Thông tin

PHẬT GIÁO - LỊCH SỬ - XÃ HỘI - CON NGƯỜI

 

HOANG PHONG chuyển ngữ

 


 

Lời mở đầu của người chuyển ngữ

Tập san Sagesses bouddhistes (Trí Tuệ Phật giáo) của Tổng hội Phật giáo Pháp, số mới nhất mùa xuân năm 2023, trong phần tin ngắn có nhắc lại một sự kiện khá xưa là vào năm 1983, tức là cách nay đúng 40 năm, chính phủ nước Áo (Austria) và cũng là nước đầu tiên tại Âu châu, chính thức công nhận Phật giáo là một tôn giáo. Điều đó đưa đến các thể chế chính thức cùng các chương trình hoạt động xã hội của Tổng hội Phật giáo Áo, chẳng hạn như các sự sinh hoạt của các tổ chức tuyên úy tại các bệnh viện và nhà giam. Thế nhưng đồng thời bản tin cũng nêu lên một sự trùng hợp thật bất ngờ đang xảy ra: chính phủ Bỉ (Belgium) sắp thừa nhận Phật giáo là một nền triết học phi tôn giáo (non-conconfessionel) qua một dự án luật đã được Hội đồng bộ trưởng chính thức chấp nhận. Dự án này đã được Bộ trưởng Tư pháp là Vincent Van Quickenborne đưa ra trước báo chí ngày 17 tháng 3 vừa qua, và dự án này đồng thời cũng cho biết là Tổng hội Phật giáo Bỉ (UBB) đại diện cho cộng đồng Phật giáo Bỉ là cơ quan chính thức đứng ra đối thoại với chính phủ (Tập san Sagesses bouddhistes, đầu tháng 4 năm 2023, tr. 4).

Những gì nêu lên trên đây cho thấy một sự “nghịch lý” nào đó - nếu có thể nói như vậy - trong Phật giáo. Nếu chúng ta nhìn Phật giáo như là một tín ngưỡng thì chúng ta sẽ thấy phía sau là cả một lâu đài triết học, kể cả khoa học, luận lý học và tâm lý học, và nếu nhìn Phật giáo như là một nền triết học thì chúng ta lại thấy phía sau là cả một tôn giáo với “84 000 phương tiện thiện xảo”. Ngay cả những người Âu châu, dù có một vốn liếng triết học lâu đời và một nền khoa học tân tiến, thế nhưng dường như họ cũng cảm thấy một sự hoang mang nào đó trước những bước chân đầu tiên của Phật giáo trên quê hương họ.

“Phật giáo: lịch sử - xã hội - con người” là một loại bài mà người chuyển ngữ mạn phép đề nghị dưới đây không mang chủ đích phân tích hay tìm hiểu sự nghịch lý nêu lên trên đây, mà chỉ là một cách nhìn vào Phật giáo không xuyên qua một lăng kính nào cả, có nghĩa là không nhìn vào Phật giáo qua góc nhìn triết học, cũng không qua góc nhìn tín ngưỡng. Tầm nhìn phi lăng kinh đó là một cách nhìn thẳng vào Phật giáo qua các sự kiện lịch sử, xã hội con người. Một vài bài khảo luận của các sử gia, học giả sẽ được chọn lựa để chuyển ngữ và giải thích thêm vài chữ và vài câu khúc triết, thế nhưng sự suy tư và phán đoán hoàn toàn dành cho người đọc.

Sau hết, vì một vài lý do và yếu tố người chuyển ngữ xin mạn phép được cáo biệt cùng độc giả sau loạt bài này. Thế nhưng trước hết người chuyển ngữ cũng xin chân thành cảm tạ các độc giả xa gần lâu nay đã bỏ ra đôi chút thì giờ để đọc qua các bài viết và chuyển ngữ trước đây, đồng thời cũng xin tạ lỗi đã làm mất đôi chút thì giờ quý báu của các độc giả khác không đồng quan điểm, kể cả có thể cảm thấy bất bình. Dưới đây là bài thứ nhất, liên quan đến các sự kiện “lịch sử - xã hội - con người” lâu đời nhất trong lịch sử Phật giáo, tức là vào thời đại của Đức Phật. Bài khảo luận này là của Giáo sư André Bareau, mang tựa là Le Bouddha et les roi / Đức Phật và các vị vua.

