Thông tin

PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER NAM BỘ

VỚI QUÁ TRÌNH  GIAO LƯU VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA

VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

Th.S TIỀN VĂN TRIỆU(*)

 

Tóm tắt:

Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ với tư cách là một bộ phận trong ngôi nhà chung của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa

- xã hội của vùng Nam bộ. Tham luận làm sáng tỏ vấn đề Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ với quá trình giao lưu với các tôn giáo khác trong vùng và quá trình hội nhập văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mục tiêu là làm sáng tỏ những giá trị đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ và lí giải, khẳng định những đóng góp về mặt xã hội của Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ trong thời kì hiện nay đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Phật giáo Nam tông Khmer từ khi du nhập vào vùng đất Nam bộ mà tập trung là khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer vùng đất này. Với vai trò của một tôn giáo, từ khi trở thành tôn giáo độc tôn trong đời sống của người Khmer Nam bộ, Phật giáo Nam tông Khmer đã có một quá trình giao lưu và hội nhập với văn hóa vùng đất Cửu Long trên nhiều bình diện nhưng tập trung nhất vẫn là bình diện giao lưu và hội nhập cùng với các tôn giáo khác, cùng thực hiện chức năng của một tôn giáo và trở thành một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ Khmer chiếm tuyệt đại đa số dân số của tộc người này. Từ nhiều thế kỉ nay, Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ đã giao lưu và hội nhập như thế nào đối với văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long? Bài viết tập trung làm sáng tỏ vấn đề này!

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Trong tiến trình du nhập, tồn tại và phát triển đến hôm nay, quá trình giao lưu và hội nhập của Phật giáo Nam tông Khmer với văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra một cách thuận lợi, hòa bình. Sở dĩ nói như vậy là vì, không có sự tranh dành ảnh hưởng tín đồ tôn giáo giữa Phật giáo Nam tông Khmer và các tôn giáo khác bằng những cuộc sung đột tôn giáo như các tôn giáo trên thế giới. Có đặc điểm này là vì, đặc trưng Phật giáo Nam tông Khmer khi truyền vào vùng đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành tôn giáo độc tôn trong đời sống tín ngưỡng của tộc người này do nhiều nguyên nhân khác nhau. Lẽ dĩ nhiên, quá trình đó diễn ra trong thuận lợi là vì từ trước đó, với tín ngưỡng Bà-la-môn giáo, tầng lớp lao động trong xã hội Khmer không có điều kiện thực hiện tín ngưỡng với giáo ký khắc khe của Bà-la-môn giáo, vốn là tôn giáo của tầng lớp tăng lữ quý tộc. Và khi Phật giáo Nam tông Khmer du nhập vào vùng Campuchia rồi truyền vào vùng đất Cửu Long, nó nhanh chóng tạo sức hút cực mạnh, nhất là đối với những người Khmer thuộc tầng lớp lao động bởi giáo lý mềm mại, linh động và tỏ ra ưu việt hơn bởi tính năng xã hội của nó. Trong điều kiện như vậy, Phật giáo Nam tông Khmer trở thành tôn giáo độc tôn trong đời sống cộng đồng người Khmer là một quy luật tất yếu. 

Điều kiện để Phật giáo Nam tông Khmer giao lưu và hội nhập với văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long trước hết là sự gặp gỡ trong tư tưởng từ bi, bác ái của Phật giáo. Điểm tương đồng giữa Phật giáo Nam tông và Bắc tông cũng như các tôn giáo khác đều hướng con người đến cái thiện, xa rời cái ác, giải thoát nỗi khổ, dù sự khác biệt trong nội dung giáo lý, giáo luật cũng rất dễ nhận ra như Phật giáo Nam tông không có ni sư trong khi Phật giáo Bắc tông thì ngược lại. Chính những điểm tương đồng này cũng tạo một môi trường sinh hoạt tôn giáo diễn ra trong thuận lợi, hòa bình như đã nói. Phật giáo Nam tông Khmer hướng cá nhân đi đến giải thoát nỗi khổ của mình với thế giới của Niết-bàn, không có đau khổ, chỉ có hạnh phúc viên mãn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu tâm linh tôn giáo đối với cộng đồng xã hội Khmer Nam Bộ ít nhất từ thế kỷ XIII, với những biến cố lịch sử của tộc người và vùng đất Nam Bộ lúc bấy giờ.

