Thông tin

PHẬT GIÁO NGHỆ AN

TRONG THƯ TỊCH HÁN NÔM VIỆT NAM

 

TS. NGUYỄN NGỌC NHUẬN*

 

1. Đất và người xứ Nghệ xưa

Viết về Nghệ An, sách xưa ghi rằng: Đời cổ gọi là Diễn Châu đến thời Đinh còn gọi như thế, đời Lý đổi làm trại, đến  thời  Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 3 (1030) gọi là Nghệ An, Diễn Châu được chia ra làm Châu, thời Trần Duệ Tông đổi Diễn Châu là lộ, chia Nghệ An ra làm 4 lộ là: Nhật Nam và Nghệ An Nam, Nghệ An Bắc, Nghệ An Trung. Đến lúc đặt ra Tây Đô, đổi Nghệ An làm Trấn Lâm An, Diễn Châu làm trấn Vọng Giang. Thời nhà Hồ đổi Diễn Châu làm phủ Linh Nguyên hợp với Thanh Hóa, Cửu Chân, Ái Châu gọi là bốn châu hộ vệ cho Kinh kỳ. Lúc đầu nhà Lê gọi là phủ Diễn Châu và phủ Nghệ An, đến năm Quang Thuận (1944) đổi là Thừa tuyên Nghệ An, có 9 phủ, 30 huyện, 3 châu (gồm cả Hà Tĩnh ngày nay). Nghệ An hồi đó phía Bắc giáp Thanh Hoa, phía Nam liền Thuận Hóa, phía Tây giáp Ai Lao, Phía Đông giáp biển.

Đất Nghệ An núi cao sông sâu nước chảy xiết, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuần hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thứ quý của lạ. Những vị thần ở núi ở biển phần nhiều  có tiếng linh thiêng.

Được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền lại còn khoảng đất liền với đất người Man, người Lão, làm giới hạn cho hai miền Nam Bắc, thực là mới hiểm yếu, như thành đồng ao nóng của nước, và là then khóa của các triểu đại[1]

Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch khi bàn về khí chất của người Nghệ An đã viết: Người Nghệ An khí chất chất phác đôn hậu, tính tình từ tốn không sắc sảo, cho nên làm việc gì cũng giữ cẩn thận, bền vững ít khi bị xao động bởi những lợi hại trước mắt. Song do đất có mạch từ xa kéo đến mỗi nơi một khác, mà tính người bẩm thụ khí đó không giống nhau. Vùng có mạch từ Lâm An đến, núi đẹp sông sâu mát cho  nên con người ở đây phần nhiều tính thuần hiền lành. Vùng có mạch từ Quỳ Châu chạy đến núi hùng vĩ, sông chảy chầm chậm, con người ở đây phần nhiều hào hùng dũng cảm...

Văn chương người Nghệ An phần nhiều mạnh mẽ cứng cỏi, ít bóng bẩy hoa lệ. Vì rằng văn chương là tiếng của lòng, khí chất con người như thế nên phát ra lời văn cũng như thế. Bởi vì khí chất như thế nên không chuộng những sự hoa sức bề ngoài và ít lấy văn chương để tự phụ[2]… Đấy là nhận xét rất hàm xúc của Bùi Tướng công về con người xứ Nghệ.

2. Con đường Phật giáo đến với vùng đất Nghệ An xưa

Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ cách đây hơn 25 thế kỷ, sau đó được truyền bá và phát triển sang phía Đông theo hai hướng còn gọi là Bắc truyền và Nam truyền.

Bắc truyền là con đường Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào miền Bắc Trung Quốc, có sách chép vào khoảng năm 217 trước công Nguyên có 18 vị Sa môn người Tây Vực đem kinh điển Phật vào đất Hàm Dương.

Nam truyền là con đường Phật giáo đi từ bờ biển phía Đông Ấn Độ, men theo Duyên Hải đến bán đảo Đông Dương trong khoảng trước sau đầu Công Nguyên. Phật giáo đến với Đông Dương ở ba địa điểm lớn: Vương quốc Phù Nam, Vương quốc Chămpa và Luy Lâu. Từ trung tâm Luy Lâu Phật giáo đã được truyền đi, lan tỏa ra nhiều miền trong nước.

