Thông tin

PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

VỚI ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ THÀNH

THẾ HỆ KẾ THỪA VÀ SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP CỦA NGÀI

 

Thượng tọa Tiến sĩ THÍCH HUỆ KHAI
Ủy viên HĐTS, Phó Thường trực BTS
GHPGVN tỉnh Đồng Nai,
Trưởng ban BTS GHPGVN TP Biên Hòa

 

Phật giáo là một tôn giáo đã đi sâu vào lòng dân tộc. Gần 2000 năm qua, Phật giáo cùng thăng trầm với vận mệnh của đất nước. Qua từng thời kỳ, thời đại, Phật giáo luôn là một thành viên trung kiên hết mình cùng dân Việt. Dù như thế nào, Phật giáo vẫn giữ vững lập trường “Hộ quốc an dân”. Các thời đại khác nhau, nên Phật giáo cũng nương theo thời đại ấy mà phát triển, lúc thuận duyên thì phát triển mạnh; lúc không thuận duyên vào rừng đóng cốc để tu. Nhưng khi đất nước lâm nguy, dân tộc bị áp bức, nô lệ là các tu sĩ Phật giáo cùng toàn dân tham gia kháng chiến chống giậc ngoại xâm. Cho nên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam từ thời Vạn Xuân, Đại cồ Việt.. đến nay, đã và đang ghi công trạng của những bậc cao Tăng đóng góp cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ đất nước chúng ta qua các thời đại.

Khi nói đến Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là quý Ngài muốn chúng ta nhớ lại thời Phật giáo thuở xa xưa ấy là “ngay từ thế kỷ VI, qua các triều đại độc lập đầu tiên của dân tộc sau 600 năm lệ thuộc, Phật giáo không những đã ở trong lòng dân tộc mà còn là nền tảng tâm linh và tinh thần của dân tộc”1. Và Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói: “nối quan hệ giữa Phật giáo với cuộc vận động độc lập, nói lên rằng nhà chùa thuở nọ là những cơ sở quan trọng cho tư tưởng dân tộc phát triển”2. Tuy nhiên, Phật giáo thời bây giờ bị phân tán, hoạt động rời rạc, đơn lẻ không có tổ chức. Cho nên việc đầu tiên, Chư Tôn đức thấy được sự yếu kém không đoàn kết trong nội bộ Phật giáo, nên quý Ngài tìm cách kết nối lại. Bằng cách thành lập Hội kỵ, Hội này tổ chức vần công từ cúng giổ Tổ của các chùa. Rồi lần lần đến tổ chức Hội Lục hòa Liên xã, được thành lập tại trường hạ Tổ đình Giác Lâm vào năm 1922, do Đại lão HT. Thích Từ Văn lãnh đạo3… Và sau ngày 2/9/1945, khi Bác Hồ Chủ Tịch đọc bài tuyên ngôn độc lập, tại Vườn hoa Ba Đình (nay là Hội trường Ba Đình), thì ngày 23 tháng 9 năm 1945, Thực đân Pháp tái đánh chiếm Việt Nam và chiếm lĩnh chính sự. Nhân dân ta chỉ hưởng 21 ngày Độc lập – Tự do và sau đó tiếp tục đi vào con đường kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc bây giờ, Phật giáo cứu quốc Nam bộ lần lược ra đời… Đến năm 1952, Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử ra đời. Đến cuối năm 1953, cố Trưởng lão HT. Thích Huệ Thành trên cương vị là Trưởng ban Hoằng pháp Giáo Hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, thì Ngài đã đi khắp nơi, với nhiệm vụ Hoằng pháp, nhất là ở tại miền Đông Nam bộ. Ngài khéo léo, vận dụng việc Hoằng pháp của mình đi vào lòng quần chúng nhân. Đây cũng là thời điểm củng cố mở rộng Giáo hội Lục hòa Tăng đến từ những miền thôn quê, dân dã, những vùng sâu, vùng xa kết nối đến các tỉnh. Thời điểm này, Ngài quy tụ rất nhiều vị Tăng Ni và Phật tử ngưỡng mộ và theo ủng hộ kháng chiến. Đó là những việc làm vô cùng quan trọng cho thời kháng chiến. Và mãi đến ngày 09/11/1968, hai Giáo hội là Hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử, kết hợp tổ chức thành lập một Giáo hội là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nhưng mãi đến ngày 29/3/1972 mới có quyết định Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, có 12 chương và 20 điều. Lúc bây giờ có hai vị Tổ sư đương kim Bửu Lâm, Long Quang là Hội đồng Trưởng lão tối cao; Hội đồng Viện Tăng thống; Hội đồng Viện Hoằng đạo, các Đại diện miền Bắc Trung phần, miền Nam Trung phần Cao nguyên Trung phần, niềm Đông Nam phần, miền Tây Nam phần, đại biểu 32 Tỉnh hội và 84 Quận hội trong toàn quốc (tính các tỉnh từ vĩ tuyến 17 đến Mũi Cà Mau)4. Đó là khái quát về quá trình hình thành và chuyển hướng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền. Sở dĩ, từ Hội Phật giáo Liên xã đổi thành Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ, Hội Lục hòa Tăng Việt Nam, Lục hòa Phật tử cho đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, tuy tên có thay đổi để tránh né sự truy sát của địch nhưng nội dung yêu nước của quý Ngài không thay đổi. Trong bài này, chúng tôi chỉ trình bày Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành hoạt động Phật sự từ năm 1975 đến 1985 và các hàng hậu duệ kế thừa, cũng như sự nghiệp hoằng pháp của Ngài.

