Thông tin

PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM YÊU NƯỚC

 

TS. BÙI HỮU DƯỢC
Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ
Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Vườn Hoa Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhân dân cả nước vui mừng trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập. Song chỉ 21 ngày sau, vào ngày 23/9/1945, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định đẩy dân tộc ta vào cuộc chiến tranh khốc liệt mới.

1. Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa và Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ một minh chứng về tinh thần yêu nước của Phật giáo

Sau Cách mạng tháng Tám đất nước vừa tuyên bố độc lập thì thực dân Pháp lại quay lại xâm chiếm nước ta. Trong bối cảnh ấy nhiều tỉnh ở Nam Bộ, Phật giáo yêu nước thành lập Hội Phật giáo cứu quốc, đề cao phương châm hành đạo của Phật giáo nhập thế, đấu tranh bảo vệ đất nước chống xâm lược của đế quốc thực dân, trong Phật giao Nam Bộ lúc bấy giờ xuất hiện đôi câu đối:

“Cải cách Tăng đồ, đề xướng tự do, tuyên chánh pháp;

Duy tân Phật học, thực thành bình đẳng, độ quần sanh”.

Ủng hộ chủ trương đó, Tăng, Ni Phật giáo noi theo tấm gương của tiền nhân sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, tạm xa mái chùa tham gia kháng chiến để bảo vệ quê hương đất nước. Trong hai năm 1945 - 1946, nhiều Hội Phật giáo cứu quốc ở các địa phương Nam Bộ ra đời, như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Mỹ Tho, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá,…đã được thành lập1.

Ngày 6/9/1945, với sự giúp đỡ và chứng kiến của lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa được thành lập. Hòa thượng Thích Huệ Thành được Tăng, Ni, Phật tử bầu làm Hội trưởng kiêm Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa. Trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa đặt tại chùa Long Thiền, thuộc Biên Hòa. Từ đó chùa Long Thiền trở thành nơi hội họp của Hội, nơi cất giấu truyền đơn của Mặt trận Tổ quốc để gởi đến các chùa trong tỉnh2.

Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa năm 1945, có 09 thành viên đầu tiên, gồm:

1) Hội trưởng: HT. Thích Huệ Thành, trụ trì Tổ đình Long Thiền, bí danh Hồng Tín, là Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa;

2) Phó Hội trưởng: Thầy Yết ma Thiện Ân, trụ trì chùa Đại Giác;

3) Tổng Thư ký: TT. Thích Thiện Thuận, bí danh Hoàng Anh, Thư ký chùa Đại Giác;

4) Tài chánh: Thầy Yết ma Thích Thiện Niệm, trụ trì Chùa Hiển Lâm (chùa Hóc Óng Che);

5) Kiểm soát: HT. Thích Trí Tấn, trụ trì chùa Hưng Long (huyện Tân Uyên) tỉnh Biên Hòa cũ;

6) Ủy viên: HT. Thích Thiện Khải, trụ trì chùa Thanh Lương;

7) Ủy viên: Thầy Yết ma trụ trì chùa Tân Sơn;

8) Ủy viên: Thầy Giáo thọ Thích Tịnh Quang, trụ trì chùa Thanh Long;

9) Ủy viên liên lạc: Thầy Giáo thọ Thích Quảng An, trụ trì chùa Thiên Long.

Ngay sau thành lập Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa, Hòa thượng Hội trưởng Thích Huệ Thành đã lãnh đạo, vận động các Chi hội Phật giáo cứu quốc trong tỉnh lần lượt thành lập, từ cấp quận, huyện đến các xã được tổ chức Hội Phật giao cứu quốc; động viên, Tăng, Ni, Phật tử ủng hộ cách mạng, tích tham gia các hoạt động kháng chiến và tham gia bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1946). Hội vận động Tăng,Ni, Phật tử hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, thực hiện tốt phong trào: “Tuần lễ vàng”,“Tuần lễ kim khí”. Nhiều chùa đã hiến lư đồng, đại hồng chung, chân đèn bằng đồng… gửi vào chiến khu để đúc vũ khí đánh giặc. Lúc bây giờ, Hòa thượng Thích Huệ Thành cùng một số Tăng, Ni thoát ly đi kháng chiến. Trong thời gian này, Hòa thượng Thích Thiện Khải là nhà sư kiêm luôn vai thầy cúng để qua việc viết liễn (chữ Hán) mà bí mật hoạt động nội thành.

