Thông tin

PHẬT GIÁO NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 1936 - 1945

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG*

 

Những năm đầu thế kỷ XX, tại Sri Lanca (Tích Lan), Nhật Bản, Ấn Độ, nhất là Trung Hoa đã diễn ra phong trào chấn hưng Phật giáo. Báo “Hải Triều Âm” phổ biến tư duy mới của các nhà sư. Thái Hư đại sư - vị lãnh tụ của Phật giáo Trung Hoa nêu khẩu hiệu: “cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế, cách mạng giáo sản”. Việt Nam cũng nằm trong vùng ảnh hưởng này và chịu tác động trực tiếp từ phong trào chấn hưng do Thái Hư đại sư khởi xướng. Từ những năm 1920, phong trào chấn hưng dấy lên ở Nam Kỳ với nhà báo Nguyễn Mục Tiên và các nhà sư Khánh Hoà, Thiện Chiếu, Khánh Anh, và ở Bắc Kỳ với các nhà sư Tâm Lai, Nguyên Ân... Sau cuộc gặp giữa sư Thiện Chiếu và sư Tâm Lai tại chùa Hang, Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên bàn về thành lập Tổng hội Phật giáo (tức thống nhất Phật giáo cả nước) không thành, phong trào chấn hưng Phật giáo lắng xuống ở xứ Bắc, còn ngọn lửa chấn hưng vẫn âm ỉ ở Nam Kỳ... Đến ngày 26 tháng 8 năm 1931, lần đầu tiên một hội Phật học ra đời với danh xưng là “Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học”(1) đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont, Sài Gòn (tức đường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Hội trưởng là Hòa thượng Từ Phong, hai Phó hội trưởng là Hòa thượng Khánh Hòa và ông Trần Nguyên Chấn. Hội xuất bản bán nguyệt san Từ Bi Âm (số đầu tiên ra ngày 1/3/1932) để truyền bá giáo lý; lập Pháp bảo phường, thỉnh Tam Tạng kinh Trung Quốc làm tài liệu nghiên cứu.

Tiếp sau Nam Kỳ, năm 1932, Hội An Nam Phật học(2) được thành lập tại chùa Trúc Lâm (Huế), sáng lập viên gồm 5 tăng sĩ và 17 cư sĩ, do Hòa thượng Thích Giác Tiên làm Chứng minh, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Hội trưởng. Hội mở các trường Phật học tập trung có ba cấp Tiểu học, Trung đẳng và Đại học để đào tạo tăng tài. Hội thỉnh Đại Tạng kinh để làm tài liệu nghiên cứu và ra nguyệt san Viên Âm (số đầu tiên ra ngày 1/12/1933) để hoằng dương chính pháp. Bác sĩ Lê Đình Thám là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tạp chí Viên Âm.

Nhờ có một Ban Trị sự gồm nhiều cư sĩ trí thức và tăng sĩ có phẩm hạnh và tài năng, lại được lòng dân xu hướng Phật giáo, nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều chi hội An Nam Phật học đã được thành lập tại Trung Kỳ, từ Khánh Hoà ra tới Thanh Hoá. Phật giáo phát triển xuống tận các quận, xã. Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An được thành lập năm 1936, đặt Hội quán tạm thời tại chùa Diệc, thành phố Vinh(3).

Phật giáo Nghệ An lúc này là có nhiều chùa nhưng chỉ một số trong số đó có sư trụ trì. Tu sĩ chủ yếu là sư ni, chỉ có khoảng 3-5 tăng sĩ, do vậy không có Hội đồng Chứng minh. Thành phần Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An khi ấy 100% là cư sĩ. Chánh Hội trưởng là cư sĩ Bùi Khắc Minh, Phó hội trưởng là Tiến sĩ Hán học Đinh Văn Chấp quê làng Kim Khê, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông dạy văn học cổ ở Trường Quốc học Huế, có hai người con trai đều tín ngưỡng đạo Phật:

Một là Đinh Văn Nam sinh năm 1918 tại Đà Nẵng. Năm 1936, Ngài từ bỏ đời sống công chức ở Huế để đến với đạo Phật, đảm nhận chức Chánh văn phòng Hội An Nam Phật học, hội quán tại chùa Từ Đàm, Huế. Lúc bấy giờ, trong tư cách là một cư sĩ, bên cạnh Hội trưởng Lê Đình Thám, Ngài đã hoạt động tích cực về nhiều mặt, giúp phát triển Phật sự của 17 tỉnh hội Phật học miền Trung. Năm 1946, Ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân, Huế, pháp danh là Minh Châu; năm 1948, thụ giới Tỷ khiêu tại giới đàn Báo Quốc, Huế. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ về, Ngài làm Hiệu trưởng Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Hiện nay, HT. Thích Minh Châu là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hai là Đinh Văn Vinh, từng là đoàn viên Thanh niên Đức dục Huế trước năm 1943, sau đó ra học đại học tại Hà Nội rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau ngày giải phóng miền Nam ít lâu, ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên nghiên cứu Phật học, là giảng sư Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố; đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm về Phật giáo.

Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An được sự hỗ trợ đắc lực từ hai người con của Tiến sĩ Phó Hội trưởng Đinh Văn Chấp, nên số hội viên phát triển khá nhanh, nhất là ở thành phố Vinh, tới năm 1937 đã có 72 hội viên và gần 500 Phật tử.

Tháng 6 năm 1937, sau khi đọc thư của ông Tôn Thất Khâm - Chánh Thư ký Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An, Ban Trị sự Hội Phật học An Nam quyết định đến các ngày 24 và 25 tháng 6 năm Đinh Sửu (tức các ngày 3 và 4 tháng 8 năm 1937) sẽ cử một tăng sĩ ra Vinh giảng Phật pháp.

Ngày 15 tháng  8 năm 1937, theo kế hoạch, thầy Mật Nguyện(4) ở Sơn môn Đại học đường Trúc Lâm, Hội An Nam Phật học Huế ra Vinh giảng bài “Vì sao phải chấn hưng Phật giáo” tại chùa Tập Phúc. Lúc bấy giờ, phong trào chấn hưng Phật giáo đã lan rộng khắp cả ba kỳ. Tại Trung Kỳ, lễ Phật đản năm 1935 do Ban Trị sự Hội An Nam Phật học tổ chức tại Huế đã gây tiếng vang cả nước, bởi vậy chấn hưng Phật giáo là đề tài hấp dẫn đối với tăng ni, Phật tử thành Vinh, cho nên có tới trên 300 Phật tử đã đến chùa Tập Phúc(5) nghe giảng pháp.

Ngày 23 tháng 1 năm 1939, bà Suzane Karpelés, Tổng Thư ký Phật học viện Phnompenh dẫn đầu phái bộ (gồm Hoà thượng Narada người Tích Lan, 2 vị Thượng thủ, 1 vị cư sĩ Cao Miên ở Phnompenh) trên đường sang dự Hội nghị Phật giáo tại Louang Prabang, Lào) đến thăm Hội An Nam Phật học tại Huế. Ngày 25 tháng 1 năm 1939, phái bộ này ra thăm Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An.

“12 giờ đêm ngày 25/1/1939, phái bộ lên tàu đi Vinh... Khi phái bộ đến ga Vinh, đã có nhiều vị Tăng già, các cô Ni chúng, cùng Ban Trị sự và rất nhiều hội viên Nghệ An ra đón rước. Sau khi giới thiệu xong, một sư cô đến trước bà Suzane Karpelés dâng một bó hoa, kế Ban Trị sự mời phái bộ lên xe, đưa về chùa Diệc. Ngay cửa chùa đã có rất đông tín đồ và hội viên, vừa Tăng già vừa cư sĩ, đứng đón chào và dẫn vào túc xá. Ngoài cửa chùa có dựng một khải hoàn môn, đề mấy chữ lớn “Bienvenue à la Délégation Bouddhique Cambodgiene - Seerba Vinh” (Phật học Tỉnh hội Vinh kính chúc mừng phái bộ Tăng già Cao Miên). Chung quanh kết lá, treo đèn, giăng cờ phất phới không khác nào ngày hội lớn.

Vào chùa, ông Tỉnh hội trưởng giới thiệu mọi người cùng phái bộ. Bà Suzane Karpelés bắt tay từng người tỏ ý cảm động về cuộc tiếp rước trọng thể này. Ngài Narada cũng nói ít lời cảm ơn Hội, và mọi người đều biểu hiện một thái độ hoan hỷ.

Theo lệ, phái bộ dùng Ngọ phạn trước 12 giờ trưa; thì giờ tuy ít, nhưng nhờ các bà hội viên đã tận tâm xếp đặt nên tiệc chay này được mọi phần chu đáo. Đến 2 giờ chiều, phái bộ do hội viên hướng dẫn, đi thăm các chùa lớn trong thành phố, bắt đầu từ Diệc Cổ tự (hội quán tạm thời Tỉnh hội), đến chùa Vinh An ở Bến Thuỷ, chùa Tập Phúc (của một hội Phúc Thiện, cách thành phố Vinh 3 cây số), chùa Linh Vân tục gọi là chùa Đá. Đến chùa nào, vị trụ trì, y hậu chỉnh tề, cũng ra đón tiếp và vào lễ Phật tụng niệm cùng với một số rất đông thiện nam tín nữ, đã chực sẵn ở chùa. Hương trầm nghi ngút, lòng thành cảnh cũ đối với người xa, đã phát triển bao nhiêu vẻ lạc quan, ý vị, khiến khách cũng chạnh lòng, ra về ngẩn nghĩ. Trở lại chùa Diệc, các vị yếu nhân trong Hội mời phái bộ chụp ảnh kỷ niệm một ngày quan hệ trong biên sử toàn Hội. Tối đến, bà Suzane Karpelés cùng vị cư sĩ Cao Miên dùng chay tại chùa. Đúng 7h30, ngài Narada diễn thuyết trước một cử toạ rất đông, có quan Công sứ và các quan Tây, Nam ở Vinh đến dự.

