Thông tin

PHẬT GIÁO NGHỆ AN QUA MỘT SỐ TƯ LIỆU

LỄ HỘI VÀ TRUYỀN THUYẾT GẮN VỚI DI TÍCH

 

TRẦN THỊ PHƯƠNG*

 

1. Vài nét về quá trình hình thành phát triển

Các tài liệu về lịch sử Phật giáo cho chúng ta biết rằng Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu công nguyên. Ngay từ những ngày đầu mới du nhập, Phật giáo đã có sự gắn bó với vận mệnh của dân tộc. Đặc biệt có một thời gian dài dưới các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo Việt Nam đã phát triển cực thịnh, và đã có những đóng góp lớn vào quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. Nhiều nhà sư đã trực tiếp tham gia vào công việc triều chính, được phong tước phẩm cao như sư Khuông Việt, sư Pháp Thuận, sư Vạn Hạnh… Lý Công Uẩn là một người mộ đạo, được sư Vạn Hạnh và Lý Khánh Văn đưa lên ngôi lập ra triều Lý. Vua Lý Thái Tông được suy tôn là sư tổ của thiền phái Thảo Đường. Vua Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông là những nhà Phật học lỗi lạc. Riêng vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng đế chế Nguyên Mông đã xuất gia tu hành và trở thành Sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Từ thế kỷ XV, giai cấp phong kiến Việt Nam đã lấy đạo Nho làm chỗ dựa về tư tưởng, chính trị, đạo đức. Phật giáo tuy không còn giữ địa vị độc tôn nhưng đã có chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn người dân, đồng thời Phật giáo cũng đã hòa đồng được với đạo Nho, đạo Lão theo mô hình “Tam giáo đồng nguyên”, nên Phật giáo vẫn có sự ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống xã hội cũng như bản sắc văn hóa của người Việt Nam trong quá khứ cũng như đương đại.

Nghệ An là tỉnh có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và là một trong những cái nôi của người Việt cổ[1], có giao thông đường biển, đường sông thuận lợi, vì vậy Phật giáo cũng được du nhập vào mảnh đất này từ rất sớm. Tiếc là hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy cứ liệu để khẳng định thời gian Phật giáo du nhập vào Nghệ An.

Trong hai năm 1985 – 1986, Viện khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành hai đợt khai quật di chỉ khảo cổ học Tháp Nhạn thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn. Kết quả của hai đợt khai quật tại di chỉ khảo cổ học này là các nhà khảo cổ học (Nguyễn Mạnh Cường, Trần Anh Dũng, Võ Văn Tuyển) đã bóc tách làm phát lộ được phế tích của chân móng Tháp Nhạn và phát hiện được nhiều di vật quý như các viên gạch xây tháp có chữ Trinh quán lục niên (năm 623 sau công nguyên), các viên gạch trang trí tượng Phật A Di Đà tỏa hào quang và tượng phật ngồi trên đài sen… Đặc biệt là có một hộp xá lị, bên ngoài gồm hai lớp. Lớp bên ngoài là đồng, lớp bên trong là vàng. Toàn bộ hộp kim loại này đã được chôn trong một thân cây dâu rỗng lòng với cách thức chôn đứng. Từ những kết quả khai quật trên, bước đầu các nhà khảo cổ học đã đi đến nhận định là Tháp Nhạn có thể được xây dựng từ thế kỷ V đến thế kỷ VII. Căn cứ vào quy mô của phế tích chân móng Tháp Nhạn và những di vật đặc biệt quý hiếm đã phát hiện được trong hai đợt khai quật, cho phép chúng ta dự đoán rằng ít nhất vào đầu thế kỷ VII, Nghệ An đã là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của đất nước.