Trước phong trào của Phật giáo ủng hộ cách mạng, nhiều Tăng, Ni bị giam cầm hoặc bị giặc sát hại, như chùa Hiển Lâm (chùa Hóc Óng Che) có ông Hườn là một chiến sĩ kháng Pháp bị giặc Pháp bắn chết tại cổng chùa Hiển Lâm, lịch sử chùa hiện còn ghi.

Năm 1947 (Đinh Hợi), vào thời điểm giặc khủng bố gắt gao, Hòa thượng Thích Huệ Thành và một số vị đại diện cho tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc các tỉnh Nam Bộ, được mời về chùa Thiền Kim (tức chùa Ô Môi) ở xã Mỹ Quý, tỉnh Đồng Tháp dự Hội nghị bàn tính phương án Phật giáo tổ chức chống giặc đàn áp Phật giáo. Trong 3 ngày, từ 15,16 đến 17/4/1947, Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, gồm các vị:

1) Chánh Hội trưởng: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (bí danh Tam Không);

2) Đệ nhất Phó Hội trưởng, kiêm Ủy viên Mặt trận Liên Việt, Nam Bộ: Hòa thượng Thích Huệ Thành (bí danh Hồng Tín), Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa;

3) Đệ nhị Phó Hội trưởng: Cư sĩ Bạch Liên nhân sĩ trí thức (thường gọi là ông Commis Hai);

4) Tổng Thư ký: ông Đào Không Không3;

5) Tuyên huấn: thầy Lê Hoàng Minh;

6) Tài chánh và thủ quỹ: Thầy Bửu Thiện và Sư bà Diệu Thọ;

7) Kiểm soát: Hòa thượng Thích Pháp Tràng, thầy Huệ Phương (bí danh Bạch Vân);

8) 11 vị Ủy viên phụ trách các tỉnh4.

Sau Hội nghị, các thành viên trong Ban chấp hành được phân công như sau:

1) Đặc trách miền Tây Nam Bộ: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Pháp Tràng, thầy Lê Hoàng Minh;

2) Đặc trách niềm Đông Nam Bộ: Hòa thượng Thích Huệ Thành, thầy Huệ Phương (bí danh Bạch Vân);

3) Đặc trách Sài Gòn và tỉnh Gia Định: Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Bửu Ý;

4) Bộ phận thường trực: Phó Hội trưởng thường trực: Cư sĩ Bạch Liên; Tổng Thư ký: ông Đào Không Không; Trưởng văn phòng: thầy Giáo Ánh và các nhân viên văn phòng khác.5

Phật giáo cứu quốc Nam Bộ lúc đó có tờ báo Tinh Tấn là cơ quan ngôn luận, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm chủ nhiệm, Giáo sư Lê Văn Đồng, bút hiệu Trọng Thư - La Kim Trọng làm chủ bút, tòa soạn và nhà in đặt ở chùa Tổ, xã Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp.

Sau Hội nghị thành lập Ban Chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, được sự thống nhất chỉ đạo, chư Tăng Ni và Phật tử có nhiều hoạt động đồng bộ, đã có được nhiều kết quả đấu tranh từ Phật giáo góp phần nhiều hơn nữa cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Có sự phân công hoạt động hợp lý từ các miền Đông, miền Tây và Sài Gòn – Gia Định, nên tổ chức Phật giáo hoạt động đều khắp, động viên Tăng, Ni và đồng bào Phật tử hưởng ứng các phong trào ủng hộ cách mạng, như mua Công trái kháng chiến, tổ chức Hội viên danh dự cho Hội Liên Việt… Nhờ đó mà Tăng Ni, Phật tử trong vùng địch tạm chiếm, ủng hộ kháng chiến được giúp đỡ. Các cán bộ hoạt động nội thành được các chùa tổ chức che dấu, nuôi dưỡng. Do đó, phong trào cách mạng trong nhân dân được phát động mạnh mẽ, từng bước làm cho âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp thất bại.

2. Thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng một hình thức mới để Phật giáo yêu nước hoạt động ủng hộ cách mạng kháng chiến chống Pháp.

