Thông tin

PHẬT GIÁO NGHỆ AN

SỰ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN TẠI

 

ĐĐ. TS. THÍCH MINH TRÍ*

         

Khi nói tới truyền thống, đó phải là sự kết tinh từ những cách sống, cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày của người dân trở thành một nét văn hóa đặc thù được lịch sử ghi nhận và lưu giữ. Truyền thống văn hóa của dân tộc ta là sự tổng hòa và cấu thành của nhiều nét văn hóa đặc thù từ các địa phương, lẽ đương nhiên trong đó có cả truyền thống văn hóa đặc thù xứ Nghệ. Từ khi đất nước mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, thì song song với nó là những văn hóa ngoại lai cũng ồ ạt theo vào, trong nền kinh tế thị trường không dễ gì chúng ta sàng lọc được cái hay cái dở. Bởi vậy, tại Nghị quyết Trung ương  Đảng khóa VIII đã chỉ ra: “ …phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ”, mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những điều kiện địa lý, thiên nhiên, kinh tế, chính trị và văn hóa khác nhau, và tính cách của dân tộc ấy cũng phát xuất từ một nền văn hóa truyền thống đặc thù. Niềm tự hào của mỗi người dân cũng chính là ở đấy, nên nếu chúng ta đánh mất văn hóa cũng có nghĩa chúng ta đã đánh mất chính mình, như lịch sử đã chứng minh dân tộc ta đã từng phải chịu hơn nghìn năm Bắc thuộc, nhưng vẫn không bị đồng hóa bởi văn hóa Hán do thế lực phong kiến phương Bắc đã từng ra sức tuyên truyền, ngay cả những thủ đoạn đốt hết sách vở hay cướp những tài liệu quý báu của ông cha ta mang về Trung Quốc, vì thế đây là niềm tự hào và kiêu hãnh của dân tộc ta, của nhân dân ta đã biết giữ gìn, bảo vệ truyền thống văn hóa của đất nước với hàng nghìn năm văn hiến. Như vậy, hôm nay đây, tại mảnh đất xứ Nghệ chúng ta tổ chức Hội thảo để cùng nhân dân Phật tử Nghệ An tìm lại và nhận diện những nét văn hóa đặc thù xứ Nghệ trong đó có văn hóa Phật giáo, để tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị của truyền thống văn hóa trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, và để đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội và cũng là để “ hòa mà không tan ” trong thời đại mới.

Có thể nói, những yếu tố để hình thành lên tính cách người dân xứ Nghệ, trước tiên phải nói tới vị trí địa lý, địa hình, thiên nhiên khí hậu của vùng đất này. Nghệ An với 2/3 diện tích đất đai là núi rừng, nhưng lại có sông, có biển, với những mạch đất từ dãy Trường Sơn hùng vĩ trải xuống bao bọc, như những con rồng uốn lượn trên những vùng đồng bằng ra tới biển, chẳng thế mà trong Đại Nam nhất thống chí đã nhận xét Nghệ An là đất “tứ tắc” tức là bốn bề hiểm trở, hay bốn bề đều có đồi núi bao bọc, đúng là đất đẹp nhưng gian nan. Về thời tiết lại rất khắc nghiệt, mùa hè thì nắng chói chang, gay gắt, mùa đông thì lại lạnh buốt thấu xương. Nhất là mùa mưa bão, là vũng là eo của dải bờ biển miền Trung nên cũng thường xuyên phải gánh chịu những trận bão mưa to gió lớn. Từ những môi trường địa lý và thiên nhiên như vậy đã tạo lên tính cách của người dân xứ Nghệ, như trong cuốn Văn hóa và con người xứ Nghệ - những bước chân dung, thì có rất nhiều các nhà nghiên cứu của nhiều nghành và nhiều bình diện khác nhau đã đưa ra nhiều nhận xét về tính cách đặc thù của người dân xứ Nghệ đó là, khắc khổ, dè dặt, thiết thực giản dị trong ăn mặc, thận trọng trong xử thế, đôi khi lại ngang tàng cứng cỏi thể hiện tính trung kiên, không uốn mình trước áp lực. Điều đó đôi khi lại dẫn tới sự bảo thủ, cực đoan, cứng nhắc, thiếu linh hoạt, thiếu dè dặt cần thiết, hậu quả là phạm sai lầm của sự bướng bỉnh (tr 15). Chúng ta nhận ra những tính cách của người dân xứ Nghệ mục đích là để phát huy những đức tính tốt, điều chỉnh những gì chưa phù hợp với xã hội, cho mẫu số chung tính cách của mỗi con người được hoàn thiện hơn, qua đó để xây dựng một xã hội thực sự hạnh phúc và an lạc.