2. Phật giáo Nghệ An thời Lý-Trần

Sau khi du nhập vào Nghệ An, cũng như Phật giáo của cả nước Phật giáo ở đây đã nhanh chóng phát triển. Đến thời Lý, khi Phật giáo đã trở thành quốc giáo thì Phật giáo Nghệ An cũng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của vùng đất biên viễn này ở buổi đầu nhà Lý mới dựng nghiệp. Điều này đã được phản ánh phần nào qua cuộc đời, sự nghiệp của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – vị Tri châu Nghệ An đầu tiên, cũng như qua tục lễ tạ ơn bà Bụt trong lễ hội đền Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương vào dịp 19/21 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Theo các sử liệu, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (988 – 1057) là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), được nhà Lý cử giữ chức tri châu Nghệ An năm 1039 (có tài liệu chép là 1036). Tương truyền ông là người rất tôn sùng đạo Phật, nên những chủ trương, chính sách của ông về bảo vệ an ninh quốc gia và khai phá, mở mang, phát triển kinh tế vùng đất xứ Nghệ đều luôn trên tinh thần lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy tình thương làm phương châm theo đúng giáo lí của đạo Phật, vì vậy mà ông đã được mọi thế hệ người dân ở đây hết mực sùng bái quý trọng. Kể cả các nước láng giềng như Lâm Ấp, Chân Lạp vốn trước đây thường đem quân sang vùng đất biên viễn này cướp bóc, quấy phá, khi nghe danh ông cũng phải nể phục … Nhờ vậy, sau 16 năm ông giữ chức, tệ nạn trộm cướp và nhũng nhiễu dân đã được ngăn chặn, an ninh quốc gia của vùng đất biên viễn phía nam Đại Việt được giữ vững, vùng đất Nghệ An đã được khai phá trên quy mô lớn, đất đai canh tác không ngừng được mở rộng, nhiều kênh mương tưới tiêu được nạo vét, nhiều đoạn đê ngăn nước lũ sông Lam được khởi xướng và tổ chức đắp; giao thông giữa các vùng, nhất là tuyến giao thông từ miền xuôi đến miền ngược Nghệ An đã được khai thông, kinh tế không ngừng phát triển, đời sống người dân ngày càng no ấm, yên vui. Sách Lịch sử Nghệ Tĩnh cho biết: Trong thời gian Uy minh vương Lý Nhật Quang giữ chức tri châu Nghệ An, ông đã cho tổ chức khai  phá mở mang được 5 châu, 22 trại, 56 sách. Số đất này tập trung ở dọc sông La (Hà Tĩnh) và các vùng Nam Kim (huyện Nam Đàn), Cự Đồn (huyện Con Cuông), khe Bố (huyện Tương Dương). Đồng thời với việc lo ổn định trật tự xã hội, an ninh quốc gia và mở mang, phát triển kinh tế nâng cao đời sống dân sinh, Uy minh vương Lý Nhật Quang còn đặc biệt chú trọng đến việc mở trường dạy học và xây dựng chùa để khai tâm khai trí cho dân. Tương truyền chùa Nhân Bồi (nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) là do chính ông cho tổ chức xây dựng và đêm đêm ông thường đến đây tụng kinh niệm