PHẬT GIÁO NHẬP THẾ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TỈNH TRÀ VINH
THÍCH NỮ NHƯ HẢI
Chùa Âng, gọi theo ngôn ngữ Paly là Wat Angkor Raig Borei, thuộc Châu Thành, Trà Vinh. Ảnh: AAPHOTO
KHÁI NIỆM VỀ PHẬT GIÁO NHẬP THẾ
Phật giáo là một trong số những tôn giáo lớn có ảnh hưởng sâu sắc từ đời sống đến văn hóa, xã hội,... của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Từ khi ra đời khoảng thế kỷ thứ VI TCN, Phật giáo Nguyên thủy đã thể hiện tư tưởng triết học tiến bộ và nhân văn, được đông đảo quần chúng ủng hộ, đó là loại bỏ tính thần quyền và phân biệt giai cấp so với các tôn giáo đương thời như Bà La Môn giáo. Phật giáo đưa ra quan điểm bình đẳng trong mọi chúng sinh, bình đẳng về nỗi khổ, niềm đau và khả năng vượt thoát khổ đau bằng sự tu tập của chính bản thân mỗi người, thông qua đạo đức, niềm tin và trí tuệ (giới - định - tuệ), lấy từ bi và trí tuệ làm gốc. Từ lịch sử Phật giáo có thể thấy, Phật giáo được hình thành từ trong đời sống hiện thực (không phải thần thánh tạo ra) và vì đời sống hiện thực xã hội mà xây dựng, phát triển những tư tưởng tiến bộ để góp phần giải quyết vấn đề của xã hội đương thời (những bất công, khổ đau…). Như Đại sư Tinh Vân, người sáng lập và lãnh đạo Phật Quang Sơn đã nhận định Phật giáo là của nhân gian, từ nhân gian mà ra “Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra trong nhân gian, tu đạo trong nhân gian, thành Phật trong nhân gian, hoằng pháp trong nhân gian, tất cả những điều này đều chứng minh Phật giáo là Phật giáo của nhân gian”1. Từ những bước sơ khai, Phật giáo đã cho thấy đường lối và phương thức tu tập không tách rời nhân gian và do đó, tinh thần đạo gắn với đời đã từng bước hình thành.
Ngày nay, “Phật giáo nhập thế” là một khái niệm không còn xa lạ, nhiều người tu tập và học giả qua các thời kỳ cũng đã đề cập đến. “Theo ngôn ngữ Hán-Việt, thuật ngữ “nhập thế” có nghĩa là đi vào đời, dấn thân vào đời sống xã hội”2.
Tại Việt Nam, đầu thập niên 60 của thế kỷ XX giữa bối cảnh chiến tranh và xã hội có nhiều biến động, tinh thần nhập thế của đạo Phật đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề cập đến trong tác phẩm “Đạo Phật đi vào cuộc đời”. Thiền sư đã viết “đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện, mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thực sự hiện hữu trong cuộc đời”3. Thiền sư cũng giải thích thêm “Cuộc đời có nghĩa là cuộc sống hay xã hội. Đạo Bụt nhập thế tiếng Việt được hiểu là đạo Bụt đi vào cuộc sống, đạo Bụt đi vào xã hội. Tiếng Trung Quốc gọi là nhân gian Phật giáo, tiếng Việt gọi là đạo Bụt nhập thế”4.
Đến năm 1966, tác phẩm nổi tiếng thế giới với nhan đề “Hoa sen trong biển lửa” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xuất bản với nhiều thứ tiếng đã chính thức nói về khái niệm Phật giáo nhập thế (Engaged Buddhism). Theo đó, có thể khái quát “quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đạo Bụt đi vào đời, Nhân gian Phật giáo hay Phật giáo nhập thế được hiểu là: 1) làm cho những nguyên lý của Phật giáo trở thành nguyên lý sống thường nhật, từ đó cải biến nhân sinh và xã hội theo hướng thiện, mỹ; và 2) Phật giáo với tổ chức, lực lượng và giáo lý của mình tham gia giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nhân sinh và xã hội. Đây là hai ý nghĩa mật thiết không tách rời với nhau”5.