 

Bài 1

Đức Phật và các vị Vua

(Le Bouddha et les rois)

André BAREAU

(31.12.1921 - 02.03.1993)

 

HOANG PHONG chuyển ngữ

 

Lời giới thiệu của người chuyển ngữ:

André Bareau (1921-1993) là Giáo sư của trường Collège de France (Trường Đại học của nước Pháp) còn gọi là Collège royal (Đại học hoàng gia) do vua François đệ nhất thành lập năm 1530, đồng thời ông cũng kiêm nhiệm chức vụ giám đốc phân khoa triết học Phật giáo tại trường École pratique des hautes études (EPHE / một cơ chế nghiên cứu và giảng dạy cao cấp của nước Pháp). Ngoài chức vụ giáo sư đại học, ông còn là một học giả nổi tiếng về Phật giáo, thành thạo các thứ tiếng Pali, Phạn, Hán và Tây Tạng. Ông đã để lại khoảng 360 trước tác về Phật giáo, gồm sách và các bài khảo luận, trong đó một số là các công trình khảo cứu với sự hợp tác của các học giả khác. Nhiều nhà sư Á châu từng soạn thảo luận án về Phật giáo tại Pháp dưới sự chỉ đạo của ông. Dù được một số người xem là một trong các học giả uyên bác nhất của nước Pháp trong thế kỷ XX, thế nhưng dường như ông xem danh hiệu đó chỉ là chiếc áo khoác lên người, mà chỉ đơn giản tự nhận mình là một sử gia về Phật giáo. Thế nhưng qua những gì lưu lại thì ông quả là một triết gia sâu sắc, một người Phật giáo chân chính.

Bài khảo luận “Le Bouddha et les rois” / “Đức Phật và các vị vua” được đăng trong tập san Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient / Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ, số 80, năm 1993, và sau đó đã được đưa lên trang mạng của tập san này. Độc giả có thể tham khảo bản gốc của bài khảo luận này trên mạng theo địa chỉ liên kết: https://www.persee.fr/doc/befeo_0336-1519_1993_num_80_1_2187. Sau hết cũng xin lưu ý độc giả về cách nêu lên các quy chiếu (references) về kinh sách trích dẫn, sau đó là các chi tiết liên quan đến lãnh vực thuật ngữ.

