PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP QUÝ BÁU CỦA CHƯ TÔN ĐỨC
DÒNG THIỀN NGUYÊN THIỀU LÂM TẾ GIA PHỔ
CHO SỰ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN
VIỆT NAM KHU VỰC TÂY NGUYÊN GIA LAI
TRONG MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ
Hòa thượng THÍCH TRÍ THẠNH*
Thành viên HĐCM GHPGVN
Viện chủ Tổ đình Minh Quang (Gia Lai)
Duyên khởi
Cổ đức dạy “Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên”, nghĩa là, cây có cội mới trổ cành xanh lá, nước có nguồn mới bủa khắp rạch sông; đời sống thiên nhiên còn có cội có nguồn, đã làm người thì ai cũng phải có tổ có tông, hôm nay chúng ta quy tụ về chùa Hội Khánh tỉnh Bình Dương, cùng nhau Hội thảo đề tài “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”, cũng không ngoài mục đích tìm về căn nguyên nguồn cội tâm tông hệ phái, bởi vì lá rụng về cội là định luật thiêng liêng của hết thảy chúng sanh, vốn là thiên tánh bẩm sinh của con người. Đối với người xuất gia, tinh thần hướng về nguồn cội còn mang ý nghĩa thâm sâu hơn nữa, đó là “Tổ ấn trùng quang, tông phong vĩnh chấn, truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai, báo ân Tổ đức”.
Tuy nhiên, muốn làm cho chánh pháp ngày càng tỏ rạng, muôn đời nối truyền không đoạn dứt, và để thể hiện trách nhiệm cũng như báo đáp công ơn sâu dày của liệt tổ liệt tông, chúng tôi thiết nghĩ, việc trước hết là chúng ta nên tìm hiểu ngọn ngành về lịch sử tông môn hệ phái của mình, bởi lịch sử là nơi lưu dấu một cách trung thực những sự kiện quan trọng trong đời sống sinh hoạt của tông môn hệ phái; lịch sử cũng là nơi lưu giữ những giá trị cao quý trên từng chặng đường hoằng hóa của các bậc tôn sư. Và nhân đây cũng để làm sáng tỏ sự đóng góp của thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đối với sự phát triển Phật giáo Cổ truyền tại Tây Nguyên Gia Lai, trên tinh thần này, tôi xin đóng góp cùng hội thảo bài tham luận “Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và những đóng góp quý báu của Chư Tôn đức dòng thiền Nguyên Thiều Lâm Tế Gia Phổ cho sự phát triển Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khu vực Tây Nguyên Gia Lai trong một giai đoạn lịch sử”.
1. Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) là hậu thân của “Lục Hòa Liên Xã” (năm 1922), “Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ” (năm 1947), cũng là sự nối tiếp của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng (năm 1952). Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng, dù được thành lập vào ngày 9/02/1952, nhưng cho mãi đến năm 1957, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng mới chính thức được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận, hợp thức hóa tại Quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ Nội Vụ ký ngày 01/10/1957 (do Hòa thượng Thích Thiện Tòng đại diện xin phép thành lập “Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam”). Hội có điều lệ gồm 9 chương 44 điều. Ban chức sự lâm thời lúc bấy giờ gồm có: Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) làm Đại Tăng trưởng, Hòa thượng Thành Đạo (chùa Phật Ấn) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Đức (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám.