Phật. Do công và đức của ông lớn lao như vậy nên người dân xứ Nghệ bấy giờ coi ông như cha. Sau khi ông mất, rất nhiều làng quê ở xứ Nghệ, kể cả ở vùng núi cao như Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn… đã tôn ông làm thành hoàng và lập đền thờ phụng (một số tài liệu chép là ở xứ Nghệ có 36 đền thờ ông), trong đó đền Quả Sơn (nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) – nơi ông đóng trị sở, là đền chính. Hàng năm tại đền này có một kỳ lễ hội lớn như đã đề cập trên. Đây là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu nhất của Nghệ An xưa cũng như nay. Trong lễ hội này có nhiều hoạt động nhưng hoạt động quan trọng nhất vẫn là “Lễ tạ ơn bà Bụt”. Tương truyền khi Uy minh vương Lý Nhật Quang đang còn tại thế, vào những lúc ông gặp khó khăn trắc trở, ông thường được bà Bụt (còn gọi là Phật bà) dùng phép thần thông, biến hiện dưới nhiều hình thức để giúp đỡ, chỉ bảo, tạo điều kiện cho ông làm tốt vai trò của một vị tri châu, vì vậy hàng năm, vào 2 ngày 19-20 tháng Giêng, ông đã cùng quan viên chức sắc của xứ Nghệ, hành tiến về chùa Bà Bụt (nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương) để làm lễ tạ ơn bà Bụt. Sau khi ông mất, nhân dân xứ Nghệ đã không quên lễ tục xưa của ông và đã tái hiện trong các kỳ lễ hội hàng năm của đền Quả Sơn cho đến tận ngày nay. Theo hồ sơ xếp hạng di tích đền Quả Sơn và lời kể của các cụ cao niên ở địa phương, lễ tục này diễn biến tóm tắt như sau: Sau một số hoạt động của lễ hội đền, vào đêm 20 tháng Giêng, đúng giờ Tí (12 giờ đêm), 3 hồi 9 tiếng chiêng và trống nổi lên, các đội “thủy binh”, “dân binh” và “chính binh” hội tại vị trí đã định để chấn chỉnh đội ngũ. Lúc này đội “thủy binh” được tập trung trên 6 chiếc thuyền rồng, dàn hàng ngang ở trước bến đền, mũi quay vào chính điện đền Quả, đồng thời đội “dân binh” với một lực lượng rất đông đảo, trang phục chỉnh tề đã được dàn thành 2 hàng ngang kéo dài trên con đường phía trước đền. Còn trong sân đền lúc này có 2 đội “chính binh”, tượng trưng cho lực lượng chính của đội quân rước kiệu Đức thánh Uy minh vương trên bộ. 2 đội “chính binh” này được xếp thành 2 hàng dài chạy dọc hai bên nhà ca vũ của đền, mặt hướng vào chính điện. Đứng đầu mỗi đội là một viên suất đội, mình mặc võ phục, đầu đội mũ của võ quan xưa, lưng đeo kiếm bạc, chân đi hia, cổ treo một cái tù và bằng sừng sơn dương nạm bạc. Kế sau viên suất đội là 9 thị vệ mặc áo lính bằng vải nỉ đỏ, cạp xanh, lưng thắt khăn trắng, cầm gươm. Sau lớp thị vệ là hơn 50 đội viên mặc áo dài đen, đầu bịt khăn xanh, lưng thắt khăn đỏ, quần trắng cuốn xà cạp, chia nhau vác gươm, giáo, đao, phạng, chùy, phủ, việt, côn, bạt, xà mâu và nhiều thứ binh khí khác, ở tư thế sẵn sàng, chờ lệnh.