Tác giả ghi chú với các quy chiếu (references) thật chính xác về nguồn gốc các kinh sách tham khảo, thế nhưng, tư liệu Phật giáo thì lại vô cùng phong phú và phức tạp. Trên phương diện tổng quát thì các tư liệu này gồm có hai thể loại: trước hết là các kinh điển nòng cốt bằng tiếng Pali, còn gọi là Tam Tạng Kinh / Tripitaka, trong đó có hai Tạng quan trọng nhất là Tạng Kinh / Suttapitaka và Tạng Luật / Vinayapitaka; thể loại thứ hai là các kinh điển bằng tiếng Phạn, và các kinh này thì lại được xem là dịch lại từ các kinh bằng tiếng Pali. Các bản kinh tiếng Phạn không hoàn toàn trung thực với các bản kinh nòng cốt bằng tiếng Pali, cũng không thống nhất giữa các học phái. Các bản kinh tiếng Hán lại được dịch lại từ các bản kinh tiếng Phạn của các học phái này, trong số đó chủ yếu nhất là các học phái Sarvāstivāda, Mahāsāmghika và Dharmaguptaka, kinh điển thuộc thể loại thứ hai gồm tiếng Phạn và tiếng Hán được gọi chung là Tam Tạng Kinh A-hàm / Tripitaka-Āgama. Các kinh bằng tiếng Hán này được lưu trữ tại Trung quốc và các nước tu tập theo Phật giáo Trung quốc. Tại Nhật bản vào đầu thế kỷ XX, Nhật hoàng Taisho đưa ra một sắc lệnh bắt buộc tất cả chùa chiền trong nước phải liệt kê kinh sách lưu giữ. Trong dịp này toàn bộ Tam Tạng Kinh A-hàm được sưu tập thật nghiêm chỉnh và đầy đủ trong suốt một thời khá dài từ năm 1922 đến năm 1935, và được gọi là Taisho Tripitaka-Āgama. Các học giả ngày nay dựa vào phiên bản bằng tiếng Hán này của Nhật bản để tra cứu và trích dẫn, trong bài khảo luận của Giáo sư André Bareau thì các trích dẫn và tham khảo này được ghi chú dựa vào phiên bản Taisho bằng cách nêu lên chữ T. kèm theo số tập cùng số trang trong từng tập. Đối với kinh điển nòng cốt thì Giáo sư André Bareau căn cứ vào phiên bản gốc bằng tiếng Pali do Hiệp Hội Văn Bản Pali (Pali Society Text) sưu tập. Các cách quy chiếu (references) này rất khó truy tìm, ngày nay kinh điển được chia ra từng bài kinh riêng biệt và được đánh số từng bài kinh một. Trong bản chuyển ngữ dưới đây, một số kinh quan trọng sẽ được truy tìm và ghi chú thêm bằng cách dựa vào cách quy chiếu thông dụng ngày nay với mục đích giúp người đọc tra cứu và xem thêm nếu cần.

Một số các chi tiết khác trong bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây liên quan đến cách dùng chữ và hành văn. Giáo sư André rất chính xác trong cách dùng chữ và rất khúc triết trong cách hành văn, do đó việc dịch thuật rất tế nhị, rất khó giữ được sự trung thực đối với nguyên bản, và đồng thời thiết nghĩ cần phải minh định về một vài chi tiết liên quan đến cách dùng chữ trong bản dịch. Sau sự tịch diệt của Đức Phật, hàng chục học phái được hình thành, thế nhưng các học phái này không chủ trương các nền tảng tư tưởng mới, mà chỉ dựa vào các cách hiểu và diễn đạt với ít nhiều khác biệt về Giáo huấn của Đức Phật. Giáo sư André Bareau do đó không gọi là các cách diễn đạt mới này là các “học phái” mà chỉ gọi là các “nhóm người” chủ trương một cách hiểu nào đó về Giáo huấn của Đức Phật, chẳng hạn như “những người” Sarvāstivādin, tức là những người có cùng một quan điểm thuộc [“học pháỉ”] Sarvāstivāda, v.v. Ngoài ra đối với các vương quốc thời bấy giờ cũng vậy, không có ranh giới rõ rệt, Giáo sư André Bareau không gọi là các quốc gia, xứ sở hay đế quốc mà chỉ gọi là các người dân trong một vùng lãnh thổ cai trị bởi một vị vua, chẳng hạn như các người dân Maghada (Ma-kiệt-đà) nhưng không gọi là quốc gia, xứ sở, vương quốc hay đế quốc Maghada. Vì tính cách gẫy gọn và tránh bớt sự lập lại trong các câu chuyển ngữ tiếng Việt, nên đôi khi không hoàn toàn tôn trọng được các cách gọi rất tinh tế và ý nhị này. Ngoài ra trong bài khảo luận của Giáo sư André Bareau, các danh từ riêng và các danh từ chung đều được ưu tiên viết bằng tiếng Phạn, nếu các chữ này được kèm thêm một chữ thứ hai, thì chữ thứ hai sẽ là tiếng Pali. Sau hết là một bài viết của ký giả Christian Makarian được trình bày dưới hình thức một bài phỏng vấn Giáo sư André Bareau, sẽ được ghép thêm trong phần phụ lục nhằm giúp chúng ta tìm hiểu thêm về quan điểm của vị Giáo sư uyên bác này về Phật giáo nói chung.

