Thông tin

PHẬT GIÁO HÀ TIÊN DƯỚI THỜI MẠC CỬU

PHẬT GIÁO HÀ TIÊN DƯỚI THỜI MẠC CỬU

 

THÍCH MINH NGHĨA

 

 

Hà Tiên là vùng đất đặc biệt từ địa lý, tên gọi cho đến sự hình thành và phát triển. Từ xa xưa vùng đất này đã trải qua nhiều biến đổi thăng trầm, do ảnh hưởng của địa lý tự nhiên cùng sự tác động của con người. Mãi đến khi Mạc Cửu trên đường lưu vong tìm đến định cư khai hoang lập ấp, thì Hà Tiên mới dần phát triển trở thành một trong ba trung tâm văn hóa nổi tiếng của vùng đất phương Nam lúc bấy giờ, gồm: Cù Lao Phố, Mỹ Tho và Hà Tiên. Nhà Hà Tiên học Trương Minh Đạt đã nhận định: “Hà Tiên có bề dày lịch sử và văn hóa mà không phải địa phương nào cũng có1. Dòng họ Mạc là người có công rất lớn trong việc xây dựng vùng đất này, từ chỗ hoang sơ, hỗn tạp đến trung tâm kinh tế, văn hóa phồn thịnh trong khu vực. Với đặc điểm, tính chất đa dạng, phong phú của vùng đất Hà Tiên, đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu trên nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, địa lý, xã hội... trong đó có tín ngưỡng, tôn giáo mà nổi bậc nhất là Phật giáo. Phật giáo Hà Tiên dưới thời Mạc Cửu trong những ngày đầu mở đất phương Nam, có nhiều sự kiện diễn biến, nhân vật lịch sử Phật giáo,... chúng ta cần khảo sát rõ.

Hà Tiên được xem là cửa ngõ tiếp nhận nhiều tôn giáo truyền vào như Công giáo, Minh sư đạo, Phật giáo... Người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho ngôi nhà Phật giáo Hà Tiên chính là Tổng binh trấn Hà Tiên Mạc Cửu. Các bộ chính sử đều chép rằng: Mạc Cửu gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, vào thời Đại Thanh, niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680), nhà Minh mất hẳn, do không thuần phục nhà Thanh nên ông cùng đoàn tùy tùng bỏ xứ đến Chân Lạp được vua Chân Lạp tin dùng phong chức Ốc Nha. Sau đó, Mạc Cửu xin vua đến vùng Mang Khảm cho định cư khai phá và tập hợp lực lượng lưu dân khắp nơi về định cư buôn bán. “Mạc Cửu sang phương Nam thấy đất này có lái buôn các nước tụ tập, nhân đấy tụ tập dân xiêu tán đến ở các xứ Phú Quốc, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau lập ra bảy xã, tự đứng cai quản. Tương truyền chỗ này thường có người Tiên xuất hiện ở trên sông, do đấy gọi là Hà Tiên2. Dưới sự quản lý của Mạc Cửu, trấn Hà Tiên dần phát triển và cũng chính vì thế, Hà Tiên thường xuyên bị giặc cướp quấy phá, nhiễu loạn, nhất là quân Xiêm. Theo Gia định thành thông chí, thì năm 1708, Mạc Cửu đã quyết định thuần phục chúa Nguyễn để nhận sự bảo hộ. “Tháng 8 mùa thu năm thứ 18, Mậu Tý (1708) (Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 4, Đại Thanh Khang Hy thứ 47), triều đình phong cho người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông là Mạc Cửu làm Thống binh Hà Tiên3, từ đây trấn Hà Tiên ổn định và phát triển phồn thịnh hơn.

Một trong những dấu ấn đầu tiên Mạc Cửu làm cho Phật giáo, đó là ông xây dựng chùa Tam Bảo cho mẹ tu hành. Theo sách Mạc thị gia phả chép: “Sau khi Thái công (Mạc Cửu) sang Chân Lạp thì Thái Bà Bà vì nhớ con da diết, bèn từ đất Lôi Châu vượt biển sang Chân Lạp để thăm. Thái công nhân đó giữ Bà Bà ở lại để sớm hôm phụng dưỡng. Ít lâu sau, Thái Bà Bà vào điện Tam Bảo để hành lễ, đang ngồi lễ Phật thì tự nhiên qua đời. Thái công bèn cho đúc tượng Thái Bà Bà và xây dựng điện Tam Bảo ở thờ pho tượng ấy đến nay vẫn còn4. Theo Gia Định thành thông chí miêu tả về chùa Tam Bảo như sau: “Chùa Tam Bảo ở sau trấn thự, cảnh chùa rộng rãi, tượng Phật to lớn, chùa do Thống binh Mạc Cửu dựng lên từ buổi đầu5.

