Thông tin

PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN: YÊU NƯỚC, LỤC HÒA VÀ THÂN DÂN

 

TS. HOÀNG VĂN LỄ
Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam

 

1. Yêu nước

Yêu nước vốn là truyền thống rất cơ bản của dân tộc Việt Nam, trong đó Phật giáo luôn đồng hành với lịch sử dựng nước và giữ nước nên các chùa ở làng thôn luôn là nơi hun đúc, truyền đạt chủ nghĩa yêu nước và yêu cầu cụ thể cho công cuộc bảo vệ đất nước. Phật giáo cổ truyền là giáo phái gắn chặt với nông thôn, với người lao động, chia sẻ các niềm vui, nổi khổ của người dân, nhất là những người yếu thế. Khi đất nước đứng trước cuộc xâm lấn của ngoại bang thì sư sãi nhận ra lẽ phải và cổ vũ hành động nơi quần chúng.

Phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, khi mà chế độ thực dân đã cai trị buộc nhân dân ta sống trong chế độ nô lệ khốn khó với nhiều kiểu cách bóc lột và hãm hại. Xuyên suốt quá trình đấu tranh chống Pháp giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; văn hóa Phật giáo hòa quyện chặt chẽ trong không gian chung của văn hóa dân tộc. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã thống trị nước ta, khống chế và tìm cách xóa sạch các truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, chính sách ngu dân và chia để trị được thực hiện xuyên suốt, một bộ phận khá lớn văn hóa dân tộc trong đó có văn hóa Phật giáo bị hao mòn lệch chuẩn hoặc bị xóa bỏ.

Nhân vật nhà Nho điển hình, cuộn mình theo chấn hưng Phật giáo như cụ Nguyễn Sinh Sắc, là thân sinh của Nguyễn Sinh Cung tức Hồ Chủ tịch; sinh năm 1862 (Nhâm Tuất) tại làng Kim Liên, Nghệ An. Năm 1894 (Giáp Ngọ), cụ đứng thứ 12 trong 20 người thi đỗ cử nhân của trường Nghệ An. Cụ là một trí thức Nho giáo khoa bảng, là người đã ra làm quan và vì khí khái trước hệ thống quan lại dưới chế độ thực dân, cụ đã từ quan hoặc bị buộc phải từ quan về làm người dân; tuy vậy tâm trí của người yêu nước không làm cụ buông bỏ, tìm kiếm và dấn thân trong công cuộc kháng Pháp trong suốt cuộc đời sau quan lại của mình.

Năm 1922, chùa Kim Tiên (Cai Lậy) tổ chức lễ khánh thành cụ Nguyễn Sinh Sắc viết tặng đôi liễn đối. Cụ viết:

“Đại đạo quảng khai thố giác khêu đàm để nguyệt;

Thiền môn giáo dưỡng qui mao thằng thụ đầu phong.”

Tạm dịch:

“Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước;

Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây.”

Vào cuối quý 3 năm 1923, cụ về chùa Linh Sơn cùng với các nhà sư Khánh Hòa, Khánh Anh, Thiện Chiếu bắt tay ngay vào việc khơi mào cho cuộc chấn hưng Phật giáo. Trước cổng chùa Linh Sơn xuất hiện ngay câu liễn đối:

“Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế;

Từ bi nải sát sanh dĩ độ chúng sanh.”

Tạm dịch:

“Đạo Phật là nhập thế chứ không yếm thế;

Từ bi (lắm lúc) phải sát sanh để cứu chúng sanh.”

Năm 1927, trước khi rời chùa Tiên Linh, cụ viết đôi liễn tặng Hòa thượng Khánh Hòa:

“Như thị Như Lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ qui Phật pháp.

Trí vi Trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào tri thức thượng thiên lai”

Tạm dịch:

“Đích thực Như lai, xuất thế khai thông, hướng kẻ mê quay về pháp Phật.

Thật là bậc Trí, hiện thân thuyết pháp, hô hào hàng trí đến cõi Thiên”.

Cuối tháng 11/1929, cụ Sắc lâm trọng bệnh và qua đời ngày 26/11/1929 (nhằm ngày 26 tháng 10 năm Kỷ Tỵ), thọ 67 tuổi tại chùa Hòa Long, được đồng bào Hòa An, Cao Lãnh chôn cất chu đáo.

