Thông tin

PHẬT GIÁO KHÁNH HÒA VỚI PHÁP NẠN 1963

 

NNC. TRÍ BỬU
Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Khánh Hòa


I. DẪN NHẬP

“Trang sử Phật

Đồng thời là trang sử Việt,

Trải bao độ hưng suy

Có nguy mà chẳng mất….”

(Hồ Dzếnh)

Đã 50 năm qua, từ ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân đánh dấu đỉnh cao phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 đưa cuộc tranh đấu của Phật giáo đi đến thành công và kết thúc mùa pháp nạn. Năm nay, hội thảo khoa học “Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963-2013)” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đồng tổ chức, đây là dịp nhằm kỷ niệm 50 năm phong trào đấu tranh chống chế độ Sài Gòn của Phật giáo miền Nam năm 1963, ngoài việc góp phần nâng cao nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn ý nghĩa, vai trò và bài học lịch sử từ phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963, còn nghiên cứu khuynh hướng nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Nói về Pháp nạn Phật giáo 1963, đây là một biến cố lớn không những đối với đạo Phật tại miền Nam Việt Nam mà còn cho cả chế độ Sài Gòn lúc bấy giờ. Biến cố Phật giáo 1963 đã đóng góp vào sự vươn mình của dân tộc cũng như cho những chuyển động trí thức nhân bản hơn của nhân loại trong thập niên 60. Pháp nạn lịch sử 1963 đã khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh. Phật giáo hòa vào dân tộc như nước với sữa, như tim với óc của một cơ thể con người. Trong Pháp nạn Phật giáo 1963, rất nhiều máu đỏ đã chảy, cũng như tốn rất nhiều bút mực để ghi chép và lưu trữ lại những chứng tích và suy nghiệm của một giai đoạn lịch sử đầy ấn tượng ở miền Nam trong lần trở mình bi thương, hùng tráng của Dân tộc và Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.

Là người con của quê hương Khánh Hòa xứ Trầm biển Yến, đồng thời cũng là người đã vinh dự chứng kiến pháp nạn Phật giáo 1963, kính xin phép chư Tôn đức Tăng Ni và quý vị đại biểu xin được nói lên niềm tự hào của Phật giáo Khánh Hòa với Pháp nạn 1963.

II. PHẬT GIÁO KHÁNH HÒA VỚI PHÁP NẠN 1963

Được sống và chứng kiến trang lịch sử vàng son của Phật giáo và Dân tộc trong Pháp nạn 1963, giờ đây hồi tưởng lại mà lòng cảm thấy vô cùng tự hào về những gì Tăng Ni và Phật tử đã làm được trong biến cố Phật giáo 1963. Cổ nhân đã dạy “Gia bần tri hiếu tử; Quốc loạn thức trung thần”, hoặc “Có lửa đỏ mới biết vàng cao hay thấp; Có trái ngang mới rõ dạ trắng đen”. Đúng như thế! Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Với chủ trương đàn áp Phật giáo của Chính phủ Sài Gòn mỗi ngày mỗi chặt chẽ, rõ rệt, gay gắt và ác liệt làm cản trở việc tổ chức Phật đản PL.2507 tại Huế năm 1963. Tức nước vỡ bờ, cuối cùng phong trào tranh đấu của Phật giáo bùng nổ. Tăng, Ni và Phật tử cả nước trong đó có Khánh Hòa đã triệt để tham gia cuộc tranh đấu đòi công bằng, tự do tín ngưỡng.

Phật giáo Khánh Hòa năm 1963 lúc bấy giờ do Thượng tọa Thích Đức Minh làm Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa. Hòa cùng dòng chảy của biến cố pháp nạn 1963, nhiều cuộc biểu tình, tuyệt thực được tổ chức quy mô, gây được ảnh hưởng sâu rộng trong toàn thể đồng bào Phật tử và quần chúng nhân dân Khánh Hòa. Tuyệt thực ở chùa Tỉnh hội, ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang, ở Nhà Thông tin Khánh Hòa, cuộc xuống đường biểu tình của Tăng Ni, Phật tử và sinh viên, học sinh ở trước Tòa Hành chính tỉnh Khánh Hòa. Mặc dù chính quyền Khánh Hòa lúc bấy giờ thẳng tay đàn áp, chùa chiền bị phong tỏa, những lãnh đạo Tăng Ni, Phật tử bị giam cầm, đồng bào hưởng ứng bị khủng bố, đàn áp. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, có áp bức, có đấu tranh, càng đàn áp phong trào tranh đấu mỗi ngày mỗi lớn mạnh thêm.