Theo học giả Allie B. King, “Phật giáo nhập thế (Engaged Buddhism) là một hình thức đương đại của Phật giáo, tham gia tích cực nhưng không bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, môi trường. Ở trạng thái tốt nhất, sự tham gia này không tách rời khỏi tinh thần của Phật giáo, mà là một biểu hiện của nó”, “Phật giáo nhập thế không phải một phong trào xa lạ với các giá trị tinh thần của Phật giáo truyền thống. Đó là một con đường dẫn đến sự viên mãn các giá trị đó và thể hiện chúng trong hành động”6. Đây là quan điểm khá tiêu biểu cho Phật giáo nhập thế trong cách hiểu hiện đại ngày nay.
Có thể thấy, các quan điểm, khái niệm của mỗi học giả, mỗi thời kỳ có thể khác nhau về ngôn từ diễn đạt, nhưng nhìn chung đều thể hiện tinh thần “Đạo Phật nhập thế” là đạo Phật đi vào đời, đi vào cuộc sống, làm cho Phật pháp trở thành tư tưởng, tinh thần của con người trong xã hội và từ đó giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội.
TINH THẦN NHẬP THẾ TRONG ĐẠO PHẬT QUA CÁC THỜI KỲ
Có thể nói, qua mỗi giai đoạn lịch sử, cùng với xu thế phát triển và nhu cầu xã hội, biểu hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo được thể hiện qua nhiều phương cách, nhiều lĩnh vực trong đời sống, tùy theo bối cảnh thời đại và con người.
Thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, Đức Phật khi còn tại thế trước tiên đã giáo huấn các vị đệ tử về phương pháp tu tập, giải thoát khổ đau, và họ thường tìm đến những nơi thanh tịnh để tu tập thiền định, quán tưởng. Sau khi họ đạt được chứng ngộ, Đức Phật mới căn dặn “Này các tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc của chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”7. Có thể thấy rằng, thuở ban sơ, Đạo Phật chỉ chú trọng tu hành nhằm mục đích chứng ngộ giải thoát và dấn thân hoằng pháp khi đã giác ngộ giải thoát, tức đem ánh sáng giác ngộ giải thoát và giáo pháp để hướng dẫn chúng sinh cùng tu tập, làm lợi lạc cho chúng sinh. Việc tu tập và hoằng pháp trong Đạo Phật còn được hiểu một cách dân gian đời thường là sự xuất thế (xuất gia và rời xa thế tục) và tinh thần nhập thế (hòa nhập lại thế gian). Xuất thế để tu tập giác ngộ và tìm đường giải thoát nhưng đồng thời cũng quay trở lại với chúng sinh, với cuộc đời để dẫn dắt chúng sinh cùng tu tập, vì mục đích hoằng pháp lợi sanh. “Đây là mối quan hệ biện chứng giữa tôn giáo với cuộc đời, tôn giáo với dân tộc, tôn giáo với quốc gia...”8.
Về sau, khi Phật giáo bắt đầu được truyền bá rộng rãi từ Ấn Độ sang các nước lân cận và khu vực châu Á thì tinh thần nhập thế vẫn không ngừng phát triển thông qua mỗi tông phái khác nhau được hình thành. Cụ thể như thiền tông thuộc tư tưởng Đại thừa được phát triển về phía Bắc. So với Tiểu Thừa, Phật giáo Đại Thừa được xây dựng và phát triển trên mô hình Phật tử tại gia, bên cạnh chư Tăng Ni xuất gia. Hay còn gọi là cư sĩ tại gia và những bậc xuất trần thượng sĩ. Theo đó, Phật tử tại gia, những người vẫn giữ cuộc sống đời thường nhưng phát nguyện Quy Y Tam Bảo, tức sự quay trở về nương tựa vào Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) để tu hành. Phật - người đưa đường chỉ lối cho chúng sinh trong cuộc đời, Pháp - con đường của tình thương và sự hiểu biết, Tăng – đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Như vậy, con đường giác ngộ giải thoát được phổ biến và lan tỏa đến tất cả mọi người, lấy từ bi theo hạnh Bồ tát để hóa độ chúng sinh. Học giả Edward Conze (2005) trong “Lược sử Phật giáo” đã nhận định về tinh thần nhập thế của Đại Thừa so với Tiểu Thừa “... một bên là những người xem Phật pháp như phương tiện để tạo ra một số ít các vị A La Hán sống cách biệt trong các tự viện với sự nghiêm trì giới luật, và bên kia là những người muốn gia tăng khả năng mang lại sự giải thoát cho những người bình thường...”9.