Qua hai nguồn dữ liệu trên cho thấy được giá trị lịch sử hết sức đặc biệt của chùa Tam Bảo (Hà Tiên), là nơi phát tích Phật giáo Bắc truyền đầu tiên nơi vùng đất này. Việc Mạc Cửu xây chùa cho mẹ tu tập không những thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình, mà còn muốn định hướng đời sống tín ngưỡng Phật giáo cho cư dân nơi đây, ngoài xây chùa ông còn tạo tượng, đúc chuông để cho người dân có nơi chiêm bái, tu học. Khi Thái Bà Bà qua đời, Mạc Cửu cho đúc kim thân của mẹ để thờ, đúc một Đại hồng chung để cúng và nghe tiếng chuông mà tưởng niệm mẹ. Trong “Hà Tiên thập cảnh ngâm khúc” của Mạc Thiên Tích, có bài “Tiêu tự thần chung” là nói đến tiếng chuông chùa Tam Bảo này.

Tổng binh trấn Mạc Cửu còn cung thỉnh Hòa thượng Hoàng Long từ Bình Định vào Hà Tiên truyền đạo. Trong tác phẩm Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thích Thanh Từ biên soạn, khi nói đến tiểu sử của Hòa thượng Hoàng Long ghi rằng: “Hòa thượng Hoàng Long quê ở Bình Định vân du vào Hà Tiên, đến ở phía Bắc núi Vân Sơn 5 dặm lập chùa tu hành (sau gọi là núi Bạch Tháp). Cảnh chùa thanh tịnh, u tịch, thế núi quanh co, có cây cảnh đẹp6. Như vậy, chùa núi Bạch Tháp cũng được xem là nơi phát tích thứ hai của Phật giáo Hà Tiên nhưng rất tiếc là di tích chùa núi Bạch Tháp hiện nay không còn. Hòa thượng Hoàng Long được xem như Sơ tổ của vùng đất Hà Tiên, có một chi tiết mà chúng ta cần làm rõ là Hòa thượng Hoàng Long là ai? Ngài tu theo dòng phái nào? thuộc đời thứ mấy?

Khi nghiên cứu về Hòa thượng Hoàng Long, ngoài tác phẩm Thiền sư Việt Nam, chúng ta thấy rất hiếm nguồn dữ liệu đề cập đến. Nhưng hữu duyên chúng tôi đọc được tác phẩm Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo (Hà Tiên) có nhiều chi tiết mới giúp ta đối chiếu về lý lịch của Ngài. Trong sách Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo (Hà Tiên) có đoạn: “Tương truyền, một đêm Mẹ của Mạc Cửu nằm mộng thấy con Rồng vàng ngậm cành hoa sen, quấn quanh cột buồm của một chiếc ghe thương hồ, từ hướng Bắc đến. Sáng ngày Bà thuật lại điềm mộng trên cho Mạc Cửu nghe. Ít lâu sau có một vị tu sĩ, tướng mạo phương phi đến xin diện kiến. Khi tiếp duyên hỏi ra mới biết vị tu sĩ ấy trước là một danh tướng của Minh triều rời tổ quốc đến quy phục Nam triều. Ngài chán cảnh thế nhân, xuất gia theo Phật, đó đây vân du giáo hóa pháp hiệu là Ấn Trừng, đạo hiệu là Huỳnh Long ứng với điềm mộng của Thái Bà Bà là Rồng vàng và Chư vị tiền bối kế thừa được thờ tại Tổ đình Tam Bảo như sau: thứ nhất là Lâm tế chánh tông đời thứ 35 Hòa thượng Thượng Ấn hạ Trừng Thiền sư (đạo hiệu Huỳnh Long)7.

Từ dữ kiện này, chúng tôi có một số nhận định mới về Hòa thượng Hoàng Long như sau: Trước tiên, hai chữ Hoàng Long hay Huỳnh Long viết theo âm Hán 黄龍 giống nhau nghĩa Rồng vàng nên tên Hoàng Long được dùng trong Thiền sư Việt Nam hay Huỳnh Long trong sách Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo là tên một người. Thứ hai, Hoàng Long không phải là pháp danh của Hòa thượng mà chỉ là đạo hiệu do ứng với điềm mộng của Thái Bà Bà “đạo hiệu là Huỳnh Long ứng với điềm mộng của Thái Bà Bà là Rồng Vàng”. Còn pháp danh chính thức của Ngài là Ấn Trừng thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35. Thứ ba, nguồn gốc gia tộc của Hòa thượng Hoàng Long là người Minh triều đến định cư ở Bình Định xuất gia tu học tại nước ta: “Khi tiếp duyên hỏi ra mới biết vị tu sĩ ấy trước là một danh tướng của Minh triều rời tổ quốc đến quy phục Nam triều”. Nhờ những dữ kiện này mà chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc Hòa thượng Hoàng Long, vị Tăng (Bắc Tông) đầu tiên đến hành đạo, tu tập tại trấn Hà Tiên.