 

Giáo sư học giả André Bareau (1921-1993)

 

Đức Phật và các vị Vua

 

Di cảo của vị hàn lâm quá cố Robert Linga (1892-1972) vừa được xuất bản gần đây mang tựa “Các Hoàng thân Phật giáo” (Robert Lingat - Royautés bouddhiques, Azoka et la fonction royale à Ceylan, deux études éditées par G. Fussman et É. Meyer, Paris, EHESS, 1989), phân tích rất chi tiết và tinh vi các mối liên hệ giữa Phật giáo và vua chúa của nước Ấn cổ đại, nhất là vị vua nổi tiếng Azoka, cùng các vị vua khác của xứ Tích Lan. Vị hàn lâm này nêu lên thật rõ ràng quyền uy của hoàng triều hoàn toàn trái ngược lại với nếp sống khổ hạnh của các nhà sư Phật giáo. Điều đó khiến những người Phật giáo thế tục cảm thấy quá khó - hoặc không thể - giữ được năm giới luật đạo đức mà mình phải tuân thủ [trên nguyên tắc]. Thật vậy, làm vua thì phải có bổn phận trừng phạt thật nghiêm khắc các thần dân phạm tội bằng mọi cách, kể cả án tử hình. Hơn nữa nhiệm vụ của hoàng triều tự nó mang bản chất hiếu chiến, một vị vua tự mình vi phạm bạo lực, hoặc ra lệnh sử dụng bạo lực để chống lại kẻ thù bên ngoài, hoặc những kẻ nổi loạn bên từ trong đế quốc của mình. Trong bối cảnh đa thê của các gia đình hoàng tộc vào các thời kỳ cổ đại, thì các cuộc nội loạn như vậy tiếc thay không phải là chuyện hiếm hoi, lịch sử thuật lại vô số những cuộc nội loạn như vậy.

Trong nước Ấn Phật giáo kể cả các nước láng giềng, chẳng hạn như Tích Lan và cả trong toàn vùng Đông Nam Á cũng vậy, chuyện một vị vua tự nguyện thoái vị để trở thành một người tỳ-kheo (bhikkhu / một người tu hành Phật giáo, một người xuất gia, một người bước theo con đường của Đức Phật) quả hết sức hiếm hoi, kể cả các trường hợp bị các hoàng thân tranh ngôi hoặc các vương hầu thù địch truất phế [và ép buộc phải đi tu], thì cũng không phải là chuyện thường thấy. Vào các thời đại tân tiến hơn, chúng ta thường thấy các vị hoàng thân vị thành niên ẩn cư vài tháng trong một ngôi chùa, thì đấy chỉ là cách tôn trọng truyền thống lâu đời mà tất cả những người trẻ tuổi trong nước phải tuân thủ, thật ra thì phép ẩn cư [ngắn hạn] ấy cũng chỉ được khuyến khích khi vương quyền vững mạnh. Vào các thời kỳ xa xưa, kể cả từ thời đại của Đức Phật, tình trạng bất ổn chính trị luôn là một áp lực nặng nề, do vậy việc thoái vị khó có thể xảy ra mà không gây ra các mối hiểm nguy khiến xứ sở lâm vào cảnh đau thương, dù là vì các nguyên nhân trong nước hay từ bên ngoài cũng vậy.