Tư tưởng và cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã chứng minh cụ là một người yêu nước, thương dân, biết xả thân cho đại nghĩa, lấy quốc gia làm trọng; là một nhà học Phật uyên thâm, một tín đồ đạo Phật, tư tưởng nhập thế tích cực của Phật giáo.

Cần chú ý những ngôi chùa mà cụ Nguyễn Sinh Sắc và các nhà sư trụ trì mang đậm bản sắc Phật giáo cổ truyền, nhìn ra được mặt hạn hẹp của chư Tăng, quyết tâm chấn hưng đưa văn hóa Phật giáo đúng tầm thời cuộc, một cơ sở để phong trào yêu nước Việt Minh cất cánh từ giữa thế kỷ XX, đấu tranh thắng lợi, cuối cùng giành độc lập hoàn toàn vào ngày 30 tháng 04 năm 1975.

2. Pháp lục hòa cố kết Tăng đoàn

Đức Phật trong bối cảnh Tăng đoàn thời Phật tại thế, đã và tiếp tục tập hợp chúng Tăng để kiện toàn Tăng đoàn bền vững; ngài truyền đạt “pháp lục hòa” như sau:

Thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung): Khi đã sống chung và làm việc trong một tổ chức thì phải hòa thuận vui vẻ với nhau, không dùng uy quyền thế lực hay sức mạnh để lấn hiếp mà làm tổn hại cho nhau. Tăng đoàn bấy giờ không nhà cửa, không tài sản, ăn uống qua khất thực gần như không vướng bận; tu sĩ chuyên chú tu tập và hành thiền để giác ngộ chân lý giải thoát.

Khẩu hòa vô tranh (lời nói hòa hợp không tranh cãi): Sống không cãi nhau nhưng có quyền góp ý xây dựng với tinh thần hòa hợp cùng nhau học hỏi, không nói với nhau những lời gây chia rẽ bất hòa mà cần phải nói với nhau những lời vui vẻ, dịu dàng, hòa nhã, từ ái; điều cần thiết là phải tránh hẳn sự tranh cãi hơn thua.

Ý hòa đồng duyệt (ý hòa cùng vui): tâm ý luôn hoan hỷ vui vẻ với nhau, biết thông cảm với những suy nghĩ của người khác, không sanh tâm đố kỵ, kiêu ngạo, chỉ trích và phê phán.

Như vậy, thân miệng ý khi cùng nhau chung ở và làm việc, chúng ta phải vui vẻ sống hòa thuận với nhau để mình và người khác được an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Giới hòa đồng tu (giới hòa cùng tu tập): Cùng nhau sống dưới một môi trường và đoàn thể, chúng ta phải biết tôn trọng và thực hành những giới pháp đã được chỉ dạy và tuân thủ quy định chung.

Trong đạo Phật, từ người xuất gia cho đến Phật tử tại gia, tùy theo khả năng tu hành của mình mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Người tại gia thì thọ 5 giới; người xuất gia thì thọ 10 giới nếu là Sa di, thọ 250 giới nếu là Tỳ kheo Tăng và thọ 348 giới nếu là Tỳ kheo Ni v.v…

Kiến hòa đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu): Cùng chia sẻ hiểu biết cho nhau, cùng nhau góp ý xây dựng về quan điểm, cách nghĩ, cách làm, tất cả đều đặt trên cơ sở và nền tảng vì lợi ích chung cho mọi người.

Trong sự sống chung và cùng làm việc, mỗi người hiểu biết được điều gì tốt đẹp, phải giải bày và hướng dẫn cho nhiều người khác hiểu để họ cùng bắt chước và thực hành theo những gì có ích lợi.

Lợi hòa đồng quân (lợi hòa cùng chia): Cùng sống chung với nhau dưới một môi trường, ta phải chia đều cho nhau về vật chất, của cải, đồ dùng theo thứ bậc lớn nhỏ, không được lạm dụng quyền hạn của mình để làm của riêng.

Trong khi sống chung, nếu có người đem cho vật thực, y phục, mền chiếu, thuốc thang v.v…thì phải đem ra chia đều cho nhau, không vì tình riêng, kẻ ít người nhiều, mà phải lấy sự công bằng làm trọng theo thứ tự lớn nhỏ.