Pháp nạn 1963, Phật giáo Việt Nam ở miền Nam phải trải qua một thời kỳ gian khổ, khốc liệt nhất. Tăng, Ni, Phật tử đãhi sinh xương máu và nước mắt, nhiều Tăng, Ni, Phật tử đã phải tuyệt thực, thiêu thân để bảo vệ Chánh pháp. Đỉnh cao là ngọn lửa Bồ-tát Quảng Đức, người con trên quê hương xứ Trầm hương Khánh Hòa tự thiêu tại TP. Sài Gòn ngày 11-6-1963 (nhằm ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quí Mão), cách nay 50 năm, tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài Gòn, (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu TP Hồ Chí Minh) đã làm chấn động cả thế giới và đun sôi thêm nhiệt huyết của Tăng Ni, Phật tử Khánh Hòa.

Bài Kệ Kính dâng thập phương chư Phật của Bồ-tát Quảng Đức viết ngày mùng 8 tháng 4 nhuần Quý Mão (1963), dù đã 50 năm qua nhưng nay đọc lại vẫn trào dâng xúc cảm:

Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình,

Làm đèn soi sáng nẻo vô minh.

Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác,

Tro trắng phẳng san hố bất bình.

Thân cháy nát tan ra tro trắng,

Thần thức nương nhờ giúp sinh linh.

Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng,

Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình.

Ai đã sống trong thời pháp nạn 1963 và được chứng kiến cảnh tượng bi tráng, hào hùng độc nhất vô nhị này đều biết, khi Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, toàn thân Ngài không tỏ vẻ đau đớn mà Ngài vẫn điềm nhiên trong tư thế ngồi Thiền.

Theo cư sĩ Tống Hồ Cầm lúc đó là nhân chứng, Phó ban Quản trị chùa Xá Lợi, sự lựa chọn An dưỡng địa ở Phú Lâm để hỏa thiêu thi hài Bồ tát Thích Quảng Đức là có tính toán cẩn thận. Lò hỏa thiêu nằm trên phần đất của chùa Ấn Quang được các Tăng Ni, Phật tử bảo vệ chặt chẽ trước sự trấn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Điều huyền diệu bất ngờ đã xảy ra khi thi hài Bồ-tát được hỏa thiêu hàng giờ đã cháy thành than tro nhưng vẫn còn lại quả tim đỏ hồng. Sự kiện linh thiêng kỳ lạ này được các nhà sư cấp báo về chùa Xá Lợi. Những Hòa thượng lãnh đạo Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo quyết định đưa trái tim của ngài vào thiêu thêm lần nữa. Nhưng thật kỳ lạ trái tim vẫn tiếp tục nguyên vẹn và trở thành một khối rắn chắc như đá.

Các Tăng Ni, Phật tử bàng hoàng xúc động. Người quỳ xuống tụng kinh. Người òa khóc. Họ đặt quả tim linh thiêng của Bồ-tát Thích Quảng Đức vào bình thủy tinh và cung thỉnh về chùa Xá Lợi.

Chính ông Nguyễn Văn Thông được lực lượng mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm cử bí mật theo dõi từ đầu đến cuối cuộc hỏa thiêu cũng khẳng định sự huyền diệu này: “Tôi đã tận mắt chứng kiến sự thật bắt đầu từ chùa Xá Lợi đến khi lấy quả tim ra. Khoảng 8 giờ sáng, thi hài ngài được đưa vào lò hỏa thiêu. Lửa bắt đầu bùng lên từ hai đầu quan tài và rừng rực cháy.

Đến 2 giờ chiều thì lửa tắt và người ta đã tìm thấy quả tim ngài vẫn nguyên vẹn trong đống tro tàn. Không thể có sự mở nắp lò thiêu, tráo đổi quả tim nào” - Ông Thông xúc động kể chính mình là mật vụ cũng không kìm được nước mắt trước sự mầu nhiệm.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm cũng kể: “Rất nhiều người đã đứng gần lò thiêu tụng kinh tiễn đưa ngài lần cuối. Sự thật về trái tim xá lợi được hàng trăm cặp mắt chứng kiến, kể cả các nhà báo trong nước lẫn quốc tế”.