Trong kinh điển nòng cốt (Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali) chỉ thấy nêu lên một trường hợp duy nhất về sự tự nguyện thoái vị, thế nhưng dường như chuyện đó cũng chỉ là một huyền thoại. Theo Tạng luật của các nhóm (các học phái) Theravadin, Mahīsāsaka và Dharmaguptaka, thì vị vua trẻ tuổi của bộ tộc Sākya (Thích Ca) là Bhaddiya hay Bhādrika, đã từng thoái vị để trờ thành một người tu hành. Thế nhưng điều đó cũng chỉ xảy ra sau khi người em nhiều lần khuyên bảo và thúc dục ngài nhường ngôi. Mỗi lần người em thôi thúc thì vị vua này đều tìm cách thoái thác, hoặc xin hoãn thêm một thời gian nữa, vin cớ là phải gánh vác trọng trách triều đình, và sau cùng thì đành phải chấp nhận. Trách nhiệm chốn triều đình và cuộc sống nơi tu viện luôn được xem là hoàn toàn trái ngược nhau từ các thời kỳ cổ đại, trước cả kỷ nguyên của chúng ta, tức là từ các thời kỳ khi các truyền thống kinh điển nòng cốt bắt đầu được hình thành, và dù Phật giáo từng tìm đủ mọi cách đề cao vai trò của người tỳ-kheo trong xã hội nhằm khuyến khích vua chúa - ít nhất cũng được một người (như đã được nói đến trên đây)- thoái vị và từ bỏ mọi ưu đãi.

Rất sớm, và cũng có thể là quá sớm, mối quan hệ (liên hệ, tương giao) giữa một con người đáng kính là Đức Phật và tầng lớp vương quyền đã được xác định thật dứt khoát (minh bạch). Trước hết, Đấng Thế Tôn được sinh ra trong đẳng cấp chiến binh gọi là Ksatriya (tức là đẳng cấp thứ hai trong bốn đẳng cấp xã hội, là giới quý tộc, tướng sĩ..., đẳng cấp thứ nhất và cao nhất rong xã hội là giới tu sĩ bà-la-môn), và đẳng cấp này cũng là đẳng cấp của vua chúa (rāyan). Sự kiện này được công nhận bởi toàn thể truyền thống Phật giáo, không có một ngoại lệ nào cả (không có một học phái hay tông phái nào không chấp nhận sự kiện Đức Phật xuất thân từ đẳng cấp quý tộc và vua chúa), vì vậy sự kiện này có thể được xem như là một sự thật lịch sử (Đức Phật xuất thân từ đẳng cấp hoàng gia và quý tộc dầu sao cũng tạo được nhiều ảnh hưởng hơn trong một xã hội đẳng cấp, so với một người xuất thân từ các đẳng cấp dân dã). Ngoài ra cũng có một sự kiện khác được xem là đương nhiên: đó là vị Suddhodana (Tịnh Phạn), thân sinh của Đức Phật, theo truyền thống thì vị Suddhodana là vua của bộ tộc Sākya (Thích Ca), trị vì tại kinh thành Kapilavastu (Ka-tì-la-vệ). Sự kiện này có vẻ thiếu vững chắc, bởi vì bộ tộc Sākya, cũng như các bộ tộc nhỏ khác trong vùng, chẳng hạn như các bộ tộc Malla (Mạt-la), Vrji (còn viết là Vajji hay Vriji, một lãnh thổ nằm giữa thủ đô Delhi và thành phố Agra ngày nay, kinh sách Hán ngữ dịch âm là