Phái bộ có đem theo một chiếc xe camion chở nhiều phim về đạo Phật và nhiều bản đàn tụng kinh tiếng Cao Miên, nên sau khi diễn thuyết xong, phái bộ quay phim giữa sân chùa cho công chúng nghe xem, mãi đến 10h30 khuya mới xong.

4 giờ sáng ngày 27 tháng 1, phái bộ từ giã Vinh đi Xiêng Khoảng. Toàn Ban Trị sự và nam nữ hội viên Tỉnh hội tề tựu từ rất sớm tại chùa Diệt để tiễn biệt”.

Tháng 1 năm 1940, Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An họp Đại hội đồng thường niên quyết định sẽ xây dựng chùa Hội quán tại thành phố Vinh, dự tính hết 4000 $, hiện đã quyên góp được 2000$.

Tháng 4 năm 1940, theo đề nghị của Tỉnh hội Phật giáo Vinh, Tỉnh hội Thừa Thiên đã cử  3 vị tăng sĩ ra Vinh làm lễ Phật đản trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm Canh Thìn 1940. Từ năm 1940 trở đi, cứ đến ngày Phật đản, lễ Vu lan, ngày Đức Phật thành đạo hằng năm, Hội An Nam Phật học Thừa Thiên sẽ cử 3 vị tăng sĩ ra giúp Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An.

Ngày 18 tháng 1 năm 1941 (29 tháng 12 năm Canh Thìn), Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An đã nhóm họp Đại hội đồng thường niên, bầu Ban Trị sự gồm:

Chánh Hội trưởng: Bùi Khắc Minh

Phó Hội trưởng: Đinh Văn Chấp

Chánh Thư ký: Tôn Thất Khâm.

Phó Thư ký: Trần Quát

Chánh Trưởng quỹ: Vũ Hưng Long

Phó Trưởng quỹ: Nguyễn Trí Đao

Cố vấn: Ưng Thai

Kiểm sát: Phạm Mạnh Hoàng, Bùi Đình Dinh, Đẩu Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Diệp, Tôn Thất Trinh, Phạm Quỳnh Anh, Trịnh Đình Minh.

Nữ hội viên kiểm sát: Nguyễn Thị Huyền, tức bà Hường Minh, Lê Thị Đạm Tú, Nguyễn Thị Lương Du, Nguyễn Thị Cẩm, Hoàng Thị Ba.

Lễ khánh thành chùa Hội quán và khánh đản Đức Phật Thích Ca ngày 8 tháng 4 năm Quý Mùi (từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 5 năm 1943) tại chùa Hội quán Vinh (chùa Diệc).

Những thông tin trên báo Viên Âm-cơ quan hoằng pháp của Hội An Nam Phật học cho thấy, vào những năm chấn hưng Phật giáo, Phật giáo Nghệ An đã có những khởi sắc. Với sự giúp đỡ của Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên và Hội An Nam Phật học, Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An đã tổ chức các lễ Phật đản, lễ Phổ độ Trung nguyên, lễ Phật Thích Ca thành đạo khá tốt, đầy đủ nội dung do Ban Trị sự An Nam Phật học hội quy định.

Chúng tôi tin rằng, Phật giáo Nghệ An ngày nay sẽ tiếp bước vững vàng các bậc tiền nhân trên bước đường phụng đạo theo phương châm mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

 


Tài liệu tham khảo:

1. Lịch sử Phật giáo xứ Huế. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

2. Tạp chí Viên Âm, Hội An Nam Phật học, từ số 1 đến số 79.

3. Website: huongsenxunghe.com.



* Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

1. Thành viên sáng lập gồm 6 vị tăng sĩ và 7 vị cư sĩ.

2 Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên nước ta, chúng chia làm ba xứ: Bắc Kỳ gọi là Tonkin, Nam Kỳ gọi là Cochinchine, còn Trung Kỳ gọi là An Nam. Trên giấy tờ thời đó, thực dân Pháp bắt buộc phải dùng chữ An Nam để chỉ Trung Kỳ, cho nên mới có tên gọi An Nam Phật học hội.