1. Sau ngày Giải phóng là thành viên của Hội Phật giáo Cứu quốc đã góp phần trong xây dựng Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1975 – 1985)

Lúc bây giờ, Đại lão HT. Thích Huệ Thành là đương kim Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ngài đã vận động, kêu gọi và mở khóa học đầu tiên tại chùa Trường Thạnh, đường Bác sĩ Yersen, quận Nhì, Sài Gòn (TP. HCM) để đào tạo 60 học viên của Phật giáo yêu nước, do Mặt trận Giải phóng Sài Gòn – Gia Định) đến hướng dẫn, giảng huấn, gồm có ông Phạm Hồng Kỳ (Mặt trận Trung ương), bà Nguyễn Thị Thanh Quyên và ông Mười Anh (Mặt trận Sài Gòn - Gia Định). Và sau đó, tham dự Hội nghị Hiệp thương Chánh trị, đế tiến tới thống nhất Tổ quốc, trong thành phần tham dự hội nghị có nhiều Giáo hội… về Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có quý Hòa Thượng, như Đại lão HT. Thích Minh Nguyệt, Đại lão HT. Thích Huệ Thành, Đại lão HT. Thích Thiện Hào là đại biểu miền Nam, tham dự Hội nghị Hiệp thương Chính trị thống nhất Tổ quốc, do ông Phạm Hùng chủ trì để ký kết các văn kiện thống nhất Tổ quốc.

Ban liên lạc Phật giáo yêu nước, được sự nhất trí chấp thuận của Mặt trận Tp. Hồ Chí Minh là Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được chỉ định thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, Chủ tịch: HT. Thích Minh Nguyệt; Phó Chủ tịch: HT. Thích Thiện Hào và HT. Thích Bửu Ý; các thành viên: HT. Thích Pháp Dõng…Riêng tỉnh Đồng Nai Đại lão HT. Thích Huệ Thành được mời tham dự Đại biểu khu Đông Nam, tham dự Hội nghị thống nhất 3 tỉnh cũ: Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa thống nhất thành tỉnh Đồng Nai, lúc bây giờ. Đây là trong giai đọan mới là xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Đến ngày 07/11/1981, Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc tại chùa Quán Sứ, Thủ đô – Hà Nội, Đại lão HT. Thích Huệ Thành được Tăng Ni và Phật tử cả nước tin tưởng suy cử là Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại lão Hòa Thượng còn được Trung ương Giáo hội đặc trách, lãnh đạo Tăng Ni và Phật tử khu Đông Nam bộ, làm nhiệm vụ xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Đến năm 1982, Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành vận động tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai. Tăng Ni và Phật tử toàn tỉnh cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành là Trưởng ban Ban trị sự Phật giáo tỉnh đầu tiên. Trong Ban trị sự có Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Khải, Trụ trì chùa Thanh Lương là Phó ban Thường trực BTS, Đại lão Hòa thượng Thích Diệu Tâm, Trụ trì chùa Phi Lai là Phó ban BTS, HT. Thích Thiện Thuận, Trụ trì chùa Phước Long là Chánh thư ký, HT. Thích Huệ Hiền, Trụ trì chùa Thanh Long là Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng BTS, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Từ, lúc bây giờ là Ủy viên Từ thiện xã hội tỉnh, sau đó về Trung ương Giáo hội… tất cả là 25 thành viên, đến nay chỉ còn lại 3 vị đang làm việc tại BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, đó là: 1. Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương, Trụ trì chùa Bửu Phong là từ chức vị Ủy Văn hóa BTS tỉnh đến Ủy viên Từ thiện Ban Từ thiện Trung ương, Ủy viên HĐTS kiêm Ủy viên Ban Tăng sự trung ương, Phó phân ban Ni giới Trung ương, Phó ban BTS kiêm Phó ban Ban Tăng sự tỉnh, Trưởng Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Bửu Phong và Ni trưởng Huệ Hương làm Chánh Đại diện Phật giáo thành phố Biên Hòa 10 năm (1983 – 1993); 2. Cư sĩ Hồ Dũng Minh Tuấn, pháp danh Phước Tú, lúc bây giờ là Ủy viên BTS, đến năm 1990 xuất gia lại với Đại lão HT. Thích Huệ Thành và hiện nay là HT. Thích Phước Tú, trụ chùa Từ Tôn đang giữ chức vụ là Trưởng ban Ban nghi lễ tỉnh và 3. HT. Thích Huệ Tâm, trụ trì chùa Bảo Sơn (Long Khánh) hiện là Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Đồng Nai. Trụ sở đầu tiên của BTS, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đặt tại Tổ đình Long Thiền, lúc bây giờ, tỉnh Đồng Nai gồm cả ba tỉnh là Biên Hòa cũ, Long Khánh và Bà Rịa.