Phật giáo cổ truyền đi lên từ Hội “Lục Hòa Tăng” nên hệ phái này lấy pháp Lục Hòa nói trên làm cơ sở tổ chức và sinh hoạt. Tinh thần của pháp môn vốn là lời dạy căn bản của Đức Phật, nên dễ dàng được chấp nhận nơi Giáo hội hiện hành. Vấn đề là định tính và định lượng thật sát hợp với thời hiện đại.

3. Những ngôi chùa hệ phái Phật giáo cổ truyền: thân dân, yêu nước

3.1 Vài nét chung

Gần như làng xã nào ở miền quê Nam Bộ và cả nước ta đều có ngôi chùa. Thường dựng ở nơi thanh vắng, qui mô nhỏ, cổ kính; đặc biệt sinh hoạt tu tập, tu hành gắn liền với sinh hoạt địa phương, những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng và các ngày vía những vị Bồ tát, các vị Đại sư viên tịch được tổ chức qui củ tại chùa. Các ngày thường các vị Tăng, Ni (còn gọi là sãi) tu tập tại chùa và các sinh hoạt đời thường chăm sóc chùa, nhất là nơi thờ tự và tự chăm sóc bản thân các vị.

Vào dịp cúng lễ ma chay, quý sư thầy được người dân thỉnh mời đến tư gia làm lễ cúng, phần Phật tử ngoài việc cúng dường, họ còn tham gia các hoạt động trong chùa, gắn bó công tác từ thiện, chăm lo cho người gia neo đơn và trẻ mồ côi tại chùa… Tập tục “thầy chùa”, “thầu cúng” từ lâu đã trở thành nếp làng, nhưng phong trào tân học lại qui cho là lề thói cổ hủ, chê trách vì xem đó là gắn với mê tín, dị đoan. Song tất cả các sinh hoạt như tôn giáo ấy đã mặc nhiên tồn tại hàng ngàn năm ở nước ta, di dân tìm vùng đất mới sinh sống, chùa làng thiết lập khi cuộc sống sớm hình thành chưa thật trọn vẹn, nhưng lề lối cúng dường, cầu may mắn ấy đã đồng hành với ngôi chùa làng, và nó đã trở thành hồn quê tại các chùa làng, dù rằng Phật tử miền quê ít người thấu hiểu kinh Phật.

Đời sống người dân ở làng quê tương đối ổn định, Đình - Chùa - Miếu thế chân vạc tâm linh làm nền tảng cho tâm trí, tình cảm và hướng nội của dân làng. Không có mâu thuẫn giữa ba thiết chế tâm linh này, và cũng không có gì xung đột giữa các làng liền kề vì thần linh là phúc đức chung của dân tộc. Phần lớn chùa làng quê, môt tín ngưỡng hơn là tôn giáo, song có nhiều làng chùa rất tôn nghiêm, có sư trụ trì, có thuyết pháp và nghi thức cúng, tụng kinh bài bản, chính các chùa này qui tụ lập “Hội Lục Hòa”, giáo phái “Lục Hòa Tăng” và cuối cùng khi gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì với danh xưng “Phật giáo cổ truyền” có pháp môn, có giới tu sĩ và hệ thống nhiều cấp thích hợp.

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông

Câu chuyện tự thuật của Hòa thượng Thích Như Niệm, trụ trì chùa Pháp Hoa, cạnh đường xe lửa ở Phú Nhuận. Nơi đây là nơi hẻo lánh thời đầu thế kỷ XX, chùa cưu mang sư khi ngài còn rất trẻ thơ (con nít), cha bị giặc Tây giết hại, mẹ đùm bọc ngài trốn tránh rồi gửi ngài đến đây nhờ chùa nuôi dạy, để bà còn phải chăm sóc đứa con khác còn đỏ hỏn. Cả tuổi thơ sống ở chùa, thiếu đói và cùng cực vì phật tử quanh chùa cũng rất nghèo nên cúng dường hạn hữu. Mọi người trong chùa phải lao động để góp phần tự nuôi thân. Vị Sư trú trì khả kính lo cho các chú tiểu trong điều kiện thiếu đói, Sư dành phần khoai cũ nhường cho trẻ miếng cơm, bữa cơm có đậu hủ (đậu phụ) là điều mong ước, niềm vui chung của chùa… Chùa làng quê nghèo phần lớn như vậy, sư sãi, tiểu đồng gầy ốm, tuy nghèo khó nhưng tinh thần tu tập luôn được đề cao, rất ít người than vãn cảnh nghèo; bấy giờ đi tu là một xác lập nhận thức rất lớn, khi niềm tin và sức chịu đựng tới hạn, số hoàn tục không nhiều nhưng cũng dễ tìm.

