Thông tin

PHẬT GIÁO GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ TRUNG QUỐC

 

NHÂN DUYÊN SINH

 


 

Tôn giáo là hiện tượng văn hóa phổ biến của loài người, mà văn hóa lại gắn chặt không thể chia cắt với ngôn ngữ. Vì thế dĩ nhiên tôn giáo gắn liền với ngôn ngữ. Để tồn tại và phát triển, các tôn giáo lớn như Phật giáo, Ki Tô giáo… đều cố gắng dùng ngôn ngữ để truyền bá, giải thích và thực hành giáo lý. Kết quả là tôn giáo có tác dụng to lớn đẩy mạnh phát triển ngôn ngữ. Lịch sử ngôn ngữ các nước đều cho thấy như vậy. Phật giáo sau khi du nhập Trung Quốc đã góp phần phát triển ngôn ngữ nước này.

Các tôn giáo lớn đều có ngôn ngữ riêng của mình, tức ngôn ngữ tôn giáo (Religious language). Ngôn ngữ tôn giáo là các hình thức ngôn ngữ diễn đạt niềm tin và tình cảm tôn giáo, gồm có giới mệnh, tín điều, phán xét đạo đức, cầu nguyện, ca tụng. Đó là một loại phương ngữ xã hội, tuy nó được chế biến và xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ toàn dân nhưng ngôn ngữ tôn giáo có nhiều điểm khác với ngôn ngữ toàn dân.

Đạo Phật là tôn giáo lớn ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ VI ~ V trước Công nguyên. Phật giáo dần dần phát triển, trở thành quốc giáo, đồng thời ngôn ngữ của Phật giáo cũng từ chỗ chỉ là phương ngữ, tục ngữ, thổ ngữ rồi chuyển biến thành Phạn Ngữ (Sanskrit, ngôn ngữ cổ nhất thuộc ngữ hệ Ấn-Âu) trang nhã; ngôn ngữ viết trong kinh sách Phật dần dần chuyển thành Phạn Văn tiêu chuẩn. Về sau Phật giáo lan truyền ra nước ngoài, ngôn ngữ Phật giáo hòa nhập với ngôn ngữ các địa phương tiếp nhận Phật giáo, đồng thời có ảnh hưởng sâu sắc tới ngôn ngữ địa phương đó. Phật giáo sở hữu lượng kinh sách nhiều đến mức khó tưởng tượng, chưa có thống kê chính xác. Ví dụ sách “Phật Kinh Đại toàn” bản chữ Hán cho thấy riêng Đại Thừa kinh đời Tống đã có 2175 quyển…

Vào khoảng đầu Công nguyên, Phật giáo từ Ấn Độ truyền tới Trung Quốc, xứ sở hàng nghìn năm không tiếp xúc với bên ngoài. Đây là lần đầu tiên nước này tiếp nhận một tôn giáo lớn của dân tộc khác. Cần nhấn mạnh là Trung Quốc không chỉ tiếp nhận Phật giáo mà trên thực tế là tiếp nhận cả một nền văn hóa lớn ngoại nhập. Ấn Độ có nền văn minh phát triển sớm không thua kém văn minh Trung Hoa. Ít lâu sau khi du nhập, Phật giáo đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn của Trung Quốc (còn lại là Nho giáo, Đạo giáo). Sự hội nhập đó đã làm cho các lĩnh vực tôn giáo, tư tưởng, văn học nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, kể cả phong tục của người Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Ấn Độ. Đặc biệt Phật giáo mang theo những triết lý nhân sinh mới lạ với người Trung Quốc, như tư tưởng Chúng sinh bình đẳng và nhất là thuyết Nhân Quả đã tác động rất sâu sắc tới đời sống văn hóa xã hội Trung Quốc hàng nghìn năm bị chế độ phong kiến đè nén áp bức.

