Thông tin

PHẬT GIÁO NGHỆ AN HIỆN THỰC VÀ ĐỊNH HƯỚNG

 

TT. THÍCH THỌ LẠC*

                                            

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay, Phật giáo Nghệ An đã có một bề dày lịch sử tương đối lớn mạnh. Theo các thống kê để lại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên dưới 500 ngôi chùa, được xây dựng rải rác hầu hết tại các huyện thị trong nhiều thời điểm khác nhau. Nhiều thế hệ dân cư sống ở đây đã đón nhận Phật giáo một cách tự nhiên như là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu. Trải qua nhiều triều đại, cũng như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, Phật giáo Nghệ An đã góp phần rất lớn trong việc hình thành đời sống đạo đức cũng như đời sống tinh thần cho nhân dân bản  địa.

Trong những năm tháng chống Pháp và Mỹ, Nghệ An là vùng chảo lửa thường xuyên phải hứng chịu mưa bom bão đạn của giặc ngoại xâm. Nhiều công trình tôn giáo bị tháo dỡ, nhiều thanh niên ra chiến trường thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Sau khi hòa bình lập lại, do các điều kiện khách quan cũng như chủ quan, nhiều đền chùa nay đã trở thành phế tích, thậm chí không còn nữa. Việc trùng tu, phục dựng dường như cũng bị lãng quên một thời gian dài.

Sau một thời gian nỗ lực hết mình của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng với sự tạo điều kiện giúp đỡ của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Nghệ An mới chính thức được thành lập và ra mắt vào ngày 23/9/2011, trở thành đơn vị Phật giáo cấp tỉnh trẻ nhất trong 58 tỉnh thành. Với một Ban trị sự mới được hình thành như vậy, thuận lợi cũng nhiều mà khó khăn và thách thức cũng không phải là ít, nhất là về kinh nghiệm quản lý.

1. Về cơ sở vật chất.

Như đã thưa, Phật giáo có mặt tại Nghệ An từ rất sớm, tuy nhiên, do nhiều biến động và thăng trầm của lịch sử, cùng với sự tàn phá của thời gian, các không gian thờ tự hiện nay còn lại rất ít. Rất nhiều ngôi chùa hiện nay chỉ còn lại dấu tích, có những nơi chỉ còn là truyền miệng. Số lượng chùa chiền được nhà nước cho phép phục hoạt khoảng trên 20 ngôi chùa, song hiện trạng những cơ sở vật chất này cũng đang trên đà xuống cấp trầm trọng.

2. Về nhân sự:

Sau một thời gian dài vắng bóng Tăng Ni, với sự ra đời của một đơn vị hành chính Phật giáo, đó đã là bước chuyển mình lớn của Phật giáo Nghệ An. Tuy vậy, những vị lãnh đạo của Ban trị sự hiện nay phần lớn là kiêm nhiệm, còn một số ít thì đa phần đều còn rất trẻ. Tâm đạo và nhiệt huyết có thừa, nhưng kinh nghiệm vừa thiếu lại vừa yếu, các hoạt động Phật sự tại địa phương đôi khi chưa thể cáng đáng hết.

Mặt khác, trong số trên 20 ngôi chùa được nhà nước cho phép phục hoạt hiện nay, mới chỉ có hơn 10 ngôi chùa đã có sư trụ trì, số chùa còn lại do ban hộ tự quản lý hoặc ban hộ tự tự phát mời sư về hướng dẫn, nhưng không theo đúng quy trình quy định của giáo hội và nhà nước; Mặt khác, do chưa am hiểu giáo lý của đức Phật, hiến chương của giáo hội và những quy định của nhà nước, hoặc do thói quen từ trước để lại, khiến nhiều hoạt động tín ngưỡng khác xen tạp vào Phật giáo, đây đó một vài nơi xuất hiện những hiện tượng có tính chất mê tín dị đoan khó điều chỉnh; thậm chí, đi lệch lạc với tinh thần chính thống của đức Phật và trái với quy định chung của giáo hội và nhà nước.