Những hoạt động của Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, từ sau ngày giải phóng đến nay (1975 – 1985) qua các nhiệm vụ: Thành viên của Măt trận Giải phóng, sau khi thống nhất Tổ quốc, sau đổi thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai; Đại lão HT. Thích Huệ Thành còn được cử Phó chủ tịch Hội đồng, dân bầu cử Hội đồng phân 3 cấp tỉnh Đồng Nai, đặc trách Tp. Biên Hòa, Thị xã Vũng Tàu và huyện Duyên Hải (lúc đó là năm 1976 Vũng Tàu, Duyên Hải còn trong lãnh thổ tỉnh Đồng Nai); Được đề cử, ứng cử và đắc cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, khóa 2; Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, khóa 2; Thành viên Ban vận động mua Công trái phiếu, xây dựng Tổ quốc tỉnh Đồng Nai. Trong cương vị là chức năng mới, Đại lão HT. Thích Huệ Thành đã động viên và khuyến khích hàng giáo phẩm Tăng Ni và Phật tử phát huy truyền thống yêu nước, tích cự tham gia giai đoạn Cách mạng mới.

Về mặt hoạt động Cách mạng, xây dựng Xã hội Chủ nghĩa là: 1. Quan hệ sản xuất, đã động viên và khuyến khích các chùa chiền tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất trên phần đồng ruộng được hưởng theo Chính sách của Nhà nước, còn lại bao nhiêu đưa vào Tập đoàn sản xuất tại địa phương. Vận động các chùa chiền tăng năng xuất bằng cách áp dụng kỷ thuật khoa học vào khu vực canh tác; 2. Cách mạng văn hóa và tư tưởng là khuyến khích Tăng Ni, Phật tử sống theo lời Phật dạy phù hợp với đời sống mới Xã hội Chủ nghĩa, tuyệt đối không được bày trò mê tin dị đoan, như là xin xăm bói toán…

Về việc tham gia làm thủy lợi, đầu năm 1977 Đại lão Hòa Thượng đã huy động 135 Tăng Ni làm thủy lợi tại xã Bửu Long (nay là phường Bửu Long), Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành tự vác cuốc đào vét kinh mương của chương trình “Dẫn thủy nhập điền” đi đầu làm gương mẫu. Tại phường Tân Mai, Đại lão Hòa Thượng đã huy động 140 Tăng Ni đi đào hố giấy vụn tại Xí nghiệp Giấy Tân Mai, với một số tu sĩ Thiên Chúa giáo tham gia trong ngày Lao động Cộng sản Chủ nghĩa. Sau ngày Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1981, trên cương vị Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai năm 1982, Ngài đã lãnh đạo Tăng Ni và Phật tử tích cực làm tốt bổn phận công dân của mình.