Đối với Thiền Tông được thịnh hành ở Trung Hoa, giai đoạn phát triển thứ nhất từ thời Sơ tổ Đạt Ma đến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn về mặt tư tưởng lấy tư tưởng Kinh Lăng Già làm tiêu chuẩn, về mặt tổ chức bắt đầu xuất hiện đoàn thể Tăng già, phát sinh ảnh hưởng trong một vài khu vực. Đến giai đoạn thứ hai, thời kỳ Đại sư Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng đã chia thành hai hướng. Một hướng theo Thần Tú triển khai theo lối xuất gia, tu tập thiền định nghiêm ngặt để dần dần (tiệm ngộ) giác ngộ. Một hướng theo Lục Tổ Huệ Năng, “đã thay đổi thiền pháp của Tổ Đạt Ma, lấy Kinh Kim Cang làm kinh điển tông chỉ, trong quá trình giác ngộ, nhấn mạnh đốn ngộ, tức không cần phải chấp vào phương thức tu tập truyền thống, trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể ngộ đạo”10. Tinh thần nhập thế trong thiền pháp của Lục Tổ Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa, được thể hiện rõ hơn. Có thể thấy tinh thần nhập thế này cụ thể qua bài kệ của Ngài Huệ Năng:
“Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mích bồ đề,
Do như cầu thố giác”
Nghĩa là: “Phật pháp ở ngay trong đời, quả vị giác ngộ không lìa đời mà thành tựu, tách xa trần thế tìm bồ đề thì cũng tựa như đi tìm lông rùa sừng thỏ”11.
Từ khi du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 2.000 năm, thông qua các con đường trực tiếp từ Ấn Độ (Phật giáo Nguyên Thủy, còn gọi là Phật giáo Nam Tông) và gián tiếp từ Trung Quốc (Phật giáo Bắc Tông), Đạo Phật đã thể hiện rất rõ tinh thần nhập thế, đã nhanh chóng hòa nhập vào đời sống tinh thần của người dân, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Qua mỗi giai đoạn phát triển, Phật giáo đều có vai trò tích cực trên các lĩnh vực đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Dưới các triều đại từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, tinh thần nhập thế của Phật giáo được thể hiện mạnh mẽ, bằng chứng là các vị cao Tăng đạo hạnh và có uy tín như Vạn Hạnh Thiền sư, Khuôn Việt Đại sư, Đỗ Thuận Pháp sư, v.v… đã đứng ra đảm nhận vai trò quân sư, cố vấn triều đình, lèo lái con thuyền dân tộc. Một học giả người Nhật, Kimura Hiroshi có nhận định về tính nhập thế của Phật giáo thời Lý-Trần rằng “Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là vương quyền và giáo quyền kết hợp một cách tự nhiên”12. Đó là sự hòa quyện đến mức một nhà sư có thể trở thành một nhà vua như Lý Công Uẩn và một nhà vua có thể trở thành một nhà sư như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.
Trong đó, đỉnh cao của tinh thần nhập thế của lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam là Phật giáo dưới thời Trần. Vua Trần Nhân Tông đồng thời là Sơ tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - đại diện cho Phật giáo Đại Việt thời Trung đại. Sự vận dụng tinh thần nhập thế thành triết lý đạo đi vào đời, đạo tức cuộc đời, đạo giữa cuộc đời của Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã phát huy được sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh tôn giáo trước những nguy cơ và thách thức lớn của thời đại, làm nên những trang sử hào hùng của thời Trần.
TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO TỈNH TRÀ VINH
Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, diện tích tự nhiên là 2.292 km2, dân số trên 01 triệu người. Về phân chia địa giới hành chính, Trà Vinh có 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố trực thuộc tỉnh. Về tín ngưỡng, Trà Vinh là một tỉnh có tôn giáo đa dạng, phong phú, có nhiều hình thái đặc trưng. Bản sắc văn hoá có các dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa và một ít dân tộc Chăm.
Phật giáo từ xưa đến nay luôn là nhân tố quan trọng, cấu thành đời sống tâm linh của các dân tộc và ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân. Tại tỉnh Trà Vinh, Phật giáo là tôn giáo chiếm đa số, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa các dân tộc và biểu hiện qua đa dạng các tông phái được du nhập gồm Phật giáo Nam tông Kinh, Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo Bắc tông và Hệ phái Khất sĩ. Trong đó nổi trội hơn cả phải kể đến là Phật giáo Nam tông Khmer và Phật giáo Bắc tông. Trong toàn tỉnh có 263 cơ sở tự viện (bao gồm 143 cơ sở Phật giáo Nam tông Khmer và 110 cơ sở Phật giáo Bắc tông, 06 cơ sở Tịnh xá Khất sĩ và 04 cơ sở Nam tông Kinh), số lượng Tu sĩ có 3.772 vị (bao gồm 3.303 vị theo Phật giáo Nam tông Khmer và 469 vị theo Phật giáo Bắc tông, Khất sĩ và Nam tông Kinh (trong đó có Chư Tăng là: 306 vị và Ni giới là: 163 vị), có khoảng 450.000 tín đồ Phật tử13.
Năm 2022, theo thống kê Phật giáo Nam tông Khmer có 143 cơ sở tự viện trong số 263 cơ sở tự viện trên toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 54,4%. Số lượng sư sãi có 3.303 vị trong tổng số 3.772 vị tu sĩ trên toàn tỉnh, chiếm 87,6%, cao nhất so với các hệ phái khác của Phật giáo. Dân tộc Khmer, chiếm khoảng 29% dân số toàn tỉnh Trà Vinh, có văn hóa rất đặc thù, chịu ảnh hưởng lớn bởi Phật giáo Nam tông từ nhiều thế kỷ qua. Sự ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông thể hiện trên nhiều mặt văn hóa của dân tộc Khmer, mà đặc biệt là trên một số bình diện của lối sống như phong tục tập quán, lễ hội, môi trường sinh thái, tính cố kết cộng đồng và tinh thần yêu nước… Xuất phát từ lý tưởng truyền thống là hướng về Đức Phật, cho nên trong cuộc sống hằng ngày, dù sư sãi ở chùa hay dân chúng tại gia đều phải rèn luyện theo đạo pháp: thọ giới - bố thí - tụng niệm. Theo đó, người Khmer lấy việc làm thiện, tránh ác làm lẽ sống. Họ cho rằng bố thí, cứu giúp đồng loại là việc làm thiện, làm phúc. Hằng ngày, người dân Khmer trong các phum sóc dâng cơm cho sư sãi, với quan niệm đó là một điều phúc lớn. Ngôi chùa đối với đồng bào Khmer có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Chùa không chỉ là nơi diễn ra các lễ nghi tôn giáo, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa của đồng bào, là môi trường giáo dục trẻ em Khmer. Chính vì những chức năng này mà quan hệ giữa ngôi chùa với đồng bào Khmer rất gắn bó với nhau. Người Khmer sẵn sàng góp công, góp của để xây dựng ngôi chùa của phum sóc, cho dù đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn14.