Nghệ An nằm trên đường thiên lý từ Bắc vào Nam là một vùng đất cách kinh thành Thăng Long không xa lắm. Từ trung tâm Luy Lâu, những tư tưởng giáo lý của Đức Phật đã được truyền tới Nghệ An và những vùng đất Phương Nam qua những chặng đường mở mang bờ cõi của các bậc minh quân thời Lý thời Trần (và có  thể còn trước đó nữa). Các nhà nghiên cứu qua các tài liệu điều tra dân gian và khảo cổ học trên di chỉ và phế tích của các tự viện đã cho biết đạo Phật hiện diện tại vùng đất Nghệ An cổ cách đây hàng ngàn năm, sau đó đạo Phật phát triển sâu rộng đến từng làng xã, mỗi làng xã đều có  một ngôi chùa để thờ Phật. Theo thống kê trước đây trên địa bàn Nghệ An có tới gần 500 ngôi  chùa, dấu tích còn lại hiện nay là 50 ngôi chùa, trong đó có 30 ngôi chùa được Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phục dựng lại.

Vào thời Trần, đức vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) đã về đất Nghệ An chiêu mộ quân sĩ đánh đuổi giặc Nguyên Mông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đã ghi lại khi quân giặc mới sang xâm lấn nước ta, để bảo toàn lực lượng, nhà vua cho rút quân vào Thanh - Nghệ, Đức Trần Nhân Tông đã đề vào đuôi thuyền hai câu thơ:

Cối Kê cựu sự quân tu ký,

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

Nghĩa là:

Việc cũ Cối Kê ông nên nhớ,

Châu Hoan, Châu Diễn vẫn còn chục vạn quân.

Câu thơ thể hiện lòng quyết tâm đánh giặc và niềm tin sáng ngời vào tinh thần yêu nước của quân và dân ta. Vào thời kỳ này nhiều ngôi chùa đã được các vua Trần ban chiếu xây dựng. Vùng đất Nghệ An trở thành một hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông

Đức vua Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh minh Ông đã cùng những nhân vật tài năng xuất chúng như: Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ lão… dẫn dắt quân dân nhà Trần hai lần đánh đuổi giặc Nguyên xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta, mà Người còn là Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

Người đã trước tác nhiều tác phẩm mang tính đậm tư tưởng Thiền của Phật giáo như: Hai bài phú Nôm: Cư Trần lạc đạo phú Đắc thú lâm truyền thành đạo ca cùng gần 40 bài thơ chữ Hán được lưu trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt âm thi tập Tam tổ thực lục, Toàn Việt thi lục và những bài giảng ở chùa Sùng Nghiêm, ở Viện Kỳ Lân, một bài văn viết về hành trạng của Tuệ Trung Thượng sĩ… Những tác phẩm này thể hiện rõ nét tư tưởng Thiền và có một vị trí đặc biệt trong kho tàng Phật giáo Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, vào khoảng thế kỷ X-XI, Phật giáo từ Luy Lâu truyền đến Hoa Lư (Ninh Bình) Cố đô Hoa Lư đã trở thành một trung tâm Phật Giáo vào Thời Đinh - Tiền Lê với sự xuất hiện của các Thiền sư nổi tiếng trong dòng Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và dòng thiền Vô Ngôn Thông như Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh…

Đến thời Lý, trước nhu cầu phát triển các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, trong đó có lĩnh vực tư tưởng của nhà nước Đại Việt, Lý Thánh Tông (1054-1068) đã lập ra Thiền Phái Thảo Đường. Ba thiền phái của dòng Thiền Việt dần dần truyền bá về phương Nam qua vùng đất Nghệ An và trở thành chỗ dựa vững chắc về mặt tư tưởng và đạo lý cho dân tộc Việt vào những thế kỷ đó.

Người dân Xứ Nghệ với bản chất hiền hòa, yêu hòa bình, dũng cảm, thích làm điều thiện đã tìm tháy trong lời dạy của Đức Phật niềm tin đến với hòa bình, an lạc.

3. Những ngôi chùa cổ trên đất Nghệ An

Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú phần Địa dư chí, về phủ Anh đô thuộc Nghệ An được ghi lại có hai huyện là huyện Hưng Nguyên và huyện Nam Đường. Phủ Anh Đô ở giữa trấn Nghệ An. huyện Nam Đường ở về miền thượng du tiếp giáp với huyện Thanh Chương. huyện Hưng Nguyên.  Đất ở miền dưới phía Nam giáp huyện Thiên lộc. Một giải sông Lam Giang vòng quanh cả hai huyện. Cổ tích thần thiêng ở đây có nhiều Đền Vũ Mục, miếu Tam Tòa, đền thờ Mai Hắc Đế,  thành Trào Khẩu, cửa ải Khả Lưu, nùi Hồ Cương đều là di tích của các triều….

Về văn học, thì hai huyện những người đỗ đạt cũng tương đương nhau (huyện Hưng Nguyên có 6 người đỗ, huyện Nam Đường có 7 người đỗ).

