Thông tin

PHẬT GIÁO, THỜI ĐẠI MỚI

 

TRẦN VĂN KHA [1]

 

I.- THỜI ĐẠI MỚI.

1.1. Mở Đầu

Theo tử vi Tây phương, một năm có 12 biểu tượng là: Miên dương (Bélier tiếng Pháp, Aries tiếng Anh) sinh từ 21-3 đến 19-4;

Kim ngưu (Taureau, Taurus) 20-4 đến 20-5;

Song nam (Gémeaux, Gemini) 21-5 đến 20-6;

Bắc giải (Cancer, Cancer) 21-6 đến 22-7;

Hải sư (Lion, Leo) 23-7 đến 22-8;

Xử nữ (Vierge, Virgo) 23-8 đến 22-9;

Thiên xứng (Balance, Libra) 23-9 đến 22-10;

Hổ cáp (Scorpion, Scorpio) 23-10 đến 21-11;

Nhân mã (Sagittaire, Sagittarius) 22-11 đến 21-12;

Nam dương (Capricorne, Capricorn) 22-12 đến 19-1;

Bảo bình (Verseau, Aquarius) 20-1 đến 18-2;

Song ngư (Poissons, Pisces) 19-2 đến 20-3.

Theo chiêm tinh, vòng hoàng đạo cũng mang 12 tên như trên, và mỗi một biểu tượng được gọi là một Thời Đại. Cứ mỗi khi hết một năm, chúng ta có một năm mới. Và giống y như thế, cứ mỗi khi hết một Thời Đại mà các nhà chiêm tinh bảo là lâu khoảng 2.000 năm, chúng ta có một Thời Đại Mới. Thời Đại sắp qua đi là Thời Đại “Song Ngư”, biểu tượng của đạo Ki-tô, một thời đại đen tôí, với chiến tranh và xung đột (wars and conflicts). Thời Đại sắp tới, với biểu tượng “Bảo Bình”, là thời đại của hòa hợp, công bằng và hoà bình (harmony, justice and peace). Xin lưu ý quí độc giả là vòng hoàng đạo di chuyển theo chiều ngược. Sau Song ngư là Bảo bình và sau Bảo bình là Nam duơng. Xin đừng chú ý tới ngày tháng để đoán tử vi.

Biến chuyển là một định luật của tạo hóa. Không có cái gì không biến chuyển. Con người của chúng ta cũng biến chuyển không ngừng. Cứ mỗi ngày con người chúng ta lại đổi khác. Khi tuổi đời càng cao, thì biến chuyển càng mau. Thời gian của người cao tuổi đi mau hơn thời gian của người trẻ. Trước năm 1975, tôi thấy thời gian qua đi rất chậm, ngày dài hơn, tháng dài hơn, năm dài hơn. Nhưng thời gian kể từ ngày di cư sang Mỹ đi mau hơn. Vừa mới đó mà đã ở Mỹ được 31 năm. Nhìn tấm ảnh đứa cháu mới sinh được một năm mà tôi bế trong tay, với đứa cháu bây giờ đang học đại học, và chỉ trong vài năm nữa là lấy vợ, đẻ con, tôi giật mình thấy thời gian đi mau quá. Và chẳng bao lâu nữa, có thể chỉ trong vài năm thôi, tôi không còn ở cái thế giới có nắng vàng một đôi khi trong vắt như thuỷ tinh, với nền trời cao mây trắng, mà khi nhìn lên tôi thấy những hàng cây xanh in đậm nét trên đó. Trong không khí yên tĩnh, tôi cảm thấy đời thật đẹp, đẹp như bông hồng vừa chớm nở, nhưng tại sao tôi lại phải chết, mọi người đều phải chết? Tôi nghĩ rằng nếu mọi thứ đều biến chuyển theo hình vòng tròn, sinh rồi tử, tử để rồi lại sinh, thì tôi đâu có chết. Chết chỉ là một sự đổi thay. Tôi sẽ tái sinh làm một người mới, mà Phật Giáo bảo không giống trước, nhưng cũng không khác. Có mâu thuẫn không? Cứ hết một năm, ta có một mùa xuân mới. Mùa xuân năm nay hoàn toàn khác với mùa xuân năm trước, nhưng cũng không khác. Mùa xuân nào chả là mùa xuân.

Trước khi trình bày khả năng đóng góp của Phật Giáo trong Thời Đại Mới, xin nói về “Thời Đại Mới”. Và để tránh những xuyên tạc cho rằng chúng tôi có dụng ý gây chia rẽ tôn giáo, chúng tôi xin thưa, “Thời Đại Mới” là một phong trào rất phổ biến ở các nước Tây phương mà chúng ta cần biết. Chúng ta không thể không biết đến ảnh hưởng của “Thời Đại Mới” đối với thế giới nó như thế nào. Nếu nghĩ rằng những tư tưởng mới ấy có hại cho niềm tin tôn giáo, chúng ta lo sợ, rồi cứ bịt mắt, bịt tai trước những biến đổi tư duy của thế giới, thì chúng ta sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời. Tư duy của chúng ta cần được hiện đại hóa. Cái gì đúng ta theo, cái gì sai thì gạt bỏ, hoặc tìm cách vạch ra những sai trái của nó. Cái gì sai, có tính cách mê tín dị đoan, gây chia rẽ dân tộc, thì lại càng phải gạt bỏ. Tuy nhiên chúng tôi cũng viết rất dè đặt, không thẳng thắn phê bình như ở Mỹ. Kèm theo bản dịch tiếng Việt, chúng tôi cố gắng đánh máy nguyên văn tiếng Anh, hay Pháp, để tiện so sánh.

Thời Đại Mới là gì? Chúng tôi đã viết khá dài về đề tài này trong hai quyển sách của chúng tôi, nhan đề “Thời Đại Mới”, một quyển phát hành năm 1992 và một quyển năm 2004. Sau đây là bản tóm tắt một số ý kiến trong các sách đó. “Thời Đại Mới” là một phong trào phiên dịch từ chữ “New Age” (Nouvel Âge, tiếng Pháp). Phong trào này không những đã lan ra toàn thể nước Mỹ, mà còn đang phát triển sang các nước ở Âu-châu, trong đó có Thụy-điển, Đan-mạch, Đức, Pháp, Anh, và cả ở Nga nữa. Phong trào này làm cho Tòa thánh Vatican lo ngại, và cách đây vài năm một linh mục người Pháp, Jean Vernette, cai quản giáo phận Montauban, và cũng là người đại diện cho Giáo hội Ca-tô Pháp, để nghiên cứu, và lên tiếng về các vấn đề giáo phái, đã phải viết cả một quyển sách nhan đề “Thời Đại Mới” (Le Nouvel Âge) để bênh vực Giáo hội Ca-tô, mà theo lời những người chủ trương “New Age”, sẽ phải cáo chung vào thế kỷ XXI.

Đầu đề của bài phỏng vấn trong Paris Match số 2152, ra ngày 23/8/1990, là “La Réincarnation, Non!” (Tái sinh, Không!). Xin quý độc giả phận biệt “Réincarnation” Tái sinh, với “Résurrection” Sống lại (Phục sinh). “Tái sinh” là chết rồi đi đầu thai làm người trở lại. “Sống lại” là chết rồi sống lại trong thân xác cũ. Tỉ dụ như huyền thoại Chúa Jesus chết đi 3 ngày rồi sống lại? Và huyền thoại, đến ngày tận thế Chúa Jesus sẽ làm cho tất cả người chết sống lại, với thân xác cũ.

1.2. Trích Bài Phỏng Vấn.

“Phong trào Thời Đại Mới là một trong những cách biểu lộ sự trở về với tôn giáo được thấy bên Tây phương. Từ California nó lan ra toàn thể nước Mỹ, rồi Âu-châu. Nó là một sự tổng hợp tất cả những tín ngưỡng bí truyền phát triển bên lề các tôn giáo. Sự tìm tòi tâm linh ấy đưa tới những khúc rẽ có thể làm cho người ki-tô đi lạc đường. Đó là trường hợp của những học thuyết tân tiến về tái sinh, một vấn đề ưa thích của những người theo Thời Đại Mới. Để chống lại những sự đi lạc đường như thế mà Jean Vernette, cha sở tổng quát của Montauban và là đại diện các giám mục Pháp về những vấn đề liên quan tới giáo phái, phải lên tiếng trong quyển sách của người “Thời Đại Mới. Vào lúc bình minh của Thời Đại Bảo Bình” (Nhà xuất bản Pierre Téqui). Người nói rõ những lý do lên án trong cuộc nói chuyện với Michel Leclercq”.

Sau đây là một số câu hỏi của Michel Leclercq và câu trả lời của linh mục Jean Vernette đăng trên báo Paris Match, số 2152 ra ngày 23/8/1990, đã nói đến ở trên. (Trích ra từ sách “Thời Đại Mới 1992”, và “2004”). (Trước khi đi xa hơn, chúng tôi xin mở một dấu ngoặc để định nghĩa một số danh từ. Ca-tô Rô-ma (viết tắt là Ca-tô) là phiên âm từ chữ Roman Catholic, Ki-tô là từ chữ Christianisme, và gồm có Anh giáo, Ca-tô Rô-ma, Chính thống giáo, và Tin lành).

- Paris Match (P.M.). Đúng ra thì Thời Đại Mới là gì?

- Jean Vernette (J.V.). Việc định nghĩa không phải dễ dàng, bởi vì nó giống như một dòng sông có hàng chục phong trào khác nhau cùng đổ vào, tỉ dụ như trực quan, những học thuyết và kỹ thuật đông phương, những truyền thống song đôi và tất cả mọi hình thức huyền bí. Rất nhiều người thấy thoải mái trong dòng sông ấy. Mỗi người lựa chọn cái mà mình ưa thích, không cảm thấy bị đóng kín trong cái khung ít nhiều gì cũng cứng ngắc của một tôn giáo có tổ chức. Điều quan trọng là sự tìm hiểu tâm linh, tìm kiếm một kinh nghiệm tôn giáo cá nhân và trực tiếp, điều này hoàn toàn phù hợp với mong ước của đa số những người của thời đại chúng ta. Khi người ta nhắc lại bằng đủ mọi cách là Thế kỷ XXI sẽ rất sùng đạo, thì điều đáng sợ là họ ngả về một thứ tôn giáo kiểu New Age chứ không phải Ki-tô!

P.M. Cha nghĩ như thế nào về cái tôn giáo “kiểu New Age”?

J.V. Tôi nhìn thấy họ có chung một quan niệm, cái quan niệm cho rằng những tôn giáo hiện hữu đã bị vượt qua. Đối với New Age, mỗi người tự tạo lấy tôn giáo riêng cho mình, bằng cách lấy trong tôn giáo tuổi thơ ấu của mình những cái gì thích hợp, nhưng cũng đồng thời lấy luôn những cái tốt của các môn phái khác, cộng thêm những điều rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Ngoài ra New Age còn tin vào chiêm tinh. Họ bảo rằng, vào mỗi một thời đại của vòng Hoàng đạo, có một nền văn minh phù hợp. Từ khi Chúa giáng sinh, chúng ta sống trong thời đại Song Ngư, và đó là thời đại của văn minh Ki-tô. Nhưng bây giờ chúng ta đang đi không ngừng nghỉ tới thời đại “Bảo Bình”, với sự chấm dứt đạo Ki-tô và sự ra đời một nền văn minh hòa hợp, hòa bình, và thống nhất toàn thể: một thời vàng son đích thực. Tuy nhiên, theo đúng chiêm tinh, Mặt trời chỉ đi vào chùm sao Bảo Bình vào năm 2160!

P.M. Tôi hiểu tại sao, trong sách của cha, cha trình bày Thời Đại Mới như là một thách đố lớn cho các Giáo hội Ki-tô. Như thế phải chăng có nghĩa là cha đã đồng ý với những người mà họ trông thấy ở đó một âm mưu của những thế lựïc Xấu, hay của cả công trình chống Ki-tô?

J.V. Vấn đề không phải ở đó. Có rất nhiều điều tốt trong những cơ sở được xây dựng theo quan điểm Thời Đại Mới, và sự thay đổi căn bản mà nó gây ra cho một số người không thể là việc làm của ma quỷ. Người ta còn có thể mơ ước một thời đại mới ki-tô! Điều đáng buồn là những “đứa con Bảo Bình”, như chính họ gọi họ như thế, lại thường thường đi tìm cảm hứng tôn giáo trong những chủ thuyết đông phương, chứ không phải Ki-tô. Việc này dẫn tới việc họ công khai chấp nhận một vài điều tin hoàn toàn không phù hợp với đức tin Ki-tô.

P.M. Tỉ dụ?