Trước phong trào cách mạng ngày một mạnh, thực dân Pháp thực hiện đàn áp khốc liệt hơn, các hoạt động ủng hộ cách mạng gặp không ít khó khăn, trong đó có Hội Phật giáo cứu quốc. Để thay đổi phương thức hoạt động, giảm thiểu đàn áp của thực dân Pháp, vào tháng 2 năm 1952, một số vị cao Tăng chủ trương mở Đại hội tại chùa Long An, số 136, đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ), thuộc quận Nhì, Sài Gòn, ra tuyên bố thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, bầu ra Hồi đồng Chứng minh và Ban chức sự Trung ương Giáo hội, gồm:

1) Hội đồng Chứng minh: Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh, chùa Giác Ngộ; Đại lão Hòa thượng Thích Hoằng Đức, chùa Bình Hòa; Đại lão Hòa thượng Thích Phước An, chùa Bảo Quốc.

2) Ban Chức sự Trung ương: Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Tòng, chùa Trường Thạnh; Tăng giám: Hòa thượng Thích Pháp Nhạc, chùa Long An; Tổng Thư ký: Hòa thượng Thích Thành Đạo, chùa Phật Ấn.

3) Ban Hoằng pháp: Hòa thượng Thích Huệ Thành, chùa Long Thiền; Hòa thượng Thích Pháp Lan, chùa Khánh Hưng và một số Ủy viên đặc trách nội, ngoại thành các tỉnh.

Xuất bản tập san Phật Học, do ông Lý Duy Kim (Hòa thượng Thích Minh Nguyệt) làm Tổng Biên tập. Mở Trường Phật học tại chùa Giác Viên, văn phòng Trung ương Giáo hội đặt tại chùa Trường Thạnh, số 79, đường Bác sĩ Yersin, quận Nhì, Sài Gòn6 .

Cuối năm 1953, trên cương vị Trưởng ban Hoằng pháp của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Hòa thượng Thích Huệ Thành, đã từng bước củng cố và mở rộng Giáo hội đến các vùng sâu vùng xa các tỉnh miền Tây, nhất là miền Đông, Vào thời kỳ đó nhiều người gọi ngài là “ông Cọp miền Đông”.

Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập lúc bấy giờ, thực chất là một tổ chức Giáo hội yêu nước, hoạt động với mục đích phụng sự “Đạo pháp và Dân tộc”, bởi hạt nhân lãnh đạo là những bậc cao Tăng yêu nước, nhiều vị đã tham gia là hạt nhân của Hội Phật giáo cứu quốc trước đó. Biết rõ điều ấy nên chính quyền lúc đó không giải tán nhưng cũng không công nhận, vì Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam thành lập tháng 02 năm 1952 (vào thời Pháp xâm lược Việt Nam, các vị trong tổ chức này đa số là người yêu nước chống Pháp. Bởi vậy phải sau khi quân đội Pháp thất bại, quân đội Mỹ thế Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam, ngày 26 tháng 10 năm 1955, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Mỹ hậu thuẫn đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, nhờ thay đổi thể chế đó mà năm 1957 Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam mới được Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chấp thuận, tại Quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ Nội Vụ ký ngày 01/10/1957, do Hòa thượng Thích Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) đại diện đứng tên xin thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, với Hiến chương, gồm 9 chương và 44 điều.

Miền Nam Việt Nam từ khi Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Công hòa thì Ngô Đình Diện dùng nhiều thủ đoạn nhằm hạn chế hoạt động và đàn áp những người theo Phật giáo yêu nước, như thực thi Đạo dụ số 10, cô lập, hạn chế hoạt động của Phật giáo. Lúc bấy giờ, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng lại bị chính quyền chú ý, khi nhận ra đây là tổ chức hợp pháp của những người yêu nước trên danh nghĩa Phật giáo, hoạt động đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Trước thực tế đó, Diệm ra lệnh ráo riết truy lùng, bắt bớ… bằng thủ đoạn bắt tu sĩ Phật giáo thuộc tổ chức Lục Hòa  Tăng phải tham gia quân đội. Trong khi Ngô Đình Diệm ngấm ngầm tìm cách ly gián và phân hóa trong Phật giao, cho tổ chức “Cổ Sơn Môn” được hưởng nhiều đặc ân, như tu sĩ Phật giáo “Cổ Sơn Môn” được miễn quân dịch. Tuy ra đặc ân ấy, nhưng biết rõ thủ đoạn của chinh quyền Ngô Đình Diệm, nhiều chùa ở miền Tây các vị sư nhất định không theo tinh thần chỉ đạo của Ngô Đình Diệm, trong đó có chùa Tam Bảo, chùa Vĩnh Phước (Kiên Giang) và một số các chùa trong tỉnh…