Mô hình xã hội truyền thống với cấu trúc phum, sóc khép kín cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để Phật giáo Nam tông Khmer trở thành tôn giáo độc tôn. Thành viên của cộng đồng Khmer cư trú trong một đơn vị xã hội có tính khép kín, ổn định cao, là điều kiện để tụ họp các thành viên trong cộng động một cách dễ dàng. Và ở mỗi đơn vị cư trú đó, sự hiện diện của ngôi chùa là nơi tập trung sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của họ.

Cùng với đặc điểm tôn giáo của mình, Phật giáo Nam tông Khmer đã có những sự tiếp xúc và giao lưu với các tôn giáo khác như Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo và đương nhiên là với Phật giáo Bắc tông để có sự thích ứng phù hợp với xu thế chung. Có thể nói, tín đồ của Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ là cư dân nông nghiệp lúa nước gắn bó từ lâu đời với đời sống tín ngưỡng dân gian với các loại hình arak, neak ta vốn là những vị thần bảo hộ gắn với nghề nông là chính bởi họ cho rằng sự trù phú hay tai họa của đời sống, của vụ mùa, sự sống chết của gia súc… là do các vị thần bảo hộ này quyết định. Đó là biểu hiện của tín ngưỡng đa thần, bên cạnh đó những vị thần của Bà la môn giáo vẫn còn được thờ cúng trong đời sống tín ngưỡng của họ, một số mô tip ở các chùa Khmer chọn hình tượng vị thần bốn mặt là một minh chứng tiêu biểu mặc dù Bà La môn giáo trên thực tế đã không còn tồn tại… Có thể nói, người Khmer đã kịp thời dung hợp vào trong mình các yếu tố tín ngưỡng dân gian (bản địa) với các tôn giáo du nhập từ Ấn Độ như Bà la môn và Phật giáo để làm nên nét đặc trưng trong sinh hoạt tôn giáo của mình, đó là sự linh động, uyển chuyển, cởi mở…. Những giá trị này đủ giúp Phật giáo Nam tông Khmer đáp ứng nhu cầu tâm lính của tín đồ mình qua nhiều thế kỉ.

Có thể nói, qua quá trình giao lưu và hội nhập, Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ đã thực hiện tốt chức năng xã hội của nó thông qua việc phát huy tối đa vai trò tầng lớp sư sãi trong việc giải quyết hầu hết những vấn đề có liên quan đến đời sống của người Khmer vùng đất này. Mỗi khi phum sóc phát sinh sự kiện mâu thuẫn giữa các tín đồ(1) về những vấn đề trong cuộc sống thường nhật thì lúc này họ cần đến sư sãi và các achar đứng ra làm cầu nối trung gian để giải quyết vấn đề. Thường những ý kiến giải quyết đều được tôn trọng thực hiện, ít có trường hợp nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Vì vậy, có thể nói tính chất độc tôn của Phật giáo Nam tông Khmer thể hiện rất rõ trong đời sống sinh hoạt tôn giáo của người Khmer Nam Bộ, đó như là một nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của Phật giáo Nam tông Khmer. 

Cụ thể, chúng ta thấy sự hiện diện của tầng lớp sư sãi (được tín đồ Khmer xem là đại diện của Đức Phật Thích Ca) trong cả đời người Khmer qua hôn – quan – tang – tế; và quan trọng nhất là việc đào tạo và hình thành nhân cách cá nhân trong cộng đồng người Khmer thông qua tục tu báo hiếu ở trường chùa, chùa của người Khmer Nam Bộ không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm văn hóa của tộc người này. Có thể nói, dấu ấn của Phật giáo Nam tông Khmer còn hiện diện ở cả ngay khi tín đồ Phật giáo Nam tông chuyển đổi sinh hoạt tôn giáo sang đạo Công giáo, Tin Lành(2) nhưng vẫn đi chùa theo truyền thống vào các ngày lễ lớn của tộc người mình. Từ đó, có thể khẳng định trong đời sống sinh hoạt tôn giáo của người Khmer Nam bộ dù đã có sự chuyển đổi trên nhiều bình diện, song tính bền vững của Phật giáo Nam tông Khmer vốn có nền tảng từ nhiều thế kỉ nay đã tạo thành một bức tường kiên cố, khó có thể có thay đổi lớn, dù tác động hiện nay là không nhỏ từ đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Phật giáo cũng như nhiều tôn giáo khác đã trở thành cầu nối giao lưu của các nền văn hóa, mà trong đó Phật giáo Nam tông Khmer cũng nằm trong quy luật chung này.