J.V. Sự tái sinh. Đây là một quan niệm căn bản của những tôn giáo lớn Đông phương, cũng như cuả tôn giáo bí truyền (Mật tông?) mà những người theo New Age đều gần như hầu hết chấp nhận một cách vui vẻ. Ngay như ở nước Pháp, ông biết rằng bất cứ cái gì liên quan tới vấn đề đó đều gây ra một sự tò mò lớn. Những sách viết về nó bán chạy như tôm tươi. Theo như một số thăm dò, hơn 20% đồng bào của chúng ta, kể cả nhiều tín đồ Ca-tô, tin vào sự tái sinh! Một lý do tốt nữa để làm cho “Thời Đại Mới” được cảm tình của rất nhiều người.

Nhưng cũng phải thú nhận rằng quan niệm ấy rất hấp dẫn. Thử xét xem: con người không thể thực hiện đầy đủ số phận mình trong một đoạn đường. Anh ta cần có, một hay nhiều cơ hội. Để cho con người có thể ý thức được bản chất thánh thiện của mình và thoát ra khỏi cái vỏ vật chất bên ngoài, linh hồn phải có thể được tái sinh, cần bao nhiêu lần thì tái sinh từng ấy. Và những điều đã thâu góp được – tốt hay xấu – của những kiếp trước không bao giờ mất đi. Đó là luật nhân quả. Như thế thì đời sống hiện tại là kết quả trực tiếp của những việc làm, tốt hay xấu, của chúng ta trong những kiếp trước: mỗi người phải trả nợ cho đến đồng xu cuối cùng!

Ông thấy không, học thuyết này đề nghị, để giải đáp cho những câu hỏi mà người ta đặt ra về sự hiện hữu của điều xấu và sự đau khổ trên thế giới, một câu trả lời thỏa mãn cho tâm linh. Tại sao có nhiều người đau khổ? Đó là nhân quả! Nhưng những người đau khổ ấy không nên thất vọng, bởi vì, sau khi đã trả hết nợ, họ lại tìm thấy, cho chính họ, hạnh phúc... Nhưng người ta không thể tin vào tái sinh và vẫn còn là ki-tô. Đối với người ki-tô, tuy nhiên, sự chết đã hoàn toàn bị chinh phục bởi Christ trong “Khổ nạn-Sống lại” của Người. Người đã giải thoát chúng ta khỏi sự chết. Người giúp cho chúng ta thoát khỏi cái luật cứng ngắc của nhân quả nó bắt chúng ta phải trả nợ “cho đến đồng xu cuối cùng”. Và chính bởi Người mà chúng ta được bảo đảm sống lại vào một ngày nào đó. (Chúng tôi xin mở một dấu ngoặc để nhận định rằng, hễ có sinh thì có tử, không có cái gì thoát khỏi chết, không có ai sống lại cả. Nhưng để bác bỏ những kinh nghiệm về tái sinh, linh mục Jean Vernette ở đoạn sau nhận định, “những kinh nghiệm đó không làm cho sự tái sinh trở thành một sự kiện khoa học hiển nhiên”. Nhưng than ôi! Chỉ trích người mà không nghĩ đến mình! Sống lại thì sao? Có ai sống lại không? Sống lại có là một sự kiện khoa học hiển nhiên không?)

P.M. Như vậy thì vì lý do đức tin ki-tô của cha mà cha từ chối sự tái sinh. Nhưng, người ta phản đối lại cha, cho rằng sự tái sinh là một sự kiện khách quan, được kiểm chứng một cách khoa học bởi hàng ngàn kinh nghiệm giống nhau, vậy cha trả lời ra sao?

J.V. Tôi trả lời rằng hàng ngàn những kinh nghiệm giống nhau, như ông nói, đặt ra những thắc mắc mạnh mẽ. Nhưng những kinh nghiệm đó không làm cho sự tái sinh trở thành một sự kiện khoa học hiển nhiên...

Đối với Thời Đại Mới, toàn thể vũ trụ – kể cả Gốt – đều được tạo ra bởi cùng một chất liệu. Con người, với cái khả năng độc nhất ấy, ý thức, được đặc biệt coi như một tia sáng của chất liệu thần thánh. Như thế thì đối với con người, con đường thẳng nhất để tìm gặp Gốt là tìm tới đáy tâm của mình. Và vì thế tất cả những kỹ thuật thiền, mở rộng ý thức, được Thời Đại Mới hết sức hoan nghênh. Chính là nhờ những thứ đó, mà đã có sự đồng ý rằng, mỗi một con người chúng ta đều có thể gặp ý thức vũ trụ, nghĩa là Gốt. (Quan niệm này đúng là quan niệm của Phật Giáo, Tâm tức Phật. Và người ta chỉ có thể tìm thấy Phật trong Tâm, chứ không ngoài Tâm, bằng thiền định. T.v.K).

Chúng ta phải nên lưu ý những người theo đạo Ca-tô tới một sự việc, là với quan niệm ấy, Gốt mà chúng ta tin tưởng đã hoàn toàn bị bôi xóa mặt mũi. Bởi vì đối với chúng ta, Gốt không thuộc thành phần do Gốt sáng tạo ra. Gốt hoàn toàn khác biệt, một thực thể vượt hẳn lên trên bởi bản chất.

Dĩ nhiên rằng, Gốt New Age không thể nào là ki-tô”.

P.M. Cha cũng nói đến, trong sách của cha, ảnh hưởng của những cuộc du hành không gian.

J.V. Thực thế. Với sự thám hiểm vũ trụ, quan niệm về Trái Đất của chúng ta đã thay đổi. Nhìn bằng con mắt của phi hành gia không gian trong phi thuyền của họ, dù người ấy là Sô-viết hay Mỹ, trái đất hiện ra như một hòn ngọc độc nhất trong không gian, không có biên giới thực sự, khác với những bức họa đồ trái đất của chúng ta, có điểm những vết màu đánh dấu kỹ biên giới của mỗi quốc gia. Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng nó rất mỏng manh. Và chúng ta phải đồng lòng, tất cả mọi người chúng ta, rằng chúng ta chịu trách nhiệm về sự sống của nó và của chúng ta.

Chúng ta phải thay đổi đến cỗi rẽ cách nhìn của chúng ta, thoát ra khỏi những khái niệm chật hẹp về quốc gia hay nòi giống. Phải xóa bỏ sự nghi kỵ, sự sợ hãi người khác, để bước vào một tâm trạng tinh thần mới căn cứ vào tin cậy lẫn nhau, bỏ qua những dị biệt. Kể từ nay, ngôi làng hành tinh là một thực tế, bởi vì chúng ta được nối lại với nhau bởi các vệ tinh, máy bay siêu thanh, những tổ chức đa quốc gia, những tổ chức và hội đoàn khác nhau. Ý thức về môi sinh vượt qua biên giới, và những hội đoàn được thành lập. Bà Alice Bailey, tiên phong của Thời Đại Mới, đã muốn thành lập một tổ chức hành tinh để thực hiện dự án đó. Bà hỗ trợ Thời Đại Mới trong đề nghị thành lập một tôn giáo, một hệ thống giáo dục và một chính phủ, toàn cầu.

Không thể nghĩ đến chiến tranh

Ít ảo tưởng hơn, những người kế tiếp chọn lựa sự thành lập những nhóm nhỏ, những nhóm này, ở khắp nơi, gia tăng sáng kiến. Marilyn Ferguson viết, “những nhóm này tự động tổ chức, gần như không còn gì chung với những cơ cấu chính trị cũ. Họ tìm đến nhau, thành lập những liên minh và giúp đỡ lẫn nhau, nhưng không làm phát sinh ra một cơ cấu quyền hành như thường lệ: những nhóm môi sinh, phụ nữ, hòa bình, bảo vệ nhân quyền hay chống nạn đói trên thế giới. Vì thế, hàng ngàn trung tâm và tổ chức ủng hộ ý thức mới, ở Thụy-điển hay Đan-mạch, ở nước Anh và ở Phần-lan, ở Brésil (...) và đến cả Liên Bang Sô-viết”.

Nếu Thời Đại Mới thành công, thì lẽ dĩ nhiên không thể nghĩ đến chiến tranh, bởi vì xã hội mới gom góp lại những người kể từ nay không sợ hãi những ý kiến và văn hóa nước ngoài, tin tưởng rằng cuộc cách mạng bắt đầu từ trong nội tâm.

P.M. Một viễn kiến về sự vật như thế phải chăng hơi lý tưởng?

J.V. Có lẽ. Nhưng nếu tất cả những mục tiêu ấy không thể thực hiện được, thì chúng ta có nên mong mỏi tất cả mọi người bắt đầu làm việc theo chiều hướng đó? Ông có lẽ đã nhận thấy, trong khi nói chuyện, một số quan niệm rất ki-tô. Tuy nhiên phải đứng đắn phân biệt ý định cuối cùng của ước mơ cao thượng đó.

Ngoài ra, trừ khi chúng ta thích thấy nhân loại tự hủy diệt, bởi bom nguyên tử, hay những phương tiện khác, thì cũng không còn đường lối nào khác. Một việc ngày nay đã trở nên hiển nhiên: nếu muốn thay đổi xã hội, chúng ta phải bắt đầu thay đổi chính chúng ta. Chúng ta không thể chờ đợi các chính phủ để họ áp đặt những thay đổi cần thiết và thiết lập hòa bình: một mình họ, họ không bao giờ làm được. Hòa bình, chính mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm, tùy theo khả năng. Nhờ có Thời Đại Mới, và những thứ khác, những ý kiến đó bắt đầu được phát triển. Do đó mà chúng ta chứng kiến một sự thức tỉnh lương tâm mới, một ước mong toàn cầu thay đổi con tim, nhưng nếu chúng ta không để ý đến, thì thật đáng trách.

P.M. Còn giáo dục? Phong trào Thời Đại Mới đề nghị cái gì?

J.V. Họ bảo vệ một nền giáo dục mới. Họ bảo, điều quan trọng, không phải là vấn đề giảng dạy, mà là người nhận sự giảng dạy. Vấn đề không phải là học, nhưng là học cách học. Bởi vì khả năng trí óc của chúng ta thật kinh ngạc, và, chỉ vì một nền giáo dục sai lầm, đa số những khả năng ấy không được sử dụng. Hệ thống hiện hữu chú trọng vào sự kiện “đúng” chứ không vào sự “cởi mở”. Và vì thế mà người ta loại bỏ biết bao nhiêu trí thông minh!

Ông sẽ bảo, đó là những chuyện nhàm. Đã từ lâu người ta nghiên cứu về “giáo dục tích cực”. Đúng thế. Nhưng Thời Đại Mới tìm ra những lý luận mới trong những khám phá gần đây, theo đó một nửa đầu óc của con người thường bị bỏ hoang. Và họ đề nghị những phương pháp tâm lý mới để giúp cho mỗi người huy động được cái nửa đầu óc bị nghỉ việc. Nếu đúng như thế, con đường sẽ thực sự mở ra cho những tiến bộ vĩ đại, về phương diện giáo dục, cũng như, hơn nữa, cho tất cả đời sống nhân loại.

P.M. Thế cha có nghĩ rằng những Giáo hội ki-tô (Anh giáo, Ca-tô, Chính thống, Tin-lành) mà những đứa con Bảo Bình loan báo sự vỡ nợ sắp tới, có phải là ít ra cũng đã bị thời thế vượt qua.

J.V. Đúng vậy, những giáo hội ấy cũng hơi bị hụt hẫng (bất ngờ). Hãy nói đến Giáo hội Ca-tô. Kể từ đầu thế kỷ, và đặc biệt là kể từ Công đồng (Vatican II, 1962-65), Giáo hội đã tập trung mọi nỗ lực vào việc phổ biến Phúc âm mới cho một thế giới mới có lý trí, vô thần, chuộng vật chất. Nhưng mà hình như một thế giới mới ra đời, với một tốc độ T.Đ. to, thế giới này sùng đạo, nhưng vô thần! Một thách đố lớn cho Giáo hội. Kể từ nay Giáo hội phải sửa soạn để chống đỡ - hay đúng hơn là loan báo Tin Mừng - trên hai mặt trận. Và có lẽ mặt trận thứ hai, vấn đề tôn giáo mới, làm cho Giáo hội khó chịu nhất!

Đó là cách tiên đoán của tôi về thế kỷ XXI. Người ta sẽ rất sùng đạo, như Malraux đã loan báo, nhưng Thượng Đế của họ lại không bắt buộc phải là Jésus-Christ.

Có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến một sự va chạm hàng đầu, sự va chạm của hai nền văn hóa lớn, bắt nguồn từ hai thiên tài tôn giáo - tôi muốn nói đến đạo Ki-tô và đạo Phật, đến Chúa Jésus và Đức Phật. Đức Phật, Người khai sáng ra nhiều học thuyết lớn về tôn giáo, như sự tái sinh, sự phiếm thần (Panthéisme, Thượng Đế là tất cả và tất cả là Thượng Đế), mà chúng ta vừa nói tới, những vấn đề này làm cho tín đồ Thời đại Mới rất say mê. Và Chúa Jésus, Con một của Thượng Đế hình người và sáng tạo, đã cứu chúng ta một lần chót ra khỏi sự chết.