Những ngôi chùa cổ truyền đã gắn bó hàng ngàn năm trên làng quê nước ta. Nhiều chùa hun đúc nên các bậc kỳ tài: làm vua như Lý Công Uẩn, quốc sư trị nước như Vạn Hạnh, làm tướng, làm quân… trong nhiều thời kỳ lịch sử; nhất là khi nước nhà đứng trước họa xâm lăng, dân tộc trước họa diệt vong. Thời cận đại, khi giặc Pháp xâm lược và đô hộ nước ta, người Pháp lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng dân tộc để cai trị, các hủ tục mê tín được cố kết, tri thức Phật học bị lu mờ, trong bối cảnh như vậy Phật giáo suy đồi, “thầy cúng” chỉ cần thuộc một vài bài kinh để kiếm sống hơn là tu hành.

Những năm 20, 30 của thế kỷ trước, phong trào chấn hưng Phật giáo khởi phát, chú trọng việc đào tạo Tăng tài. Phong trào trải qua nhiều thăng trầm, gắn chặt với cuộc chiến chống ngoại xâm (thực dân Pháp, đế quốc Mỹ) đến ngày độc lập thống nhất nước nhà. Các giáo phái đúc kết phương pháp tu hành, gạn bỏ hủ tục mê tín dần dần, học tập kinh sách thấu đáo hơn… Tăng đoàn ngày càng phát triển đúng hướng, tiến tới lập Giáo hội Phật giáo hoàn chỉnh. Phật giáo nay rất trí tuệ, tổ chức quy mô có hệ thống, có qui chế phối hợp với chính quyền, với Phật tử với nhiều hoạt động thiết thực. Tuy vậy, rãi rác vài nơi hiện vẫn còn có vài ngôi chùa chưa muốn vào chốn Giáo hội vì tập tục, tài sản và bám theo cái riêng cố hữu của mình….

3.2 Đặc tính thân dân

Phật giáo cổ truyền là hệ phái gần dân nhất trong các hệ phái Giáo hội. Gần dân từ sinh hoạt hàng ngày đến các nghi thức tâm linh ở mỗi gia đình và xã hội. Sư sãi trụ trì ở nhiều chùa là người họ hàng trong thôn ấp. Khi chùa phải tu sửa hoặc mở rộng qui mô có sự cúng dường công sức của nhân dân địa phương. Các ngày lễ hội dân gian cần nghi thức tụng kinh hoặc báo giới đàn, chùa huy động Phật tử công quả với đạo tràng làm nòng cốt.

Thiên tai ập đến, chùa là nơi cưu mang với sự giúp sức của bá tánh. Gia cảnh khốn khó hoặc người gặp tai ương đều đến chùa cầu xin giúp đỡ… Sự trợ giúp kịp thời và thường xuyên góp phần an dân trong cuộc sống cộng đồng, công tác từ thiện thường xuyên và định kỳ được lập trình… thể hiện một nhân tố gắn kết cộng đồng rất hữu hiệu. Do đó, cơ cấu một chùa, có lúc nhiều chùa, ở một xã nhiều làng là niềm tin thực tế và niềm tin tâm linh của các chúng cư sĩ.

Khi địch họa, ai vì nước vì dân được chùa định hướng, chống giặc ngoại xâm là tụ hội nơi các chùa, che chỡ, cưu mang thương bệnh binh kháng chiến được nhiều chùa góp sức tích cực, có khi vì cưu mang mà chùa bị hàm oan bị nhà cầm quyền phán đoán nặng lời. Đó cũng là đức hy sinh bên cạnh lòng từ bi của Phật tử, tu sĩ. Phần lớn sư sãi là người trực tiếp hoặc gián tiếp tranh đấu vì độc lập dân tộc. Phật giáo Cổ truyền Việt Nam góp phần tạo dựng truyền thống yêu nước, nhập thế hành đạo của Phật giáo trên đất nước Việt Nam kính yêu.