Dưới thời Mạc Cửu, Phật giáo Bắc tông bắt đầu hình thành và phát triển, với sự bảo trợ của Tổng trấn việc xây chùa, đúc chuông, tạo tượng, độ tăng của Phật giáo có nhiều khởi sắc, đặc biệt là sự quy tựu tín đồ quy y theo Phật. Ngoài gia tộc họ Mạc có niềm tin Phật pháp, chúng ta nghĩ rằng sẽ còn rất nhiều cư dân quy y theo Phật, vì hệ tín ngưỡng chính trong vùng này vẫn là Phật giáo. Tuy nhiên, số lượng tín đồ, đạo tràng, phương pháp tu tập cụ thể của Phật giáo nơi xứ Hà Tiên xưa không thấy ghi chép nhiều. Có lẽ một phần do chiến tranh loạn lạc, một phần cũng thiếu người ghi chép nên chỉ còn thấy lưu lại một số sách ít ỏi như Mạc thị gia phả, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí hay lịch sử các ngôi chùa cổ ở Hà Tiên.

Dấu ấn của Tổng trấn Mạc Cửu đối với Phật giáo Hà Tiên không quá nổi bật, nhưng đó là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho Phật giáo Hà Tiên và khu vực Tây Nam Bộ sau này phát triển. Năm 1735, Mạc Cửu qua đời sau 27 năm khai phá xây dựng đất Hà Tiên. Ông được chúa Nguyễn phong tặng thụy hiệu “Khai trấn thượng trụ quốc đại tướng quân Vũ nghị công”. Sau khi Mạc Cửu qua đời, con là Mạc Thiên Tích (1718 – 1780)  được chúa Nguyễn Phúc Chu (1725 – 1738) cho kế vị chức Tổng binh trấn, tiếp tục cai quản Hà Tiên. Dưới sự ủng hộ, giúp đỡ của các chúa Nguyễn, tính kế thừa sự nghiêp của cha và qua tài trí của Mạc Thiên Tích, vùng đất Hà Tiên trải qua những năm tháng phát triển hoàng kim với nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, quân sự. Giống như cha và bà của mình, Mạc Thiên Tích cũng là người tin Phật. Một trong những dấu ấn của Mạc Thiên Tích đối với Phật giáo là ông xây dựng chùa Phù Dung vào năm 1750 cho nàng thứ cơ tên Phù Cừ (1720-1761) làm nơi tu hành.

 Tóm lại, dòng dõi họ Mạc là những người đã góp công lớn trong việc mở mang bờ cõi Đại Việt ở Hà Tiên. Phật giáo dưới dòng họ Mạc cũng phát triển rực rỡ, đóng góp tích cực trong việc hộ trì Phật pháp, xây dựng nhiều công trình thờ tự làm nơi sinh hoạt tâm linh cho các cư dân nơi này như chùa Tam Bảo, chùa Phù Dung, cung thỉnh nhiều chư Tăng đến đây truyền bá Phật pháp như Hòa thượng Hoàng Long và các Hòa thượng như Ấn Đàm, Bửu Châu, Minh Đường đến đây tu tập hành đạo. Có thể nói, từ nơi phát tích này, Phật giáo Hà Tiên đã có những ảnh hưởng nhất định đến khu vực xung quanh. Nghiên cứu Phật giáo Hà Tiên dưới thời Mạc Cửu không những là việc làm mang tính khoa học mà còn mang những giá trị thực tiễn sâu sắc, cho ta cái nhìn cụ thể hơn về Phật giáo Nam Bộ, trong những ngày đầu bình minh của Phật giáo phương Nam.


 1. Trương Minh Đạt (2008), Nghiên cứu Hà Tiên, NXB. Trẻ, Tp. HCM, tr.06.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nxb. Thuận hóa. tr.06.

3. Trịnh Hoài Đức (2010), Gia định thành thông chí, Quyển III, Cương vực chí, Lý Việt Dũng dịch và chú, Ts. Huỳnh Văn Tới hiệu đính và giới thiệu, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, tr.05.

4. Vũ Thế Dinh (2006), Mạc thị gia phả, Nguyễn Khắc Thuần dịch,  Nxb. Giáo dục Việt Nam, tr.18.

5. Trịnh Hoài Đức (2010), Gia định thành thông chí, Quyển VI, Thành trì chí, Lý Việt Dũng dịch và chú, Ts. Huỳnh Văn Tới hiệu đính và giới thiệu, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, tr.24.

6. Thích Thanh Từ biên soạn (2010), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.606.

7. Nhiều tác giả (2013), Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, tr. 6-7.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6919905