Thông tin

PHẬT GIÁO NGHỆ AN: HÔM NAY VÀ NGÀY MAI

 

TT.TS. THÍCH ĐỒNG BỔN*

 

Có lẽ câu nói “đi trước về sau” mới đúng là dành cho Phật giáo Nghệ An. Các bạn đã đi sau, nhưng là một đi sau đầy kinh nghiệm đã rút tỉa được từ các Tỉnh Thành hội Phật giáo đi trước. Và đó là lợi thế to lớn bởi biết hiệp thương, tìm hiểu và chọn lựa đội ngũ lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà một cách cầu thị, có năng lực, không bó hẹp trong cục bộ địa phương.

Đó là lý do tôi muốn lấy tiêu đề cho bài tham luận này, vì chỉ nhìn vào những vị lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà hiện nay, tôi biết được năng lực tác động của họ với ban ngành liên quan, các Phật giáo tỉnh bạn đều biết đến uy tín của họ mà tán trợ, ủng hộ cho Phật giáo xứ Nghệ sẽ phát triển xa, mạnh, nhanh chóng vươn lên sánh vai cùng Phật giáo các tỉnh thành trong cả nước.

Tuy nhiên, trong tham luận này, tôi muốn gợi mở một số sách lược, để các bạn nghiên cứu, tham khảo, chuẩn bị cho bước tiến dài, bỏ qua giai đoạn quá độ, từng bước từng bước lập lại quá trình chuyển đổi mô hình như Giáo hội đã làm trước đây. Được như thế, mới gọi là Phật giáo xứ Nghệ của ngày mai vậy.

1. Chọn người tài đức lãnh đạo, tránh vết mòn cục bộ địa phương

Phật giáo Nghệ An hiện nay đang là mảnh đất sơ khai sau quá trình phát triển lịch sử, nên nhân sự lãnh đạo tại các địa phương vẫn là vấn đề cấp thiết. Muốn vậy, Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An phải mạnh dạn đề xuất những vị tăng sĩ hay cư sĩ có đủ tài đức, năng lực, không nhất thiết là người của địa phương, miễn là họ có ý chí phát triển không xa rời truyền thống địa phương. Như thế là một thành công cơ sở.

2. Gửi người có năng lực đi đào tạo nơi các chốn tổ, trường lớp và du học

Nghệ An vốn dĩ là đất học, nên việc đào tạo tăng sĩ bản xứ hết sức cần thiết để có được thế hệ kế thừa ngang tầm thời đại. Việc phát hiện, bồi dưỡng và gửi đi đào tạo phương xa là kế sách cho một Phật giáo Nghệ An vững mạnh ở ngày mai. Ngày hôm nay chúng ta chiêu hiền đãi sĩ về xây dựng Phật giáo xứ sở, nhưng ngày mai vẫn phải là thế hệ tăng sĩ bản xứ có học thành tài trở về gánh vác kế thừa vậy.

3. Sưu khảo lịch sử, phế tích Phật giáo để có phương án bảo tồn, phục hồi

Chiến tranh đã qua lâu rồi, đi theo nó là hoàn cảnh lịch sử, để lại những đống tro tàn của một quá khứ văn hóa tín ngưỡng, đã từng là bản sắc của Phật giáo Nghệ An, nhưng cũng không phải tất cả là phế tích. Năm 1989, có dịp ra thăm Nghệ An và trò chuyện với nhà địa phương học Ninh Viết Giao, tôi được biết Nghệ An còn lưu giữ những ngôi chùa làng hết sức độc đáo, không ở đâu có được. Đó là 4 ngôi chùa làng mang cái tên rất đặc thù là “Ơi; Hỡi; Dạ; Vâng” (không biết có đúng vậy chăng và ở đâu thì tôi quên rồi).

Như vậy, chúng ta thấy, bản sắc độc đáo này là vốn quý của văn hoá tín ngưỡng xứ Nghệ. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu, khảo sát, lập đề án khoa học về văn hóa vật thể và văn hóa tâm linh của những di tích đặc thù ấy để tôn tạo, quảng bá, hoặc nếu đã hư hoại rồi thì trên cơ sở phế tích ấy để xuất xin khôi phục lại hoặc xây mới trên cứ liệu lịch sử xưa. Chúng ta cũng tránh đặt vấn đề lịch sử mà hãy nhìn về một Phật giáo Nghệ An tương lai sáng lạn, huy hoàng hơn từ nhưng con người cụ thể ngày hôm nay.