Không chỉ tác động giúp người yếu thế trong cuộc sống, chùa làng quê tham gia sản xuất nông nghiệp rất thành công, có sư còn đi sâu vào lãnh vực khoa học, như chọn giống, lai tạo giống mới, sử dụng việc hạn chế sâu bệnh, thường không dùng nhiều thuốc trừ sâu mà loại trừ chúng bằng năng lực đề kháng của cây trồng. Thân dân qua kỹ thuật và năng suất cây trồng là nét mới có sức thuyết phục làm bạn nhà nông rất thiết thực.

3.3 Nhập thế, xả thân vì đại cuộc

Nhập thế dấn thân của Tăng sĩ là nét truyền thống nêu gương của Phật giáo Việt Nam, nhất là thời loạn ly trong chống ngoại xâm. Trong chống Nguyên Mông, chống quân Minh, chống thực dân đế quốc... hàng vạn Tăng sĩ “khoác chiến bào” rất điển hình, nêu gương thúc giục thanh niên lên đường đánh đuổi ngoại xâm. Trong các hệ phái Phật giáo của Giáo hội hiện nay, các gương xả thân vì đại cuộc, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc đấu tranh chính trị hoặc đấu tranh quân sự, ngoại giao... đều thể hiện rất sống động, trong đó, hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đấu tranh trực tiếp nhiều nhất. Hệ thống các Tăng sĩ tham gia trong các hoạt động Phật giáo yêu nước phần lớn là các cao Tăng hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có đều ở các cấp. Riêng chùa làng quê tham gia đấu tranh trực tiếp với giặc nhiều nhất, nhiều Tăng sĩ là liệt sĩ cách mạng, nhiều Tăng sĩ là Đảng viên Cộng sản (hiểu theo ý nghĩa Việt Minh là người yêu nước chủ yếu nhất).

Trích tư liệu lịch sử trên sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, cụ thể trong sách Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), mục Hoạt động yêu nước của đồng bào các tôn giáo ở Nam Bộ trong kháng chiến cứu nước (1945-1975):

- Những năm tháng sôi nổi đấu tranh chống Pháp tiền khởi nghĩa tháng 8-1945, Phật giáo cứu quốc được thành lập khắp nơi. Báo Đuốc Tuệ của Phật giáo số 257-258 ra ngày 15-8-1945 kêu gọi “Tăng, Ni các hạt mau mau lập đoàn Tăng già cứu quốc, theo mục đích mà tham gia vào công cuộc cách mạng hiện thời”. Báo này còn đăng những khẩu hiệu và những lời kêu gọi như: Ủng hộ chính quyền nhân dân! Mau mau gia nhập đội quân giải phóng Việt Nam! Chống mọi cuộc xâm lăng! Việt Nam độc lập hoàn toàn!

- Nhiều vị Tăng trong thành phố đã tham gia Mặt trận Việt Minh. Chùa Linh Thứu (Tiền Giang) là trạm liên lạc giữa Xứ ủy và Tỉnh ủy Mỹ Tho. Sư cụ Thái Không, trụ trì chùa Phật học Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) đã âm thầm hoạt động và hô hào Tăng sinh nhà trường: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào/ Giã từ thiền viện lướt binh đao/ Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác/ Cứu nước thương dân dễ đợi nào”.

- Tại Sài Gòn, tháng 8-1945, được sự hướng dẫn của Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Phật giáo Tổng hội do “Hòa thượng Hồng Tư (Giác Lâm), Hồng Kế (Sùng Đức), Thiện Tòng (Trường Thạnh) huy động khoảng 500 đồng bào Phật tử Sài Gòn - Gia Định tập hợp tại chùa Trường Thạnh rồi hân hoan kéo về trụ sở Ủy ban khởi nghĩa (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

- Năm 1947, Ban Trị sự Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ hình thành, trong đó có: Hòa thượng Tam Không (tức Minh Nguyệt, chùa Bửu Long - Mỹ Tho) làm Hội trưởng, Hòa thượng Huệ Thành (chùa Long Thiên - Biên Hòa) làm Hội phó, và một số ủy viên. Ngoài ra, trong Ban Trị sự còn có 21 ủy viên đại diện cho 21 tỉnh... Cơ quan của Hội đặt tại chùa Ô Môi, xã Mỹ Quý, Đồng Tháp Mười.