Trong bối cảnh khó khăn đó, Hòa thượng Thích Huệ Thành hoạt động khá khéo léo, âm thầm liên hệ với cách mạng. Để ngăn cấm hoạt động của Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tổ đình Long Thiền bị giặc bao vây, phong tỏa cấm không ai đến. Hòa thượng Thích Huệ Thành và đại chúng không được ra khỏi chùa. Trước ngăn cấm của quân giặc, Hòa thượng Thích Huệ Thành vẫn âm thầm móc nối với các vị sư khác hoạt động ủng hộ cách mạng. Đến năm 1963, phong trao đấu tranh của Phật giáo lên cao, đỉnh điểm là việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, sau đó phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài gia đinh trị Ngô Đình Diệm càng quyết liệt và lan rộng. Phong trào càng mạnh, giặc càng khủng bố gắt gao. Trước tinh hình đó, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết từ miền Trung vào Sài Gòn, trú tại chùa Xá Lợi và viết thư thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Thành tới chùa Xá Lợi để bàn bạc Phật sự.

Nội dung thư Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viết như sau: “Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Văn Phòng Thường Trực. Chùa Xá Lợi. 89, đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn. Dây nói: 22.465… PL 2507 – Sài Gòn, ngày 5 tháng 7 năm 1963. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Tổng hội Phật giáo V.N. Kính gởi Hòa thượng Huệ Thành, Tăng Giám Giáo Hội Lục Hòa Tăng, Chùa Long Thiền - Biên Hòa. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Bạch Hòa thượng. Từ lâu có ý nguyện thăm viếng chư Hòa thượng và chiêm bái các Tổ đình miền Nam. Nhưng hôm vào đến nay trên hai mươi hôm rồi, tôi chưa đi đâu được cả, vì phần tuổi già sức yếu, phần khổ bệnh đeo mang. Tuy nhiên dầu nằm một chỗ, tôi rất thấu hiểu thái độ cao quý và nổi khổ tâm của Hòa thượng, vì vậy tôi lấy làm thâm cảm và hết sức tán thán “đơn tâm vị Pháp” của Hòa thượng. Nhân bệnh tình tôi có phần thuyên giảm, tôi vội vã viết thư này kính thỉnh Hòa thượng thừa nhàn quang lâm chùa Xá Lợi để huynh đệ chúng ta cùng đàm Phật sự cho phỉ tình hoài vọng của tôi. Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an./. (Ký tên) Thích Tịnh Khiết (bằng chữ Hán) (và đóng dấu) Ban Trị Sự - Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam”.

Bức thư này hiện đang được lưu trữ tại Tổ đình Hội Khánh, tỉnh Bình Dương. Nói về bức thư, Ni trưởng Thích Huệ Hương kể: Theo lời Thầy tôi (cố đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành) nói lại, vào thời điểm đó “lá thư này không gửi được tận tay, phải nhờ hai cụ già đệ tử Thầy tôi, tục gọi là bà Năm Cây Khế và bà Tám Vạn để trong giỏ trầu, xin vào chùa thăm mới đem vào được” (Ni Trưởng Thích Huệ Hương kể lại).

Nhưng không ai được chứng kiến để biết hai bậc cao Tăng và cũng là hai nhà sư yêu nước gặp nhau nói về những chuyện gì, chỉ biết sau cuộc gặp gỡ ấy Hòa thượng Thích Huệ Thành vẫn kín đáo nhưng sôi nổi hơn trong vận động các vị cao Tăng hoạt động đạo và đời. Sau khi anh em gia đinh trị Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Phật giao dễ thở hơn, nhưng chính quyền vẫn xem Phật giáo là lực lượng chống đối, những bậc cao Tăng yêu nước vẫn bị giám sát chặt chẽ. Đến năm 1968, Hòa thượng Thích Huệ Thành thấy thời cơ đã đến, lại cùng Chư Tôn đức thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam để tìm một hình thức mới cho hoạt động Phật giáo nhập thế gắn bó giữa đạo và đời để cùng nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập, một hình thức mới tập hợp Tăng, Ni, Phật tử yêu nước ủng hộ cách mạng

