Thông tin

PHẬT GIÁO NAM HÀ

VÀ HÀNH TRẠNG TỔ SƯ LIỄU QUÁN (1667 - 1742)

 

Hậu học TRẦN ĐÌNH SƠN

 

 

Chùa Thiên Mụ

 

A - Phật giáo Nam Hà thời chúa Nguyễn (1558 - 1775)

Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) được triều đình Lê - Trịnh cử vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), vùng đất được xem là “Ô Châu ác địa”, hỗn cư nhiều sắc dân mới cũ. Chúa Nguyễn nỗ lực thi ân bố đức để cố kết lòng người. Ông chủ trương tự do tín ngưỡng, Tam giáo đồng tôn. Những ngôi chùa làng xóm do dân lập thờ tự Phật, Thánh, thần tiên theo truyền thống Việt hay ngay cả các vị thánh thần, vua chúa của cư dân tiền trú. Nhân dân cảm đức tôn xưng ông là Chúa Tiên.

Mười năm cuối đời, Chúa Tiên tôn tạo, xây dựng:

- Chùa Thiên Mụ - Phú Xuân (1601)

- Chùa Kính Thiên - Quảng Bình (1602)

- Chùa Long Hưng, chùa Bảo Châu - Quảng Nam.

- Chùa Sùng Hóa - Thuận Hóa.

* Năm 1613, Thụy Quận công Nguyễn Phước Nguyên (1563 - 1635) lên kế nghiệp Chúa Tiên. Ông tuân theo di huấn của cha, hết lòng chiêu hiền đãi sĩ, nuôi dưỡng sức dân. Văn thần có Đào Duy Từ, võ tướng có Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật tận lực phò tá xây dựng đại nghiệp.

Năm 1620, chúa Nguyễn chấm dứt quan hệ với triều đình Bắc Hà. Nhằm xây dựng hậu phương vũng mạnh, mở rộng đất nước về Nam, chúa kết tình thông gia với vua Chiêm và vua Chân Lạp.

Nhờ có điều kiện thuận lợi, được chính quyền bảo hộ, người Việt ồ ạt di dân khai phá ruộng đất, lập thành làng xóm định cư lâu dài. Đình, chùa trở thành biểu tượng văn hóa Việt, chính quyền xác lập “Sắc tứ”. Ở Nam Hà thời này, Tăng sĩ chân chính rất ít, chùa miếu đa phần do sãi, vãi chăm sóc thờ phụng, phục vụ nghi lễ theo truyền thống dân gian. Nhân dân tôn xưng Thụy quận công là Phật chúa (chúa Sãi).

* Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1601 - 1648)

Năm 1635, lên kế nghiệp cha làm chúa Nam Hà, chúa Thượng tuân thủ sách lược “Bắc cự Nam tiến” thành công. Chiến thắng quân Trịnh tấn công phía Bắc, đánh phá thủy quân Hà Lan xâm phạm hải phận Thuận Hóa. Về mặt văn hóa xã hội vẫn ổn định theo truyền thống cũ do tổ tiên thiết lập.

* Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1620 - 1687)

Sau 45 năm, hai họ Trịnh - Nguyễn tranh bá đồ vương bất phân thắng bại, từ năm 1672, cuộc nội chiến chấm dứt, lấy sông Gianh làm biên giới chia đôi hai miền Nam Bắc. Thời gian này ở Trung Quốc, triều Minh bị diệt nhà Thanh thay thế. Biến cố lớn này đẩy đưa một số quân dân, sĩ phu, Tăng sĩ trung thành với triều Minh vượt biển sang Nam Hà xin chúa Nguyễn cho phép định cư, lập nghiệp lâu dài.

Các Tăng sĩ người Hoa như Viên Cảnh, Viên Khoan ở Triệu Phong (Quảng Trị); Giác Phong, Từ Lâm, Khắc Huyền ở Phú Xuân; Hưng Liên, Minh Hải ở Quảng Nam; Nguyên Thiều ở Quy Nhơn - Thuận Hoá; Tế Viên ở Phú Yên… nỗ lực truyền bá giới luật, kinh tạng Đại thừa.