Vào đúng giờ Dần (4h sáng), một lá cờ “Mao tiết” và 4 lá cờ “Nghiêm túc” tiến ra giữa sân đền, hướng về chính điện, báo hiệu lệnh duyệt binh của đội quân rước kiệu Uy minh vương về chùa Bà Bụt được bắt đầu. Trống lệnh từ 2 đội “chính binh” trong sân đền dõng dạc nổi lên, lập tức đội “chính binh” bên tả nhà ca vũ dàn quân tiến dần sang bên hữu tạo thành một vòng ngoài khép kín từ cửa chính điện đến cổng tam quan, còn đội chính binh bên hữu nhà ca vũ thì dàn quân tiến dần sang bên tả, tạo thành một vòng tròn khép kín ngược chiều với đội bên tả. Sau khi dàn quân xong, 2 đội bắt đầu đảo quân. Khởi đầu hai đội đều tiến từ từ, càng về sau càng tiến nhanh dần. Lúc này các “binh sỹ” ai nấy đều giáo, mác, gươm, đao, dùi đồng, phạng, chùy,… nhấp nhô trên vai, tiếng bước chân rầm rập, tiếng trống lệnh nhặt khoan, cùng với tiếng tung hô vang dội của “binh sỹ” và tiếng hò reo dậy đất của hàng ngàn người dân tham gia đã làm cho cả một vùng quê trở nên rộn rã. Sau khi 2 đội kết thúc 3 vòng đảo quân (còn lại là lộn quân) theo chiều thuận và chiều nghịch, đội quân bên tả tiến ra ngoài theo cửa bên tả, đội quân bên hữu tiến ra ngoài theo cửa bên hữu, còn kiệu của Đức thánh Uy minh vương theo cổng chính tiến ra ngoài. Khi kiệu của Đức thánh Uy minh vương ra khỏi cổng chính (của Tam quan) thì kiệu được dừng lại, đặt ngay ngắn phía trước cổng đền và hướng mặt ra sông Lam. Xung quanh kiệu có cờ “Mao tiết”, cờ “khâm sai”, tàn lọng, võng điều dàn ra hai bên. Đồng thời pháo lệnh nổ ran, báo hiệu lễ duyệt thủy binh cho đội quân rước kiệu Đức thánh Uy minh vương được bắt đầu. Pháo lệnh vừa dứt thì lập tức 6 chiếc thuyền rồng của đội thủy binh dưới bến đền xếp hàng chữ nhất bắt đầu rẽ sóng. Tiếng loa vang, tiếng trống chiêng trên bờ dưới sông hối thúc, tiếng hò reo giục giã khiến cho cả một khúc sông Lam ở trước bến đền trở nên rạo rực. Cũng tương tự như lễ duyệt bộ binh ở sân đền, đội thủy binh cũng quay vòng trên sông theo 3 vòng thuận và 3 vòng nghịch (đảo quân hay lộn quân) từ chậm đến nhanh, mái chèo đều tăm tắp. sau khi lễ duyệt thủy binh kết thúc, cả 2 đoàn rước (bộ binh và thủy binh) cùng nhất loạt hành tiến về chùa Bà Bụt. Dẫn đầu đoàn rước chính trên bộ (bộ binh) là đội cờ các loại, trong đó có một lá cờ đại hình vuông, có cạnh độ 3,5m. Giữa lá cờ này được thêu 4 chữ Hán lớn “Thượng. Thượng, Thượng đẳng”. Kế sau đội cờ là một đoàn xe bằng gỗ có 4 bánh lăn và có người kéo và đẩy. Trên các xe là các đồ tế khí lớn, theo trình tự sau: cỗ xe chở hai con hạc đứng trên lưng rùa bằng gỗ → cỗ xe chở 1 chiêng đồng lớn treo trong giá gỗ, có một người cầm dùi đi theo điểm nhịp → cỗ xe chở hai con ngựa chiến bằng gỗ, một con màu trắng, một con màu tía. Cả hai con đều có yên cương trên lưng, cổ đeo đục đạc bằng đồng, có một người cầm lọng che và thi thoảng rung chuông tạo nên những âm thanh leng keng → cỗ xe chở một chiếc trống đại bằng gỗ, treo trong giá gỗ, có một người cầm dùi điểm nhịp → một cỗ xe chở hai hạc đứng trên lưng rùa lớn bằng đồng. Kế sau đoàn xe là lớp hương án, ngũ sự và sập ngự lớn có 8 người khiêng, rồi phường bát âm vừa đi vừa tấu nhạc. Kế sau phường bát âm là kiệu long đình rước di tượng của Đức thánh Uy minh vương do 15 thị vệ thay nhau khiêng. Xung quanh kiệu này là tàn chính ngự lộng lẫy và các tàn vàng, quạt tía, cờ “Mao tiết”, cờ “Khâm sai”,… vây kín. Kế sau kiệu của Đức thánh Uy minh vương có hai chiếc võng điều. Trên mỗi võng điều như vậy đặt một tráp gỗ sơn son có nhiều họa tiết trang trí tinh vị, đẹp mắt. Đi hộ vệ dọc theo hai bên đoàn rước chính đã nêu là hai đội “chính binh” đã được duyệt binh trước lúc xuất phát, với đầy đủ khí giới trong tay. Quãng đường rước từ đền Quả Sơn về chùa Bà Bụt dài 3km. Khi đoàn rước đi qua đình của các làng Thanh Xuân, Nhân Bồi, Phúc Hậu, Nhân Trung, Trạc Thanh, kiệu của Đức thánh Uy minh vương và đoàn rước đều dừng lại chốc lát để quan viên, chức sắc, nhân dân các làng đó làm lễ bái tạ Đức thánh, còn một làng là Yên Phúc, do không thuận đường nên đã thiết lễ bái tạ Đức thánh ngay tại đoạn đường rẽ vào chùa Bà Bụt.