Sau một thời gian dài âm thầm chuẩn bị và vận động, với sự đồng thuận của nhiều bậc Cao Tăng, Tăng, Ni và Phật tử từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, tham gia đều thống nhất bầu ra Hội đồng chỉ đạo, gồm có Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

3.1 Viện Tăng thống gồm những thành viên

1) Tăng thống: Hòa thượng Thích Huệ Thành (Đại Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng, Tổ đình Long Thiền, Biên Hòa);

2) Phó Tăng thống: Hòa thượng Thích Minh Thành (Hội trưởng Lục Hòa Phật tử, chùa Long Vân – Bình Thạnh);

3) Tổng Thư ký: Hòa thượng Thích Trí Tấn (chùa Hưng Long);

4) Ủy viên: Hòa thượng Thích Hoằng Thông (chùa Long Hội Mỹ Tho); Hòa thượng Thích Pháp Tràng (Tiền Giang); Hòa thượng Thích Trí Hiền (Biên Hòa). (trong báo cáo của đại lão HT. Thích Huệ Thành có ghi trong Viện Tăng thống thêm các Ủy viên như HT. Thích Thiện Phú (Phó Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng); Ông Quản Trọng (Phó Hội trưởng Lục Hòa Phật tử và ông Tô Quang Ngọc).

3.2 Viện Hoằng đạo

1) Viện trưởng Viện Hoằng đạo: Hòa thượng Thích Minh Đức (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương);

2) Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo: Hòa thượng Thích Thiện Thuận;

3) Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo: Hòa thượng Thích Bửu Ý (chùa Long Thạnh);

4) Trưởng Ban hoằng pháp thuộc Viện Hoằng đạo: Hòa thượng Phật Ấn (mới được thả ra tù)

Hội nghị cử các Tổng Vụ trưởng và phân công phục trách các Miền, như Viện Tăng thống, đặt tại chùa Trường Thạnh, đường Bác sĩ Yersin, quận Nhì - Sài Gòn; Viện Hoằng đạo, đóng tại Tổ đình Giác Lâm, xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình - Gia Định7. Bản Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) có 12 chương và 20 điều.

Phần cuối bản Hiến chương có ghi: “Bản Hiến chương này đã được tuyên đọc trong ngày Đại hội thường niên Trung ương ngày 09/11/1968, và được chấp nhận do hai vị Tổ sư đương kim Bửu Lâm, Long Quang, Hội đồng Trưởng lão tối cao, Hội đồng Viện Tăng thống, Hội đồng Viện Hoằng đạo, các Đại diện miền Bắc Trung Phần, miền Nam Trung Phần, Cao nguyên Trung Phần, niềm Đông Nam Phần, miền Tây Nam Phần, Đại biểu 32 Tỉnh hội và 84 Quận hội trong toàn quốc.

Bản Hiến chương này đã được điều chỉnh lại tại kỳ Đại hội thường niên vào ngày 15, 16 tháng 02 năm Nhâm Tý, nhằm ngày 29, 30/3/1972 của Hội đồng Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo8. Hội nghị thống nhất lấy tờ Đặc san Thái Bình làm cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Cơ duyên, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam sau khi thành lập hoạt động càng ngày càng mạnh. Trong thời gian không lâu, tổ chức phát triển được 32 Tỉnh hội, 84 Quận hội, 5 Ban chức sự Miền và bao gồm hơn 2.000 ngôi tự viện, 10.750 Tăng Ni, 20.500 đạo chúng và gần 1.000.000 tín đồ. Hội đồng chỉ đạo triển khai và hình thành các đoàn thể để tạo thế lực, làm hậu thuẩn cho Giáo hội và nắm chắc thực lực chủ động đẩy mạnh các phong trào hoằng pháp, như tổ chức Liên hiệp Nghiệp đoàn lao động Phật tử, văn phòng Trung ương đặt tại công trường Tháp Xá lợi, số 167, đường Lạc Long Quân, xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình – Gia Định. Tổng đoàn Thanh niên Tăng Ni, văn phòng Trung ương đặt tại chùa Thiên Tôn số 117/9 đường An Bình, Chợ Lớn. Số lượng đoàn viên có 2.114 thanh niên Tăng Ni. Liên đoàn thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, Phật tử bao gồm học sinh các Trường Văn hóa Tiểu học Lục Hòa trên toàn miền Nam và đô thành Sài Gòn, Gia Định, văn phòng Trung ương đặt tại Trường Tiểu học Lục Hòa, số 167 đường Lạc Long Quân, xã Phú Thọ Hòa, Tân Bình, Gia Định. Số lượng học sinh gần 2.000 em. Gần 100 tổ chức Ban hợp pháp, được xây dựng lên, như: Hội Vu Lan, Đoàn Hộ niệm, Tổ đọc báo, Hụi không lời, Ban hộ trì Tam bảo, Hội tương tế, cứu trợ, Hội vần đổi công cho các quận ngoại thành để tập họp rộng rãi quần chúng, giáo dục đưa cao trào đánh giặc9.