3 Chùa Diệc hay Diệc Cổ tự, tọa lạc trên quốc lộ 1A, km 462+500, số 49 đường Quang Trung, phường Quang Trung, trung tâm thành phố Vinh, được khởi dựng từ cuối thời Trần, sau nhiều lần được trùng tu đã trở thành trung tâm văn hóa - tín ngưỡng quan trọng ở xứ Nghệ. Năm 1914 và năm 1930, chùa lại được trùng tu và là Hội quán tạm thời của Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An vào năm 1936. Năm 1941, chùa tiếp tục được trùng tu và trở thành Hội quán của Hội An Nam Phật học Nghệ An. Vào thập niên 1950, chùa là trụ sở hành chính của Hội Phật giáo Liên Hiệp Liên Khu IV mà Hòa thượng Thích Tịnh Minh, trụ trì chùa là Hội phó.

Theo lời các Phật tử cao niên, dưới thời Pháp thuộc, trong các phong trào Cần Vương, Xô Viết - Nghệ Tĩnh, chùa Diệc đã từng là địa điểm liên lạc bí mật của các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đội Cung… cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng khác. Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh của học sinh Trường Quốc học Vinh đã diễn ra tại ngôi chùa này.

Cụ Lê Thước, người thi đỗ giải nguyên kì thi Hương cuối cùng ở Trường Nghệ năm 1918, sáng lập Hội Hàn lâm Nghệ An, đã phát hiện ra bản gốc văn Chiêu Hồn (văn Tế Thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du tại chùa Diệc vào năm 1926.

Mặc dù chùa Diệc được tỉnh Nghệ An xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, diện tích đất chùa Diệc hiện nay ước chừng 1.000m2, nhưng phần lớn đã được một số người “mượn” để xây khách sạn, mở nhà hàng, quán bia hơi và quán ăn, phá tan cảnh chùa, là không gian tâm linh của người thành Vinh, xứ Nghệ. Chúng tôi rất mong, chùa Diệc sớm được trùng tu trên phần diện tích nguyên thuỷ của mình, xứng đáng là ngôi chùa hội quán của Phật giáo Nghệ An ngày trước.

4 Hoà thượng Thích Mật Nguyện (1911-1972), thế danh là Trần Quốc Lộc, quê Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên; xuất gia năm 16 tuổi, pháp danh Tâm Như, pháp hiệu Mật Nguyện; từng theo học Sơn môn Phật học đường Tây Thiên rồi vào Bình Định đến chùa Thập Tháp tu học với Quốc sư Phước Huệ rồi ra học Sơn môn Đại học đường Trúc Lâm, Huế; là giảng sư hội An Nam Phật học... Năm 1954, Ngài là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Trung Việt; năm 1959 là Phó Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Việt Nam.

5 Nền chùa Tập Phúc nay thuộc khối Bình Phúc, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh. Chùa do Hội Phúc Thiện Việt Nam lập khoảng năm 1925-1926, gồm hai phần chính: chùa thờ Phật, Quan Âm Bồ tát, đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và đức Quan thánh (tức Quan Công/Quan Vân Trường) và nghĩa trang. Nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã đóng góp nhiều tiền của cho việc lập chùa Tạp Phúc- ngôi chùa lớn nhất ở Nghệ An đương thời. Tới năm 1964, chùa Tập Phúc vẫn còn nguyên vẹn. Trong những năm chiến tranh phá hoại, chùa bị dánh bom nhiều lần vì có một đơn vị bộ đội Thông tín sơ tán nơi đây. Sau nhiều lần bị trúng bom cùng với sự thiếu gìn giữ của con người, một số hạng mục của chùa bị tháo dỡ để làm nhà ở, trụ sở, công trình công cộng, các đồ tế khí bị phá hỏng, thất thoát, chùa đã trở thành phế tích, chỉ còn lại tháp 9 tầng. Tháng 2 năm 1975, chính quyền xã Hưng Dũng đã cho nổ mìn phá tháp để lấy gạch xây trụ sở hợp tác xã, chùa trở thành bình địa. Hiện nay có một số đồ tế khí như bát hương, hoành phi được đưa về đền Tiên Cảnh, một bức tượng Phật được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An, một chiếc chuông lưu lạc vào tận chùa Ba (Đà Nẵng)... Chúng tôi tin rằng, một ngày không xa, chùa Tập  Phúc sẽ được khôi phục như cách nay 50 năm để đáp ứng nhu cầu tâm linh của Phật tử và nhân dân trong vùng.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 287
    • Số lượt truy cập : 6948243