Thông tin

“PHẬT GIÁO LƯỢC GIẢNG”

CUỐN SÁCH BỔ ÍCH CHO NGƯỜI HỌC PHẬT

 

TS. NINH THỊ SINH
Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội 2

 

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX ghi nhận sự ra đời của nhiều hội Phật giáo/Phật học khác nhau, trong đó phải kể đến Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội (1931), Annam Phật học hội (1932) và Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934). Các hội Phật học ra đời, ngoài mục đích chấn chỉnh thiền môn, thiết lập kỷ luật tăng già, đào tạo một thế hệ chư tăng hữu học và chân tu, thì việc phổ biến giáo lý đạo Phật, nâng cao hiểu biết của tín đồ, nhằm gây thành một sự tín ngưỡng chính đáng được các hội coi trọng. Để đạt cho được mục đích đó, các hội chú trọng công tác in ấn, xuất bản sách, báo bằng chữ quốc ngữ. Nhiều sách vở đã được xuất bản trong thời gian này.

Phật giáo lược giảng là một cuốn sách nhỏ, do Thanh Hóa tỉnh hội ấn tống, được in tại nhà in Đuốc Tuệ năm 1944, hiện nay đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp. Thanh Hóa tỉnh hội là một chi hội của Annam Phật học hội, được thành lập năm 1932 do cư sĩ Lê Đình Thám làm hội trưởng. Cuốn sách nhỏ gồm 8 mục giới thiệu những nội dung căn bản của đạo Phật.

Mở đầu, cuốn sách nêu lên thực trạng đa số người Việt Nam đều nhận mình là người theo đạo Phật, nhưng lại không có hiểu biết gì về đạo Phật, thậm chí là những kiến thức căn bản nhất “nếu có người hỏi dân Việt Nam ta theo đạo nào, thời chín phần mười sẽ trả lời rằng theo đạo Phật. Song xét cho kỹ thời trong mười người tự nhận là Phật tử đó, đến chín người chẳng biết đạo Phật là gì và Phật là ai cả1. Vì không hiểu biết nên dẫn đến hệ lụy “phần nhiều chỉ lạc vào đường mê tín”. Từ đó, sách đề cập đến vấn đề đã là tín đồ đạo Phật, trước hết cần có những hiểu biết căn bản về đạo.

Nội dung chính của cuốn sách tập trung vào 4 vấn đề căn bản gồm: Đạo Phật là gì? Thế nào là Phật? Lược sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật pháp. Sau khi giải thích những nội dung căn bản, tác giả tiếp tục lý giải lý do vì sao phải tu học Phật và chỉ ra cách thức để tu học Phật.

Ở nội dung thứ nhất, cuốn sách giải thích một cách ngắn gọn, dễ hiểu về khái niệm đạo Phật. Đó là “con đường sáng suốt, tuyệt đối, do đức Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ và chỉ dạy cho hết thảy chúng sinh có thể tùy căn cơ noi theo để tâm chí được tiến hóa, giác ngộ, giải thoát tất cả khổ ách phiền não, và đời đời kiếp kiếp yên vui2. Chúng ta nhìn thấy ở những dòng trên nội dung đạo Phật “con đường sáng suốt, tuyệt đối”, người tìm ra và chứng ngộ con đường ấy “đức Thích Ca Mâu Ni”, người có thể theo con đường ấy “hết thảy chúng sinh” và mục đích “tâm chí được tiến hóa, giác ngộ, giải thoát tất cả khổ ách phiền não, và đời đời kiếp kiếp yên vui”. Một điểm đáng lưu ý là con đường này mặc dù hết thảy chúng sinh đều có thể noi theo, nhưng cách thức cụ thể thì không giống nhau mà tùy theo “căn cơ”, tức là điều kiện, hoàn cảnh, trình độ, nhận thức,… của mỗi chúng sinh mà thực hành sao cho phù hợp.

Từ việc hiểu khái niệm đạo Phật, cuốn sách tiếp tục giảng giải cho chúng ta biết Thế nào là Phật? “Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ, nghĩa là đã thấu triệt chân lý vũ trụ, từ xưa đến nay, từ xa đến gần, bất kỳ sự vật gì đều hiểu biết thấu nguồn cội gốc. Phật là bậc hoàn toàn giải thoát, nghĩa là thường được yên vui, không bị hoặc nghiệp ràng buộc, trần lụy câu thúc, thoát khỏi tất cả khổ quả trong tam giới. Phật là đấng chí tôn, từ bi bình đẳng, công đức viên dung, thương xót muôn loài chúng sinh như con đẻ, dắt đường chỉ lối cho mà tiến hóa đến bờ giác ngộ giải thoát, lìa khổ nạn được yên vui3. Từ những dòng trên, có thể suy ra, Phật vừa là một danh từ riêng, cũng lại là một danh từ chung. Trước hết, Phật chỉ đức Thích Ca Mâu Ni, người đã chứng ngộ và chỉ dạy cho chúng sinh con đường giác ngộ. Nhưng Phật cũng là một danh từ chung chỉ những bậc đã “giác ngộ hoàn toàn”, “giải thoát hoàn toàn”.