Đứng thứ hai về số lượng tự viện và tu sĩ là Phật giáo Bắc tông với 110 cơ sở tự viện trong toàn tỉnh, các tu sĩ là người Kinh. Phật giáo Bắc tông hay còn gọi là Phật giáo Đại Thừa là đặc trưng phổ biến của Phật giáo tại Việt Nam nói chung, được truyền bá vào Việt Nam gián tiếp thông qua Trung Quốc (phía Bắc). Đến các tỉnh Nam Bộ trong đó có Trà Vinh, Phật giáo Đại Thừa có một ảnh hưởng nhất định đối với đời sống, văn hóa của người Kinh tại đây. Khác với người Khmer hầu như chỉ theo đạo Phật, người Kinh tại Trà Vinh còn tự do tín ngưỡng với nhiều tôn giáo khác nhau ngoài Phật giáo như: Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo.
Thấm nhuần tư tưởng và giáo lý Phật học, Tăng Ni, Phật tử tại tỉnh Trà Vinh luôn hướng tới việc công phu tu tập đi cùng công việc hoằng pháp lợi sanh. Phật giáo Trà Vinh luôn phát huy tinh thần “đoàn kết hòa hợp” đồng hành cùng dân tộc, chung tay, chung sức góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.
Về công tác hoằng pháp, theo thống kê có hơn 60 đạo tràng tu tập trên địa bàn tỉnh với nhiều thể loại khác nhau như niệm Phật, Bát Quan trai, khóa tu một ngày an lạc,… Theo đó, có sự kết hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Trà Vinh hoặc GHPGVN tại địa phương để thỉnh các giảng sư giảng dạy giáo lý tại các đạo tràng tu học này, nhằm hướng dẫn các Phật tử và khích lệ tinh thần đạo tràng. Đặc biệt, Ban Hoằng pháp tỉnh đã kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử cũng hết sức quan tâm đến đối tượng các em thanh thiếu niên Phật tử, thông qua các khóa tu mùa hè để hướng dẫn các em hiểu biết chánh pháp. Đây cũng là một trong những biểu hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo trên phương diện giáo dục. Với đường hướng giáo dục lấy trí tuệ và từ bi làm gốc, chính kiến làm nền tảng để hướng đến giác ngộ giải thoát, làm động lực phát triển xã hội trên nền móng yêu thương và cảm thông. Từ đó, góp phần hạn chế và đẩy lùi các hành vi bất chính như tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tranh chấp bất đồng, v.v…
Đối với hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, vào 04 ngày quy y trong tháng, chư Tăng, nhất là trụ trì các chùa luôn hướng dẫn Phật tử hướng thiện theo triết lý đạo Phật. Ngoài việc thực hiện các nghi thức, nghi lễ Phật giáo, Trụ trì, Ban quản trị các chùa trong tỉnh luôn lồng ghép việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề như: phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, chương trình an ninh trật tự do cơ quan Công an tổ chức,...
Với sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong những năm 2020-2021 làm cho việc thuyết giảng trực tiếp hay sinh hoạt đạo tràng có phần bị hạn chế. Các Tăng Ni và Phật tử tỉnh Trà Vinh đã bắt đầu chú trọng hơn vào các phương pháp tu học, tiếp cận giáo lý thông qua phương tiện công nghệ như các trang mạng, trang Phật sự Online, Butta, Youtube,... một xu thế tất yếu của thời đại khoa học - công nghệ (cách mạng công nghiệp 4.0).
Về các công tác từ thiện, tinh thần “Từ bi, vô ngã, vị tha” được xem là cốt lõi của Phật giáo. Công tác từ thiện Phật giáo ví như cánh tay nối dài trong việc hoằng pháp, lợi sanh. Phật giáo Trà Vinh nói chung và Tăng Ni Phật tử nói riêng đã tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội của tỉnh nhà như: xây dựng nhà tình thương, cầu nông thôn, đường nông thôn, bếp cơm từ thiện ở bệnh viện, bếp cơm mái ấm học đường, tặng tập viết, xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo,… Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh đã hỗ trợ tập, viết, xe đạp cho con em nghèo hiếu học ở một số trường phổ thông cũng như ở điểm trường, chùa. Tổ chức thăm, viếng các cụ già bệnh tật, tặng quà cho bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nuôi dạy trẻ mồ côi, các em sinh viên nghèo, đồng thời, vận động mạnh thường quân tặng quà cho bà con nghèo trong dịp Lễ Chol Chnam Thmây, xây nhà tình thương, hỗ trợ các tang lễ, hỗ trợ lương thực cho bệnh nhân nằm điều trị các bệnh viện.