Trở lại với quá trình giao lưu văn hóa, Phật giáo Nam tông Khmer với những đặc trưng đó, tín đồ của tôn giáo này sống đan xen với người Kinh, Hoa, Chăm và một số tộc người khác ở vùng đất Cửu Long đã kịp thời dung nạp thêm những yếu tố mới cho phù hợp với điều kiện sống của mình. Đời sống cộng cư, hôn nhân và giao thoa văn hóa trên nhiều bình diện khác như giao lưu văn hóa thông qua ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, lao động, sản xuất, ẩm thực… đã làm cho văn hóa Khmer thể hiện rõ hơn bản sắc văn hóa của mình. Và từ đó, Phật giáo Nam tông Khmer trong vai trò định hướng các giá trị đạo đức, lối sống, tín ngưỡng tâm linh cho cộng đồng Khmer đã kị thời giao lưu, thay đổi, Khmer hóa cho phù hợp với sự thay đổi của đời sống kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Biểu hiện dễ thấy cho sự giao lưu và hội nhập trên bình diện tôn giáo là sự kiện Hội đoàn kết sư sãi yêu nước khu Tây Nam Bộ tổ chức đại diện cho Phật giáo Nam tông Khmer gia nhập ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, kể từ khi gia nhập vào ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, Phật giáo Nam tông Khmer cùng với 08 tổ chức, hệ phái khác(3) đã thực hiện đúng phương châm “đạo pháp, dân tộc, xã hội chủ nghĩa”. Ở từng địa phương, vai trò của Hội đoàn kết sư sãi các tỉnh đã cùng với các cấp chính quyền, đoàn thể thực hiện vai trò là trung tâm đoàn kết các chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer và quần chúng tín đồ Khmer thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trong vùng. Ngày nay, cùng với những thay đổi trong sinh hoạt tôn giáo này, Hội đoàn kết sư sãi các tỉnh khu vực Tây Nam bộ cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò định hướng của mình, nhất là trong định hướng, đề xuất, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến các chùa Khmer về con người, trùng tu, xây dựng các chùa, về tu học của sư sãi, sinh hoạt tôn giáo của tín đồ và một số vấn đề quan trọng khác có liên quan đến việc duy trì các giá trị truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer như việc “hành trì đạo hạnh”, thực hiện giáo lý, giáo luật của các chùa và tín đồ Khmer…

Hiện tại trong bối cảnh giao lưu và hội nhập, nhiều sư sãi Khmer, nhất là những sư sãi trẻ có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại, có cơ hội du học nâng cao trình độ văn hóa và Phật pháp… Đó vừa là cơ hội để tiếp tục phát huy các giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer, qua tu học sẽ kịp thời nâng cao trình độ(4), khi trở về sẽ có sự đổi mới trong việc quản lý sinh hoạt các chùa, từ đó kịp thời bắt nhịp với sự phát triển chung của tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa; nhưng cũng là thách thức không nhỏ khi mà, việc tu học, tiếp nhận những giá trị mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer. Đứng trước cơ hội và thách thức đó, chúng ta thấy cần có sự quản lý hiệu quả của Nhà nước về tôn giáo, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền, đoàn thể các cấp với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh trong vùng và tín đồ Khmer trong việc định hướng phát triển chiến lược cho Phật giáo Nam tông Khmer.

3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong thời gian tới, quá trình giao lưu và hội nhập đối với tôn giáo sẽ tiếp tục diễn ra như một quy luật tất yếu của đời sống xã hội và đời sống tôn giáo. Vì vậy, trong giao lưu và hội nhập cũng như trong xu thế hiện đại hóa và toàn cầu hóa, Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý về mặt Nhà nước như: làm thế nào để duy trì những đặc trưng của tôn giáo này khi mà sự tác động nhiều mặt từ kinh tế thị trường, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, nhất là trong việc du học nâng cao trình độ giáo lý của sư sãi Khmer hầu hết là những sư sãi còn rất trẻ, đó là còn chưa nói đến tình trạng hiện nay, các vị trụ trì của chùa hầu hết còn rất trẻ do không có người kế vị (hiện trang này có nguyên nhân sâu xa là do sự chuyển đổi tôn giáo về mặt sinh hoạt giáo lý: họ tu chưa đủ lâu, chưa đủ kinh nghiệm để có thể đảm đương những nhiệm vụ đòi hỏi hai vấn đề cơ bản là uy tín và kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề xảy ra đối với cộng đồng Khmer). Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đào tạo những sư sãi trẻ Khmer trở thành những vị trụ trì đủ sức đảm đương nhiệm vụ như trong truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer đang là vấn đề khó khăn!