Nội dung thứ ba, tác giả khái lược về cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni, từ khi ngài sinh ra là một thái tử; khi ngài 4 tuổi nhìn thấy những cảnh khổ ở quanh thành, quá trình cầu đạo, đắc đạo và tuyên dương Phật pháp. Ở nội dung này, chúng ta nhận thức được rằng Phật Thích Ca Mâu Ni là người không phải thần thánh vì Ngài có tên tuổi, có cha mẹ, có vợ con, có quê hương, xứ sở,…

Nội dung thứ tư, là nội dung rất quan trọng đề cập tới “Phật pháp”, “là những phương pháp Phật dạy để y theo đó mà diệt khổ nạn, đặng thường vui, ra khỏi bến mê, bước lên bờ giác”. Phật pháp được thể hiện trong Tam tạng thánh giáo gồm Kinh tạng, Luật tạng Luận tạng Kinh tạng ghi những giáo lý Phật dạy tùy theo căn cơ để rõ đường tu. Luật tạng ghi những luật giới Phật chế ra để người tu hành, tùy theo căn cơ phải giữ gìn cho tâm tánh khỏi xao lãng! Luận tạng ghi những lời Phật và các bậc Thánh tăng bàn giải Phật pháp, để người tu hành khỏi hiểu lầm tu lạc4.

Ở nội dung này, cuốn sách cũng đề cập tới “lý nhân quả”, là đạo lý của Phật giáo, cũng là kim chỉ nam hành động cho mỗi người trong cuộc đời, vì “Theo lý ấy thì làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ, cũng như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Đời hiện tại là kết quả của công việc làm trong đời quá khứ; Đời tương lai lại là kết quả của công việc làm trong đời hiện tại. Vậy ai cũng nên tránh điều dữ, vì kết quả dữ sẽ trở lại cho mình; ai cũng làm điều lành, vì sẽ được phúc lành về tương lai5.

Sau khi đã giảng giải 4 nội dung căn bản giúp độc giả hiểu đúng đắn về đạo Phật, cuốn sách lý giải lý do phải tu học Phật “Ngoài Phật ra không còn ai chỉ dạy cho ta rõ thấu nguồn gốc khổ, nguồn gốc sinh tử. Mà có biết nguồn gốc khổ mới mong dứt trừ được khổ, có biết nguồn gốc sinh tử mới mong ra khỏi nẻo luân hồi. Vì vậy, ta phải học Phật tu Phật6. Đồng thời, chỉ ra cách thức để tu học Phật. Trước hết phải Quy y Tam bảo (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo), phải thực hiện Ngũ giới, là năm điều răn cần yếu Phật dạy cho người sơ cơ, gồm không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không điêu ngoa lừa dối, không rượu chè hút sách. Ngũ giới là để tránh những điều ác, hại mình hại người. Bên cạnh việc giữ giới phải chú ý “làm những điều lành” như bố thí, giúp đỡ những người kém hơn ta,...

Ở những dòng cuối cùng, cuốn sách giới thiệu một pháp môn dễ tu và mau hiệu quả, đó là pháp môn Tịnh độ. Cõi Tịnh độ là cõi thanh tịnh, trang nghiêm, chỉ có vui không có khổ. Cõi này do đức Phật A Di Đà làm chủ. Muốn được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Ngài, hàng ngày ta nên trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà.

 Mặc dù chỉ vỏn vẹn có 8 trang, nhưng cuốn sách đã trình bày những nội dung căn bản về đạo Phật. Đọc sách, ta biết được rằng đạo Phật là con đường mà đức Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ chỉ dạy cho hết thảy chúng sinh. Con đường này ai cũng có thể theo, tùy theo căn cơ của mình mà thực hành để đi đến bờ giác ngộ, giải thoát. Cuốn sách tuy giản lược nhưng rất cần thiết cho những ai bước đầu tu học Phật!

 


 1. Tỉnh hội Thanh Hóa, Phật giáo lược giảng, nhà in Đuốc Tuệ, 1944, tr.1

2. Tỉnh hội Thanh Hóa, Phật giáo lược giảng, nhà in Đuốc Tuệ, 1944, tr.2.

3. Tỉnh hội Thanh Hóa, Phật giáo lược giảng, nhà in Đuốc Tuệ, 1944, tr.3.

4. Tỉnh hội Thanh Hóa, Phật giáo lược giảng, nhà in Đuốc Tuệ, 1944, tr.4-5.

5. Tỉnh hội Thanh Hóa, Phật giáo lược giảng, nhà in Đuốc Tuệ, 1944, tr.5.

6. Tỉnh hội Thanh Hóa, Phật giáo lược giảng, nhà in Đuốc Tuệ, 1944, tr.6.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 60
    • Số lượt truy cập : 6450167