Khoảng đầu giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì hai đoàn rước thủy, bộ cùng đến chùa Bà Bụt. Đoàn thủy quân cho thuyền cập bến, mũi thuyền hướng vào chùa, còn đoàn quân bộ, dàn quân và đồ tế khí xung quanh chùa. Riêng kiệu của Đức thánh Uy minh vương được rước vào đặt trang trọng trước không gian thiêng và hướng vào chính điện. Trong chùa tiếng tụng kinh gõ mõ nổi lên, các nhà sư bước vào hành lễ. Lúc này trong khu vực chùa hội tụ hàng vạn người, tất cả đều kính cẩn hướng về cõi thiêng bày tỏ sự biết ơn Bà Bụt. Đến hết giờ Ngọ thì khoa lễ tạ ơn Bà Bụt của quan đầu tỉnh kết thúc, kiệu của Đức thánh Uy minh vương được rước vào một hành cung lộng lẫy trong khu vực chùa và ngự qua đêm tại đó. Sau khoa lễ, các hoạt động lễ Phật, tạ ơn bà Bụt của các tầng lớp nhân dân còn diễn ra tới tận đêm khuya, còn ngoài vườn chùa và dưới bến chùa có rất nhiều hoạt động đã diễn ra như đu vật, cờ người, bơi trải, ca trù, chèo, tuồng… cũng tới tận đêm khuya.