- “Những Phật tử tham gia kháng chiến, ở chiến khu hay tại nội thành, bạo động hay bất bạo động đều chứng minh một cách hùng hồn lòng yêu nước của họ. Các Tăng sĩ tham gia chiến đấu trong hàng ngũ kháng chiến đã có trên bốn trăm Tăng sĩ anh dũng hy sinh trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1954”1.

- Trong chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo miền Nam luôn thể hiện tinh thần yêu nước, trở thành đối tượng bị đàn áp. Từ năm 1954 đến năm 1960, hàng ngàn Tăng Ni bị Diệm khủng bố. Tại Sài Gòn, chúng thủ tiêu sư Thành Đạo chùa Phật Ấn, Yết ma Thiền Nghi chùa Đức Lâm… Hàng trăm nhà sư bị Diệm đẩy vào lính. Hàng trăm ngôi chùa bị phá hủy vì chính sách dồn dân lập “ấp chiến lược”. Trong thời gian này, sư Minh Nguyệt đang ở chùa Long Hoa (Bà Rịa) bí mật hướng dẫn phong trào yêu nước của đồng bào Phật giáo cũng bị Diệm phát hiện, bắt đày ra Côn Đảo năm 1960; sư Thiện Hào cũng bị Diệm truy lùng, được tổ chức đưa vào chiến khu Đồng Tháp Mười.

- Một trong những hành động đưa phong trào đấu tranh của Tăng, Ni, Phật tử chống nhà cầm quyền đàn áp Phật giáo lên đỉnh cao là hành động tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức vào ngày 11-6-1963, với lời đại nguyện: “Phật giáo Việt Nam được trường tồn, và đất nước được thanh bình, chúng sinh an lạc”. Giáo sư Trần Văn Giàu đã đánh giá cao hành động tự thiêu này, cho rằng: “Đó là hành động chống chiến tranh, là hành động bảo vệ hòa bình, vì hòa bình mà hy sinh (...) nhà sư là một người yêu nước, ngài Thích Quảng Đức yêu nước theo phong cách một nhà sư”.

- Khi trình bày nguyên nhân đưa Ni giới Khất sĩ đến với cách mạng, Ni sư Huỳnh Liên bộc bạch rằng: “Vì chúng tôi đi sát với quần chúng, nhất là quần chúng lao động, chúng tôi thấy bà con bị áp bức, bóc lột và khủng bố dã man bởi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai”.

Những đúc kết trên, nhiều sự kiện và nhân vật gắn liền với hệ phái Phật giáo cổ truyền Việt Nam.

Kết luận

Phật giáo Việt Nam nói chung, hệ phái Phật giáo cổ truyền nói riêng đều thừa nhận và gắn kết với văn hóa dân tộc, độ nhuần nhuyễn gần như một, trong đó sự kết tụ của Phật giáo cổ truyền là tiêu biểu nhất, thể hiện qua câu thơ “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của Tổ tông”. Tính dân giã của giáo phái hết sức tự nhiên, nhờ vậy thấm đượm tình quê hương, dân tộc. Việc nâng cao trình độ tăng tài của giáo phái này được chú trọng, cũng như việc loại trừ các tập tục gần như mê tín, thần quyền được đặt ra và chuyển biến dần từng bước trên con đường học thuật và hiện đại hóa Phật giáo.

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một trong chín hệ phái thiết lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời với niềm tự hào là cống hiến thiết thực về chủ nghĩa yêu nước rất trực tiếp trước đây và hiện nay.

 

TÀI LIÊU THAM KHẢO

1. Pháp Lục hòa, Thư viện Hoa Sen - https://thuvienhoasen.org/a27001/phap-luc-hoa

2. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

 


1. Theo Nguyễn Lang, Lịch sử Phật giáo Việt Nam

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6795745