- Kết Luận. Chúng tôi nghĩ rằng việc trình bày về phong trào Thời Đại Mới ở Âu-châu cũng gọi là tạm đủ. Và xin kết thúc bằng một đoạn dịch ra tiếng Việt, kèm theo nguyên văn tiếng Anh và Pháp để quý độc giả có thêm dữ kiện thẩm định về tư tưởng của các nhà thần học, và suy nghĩ xem họ muốn nói gì:

“Con người có thể được hướng dẫn vào những bí mật của vũ trụ, của Thượng Đế hay chính mình bằng cách đi theo con đường thay đổi tâm linh. Mục đích sau cùng là ngộ đạo, một hình thức cao nhất của sự hiểu biết, tương đương với cứu rỗi. Nó bao gồm sự tìm tòi truyền thống triết học cổ nhất và cao nhất (được gọi một cách sai lầm là philosophia perennis) và tôn giáo (thần học nguyên thủy), một học thuyết bí mật nó là cái chìa khóa cho tất cả những truyền thống công khai mà mọi người có thể tới được. Những giảng dạy bí mật được trao truyền từ thày tới trò trong một chương trình giáo dục từ từ.

II.- PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI

2.1. Phật giáo là Triết học, hay Tôn giáo?

“Đừng tin vào kinh sách cổ viết bằng tay, đừng tin vào một điều mà dân tộc mình tin hay làm cho mình tin từ lúc nhỏ. Đối với tất cả mọi điều, đều phải áp dụng lý trí. Sau khi phân tích, nếu thấy những điều ấy tốt cho mọi người và cho mỗi người, thì hãy tin nó, sống cho nó và giúp cho người khác cùng sống như vậy”.

(Phật Thích Ca.- “Les Yogas Pratiques” par Swami Vivekananda, page 127)

Người ta thường hỏi, Phật Giáo là triết học hay tôn giáo. Chúng tôi nghĩ rằng Phật Giáo vừa là triết học vừa là tôn giáo.

2.1.1.- Triết Học. Chúng tôi xin trình bày tóm tắt hai vấn đề, “Hư Không” (Rỗng Không, Hư Vô, Chân Không) và “Liên Đới”.

2.1.1.1. “Hư Không” là một vấn đề triết học rất khó hiểu. Tại sao không lại sinh ra có. Tại sao “tôi” hiện hữu với một cái tên lại bảo là không có. Thông thường ra một cái gì chỉ có thể “hoặc có hoặc không có”, chứ không thể “vừa không có vừa không không có” (vừa không có, vừa có). Một ngày kia tôi được một sĩ quan đàn em đưa tới một quán cà-phê ở Pleiku, bên dòng suối, dưới gốc một cây. Mùi hoa bưởi tỏa ra trong không khí, làm cho tôi ngẩng đầu lên tìm hoa. Cây bưởi đang ra hoa, chưa có trái. Cây bưởi vừa không có trái vừa không không có trái. Cây bưởi chưa có trái, nhưng trái bưởi vẫn có trong bông hoa, chỉ chờ thời gian để sinh trái. Giống y như thế, trong que diêm vừa không có lửa vừa không không có lửa. Nếu không quẹt, thì không có lửa, lửa chỉ trong thế tiềm ẩn. Khi quẹt thì lửa xuất hiện. Lửa xuất hiện rồi tắt. Lửa tắt, lửa đi về đâu? Không ai biết, nhưng lửa vẫn còn. Cái gì đã có thì có mãi. Cái gì đã không có thì không bao giờ có. Parmenide đã có một câu nói thật hay:

Ce qui est est. Ce qui n’est pas n’est pas.

“Cái gì có có. Cái gì không có không có

Viết đến đây thì đã thấm mệt, nhưng chưa hết ý. Nghỉ viết để tìm thêm ý, tôi mở mạng lưới “Chuyển Luân” của Hoàng Nguyên Nhuận coi xem có bài gì hay để đọc, như một cách giải trí. Nhìn vào đề tài “Thiền Uyển Tập Anh” do thày Tuệ Sỹ viết, tôi tin chắc có những ý hay, mở ra đọc. Thì quả thật tôi đã nghĩ không sai. Mừng quá, đọc xong tim tôi rung động mạnh, không viết được nữa, tôi bước ra khỏi nhà đi vòng quanh nhà từ trước ra sau, để cho sự cảm động thấm dần vào thân, tâm. Rồi để đó, hôm sau tôi mới mở máy ra viết tiếp.

Không sinh ra có thật khó hiểu, suy nghĩ mãi, đọc mãi, cho đến khi đọc thêm cách giải thích của một số tác giả khác nữa tôi mới bắt đầu hiểu.

1.- Tuệ Sỹ. Bài viết của thày Tuệ Sỹ nhan đề “Về những minh họa từ Thiền Uyển Tập Anh” được mở đầu như sau:

“Kể từ khi được Ông Trần văn Giáp tình cờ phát hiện từ đống giấy vụn của một gánh hàng vụn phế thải, sau đó được công bố bởi trường Viễn đông Bác cổ, Thiền uyển tập anh trở thành tư liệu cơ sở cho các khảo cứu về lịch sử Phật giáo Việt nam từ khởi nguyên cho đến thế kỷ 13, cũng như các sinh hoạt chính trị, xã hội, tôn giáo nước ta trong suốt thời gian Bắc thuộc. Công trình của ông Trần Văn Giáp dựa trên tập sử Thiền này được thực hiện khá công phu, nhưng do thiếu nhiều tư liệu tham khảo, đối chiếu để xử lý văn bản, do đó ông đã không tránh khỏi một số sai lầm. Những sai lầm ấy được lặp lại trong hầu hết các quyển sử Phật giáo Việt nam tiếp theo sau ông.

“Trong năm 1973, Lê Mạnh Thát trong khi đi sưu khảo các tự viện ở miền Nam đã phát hiện thêm các dị bản của Thiền uyển tập anh. Y cứ trên các phát hiện mới, công tác xử lý văn bản được thực hiện với rất nhiều tư liệu liên hệ trong nền văn hiến đồ sộ của Phật giáo Trung quốc, cũng như trong kho tàng lịch sử Viêt nam, từ dã sử đến chính sử, những truyền kỳ. Một bản dịch tương đối hoàn chỉnh của Thiền uyển tập anh được công bố, cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng khả dĩ bổ sung, và đồng thời cải chính, những điều được ghi chép bởi các chính sử của Việt nam mà các tác giả của chúng phần lớn dựa trên những thông tin đầy thành kiến và xuyên tạc của sử liệu Trung quốc đối với sự hình thành ý thức dân tộc cũng như sự phát triển chính trị xã hội của nước ta. Bản dịch san định do Lê Mạnh Thát thực hiện này nhanh chóng trở thành văn bản cơ sở cho nhiều khảo cứu lịch sử theo sau nó. Một bản dịch Anh ngữ cũng đã được thực hiện bởi Cuong Tu Nguyên, Zen in Medieval Vietnam. A Study and translation of the Thiền Uyển Tập Anh, xuất bản năm 1997, bởi ban tu thư Viện Đại học Hawaii. Công trình nghiên cứu và dịch thuật này cũng thường xuyên tham chiếu bản dịch của Lê Mạnh Thát, như nhận xét của Giáo sư Philippe Langlet, trong phần thư mục của bản dịch Pháp mà chúng ta đang được giới thiệu hôm nay...

Thiền sư Khuông Việt (930-1011) trước khi chết có truyền lại một bài kệ:

Mộc trung nguyên hữu hỏa

Hữu hỏa hỏa hoàn sanh

Nhược vị mộc vô hỏa

Toàn toại hà do manh

Bản dịch Pháp của Philippe Langlet:

A l’origine, le feu est dans le bois.

Le feu original renait sans cesse.

S’il n’y a pas de feu dans le bois,

Comment pourrait-on en faire jaillir en le frottant?

Bản dịch ra tiếng Việt của chúng tôi

Trong cây vốn có lửa

Lửa gốc tái sinh không ngừng

Nếu trong cây không có lửa

Làm sao lửa bật ra khi cọ sát

Các tác giả của Un livre des moines Bouddhistes đang tìm vào các thơ văn của các Thiền sư đời Lý; không phải bằng những tư biện triết học, không phải bằng những tư duy siêu hình,

mà bằng ngôn ngữ hình ảnh, tìm kiếm và chìm lắng trong một thế giới tĩnh lặng, vô ngôn, ở đó thực tại tối hậu là khoảng chân không thăm thẳm: la vacuité fondamentale de toute chose et même de l’ultime réalité.Thực tại tối hậu là gì? Qu’est-ce que c’est? Đó là một câu hỏi rất thông thường trong giao tiếp hằng ngày; nhưng lại là câu hỏi muốn vén bức màn kỳ ảo của thời gian để nhìn sâu vào tính thể tồn tại. Vậy, yếu tính của tồn tại, của cái đang được ném ra đó, là cái gì? Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088) nói: Diệu tính hư vô bất khả phan. Yếu tính ấy, cái l’essence de l’être ấy, là cái trống không mà nhận thức không thể nắm bắt, mặc dù bản chất của ý thức là luôn luôn vươn đến nắm bắt đối tượng. Ở đây, Philippe Langlet không phiên giải diệu tính trong bài thơ của Ngộ Ấn như là yếu tính của tồn tại, mà hiểu nó là bản chất hay tự tính huyền nhiệm:

La mystérieuse nature du vide est inaccessible (Baûn chaát bí maät cuûa roãng khoâng khoâng theå hieåu ñöôïc).

La mystérieuse nature đó có thể một thiên nhiên kỳ diệu, được sáng tạo từ huyền nhiệm của Thượng đế; mà Thượng đế thì siêu việt mọi tạo vật: Dieu transcende toute créature (Catéchisme). Vậy, câu hỏi về thân phận con người được nêu lên từ tư duy chiêm nghiệm về bản tính huyền nhiệm này, như De Miscault đã dẫn từ Pascal: Qu’est-ce que l’homme dans la nature? Ta là ai, con người là cái gì, trong thể giới này, trong bản tính huyền nhiệm của tồn tại này? Câu hỏi xuất phát từ hai hướng Đông Tây bất đồng, như trong cảm hứng để thử trả lời, ta có thể tìm thấy sự đồng cảm giữa Ngộ Ấn và Pascal. Với Ngộ Ấn, con người không là gì cả, vì tự tính của nó không là gì cả. Hình ảnh của cái không là gì cả ấy là đóa hoa sen còn thắm đượm sương mai trong lò lửa đang rực cháy. Trống không, vô nghĩa, nhưng ngời sáng: tồn tại chỉ có thể chiêm nghiệm trong mối quan hệ biện chứng được kết cấu bằng những mâu thuẫn nội tại.

Trả lời của Pascal cũng âm vang đồng điệu. Ta không là gì cả. Tất cả mọi tạo vật đều từ hư vô mà ra, tồn tại bao la ngang tầm vô hạn: Toutes choses sont sorties du néant et portées jusqu’à l’infini. Con người là tồn tại vô thể, là hư vô nếu được nhìn từ vô hạn. Trong vô hạn, nó không là gì cả. Trong cái không là gì cả, nó là tất cả. Con người là một trung gian giữa không là gì cả và là tất cả: Un néant à l’égard de l’infini, un tout à l’égard du néant, un milieu entre rien et tout. Đồng điệu hay đồng cảm này cũng được chia sẻ bởi một Thiền sư khác: Từ Đạo Hạnh (?- 1117), được chuyển tải qua ngôn ngữ Pháp:

Existence. Le moindre grain de poussière existe.

Vide. Tout est vide.

Existence et vide, c’est comme la lune dans l’eau.

Ne vous attachez pas à l’existence ni à l’idée du vide.

Lời dịch của chúng tôi.

Hiện hữu. Một hạt bụi nhỏ nhoi hiện hữu

Rỗng không. Tất cả đều rỗng không

Hiện hữu và rỗng không, giống như trăng trong nước

Đừng quan tâm tới hiện hữu cũng nhu rỗng không

Tồn tại và không tồn tại, có và không, hữu thể và hư vô, chứa vô biên trong hạt cát, nắm vô hạn giữa lòng tay; thể tính hư vô bừng sáng thành hoa sen trong biển lửa; đó là những tư duy và phát biểu mang tính phản lý; đồng thời đó cũng là sử tính của một dân tộc được hiện tượng hóa trong chuỗi mâu thuẫn biện chứng của hiện thực lịch sử.