Rạng sáng ngày 21 thì đoàn rước thủy, bộ gấp rút hội quân. Nghi lễ duyệt binh (đảo quân hay lộn quân) theo 3 vòng thuận và 3 vòng nghịch tương tự như lúc trước xuất phát ở đền Quả, lại được diễn ra ở sân chùa và bến chùa. Sau  lễ duyệt binh, hai đoàn rước thủy, bộ lại trống dong cờ mở, rước kiệu Đức thánh Uy minh vương vào bái tạ bà Bụt để trở về đền Quả. Đến gần trưa thì kiệu của Đức thánh Uy minh vương vào đến chính điện của đền. Lễ tạ ơn bà Bụt đến đây coi như hoàn tất.

Ở thời Trần, hiện có một số tư liệu, sự tích gắn với di tích phản ánh về vị trí, vai trò của các vị sự, các ngôi chùa trong thời kì này như: sự tích Tứ vị thánh nương tại đền Cờn đã được một vị sư cứu sống. Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích này cho biết: Năm 1279, đế chế Nguyên Mông đã đánh chiếm được đất Nam Tống (Trung Quốc), vua tôi và gia quyến của nước Nam Tống đã lên thuyền chạy về phương Nam lánh nạn. Do gặp sóng to gió lớn, nên thuyền đã bị đắm, chết gần hết, chỉ có Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu và hai công chúa là may mắn ôm được một cột buồm trôi dạt vào núi Quy Lĩnh (nay thuộc huyện Quỳnh Lưu). Tại đây 4 bà cháu, mẹ con đã được một vị sư trụ trì tại một ngôi chùa gần đó cứu sống; Sự tích vua Hồ Quý Ly (1400-1407) xây chùa Đại Tuệ (còn gọi là chùa Cao, chùa Đại Huệ) trên núi Đại Huệ ở huyện Nam Đàn, được Thanh Tâm, Ninh Viết Giao chép là: “Hồ Quý Ly cho xây dựng ở Nghệ An thành Đại Huệ tại huyện Nam Đàn. Việc xây thành gặp nhiều khó khăn. Dân phu đã vất vả nhiều mà thành vẫn chưa xây được. Một đêm Phật bà hiện lên nói với Hồ Quý Li rằng: “Ngươi là ai? Đất của ta có phải để cho ngươi xây thành đắp lũy đâu. Hãy thôi đi”. Sáng hôm sau Hồ Quý Ly hỏi ra mới biết đó là Phật bà Đại Tuệ. Hồ Quý Ly đã cho con gái mình là Bạch Y công chúa lên đỉnh núi Đại Huệ xây một cái chùa, gọi là chùa Đại Tuệ và ngày đêm cúng lễ cầu khẩn. Thành xây được”[2]. Sự kiện danh thần Nguyễn Biểu, bị tướng của nhà Minh là Trương Phụ, giết hại tại chùa An Quốc[3] cũng là một sự kiện tiêu biểu. Hồ sơ khoa học xếp hạng đền Nguyễn Biểu, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên cho biết: Nguyễn Biểu đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) vào cuối thời Trần, giữ chức điện tiền thị ngự sử trong cuộc khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng. Năm 1413, ông được Trần Quý Khoáng cử làm sứ thần sang nhà Minh cầu phong, nhưng khi ông đi qua Nghệ An, đã bị quân Minh bắt đưa về Lam Thành, nay thuộc xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên. Tại đây Trương Phụ đã bắt ông phải lạy, nhưng ông không lạy, chúng đã dọn cỗ đầu người mời ông ăn, ông thản nhiên ăn. Trương Phụ kinh hãi trước sự bất khuất, kiên cường của ông, nên đã thả ông đi, nhưng ông vừa đi đến cầu Yên Quốc thì giặc đã đuổi theo, bắt ông trở lại. Khi giáp mặt Trương Phụ, ông đã lớn tiếng mắng rằng: “Trong lòng thì mưu lấy nước người ta, mà ngoài mặt thì phô trương là quân nhân nghĩa, đã hứa là lập con cháu họ Trần, mà lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải mà còn tàn hại dân sinh, thật là quân giặc bạo ngược”. Trương Phụ tức giận đã sai trói ông vào chân cầu Yên Quốc, sau đó cho đưa về chùa Yên Quốc giết chết, nhằm làm lung lạc tinh thần, ý chí chiến đấu của dân ta. Tại đây ông đã được các nhà sư cởi trói và làm lễ nghi cầu siêu trước khi an táng cho ông.