Nhưng nếu chỉ nói về điều kiện địa lý và môi trường thiên nhiên để hình thành lên cách sống và ứng xử thì chưa đủ, mà bên cạnh đó còn có kinh tế, chính trị, tôn giáo...

 Như chúng ta biết, căn cứ vào các tài liệu lịch sử thì vùng đất xứ Nghệ (gồm cả Hà Tĩnh và Nghệ An) ngày nay thì từng thuộc Cửu Chân, rồi Cửu Đức, Diễn Châu, Hoan Châu, Nghệ An, nhưng dù với cái tên nào thì vùng đất này một thời gian dài đã từng là vùng phên dậu với Lâm Ấp, nhiều lần vùng đất này đã từng bị vua quân Lâm Ấp sang đánh chiếm, nhưng người dân xứ Nghệ vẫn giữ trọn được biên cương phía Nam của tổ quốc, giữ gìn được truyền thống văn hóa của mình không bị ảnh hưởng của văn hóa Chăm Pa, không bị đồng hóa bởi văn hóa Hán. Bởi một lẽ, vùng đất này đã có một tín ngưỡng thờ tổ tiên, một tôn giáo đó là đạo Phật. Cứ theo truyện Chử Đồng Tử thì trước công nguyên đã từng có vị Đại sư Phật Quang tu ở núi Quỳnh Viên ở cửa Sót (cửa Nam Giới ) đây cũng là vấn đề cần được làm rõ, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chính nhờ sự tiếp xúc với Phật giáo sớm như vậy nên vào thế kỷ V, VI đã có nhiều tu sĩ của vùng đất xứ Nghệ đi cầu pháp ở Thiên Trúc. Đặc biệt, căn cứ vào An Nam chí lược thì vào thế kỷ thứ VII có Thẩm Thuyên Kỳ bị lưu đày đến đây đã từng học pháp với một vị thiền sư người Việt nổi tiếng đó là Thượng Nhân Vô Ngại. Như vậy, vào những thời điểm gian khó nhất của dân tộc, Phật giáo đã giữ một vai quan trọng trong tâm thức người dân xứ Nghệ, tư tưởng Phật giáo ít ra cũng đã là một phương tiện để điều chỉnh tính mặn mòi của biển cả trong tính cách người dân xứ Nghệ. Đồng thời chính những ngôi chùa xứ Nghệ cũng giống như những ngôi chùa khác trên toàn xứ Giao Châu đã đóng vai trò là trường học đào tạo những người con xứ Nghệ kết hợp với tính kiên nhẫn và cần cù đã có một tri thức vượt trội những vùng khác, bên cạnh đó, những ngôi chùa còn là những trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng có thể là một thôn hay một làng, và cũng chính từ đây Phật giáo cũng đã truyền cho họ ý thức dân tộc, tinh thần đoàn kết làng xóm và lòng yêu nước nồng nàn.

Nhất là thời Lý - Trần, Phật giáo từng được dùng làm tư tưởng cho đường lối chính sách hai triều, từ vua quan cho đến người dân hầu hết đều là Phật tử, nhiều vị vua thời Lý-Trần còn là những vị tổ sư của các dòng phái Phật giáo như phái Thảo đường từng có vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, các quan cũng là các vị kế đăng như quan Thái phó Đỗ Vũ, Thái phó Đỗ Thường, Phụng ngự Phạm Đẳng, đặc biệt Thời nhà Trần có Tuệ Trung Thượng sĩ, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông được coi là những vị Bồ Tát, Phật sống của Việt Nam, chẳng thế mà thời Lý-Trần được coi là hai triều đại thịnh vượng nhất, nhân dân được an lạc nhất và thời gian tại vị của 2 triều đại cũng dài nhất trong chiều dài lịch sử dân tộc. Cùng với cả dân tộc, trên mảnh đất xứ Nghệ cũng đã xuất hiện nhiều bậc danh tăng, dù rằng họ là người xứ nào tới đi chăng nữa thì khi ở mảnh đất này tu hành đều đạt được những thành tựu, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đều đã đóng góp cho quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hình thành nên một bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và của xứ Nghệ nói riêng. Như trong Thiền uyển tập anh có thiền sư Ma Ha Ma Già, thiền sư Tịnh Giới, thiền sư Y Sơn. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghệ An đã từng là nơi đặt trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc ở chùa Tập Phúc dưới sự lãnh đạo của các bậc danh tăng yêu nước như Hòa thượng Chân Không, Tuệ Quang, Mật Thể, Trí Viên, Tâm Châu...

