽ có bài tham luận về hoạt động Phật giáo Cổ Sơn Môn miền Tây Nam Bộ…

Tỉnh Đồng Tháp (tỉnh Sa Đéc): Phật giáo Cổ Sơn Môn, có HT. Thích Bửu Liên, trụ trì chùa Phước Lâm, trước kia là xã Tân Xuân, quận Đức Thịnh, tỉnh Sa Đéc, nay là phường 2, Tp. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, ngài là Phó Tăng trưởng Phật giáo Cổ Sơn Môn; HT. Thích Hồng Quang, trụ trì chùa Phước Lâm là Tổng Thư ký Phật giáo Cổ Sơn Môn; HT. Thích Chánh Trí, trụ trì chùa Bình Hòa, huyện Đức Thịnh, tỉnh Sa Đéc; HT. Thích Huệ Từ trụ trì chùa Phước Long, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp; HT. Thích Nhật Sanh, trụ trì chùa Thiền Lâm, Nha Mân, quận Đức Tôn, tỉnh Đồng Tháp; HT. Thích Vĩnh Đạt, trụ trì chùa Phước Hưng xã Ân Vĩnh Hòa, quận Đức Thịnh, tỉnh Sa Đéc (Tp. Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp); HT. Thích Bửu Thọ, trụ trì chùa Phước Hòa, xã Tân Phú Đông;…

Khi nói đến tỉnh Kiên Giang, mọi người ai cũng nhớ đến anh hùng dân tộc Nguyến Trung Trực, mà hôm nay nhân dân toàn tỉnh đều kính mộ, lập đình đền thờ, đặt tên là anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lá sắc của ngài được vua Tự Đức phong với danh hiệu “Đại thần Nguyễn Trung Trực”, hiện tại đang tôn thờ tại chùa Vĩnh Phước, xã Vĩnh Hòa Hiệp (Tà Niên), hằng năm vào ngày 16 -18 tháng Giêng, Ban Hương chức tại đình và nhân dân đến chùa Vĩnh Phước làm lễ nghing đón sắc thần ngài về đình, tổ chức lễ tưởng niệm ba ngày đêm rất lớn. Ngoài ra tại tỉnh Kiên Giang còn lập nhiều đền thờ ngài, như Tp. Rạch Giá, huyện đảo Phú Quốc… Với những chiến công oanh liệt, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp, đánh trận Tân An (Long An), Rạch Giá (Kiên Giang) và chỉ huy phục kích đốt tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10-12-1861 tại vàm Nhật Tảo. Những chiến công hiển hách này, được Danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:

“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên đia

Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần.”

Thái Bạch dịch:

Lửa bừng Nhựt Tảo râm trời đất

Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.16

Hiện nay hai câu thơ này còn khắc ghi lại tại cổng tam quan Tp. Rạch Giá…Với truyền thống tốt đẹp trên, Chư Tôn Đức cũng như toàn dân yêu nước là nơi nào có bất công, bóc lột là nơi đó có đấu tranh. Chính vì vậy, sau chiến thắng cách mạng tháng Tám, Pháp lại tái chiếm nước ta, Chư Tôn Đức tỉnh Kiên Giang cùng nhân dân tham gia kháng chiến chống Pháp, như HT. Thích Trí Thiền trụ trì Sắc tứ Tam Bảo, Sư Thiện Ân, Thầy Thiện Chiếu và HT. Thích Bửu Ngươn trụ trì chùa Sắc tứ Thập Phương. Sau khi Phật giáo Cổ truyền, Cổ Sơn Môn ra đời thì các chùa trong tỉnh đều tham gia, như Sắc tứ Thập Phương có thầy Giáo thọ Thích Minh Tân, Thầy đã chống Pháp, bị giặc Pháp bắt đánh tra tấn bằng điện, nên hai bàn tay Ngài rút lại như người cùi… chùa Hòa Thạnh, chùa Phước Thạnh, chùa Bửu Kim, chùa Minh Long (Minh Lương), chùa Vĩnh Phước (Tà Niên)…

Tóm lại như trên đã nói, trong hoàn cảnh loạn ly, nhất là vào những năm 1968 đến tháng 4/1975, từ dĩ tuyến 17 đến miền Tây Nam Bộ chiến tranh ác liệt, nhất là năm 1972, tại chiến trường vùng I, quân cảnh của ngụy quân ruồng bắt tu sĩ đưa vào quân đội ngụy. Do vậy mà chư Tăng lúc bấy giờ, phải bằng mọi cách để được miễn dịch, nếu không sẽ bị đưa vào chiến trận của ngụy quân. Theo tôi gặp quý ngài mới tâm sự rất chân tình: “Thượng tọa biết không, vì hoàn cảnh quá ư đặc biệt, nên phải xin họ để được miễn dịch, chứ ngoài ra không có gì chống lại cách mạng cả.”. Đây là một việc rất tế nhị và khéo léo, lúc bây giờ, bất cứ hệ phái nào cũng tìm mọi cách để chư Tăng của mình không tham gia vào quân đội ngụy…