Ở thế kỉ XV-XVI, tại Nghệ An, hiện cũng chưa phát hiện được tài liệu hay sự tích nào ghi chép về việc các ngôi chùa được xây dựng hay tu tạo trong thời gian này, nhưng vẫn có sự ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người dân địa phương. Từ cuối thế kỉ XVI, qua các tư liệu còn lưu giữ được tại các di tích, qua các sự tích và qua các ghi chép, phát hiện của nhà nghiên cứu địa phương học Ninh Viết Giao trong Văn bia Nghệ An, cho thấy ở thời kì này Phật giáo Nghệ An đã được phục hưng trở lại, nhiều ngôi chùa đã được các đại thần trong triều, quan viên, chức sắc, hương hào kỳ mục ở các làng xã bỏ công của để xây dựng, tu tạo, như chùa Hiến Sơn[4] đã được binh bộ thượng thư Thái bảo Khê quận công Đinh Bạt Tụy (1527 – 1600) bỏ tiền của xây dựng vào cuối thế kỉ XVI; Chùa Viên Quang[5] đã được một quan viên kiêm tổng chánh, tên là Đinh, bỏ công của để xây dựng trên quy mô lớn (7 tòa) từ 15/8 năm Đinh Mùi (1607) đến 16/5 năm Mậu Thân (1608) mới hoàn thành; Chùa Quang Phúc[6] đã được Đại sĩ vệ úy Nguyễn Duy Nước, tước Văn hạnh nam, bỏ công của tu tạo lớn từ tháng Giêng năm Kỷ Hợi (1559) đến tháng 12 năm đó mới hoàn thành; Chùa Long Khánh[7] đã được đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, giữ chức giám môn, cùng vợ Trần Thị Ngọc Anh và một số hội chủ đã cúng tiền, ruộng để xã sửa chùa, tạc tượng (bia ghi sự kiện này được tạo dựng vào năm Hoằng Định 15, tức là vào 1613)... Đặc biệt là chùa Đại Tuệ , xã Nam Anh, huyện Nam Đàn đã được dựng bia, có thể là cả tu tạo nữa vào năm Cảnh Trị lục niên 1668 (do bia đã vỡ không còn lưu được nội dung). Ngôi chùa này ngoài gắn bó với tên tuổi của vị vua Hồ Quý Ly. Tương truyền là người đã khởi công xây dựng chùa trong lần ông xây dựng thành Hồ Vương trên núi Đại Huệ, như đã trình bày ở phần trên, ngôi chùa này hiện còn lưu truyền nhiều sự tích phản ảnh về sự gắn bó mật thiết của hai vị vua trong phong trào khởi nghĩa Tây Sơn với ngôi chùa này, đó là Quang Trung Nguyễn Huệ và Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Các sự tích ở đây có nhiều dị bản nhưng có một cốt chung là: Năm 1788, Quang Trung Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc để đại phá quân Thanh. Khi đến Nghệ An – đất tổ của ông , ông đã dừng chân tại núi Lam Thành (nay thuộc xã Hưng Phú – huyện Hưng Nguyên) để tuyển thêm quân và tổ chức duyệt binh. Cũng trong lần đi này, ông đã đến rú Nậy (tức núi Đại Huệ sau này) và vào chùa Đại Tuệ lễ Phật. Tại đây ông đã được vị sư trụ trì chỉ bảo cho con đường từ Nghệ An ra Bắc ngắn nhất, đó là con đường thượng đạo Truông Băng. Quả nhiên theo con đường đó, đại quân của ông đã thần tốc tiến đến kinh đô Thăng Long sớm hơn dự định, khiến quân Thanh không kịp trở tay, đã bị đại bại. Nhớ công ơn của Phật bà Đại Tuệ và công ơn của vị sư trụ trì, trên đường kéo quân trở về Phú Xuân, ông đã vào chùa tạ lễ và tri ân vị sư, đồng thời xuống chiếu cắt 30 mẫu ruộng cấp cho chùa làm đất hoa lợi (30 mẫu ruộng chùa này nay thuộc địa bàn các xóm 3,4,5,6 của xã Nam Anh, huyện Nam Đàn). Núi Nậy cũng được ông đổi tên là Đại Huệ từ đó. Sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ mất, phong trào khởi nghĩa Tây Sơn thất bại, để tránh sự truy sát của kẻ thù, vua Cảnh Thịnh đã cho người đóng thế mình để hòa vào đoàn gia quyến chạy ra Bắc Hà lánh nạn và đã bị quân của Nguyễn Ánh bắt được, đem về hành quyết, còn bản thân ông thì đã cải trang, ẩn vào núi Đại Huệ, xuống tóc và đi tu đến hết đời tại ngôi chùa này. Tương truyền ngôi mộ đá cạnh chùa hiện nay là mộ của ông. Những truyền thuyết trên tuy chưa có cứ liệu để khẳng định nhưng có một thực tế là trong nhiều năm trở lại đây, vào ngày giỗ ông 20-10 âm lịch hàng năm, đông đảo phật tử và một số người dân của đại tộc họ Hồ đã về chùa Đại Tuệ hành lễ, làm giỗ ông.