Một trường họp có thể dẫn ra ở đây là bài thơ của Không Lộ, và hình ảnh minh họa. Trong bài thơ này, ngôn ngữ Pháp đi rất gần với tiết nhịp của âm vận tiếng Việt, mặc dù dịch giả không cố diễn dịch nó theo tiết nhịp thơ của ngôn ngữ Pháp:

Trời xanh nước biếc muôn trùng

Một thôn xương khói, một vùng dâu đay

Ông chài ngủ tít ai lay,

Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền

Sur dix mille lieues le fleuve limpide, sur dix mille lieues le ciel.

Un village avec des mûriers, un village avec des fumées.

Le vieux pêcheur s’est endormi, personne ne l’appelle.

Passé midi il se réveille, la neige a rempli sa barque.

Toàn thể bài dịch Pháp còn phảng phất phong vận bình dị của đồng quê Việt nam cũng như sinh hoạt của nó. Trong khi đó, trong nguyên văn Hán của bài thơ, do âm luật nghiêm túc của Đường thi, mọi thứ trở nên trang trọng. Ngư ông trong nguyên văn Hán mang phong thái tiêu dao của một ẩn sĩ. Ngư ông trong bản dịch Pháp là một người dân quê trong cảnh đồng quê bận rộn nhưng an nhàn. Ngư ông trong minh họa mang dáng vẻ của một con người sinh họat trong xã hội văn minh công nghiệp đến từ phương Tây, đang vẩy tay chào đón hoặc tiễn đưa, đứng giữa lòng sông trong lớp bụi mờ ẩn hiện hình ảnh được minh họa từ câu thơ của Ngộ Ấn: liên phát lô trung thấp vị can, La fleur de lotus eclose dans un four est éternellement fraîche. Minh họa như thế là nối liền quá khứ với hiện tại, một quá khứ lịch sử đầy bi kịch đã hay đang đi vào quên lãng, với hiện tại của một xã hội đang biến chuyển để chào đón hoàng hôn rực rỡ của trời Tây, La Crépuscule de l’Occident (Spengler). Hình ảnh ngư ông trong minh họa tình cờ khiến chúng ta nhớ lại bóng dáng của Bùi Giáng đang đi giữa phố phường hoa lệ Saigon mà như đi giữa hoang tàn sa mạc, điên loạn trong cơn điên loạn siêu hình của Nietzsche. Thế rồi, trong phút tỉnh táo, nhà thơ của chúng ta bất chợt thốt lên những lời trầm thống, vang vọng ưu tư khoắc khoải lan dài trong lịch sử.

Đó là những lời mà Bùi Giáng đã viết cho René Char:

Voici la réponse que vous en donne le Viet nam: Weil (Simone Weil), c’est une de ces âmes assez rares qui sont venues en ce monde pour un temps bien bref, qui s’en sont allées brusquement, laissant derrière elles de regrets; des âmes qui se sont penchées sur la souffrance de siècles, qui nous ont apporté des promesses de fontaines sonores, qui nous ont parlé des peuples lointaines et de leur pulsation blessée, qui ont posé le problème des déshérités de l’Asie.

Hình ảnh một Simone Weil nhỏ thó, gầy mòn, một tâm hồn nhạy bén trước khốn cùng của những con người khốn khổ, một ý chí ngoan cường, bướng bỉnh của một cô giáo trẻ; hình ảnh ấy không chỉ là biểu tượng cho sự trổi dậy của tầng lớp yếu ớt trong bối cảnh xã hội hùng cường, phú thịnh của phương Tây; hình ảnh ấy một thời đã làm xao xuyến tuổi trẻ Viêt nam lớn lên giữa khói lửa, đang lắng nghe âm vang từ nhịp đập của trái tim mang chứng tích đầy thương tích của lịch sử văn minh, âm vang từ những suối nguồn xa xôi mang những ước nguyện nhân bản đến cho các dân tộc, đặt vấn đề cho những con người đang bị bứt lìa truyền thống.

Khi một tâm hồn bị bứt lìa truyền thống, nó như một con thuyền lơ lửng trôi xuôi theo định hướng mù khơi ngoài phương trời vô định; trôi ngang qua bà mẹ đang đứng sững quay lưng hờ hững với con thuyền, đang dõi mắt tìm vào bến bờ của quá khứ, của cây đa bến cũ, con đò năm xưa mà nay đã vắng, đã mất. Thế nhưng, trong thể tính uyên nguyên của dòng sông lịch sử, mảnh trăng treo từ trên đỉnh Lăng-già đang tỏa ánh sáng trầm tịch trong khoảng không vô tận, cho con thuyền định hướng ra biển khơi:

Pháp bổn như vô pháp,

Phi hữu diệc phi không

Nhược nhân tri thử pháp,

Chúng sanh dữ Phật đồng

Tịch tịch Lăng già nguyệt

Không không độ hải chu

Tri không không giác hữu

Tam muội nhiệm thông chu

Pháp vốn như không pháp

Chẳng có cũng chẳng không

Nếu người biết pháp ấy

Chúng sinh cùng Phật đồng.

Trăng Lăng già vằng vặc

Thuyền vượt biển lâng lâng

Hiểu không, không biết có

Tam muội mặc thong dong

Le monde sensible, au fond, c’est comme s’il n’y en avait pas

Ce n’est ni l’existence ni le néant

Si on saisit bien ce principe

On comprend que tous les vivants sont comme Bouddha.

Dans le grand calme du clair de lune sur la montagne de Lanka,

Devant le vide pour un bateau qui s’avance en pleine mer,

onnaissant le vide et sachant que l’existence sort du vide,

L’esprit affranchi des causes et des effets,

Concentré jusqu’à s’abimer dans le vide, disponible pour l’intuition,

devient capable de comprendre la réalité profonde

Minh họa này từ bài thơ của Tăng thống Huệ Sinh (?- 1076), thế hệ tiếp nối Thiền sư Vạn Hạnh, vốn là minh giải triết học cho vua Lý Thái Tông, ngẫu nhiên phản chiếu tâm tình lịch sử trải dài suốt gần mười thế kỷ, qua những minh họa mà chúng ta biết được cảm hứng một phần từ tín điều Catéchisme như được nói rõ trong bài giới thiệu do Dominique De Miscault. Suy nghĩ từ những dòng ngôn ngữ Pháp chuyển tải những tư duy uẩn khúc của tư tưởng, như những mặt gương khi mờ khi tỏ, phản chiếu mấy đoạn đường quanh co khi thăng khi trầm của lịch sử; chiêm quan những hình ảnh minh họa cấu hình bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại mà thể tính là những nguyên lý, những công thức cứng đọng, khô cằn của lý trí hướng ngoại và chinh phục; người đọc và người xem để cho tâm hồn mình di động bất thường giữa những cảm hứng ngẫu nhiên, hoặc trần thuật tiên cảm; từ đó quay nhìn lại những đoạn lịch sử đã qua, trải dài suốt trên hoặc dưởi mười thế kỷ; những lộ trình riêng biệt, với những định hướng và định mệnh khác biệt, ở hai phương trời cách biệt; những con đường lịch sử ấy có khi được thấy song song, có khi đối nghịch dẫn đến sông núi ngửa nghiêng, đảo lộn, áp bức, đọa đày, chiến tranh, giết chóc; có khi hòa quyện trong nỗi đau thương chung của thân phận con người. Nhưng dù ở bên này hải đảo, hay bên kia đại dương, mà trong cõi tịch mặc vô ngôn, trong thế giới mặc nhiên vô hạn, với những điều nói được và không nói được, những hình ảnh ký họa được hay không ký họa được, giữa người và người, giữa các dân tộc dị biệt, trong các truyền thống và văn minh tương phản, vẫn còn ẩn tàng trong tận đáy sâu, trong rung cảm đồng điệu của những trái tim nhân hậu. Chúng tôi muốn nói, từ những chuyển tải bằng ngôn ngữ Pháp thực hiện bởi Giáo sư Philippe Langlet, từ những minh họa bằng kỹ xảo của lý trí tư biện phương Tây bởi nghệ sĩ tạo hình Dominique De Miscault, chúng ta thử tìm lại dấu vết tâm tư của tiền nhân, thử nhìn lại chính mình từ đôi mắt của những người khác, để tự khẳng định chính mình trong những cơn loác thời đại. Xin cảm ơn các tác giả đã đến với chúng ta trong đồng cảm nhân loại, cùng chia sẻ những giá trị phổ quát giữa những truyền thống dị biệt.

Trong bài viết “Đọc Sách “Tuệ Sỹ” của Thượng Tọa Nguyên Siêu, đăng trên báo “Trúc Lâm” số 24, Phật lịch 2547, 2003 (Cũng có in lại trong “Tôn Giáo Đối Chiếu, Tập III”), chúng tôi có trích dẫn những nhận xét của chúng tôi về thày Tuệ Sỹ:

“Bình luận về “Tánh Không”, Tuệ Sỹ đã mở đầu bằng câu tiếng Đức của Martin Heidegger nhưng không dịch sang tiếng Việt, lời dịch là của chúng tôi:

Aus der Erfahrung des Denkens (Từ sự kết tinh của tư tưởng).

Nhưng Tánh Không luận là gì?

“Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh, và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn”. (Trang 66).

Xin đừng đọc lướt qua câu thơ này. Xin hãy ngưng lại đôi chút. Nó sẽ vẽ ra cho chúng ta hình ảnh của một cậu bé của ngày xưa xa lắm, ở cái ngày còn đi bắt chim đuổi bướm, có đôi mắt ngây thơ, long lanh sáng, đứng ngây ngất nhìn,

Con bướm trắng đậu trên cánh hoa, hai cánh khép mở “đu đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn”.

Tiếp tục bình luận về “Tánh Không”, trong bài II, Tuệ Sỹ đã đưa ra nhận xét của Parménide, “ce qui est est, ce qui n’est pas n’est pas” (trang 68), nhưng cũng không dịch sang tiếng Việt. Chúng tôi thấy hay, nên dịch và đưa vào sách của chúng tôi, “Tôn Giáo Đối Chiếu”, Tập IV, trang 2010:

“Cái gì có có, cái gì không có không có”. Cũng trong bài này, trang 67, Tuệ Sỹ mở đầu bằng câu tiếng Đức “Im Denken Wird jeglich (jedlich mới đúng) Ding einsam und langsam” của M. Heidegger, nhưng vẫn không dịch ngay sang tiếng Việt. Đọc mãi, đến cuối trang 68, chúng tôi mới thấy lời dịch trong câu kết luận (Trang 68): Vậy thì Tánh Không luận là gì? “Trong tư tưởng, mọi sự trở thành cô liêu và lững thững”.

Tánh Không Luận gồm bốn bài, bài bốn chấm dứt bằng lời nhận định của Ngài Long Thọ (Trang 71):

“Trong khi kinh này được truyền thuyết, một ngàn thế giới đều rung động”.

2.- Matthieu Ricard (M).- Khi Phật Giáo nói về “hư không” (rỗng không) của những hiện tượng, là nói rằng những hiện tượng “xuất hiện”, nhưng không phản ảnh một chút nào sự hiện hữu của những thực thể cố định. Khoa vật lý tân tiến cho chúng ta biết, tỉ dụ như một điện tử âm, có thể được coi như một hạt, hay một làn sóng, hai quan niệm hoàn toàn không hợp nhau theo nghĩa thông thường. Một vài hiện tượng hỗ tương tác dụng gây ra bởi những điện tử âm chỉ có thể giải thích được khi giả thuyết một điện tử âm cùng một lúc chui qua hai cái lỗ khác nhau. Theo Phật Giáo, những nguyên tử không thể được coi như những thực thể cố định, hiện hữu bởi một đường lối đặc biệt và nhất định; vậy thì, làm thế nào mà thế giới hiện tượng thô kệch, thế giới ấy làm thành bởi những hạt nguyên tử đó, lại có thể có một thực thể cố định? Tất cả những thứ đó góp sức vào để phá hủy quan niệm về sự vững chắc của các hiện tượng. Theo ý nghĩa đó mà Phật Giáo xác định bản chất tối hậu của những hiện tượng là hư không (rỗng không) và cái hư không đó mang trong nó một tiềm năng vô tận để biểu lộ. (Quand le bouddhisme parle de la “vacuité” des phénomènes, il dit que les phénomènes “apparaissent”, mais qu’ils ne reflètent nullement l’existence d’entités fixes. La physique moderne nous dit qu’un électron, par exemple, peut être considéré soit comme une particule, soit comme une onde, deux notions complètement incompatibles selon le sens commun. Certains phénomènes d’interférence causés par des électrons ne peuvent s’expliquer qu’en supposant qu’un électron passe au même instant par deux trous différents. Selon le bouddisme, les atomes ne peuvent être considérés comme des entités fixes, existant sous un mode unique et déterminé; par conséquent, comment le monde de la manifestation grossière, qui est censé ếtre composé de ces particules, aurait-il une réalité fixe? Tout cela contribute à détruire notre notion de solidité des apparences. C’est dans ce sens que le bouddhisme affirme que la nature ultime des phénomènes est vacuité et que cette vacuité porte en elle un potential infini de manifestations. “Le Moine et le Philosophe”, page 139).