Từ năm 1982 đến 1985 làm những việc cụ thể, như: Khuyến khích Tăng Ni gởi ủng hộ đồng bào Nghệ Tỉnh bị thiên tai bão lụt 7.500.000đ. Tổ chức 2 xuất văn nghệ tại rạp hát Thanh Bình do Phật tử không chuyên của TP. Biên Hòa trình diễn 30.000.000đ gửi qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai chuyển ngay đến tỉnh Nghệ Tỉnh. Vận động trên 250 vị trụ trì đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai khóa I, ký vào kiến nghị hướng ứng Hòa Bình, chống chiến tranh hạt nhân và chạy đua trang bị vũ khí hạt nhân. Hướng dẫn Phái đoàn Phật giáo tỉnh tham quan Công trình Thủy Điện Trị An và ủng hộ công trình 5.000.000đ. Cổ động các chùa gửi tiền tiết kiệm Xã hội Chủ nghĩa, trong 3 tháng được trên 150.000đ (Tiền cũ)…Động viên các tự viện trong tỉnh mua Công trái xây dựng Tổ quốc, cuối năm 1983 Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh Đồng Nai ủng hộ trên 1. 250.000đ (tiền cũ). Cổ động và khuyến khích các chùa mở phòng thuốc Y học dân tộc và trồng cây thuốc Nam. Vận động các tự viện, trồng cây gây rừng, điển hình như Quan Âm Tu Viện đã trồng trên được 300.000 cây các loại, được bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tặng thưởng. Về việc Tiểu thủ Công nghiệp, điển hình có hợp tác xã Thành Công, chuyên đan hàng Mây tre lá xuất khẩu, do Ni trưởng Huệ Từ (Nguyễn Thị Hồng) làm chủ nhiệm đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trên 19.000.000đ (tiền cũ) và về sản xuất Nông nghiệp có Ni trưởng Huệ Hương (Nguyễn Thanh Thủy) trụ trì chùa Bửu Phong xã Tân Bửu (phường Bửu Long) được Ủy ban nhân dân TP. Biên Hòa tặng bằng khen là Lao động tiên tiến…

Tóm lại qua trình hoạt động Đạo pháp và dân tộc của cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, từ khi tham gia kháng chiến cứu quốc, như: các thành viên Ban chấp hành Phật giáo Cứu quốc Nam bộ, các Tỉnh ở phía Nam và phía Đông Nam bộ. Trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp đến thời kỳ chống Mỹ ngụy, đến khi thoát ly vào khu kháng chiến và chuyến hướng về Thành công tác Cách mạng, cho đến ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, khi hoạt động trong vòng bí mật, khi bán công khai, cũng như công khai... Tuy danh nghĩa khác nhau, nhưng không ngoài mục đích kháng chiến cứu quốc, cứu dân khỏi ách nô lệ lầm than và chống bọn ngoại bang xâm lược. Trên đường cứu quốc, Phật giáo được sự đưa đường chỉ lối của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, soi sáng qua những cương lĩnh Cách mạng, đúng đắn của Đảng do Hồ Chủ Tịch muôn vàn kính yêu sáng lập và lãnh đạo. Được sự trui rèn, nung nấu trong lò lửa Cách mạng. Ban Chấp hành Phật giáo Cứu quốc Nam bộ , cũng như các tỉnh ở phía Nam xuyên suốt 30 năm (1945 – 1975) kháng chiếu cứu quốc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như hoạt động qua 10 năm giải phóng (1975 – 1985) đều tích cực, góp phần đắc lực cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Tất cả là vì sự nghiệp Cách mạng là sự nghiệp chung của toàn dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, nhất định sẽ đưa đất nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lên đài vinh quang, đem lại sự nghiệp ấm no, hạnh phúc cho toàn dân mà Phật giáo chúng tôi quyết đóng góp thiết thực qua phương pháp chăm ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là “Đạo pháp – dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

2. Các hậu duệ của cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành

Trong quá trình hoằng dương Chánh Pháp của cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, Ngài đã để lại một số hậu duệ đã tham gia tích cực đối với Đạo pháp, dân tộc, nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh thành, quận, huyện như: hàng giáo Phẩm, có cố Đại lão HT. Thích Trí Tâm, Phó pháp chủ GHPGVN, trụ trì Tổ đình Nghĩa Phương – Nha Trang; HT. Thích Thiện Hiện thành viên HĐCM Trung ương, trụ trì chùa Hội Phước (Vĩnh Cửu, Đồng Nai); cố HT. Thích Trừng Thắng tự Nhật Thắng, hiệu Thiện Tấn, trụ trì chùa Bửu Quang – Gia Lào là Pháp tử cầu pháp với cố Đại lão HT Thích Huệ Thành, đã tham gia ủng hộ kháng chiến với nhiệm vụ liên lạc viên cho chi đội 10 E310, là nơi từng nuôi giấu cụ Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (đã mất), ông Huỳnh Công Tâm chi đội trưởng chi đội 10 E310, ông Trần Công An, ông Huỳnh Văn Nghệ… HT. Thích Huệ Chí, Chứng Minh BTS GHPGVN Tp. Biên Hòa, trụ trì chùa Thiên Long (p. Thống Nhất, Tp. Biên Hòa)….