Đặc biệt, dưới thời Hiền vương, xuất hiện Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628 - 1715). Ngài họ Lê, học Nho làm quan tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Nhờ túc duyên được gặp Hòa thượng Viên Cảnh khai thị, nên phát tâm từ quan xuất gia tu hành. Ngài lánh ra hải đảo Tiêm-bút-la nhập thiền, trì chú. Sau khi đắc đạo được quan dân vùng Thuận Quảng ngưỡng mộ quy y rất đông. Chúa Hiền thỉnh ngài về trú trì Thiền Tịnh viện trên núi Rùa gần cửa biển Tư Dung (nay là Tư Hiền). Phật giáo Nam Hà khởi sắc, có cơ hội phục hồi truyền thống thiền Trúc Lâm Yên Tử. Rất tiếc sau đó, ngài Hương Hải bị nghi ngờ có liên hệ thông đồng với triều đình Bắc Hà nên Hiền vương trục xuất ngài và đệ tử trở về Quảng Nam. Vào năm 1682, Thiền sư Hương Hải cùng 50 đệ tử xuất gia đóng thuyền vượt biển ra Bắc Hà. Sự biến này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển Phật giáo miền Nam. Thời điểm này, ngài Liễu Quán đang hành điệu tại chùa Hội Tôn - Phú Yên.

* Chúa Nghĩa Nguyễn Phước Thái (1650 - 1691)

Năm 1687, Nguyễn Phước Thái được tôn lên làm chúa Nam Hà. Ông nối tiếp truyền thống tôn Nho sùng Phật làm căn bản cho đường hướng tổ chức xã hội, mở rộng đất nước. Chúa thấy rõ việc Minh Châu - Hương Hải vượt biển ra Bắc đã gây hậu quả lớn cho việc chấn hưng, phát triển Phật giáo. Do đó, chúa cử Thiền sư Nguyên Thiều đem lễ vật sang Quảng Đông - Trung Quốc cầu thỉnh Cao tăng Thạch Liêm qua Thuận Hóa, tổ chức Đại giới đàn đúng quy chuẩn, trao truyền giới luật cho tứ chúng hành trì, thanh lọc Tăng sĩ. Tiếc thay, ngài Nguyên Thiều không đủ duyên thành tựu được sứ mạng trước khi Nghĩa vương mệnh chung.

Thời gian này, ngài Liễu Quán chưa thọ giới pháp xuất gia, phải về quê nhà lao động phụng dưỡng cha già làm tròn đạo hiếu.

* Quốc chúa Nguyễn Phước Chu (1675 - 1725)

Năm 1691, Thế tử Nguyễn Phước Chu nối nghiệp làm chúa. Đàng Trong ổn định, phát triển, có thế lực mạnh trong khu vực. Năm 1694, Quốc chúa chính thức cử Quốc sư Hưng Liên trú trì chùa Tam Thai (Quảng Nam) mang lễ vật sang Quảng Đông, đến chùa Trường Thọ cầu thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm sang tổ chức đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm (Thuận Hóa). Quốc chúa và thân tộc phát tâm thọ giới tại gia Bồ-tát, nguyện tận tâm tận lực hộ trì Tam bảo. Quan lại, binh dân xin quy y cầu thọ 5 giới lên đến hàng ngàn người. Từ thời điểm này, chùa chiền được tôn tạo, xây dựng quy mô. Các đại lễ hội Phật giáo được cử hành khắp nước.

* Đỉnh Quốc công Nguyễn Phước Thụ (1697 - 1738)

Triều thần tôn Nguyễn Phước Thụ lên ngôi chúa Nam Hà năm 1726. Ông hoàn thành cuộc Nam tiến, cho thành lập dinh Long Hồ để điều hành chính quyền trên vùng đất mới phương Nam. Chúa noi gương cha hết lòng sùng mộ đạo Phật, quy y Tam bảo có đạo hiệu Vân Tuyền Đạo nhân.

Dưới thời Đỉnh Quốc công, Thiền sư Liễu Quán nỗ lực truyền bá giới luật, giáo huấn đào tạo Tăng tài. Các thảo am do ngài khai sơn độc cư hành thiền dần dần được quan dân ủng hộ xây dựng thành chùa viện tại thiền kinh Thuận Hóa cho đến quê hương Phú Yên.