Jean-Francois Revel (J.F.).- Những giả thuyết tiên đoán về bản chất và sự vô thường của vật chất đã do ai đặt ra?

M.- Do Đức Phật, rồi được thâu thập và bình luận trong nhiều sách bởi hai triết gia Phật tử lớn nhất, Nagarjuna (vào thế kỷ thứ II của thời đại Ki-tô) và Chandrakirti (vào thế kỷ VIII). Sự phân tích nguyên tử được trình bày như sau; Hãy quan sát một vật thô kệch, một cái bàn chẳng hạn. Nếu ta phân hóa những yếu tố của cái bàn, thì không còn gì là bàn. Đó là những chân bàn, mặt bàn, v.v. Tiếp theo, nếu ta làm thành mạt cưa, đến lượt những vật đó mất hết tự tính. Nếu bây giờ ta quan sát một mạt cưa, ta thấy những phân tử, rồi những nguyên tử – quan niệm về nguyên tử đã được thiết lập ở Á-châu từ thời của Démocrite (khoảng 400 năm trước công nguyên).

J.F.- Thực ra, quan niệm về nguyên tử đã xuất hiện trong triết học của Démocrite và Epicure. Nhưng không được trình bày khoa học bằng những lý thuyết khác của môn khoa học vật lý cổ xưa. Đó chỉ là những quan niệm của tâm.

M.- Và, thật là lạ lùng, chữ Hy-lạp “nguyên tử” có nghĩa là “không chia ra được”.

J.F.- Đúng thế. Cái nhân tối hậu không thể cắt ra làm hai.

M.- Phật Giáo cũng dùng một danh từ đó. Người ta nói đến những hạt “không có thành phần”, không thể phân chia ra được nữa. Đó là thành phần cốt lõi của vật chất. Bây giờ ta hãy quan sát một trong những hạt không thể phân chia ấy, được coi như một thực thể độc lập. Nó kết hợp với những hạt khác như thế nào để làm thành vật chất? Nếu những hạt đó chạm vào nhau, tỉ dụ như phía Tây của một hạt chạm vào phía Đông của một hạt khác. Nhưng nếu những hạt đó có phương hướng, nó lại có thể chia cắt được, và mất cái đặc tính “không thể chia cắt”. Nếu nó không có cạnh, không phương hướng, nó giống như một chấm toán học – không kích thước, không chiều dày, không thực chất. Nếu người ta tìm cách kết hợp hai hạt không kích thước, thì hoặc là nó không chạm nhau và không thể kết hợp được, hoặc là nó chạm nhau và, vì thế nhập làm một. Vậy thì, một trái núi những hạt không chia cắt được có thể tan ra thành một trong những hạt đó mà thôi! Kết luận, không thể có những hạt không thể chia cắt, đứt đoạn, có sự hiện hữu nội tại, và là thành phần của vật chất. Không những thế, nếu một nguyên tử có một khối, một kích thước, có điện, v.v. thì nó có đồng nhất với toàn thể những đặc tính của nó không? Nó có hiện hữu ngoài những đặc tính ấy không? Nguyên tử không đồng nhất với khối hay kích thước của nó. Nó cũng không là gì khác hơn là khối và kích thước của nó. Nguyên tử có một số những đặc tính, nhưng không là một đặc tính nào trong số đó. Nguyên tử như vậy chỉ là một khái niệm, một nhãn hiệu không bao gồm một thực thể hiện hữu một cách độc lập và tuyệt đối. Nó chỉ có một sự hiện hữu quy ước, tương đối.

(“Le Moine et le Philosophe”, page 140-41).

J.F.- Đối với Démocrite và Epicure, chúng ta thấy quan niệm những thành phần cốt yếu của vật chất, như là những sinh vật, là những nguyên tử, những nguyên tử này sắp xếp theo những đường lối khác nhau để làm thành những hiện tượng khác nhau mà chúng ta nhìn thấy dưới những hình thù khác nhau. Và những hình thù đó chỉ là những ảo ảnh do sự sắp đặt khác nhau của nguyên tử. Nhưng mà muốn giải thích những nguyên tử kết hợp ra sao, tại sao một số nguyên tử này lại kết hợp với những nguyên tử kia, những người của thời cổ đã chế tạo ra lý thuyết – dĩ nhiên là tưởng tượng – những nguyên tử “có móc”; Một số nguyên tử có những cái móc giúp cho nó kết hợp với những nguyên tử khác, và có những nguyên tử không có móc. Nhưng cuối cùng phải giải thích tại sao những nguyên tử lại kết hợp theo cách này hay cách khác để tạo thành một số hiện tượng.

M.- Người Phật tử sẽ bảo: “Nếu nó có móc, có những thành phần: cái đầu và cái chân của móc: sự không chia cắt có thể trở thành chia cắt được.” (Le bouddhiste dirait: “S’il y a des crochets, il y a des parties: l’extrémité et la base du crochet; votre indivisible peut donc être divisé).

J.F.- Ông ta có thể nói thế được. Nhưng dầu sao, ở giai đoạn này, ở Âu-châu cũng như Á-châu, chúng ta đã có những học thuyết lỗi lạc, nhưng siêu hình, chứ không phải vật lý. (Il peut le dire. De toute manière, à ce stade, en Occident comme en Orient, nous sommes devant des théories brillantes, mais métaphysiques, non physiques).

M.- Đúng thế, nhưng khi chứng minh không có những hạt không thể chia cắt, Phật Giáo không chủ trương tường trình về những hiện tượng vật lý, theo ý nghĩa của khoa học ngày nay; Phật Giáo tìm cách bẻ gẫy khái niệm “trí thức” về sự vững chắc của thế giới hiện tượng. Bởi vì chính khái niệm đó làm cho chúng ta bám chặt vào “cái tôi” và những hiện tượng, chính khái niệm đó là nguyên nhân của nước đôi, ta và người, hiện hữu và không hiện hữu, yêu và ghét, v.v. và là nguyên nhân của những thống khổ. Dù sao, thì Phật Giáo cũng tái hợp, một cách trí thức, với một vài quan điểm của vật lý hiện tại và sự đóng góp của Phật Giáo phải được ghi nhận trong lịch sử những tư tưởng. Tôi muốn tỉ dụ kể ra một trong những nhà vật lý vĩ đại của thời đại, Henri Margenau, giáo sư đại học Yale, ông đã viết: “Đến cuối thế kỷ XIX, người ta xác định rằng tất cả những tác dụng hỗ tương đều liên quan tới những vật vật chất. Ngày nay, nói chung, người ta không coi đó là sự thật. Người ta nghĩ rằng đúng hơn thì đó là những tác dụng hỗ tương của những từ trường, hay những sức mạnh khác mà đa số không phải vật chất”. Và Heisenberg đã nói: “Những nguyên tử không phải là vật.” Đối với Bertrand Russell: “Quan niệm cho rằng đó là một hòn bi nhỏ, một khối rắn chắc nhỏ của điện tử âm, là một sự xâm nhập bất hợp pháp của ý thức thông thường, do quan niệm sờ mó mà có”, và ông nói thêm: “Vật chất là một công thức tiện lợi để mô tả cái gì xảy ra, mà ở đó, thực ra không có vật chất, vậy thì, không có gì cả”. Ngoài ra, Sir James Jeans, trong sách Rede’s Lectures, còn bảo rằng “vũ trụ bắt đầu giống như một tư tưởng lớn thay vì một bộ máy lớn.”

3.1.1.1. Liên Đới.

“Ở tòa Nhà Trắng trong dịp làm lễ vào lúc hoàn thành “Dự Án Gien Của Người” cách đây hai năm, Tổng Thống Clinton ghi nhận rằng, “một trong những sự thật vĩ đại xuất hiện ra từ hành trình thành công bên trong gien của con người là đứng về mặt gien, tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giống nhau trên 99,9 phần trăm”.

Trịnh xuân Thuận có nói trong cuộc thảo luận với Matthieu Ricard (một nhà bác học người Pháp đi tu theo Phật giáo Tây-tạng) được in thành sách, “L’Infini Dans La Paume De La Main” (Không Gian Vô Cùng Trong Lòng Bàn Tay):

Liên đới của những hiện tượng = trách nhiệm toàn cầu. Một công thức thật đẹp! Nó dội lại những lời của Einstein, “Con người là một phần của tất cả mà chúng ta gọi là vũ trụ, một phần giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người làm thử nghiệm trên chính mình, tư tưởng mình và những cảm giác như là những biến cố tách rời khỏi phần còn lại, đó là một thứ ảo ảnh theo nhãn quan của tâm. Ảo ảnh này là một hình thức nhà tù của chúng ta, bởi vì nó giới hạn chúng ta vào những ham muốn cá nhân và ép buộc chúng ta dành sự yêu thương cho một vài người gần chúng ta nhất. Bổn phận của chúng ta là giải thoát chúng ta ra khỏi cái nhà tù ấy bằng cách nới rộng phạm vi từ bi cho tới mọi sinh vật và tất cả thiên nhiên trong cái đẹp của nó”.

Thiền sư Nhất Hạnh lập luận:

“Máu nuôi dưỡng các tế bào trong thân thể, nhưng tất cả các bộ phận được máu nuôi dưỡng đều góp phần vào việc bồi dưỡng máu (bộ máy tiêu hóa), hoặc lọc máu (gan, phổi), hoặc đẩy máu lưu thông (tim). Như thế là tất cả mọi bộ phận trong cơ thể đều nương vào nhau mà hiện hữu, tất cả đều thông thuộc vào nhau. Vì thế ta có thể nói, “máu cần cho phổi, nên máu là của phổi, phổi cần cho máu, nên phổi là của máu”. Cứ thế mà suy luận, ta sẽ thấy không có một bộ phận nào đứng riêng rẽ một mình, tất cả đều nương vào nhau mà tồn tại”.

Rồi kết luận:

“Mỗi tế bào trong cơ thể chứa đựng sự có mặt của toàn thể các tế bào trong cơ thể”. (T.Đ.M. II”, trang 322-23).

- Nhận định của chúng tôi. Ta sẽ hết nghi ngờ về sự liên hệ giữa các tế bào, nếu ta nhớ lại rằng con người hiện tại của ta gồm hàng trăm tỉ tế bào, bắt đầu hình thành bằng hai nửa tế bào âm dương. Khoa học cho chúng ta biết, mỗi một tế bào trong cơ thể có 46 nhiễm sắc thể (chromosomes), nhưng đặc biệt là trong vấn đề thụ thai, thì tế bào của cha và trứng của mẹ, mỗi tế bào ấy chỉ có 23. Hai nửa 23, một âm, một duơng, khi kết hợp thì người mẹ thụ thai. Trong hai nửa tế bào ấy đã có đủ chất liệu để cấu tạo ra tất cả các bộ phận trong cơ thể, như tim, gan, phổi, mắt, mũi. Những đặc tính, mắt nâu hay mắt xanh, tóc đen hay tóc vàng, thông minh hay ngu đần, v.v., tất cả đều hiện hữu trong tế bào đầu tiên. Nếu không có hai nửa tế bào đầu tiên ấy, thì hàng trăm tỉ tế bào làm nên thân xác ta hiện tại cũng không có. Như thế ta có thể nói, tế bào đầu tiên chứa đựng tất cả các tế bào của thân xác. Ta cũng có thể đọc ngược lại và nói, tất cả các tế bào của thân xác được chứa đựng trong tế bào đầu tiên. Suy luận như thế để đi đến kết luận:

Một là tất cả, và tất cả là một

Suy luận thêm nữa ta có thể nói, một người là tất cả, tất cả chỉ là một người. Tôi muốn hét to lên cho vang vọng bốn phương trời: Tôi đã tìm thấy,

“Tôi là tất cả. Tất cả là tôi”.

Thiền sư Nhất Hạnh cũng có nói về vấn đề đó, bằng một câu thơ:

“Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước

Và là con chim sơn ca mùa xuân về

trên sông đón bắt phù du”

Trước kia tôi đã không hiểu được nhận xét của Thiền sư Đạo Hạnh (đã có nói đến ở trên) đời Lý:

“Hạt bụi này không có, thì cả Vũ Trụ cũng không có”

Và những câu trong Kinh Hoa Nghiêm, mà Thiền sư Nhất Hạnh bảo là “Làm người đọc rụng rời chân tay, nếu người đó chưa có dịp tham khảo về nguyên lý trùng trùng duyên khởi”:

“Trong mỗi hạt bụi, tôi thấy vô số cảnh giới Phật, mỗi cảnh giới đều có các Đức Như Lai với hào quang quý báu”.