Đặc biệt, trong tháng 10 và 11 năm 2020, thực hiện tinh thần Thông bạch số 228/TB-HĐTS, ngày 14/10/2020 của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN về việc vận động cứu trợ đồng bào lũ lụt các tỉnh miền Trung. Với tinh thần từ bi của đạo Phật, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Ban Trị sự tỉnh đã phát động những chuyến xe nghĩa tình Trà Vinh - miền Trung thân yêu, vận động Tăng Ni, Phật tử và quý nhà hảo tâm đã cứu trợ kịp thời đến những vùng lũ bị thiệt hại nặng các tỉnh miền Trung.
Từ ngày 9-12/11/2020, Hội Đồng Trị Sự GHPGVN thực hiện
chuyến đi cứu trợ bà con bị thiên tai lũ lụt tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Trong thời kỳ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, với ý nghĩa “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, Phật giáo tỉnh đã tha thiết kêu gọi, vận động các cơ sở GHPGVN trong tỉnh và các cơ sở Tự viện, cá nhân Tăng Ni, nhân sĩ trí thức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí, hỗ trợ y tế mua sắm trang thiết bị y tế và hỗ trợ quỹ mua vaccine phòng Covid-19, tặng nhu yếu phẩm, nấu cơm cho bệnh viện dã chiến, khu cách ly, khu phong tỏa, ủng hộ thiết bị y tế khẩu trang, nước sát khuẩn, đồ bảo hộ, bộ kit test, máy tạo oxy. Giúp đỡ các hộ gia đình có người thân mất vì dịch Covid, cùng các công tác từ thiện khác. Tổng số hiện vật và nhu yếu phẩm quy đổi thành tiền ước tính trên 40.000.000.000 đồng (Bốn mươi tỷ đồng)15. Ngày 19/11/2021, để xoa dịu những nỗi đau mất mát cho đồng bào cả nước, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã tổ chức Đại lễ cầu siêu cho đồng bào tử vong và các chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 tại chùa Lưỡng Xuyên, phường 1, TP. Trà Vinh (Văn phòng Ban Trị sự tỉnh) và Ban Trị sự GHPGVN huyện Càng Long đã tổ chức tại Quảng trường huyện Càng Long, Ban Trị sự GHPGVN huyện Châu Thành đã tổ chức tại Chùa Vĩnh Phước.
Chùa Quan Âm huyện Càng Long trong chuyến huy động và
ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19 tại huyện Trà Cú
Ngày 2/12/2021, chùa Phổ Tịnh ở huyện Tiểu Cần đã trao tặng 100 phần quà
cho người dân khu vực phong tỏa phòng, chống dịch bệnh Covid -19
tại 5 ấp thuộc xã Long Hiệp, huyện Trà Cú
Trong số các gương điển hình về hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo tại Trà Vinh, không thể không kể đến Nhà dưỡng lão chùa Liên Bửu tọa lạc tại ấp Qui Nông, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Nhà dưỡng lão do Trụ trì chùa Liên Bửu là Cố Ni trưởng Thích nữ Bửu Lý thành lập năm 2004. Với tinh thần từ bi cứu khổ đem đạo giúp đời, Ni trưởng đã cảm thương với thân phận của những phận đời cao tuổi cơ nhỡ, cô đơn. Thông qua dành dụm từ những đóng góp từ thiện của bá tánh, Ni trưởng đã cho xây trong khuôn viên chùa Nhà dưỡng lão khang trang. Nhà dưỡng lão chùa Liên Bửu Trà Vinh luôn có trên dưới 50 cụ ông, cụ bà cô đơn, cơ nhỡ từ 70 đến 90 tuổi vào đây nương tựa bóng từ bi của Đức Phật, và được sưởi ấm bởi lòng từ tâm của các Sư và bá tánh.