4. Chống hủ tục, mê tín, không sử dụng các giáo phái không chính thống hoạt động trong hệ thống Phật giáo Nghệ An

Rút kinh nghiệm từ các tỉnh thành bạn, chúng ta thấy Phật giáo địa phương nào buổi sơ khai thành lập lại đều vướng phải vấn nạn dị giáo hoạt động phi tín ngưỡng truyền thống, đã có mặt từ trước xen lẫn vào hoạt động Phật giáo. Họ rất thu hút quần chúng nhẹ dạ đi theo con đường mê tín, dị đoan, làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp của đạo Phật và làm mất lòng tin với các cấp chính quyền. Chúng ta phải mạnh dạn thanh trừ và cải hóa quần chúng bằng những luồng giáo pháp chính thống từ lực lượg giảng sư thuyết pháp có uy tín.

5. Hội nhập với xã hội trong vai trò giềng mối đạo đức và từ thiện

Phật giáo ngày nay không còn quay vào cửa chùa tìm sự giải thoát tự thân, mà Phật giáo đã trở thành một động lực giúp con người cân bằng cuộc sống, lợi lạc nhân sinh. Đóng góp của Phật giáo với xã hội về mặt văn hóa, đạo dức và từ thiện đã được coi là phương châm đưa đạo vào đời, tạo dựng hạnh phúc nhân gian, là đóng góp thiết thực nhất cho cuộc sống và mặt phát huy được mặt tích cực của Phật giáo mà tất cả tôn đức lãnh đạo Giáo hội đều nỗ lực truyền bá giáo lý đem đến sự an lành cho xã hội. Phật giáo Nghệ An ngoài huấn luyện sự tu tập chính pháp, phải lưu ý đến phương châm này để làm cho tốt đạo, đẹp đời.

6. Củng cố vai trò người cư sĩ, trí thức, khoa học trong Phật giáo

Lực lượng cư sĩ Phật tử Nghệ An rất vững mạnh, kiên cố lòng tin, tinh tiến tu tập từ trước khi Phật giáo tỉnh nhà được thành lập. Có thể nói, họ thực sự có tâm huyết và giỏi về mọi mặt như truyền thống xứ Nghệ. Phát huy được nguồn lực cư sĩ Phật tử này, tôi tin chắc rằng, Phật giáo xứ Nghệ sẽ tiến nhanh và xa, là nền tảng Phật học tiêu biểu (từ tính ham học), là đội ngũ hộ pháp bền chắc (từ tính kiên trì). Bởi thế, điều này quyết định sự thành công ở ngày mai làm cho vẻ vang Phật giáo Nghệ An vậy.

Trên đây là 6 điều mà tôi thấy cần thiết và cấp thiết để góp phần phục dựng lại diện mạo Phật giáo Nghệ An ngày hôm nay và cho ngày mai. Thực sự tôi chưa tìm được nhiều về quá trình lịch sử Phật giáo xa xưa, nhưng bản chất Phật giáo luôn đồng hành và gắn bó với địa phương xứ Nghệ là có thật, minh chứng cho điều này là phong cách vĩ nhân của Hồ Chủ Tịch trong nếp sống, cách nghĩ luôn mang đậm màu sắc Phật giáo của cuộc đời Người. Bác đã từng nói một câu bất hủ trong thởi kỳ chiến tranh: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Câu nói ấy sẽ làm động lực cho nhân dân và Phật giáo Nghệ An phải làm được điều mà Bác đã nói. Tôi tin chắc rằng, chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Phật giáo hoàn thành mục tiêu xây dựng lại cơ sở tín ngưỡng và đào tạo nên một thế hệ nhân sự mới, đáp ứng tốt nhu cầu và tâm nguyện của Phật tử và nhân dân.

 

Viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/6/2012



* Trưởng ban Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 275
    • Số lượt truy cập : 6948612