* Võ vương Nguyễn Phước Hoạt (1714 - 1765)

Năm 1738, Nguyễn Phước Hoạt được tôn lên kế nghiệp cha, thừa hưởng cơ nghiệp rộng lớn, nông thương nghiệp phát triển nhanh chóng. Chúa Nguyễn tự đắc tiến xưng Võ vương, xây dựng đô thành Phú Xuân quy mô tráng lệ, cải cách lễ nghi triều chính, y phục… Được tọa hưởng vinh hoa phú quý trong cảnh thanh bình, dần dần Võ vương sa đọa vào vòng dâm loạn. Quyền bính bị quyền thần Trương Phúc Loan thao túng. Năm 1742, Thiền sư Liễu Quán viên tịch. Năm 1765, Võ vương mệnh chung. Nam Hà bước vào vòng suy mạt nhanh chóng.

* Định vương Nguyễn Phước Thuần (1766 - 1777)

Định vương tuổi còn thơ ấu được nối nghiệp Võ vương, quyền hành vào tay gian thần Trương Phúc Loan. Tệ nạn tham nhũng, mua quan bán chức trầm trọng khiến lòng quân dân chán nản, chia bè kết phái giết hại nhau. Nhân đó, phong trào Tây Sơn khởi nghĩa lan rộng. Thừa cơ, chúa Trịnh cử đại quân vượt sông Gianh vào đánh chiếm Phú Xuân. Từ thời điểm này bùng nổ cuộc nội chiến giữa ba thế lực Nguyễn - Trịnh - Nguyễn Tây Sơn kéo dài 27 năm. Riêng Phật giáo Nam Hà, chùa chiền bị phá phách, chiếm dụng, Tăng sĩ bị đuổi về hoàn tục, pháp khí bị tịch thu lấy nguyên liệu phục vụ chiến tranh, các hoạt động hoằng pháp bị ngưng trệ, cấm đoán. Đến năm 1802, khi vua Gia Long thống nhất đất nước mới có điều kiện phục hưng.

B. Hành trạng Tổ sư Liễu Quán (1667 - 1742)

 

Tổ sư Liễu Quán

 

* Ngài xuất sanh vào thời thịnh trị của Hiền vương Nguyễn Phước Tần. Tuổi ấu thơ bất hạnh, mẫu thân mất sớm, được thân phụ đưa đến lễ Hòa thượng Tế Viên chùa Hội Tôn xin hành điệu. Sau ngày Hòa thượng viên tịch, ngài quyết chí tìm ra Thuận Hóa cầu Lão tổ Giác Phong (khai sơn chùa Hàm Long Thiên Thọ) tế độ cho làm hành giả. Năm 1691, nhận được tin báo phụ thân già yếu, ngài trình Lão tổ xin phép được trở về quê nhà (Phú Yên) làm nghề đốn củi phụng dưỡng, trải qua 4 năm thì cha mất. Ngài giữ tròn đạo hiếu giữa đời. Năm 1695, được tin Quốc chúa Nguyễn Phước Chu thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm và Tăng đoàn từ Quảng Đông - Trung Quốc qua Thuận Hóa tổ chức đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm. Đây là một đại giới đàn đặc biệt nhất chưa từng có, quy tụ giới tử khắp Nam Hà do chính Quốc chúa đứng ra tổ chức. Ngài trở ra Thuận Hóa đăng ký cầu thọ giới Sa-di. Hai năm sau, đủ duyên lành, ngài cầu thọ giới Tỳ-kheo tại giới đàn Từ Lâm, lúc này ngài tròn 30 tuổi.

* Độc cư hành thiền

Thành tựu giới cụ túc, trở thành Tăng sĩ chính thức, ngài đi khắp tùng lâm, tham lễ các bậc Cao tăng đại đức cầu học chánh pháp Đại thừa. Túc duyên đưa đẩy, năm 1701, ngài được gặp Hòa thượng Tử Dung tại chùa Ấn Tôn ở Long Sơn (nay là tổ đình Từ Đàm) chỉ dạy pháp tham cứu thoại đầu. Ngài trở về quê hương Phú Yên, lập thảo am độc cư thiền định suốt 9 năm vẫn không sáng tỏ. Tình cờ đọc sách Truyền đăng lục, hoát nhiên ngộ được thiền cơ.

Năm 1708, ngài trở ra Long Sơn trình cầu Tổ sư ấn chứng. Hòa thượng rất hoan hỷ, trắc nghiệm thử thách năm lần bảy lượt. Cuối cùng, sau 12 năm, thầy trò gặp gỡ tại đại lễ Toàn viện ở Quảng Nam, ngài Liễu Quán trình lên Hòa thượng Tử Dung bài kệ “Tắm Phật”. Sau khi đối đáp bằng ngôn ngữ thiền gia, Hòa thượng hoan hỷ ấn khả. Lúc này, ngài Liễu Quán đã 45 tuổi đời, 15 hạ lạp.