Trong một cuộc họp báo, có phóng viên quốc tế hỏi Hòa thượng Thích Đức Nghiệp về bí ẩn khó hiểu của trái tim không thể bị thiêu cháy này, Hòa thượng trả lời: “Đó là do ngài Thích Quảng Đức phát đại thệ nguyện, nung nấu một ý chí phi thường vì đạo pháp và hòa bình cho dân tộc nên đã biến thành một năng lượng đặc biệt làm trái tim bất hoại”.

Còn ông Nguyễn Văn Thông sau này có hỏi Thượng tọa Thích Pháp Hoa ở chùa Ấn Quang và được trả lời: “Ngài có nguyện nếu việc tự thiêu của ngài thành chứng đạo thì sẽ để lại trái tim. Chúng tôi tin đó là điều mầu nhiệm của bậc chân tu hết lòng vì đạo pháp và chúng sinh”.

Hòa thượng Thích Quảng Đức đã hóa thân, trước hàng ngàn các Tăng Ni và Phật tử đứng gần đó để cầu nguyện, cùng hàng trăm các phóng viên ngoại quốc. Lực lượng an ninh của chế độ Sài Gòn được điều động đến để trấn áp và phá hoại cuộc tự thiêu nhưng đều thất bại, đã chứng tỏ Phật giáo Việt Nam ở trong lòng dân tộc, luôn luôn đồng hành và gắn kết cùng dân tộc và được đồng bào Phật tử nhân dân ủng hộ trong mọi hoàn cảnh, bất cứ ở đâu và lúc nào.

Đánh giá về phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 ở miền Nam, các nhà bình luận đã viết: “Trong các biến cố cao điểm của phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 - cái chết của 8 Phật tử đêm 8-5-1963 tại Đài phát thanh Huế, cuộc tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức ngày 11-6-1963 và chiến dịch “Nước lũ” tổng tấn công chùa chiền đêm 20 rạng ngày 21-8-1963 - là ba biến cố lịch sử quan trọng của phong trào Phật giáo tranh đấu”.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương trong bài thơ “Lửa từ bi” cảm tác:

Lửa! Lửa cháy ngất tòa sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống.

Hai vầng sáng rưng rưng.

Đông Tây nhòa lệ ngọc.

Chắp tay đón một mặt trời mới mọc

Chỗ người ngồi một thiên thu tuyệt tác

Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác.

Và chỉ nguyện được là rơm rác.

Noi gương “Ngọn lử từ bi” của Bồ-tát Quảng Đức, Ni cô Thích Nữ Diệu Quang đã tự thiêu tại thị trấn Ninh Hòa (Khánh Hòa) trước chiến dịch Nước lũ năm ngày. Thánh tử đạo Diệu Quang, thế danh là Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, sinh ngày 11-01-1936, tại xã Phù Cát, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, mảnh đất khởi đầu mùa Pháp nạn 1963. Thân phụ là cụ ông Ngô Đình Hòe và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nghĩa, gia đình của cố Ni cô hiện cư trú tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Nhận thấy cuộc đời là giả tạm, năm 21 tuổi, Ni cô đã cát ái từ thân, mở đầu cuộc hành trình đi tìm Đạo pháp. Thấu được lòng thành khẩn của Ni cô, Ni sư Thích Nữ Như Hoa, trụ trì chùa Vạn Thạnh, Nha Trang, đã thâu nhận Ni cô làm đệ tử. Với tinh thần quyết chí tu học và nhờ trợ duyên ngoại điển (học xong Tú tài), Ni cô đã thọ Sa-di giới năm 21 tuổi và theo học các lớp nội điển tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Năm 26 tuổi, Ni cô được thọ giới Thức-xoa-ma-na. Để đóng góp vào phần nào công việc đào tạo thế hệ trẻ mai sau và thể hiện tinh thần lợi tha của Phật pháp, Ni cô đã phát tâm đi dạy học sinh nghèo tại các lớp Sơ học Tư thục Thiện Tài (Xóm Cồn) Nha Trang miễn phí, do Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa quản lý.

Đến năm 1963, vì thấy Đạo pháp lâm nguy, Phật giáo quê hương Thừa Thiên Huế lâm mùa Pháp nạn, noi gương Bồ tát Quảng Đức, nên Ni cô phát nguyện tẩm xăng tự thiêu, để cảnh tỉnh sự mê muội của nhà Ngô và cứu nguy Đạo pháp.