Trong khi cuộc đấu tranh chống chính quyền Mỹ Diệm đang lên cao với khí thế ngút trời thì vào giữa năm 1960, cơ quan Xứ ủy và Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định bị bể, bị địch bố ráp nên cán bộ bị bắt khá nhiều, lúc bấy giờ Hòa thượng Minh Nguyệt bị địch bắt, rồi sau đó lần lượt Hòa thượng Thành Đạo, Huệ Chí, Minh Giác; các anh Tuân, anh Hào, chị Liên cũng bị địch bắt giam từ 10 đến 20 năm và một số bị đày ra Côn Đảo. Do chính quyền ráo riết săn bắt nên Hòa thượng Thiện Hào phải vào chiến khu và tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Cũng trong năm 1960, cuộc đồng khởi của nhân dân toàn miền Nam bùng nổ làm sụp đổ chiến lượt chiến tranh kiểu mới và làm cho chính quyền tay sai thời ấy giờ hết sức lúng túng, bối rối bị động, tình hình này đã tác động mạnh mẽ đến tình hình đấu tranh tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các địa phương khác, đến ngày 20 tháng 12 năm 1960, tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh, đại biểu các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái và các dân tộc ở miền Nam Việt Nam, họp Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Hào, đại diện Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử được tổ chức bầu làm Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong khoảng thời gian này Hòa thượng Thích Thiện Hào đã tuyên bố trên đài tiếng nói Bắc Kinh, với tư cách là Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng - Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử, nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, lên án các chính sách kỳ thị, thù địch Phật giáo của chính quyền Mỹ Diệm. Và từ đây tổ chức Lục Hòa Tăng trở thành đối nghịch với chế độ Ngô Đình Diệm, ngay sau khi Hòa thượng Thiện Hào phát biểu thì tất cả bảng hiệu của hệ phái Lục Hòa Tăng tại các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho công an mật vụ tháo gỡ xuống hết vì chúng cho rằng Phật giáo Lục Hòa Tăng là cộng sản. Lúc bấy giờ tình hình chính trị xã hội rất căng thẳng, nhất là sau thất bại thảm hại vào mùa xuân Mậu Thân (1968), chính quyền Mỹ - Thiệu phản kháng kịch liệt các phong trào đô thị tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và vùng phụ cận, cùng với việc mua chuộc, phân hóa, ám hại các lãnh tụ phong trào chống đối chính quyền, chúng tăng cường đánh phá các trung tâm Phật giáo thân kháng chiến, trong đó có Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng.
Trong bối cảnh Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng bị chính quyền Sài Gòn nhận ra đây là một tổ chức Phật giáo yêu nước tham gia kháng chiến, lại đang hoạt động công khai, nên vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) nhằm để tồn tại và phát triển, đồng thời qua mắt chính quyền, Chư Tôn Đức trong tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng, dưới sự chủ trì của quý Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý… đã quy tụ về chùa Trường Thạnh, số 97 đường bác sĩ Yersin, Sài Gòn để tiến hành Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam với một Hiến Chương gồm 12 chương và 20 điều do Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Tăng thống và Hòa thượng Thích Minh Đức làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo, được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn.
Kể từ khi Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử từ năm 1969 đến 1981, Phật giáo Cổ truyền Việt Nam luôn mang trong mình bản chất nồng nàn yêu nước và điều này đã được lịch sử chứng minh qua hai cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thời cận hiện đại mà Chư Tôn đức tiền bối cũng như Tăng tín đồ trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã cống hiến máu xương và công sức cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong một thời kỳ lịch sử. Từ tinh thần dấn thân phục vụ đạo pháp và dân tộc, Phật giáo Cổ truyền luôn được sự đồng thuận cao của Tăng Ni và đồng bào Phật tử, từ đó tổ chức hệ phái được lan rộng khắp vùng Nam Bộ và miền Trung Trung Phần.