Trong hội nhập và phát triển, chúng ta còn nhận thấy có nhiều sự chuyển đổi dễ nhận biết từ Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ như hình ảnh ngôi chùa vốn lâu nay là trung tâm sinh hoạt Phật giáo của những người có đạo và tín độ với những thiết kế truyền thống thì nay đã có những chuyển đổi đáng quan ngại như thiết kế theo kiến trúc phương Tây, đó là còn chưa kể sự tác động trở lại của ngôi chùa đối với các cơ sở thờ tự của đạo Công giáo mà người Khmer là tín đồ như trường hợp của Nhà thờ Bãi Giá, Trung Bình, Long Phú (nay là Trần Đề) tỉnh Sóc Trăng.

Sự chuyển đổi trong sinh hoạt tôn giáo như thời gian tu học hiện nay rất ngắn so với trước kia hoặc tu không hạn định, người Phật tử Khmer có nhiều sự lựa chọn cho việc sinh hoạt tôn giáo như về thời gian tu, cách thức tu theo điều kiện kinh tế gia đình không còn tính bắt buộc như trước kia; giáo dục trường chùa bây giờ không phải là môi trường duy nhất để người nam thanh niên Khmer có vị trí trong xã hội bởi môi trường giáo dục hiện nay đối với người Khmer rất phong phú, bên cạnh trường chùa, các trường dân tộc nội trú, các trường Phật học dành cho người Khmer, các hình thức cử tuyển vào các trường khác cũng giúp cho họ có điều kiện tiến thân, lập nghiệp, sau khi ra trường có vị trí ổn định trong xã hội; một số trường Phật học của hệ phái Nam tông Khmer như Học viện Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ được thành lập năm 2006 tại thành phố Cần Thơ, trường Trung cấp Pali Nam bộ ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều trang mạng, báo chí liên quan đến Phật giáo cũng là những kênh giao tiếp, tìm kiếm thông tin hiệu quả nhằm nâng cao trình độ của sư sãi, tín đồ Nam tông Khmer. Vấn đề học ngoại ngữ như Anh ngữ cũng đã góp phần đưa người Phật tử Khmer kịp thời nắm bắt tin tức Phật giáo thế giới; cộng nghệ thông tin, nhất là internet và điện thoại di động được sử dụng rộng rãi, đã góp phần hiện đại hóa trong sinh hoạt tôn giáo của hệ phái Nam tông Khmer. Đánh giá về vấn đề này, Trần Hồng Liên (2008) cho rằng: “Trong nhiều ngôi chùa Khơ – Me ở đồng bằng sông Cửu Long như ở tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang,… hiện có nhiều tu sĩ trẻ theo lối sống hiện đại, sử dụng điện thoại di động. Vì vậy mạng lưới xã hội của tu sĩ Nam tông Khơ Me hiện nay khá rộng, họ liên hệ với các nước Capuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar….”(5).

Tất cả những vấn đề trên đây lý giải cho hiện trạng, hiện nay số lượng tu sĩ Khmer đang giảm đi đáng kể so với trước đây, tuy còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Vậy, làm thế nào để quản lý Nhà nước đối với vấn đề này để duy trì giá trị bản sắc của Phật giáo Nam tông Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long?!

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy, sự chuyển đổi trong sinh hoạt của sư sãi Khmer qua các biểu hiện khất thực, thực hiện giáo lý (thay đổi do thời gian tu học),… Hiện tại, việc khất thực ngày càng bị đẩy lùi và hạn chế trong sinh hoạt của sư sãi Khmer, vì, đối với những chùa ở khu vực thành phố, thị xã, điều kiện đi lại khất thực rất hạn chế, một phần do chùa có khi là địa điểm du lịch nên có khách tham quan, thực hiện cúng dường đức Phật nên nhà chùa cũng có thu nhập do đó, có thể tự mua thức ăn cho sư sãi, ngoài ra việc khất thực trong điều kiện đô thị có nhiều trở ngại do điều kiện giao thông xe cộ nhiều, sư sãi khó có thể chân trần đi từng nhà để tín độ cúng dường thức ăn như truyền thống. Đối với các địa bàn vùng xa đô thị, hiện nay, chùa cũng có thể tự túc tự cấp qua việc chùa có quỹ đất để trồng lúa, trồng cây lấy gỗ, trồng rau… để tự nấu ăn cho sư sãi của chùa… Đó là còn chưa kể việc khất thực hiện nay, đã được “chuyên môn hóa” cho một số sư sãi trẻ thực hiện, khi về thức ăn do tín đồ cúng dường được chia đều cho các sư không giống như trước kia, việc khất thực được luân phiên theo lịch sắp xếp công việc của chùa…