Là ngôn ngữ Phật giáo, Phạn ngữ đã có ảnh hưởng lớn đối với Hán ngữ nói riêng và với ngữ hệ Hán-Tạng nói chung. Phạn ngữ là một ngôn ngữ cổ xưa nhất ở Ấn Độ, thuộc ngữ hệ Ấn-Âu. Các kinh điển Phật giáo đều viết bằng chữ Phạn, là loại chữ biểu âm, sử dụng chữ cái. Hán ngữ thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Hán ngữ có đặc điểm là ngữ âm tương đối nghèo, có rất ít âm tiết, khiến cho tồn tại cực nhiều từ đồng âm, vì thế Hán ngữ phải sử dụng loại chữ viết biểu ý, không biểu âm, không sử dụng chữ cái, bởi lẽ chỉ chữ biểu ý mới phân biệt được các từ đồng âm. Thứ chữ viết ấy có hình vuông độc đáo khác hẳn các loại chữ viết còn lại trên thế giới, về sau được gọi là chữ Hán.

Theo giới ngôn ngữ học Trung Quốc, sau khi Phật giáo vào Trung Quốc, ngôn ngữ Phật giáo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ và tích cực tới Hán ngữ, góp phần hoàn thiện và phát triển Hán ngữ. Dưới đây trình bày sơ qua một số biểu hiện ảnh hưởng đó.

1. Ảnh hưởng trong lĩnh vực ngữ âm: Người Trung Quốc thời xưa chú trọng chữ viết, coi nhẹ ngữ âm. Đó là do Trung Quốc đất rộng người đông, mỗi vùng nói một thứ phương ngữ, nghe không hiểu nhau; vì thế khi giao tiếp không thể dùng tiếng nói mà chỉ có thể dùng chữ viết. Chữ Hán là loại chữ biểu ý, có thể đọc bằng các thứ tiếng khác nhau, vì thế nó trở thành chữ viết chung của tất cả những người nói các phương ngữ, nhờ đó họ vẫn có thể giao tiếp với nhau bằng chữ viết (bút đàm).

Phạn ngữ coi trọng âm đọc, hình thành “âm vận học 音韵学” nghiên cứu về ngữ âm, Trung Quốc chưa có ngành này. Phật giáo đưa âm vận học vào Trung Quốc. Giới tăng sĩ Trung Quốc rất quan tâm tới tri thức và nguyên lý của âm vận học Phật giáo. Giới ngôn ngữ Trung Quốc cho rằng sự hình thành 4 thanh điệu trong Hán ngữ là chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Phật giáo. Âm đọc chữ Hán gồm 3 bộ phận cấu thành là Thanh, Vận và Điệu. Thời Nam Bắc triều, khi làm thơ hoặc trong khẩu ngữ đời thường, người ta ưa dùng song thanh, điệp vận 双声叠韵. Trải qua quá trình lâu dài đọc kinh, tụng kinh bằng Phạn ngữ, giới tăng sĩ đã vận dụng nguyên lý Tất Đàn của Phạn ngữ, qua đó hình thành 4 thanh điệu “bình, thướng, khứ, nhập 平上去入” trong Hán ngữ.

Ngôn ngữ Phật giáo có cống hiến lớn về mặt ghi chú âm đọc chữ Hán – một lĩnh vực trước đó người TQ chưa có nhận thức. Sách “Thông chí - Nghệ văn lược” viết: “Thiết vận chi học, khởi tự Tây vực”. Nghĩa là phương thức chú âm đầu tiên của Hán ngữ -- phương thức “Phiên thiết” [phản thiết 反切] có nguồn gốc từ Tây vực, tức Ấn Độ, nơi ra đời Phật giáo cùng ngôn ngữ Phật giáo. Trong quá trình truyền bá Phật giáo, các tăng sĩ Ấn Độ buộc phải học tiếng Hán và chữ Hán, dĩ nhiên phải đọc âm của từng chữ Hán, muốn thế họ phải tìm cách ghi được âm đọc, tức biết cách ghi chú âm. Phiên thiết là cách ghi chú âm chữ Hán đầu tiên xuất hiện ở TQ.

Ngoài ra, ngôn ngữ Phật giáo còn tăng tốc tiến trình “song âm tiết hóa” các từ Hán ngữ. Trước đó, hầu như toàn bộ từ vựng Hán ngữ đều là “đơn âm tiết, monosyllable”, tức mỗi từ chỉ có một âm tiết. Kinh Phật giáo đưa vào Trung Quốc nhiều từ vựng có 2 âm tiết (disyllable, song âm tiết). Ví dụ 7750 từ trong “Kinh Pháp hoa - Tỉ dụ phẩm” có khoảng 1500 từ song âm tiết, chiếm khoảng 19%. Trong quá trình phiên dịch kinh Phật giáo sang Hán ngữ, giới tăng sĩ Trung Quốc đã thực hiện song âm tiết hóa nhiều từ ngữ, ví dụ nhân duyên, tư lượng, nhân quả v.v...