2. Lịch sử cội nguồn tông phong Minh Quang thuộc Tổ đình Linh Nguyên tại Tây Nguyên Gia Lai và mối liên hệ với thiền phái Nguyên Thiều Lâm Tế Gia Phổ
Lịch sử truyền thừa môn phong Tổ đình Minh Quang (TP. Pleiku - Gia Lai) có cội nguồn từ Sơ Tổ Đạo Mân, đến Tổ Nguyên Thiều, kế tục tương truyền đến Tổ Tiên Giác Hải Tịnh ở Tổ đình Linh Nguyên. Ở đây cũng cần nói thêm về Tổ Tiên Giác Hải Tịnh, Tổ Tiên Giác Hải Tịnh (1788 - 1875) là một danh Tăng đất Nam Bộ, là người thành lập Trường hương, Trường kỳ ở chùa Giác Lâm và cùng với các đồng đạo khác thành lập Trường hương đầu tiên ở đất phương Nam; dưới triều các vua Gia Long và Thiệu Trị, ngài được phong Tăng cang quốc tự Linh Mụ (kinh đô Phú Xuân). Tổ là người có ý thức về lịch sử, đích thân biên soạn bộ sách Ngũ gia tông phái ký toàn tập, ghi chép diễn biến của các sự kiện Phật giáo quan trọng thời bấy giờ, để lại cho hậu thế những tư liệu tham khảo quý để nhận thức đúng hơn về thực trạng Phật giáo thời bấy giờ. Khởi từ Tổ Tiên Giác Hải Tịnh, lịch sử chùa Giác Lâm đã sản sinh các thế hệ truyền thừa nổi danh sau đó, như Tổ Minh Vi Mật Hạnh, Minh Khiêm Hoằng Ân, Như Lợi, Hồng Hưng Thạnh Đạo, Nhựt Dần Thiện Thuận, gần đây là cố Hòa thượng Lệ Sành Huệ Sanh, trong đó, Hòa thượng Nhựt Dần Thiện Thuận là một cao Tăng tiền bối trong thành phần lãnh đạo của hệ phái Lục Hòa Tăng.
Quay lại vấn đề, tại Tổ đình Linh Nguyên, sau khi Tổ Tiên Giác Hải Tịnh truyền thừa cho Tổ Minh Phương Chơn Hương, rồi tiếp nối truyền đến Tổ Như Đắc Từ Nhẫn, sau lại truyền cho ngài Hồng Sang Huệ Tấn, thì thiền phái Nguyên Thiều Lâm Tế Gia Phổ tông phong Linh Nguyên được truyền ra miền Trung Trung Bộ và Tây Nguyên Gia Lai. Đến đời Hòa thượng Nhựt Định, hiệu Giác Đạo, đệ tử Tổ Minh Hòa, khai sơn Tổ đình Minh Quang, thì lập thành tông phong Minh Quang thuộc Tổ đình Linh Nguyên tại Tây Nguyên Gia Lai.
Dưới đây là bài kệ truyền thừa của thiền phái Nguyên Thiều Lâm Tế Gia Phổ tại Tổ đình Minh Quang (thuộc Tổ đình Linh Nguyên tại Tây Nguyên Gia Lai) như sau:
“Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thể Chân Đăng Vạn Cổ Huyền…”
3. Tông phong Minh Quang thuộc Tổ đình Linh Nguyên và chân dung Chư Tôn Đức tiền bối tiêu biểu trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền tại Tây Nguyên Gia Lai
3.1 Lịch sử cội nguồn hình thành tông phong Tổ đình Minh Quang tại Tây Nguyên Gia Lai
Từ lúc tôn sư của chúng tôi là Hòa thượng Nhựt Định Giác Đạo (ngài là đệ tử Tổ Minh Hòa, khai sơn Tổ đình Minh Quang) quảy dép về Tây, tính đến nay thấm thoát đã hơn hai mươi tuế nguyệt, nhưng tông phong ngày càng hưng thạnh, đồ chúng vấn thiền học đạo ngày một thêm đông, từ đó cho thấy Tổ nghiệp được hậu học thừa đương, tông phong được vĩnh chấn, sứ mạng truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai, báo ân Tổ đức luôn được hàng hậu bối năng nỗ chu toàn trách nhiệm.