Bên cạnh những vấn đề đặt ra trên đây, thiết nghĩ cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cư quan hữu quan trên lĩnh vực quản lý Nhà nước về tôn giáo với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh và tầng lớp tu sĩ, tín đồ Khmer trong định hướng chiến lược đối với hệ phái Nam tông Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ về tôn giáo, các chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc dành cho người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như đã làm và hiện nay cần làm hiệu quả hơn, nhằm phát huy nội lực của văn hóa Khmer trong xây dựng và phát triển kinh tế văn hóa xã hội vùng đồng bào Khmer. Đó cũng chính là đòn bẫy để tiếp tục duy trì, phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long trong hội nhập và phát triển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Khắc Đức (2013), Vị trí vai trò của sư sãi trong vùng dân tộc Khơ – Me Tây Nam Bộ nước ta hiện nay qua nghiên cứu tỉnh Kiên Giang, Tạp chí Công tác tôn giáo số 4/2013.

2. Nguyễn Xuân Hậu (2013), Sự tiếp biến của Phật giáo Thera- vada đối với tín ngưỡng, hệ thống linh thần, linh thú – người Khmer Nam bộ, Tạp chí Công tác tôn giáo số 4/2013.

3. Trần Hồng Liên (2008), Chuyển đổi sinh hoạt tu sĩ Phật giáo Nam Bộ Việt Nam thời hội nhập (trong sách Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, nhiều tác giả), Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội.

4. Trần Hồng Liên (2014), Sự chuyển đổi tôn giáo trong người Khmer tỉnh Trà Vinh (trong sách Nhân học và cuộc sống, Hội Dân tộc học – Nhân học thành phố Hồ Chí Minh), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

5. Phúc Nguyên (2014), Đóng góp của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước trong hoạt động của Phật giáo Nam tông Khơ – Me, Tạp chí Công tác tôn giáo số 9/2014.

6. Phạm Huy Thông (2014), Đóng góp của tôn giáo đối với xã hội hiện nay, Tạp chí Công tác tôn giáo số 9/2014.

7. Tiền Văn Triệu (2012), Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ tỉnh Sóc Trăng (trong sách Một số vấn đề về dân tộc và tôn giáo ở Nam Bộ trong phát triển), Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội.

 


(*). Thạc sĩ Tiền Văn Triệu, Phân Hội Văn nghệ dân gian Sóc Trăng, số 18, Hùng Vương, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

1. Người Khmer quan niệm từ khi sinh ra, mỗi cá nhân của mình đều là tín đồ của Phật giáo Nam tông Khmer, vì thế, mọi hoạt động liên quan đến đời người của họ đều gắn bó với ngôi chùa và sư sãi.

2. Tuy số lượng chuyển đổi sang sinh hoạt đạo khác không nhiều (như tỉnh Trà Vinh có 430 người Khmer theo đạo Tin Lành (số liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh năm 2011), tỉnh Sóc Trăng có 650 người theo đạo Tin Lành Việt Nam, 1.814 người Khmer theo đạo Công giáo (số liệu của Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ Sóc Trăng…) nhưng đây được xem là những dấu hiệu cho thấy sự giao lưu và hội nhập trong xu thế chung của người Khmer Nam bộ vào đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của vùng. Sự giao lưu, tiếp cận giữa các tôn giáo đã làm cho tín đồ Khmer chuyển sang Công giáo, Tin Lành và xu hướng là một số đạo khác… do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể phủ nhận là sự tranh dành ảnh hưởng tín đồ của các tôn giáo, vì thực ra, một tôn giáo thật sự lớn mạnh khi nó có nhiều tín đồ hơn. Và trong trường hợp này, Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ là tôn giáo được xem như độc tôn trong đời sống sinh hoạt tôn giáo của người Khmer.

3. 08 tổ chức, hệ phái khác là: 1. Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, 2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, 3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, 4. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, 5. Ban liên lạc Phật giáo yêu nước, 6. Giáo hội thiên thai giáo quán tông, 7. Giáo hội Tăng già khất sỹ Việt Nam, 8. Hội Phật học Nam Việt.

4. Hiện nay sư sãi Nam tông Khmer đi tu học  ở các nước Campuchia, Thái Lan, Myan- mar, Ấn Độ…

5. Trần Hồng Liên (2008), Chuyển đổi sinh hoạt tu sĩ Phật giáo Nam bộ Việt Nam thời hội nhập (trong sách Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, nhiều tác giả), Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, trang 52.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 55
    • Số lượt truy cập : 6704373