Hàng đệ tử bên Tăng là những vị từng tham gia liên lạc viên cho Phật Giáo Cứu Quốc Nam Bộ, những người thường ủng hộ cho Phật giáo Cứu quốc, khi có chỉ đạo của cố Đại lão HT Thích Huệ Thành như: cố HT. Thích Huệ Chiếu trụ trì chùa Sắc Tứ Hộ Quốc Quan tại TP.Biên Hòa, cố HT Thích Huệ Đạt trụ trì chùa Long Sơn Thạch Động - Biên Hòa; cố HT. Thích Thiện An hiệu Nhựt Phước, trụ trì chùa Bửu Phước, huyện Tân Uyên, Ngài là Tăng giám Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Sông Lô, chiến khu Đ. Hòa Thượng Thích Nhật Tấn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3 và chùa Bửu Phước được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia… Và những người đệ Tăng tử từ 1975 về sau, như cố HT. Thích Huệ Hiền, nguyên Ủy viên HĐTS, nguyên Phó ban Thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, nguyên Chánh đại diện Phật giáo Tp. Biên Hòa, trụ trì Chùa Thanh Long và Tổ đình Long Thiền (đã viên tịch); HT. Thích Huệ Cảnh, Trưởng ban BTS GHPGVN, Q. 9, trụ trì chùa Bửu Thạnh, Q. 9, Tp. HCM; HT. Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh văn phòng Thường trực HĐTS GHPGVN kiêm Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, trụ trì Tổ đình Hội Khánh và chùa Hội An tại tỉnh Bình Dương; TT. Thích Huệ Khai, Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai và Trưởng ban BTS GHPGVN Tp. Biên Hòa, trụ trì Tổ đình Long Thiền; TT. Thích Huệ Sanh, Phó ban BTS kiêm Trưởng ban Ban Phật giáo quốc tế tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Thanh Long; TT. Thích Phước Nguyên, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó văn phòng Thường trực HĐTS GHPGVN, trụ trì chùa Huyền Trang, quận Gò Vấp; TT. Thích Huệ Ninh, Ủy viên BTS tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Ban kiểm soát BTS GHPGVN Tp. Biên Hòa, trụ trì chùa Hiển Lâm (chùa Hóc); TT. Thích Thiện Thọ, Trưởng ban Ban nghi lễ BTS GHPGVN Tp. Biên Hòa, trụ trì chùa Chúc Thọ; TT. Thích Huệ Tánh, Trưởng ban BTS GHPGVN Tp. Long Khánh, trụ trì chùa Xuân Hòa; TT. Thích Huệ Nghiệp, Phó ban BTS GHPGVN huyện Long Thành, trụ trì chùa Phước An (chùa Lá)…

Hàng đệ tử bên Ni là Ni trưởng TN Huệ Hương, Ủy viên HĐTS, kiêm Ủy viên Ban Tăng sự Trung ương, Phó phân ban Ni giới Trung ương, chuyên trách Đối ngoại, Phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh kiêm Phó ban Tăng sự, Trưởng phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai. Hiện nay Ni trưởng Huệ Hương là người đệ tử Ni lớn nhất của cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành và Ni trưởng từng là Ủy viên ngoại vụ Viện Tăng Thống GHPG Cổ truyền Việt Nam, Ủy viên Phật giáo yêu nước, Trưởng Ban từ thiện xã hội GHPG cổ truyền Việt Nam liên tỉnh Miền đông, khi cố Đại lão Hòa Thượng Thích Huệ Thành còn sanh tiền, từ năm 1968 đến nay (2020). Kế đến là Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện, trụ trì chùa An Linh – Dĩ An (thân mẫu Ni trưởng Huệ Hương) làm công tác nữ giao liên phụ trách công tác thành, cung cấp lương thực thuốc men, vận động cho chiến khu mượn tiền, lúa gạo, và ủng hộ mọi vật dụng cho kháng chiến… Ni trưởng Thích Nữ Diệu Trí (dì của Ni trưởng Huệ Hương) là cán bộ giao liên được nhà Nước tặng Huân chương hạng ba; Ni sư Thích Nữ Như Linh, trụ trì chùa Bạch Liên – Long Thành; Ni sư Thích Nữ Như Liên, trụ trì chùa Thiên Chơn huyện Định Quán (những vị này đều đã viên tịch). Ni sư Thích nữ Diệu Minh trụ trì chùa Bửu Hưng, Đồng Nai (chùa Cô Hồn) nơi ủng hộ, che giấu Cách mạng hoạt động kháng chiến…Ni Trưởng Diệu Chánh, nguyên Trưởng Phân ban Ni giới Tp. Long Khánh, trụ trì chùa Long Khánh; Ni Trưởng Diệu Niệm…. Hàng cháu: có Ni trưởng Thích Nữ Như Bửu, trụ trì chùa Kiều Đàm, thành viên Ni giới GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Ni sư Thích Nữ Huệ Tâm, Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Hoàng Ân; Ni sư Thích Nữ Diệu Minh, nguyên là Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa Mai Long; Sư cô Thích Nữ Diệu Trí, Trưởng ban Ban Kinh tế Tài Chánh BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Đại Giác và chùa Phước Hội; Ni sư Thích Nữ Diệu Phước, nguyên thư ký Văn phòng Ban đại diện Phật giáo Tp. Biên Hòa; Ni sư Diệu Liên, nguyên công tác Văn phòng BTS PG tỉnh Đồng Nai nhiều năm, Sư cô Huệ Hiếu hiện đang là Phó văn phòng tại BTS tỉnh Đồng Nai…