Nhằm noi theo tấm gương sáng ngời trí tuệ và giới đức của các bậc tôn sư tiền bối trong tông môn hệ phái Phật giáo Cổ truyền, trong tham luận này, chúng tôi sẽ ghi nhận tôn vinh một vài chân dung Chư Tôn Đức tiền bối tiêu biểu trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền hữu công tại khu vực Tây Nguyên Gia Lai. Tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin trình bày khái quát về cội nguồn tông phong Minh Quang thuộc Tổ đình Linh Nguyên có bắt nguồn và diễn tiến như sau:
Sơn môn pháp phái Tổ đình Minh Quang (TP. Pleiku – tỉnh Gia Lai) được truyền thừa từ dòng thiền Nguyên Thiều Lâm Tế Gia Phổ xuất phát tại Tổ đình Linh Nguyên (Đức Hòa - Long An), như đã nói ở trên, Tổ đình Linh Nguyên vốn do Tổ sư Tiên Giác Hải Tịnh thuộc đời thứ 37, khai sơn hoằng hóa. Sau đó được truyền lại cho Tổ Minh Phương Chơn Hương, đời thứ 38 thiền phái Lâm Tế Gia Phổ làm trụ trì.
Từ Tổ Minh Phương Chơn Hương, chân pháp lại truyền trao cho Tổ Như Đắc Từ Nhẫn thuộc đời thứ 39 thiền phái Lâm Tế Gia Phổ; kế đến lại được Tổ Như Đắc Từ Nhẫn truyền trao cho Hòa thượng Hồng Sang Huệ Tấn thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40.
Từ đây, thiền phái Lâm Tế Gia Phổ được Tổ Hồng Sang Huệ Tấn hoằng truyền mở rộng ra các tỉnh miền Trung Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đầu tiên là tại chùa Minh Hòa, An Khê, Gia Lai. Sau đó, đệ tử của Tổ Hồng Sang Huệ Tấn là Hòa thượng Nhựt Định Giác Đạo thuộc đời 41 thiền phái Lâm Tế Gia Phổ, đã lên Pleiku Gia Lai khai sơn ra Tổ đình Minh Quang làm nơi hoằng truyền thiền phái Nguyên Thiều Lâm Tế Gia Phổ (thuộc môn phong Tổ đình Linh Nguyên tại Tây Nguyên Gia Lai) và trở thành một sơn môn lớn ở miền Trung Tây Nguyên và thiền phái Nguyên Thiều Lâm Tế Gia Phổ truyền thừa cho tới ngày nay đã đến đời thứ 44. Nhân đây xin nói thêm, Hòa thượng Giác Đạo Nhựt Định là đệ tử cầu pháp y chỉ với Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Huệ Thành thời bấy giờ là Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Viện chủ Tổ đình Long Thiền thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
3.2 Chân dung Chư Tôn Đức tiền bối tiêu biểu trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền tại miền Trung Trung Phần và Tây Nguyên Gia Lai
Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại miền Trung Trung Bộ và Tây Nguyên xuất hiện nhiều bậc giáo phẩm tôn túc đóng góp công sức trí tuệ đáng kể cho đạo pháp và dân tộc, tiêu biểu điển hình như: Hòa thượng Thích Bích Lâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương (Nha Trang); Tăng cang Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Pháp, Viện chủ Tổ đình Minh Tịnh (Quy Nhơn); Hòa thượng Thích Phước Huy (Quảng Ngãi); Hòa thượng Thích Nguyên Hoàn; Hòa thượng Thích Hồng Sang; Hòa thượng Thích Trí Thạnh, các ngài đều là những bậc lãnh đạo xuất sắc của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã hiến dâng trọn đời vì đạo pháp và dân tộc.