2. Ảnh hưởng trong lĩnh vực từ ngữ: Từ ngữ trong ngôn ngữ Phật giáo chủ yếu là từ ngữ viết kinh sách. Các từ vựng ấy đều phát triển từ ngôn ngữ dân gian nhưng lại khác ngôn ngữ dân gian. Điều đó phụ thuộc vào lịch sử: Phật giáo từ một tôn giáo dân gian dần dần trở thành tôn giáo của tầng lớp trên, khi ấy phần lớn từ ngữ là từ vựng văn ngôn và thuật ngữ chuyên môn. Những thuật ngữ này là tiêu chí làm cho ngôn ngữ Phật giáo khác với ngôn ngữ nói chung. Trong quá trình phiên dịch và giảng giải kinh sách Phật giáo, giới tăng sĩ Trung Quốc đã hấp thu và sáng tạo nhiều từ mới, làm giàu đáng kể kho từ vựng cơ bản của Hán ngữ.

Có thể phân loại như sau:

a) Trực tiếp hấp thu các từ ngữ Phật giáo trong Phạn văn. Ví dụ các từ dịch âm như bát nhã (prajna), du già (yoga), Bồ Tát (Bodhisattva). Sách “Phiên dịch danh nghĩa tập” của tăng sĩ Pháp Vân đời Tống thu được khoảng 2000 từ ngữ Phật giáo dịch âm từ tiếng Phạn. Thời nay, “Từ điển từ ngoại lai Hán ngữ” của Lưu Chính, Cao Danh Khải gom được 1050 từ ngữ Phật giáo Phạn ngữ.

b) Từ ngữ kiểu “Phạn + Hán”, chẳng hạn kiểu “Từ dịch âm + từ Hán” như: Phật điển, thiền sư v.v... hoặc kiểu “Chữ dịch âm mới tạo + từ Hán”, như ma (mra) quỷ, đàn (dharma) hoa, v.v..., hoặc kiểu “Từ dịch ý + Hán dịch”, như tâm (citta) điền, Kim cương (vajra) bất hoại thân, v.v...

c) Xuất hiện nhiều thành ngữ Phật giáo, như thành ngữ đến từ các truyện kể: Thiên nữ tán hoa, Bộ bộ sinh liên; khái quát giáo lý: Lục căn thanh tịnh, Nhất trần bất nhiễm; hàm chứa ngụ ý: Đàn hoa nhất hiện. Ngoài ra còn có một bộ phận thuật ngữ chuyên dùng như Cực lạc thế giới (nơi chúng sinh không còn phải chịu mọi nỗi khổ của cuộc đời, cực kỳ sung sướng), Tà ma ngoại đạo (loại chúng sinh có lòng ác, làm hại chúng sinh khác, phá đạo của Đức Phật) v.v...

d) Xuất hiện các ngạn ngữ Phật giáo, như: Cứu nhân nhất mệnh, thắng tạo thất cấp phù đồ (Cứu sống một người còn hơn xây bảy cấp phù đồ; Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người); Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật (Buông con dao đồ tể xuống, đứng ngay đó mà thành Phật). Ở đây Phật là người đã giác ngộ giáo lý đạo Phật.

Tóm lại, Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn tới Hán ngữ, nếu Phật giáo không du nhập Trung Quốc thì kho từ ngữ của người Trung Quốc không thể phong phú như hiện nay.

Nhà Phật học nổi tiếng Triệu Phác Sơ (1907-2000, nhiều năm là Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Quốc) nói: “Ngôn ngữ là loại văn hóa phổ biến nhất, trực tiếp nhất. Rất nhiều từ ngữ hàng ngày chúng ta dùng như thế giới, thực tế, bình đẳng, hiện hành, sát na (một thoáng, tiếng Phạn: Ksana), thanh quy giới luật (các quy tắc và giới luật mà tất cả tăng ni đều phải tuân theo), tương đối, tuyệt đối đều có gốc là từ ngữ Phật giáo. Nếu thực sự hoàn toàn từ bỏ văn hóa Phật giáo thì e rằng ngay cả chuyện nói năng hàng ngày cũng chẳng thể làm được.”

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6294214