Trên đây là những vị hàng môn hạ, đệ tử đã làm việc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương đến tỉnh và các thành phố, huyện, thị và còn một số vị công tác ở các tỉnh và nước ngoài mà chúng tôi chưa đề cập đến.

3. Sự nghiệp Hoằng Pháp của cố Đại lão Hòa Thượng ân sư

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành 12 tuổi đã xuất gia với Sư cụ Pháp Ấn hiệu Như Quới tại chùa Phước Tường, xã Phú Hửu, quận Thủ Đức tỉnh Gia Định (nay là Q.9, Tp. HCM). Được Sư cụ đặt pháp danh theo dòng kệ “Đạo bổn nguyên..” là Hồng Tín hiệu là Huệ Thành, dòng Lâm tế Gia phổ thứ 40. Đến tháng 7 năm 1942, Sư cụ Pháp Ấn cử 3 vị đệ tử đi hoằng Pháp độ sanh, Đại lão Hòa Thượng được bổ nhiệm trụ trì Tổ đình Long Thiền (Tp. Biên Hòa). Và vào ngày 15 tháng Giêng năm Tân Mão (1951), Sư cụ Pháp Ấn viên tịch, Đại lão HT. Thích Huệ Thành đến cầu Pháp với Tổ Đạt Thanh là Pháp chủ Tăng già miền Nam Việt Nam, viện chủ chùa Long Quang (Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định). Tổ Đạt Thanh cho theo dòng kệ “Tổ Đạo…” nên Đại lão HT. Thích Huệ Thành có Pháp hiệu là Ngộ Tín… và Tổ Đạt Thanh liền ấn chứng truyền kệ phú Pháp:

“Ngộ đạo tu hành bát nhã tông

Tín tâm thanh tịnh phổ viên thông

Huệ nhật trung thiên quang tứ đại

Thành minh cảm cách chứng Phật ông”.