Về phong cảnh có các núi Hải Thủy, Sài Sơn, Am Sơn, Viện Sơn, Nghĩa Liệt, cảnh trí thanh  u tao nhã, ai cũng thích lên chơi xem.

Núi Sài Sơn ở xã Nộn Liễu huyện Nam Đường, trên núi có chùa Đại Tuệ, chùa Hương Lâm phong cảnh thanh u.

Ảm Chương Bùi Huy Bích lên chơi gác chuông chùa Hương Lâm có đề thơ:

Tác quận đa nhân sự,

Đăng lâu động viễn tĩnh.

Vũ trung đan trướng sắc,

Trà bạn bích tòng thanh.

Nham mật trì văn tĩnh,

Lâm sơ điểu vận bình.

Bằng lan tân mộng giấc,

Xuân cận bách hoa minh.

Nghĩa là:

Làm chức quận có nhiều lúc rỗi việc,

Lên lầu chuông chơi gợi lên tình tứ sâu xa.

Trong khi mưa sắc núi đều đỏ ửng cả,

Bên nương chè nghe thấy tiếng reo của cây thông xanh biếc.

Vì núi che kín, nên sóng trong ao được yên lặng,

Vì rừng thưa, nên tiếng chim kêu nghe êm ái.

Khi giấc mộng vừa tỉnh đứng tựa bao lơn mà ngắm trông,

Thấy trăm hoa tươi đẹp biết là xuân sắp đến.

Núi Am Sơn ở xã Vân Đồn huyện Nam Đường, gần với núi Sài Sơn, trên có ngôi chùa. Thế núi quanh bọc như vòng tròn.Trúc mọc trên đó um tùm kín mít.

Núi Viện Sơn ở Thôn Bột Đà xã Phật Kệ, huyện Nam Đường, trên nùi có chùa cổ. Ngoài rừng có chợ, người ở đông đúc. Đối ngạn có núi Thiên Nhận thuộc huyện Thanh Chương, xa trông một màu xanh biếc.

Còn về chùa Đại Tuệ nằm trên đỉnh cao nhất dãy núi Đại Huệ thuộc xã Nộn Liễu Huyện Nam Đường nay là xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An có tài liệu cho rằng chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thời vua Mai Hắc Đế vào thế kỳ thứ VII, cho đến thế kỷ XV lại được Hồ Quý Ly cho xây cất để thờ Phật bà Đại Tuệ.

Chùa Đại Tuệ là một điểm nhấn của Phật giáo Nghệ An với nhiều truyền thuyết từ xa xưa, đây là một khoảng không gian tâm linh, thiêng liêng của người dân đất Nam Đàn xứ Nghệ.

Ngoài ra còn có chùa Cần Linh, ngôi chùa được xây dựng từ thời Lê thuộc tổng Yên Tưởng, huyện Hưng Nguyên, nay thuộc phường Cửa Nam, thành phố Vinh. Tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương có chùa Chung Linh được xây dựng cách đây khoảng 500 năm, tọa lạc trên núi Chùa. Đó là những vùng đất danh thắng và những ngôi chùa còn được ghi lại trong thư tịch Hán Nôm trước đây.

Kết luận:

Nằm trên con đường giao lưu kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa từ Bắc vào Nam, vùng đất Nghệ An xưa đã sớm tiếp xúc với những giáo lý, tư tưởng tích cực của Phật giáo truyền đến từ trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Thăng Long. Có thể từ thế kỷ VI, VII hoặc sớm hơn thế, Phật giáo đã đến với vùng đất Nghệ An. Vào thời Lý, Trần ở những thế kỷ XII, XIII Phật giáo ở nơi đây đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.

Con người Nghệ An với bản chất hiền hòa, dũng cảm chịu học nên đã tiếp thu được tinh thần, tư tưởng của Phật giáo Việt, Nghệ An xưa trở thành một mảnh đất mầu mỡ để Phật giáo phát triển và mở rộng. Đất và người Nghệ An có nhân duyên với đạo Phật từ rất sớm trong lịch sử văn hóa tư tưởng Việt Nam.



* Viện Nghiên cứu Hán Nôm

[1] Theo Lịch triều hiến chương loại chí: Phan Huy Chú, bản dịch của tổ phiên dịch Viện Sử học Việt Nam. NXB KHXH H.1992

[2] Bùi Dương Lịch (1757-1828) có tên tự là Tồn Thành hiệu là Tồn Trai, quê ở La Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông đỗ tiến sĩ thời Lê, làm quan Hàn Lâm thời Tây Sơn, làm Đốc học thời Nguyễn ông là tác giả của  nhiều tác phẩm như: Bùi Gia Huấn hài, Ốc lậu thoại, Lê Quý dật sử, Nghệ An ký…

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6116361