Ni cô đã tự thiêu vào lúc 8 giờ 30 ngày 26-6 năm Quý Mão, tức ngày 15-8-1963, tại một khu đất trống đối diện Trường Hòa Nguyên (hiện nay là nhà trẻ Hướng Dương, gần ngã ba đi lên ga xe lửa Ninh Hòa), thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, trụ thế 27 năm. Đây cũng chính là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi mà Bồ-tát Quảng Đức đã nhiều năm hành đạo và đã khai sơn 14 chùa tại Khánh Hòa.

Sau ngày Ni cô Diệu Quang tự thiêu, Tăng Ni, Phật giáo đồ Ninh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa đứng lên biểu tình đòi trả lại thi hài của Ni cô. Cuộc biểu tình này ngay lập tức bị nhân viên công lực đàn áp dã man, khiến gần 30 người bị thương và trên 200 thiện tín bị bắt.

Sau đó, nhà cầm quyền cho bao vây hai chùa Tỉnh Hội và Phật học viện Hải Đức Nha Trang, nhốt hơn 300 Tăng Ni và thiện tín trong đó. Trong 03 ngày hai chùa này bị đàn áp dã man, cắt điện, cắt nước và kết quả của cuộc đàn áp có 04 Tăng, 01 Ni và 03 Phật tử bị trọng thương, 02 vị Tăng khác bị quăng xuống hồ và được gia đình Phật tử ở Phước Hải vớt lên. Rất đông học sinh Phật tử bị bắt, nhiều nhất là các nữ sinh Phật tử.

Ngọn đuốc Diệu Quang là ngọn đuốc thứ tư của mùa Pháp nạn 1963.

Theo dòng lịch sử mùa Pháp nạn, Đại đức Thích Quảng Hương - thế danh Nguyễn Ngọc Kỳ, đạo hiệu Bảo Châu, sinh ngày 28-7-1926 tại xã An Ninh, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, một cựu học Tăng của Phật học viện Hải Đức Nha Trang - đã tự thiêu tại trước chợ Bến Thành Sài Gòn vào lúc 12 giờ 5 phút ngày 05-10-1963 để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đại đức đã để lại lời tâm huyết bất hủ:

Phát nguyện thiêu thân cầu Tam bảo,

Hộ trì Phật giáo được miên trường.

Và nối tiếp là 24 vị Thánh tử đạo thiêu thân cùng 57 vị bị sát hại, thủ tiêu, Phật giáo mới qua được mùa Pháp nạn 1963.

III. LỜI KẾT

Xin cung kính dẫn lại lời của Đại lão Hòa thượng Thích Từ Nhơn xúc động nói về Trái tim bất tử Bồ tát Thích Quảng Đức để kết thúc phần phát biểu: “Hy vọng khi hoàn thành tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức tại ngay nơi ngài đã tự thiêu ở TP. Hồ Chí Minh, trái tim ngài sẽ được đưa về gìn giữ ở chính nơi này để Phật tử, dân chúng được chiêm ngưỡng, thờ phụng!”. Đó là trái tim thiêng liêng mà vị Bồ-tát đã để lại cho hậu thế như lời nhắn nhủ rằng dù thế cuộc có thăng trầm thì đạo pháp vẫn trường tồn và sự công bằng, hòa bình cuối cùng vẫn sẽ đến với nhân dân. Cuộc tranh đấu thần thánh của Phật giáo Việt Nam đã góp một phần không nhỏ vào cuộc Cách mạng ngày 01/11/1963 lật đổ chế độ cường quyền họ Ngô. Phật giáo đã tô đậm nét vàng son hào hùng vào lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo. Phật giáo đã nói lên tiếng nói bất khuất của dân tộc trước cường quyền.

Cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam từ ngày 08/5/1963 đến ngày 01/11/1963 đã mở ra kỷ nguyên mới cho Phật giáo Việt Nam: Kỷ nguyên của tranh đấu bất bạo động mà chiến thắng được cường quyền.

Khánh Hòa, trọng hạ Quý Tỵ (2013)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Hồi ký.

2. HT. Thích Thiện Hoa, Tiểu sử chư Thánh tử đạo năm 1963.

3. Quách Tấn, Xứ Trầm hương.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 159
    • Số lượt truy cập : 6947925