Đặc biệt sau Đại hội Phật giáo toàn quốc vào năm 1981 tại Thủ đô Hà Nội, thống nhất 09 tổ chức hệ phái trong cả nước thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì chư tôn đức giáo phẩm trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại miền Trung Trung Bộ và Tây Nguyên đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tín nhiệm bầu vào các chức vụ trong Giáo hội, cụ thể như: Hòa thượng Thích Giác Đạo được bầu làm thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Trí Tâm được công cử làm Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh kiêm Trưởng Ban nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Trí Thạnh được bầu làm thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai; Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Quang được bầu làm thành viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; quý Hòa thượng Thích Trí Hải và Hòa thượng Thích Trí Giác được bầu làm Phó Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam... Điều này cho thấy Chư Tôn đức Giáo phẩm trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói chung và tại khu vực miền Trung Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng luôn được Phật giáo cả nước tín nhiệm đề cao vai trò đồng hành cùng dân tộc và trách nhiệm hộ quốc an dân trong suốt quá trình hình thành, đóng góp cho đạo pháp và dân tộc
Bằng giới đức trang nghiêm, túc duyên thù thắng, trên tinh thần tùy duyên bất biến - bất biến tùy duyên, và với sứ mệnh “Tổ Tổ tương truyền” làm rạng danh Phật giáo Cổ truyền Trung Trung Bộ cho đến vùng Tây Nguyên bạc ngàn nắng gió. Trong phạm vi giới hạn của tham luận này, tôi chỉ xin khái lược về tiểu sử và hành trạng của một vài bậc tôn túc tiêu biểu của Phật giáo Cổ truyền khu vực Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, quý ngài đã dấn thân suốt một đời hành đạo vì đạo pháp và dân tộc, các ngài không chỉ xứng đáng là hàng tòng lâm thạch trụ của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một thời kỳ lịch sử, mà các ngài còn khẳng định vai trò vị trí của hàng tôn túc giáo phẩm Phật giáo Cổ truyền trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
a. Hòa thượng Thích Bích Lâm (1924-1972) Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Cổ Truyền Trung phần Việt Nam
Hòa thượng Bích Lâm, thế danh Trần Văn Vinh, húy Chơn Phú, tự Chánh Hữu, hiệu Bích Lâm. Năm 1932, ngài quy y với Tổ Phước Huệ tại chùa Sắc Tứ Hải Đức (Nha Trang) được ban pháp danh Chơn Phú; năm 1939 ngài xuất gia với Tổ được ban pháp tự Chánh Hữu.
Năm 1945, ngài thọ tam đàn Cụ túc giới tại chùa Sắc Tứ Tịnh Quang (Quảng Trị) được Hòa thượng Bổn sư ban pháp hiệu Bích Lâm; sau khi Tổ khai sơn Tổ đình Nghĩa Phương viên tịch, Tổ Phước Huệ đã cử ngài về trụ trì chùa Nghĩa Phương vào tháng 7 năm 1948. Năm 1950 đến 1954, ngài làm Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Khánh Hòa, từ năm 1955 đến 1959, ngài làm Tăng giám Trung phần, Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam. Vào tháng 01 năm 1957, ngài cho đại trùng tu chùa Nghĩa Phương, nhân ngày lễ lạc thành, ngài kiến lập Đại giới đàn cung thỉnh Hòa thượng Thích Trí Thắng làm chứng minh, Hòa thượng Tăng cang Thích Huệ Pháp chùa Sắc Tứ Minh Tịnh (Quy Nhơn) làm Đường đầu Hòa thượng và ngài được tôn cử làm Giáo thọ A-xà-lê.
Tháng 01/1958, ngài xây Trường Nghĩa Thục Bát Nhã (Nha Trang), đây là Trường Tư thục Bát Nhã, Trường Tư thục Vạn Hạnh sau này; năm 1959, ngài kiến tạo Tăng Học Viện tại Đồng Đế, Nha Trang để đào tạo tăng tài. Năm 1960, nhân dịp khánh thành Tăng Học Viện Phật giáo Cổ truyền Trung phần và khai giảng Tăng Học Viện khóa đầu tiên, ngài kiến lập Đại giới đàn và được chư sơn Thiền đức cung thỉnh ngài làm Đường đầu Hòa thượng. Từ năm 1961 đến năm 1963, ngài thường xuyên được chư sơn thiền đức cung thỉnh làm Tuyên Luật sư và Hòa thượng đầu đàn tại các đại giới đàn, cũng trong thời gian này và về sau, ngài đã khai sáng khai sơn rất nhiều ngôi Tam Bảo tại các tỉnh miền Trung như Nha Trang, Phú Yên, Bình Định…
Từ năm 1960 đến 1968, ngài đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo Trung phần kiêm Giám đốc Tăng Học Viện Phật giáo Cổ truyền Trung phần Việt Nam, từ năm 1969 đến 1972, ngài được tôn cử đảm nhiệm Phó Viện trưởng Nội Vụ, Viện Hoằng đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm Chánh Đại diện Phật giáo Trung phần.