3. Về quần chúng Phật tử:

Do không có sư trụ trì, quần chúng Phật tử tại các cơ sở thờ tự địa phương thường có tính chất tự phát. Một số nơi được sự hướng dẫn “từ xa” của các vị Tăng Ni, xây dựng các đạo tràng để giúp nhau tu học. Đây là một điều đáng mừng cho Phật giáo, tuy nhiên, nhìn từ góc độ quản lý, điều này cũng gây không ít khó khăn. Nếu thiếu sự quản lý một cách thống nhất, sự xích mích giữa các đạo tràng tu tập có thể xảy ra, ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nghệ An nói riêng.

Từ 3 vấn đề đã được nêu, với tư cách là Phó ban thường trực BTS Phật giáo tỉnh Nghệ An, chúng tôi xin nêu ra vài định hướng sắp tới mà Ban trị sự mong mỏi thực hiện:

- Định hướng phát triển:       

Phật giáo đồng hành cùng với các cơ quan hữu quan quán triệt sâu sắc tinh thần xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của cha ông.

Hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử thực hiện mọi hoạt động Phật sự trong khuôn khổ pháp luật và Hiến chương của GHPGVN theo phương châm: đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội.

- Các hoạt động cụ thể:

Đối với các cơ sở thờ tự, Ban trị sự sẽ cùng với các nhà chuyên môn, các cơ quan nhà nước tiếp tục thẩm định, xây dựng, phục hồi và phát huy các di tích Phật giáo có giá trị lịch sử, kiến tạo những mái chùa thuần Việt ở các huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam thêm phong phú; đồng thời, tạo nên những môi trường tu học lý tưởng cho các Tăng Ni và Phật tử trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.   

Kêu gọi các vị Tăng Ni có tài đức, tâm huyết với Phật pháp từ mọi miền đất nước, hội đủ duyên có thể đảm đương các cương vị còn thiếu khuyết, đảm nhận các cơ sở tự viện chưa có người hướng dẫn tu tập nhằm chung tay phục hưng Phật giáo Nghệ An.

Tại các cơ sở thờ tự đã có Tăng Ni trụ trì, Ban Trị sự tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để cùng góp sức thực hiện sứ mệnh “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bản hoài”. Khuyến khích Tăng Ni tại các tự viện tham gia cùng Ban Trị sự thực hiện hài hòa giữa trách nhiệm chung và riêng đã được đề ra.

Đối với quần chúng Phật tử, phát huy tinh thần chính tín, xa rời những mê tín dị đoan; nêu cao tinh thần chính pháp, đẩy lùi quan niệm tà kiến hủ tục; ứng dụng lối sống thanh thản, nhẹ nhàng, thanh khiết, biết đủ, thiền vị của Phật giáo, để xây dựng một xã hội văn minh, văn hóa trong cộng đồng xã hội.

Thể hiện tinh thần từ bi hỉ xả, bình đẳng, vô ngã vị tha của đạo Phật, nhằm kiến tạo một thế giới tịnh độ ngay trong nếp sống thường nhật của mỗi người con Phật, khiến con mọi người biết yêu thương, bao dung, độ lượng, lương thiện và hiếu hạnh hơn.

Trên đây là vài hiện tình của Phật giáo tại Nghệ An, cũng như những định hướng cơ bản mà Ban trị sự Phật giáo Nghệ An non trẻ hướng tới. Rất mong chư Tôn đức chỉ giáo và các vị thiện hữu tri thức tận tình góp ý, để Phật giáo Nghệ An xứng đáng với tầm vóc lịch sử của tiền nhân để lại cũng như có thể sánh vai hòa chung với sự phát triển của Phật giáo cả nước.

Xin chào trân trọng!



*  Phó Ban thường trực BTSPG tỉnh Nghệ An

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 307
    • Số lượt truy cập : 6948336