Xứ Nghệ thời kỳ cận hiện đại, phong trào chấn hưng Phật giáo do các bậc cao tăng phát động đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư tình cảm của người dân xứ Nghệ, trong đó có vị lãnh tụ của cách mạng, nhà tư tưởng lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không ảnh hưởng  ít nhiều tư tưởng từ bi của đạo Phật. Bởi mối quan hệ của cậu bé, chàng trai Nguyễn Tất Thành trong thời gian còn nhỏ cho tới trước khi xuất thân đi tìm đường cứu nước với bà ngoại và phụ thân của Người là rất gần gũi. Bà ngoại của Bác là cụ Nguyễn Thị Kép, rất hâm mộ đạo Phật và thường xuyên đến dâng hương hoa nơi các chùa chiền. Đặc biệt, Bác Hồ còn được ảnh hưởng rất sâu sắc tư tưởng Phật giáo từ cụ thân sinh ra Bác đó là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Sở học của cụ Nguyễn Sinh Sắc rất uyên thâm, nhưng con đường khoa bảng lại lận đận, trắc trở. Sau này khi đã đỗ Phó bảng, làm quan cho triều đình Huế, cụ vẫn giữ nguyện vẹn phẩm chất và nhân cách một nhà Nho yêu nước chân chính. Nhân thức, suy ngẫm, tổng kết kinh nghiệm trường đời, cụ Nguyễn Sinh Sắc ngày càng thấm nhuần triết lý đạo Phật. Cụ chán ghét sự giả dối, suy đồi của quan trường triều đình Huế và nhân tình thế thái đương thời. Cụ thường lui tới các chùa để đàm đạo, bình luận thế sự với các vị cao tăng và các nhà Nho yêu nước. Tại xã Tân Khánh Đông (Sa Đéc) hiện còn lưu giữ những bản kinh Phật bằng chữ Hán do chính tay cụ Phó bảng đọc, ghi chú và hình ảnh những ngôi chùa nơi cụ đã có những thời gian lưu trú. Đặc biệt, ở chùa Kim Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có hai câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc tặng chùa Năm 1922 đề:

Đại đạo quảng khai thố giác khiêu đàm đế nguyệt

Thiên cơ giáo dưỡng quy mao phược thu đấu phong

Tạm dịch:

Đạo cả mở toang, sừng thỏ khiêu trăng đáy nước

Cỏ thiền nuôi dạy, lông rùa buộc gió đầu cây.

Phải có sự thông hiểu giáo lý đạo Phật, thấu rõ lý duyên sinh, cụ Phó bảng  mới có thể sáng tác được hai câu đối mang đậm hương vị giải thoát của Phật giáo như vậy. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo cha vào Huế rồi vào Nam bộ, đương nhiên không thể không ảnh hưởng tư tưởng từ người cha của mình, đó cũng chính là tư tưởng của Phật giáo là tự do và bình đẳng. Ngay cả sau này, trong thời kỳ hoạt động bí mật, Bác cũng đã từng đóng giả tu sĩ ẩn tu trong một ngôi chùa của Thái Lan. Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu về văn hóa truyền thống của xứ Nghệ, đặc biệt nghiên cứu về những thành tố tạo thành lên tính cách người dân xứ Nghệ, chúng ta không thể không nhắc tới Phật giáo. Đồng thời chúng ta cũng đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không lẽ nào chúng ta không nghiên cứu về ngọn ngồn của yếu tố đã hình thành lên một nhân cách vĩ đại trong Bác. Dù bôn ba năm châu bốn biển, dù có ở cương vị cao nhất của đất nước cũng không làm mất đi tính cách đặc thù của người xứ Nghệ, đó là giản dị, kiên nghị, quyết đoán, trí tuệ và tình thương bao la hương vị của lòng từ bi trong Phật giáo.    

Bước sang Thiên niên kỷ 21, đất nước ta đã được thống nhất độc lập gần 40 năm, nhìn lại Phật giáo Nghệ An hiện tại, để thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng khóa VIII đã đề ra “…giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…” chúng ta là những người hậu duệ, người thừa hưởng di sản phải làm gì để không mất đi và phát huy được truyền thống văn hóa? những mảnh đất linh thiêng, những móng chùa còn sót lại, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thực sự đang chờ mong sự nỗ lực của Phật tử, của những nhà nghiên cứu, của các cấp lãnh đạo.



* Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 276
    • Số lượt truy cập : 6948624