Bạt-kì), Kraudya, và nhiều bộc tộc khác nữa, tất cả cùng sinh hoạt dưới một thể chế cộng hòa, lãnh đạo bởi các thành phần quý tộc, [thể chế đó] không cần đến một vị đế vương nào cả. Hơn nữa, tên gọi của vị thân sinh của Đấng Thế Tôn, tức là chữ Suddhodana, nguyên nghĩa là “Một người tương tự như một bát cháo (bát cơm) tinh khiết”, quả vậy, thật hết sức lạ lùng, ý nghĩa đó gợi lên hình ảnh của một chiến sĩ (gánh chịu gian khổ), kể cả một vị vua (một vị đế vương liêm khiết), cách gọi tâng bốc này là một thói tục quen thuộc của dân tộc Ấn. Sự ca ngợi về con người cao quý của Đức Phật không phải chỉ có vậy, tên gọi Sākya (Thích Ca) của bộ tộc của Đức Phật còn có nghĩa là “nhiều khả năng” hay “can trường”, sự tôn vinh đó không khỏi khiến chúng ta liên tưởng đến vị Thầy (tức là Đức Phật) của họ thuộc một gia đình hoàng tộc “hùng mạnh”, một vị đế vương của một Đế quốc phì nhiêu và giàu có, điều đó chính là nguyên nhân đưa đến các huyền thoại (các sự tưởng tượng) về cuộc sống an nhàn và xa hoa của vị hoàng tử trẻ tuồi Gautama (Cồ-đàm), sống trong ba lâu đài khác nhau cùng với một đoàn gia nhân đông đảo, v.v. Dòng dõi của của vị Gautama cũng được ghép chung với các vị đế vương lừng danh tiếp nối nhau trị vì nước Ấn suốt trên dòng lịch sử. Theo sự tiên đoán từ lúc mới sinh thì sau này khi lớn lên vị hoàng tử trẻ tuổi Gautama sẽ có hai sự nghiệp tương lai để chọn, cả hai sự nghiệp đó đều thật phi thường ai mà chẳng dám mơ uớc: một là trở thành một vị đế vương toàn cầu (cakravartin rājan) trị vì toàn thể thế giới, hai là trở thành một Đấng Giác Ngộ hoàn hảo và tối thượng (samyak-sambuddha). Thế nhưng vị hoàng tử trẻ tuổi quyết tâm không chọn sự nghiệp thứ nhất mà bước theo con đường thứ hai. Sự so sánh giữa hai sự nghiệp đó cũng hàm ý nêu lên Đấng Thế Tôn ít nhất trong lãnh vực xã hội cũng phải ngang hàng với một vị đế vương toàn cầu, một hình thức mơ ước từ muôn thuở của các vị tiểu vương trên đất Ấn, bởi vì đối với họ thì vị ấy cũng là vị siêu việt nhất đối với tất cả giống người. Thế nhưng đối với các môn đệ của mình thì Đức Phật còn cao hơn cả vị đế vương ấy, bởi vì một người khổ hạnh, nhất là một người khổ hạnh Phật giáo, luôn được xem là cao cả hơn người thế tục, dù cho người thế tục là một vị vua hùng mạnh nhất cũng vậy (ngày nay một số người tu hành ăn ba bữa, được cung phụng đủ mọi thứ tiện nghi, trà nước, khách khứa suốt ngày, không còn giữ được ý nghĩa của một người khổ hạnh đúng với ý nghĩa của nó vào các thời xa xưa trong thung lũng sông Hằng. Phải chăng những người khổ hạnh ngày nay đã tự đánh mất sự cao quý đó của mình).