* Thành tựu giới đức, trí tuệ viên mãn, từ đây ngài vân du giáo hóa tứ chúng, độ người xuất gia. Các thảo am do ngài lập để độc cư thiền quán dần dà trở thành đạo tràng hoằng pháp “Thiền Tịnh song tu” như Viên Thông, Viên Giác, Thiên Thai… ở Thuận Hóa, Bảo Tịnh, Cổ Lâm, Hội Tôn ở Phú Yên. Phật sự thành tựu tốt đẹp nhờ nhân duyên gặp thời các chúa Nguyễn sùng mộ Phật pháp.

* Từ năm 1722, Thiền sư Liễu Quán trở về an trú tại thảo am Thiên Thai. Ngài được tứ chúng, quan dân ngưỡng mộ thỉnh cầu mở liên tiếp bốn đại giới đàn tại Thuận Hóa. Năm 1740, ngài được thỉnh truyền giới tại đàn Long Hoa, sau đó trở về Thiên Thai. Đương thời, quốc chúa (Nguyễn Phước Hoạt, pháp danh Phật Tâm, hiệu Từ Tế Đạo nhân) rất kính trọng đạo đức phạm hạnh của ngài nên ban chiếu mời ngài vào cung. Nhưng ngài luôn kiên trì phạm hạnh không muốn thân cận vua quan nên tạ từ sắc chỉ.

* Năm 1742, tuổi thọ đã cao, ngài vẫn từ bi tùy thuận tứ chúng mở đại giới đàn tại chùa Viên Thông trao truyền tịnh giới cho đệ tử xuất gia, tại gia lần cuối cùng. Ngài an trú tại Viên Thông, đến ngày 21 tháng 11 âm lịch, để lại di ngôn: “Sau khi tôi đi, quý vị phải nghĩ đến sự vô thường, nhanh chóng của cuộc đời mà siêng năng tu tập trí tuệ, chớ quên lời dặn của tôi”. Dặn dò tứ chúng xong, ngài đoan tọa kiết già an nhiên thị tịch.

Võ vương được báo tin, sắc môn đồ khắc bia đá ca tụng đạo hạnh trí tuệ của ngài. Vương ban tặng thụy hiệu Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng.

 


Bảo tháp của Thiền sư Liễu Quán

 

Năm 1748, gặp nhân duyên có Sư Thiện Kế, một Tăng sĩ thuộc Thiền phái Lâm Tế (chùa Tang Liên, Phúc Kiến, Trung Hoa) sang Thuận Hóa, môn phái thỉnh cử sư chấp bút viết bài văn bia khắc trên đá dựng trước bảo tháp của ngài. Đến nay, tồn tại 275 năm, trải quan biết bao cuộc nội loạn, ngoại xâm, may mắn bia đá vẫn còn uy nghi thi gan cùng tuế nguyệt. Ngày nay, hậu thế chúng ta nương theo văn bia lần tìm dấu vết Tổ sư, dùng tâm phàm luận bàn hành trạng của bậc xuất trần đại sĩ. Chiêm nghiệm mãi nghĩ chẳng khác người mù sờ voi, chỉ biết:

- Ngài giữ tròn đạo hiếu với song thân.

- Ngài kiên trì giới luật của Tăng sĩ, không xu phụ thế quyền.

- Ngài đem hết thân tâm tìm cầu giác ngộ.

- Ngài tận lực hoằng dương Phật pháp, giáo hóa độ sanh, trao truyền tịnh giới cho tứ chúng.

- Ngài đã xây dựng được nền tảng vững chắc cho thiền phái tồn tại phát triển lâu dài, đảm đương được công việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam xưa nay.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Thiền sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, lưu hành nội bộ, 1992.

- Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, NXB.Phương Đông, 2012

- Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa (tập 1), Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn biên soạn, NXB.Tổng hợp TP.HCM, 2011

- Đặc san Liễu Quán, số 25, NXB.Thuận Hóa, tháng 1-2022

- Đại Nam thực lục tiền biên - Quốc sử quán triều Nguyễn

- Tiên nguyên loát yếu phổ - Liên Đình Tôn Thất Hân

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6920033