Ngài đã đào tạo hai đệ tử xuất sắc là Hòa thượng Thích Trí Tâm và Thượng tọa Thích Trí Đức (du học Nhật Bản), ngoài ra giới đệ tử xuất gia của ngài hiện có những vị đã được tấn phong Hòa thượng như cố Hòa thượng Thích Huệ Quang, Hòa thượng Thích Trí Tâm (Huệ Minh), cố Hòa thượng Thích Trí Giác (Huệ Hải), cố Hòa thượng Thích Huệ Đăng (Trí Minh), Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện (Huệ Hạnh)…
b. Hòa thượng Thích Trí Tâm (1934-2017) Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo kiêm Chánh Đại diện Trung phần Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nhiệm kỳ II
Hòa thượng Thích Trí Tâm thế danh Trương Đỗ Nha, năm 1953, ngài xuất gia với Hòa thượng Bích Lâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, được ban pháp danh Không Thành; năm 1955, ngài thọ giới Sa di tại Tổ đình Nghĩa Phương và được ban pháp tự Trí Tâm, đến năm 1957 ngài thọ giới Tỳ kheo tại Đại giới đàn Tổ đình Nghĩa Phương do Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền tổ chức, được ban pháp hiệu Huệ Minh.
Năm 1958, lúc bấy giờ mới 24 tuổi mà ngài đã làm Giáo thọ của Trường Tư thục Bát Nhã, một năm sau đó, ngài được thầy bổn sư giao trách nhiệm xây dựng Tăng Học Viện tại chùa Phước Huệ (Vĩnh Hải - Nha Trang) thuộc hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam khu vực Trung phần để đào tạo Tăng tài. Đến năm 1964, ngài được cung thỉnh làm giáo thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Liên Quang (Bình sơn, Quảng Ngãi); từ năm 1965 đến năm 1972, ngài được thầy bổn sư cho đi du học tại Nhật Bản. Đầu năm 1972, ngài hoàn thành xuất sắc hai chương trình: Tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa tại Bukkyo Daigaku (Kyoto) và tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học tại Học viện Hiezan Gakuin của Thiên Thai Tông (Kyoto, Nhật Bản). Đầu năm 1972, hay tin thầy bổn sư viên tịch, ngài trở về nước thọ tang, khoảng thời gian này ngài được Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam cùng huynh đệ môn phong Tổ đình Nghĩa Phương tiến cử thừa kế Trụ trì Tổ đình Nghĩa Phương, đến tháng 3 năm 1973, ngài được tiến cử vào chức vụ Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Cổ Truyền Trung phần Việt Nam.
Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI (2007-2012) ngài được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử Trưởng Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong nhiệm kỳ VIII, ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy tôn Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
Đối với hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, từ năm 2012 trở đi, ngài được tông môn pháp phái cung thỉnh làm Trưởng môn phong Tổ đình Nghĩa Phương, đặc biệt sau khi Hòa thượng Thích Huệ Thành trụ trì kiêm Trưởng môn phong Tổ đình Long Thiền (Biên Hòa) viên tịch, thì vào năm 2014, ngài được chư Tôn đức Tăng Ni thuộc môn phong Tổ đình Long Thiền cung thỉnh làm Trưởng môn phong Tổ đình Long Thiền. lại nữa, vào năm 2016, sau khi Hòa thượng Thích Chánh Trí trụ trì kiêm Trưởng môn phái Tổ đình Hải Đức viên tịch, ngài cũng được cung thỉnh vào ngôi vị Trưởng môn phái Tổ đình Hải Đức. Trong suốt hơn 60 năm hành đạo, với cương vị Trưởng tông phong Tổ đình Nghĩa Phương, ngài đã trùng tu tôn tạo và khai sáng nhiều ngôi già lam như chùa Nghĩa Sơn (Phước Đồng, Nha Trang); đại trùng tu Tổ Đình Nghĩa Phương; chùa Phước Lâm và chùa Nghĩa Phước(Diên Khánh, Khánh Hòa)… Ngài được Nhà nước và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2011), Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (năm 2007), Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc (1990), Bằng khen của Thủ Tướng trao tặng về việc tích cực vận động Tăng Ni, Phật tử xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 2007) và nhiều Bằng tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam…
Tóm lại, các ngài đều là bậc thạch trụ tòng lâm giàu lòng yêu nước, trên bước đường dấn thân nhập thế, những đóng góp quý báu của các ngài và những thành quả đạt được đã khẳng định vai trò và vị trí của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam trong sự nghiệp xương minh Phật pháp, trong công cuộc thống nhất, xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
4. Sự hưng thạnh của thiền phái Lâm Tế Gia Phổ thông qua sự phát triển cơ sở tự viện của hệ phái Phật giáo Cổ truyền tại Trung Trung Bộ và Tây Nguyên Gia Lai
4.1 Những ngôi chùa của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ tại Tây Nguyên Gia Lai
1) Tổ đình Minh Quang (Pleiku – Gia Lai) trụ trì Hòa thượng Trí Thạnh - Nhựt Trung thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
2) Chùa Bửu Tịnh (Huyện Ayunpa – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Trí Yên - Lệ Xuân thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42.
3) Chùa Minh Thành (Pleiku – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Tâm Mãn - Lệ Chuyên thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
4) Chùa Minh Hòa (An Khê – Gia Lai) trụ trì Hòa thượng An Nghị - Nhựt Quáng thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
5) Chùa Minh Quang (An Khê – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Trí An – Lệ Phúc thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
6) Chùa Phước Hòa (Pleiku – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Trí Thanh – Lệ Hiền thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
7) Chùa Minh Châu (Mang Yang – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Trí Thức – Lệ Thành thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
8) Chùa Thiên Long (Pleiku – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Nguyên An – Lệ Thiện thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
9) Chùa Linh Hội (Đăk pơ – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Trí Đức – Lệ Diềm thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
10) Chùa Minh Đạo (Pleiku – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Lệ Cần – Trung Tâm thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43
11) Chùa Phổ Hiền (Pleiku – Gia Lai) trụ trì Đại đức Lệ Liên – Trung Trí thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43
12) Chùa Minh Trí (Iapa – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Trí Yên – Lệ Xuân thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
13) Chùa Minh Nghiêm (Iagrai – Gia Lai) trụ trì Đại đức Quảng Hồng – Lệ Hòa thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
14) Chùa Minh Tường (Ia Grai – Gia Lai) trụ trì Đại đức Lệ Tú – Viên Minh thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
15) Chùa Minh Tạng (Đăk Pơ – Gia Lai) trụ trì Thượng tọa Tâm Mãn – Lệ Chuyên thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
16) Chùa Minh Thiện (An Khê – Gia Lai) trụ trì Đại đức Thiện Nguyện thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
17) Chùa Minh Chơn (Đắk Đoa – Gia Lai) trụ trì Đại đức Thị Huệ - Trung Thị thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43
18) Chùa Minh Lâm Ni Tự (Pleiku – Gia Lai) trụ trì Ni sư Thích Nữ Huệ Trí – Lệ Tịnh thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
19) Chùa Nghĩa Bổn (Chư Păh, Tx Ayunpa – Gia Lai) trụ trì Sư cô Thích Nữ Tâm Như – Trung Ngọc thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43
20) Chùa Minh Ngọc (Pleiku – Gia Lai) trụ trì Sư cô Thích Nữ Nhựt Diệu thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43
21) Chùa Minh Trung (Phú Thiện – Gia Lai) trụ trì Sư cô Thích Nữ Tâm Thịnh thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43
4.2 Những ngôi chùa của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ tại Thành phố Hồ Chí Minh
1) Tu viện Khánh An (Quận 12 – Tp. Hồ Chí Minh) trụ trì Thượng tọa Trí Chơn – Lệ Bàn thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42.