Mục đích của bài viết này là nhằm nêu lên các mối liên hệ từng xảy ra giữa Đức Phật và các vị vua (rājan) bằng cách dựa vào các kinh điển xưa mang tính cách nòng cốt của Phật giáo. Qua một khía cạnh nào đó thì bài viết này là nhằm bổ túc thêm cho quyển sách của [học giả quá cố] Robert Lingat đã được nói đến trên đây, bởi vì quyển sách này đề cập quá vắn tắt về chủ đích chính xác trên đây (tức là các sự giao tiếp giữa Đức Phật và các vị vua), lý do có thể là vì các tư liệu về chủ đề này dường như mang nhiều huyền thoại hơn là lịch sử, trong khi chủ đích của quyển sách trên đây (của học giả Robert Lingat) lại thuộc vào lãnh vực lịch sử .

Tương tự như các công cuộc tra cứu của chúng tôi trước đây, chủ đích của bài viết là nhằm tìm hiểu các câu chuyện đã được dựng lên trong kinh điển nòng cốt liên quan đến Đấng Thế Tôn cùng các nhân vật - trong trường hợp này là các vị vua thuộc vào thời đại của Ngài - và một số các chi tiết khác nhằm vén lên một phần nào đó tấm màn bao phủ Phật giáo nguyên thủy và dòng lịch sử của nền Phật giáo này. Nhằm giữ nguyên phương pháp nghiên cứu của chúng tôi từ trước đến nay, đối với bài viết này cũng vậy, chúng tôi sẽ đối chiếu các văn bản bằng tiếng Pali với các bản dịch song hành sang tiếng Hán, bằng cách cho rằng tất cả đều có cùng một giá trị như nhau, dù điều đó chỉ là tương đối mà thôi, tức là cho đến khi nào chưa có một bằng chứng nào khác trái ngược lại, chẳng qua là vì không có một tư liệu nào trong số đó (bằng tiếng Pali hay tiếng Hán) hoàn toàn ngược về (thuộc vào) chính thời đại của Đấng Thế Tôn cả. Những gì thuật lại trong các tư liệu đó (kể cả kinh điển nòng cốt bằng tiếng Pali) vì thế cũng không thể được xem là các bằng chứng hoàn toàn trung thực.

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu các mối giao tiếp giữa Đức Phật và các vị vua trong trung bộ châu thổ sông Hằng. Theo kinh sách nòng cốt cho biết thì trong vùng rộng lớn đó có rất nhiều nhóm dân cư khác nhau, các dân tộc thiểu số, các dân tộc và các sắc tộc khác nhau. Sở dĩ chúng ta biết được các điều này là nhờ vào kinh điển nòng cốt của Phật giáo [thuật lại], hoặc gián tiếp hơn là nhờ vào các tư liệu [lịch sử] khác vào thời đại đó của nước Ấn, của những người theo đạo Bà-la-môn và nhất là của những người theo đạo Jaīn.

Ranh giới phân chia các vùng cư trú của các nhóm dân trên đây khá lu mờ, trừ trường hợp biên giới [thiên nhiên] là con sông Hằng phân chia lãnh thổ của dân tộc Magadha (Ma-kiệt-đà) và lãnh thổ của dân tộc Vrji. Hơn nữa, các biên giới này biến đổi không ngừng (vì chiến tranh), do vậy vị trí của các vùng lãnh thổ của các nhóm dân tộc này không thể xác định một cách chính xác được, mà chỉ là những sự phỏng đoán mà thôi. Những gì quan trọng hơn trong các vương quốc đó là các vùng đô thị lớn giúp xác định được một phần nào vị trí của các vương quốc này, bởi vì các vùng đô thị trong các vương quốc đó ngày nay vẫn còn lưu lại một số di vật hoặc các dấu tích ghi khắc, giúp chúng ta xác định được vị trí của các vùng đô thị đó một cách khá chính xác. Chẳng hạn như các thị trấn Bénarès (Ca-tỳ-la-vệ, ngày nay là Varanasi), Pātalyputra (Hoa Thị Thành, nằm bên cạnh thị trấn Patna ngày nay), Rājagrha (Vương Xá, tên ngày nay là Rajgir), Sravasti (Xá Vệ, di tích lưu lại được tìm thấy trong tiểu bang Uttar Pradesh, cách thị trấn Lucknow 120 cây số về phía Bắc), Kausāmbi (Câu-đàm-di, tên ngày nay là Kosam, nằm về phía Tây bắc thành phố Allahabad) và Vaisāli (Vệ-xá-li, cách thị trấn Patna ngày nay khoảng bốn mươi cây số). Vị trí của các thị trấn kém quan trọng hơn, nhờ vào các di tích còn lưu lại đến nay, cũng đã được xác định, đôi khi cũng chỉ gần đây thôi, chẳng hạn như trường hợp của các thị trấn Kusinagara (Câu-thi-na), Kapilavastu (Ca-tì-la-vệ) và Lumbini (Lâm-tì-ni). Và cũng nhờ đó chúng ta phỏng đoán được vị trí của các lãnh thổ quan trọng, nơi mà các dân tộc Kasi (Ka-di), Magadha (Ma-kiệt-đà), Kosala (Kiêu-tát-la), Vatsa (Bạt-sa), Vrji (Bạt-kì), Malla (Mạt-la) và Sākya (Thích-ca) từng sinh sống vào thời đại của Đức Phật.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6294201