Matthieu Ricard nhận định: “Trong một bài thuyết pháp của Ngài, Đức Phật mô tả sự thật như là một chuỗi hạt trai: trong mỗi hạt trai, tất cả những hạt khác đều có in hình trong đó, kể cả cái lâu đài mà những hạt trai đó trang điểm ở mặt tiền và tất cả vũ trụ, Điều này có nghĩa là trong mỗi một yếu tố của sự thật, tất cả những yếu tố khác đều có mặt. Hình ảnh này giải nghĩa rõ ràng quan niệm liên đới theo đó không thể có, bất cứ ở nơi nào trên vũ trụ, một thực thể nào đứng riêng ra khỏi toàn thể”.

Bàn về sự liên hệ giữa vạn vật với nhau, Nhân tử Nguyễn văn Thọ có viết trong “Hoa Sen” số 12 ra ngày 15/12/91, trang 39:

Kinh Hoa Nghiêm đã mô tả cái tương dung, tương nhiếp của vạn vật, trong đó mỗi vật đều như tấm gương, vừa in hình trong các vật khác, và đồng thời cũng dung chứa tất cả các vật khác”.

Quan niệm của Hoa Nghiêm làm ta liên tưởng tới lời thơ của thi sĩ Francis Thompson:

“Thou cannot stir a flower

“Without troubling of a star

Lời dịch của chúng tôi:

“Ta không thể đụng tới bông hoa

“Mà không làm kinh động đến một vì sao

Lạ lùng thay, hai người ở hai nền văn hoá khác nhau, ở cách xa nhau, nhưng đều có những nhận định giống nhau:

Sogyal Rinpoche trong sách “the Tibetan Book of Days” có nói:

“Nếu chúng ta liên hệ tới mọi thứ và mọi người khác, thì một ý nghĩ, một việc làm, một hành động nhỏ nhoi nhất, vô nghĩa nhất, cũng đem lại hậu quả cho toàn thể vũ trụ”.

Xin mời quý vị so sánh những điều trên, với cuộc nói chuyện của hai anh em Bogdanoff với nhà triết học Ca-tô Jean Guitton, trích ra từ Paris Match, số ra ngày 12/12/1986, các trang 37, 38.

Jean Guitton.- Vâng, và chúng ta còn có thể đi xa hơn nữa, để thử tìm hiểu cái mà các nhà vật lý muốn nói tới khi họ xác nhận rằng “Tất cả”, hay “Một phần”, vẫn chỉ là một thứ. Tôi xin lấy một tỉ dụ đặc biệt, tỉ dụ về “Hologramme” (Hình nổi). Phần nhiều những người khi xem hình “holographique” (hình này được thực hiện bằng cách giọi một chùm tia sáng Laser qua tấm kính có in hình một khung cảnh nào đó) có cảm giác lạ lùng là được thấy hình đó có đủ cả ba chiều y như thực. Ta có thể di chuyển xung quanh hình ấy để quan sát dưới những góc độ khác nhau, như khi quan sát một hình thực. Chỉ khi đưa tay ra sờ thì mới thấy là không có gì. Nhưng nếu dùng một kính hiển vi mạnh để quan sát hình của một giọt nước holographique, chẳng hạn, thì bạn lại có thể nhìn thấy những sinh vật nhỏ ở trong giọt nước gốc.

Grichka Bogdanoff. Thế chưa phải là hết. Hình “holographique” còn có một đặc tính lạ lùng. Thử ví dụ tôi chụp hình tháp Eiffel. Nếu tôi xé âm bản của tấm ảnh ra làm hai, rồi lấy một nửa đem in ra ảnh, thì lẽ dĩ nhiên tôi chỉ có một nửa hình Eiffel. Nhưng có điều khác thường, là đối với hình “holographique” thì tất cả đều thay đổi. Điều này có vẻ thật lạ lùng, vì khi xé âm bản của hình “holographique” lấy một mảnh, rồi đem đặt xuống dưới đèn soi laser, thì ta thấy không phải một phần, mà là toàn thể tấm hình. Điều này chứng tỏ một cách kinh ngạc là không có sự phù hợp rõ rệt giữa những vùng (hay phần) của phong cảnh gốc với những vùng của tấm kính “holographique”, như trường hợp âm bản của một hình thông thường. Toàn thể phong cảnh đã được ghi nhận khắp nơi trên tấm kính “holographique” thành ra mỗi phần của “các phần” của tấm kính phản chiếu lại tất cả. Đối với nhà vật lý David Bohm, hình “holographique” tương đồng một cách rõ rệt với thứ tự toàn cầu và không chia cắt được của vũ trụ. Việc gì đã xảy ra trên tấm kính “holographique” để phát sinh ra hậu quả là mỗi một “phần” cũng là toàn phần? Theo Bohm, thật ra, đó chỉ là một bản sao chính xác của một cái gì xảy ra trên một bình diện vô cùng lớn hơn trong mỗi một phần của không gian xuyên qua toàn thể vũ trụ.

Igor Bogdanoff. Mỗi một phần của không gian dù bé nhỏ đến thế nào đi nữa (xuống tới một quang tử đơn thuần, nó cũng là một luồng sóng, hay một “bó sóng”) cũng chứa đựng trong nó, giống như mỗi một phần của tấm kính ảnh “holographique”, hình ảnh của tất cả không gian, với toàn thể quá khứ và những chi tiết của tương lai.

Dù sao đi nữa, thì cũng do đó mà chúng ta đi tới nguyên tắc đầu tiên về một Vũ Trụ không đứt quãng, được sắp đặt như hình “holographique”: mỗi một vật phản ảnh tất cả những cái khác. Tách cà phê ở trên bàn, quần áo mà ta mặc, bức tranh treo trên tường, tất cả những vật mà xưa nay ta vẫn coi như là thành phần, đều mang trong lòng nó tất cả những cái khác. Từ nhận định đó, ta có thể nói, chúng ta cầm không gian vô cùng trong lòng bàn tay.

Thật là lạ lùng, nhà thơ William Blake cũng có một nhận định y như thế. (Trích dẫn tài liệu của Nhân tử Nguyễn văn Thọ vừa nêu trên):

“To see a world in a grain of sand

And a heaven in a wild flower,

Hold infinity in the palm of hand,

And eternity in a hour”.

Bản dịch của chúng tôi:

“Nhìn thấy vũ trụ trong một hạt cát

Và đất trời trong một bông hoa dại

Cầm không gian vô cùng trong lòng bàn tay

Và thời gian vô tận trong một giờ”.

Bản dịch của Nhân tử Nguyễn văn Thọ:

“Giữa lòng hạt cát nhỏ nhoi,

Ta đã thấy đủ đất trời muôn phương,

Từ lòng hoa dại bên đường

Trời mây cũng đã hiển dương muôn phần

Tay ta nắm trọn vô biên

Vô cùng lắng đọng trong nguyên một giờ”.

Để tiện so sánh chúng tôi xin viết lại nhận định của Phật Giáo với anh em Bogdanoff.

a) Phật Giáo:

- Trong mỗi hạt bụi, tôi thấy vô số cảnh giới Phật, mỗi cảnh giới đều có các Đức Như Lai với hào quang quý báu”.

- Mỗi vật đều như tấm gương, vừa in hình các vật khác, và đồng thời cũng dung chứa tất cả các vật khác.

b) Bogdanoff:

- Mỗi một phần của không gian dù bé nhỏ đến thế nào đi nữa (xuống tới một quang tử đơn thuần, nó cũng là một luồng sóng, hay một “bó sóng”) cũng chứa đựng trong nó, giống như mỗi một phần của tấm kính ảnh “holographique”, hình ảnh của tất cả không gian, với toàn thể quá khứ và những chi tiết của tương lai.

- Mỗi một vật phản ảnh tất cả những cái khác. Tách cà phê ở trên bàn, quần áo mà ta mặc, bức tranh treo trên tường, tất cả những vật mà xưa nay ta vẫn coi như là thành phần, đều mang trong lòng nó tất cả những cái khác.

Qua phần trình bày trên, một điều nổi bật lên rõ rệt, nhà Bác học vật lý David Bohm xác nhận điều mà Phật Giáo đã nói tới cách đây trên 2000 năm:

“Một là tất cả, Tất cả là một”

2.1.2. Tôn Giáo.

As Buddha said:

What we are is what you have done, what you will be is what you do now”. (The Tibetan Book of Days, by Sogyal Rinpoche).

Đức Phật có nói:

“Con người của chúng ta hôm nay là những điều chúng ta đã làm, con người của chúng ta ngày mai là những điều chúng ta làm bây giờ.: ”

(Có ghi trong T.G.Đ.C. Tập I”, ở những trang mở đầu).

Những vấn đề được trình bày sau đây, “Tái Sinh” và “Nhân Quả” đều thuộc lãnh vực tôn giáo.

2.1.2.1. Tái Sinh. Trong lời dạy trên chúng ta có thể nhận thấy, chết không phải là hết, mà còn có thể tái sinh. Tái sinh là một vấn đề siêu hình, có đặc tính tôn giáo. Sự “Tái Sinh” được Tuần báo “L’Express” số 2378 ra ngày 30, 1, 97 loan tin như sau (trích ra từ sách “Thời Đại Mới II”, trang 342 và kế tiếp):

“Tái sinh” theo như lời linh mục Jean Vernette, “Người ta không thể tin vào tái sinh và vẫn còn là ki-tô”. (On ne peut pas croire à la réincarnation et rester chrétien). Lo sợ tín đồ tin vào “tái sinh” và không còn là ki-tô, linh mục Jean Vernette, như được trình bày ở trên, đã phải lên tiếng chống đối, nhưng thật oái oăm, ở Âu-châu nhiều người lại tin vào tái sinh, và chính vì thế mà báo “L’Express” cho rằng đạo Ki-tô bị giải thể:

“Tái sinh ở Âu Châu. Sự tái sinh hợp thời, khêu gợi sự hiếu kỳ, vui nhộn, và bán chạy. Nhưng người ta có thực sự tin không? Thưa có! Một cuộc điều tra mới đây, của các nhà xã hội ở Âu- châu và Hoa Kỳ, cho thấy tôn giáo mới ấy từ Đông Phương gây ra truyền nhiễm và lan rộng trong những nước Ki-tô bị giải thể của chúng ta”. (Trích ra từ “John Paul II”, trang 232)

Tờ “L’Express” nêu trên cho biết “một người Pháp trên bốn tin vào thuyết đó.”

Sau đây là ý kiến của một số người:

a) “Người của thời Trung Cổ tin rằng họ sẽ phải ra trước tòa án của Thượng Đế, Thượng Đế sẽ quyết định cho anh ta lên Thiên Đàng, đày xuống hỏa ngục hay đưa vào nơi luyện tội. Người thời bây giờ tin rằng chính anh ta sẽ xét đoán anh ta và tự do lựa chọn đời sống mai sau.”

b) Laurent, 31 tuổi, với nhiệm vụ làm quảng cáo cho một công ty buôn bán thực phẩm miền Isère giải thích rằng, cái làm cho tôi tin vào tái sinh, là quan niệm về sự công bằng ở trong đó. Sự tái sinh của chúng ta tùy thuộc vào những kiếp trước. Nếu chúng ta làm nhiều việc xấu, chúng ta đương nhiên tái sinh vào một hoàn cảnh khó khăn. Ngược lại, nếu chúng ta làm điều thiện, chúng ta sẽ có một đời sống kiếp sau phát đạt và sung sướng. Không theo một tôn giáo nào, tôi tin thế, và đó là cách giải thích hợp lý nhất mà tôi thấy để cắt nghĩa những chênh lệch căn bản có sẵn từ lúc sinh ra giữa những con người.”

c) Sophie, 39 tuổi, một người mẹ trong gia đình, cũng nghĩ y như thế khi nhấn mạnh tới vấn đề trách nhiệm. Người đàn bà tỉnh Toulouse rất ”thời đại mới”, tín đồ của sự phát triển cá nhân, những môn thuốc dịu (cũng như đa số những người chúng tôi đã gặp trong cuộc điều tra này), và chiêm tinh, giải thích rằng “đã từ lâu tôi rất giận cha mẹ tôi. Tôi đã theo phương pháp chữa bệnh tâm thần, nhưng việc này chỉ làm gia tăng sự tức giận. Cho đến khi bắt đầu thực sự tin vào tái sinh tôi mới có thể tha thứ cho cha mẹ tôi. Tôi đã hiểu rằng, tôi chịu trách nhiệm về những đau khổ của tôi và tôi đã tự ý lựa chọn sinh vào trong gia đình đó căn cứ theo những việc làm đã qua của tôi.”

Cũng số báo L’Express nêu trên cho biết 21% người Âu Châu tin vào tái sinh, với những chi tiết như sau:

Ba-lan dẫn đầu với 32%, Anh và Pháp 24%. Đức 19%, Thụy Điển 17% và Bỉ 13%, Tiệp đứng sau cùng với 9%.