Ở thời Nguyễn, việc dựng chùa, tu tạo chùa tại Nghệ An vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, như chùa Bảo Lâm[8] đã được tu tạo trong hai đợt, đợt I là vào năm đầu của triều Thiệu Thị (1847); Chùa Vòng[9] được xây dựng dưới triều Tự Đức, nhưng bia không ghi rõ là năm nào; Chùa Phúc Long[10] đã tu tạo vào năm Thành Thái thứ 4 (1892); Chùa Hiến Sơn[11] đã được tu sửa vào năm Bảo Đại thứ 2 (1926) đến năm Bính Tí (1936), do có hiện tượng Thánh mẫu giáng bút nên đã xây dựng thêm “Quang Thiện đàn” để thờ Thánh mẫu; Chùa Diệc[12] được tu tạo và dựng bia ghi sự kiện tu tạo này vào năm Giáp Dần, triều Duy Tân (1914)… Nhìn chung việc dựng chùa, tu tạo chùa trên đất Nghệ An ở thời Nguyễn chủ yếu là từ sự phát tâm công đức của dân ở các làng xã, không thấy sự tham gia của các đại thần, trong triều hoặc quan viên chức sắc hàng tỉnh như trước đây nữa. Theo tài liệu kiểm kê di tích của ngành Văn hóa thông tin tỉnh thì ở cuối thời Nguyễn trên đất Nghệ An có 350 ngôi chùa. Số chùa này cũng tương đương với số làng xã của Nghệ An thời bấy giờ. Như vậy xưa, quân bình mỗi làng xã ở Nghệ An có một ngôi chùa. Qua đó cho thấy là ở thời Lê và thời Nguyễn, dù không còn giữ được vị trí độc tôn, nhưng Phật giáo vẫn phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh và đã trở thành một bộ phận của văn hóa làng xã ở Nghệ An.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do phải tập trung sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, phần do sự hạn chế về nhận thức, nên nhiều ngôi chùa đã bị tháo dỡ làm hầm trú bom hoặc đưa vào làm kho, trường học, nhiều tượng Pháp bị đốt thành tro, và nhiều ngôi chùa ở Nghệ An đã bị bỏ hoang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Từ năm 1990 trở lại nay, thực hiện chủ trương chấn hưng văn hóa dân tộc và chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của Đảng, Nhà nước ta, các ngôi chùa hiếm hoi còn lại đã được ngành Văn hóa thông tin của tỉnh kiểm kê, đưa vào phân cấp quản lý và lập hồ sơ khoa học xếp hạng để tạo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài như chùa Đức Sơn (Nam Đàn), chùa Bà Bụt (Đô Lương), chùa Hiến Sơn, chùa Bùi Ngọa (Hưng Nguyên), chùa Cần Linh (TP. Vinh), chùa Lô Sơn (thị xã Cửa Lò)… Nhiều ngôi chùa đã được phục dựng. Tính đến thời điểm hiện nay trên đất Nghệ An có 75 ngôi chùa. Tuy nhiều ngôi chùa hiện còn có quy mô nhỏ, xây cất đơn sơ, tạm bợ, nhưng vẫn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đông đảo các tín đồ, nhân dân tôn sùng đạo Phật. Nhiều ngôi chùa đã từng có những kỳ lễ thu hút tới hàng vạn người đến tham gia. Ngoài các kỳ lễ Phật đản, ngày vía Phật quan âm, ngày Vu lan báo hiếu hàng năm,… vào các ngày sóc, vọng hàng tháng, ngày học sinh thi chuyển cấp, thi đại học và dịp Tết đến, xuân về, các ngôi chùa ở Nghệ An cũng tấp nập người đến hành lễ để cầu xin chư Phật gia hộ. Một số ngôi chùa tuy quy mô nhỏ, xây cất đơn sơ nhưng hàng đêm vẫn có hàng trăm tín đồ phật tử, nhân dân đến tụng kinh niệm Phật và tu tập theo giáo lý đạo Phật như chùa Diệc (TP.Vinh), chùa Bà Đanh, chùa Viên Quang (Nam Đàn)... Đặc biệt là ngày càng có nhiều gia đình đã rước tượng Phật và lập cung thờ Phật tại gia đình riêng để thờ và tu tập, chỉnh sửa mình theo lối “tu tại gia”. Thực tế đó cho thấy Phật giáo Nghệ An đã, đang có sự phục hưng trở lại. Nhu cầu về việc phục hồi chùa ở nhiều làng xã, nhu cầu về sư trụ trì tại nhiều ngôi chùa và nhu cầu về chỉnh trang, nâng cấp các ngôi chùa – nơi thờ Phật, tu tập của các tín đồ Phật tử ở Nghệ An, đã trở nên rất cấp thiết. Ban trị sự Phật giáo Nghệ An cần sớm ban hành quy chế tổ chức hoạt động cũng như quy chế phối hợp với các ban ngành liên quan để Phật giáo Nghệ An có sự phát triển bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự yên bình, hưng thịnh của tỉnh nhà.

Thành phố Vinh, tháng 7 năm 2012



* Trưởng phòng Nghiên cứu tuyên truyền, Ban quản lý di tích danh thắng Nghệ An

[1] Dấu vết còn lưu lại tại di chỉ khảo cổ học Thẩm Ồm – Châu Thuận – Quỳ Châu.

[2] Thanh Tâm - Ninh Viết Giao. Nghệ Tĩnh trong lòng Tổ quốc Việt Nam. Ty giáo dục Nghệ An 1975, trang 323.

[3] hay còn gọi là chùa Yên Quốc, nay thuộc xã Hưng Lam – huyện Hưng Nguyên

[4] nay thuộc xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên

[5] nay thuộc xã Nam Thanh – huyện Nam Đàn

[6] nay thuộc xã Hưng Khánh – huyện Hưng Nguyên

[7] nay thuộc xã Hưng Long – huyện Hưng Nguyên

[8] nay thuộc xã Hoa Thành, Yên Thành

[9] nay thuộc xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu

[10] nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu

[11] nay thuộc xã Hưng yên, huyện Hưng Nguyên

[12] nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Vinh

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6115219