Đại lão HT. Thích Huệ Thành đi vào con đường phục vụ Đạo pháp và dân tộc theo gương hạnh của tiền bối thuở xưa, Ngài đã từng tham dự đại giới đàn, từ chức Giáo thọ, Yết ma đến Đàn đầu Hòa thượng, như: Đại giới đàn chùa Thiên Long (năm 1937 tại Tx. Biên Hòa), Tổ đình Long Thiền (năm 1942), tháng 3 năm 1952, Chư sơn Thiền Đức thỉnh Ngài làm Đàn đầu Hoà Thượng truyền giới tại Đại giới đàn chùa Đại Phước (Tx. Biên Hòa). Giáo hội Lục hòa Tăng khai mở trường Hương tại chùa Báo Quốc (Sài Gòn) do Sư cụ Phước Chí làm chủ Hương và cung thỉnh Hoà thượng làm Thiền chủ và kiêm giảng sư trường hạ. Năm 1955, với kế hoạch đào tạo Tăng tài và y nơi giới luật, khai mở trường Hương tại chùa Phước Tường, với Tăng chúng nhập hạ trên 100 vị, đa số đều có trình độ Trung, Đại học Phật giáo, Hoà thượng được cung thỉnh làm chủ Hương kiêm Pháp sư. Sau đó tái khai đàn đầu Hoà thượng truyền giới tại Giới đàn chùa Thanh Long (Tp. Biên Hoà). Năm 1963, Hoà thượng là một trong chư vị Tôn túc Hội đồng Chứng minh để cung thỉnh 13 viên Ngọc Xá Lợi do Đại đức Narada tặng chùa Kỳ Viên và đưa Xá lợi về tôn trí tại Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu) và Tổ đình Long Thiền. Hoà thượng là một trong các vị thỉnh đất thiêng (nơi Đản sinh, nơi Thành đạo, nới Chuyển Pháp luân và nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn) an trú tại những ngôi Tam bảo này. Cũng trong năm này, Hoà thượng chịu đựng vô vàn gian khổ dưới sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngài bị bao vây nhưng vẫn đứng vững và được Hoà thượng Tịnh Khiết gởi thư động viên và thăm hỏi cũng như ca ngợi tinh thần dũng cảm hy sinh và tán dương công đức “đơn thân vị pháp” của Ngài. Năm 1965, khai mở trường hạ tại chùa Phụng Sơn, Hoà thượng được cung thỉnh ngôi vị Chứng minh kiêm Pháp sư. Năm 1967, do sự lãnh đạo tài tình và hy sinh cao cả, Đại hội tôn cử Hoà thượng lên chức vụ Đại Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Lục Hoà Tăng, lãnh đạo Giáo hội và mở trường hạ tại Tổ đình Long Thiền, Hoà thượng làm chủ Hương kiêm Chứng minh, đại chúng nhập Hạ trên 300 vị. Nhân đây vận động Tăng Ni Phật tử gây quỹ ủng hộ kháng chiến, Hòa thượng Thích Huệ Ân Trụ trì chùa Vĩnh Phước và Sư bác Giáo thọ Thích Minh Tân trụ trì chùa Thập Phương tỉnh Kiên Giang đến chùa Trường Thạnh, tại số 97 đường Yersin, phường Cầu Ông Lãnh, quận Nhì, Sài Gòn, được cố Hòa thượng Thích Quảng Kim cùng đi với quý Ngài đến thăm Trường Hương tại Tổ đình Long Thiền. Lúc đó có các vị hành giả Chùa Vĩnh Phước và Chùa Thập Phương ở Kiên Giang tu học tại Trường Hương này. Đến ngày 15/03/1969 (Kỷ Dậu) Sư bác Giáo thọ Thích Minh Tân trụ trì Chùa Thập Phương (Rạch Giá) viên tịch, thì cố Đại lão Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Quảng Kim, cùng phái đoàn xuống viếng lễ tang và quý Ngài về chùa Vĩnh Phước nghỉ đêm tại đó, nhân đây bàn công việc quan trọng... Đây là một mối liên hệ rất đặc biệt mà ít ai biết đến.

Năm 1968, để tăng cường sự Hoằng pháp độ sinh trong Phật giáo và sức chiến đấu giải phóng dân tộc, Hiến chương của Giáo hội được soạn thảo có sự tham gia và nhất trí của cấp trên và Thành uỷ Sài Gòn- Gia Định, thống nhất hai tổ chức Lục Hoà Tăng và Lục Hoà Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Đại hội đã suy tôn Hoà thượng Thích Huệ Thành lên ngôi vị Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Đến năm 1970, Hoà thượng tái khai đàn đầu truyền giới tại chùa Thanh Long Biên Hoà. Từ năm 1972 đến năm 1975, Hoà thượng Chứng minh chỉ đạo công tác Từ thiện Xã hội cứu trợ đồng bào tản cư vì chiến tranh. Năm 1980 Đại giới đàn cuối cùng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được tổ chức tại chùa Bửu Phong - Biên Hòa. Đến ngày 7/11/1981, Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Toàn quốc tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, Hoà thượng được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Ngài được uỷ nhiệm thành lập Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai. Năm 1982, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Hoà thượng được cử làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ I. Từ nhiệm kỳ II trở đi Hoà thượng được suy tôn lên hàng Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Hoà thượng đã hướng dẫn lãnh đạo, suốt con đường Phật giáo tại tỉnh nhà một cách tích cực và phát triển trong nhiệm vụ phụng sự Đạo pháp và dân tộc. Tháng 8 năm 1990, Hoà thượng được cử vào Hội đồng Chứng minh về công tác phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ những năm 1982 cho đến ngày viên tịch, Ngài luôn là Hòa thượng Đường đầu thí giới cho các Tăng Ni giới tử không thấy mệt mỏi.