Theo như Kinh Thánh Ca-tô Rô-ma, những người chết đưọc chia thành ba loại, có người được lên thiên đàng, người bị đày vào hỏa ngục, người vào nơi luyện tội. Không có những hồn ma đi lang thang như niềm tin của một số tôn giáo khác, trong đó có Phật Giáo. Bản tin sau đây của U.S. News & World Report, số ra ngày 3 tháng 12/1990 cho thấy không phải thế, (trích ra từ sách “Thời Đại Mới I” trang 366-67, và “Thời Đại Mới II” trang 281-82):

Bản dịch. “Hai tháng trước đây, không xa cái thành phố nhỏ này (Kanchanaburi) của Thái-lan ở gần biên thùy Miến-điện, ma hiện về. Tình hình trở nên, trong một thời gian, quá tồi tệ đến nỗi Sompong Chorenchai, một chủ tiệm sửa xe, 41 tuổi, không ngủ được trong nhiều đêm; anh ta bảo ma hiện lên trong những giấc mơ của anh, những hồn ma ấy yêu cầu anh giải thoát cho họ khỏi sự khổ đau. Nhưng, vào cuối tuần trước, khi những người đào đất tìm thấy xác của hơn 400 người trong một mồ chôn tập thể ở ngoại ô thành phố, thì những giấc mơ của Sompong cũng hết đi một cách bất ngờ như khi nó bắt đầu.

Một vài xác bị trói bằng dây kẽm gai, và các nhà chức trách bảo rằng, tất cả những người đó đều là nạn nhân của “Death Railway” (cái chết ở đường xe lửa) nổi tiếng dã man. Trong 18 tháng, hồi Thế Chiến II, quân đội Nhật đã dùng 60.000 tù binh Đồng Minh và 180.000 dân Á-châu, như những nhân công nô lệ để xây cất một đường xe lửa, băng qua khu rừng dậm nhất Á-châu, nối liền Bangkok với Thủ Đô Rangoon của Miến-điện... Tính tới tháng 10/1943, khi 230 mai (mile) đường xe lửa hoàn tất, đã có hơn 16.000 người phải bỏ mạng. Bài tính toán học đưa ra một con số rùng rợn, cứ một mai đường sắt, thì có 70 người chết. David Lean, một người Anh, giám đốc phim, về sau này đã làm cho “Death Railway” trở nên bất tử trong một câu chuyện dài bằng thơ, năm 1957, “Chiếc cầu trên sông Kwai”

Câu trả lời hay không trả lời về linh hồn có thể tìm thấy trong nhận định của Swami Vivekananda và của Đức Phật:

- Swami Vivekananda (1863-1902): “Từ một tế bào đơn thấp nhất cho đến con người hoàn toàn nhất, thực ra chỉ có một đời sống. Giống như trong một đời sống có rất nhiều giai đoạn biểu lộ khác nhau, từ một tế bào đơn tới một ông già, hay từ tế bào đơn cho tới người hoàn hảo nhất, chỉ có một đời sống độc nhất và liên tục, một sợi dây xích không đứt quãng. Đó là tiến hóa; nhưng chúng ta đã thấy rằng cứ mỗi một tiến hóa đều phải có một thoái hóa. Tất cả sự sống ấy biểu hiện từ từ, phát triển từ tế bào đơn cho đến con người hoàn toàn, cho đến sự xuất hiện của Thượng Đế trên quả địa cầu, tất cả cái chuỗi đó chỉ là một sự sống, và tất cả những sự biểu hiện đó đều đã phải thoái hóa trong chính cái tế bào đơn ấy. Toàn thể đời sống ấy, và cả sự xuất hiện của Thượng Đế, đều đã thoái hóa trong tế bào đó, rồi xuất hiện ra từ từ, biểu lộ ra từ từ, từ từ, từ từ. Sự biểu lộ cao nhất phải có sẵn trong hạt giống, dưới một hình thức rất nhỏ; vậy thì cái sức mạnh độc nhất, cái dây xích toàn thể, là sự thoái hóa của đời sống vũ trụ hiện diện ở mọi nơi. Chính cái khối thông minh độc nhất ấy, từ tế bào đơn cho đến người hoàn hảo nhất, đã xuất hiện và phát triển từ từ, từ từ. Không phải nó lớn lên. Hãy gạt bỏ mọi quan niệm về sự lớn mạnh. Quan niệm lớn lên làm cho ta nghĩ đến một cái gì đến từ bên ngòai, một cái gì xa lạ, điều này phản lại một sự thật mà theo đó Vô Cùng, hiện hữu trong mọi sự sống, độc lập với tất cả mọi điều kiện bên ngoài. Nó không bao giờ lớn lên; nó vẫn có ở đó, và chỉ biểu lộ ra thôi. - (Trích ra từ sách “Tôn Giáo Đối Chiếu, Tạp I”” trang 426-27):

- Đức Phật. Sau đây là một câu chuyện mà tôi nhớ đại cương, không đúng hẳn nguyên văn, vì không tìm ra tài liệu.

Có một người hỏi Đức Phật về kiếp sau, và bảo nếu không được trả lời thích đáng, thì sẽ bỏ Phật. Đức Phật kể một câu chuyện: “Có người bị bắn bằng một mũi tên tẩm thuốc độc. Nếu phải cho anh ta biết, lý do vì sao mà bắn, mũi tên thuộc loại gỗ hay tre gì, tẩm loại thuốc độc nào, anh ta mới để cho chữa, thì anh ta có thể chết, trước khi những thắc mắc được trả lời đầy đủ. Đời sống có nhiều khổ đau, vậy điều quan trọng là tìm cách diệt khổ, chứ không phải giải thích về đời sau”. Đức Phật cũng có hỏi đệ tử, “Nắm lá trong tay ta nhiều, hay lá cây trong rừng nhiều, và nói tiếp theo sau. Những điều ta biết nhiều như lá cây trong rừng, nhưng những điều ta giảng dạy chỉ như nắm lá trong tay”. Rất có thể Đức Phật biết về đời sống kiếp sau, về tái sinh, linh hồn..., nhưng Đức Phật không nói, vì có nói thì nhiều người cũng không hiểu, mà chỉ có thể tin.

2.1.2.2. Nhân Quả.

Ở trên trời, trong hang núi, dưới đáy biển, không có nơi nào con người có thể tìm được nơi trú ẩn để tránh hậu quả những việc làm xấu của mình.

Kinh Phật

Lời dạy trên đây gọi tóm tắt là luật “nhân quả”. Luật “nhân quả” hợp với lý trí, và khoa học. Không một thứ lý luận nào, không một thứ khoa học nào có thể bác bỏ. Nhân và quả theo nhau như hình với bóng. Trồng cam thì hái cam. Trồng chanh thì hái chanh. Trồng cỏ thì có cỏ.

2.2. Phật Giáo và Môi Sinh.

“Nếu chúng ta liên hệ tới mọi thứ và mọi người khác, thì một ý nghĩ, một việc làm, một hành động nhỏ nhoi nhất, vô nghĩa nhất, cũng đem lại hậu quả cho toàn thể vũ trụ”. (Sogyal Rinpoche).

Con người và vũ trụ có liên hệ mật thiết với nhau. Báo U.S. News & World Report số ra ngày 31/10/88 có đưa ra một nhận xét như sau:

Những nguyên tử than trong răng của bạn có thể, trong những thời gian khác nhau ở một quá khứ xa xôi, nằm sâu trong những viên đá chảy lỏng (vì bị đốt nóng) bên trong lòng đất, hoặc là trôi nổi trên thượng tầng không khí, hoặc là thành phần của bộ xương một loại động vật cổ xưa. (Trích ra từ “Yoga”, trang 95).

Đất nuôi sống con người và vạn vật, nên được gọi là Đất Mẹ. Nhưng một số người không biết ơn đất, họ rải hóa chất lên đất, thử bom ngyên tử trong lòng đất, cho đến một ngày, nếu con người cứ vô ơn mãi với đất, đất trở thành vô sinh, và con người bị tiêu điệt. Không khí mà ta thở cũng vậy liên quan tới sức khoẻ của chúng ta.

Khi sang định cư ở Mỹ, tôi có dạy Hatha Yoga và Raja Yoga cho người Mỹ lớn tuổi, ở Bowie, Md. trong 5 năm từ 1975 cho đến 1980. Trong một buổi tập, tôi có hỏi họ:

“Tại sao chúng ta phải bảo vệ môi sinh”?

Rồi trả lời:

“Nếu chúng ta làm ô nhiễm không khí thì chúng ta lại hít cái không khí ô nhiễm ấy vào trong phổi. Con người là những môi sinh sống động, nếu chúng ta làm hại người khác, thì cái hại sẽ trở lại với chúng ta”

Cái không khí ô nhiễm ấy cứ tồn tại mãi, không mất đi đâu cả. Trịnh Xuân Thuận, nhà khoa học Việt Nam có nói: “Chúng ta còn hít vào hôm nay từng triệu những hạt nhân nguyên tử tan ra thành khói khi bà Jeanne d’Arc bị hỏa thiêu năm 1431, và một vài phân tử hơi thở của Jules Cesar”. (T.G.Đ.C”. Tập I, trang 355).

Nếu chúng ta phá hủy tầng “ozone” che chở cho chúng ta khỏi “tia sáng cực tím”, thì chúng ta dễ bị ung thư da. Sẽ bị cấm cung, không ra được bên ngoài, nhìn ánh sáng mặt trời.

Con người mà chúng ta hãnh diện trong thực tế không có gì đáng kể:

“Con người chỉ là một hạt cát ở bờ biển mênh mông của vũ trụ. Con người cũng bé lại trong thời gian. Trong một quyển lịch mà mười lăm tỉ năm của vũ trụ tính là một năm, con người văn minh chỉ xuất hiện vào ngày 31 tháng 12, lúc 23 giờ 59 phút”.

“Tỉ dụ độc đáo nhất là về tỷ trọng của vũ trụ vào lúc bắt đầu (vào thời của Planck): Nó phải được điều chính với một sự chính xác ở mức độ số 10-(60). Nói một cách khác, nếu người ta thay một số sau sáu muơi số không, vũ trụ sẽ vô sinh: sẽ không có sự sống, không có tâm, anh cũng như tôi không có mặt ở đây để thảo luận về vấn đề này”.

Môi sinh là một vấn đề quan tâm của toàn thể loài người, bây giờ người ta không còn có thể nói, “Tôi làm ô nhiễm môi sinh ở nước tôi, kệ tôi”. Những bụi phóng xạ của nhà máy nguyên tử Chernobyl bên Nga bị nổ năm 1986 không chỉ ở lại nước Nga, nó bay ra khắp nơi trên thế giới.

Biết rằng con người chỉ sinh ra trong một môi trường thích hợp, nên những người của thế giới văn minh đã đi trước người Việt Nam chúng ta, trong vấn đề bảo vệ môi sinh. Họ lập ra đảng chính trị xanh để bảo vệ môi sinh. Những người này tôn trọng môi sinh, tôn trọng Đất, gọi Đất là Đất Mẹ.

Viết về môi sinh, nhưng không nói gì đến tầm quan trọng của môi sinh đối với đời sống con người, mà viết chỉ để chê bai Thời Đại Mới và bảo vệ Thượng Đế của Kinh Thánh, cho rằng “con người là một sự sáng tạo”, ám chỉ rằng Thượng Đế sáng tạo ra con người và toàn thể vũ trụ, một vấn đề đã bị các triết và khoa học gia bác bỏ. Cũng may mà Eugen Drewermann, một nhà thần học của Giáo hội Ca-tô, lại tỏ ra biết điều hơn. Ông bảo (trích ra từ bài “L’homme qui fait trembler Rome”, sách “Phá Ngục Tù” của tác giả, trang 338):

“Mỗi một cái cây mà ta giết, là một thi sĩ mà ta ám sát”.

Cây với người là bạn, không cây đất trở thành sa mạc, con người sẽ không sống được. Chúng tôi cũng đã viết trong sách “Yoga” ấn bản 1993, trang 93:

“Trong loài cây, ta bắt đầu thấy ý thức và phản ứng của sự sống. Lấy dao cắt ra một miếng vỏ cây, thì thân cây chảy mủ để hàn lại vết thương, nó phản ứng y như khi ta đứt tay. Khi một cành cây ăn trái bị gẫy vì trái quá lớn, nếu cứ để yên không cắt bỏ, thì ít lâu sau chỗ gẫy liền lại, y như tay gẫy được nối liền sau một thời gian bó bột. Còn về ý thức, thì rễ cây linh cảm thấy chỗ nào có nước để mọc rễ tới đó mà hút nước, và biết vươn mình lên đón ánh sáng mặt trời”.