2) Chùa Vạn Hạnh (Quận 12 – Tp. Hồ Chí Minh) trụ trì Thượng tọa Trí Thường – Lệ Nhựt thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42.
3) Chùa Vạn Hạnh (Củ Chi – Tp. Hồ Chí Minh) trụ trì Thượng tọa Trí Thường – Lệ Nhựt thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42.
4) Chùa Ngọc Thuận (Hóc Môn, Tp.Hồ Chí Minh) trụ trì Thượng tọa Trí Đắc – Lệ Tâm thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42.
5) Chùa Sắc Tứ Trường Thọ (Gò Gấp – Tp. Hồ Chí Minh) trụ trì Đại đức Huệ Quang – Trung Toàn thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43.
6) Chùa Liên Trì (Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh) trụ trì Ni sư Thích Nữ Lệ Tấn thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42.
7) Chùa Liên Trì (Quận 12, Tp Hồ Chí Minh) tại trụ trì Ni sư Thích Nữ Lệ Hòa thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
8) Chùa Long Phước (Bình Thạnh – Tp. Hồ Chí Minh) trụ trì Ni sư Thích Nữ Huệ Dâng – Lệ Dâng thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
4.3 Những ngôi chùa của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ tại tỉnh Đồng Nai
1) Chùa Hoa Quang (Tp. Biên Hòa – Đồng Nai) trụ trì Đại đức Lệ Nhẫn – Trung Thông thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43
2) Chùa Phổ Đà (Vĩnh Cửu – Đồng Nai) trụ trì Ni sư Thích Nữ Lệ Nhất thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42
3) Chùa Thiền An (Long Thành, Đồng Nai) trụ trì Sư cô Thích Nữ Tâm Tuyền – Trung Hà thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43.
Ngoài ra, ở nước ngoài như Cộng Hòa Czech có Thượng tọa Trí Chơn – Lệ Bàn thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42 làm trụ trì chùa Giác Đạo (Tp. Cheb, Cộng hòa Czech) và vị này cũng làm trụ trì chùa Nhân Hòa ở Tp Warszawa nước Cộng hòa Ba Lan. Tại Nhật Bản hiện có Sư cô Thích Nữ Tâm Trí – Trung Tuệ thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 43 làm trụ trì chùa An Tịnh (Kumagaya Nhật Bản)…
***
Những chặng đường lịch sử của Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam nói chung và tại miền Trung Trung Bộ và Tây Nguyên Gia Lai nói riêng thật là vô cùng phong phú đa sắc thái. Tuy nhiên trên đây chúng tôi chỉ nêu lên vài nét tiêu biểu chứng minh cho sự phát triển của Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng cũng như sự đóng góp của Chư Tôn Đức trong thiền phái Lâm Tế Gia Phổ qua các đời truyền thừa. Do tư liệu chúng tôi có chưa được đầy đủ và hoàn thiện, nhân đây tôi kính mong Chư tôn Thiền đức hoan hỷ bổ sung thêm những vấn đề của hệ phái Phật giáo Cổ truyền nói chung và khu vực Trung Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng, cũng như các nước bạn trên thế giới, tạo thêm nguồn tư liệu về sự phát triển cơ sở tự viện của hệ phái được đầy đủ hơn để góp phần bổ sung nguồn sử liệu cho Phật giáo Việt Nam.
* Hòa thượng Thích Trí Thạnh: Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực BTS Phật giáo tỉnh Gia Lai, nguyên Đặc ủy Tăng sự Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại Tây Nguyên Gia Lai; Trưởng tông môn Nguyên Thiều Gia Phổ tại các chùa trực thuộc hệ phái Phật giáo Cổ truyền khu vực Tây Nguyên Gia Lai, ngài là đệ tử của Hòa thượng Hồng Sang, cũng là đệ tử y chỉ cầu pháp với Hòa thượng Bích Lâm.
Bình luận bài viết