Kính thưa Quý liệt vị,

Trong bài viết này, chúng tôi cũng có gắng đi về một số tỉnh niềm Tây Nam Bộ, để thu thập thông tin, như có những tỉnh không nhớ cụ thể, đặc biệt tại già lam cổ tự là trụ sở của GHPGCTVN, hiện nay HT. Thích Huệ Sanh là trụ trì, xưa kia ngài là Chánh văn phòng của Phật giáo Cổ truyền tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngài còn giữ gìn tương đối đầy đủ về danh sách chư Tăng và các chùa hoạt động theo Phật giáo Cổ truyền. Đó là sự cố gắng của chúng tôi, nếu có điều chi sơ sót xin quý ngài từ bi hoan hỷ cung cấp thêm!

Xin chân thành cám ơn!

 


1 Nóp là chiếc Nóp vừa chống được muỗi, vừa ấm, lại có thể gấp lại rất nhỏ gọn, hành quân cũng tiện…

2 Giáo là cây giáo hình giống như lưỡi lê nhưng có cán dài.

3. Đây là theo tư liệu của Thích Huệ Thông Lược sử Phật giáo Cổ truyền Việt Nam Nxb Văn hóa Văn nghệ, Tp. HCM, 2019, tr. 97

4. Đây là rút từ phần cuối của Hiến chương GHPGCTVN, nhưng trong bản Cung Chúc Tân Xuân trong tâm san Xuân Thái Bình năm Giáp Dần 1974 của Viện Hoằng đạo GHPGCTVN (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) tại chùa Trường Thạnh, số 97, đường Bác sĩ Yesin – Sài Gòn là chỉ có 31 tỉnh, thị xã và thành phố.

5. Tính từ Vĩ tuyến 17 đến Mũi Cà Mau.

6. Tỉnh Hậu Nghĩa là hai quận Đức Huệ và Đức Hòa nhập vào tỉnh Long An và quận Trảng Bàng nhập vào tỉnh Tây Ninh, đổi thành các huyện. Như vậy, phần lớn tỉnh Hậu Nghĩa...

7. Định Tường là một tỉnh cũ ở Tây Nam Bộ Việt Nam, trước đây thuộc nước Chân Lạp, nay thuộc địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp ngày nay, Tỉnh Định Tường được thành lập năm Minh Mạng thứ 13 (1832) và là một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ.

8. Đất đai tỉnh Kiến Phong vốn là phần đất nằm ở bờ trái (bờ bắc) sông Tiền của các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc trước kia, có vị trí địa lý: Phía bắc giáp với Campuchia.

9. “Sắc lệnh số 261/NV” về việc thành lập tỉnh Tuyên Đức có trụ sở tại Đà Lạt, do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ - Ngô Đình Diệm ký ngày 19/5/1958.

10. Phú Bổn, Hậu Bổn, vốn là một thị trấn nằm ở ngã ba sông Ba và một chi lưu của nó là sông Ayun, cách Plei Ku 96 km, cách Tuy Hòa 130 km theo đường bộ. Dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, Ayun Pa là quận lị của quận Cheo Reo, tỉnh Pleiku.

11. Đây là 31 Tỉnh, Thị và Thành phố rút tử bản Cung Chúc Tân Xuân trong tâm san Xuân Thái Bình năm Giáp Dần 1974 của Viện Hoằng đạo  GHPGCTVN (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) tại chùa Trường Thạnh, số 97, Đ. Bác sĩ Yesin – Sài Gòn.

12. Đây là danh sách rút ra từ Bản Đối Hội Kỵ Tổ Sư của Chư Sơn Thiền Đức của GHPGCTVN trong tâm san Xuân Thái Bình năm Giáp Dần 1974 của Viện Hoằng Đạo GHPGCTVN (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) tại chùa Trường Thạnh, số 97, Đ. Bác sĩ Yesin – Sài Gòn.

13. Trong tuổi Tu sĩ ở đâu là phải đi quân dịch tại đó.

14. Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb: Văn hóa - văn nghệ TP. HCM, 2019, tr. 330 – 353.

15. Đây là trích nguyên văn nói của HT. Thích Trí Phát, nguyên Trưởng ban Ban nghi lễ tỉnh Sóc Trăng, HT cũng là hậu duệ của HT Thích Thiện Đức, trụ trì chùa Thiên Phước, Gòng Đá, Kế Sách.

16. https://vi.wikipedia.org.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6953897