Ngày 24/4/1975, Ban lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, gồm Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý, cán bộ cách mạng Lê Hoàng Minh… họp khẩn để sẵn sàng cùng quân dân tiến công và nổi dậy lật đỗ chế độ Mỹ ngụy, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng. Đến ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam chỉ đạo các thành viên hội viên các tỉnh tham gia chào mừng thắng lợi và rước Hòa thượng Thích Minh Nguyệt về Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ở chùa Trường Thạnh, đường Bác sĩ Yersin - Sài Gòn.

4. Tích cực tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những tấm gương điển hình phụng đạo và yêu nước

Từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cùng tám tổ chức hệ phái Phật giáo khác đã cử đại diện ưu tú tham gia Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước tại thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội này đã thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Đại Hội đã thông qua đường hướng hành đạo là “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, thông qua bản Hiến chương và suy cử Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự. Tại Đại hội, Hòa thượng Thích Huệ Thành được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời được ủy nhiệm thành lập Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, khi thành lập Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, Hòa thượng Thích Huệ Thành là vị Trưởng Ban tiên khởi. Nhiều bậc cao Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đảm nhận các cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp.

Hòa thượng Thích Huệ Thành, một nhà sư yêu nước, trọn đời vì “Đạo pháp và Dân tộc” Trên cương vị là lãnh đạo, cùng với các bậc cao Tăng yêu nước khác kiến tạo thành lập các tổ chức Phật giáo từ Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa và Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ; Giáo hội Lục Hòa Tăng; Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã công nhận và khẳng định các tổ chức Phật giáo ấy là tổ chức Phật giáo yêu nước, đồng hành gắn bó với dân tộc. Trân trọng những đóng góp của Hòa thượng Thích Huệ Thành, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng Hòa thượng: Huân chương Độc Lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương chống Mỹ hạng nhì, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác.

Hội thảo về Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là dịp ôn lại lịch sử, đánh giá cống hiến và đóng góp của bao thế hệ Tăng, Ni, Phật tử đã gắn minh với sự nghiệp đấu tranh gian khổ để bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Đây còn là dịp để tri ân, học tập công hạnh của các bậc cao Tăng đã trọn đời tâm huyết vì Đạo pháp và Dân tộc.

Tại Hội thảo này kính dâng một nén hương lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân, công đức của những người đã không quản gian lao, không tiếc máu xương vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân sinh.

Trân trọng.

 


1. HT Thích Huệ Thông, Lược sử Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, Nxb Văn Hóa- Văn Nghệ TP.HCM, 2019.

2. Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên Địa Chí Đồng Nai tập I, Tổng quan Nxb Xí nghiệp in Đồng Nai và Nhà in Thông tấn xã Việt Nam. Năm 2001, tr. 306.

3. Thích Huệ Thông Lược sử Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM, 2019

4. HT. Thích Huệ Thành trong Báo cáo khái quát quá trình hình thành và chuyển hướng của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, tr.10. Trong tài liệu của HT Thích Huệ Thông Lược sử Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, Nxb Văn Hóa- Văn Nghệ Tp.HCM, 2019.

5. HT . Thích Huệ Thành Báo cáo khái quát quá trình hình thành và chuyển hướng của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, tr. 5.

6. Báo cáo của Đại lão HT. Thích Huệ Thành Báo cáo khái quát quá trình hình thành chuyển hướng của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, tr. 3.

7. HT . Thích Huệ Thành trong bản Báo cáo khái quát quá trình hình thành chuyển hướng của Phật giáo Cứu quốc Nam bộ.

8. Đây là Phần cuối của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

9. HT. Thích Huệ Thành, Tài liệu Báo cáo khái quát quá trình hình thành và chuyển hướng của Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Tr.7-8

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6795749