Chung tay với nhà chùa, GHPGVN tỉnh Trà Vinh, các tự viện và Phật tử gần xa cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi ủng hộ và giúp đỡ các cụ có đời sống vật chất và tinh thần ngày một tốt hơn. Đơn cử, sáng ngày 24/11/2022, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh do Đại Đức Thích Trí An - Trưởng Ban làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà Nhà dưỡng lão chùa Liên Bửu. Các đoàn Phật tử có thể kể đến nhóm thiện nguyện Tâm Nguyên do các Phật tử thành lập hơn 4 năm qua, với hoạt động chính là mỗi tháng đến chùa Liên Bửu để nấu những “Bữa cơm chay yêu thương” cho khoảng 50 cụ đang sinh sống tại đây.
Có thể thấy, Phật giáo tại Trà Vinh với tinh thần từ bi, cứu khổ và phương châm “tốt đạo, đẹp đời” đã thâm nhập vào đời sống xã hội và gần gũi với chúng sinh, ở đâu có khổ đau ở đó có Phật pháp để cứu giúp con người vượt qua khổ đau và hướng đến giác ngộ giải thoát. Với vai trò là một tôn giáo, Phật giáo vừa là điểm tựa tâm linh, tinh thần vừa góp phần cải thiện và phát triển xã hội. Đó không gì khác hơn, chính là biểu hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo trong thời kỳ hiện nay.
Kết luận
Tinh thần nhập thế đã gắn liền với Phật giáo từ thời xa xưa, thể hiện tính nhân văn và tiến bộ về tư tưởng. Qua các thời kỳ phát triển, tinh thần nhập thế của Phật giáo vẫn không mất đi mà chuyển hóa, thích ứng với hoàn cảnh, xu thế và nhu cầu xã hội. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Phật giáo nhập thế là làm cho những nguyên lý của Phật giáo trở thành nguyên lý sống thường nhật, từ đó cải biến nhân sinh và xã hội theo hướng thiện, mỹ; và Phật giáo với tổ chức, lực lượng và giáo lý của mình tham gia giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nhân sinh và xã hội.
Thấm nhuần tư tưởng và tinh thần Phật giáo nhập thế, với phương châm “tốt đạo, đẹp đời”, các Tăng Ni, Phật tử tại tỉnh Trà Vinh luôn hướng tới việc công phu tu tập đi cùng công việc hoằng pháp lợi sanh và cũng đạt được những thành tựu nhất định.
Tuy nhiên, trước những thách thức và biến đổi khôn lường của thời đại, đòi hỏi Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tại tỉnh Trà Vinh nói riêng cần có những định hướng phát triển cũng như điều chỉnh thay đổi cần thiết, theo tinh thần nhập thế nhưng không đánh mất bản sắc, giá trị cốt lõi, cụ thể:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác giáo huấn, hướng dẫn cho Phật tử tiếp cận và hiểu đúng tinh thần, giáo lý Phật. Từ đó hạn chế những hoạt động lợi dụng tôn giáo, mê tín dị đoan do thiếu hiểu biết, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Để làm được như vậy, từ phía GHPGVN và các tự viện, các Trụ trì, Tăng Ni cần chú trọng việc sinh hoạt, giảng dạy trong các tăng đoàn, đạo tràng nhiều hơn thông qua các hoạt động như thuyết giảng, thuyết pháp hay tổ chức các buổi sinh hoạt đạo tràng, v.v…
Thứ hai, cần suy nghĩ về việc chuyên nghiệp hóa công tác từ thiện xã hội từ tự phát thành có tổ chức, nhằm phát huy hơn nữa vai trò giúp đỡ chúng sinh, trọn vẹn ý nghĩa từ bi cứu khổ. Thông qua thực tế hoạt động từ thiện xã hội tại tỉnh Trà Vinh, có thể thấy những lợi thế nhất định cho các hoạt động từ thiện chuyên nghiệp. Trong số đó, có thể kể đến nguồn lực từ cơ sở vật chất (với khoảng 263 cơ sở tự viện khang trang rộng rãi), nguồn lực tài chính (từ sức ảnh hưởng của Phật giáo, uy tín và khả năng huy động tài chính từ cộng đồng cho từ thiện) và nguồn lực con người (khoảng 3.772 tu sĩ và 