Tóm lại tính từ ngày Đại lão HT. Thích Huệ Thành làm Giáo thọ A xà lê tại chùa Thiên Long (1937) đến ngày viên tịch (2001) Đại lão HT. Thích Huệ Thành đã truyền trào giới pháp cho giới tử gần một vạn giới tử, từ Sa di đến Tỳ kheo. Và những người hiện đang phục vụ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ Nam đến Bắc và trong cũng như nước ngoài. Trên cương vị là một trong những bậc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là người sáng lập Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Hoà thượng đã hoạt động lãnh đạo tích cực, phát triển nhiều mặt cho Phật giáo tỉnh nhà, đáp ứng các phương hướng quy định Trung ương và thực hiện những đường lối chính sách của tỉnh nhà mà hàng giáo phẩm Tăng Ni, Phật tử đã đặt trọn vẹn niềm tin vào Ngài. Với uy tín và uy thế đạo đời mến mộ, nổi bậc nhất trong hàng giáo phẩm lãnh đạo tiêu biểu đã giúp Hoà thượng viên thành đạo nghiệp. Điển hình qua các mùa An cư Kiết hạ và những Đại Giới đàn của Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, Ngài kiến khai rất long trọng, tôn nghiêm và đúng theo quy tắc tòng lâm và giới luật đạo pháp. Cố đại lão Hoà thượng Ân sư không pho trương, sống đời giản dị thanh cao, với tấm lòng hy sinh, vị tha vô ngã trong các chức vụ của mình, với uy đức khiêm tốn của bậc cao Tăng, được biểu hiện nghiêm túc trong đời sống đạo hạnh. Với uy đức quý báu của Ngài, qua hạnh nguyện từ bi, hy sinh, với trí dũng sáng ngời tự tại vô ngại là tấm gương sáng cho biết bao môn sinh soi rọi kế thừa đạo nghiệp. Với công đức cống hiến của Hoà thượng vào sự nghiệp đạo pháp và xây dựng bảo vệ Tổ Quốc qua nhiều giai đoạn. Hoà thượng vinh dự được Giáo hội, Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Độc Lập hạng nhì; Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương chống Mỹ hạng nhì; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân; Huy hiệu 15 năm xây dựng Tổ Quốc; Huy hiệu Chiến sĩ Biên Phòng và bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như nhiều bằng khen của tỉnh Đồng Nai….

Trải qua hơn 70 năm tu học hành Bồ tát đạo, hoằng pháp lợi sinh, truyền thừa chánh pháp và đóng góp vào sự nghiệp của dân tộc, Đại lão Hoà thượng xứng đáng là bậc thạch trụ tăng già, bậc quang minh lỗi lạc, trí đức song toàn. Ngài xứng đáng là nhà mô phạm mẫu mực, làm tấm gương sáng muôn đời cho thế hệ mai sau noi theo. Tuy rằng định luật vô thường, xác thân của Đại lão Hòa thượng Ân sư phải đến hồi chuyển hóa, Ngài đã an nhiêu thu thần thị tịch vào lúc 19giờ ngày 24 tháng 4 Nhuận năm Tân Tỵ, Trụ thế 90 năm, Hạ lạp 70 năm. Hiện nay, các hàng môn hạ đệ tử đã xây hai ngôi tháp để tôn thờ Ngài, 1 là tại khuôn viên Tổ đình Long Thiền – Biên Hòa và 2 là ngôi tháp vọng tại chùa Bửu Thạnh, Q.9, Tp. HCM, đó là ngôi chùa Tổ phụ của Ngài và các chùa trong Môn phong Tổ đình Long Thiền đều thỉnh hình và linh vị cố Đại lão HT. Thích Huệ Thành về chùa để tôn thờ.

Kính thưa quý liệt vị,

Trên đây là một phần đóng góp của cố Đại lão Hoà thượng Thích Huệ Thành ân sư của chúng tôi. Là hàng hậu bối, nhắc đến công hạnh của Ngài là để đời sau biết đến và noi theo. Hôm nay, tuy Ngài đã viên mãn sự nghiệp hoằng hoá độ sinh, phục vụ đạo pháp và dân tộc, trở về thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo nghiệp của Đại lão Hoà thượng Ân sư vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng đã ghi vào trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Xin chân thành cám ơn!

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb: Văn hóa - văn nghệ TP HCM, 2019;

2. Đại lão HT. Thích Huệ Thành Báo cáo khái quát quá trình hình thành và chuyển biến của Phật giáo Cứu quốc Nam bộ (1945 – 1985), Nxb Lưu hành nội bộ.

3. Các bài phát biểu của Đại lão HT. Thích Huệ Thành

4. Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Nxb Đồng Nai 1998;

5. Huỳnh Ngọc Trảng, Địa chí Đồng Nai, Tập I Tổng quan Nxb Xí nghiệp In Đồng Nai và Nhà Thông tin tấn xã Việt Nam 2001.

6. Lý Khội Việt. Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo Phật học Việt quốc tế, Nxb North Hills CA. USA, 1988.

7. Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám. Tập I, Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1973.

 


1. Lý Khội Việt. Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo Phật học Việt quốc tế, Nxb North Hills CA. USA, 1988, tr. 76.

2. Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám. Tập I, Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1973, Tr. 491.

3. Đây là theo tư liệu của Thích Huệ Thông Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Tp. HCM, 2019, tr. 97.

4. Phần của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6795771