450.000 tín đồ Phật tử). Với những nguồn lực này, cùng với tinh thần từ bi, cứu khổ độ sanh của nhà Phật, nếu có thể chung tay xây dựng mô hình từ thiện xã hội chuyên nghiệp, Phật giáo sẽ còn phát huy hơn nữa tinh thần nhập thế của mình “cải biến nhân sinh và xã hội theo hướng thiện, mỹ” và “tham gia giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nhân sinh và xã hội”. Một số lĩnh vực từ thiện xã hội của Phật giáo theo hướng có tổ chức có thể nghĩ đến tại Trà Vinh là tổ chức các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật, người bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ ba, phát huy tinh thần Phật giáo nhập thế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Việc đất nước Việt Nam cùng cả thế giới đã bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 là không thể bàn cãi. Để tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm xã hội của mình, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Trà Vinh nói riêng, cũng cần khẩn trương trong công cuộc đổi mới, tiếp cận phương thức khoa học - công nghệ mới. Cụ thể, các Tăng Ni, Phật tử cần được hướng dẫn và chủ động trong việc học tập, trau dồi các phương thức, cách thức sử dụng công cụ, phương tiện công nghệ trong các công tác Phật sự như hoằng pháp lợi sanh, đồng thời, cũng hết sức cẩn trọng, hòa nhập chứ không hòa tan.
1. Đại sư Tinh Vân, Phật Quang tùng thư (10) – Phật giáo nhân gian, Phật Quang sơn tôn vụ ủy viên hội, Quốc tế Phật Quang hội Thế giới Tổng hội ấn hành, 1995, tr. 1.
2. Thích Quảng Minh, Sơ lược về tư tưởng nhập thế ban đầu của Phật giáo, https://chuaxaloi.vn/thong-tin/so-luoc-ve-tu-tuong-nhap-the-ban-dau-cua-phat-giao/3341.html
3. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, NXB. Lá Bối, Sài Gòn, 1964, tr. 41.
4. Thích Nhất Hạnh, Lịch sử đạo Bụt nhập thế, https://phatgiao.org.vn/lich-su-dao-but-nhap-the-d24940.html
5. Lại Quốc Khánh, “Phật giáo nhập thế - tiếp cận từ tư tưởng Phật giáo nhập thế của Trần Nhân Tông”, Giáo trình Phật giáo nhập thế và các vấn đề của xã hội đương đại, tr. 351.
6. Allie B. King, Socially Engaged Buddhism – Dimensions of Asian Spirituality, University of Hawaii press, Honolulu, 2009, tr. 1, tr. 56.
7. Thích Minh Châu, Kinh Trường bộ, tập 1, Kinh Đại Bổn, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991.
8, 9. Hoàng Thị Thơ, Tinh thần nhập thế của một tôn giáo xuất thế trong “cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông, https://chuaxaloi.vn/tin-tuc/tq10-tinh-than-nhap-the-cua-mot-ton-giao-xuat-the-trong-cu-tran-lac-dao-cua-tran-nhan-tong/760.html
10. Tuệ Liên, Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng, https://nigioikhatsi.net/thien/thien-tong-trung-quoc-qua-cac-giai-doan-phat-trien-quan-trong.html
11. Thích Nguyên Đạt, “Phật giáo Việt Nam nhập thế trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 hôm nay”, Giáo trình Phật giáo nhập thế và các vấn đề của xã hội đương đại, tr. 223.
12. Kimura Hiroshi, Lịch sử và tôn giáo của Đông Nam Á, La Hoàng Trào dịch Trung – Việt, NXB Minh Tinh, 2001, tr. 162.
13. Số liệu theo Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2017-2022) của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh.
14. Trang Thiếu Hùng, Phật giáo Nam tông trong văn hóa Khmer Nam Bộ (Trường hợp tỉnh Trà Vinh), NXB. Khoa học Xã hội.
15. Số liệu theo Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2017-2022) của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh.
Bình luận bài viết