Mới đây chúng tôi lại có thêm nhận xét về ý thức của loài cây. Nhà tôi làm phân bón bằng những loại rau, vỏ cam, vỏ bưởi, mà chúng tôi loại ra. Tất cả bỏ vào một cái thùng, có lỗ thủng ở đáy, để nước thoát đi không đọng lại. Một năm sau, khi nào những chất phế thải ấy tan rã trở thành phân bón, thì tôi phụ với nhà tôi, lấy ra để bón cây. Cách đây mấy ngày, khi lấy bay xúc phân ra để bón cây, đến khoảng nửa thùng còn lại, tôi đào vào những rễ cây. Dày đặc những rễ cây. Tôi nghi là rễ cây bơ mọc cách xa đó khoảng 10 thước. Lấy hết phân bón, nhấc thùng ra, thì đúng là rễ cây bơ. Chỉ có một cái lỗ thủng, mà rễ cây bơ cũng biết chui vào để lấy thức ăn. Cây bơ như vậy biết là chỗ đó có thức ăn tốt, nên mọc rễ vào, rồi rễ phát triển ra ở đó. Phân ở chỗ đó không còn tốt, cạn hết màu mỡ.

Swami Vivekananda, dưới mục “Tái sinh”, có nói, “Từ một tế bào đơn thấp nhất cho đến con người hoàn toàn nhất, thực ra chỉ có một đời sống”.

Lama Anagarika Govinda cũng cho rằng từ loài khoáng chất cho đến con người có một sự sống liên tục (Trích ra từ “Yoga”, trang 504):

“Từ loài khoáng chất, tôi chết đi và trở thành cây

Từ cây tôi chết đi và trở thành sinh vật

Từ sinh vật tôi chết đi và khoác chiếc áo người

Mỗi lần chết đi tôi có bé nhỏ hơn đâu?”

Người ta đã hỏi, “Chó có Phật tính không?” Tôi xin được phép hỏi, “Cây có linh hồn không?” Với những nhận định của Swami Vivekananda và Lama Anagarika Govinda, câu trả lời của tôi là có.

2.3. Phật Giáo và Tâm.

Sau đây là nhận định của chúng tôi về “tâm” đã được trình bày trong bài “Tâm Bình Thế Giới Bình” (“Tôn Giáo Đối Chiếu, Tập I”, trang 521-22):

“Vũ trụ mà chúng ta đang sống do Tâm tạo. Hay nói một cách khác Tâm của chúng ta được tạo ra để nhận định một Vũ Trụ y như thế. Chúng ta nhận định Vũ Trụ bằng năm giác quan, và sự suy tư. Mắt của chúng ta được cấu tạo để nhận xét ánh sáng, và màu sắc. Tai để nghe âm thanh.… Vì thế sự hiểu biết về Vũ Trụ của chúng ta chỉ giới hạn trong vòng năm giác quan. Khoa học đã chứng minh, có những tiếng động mà giống vật, như chó, nghe thấy, nhưng chúng ta không nghe thấy. Trong không gian có rất nhiều luồng sóng, nhưng vì không cùng một nhịp sóng, nên chúng ta không biết. Nhờ có Radio hay TV chúng ta bắt được luồng sóng âm thanh và hình ảnh. Như thế thì không nghe hay trông thấy không chứng tỏ rằng tiếng động ấy, hình ảnh ấy không có, mà chỉ chứng tỏ được rằng chúng ta không biết mà thôi. Tỉ dụ như loài trâu, bò, chúng không biết đến súng đạn, tàu bay, tàu bò, chiến tranh mà ở đó người ta bắn giết nhau như điên, nhưng chúng không biết không có nghĩa là các thứ đó không có.

Suy luận thêm ta có thể nghĩ, ngoài Vũ Trụ của năm giác quan còn có những Vũ Trụ khác nữa mà chúng ta không biết, vì sự hiểu biết của chúng ta bị giới hạn vào ngũ giác quan. Cũng vì bị giới hạn, nên con người sẽ không bao giờ hiểu biết được những bí mật của Vũ Trụ bằng suy luận, bằng ngũ giác quan, dù cho mai sau khoa học có tiến bộ đến mức nào đi nữa. Không những thế, sự hiểu biết do giác quan đem lại nhiều khi không chính xác. Những người đi trên sa mạc thường kể rằng, họ nhìn thấy ở phía xa những vũng nước có cây soi bóng, nhưng khi lại gần để kiếm nước uống, thì không thấy gì. Đó là hiện tượng gọi là ảo ảnh. Ảo ảnh sa mạc cũng không khác gì ảo ảnh “Trạm Lớn Cuối Đường ở Nữu Ước” (Xin coi thêm chi tiết trang 214, sách đã dẫn). Vậy trong những hiện tượng mà chúng ta thấy trong Vũ Trụ, cái nào là thật, cái nào là ảo ảnh, chúng ta không thể biết chắc”.

Chúng ta tin vào khoa học, cứ tưởng rằng dần dà các nhà khoa học sẽ khám phá ra những bí mật của vũ trụ. Nhưng đó chỉ là mơ ước hão không thôi!

Các nhà khoa học mất công tìm kiếm vô ích một hành tinh khác với hy vọng tìm thấy sự sống, y như ở trái đất. Vũ trụ ấy nếu có sự sống, nhưng với những giác quan khác chúng ta, thì không có cách nào chúng ta khám phá ra được. Một cao vọng thật viển vông, vì họ chưa biết rõ cái thế giới mà họ đang sống.

Những điều mà nhà khoa học này coi như là sự thật, và được nhiều người tin, một thời gian sau đã bị nhà khoa học khác bác bỏ (“T.G.Đ.C. I”, trang 536-37):

- “Vật lý hiện đại đã bỏ qua thời gian tuyệt đối và toàn vũ của Newton để đi tới thời gian tương đối và uyển chuyển của Einstein”.

- “Đối với Gabriele Vaneziano, nổ lớn không phải là khởi đầu của vũ trụ, mà chỉ giản dị là một khúc quanh trong lịch sử của nó”.

- “Những cố gắng của các nhà vật lý để duy trì vài biểu tượng cổ điển [tỉ dụ như biểu tượng của những vật vật chất tự nó hiện hữu và có những đặïc tính nội tại] đương nhiên vấp phải những khó khăn khi họ phải đem nó đối chiếu với những hiện tượng mà chính những khám phá của họ làm cho hiển nhiên”.

Trong quyển “Vũ Trụ và Bác Học Einstein” (The Universe and Doctor Einstein, tác giả Lincoln Barnett), có đoạn được chúng tôi trích dịch ra như sau:

“Dần dần các nhà Triết Học và Khoa Học đã đi đến một kết luận bất ngờ, là nếu sự vật chỉ gồm những đặc tính, và khi những đặc tính ấy chỉ có ở trong trí não, thì tất cả cái Vũ Trụ khách quan gồm vật chất, năng lực, nguyên tử, ngôi sao, đều không có thực, mà chỉ là sự cấu tạo của ý thức, hay là những biểu tượng tao ra bởi giác quan con người.”

Một số triết và khoa học gia đã đặt ra câu hỏi: Nếu không có loài người, thì cái vũ trụ của con người có còn không? Câu trả lời có thể nhận thấy trong câu, “Tất cả cái Vũ Trụ khách quan gồm vật chất, năng lực, nguyên tử, ngôi sao, đều không có thực, mà chỉ là sự cấu tạo của ý thức, hay là những biểu tượng tạo ra bởi giác quan con người”. Nếu Vũ trụ do giác quan con người tạo ra, thì khi không có loài người, cái vũ trụ ấy không có.

Xin so sánh với nhận định của Matthieu Ricard, trong bài “Một Môn Khoa Học Về Tâm”, sách đã dẫn, trang 92:

Phật Giáo đồng ý ở đây với Poincarré, ông này đã nói, “dù bản chất của thực tại là thế nào đi nữa, nhưng nếu nó độc lập với cái tâm hình dung ra nó, thì không bao giờ chúng ta biết đến thực tại ấy”. Người ta cũng có thể nói, nếu không có loài người, thì thực tại như là con người nhận xét thấy sẽ không còn nữa.

Alfred Kastler, một nhà khoa học, nói rằng: “Điện tử âm không có những đặc tính độc lập với trí óc của tôi”. (L’électron ne possède pas de propriétés indépendantes de mon esprit. “Trái Tim Mặt Trời”, Nhất Hạnh, trang 111).

Trong bài “Thượng Đế và Khoa Học...”, Thời Đại Mới II, trang 215-216, Grichka Bogdanoff cũng có một nhận định giống thế về tâm và vật:

Vật lý không nói đến khoa học khách quan, mà chính là khoa học chủ quan. Một vài lý thuyết gia như Wigner còn đi tới độ nói rằng, ý thức của chúng ta thay đổi sự thật... Sự thay đổi của những luật về thiên nhiên có thể liên hệ, một cách nào đó, tới những sinh hoạt của nhà khoa học khi họ quan sát. Người quan sát và vật quan sát hình như ảnh hưiởng lẫn nhau”.

Xin hãy so sánh lập luận vừa nêu trên của nhà khoa học với nhận xét của một nhà tu Phật Giáo cuối Thế Kỷ 7 đầu Thế Kỷ 8. (Huệ Năng 638-713).

Huệ Năng thấy hai thày tăng đứng nhìn lá cờ đang bay trước gió. Một người nói, gió làm lay động lá cờ. Người kia nói, chính lá cờ lay động.

Huệ Năng giải thích cho họ rằng. Sự lay động không phải tự gió, cũng không phải tự lá cờ, mà là ở trong trí não họ.

Thiền sư Paramahansa Yogananda nhận định như sau:

Các nhà Đại Bác Học đã mạnh bạo xác nhận rằng không những nguyên tử là năng lực chứ không phải vật chất, mà năng lực nguyên tử chỉ là bản chất của Tâm”

Cách đây cả nghìn năm người tu thiền giác ngộ đã có một nhận xét đúng y như thế:

“Núi không là núi, sông không là sông”.

“Núi hay sông” không có thực thể riêng biệt mà do nhiều yếu tố tạo thành. Thân xác của chúng ta mà chúng ta coi là thực tế nhất cũng giống như sông, như núi, không có thực thể riêng biệt, mà được tạo thành bởi bốn yếu tố, đất, nước, gió, lửa, mà Phật Giáo gọi là thân tứ đại. Khi chết đi, những yếu tố cấu tạo nên thân xác ta lại trở lại trạng thái nguyên thủy là, đất, nước, gió, lửa. Như vậy thì trong thực tế không có gì mất đi cả, mà chỉ là đổi thay hình thái. Vật chất làm nên thân xác chúng ta đã thay đổi từ “kết hợp” để trở thành những yếu tố đơn lẻ. Như thế thì chết đi là hết, hay có còn cái gì tồn tại sau khi chết? Không cần phải là một nhà bác học, nhưng chỉ cần chú tâm một chút, ta cũng có thể nhận ra rằng, ngoài phần vật chất làm nên thân xác con người, còn có một phần vô hình mà tùy theo tín ngưỡng, người ta gọi nó là Tâm, Tôi, Linh Hồn, hay một tên gì khác nữa, v.v. Ta thử tìm hiểu thêm. Khi suy tư, thì cái gì suy tư? Người duy vật bảo sự suy tư là do nơi đầu óc con người, mà đầu óc là vật chất, vậy ngoài thân xác ra không có gì khác nữa, và khi chết đi là hết. Muốn nói sao thì nói, nhưng Tâm không thể phủ nhận một cách giản dị như vậy.

Tâm không phải là vật chất, nên không thể dùng những phương tiện vật chất để tìm hiểu Tâm. Các nhà khoa học có thể mổ cơ thể để tìm hiểu các cơ phận bên trong, như tim, gan, phèo, phổi, hay dùng máy để đo những luồng điện thần kinh, nhưng không có cách nào để tìm hiểu xem đầu óc đã ra lệnh như thế nào cho tay giơ lên, chân bước đi, v.v.

Tâm tuy vô hình, nhưng như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, Vũ Trụ này do Tâm tạo ra. Vũ Trụ không có đời sống độc lập với Tâm. Một quả banh da không có cùng một giá trị đối với tôi ở hai thời gian khác nhau, khi tôi mới lớn lên và bây giờ, khi ngoài 80.

Trong một trận cầu, chúng ta nhận thấy tạm thời có năm thành phần, cầu thủ, thủ môn, khán giả, nhà dìu dắt, và trọng tài. Cầu thủ chỉ nghĩ làm sao lấy được banh, truyền banh cho chính xác để cầu thủ cuối cùng sút banh lọt vô lưới. Nhắm vào gôn mà sút, nhưng đường banh đi lệch ra ngoài, đã có cầu thủ nằm dài xuống sân, và ta có thể đoán là anh ta hối hận, hay tiếc. Thủ môn lo giữ làm sao để banh không lọt vô lưới. Những người coi trận đấu không có cùng một nhận định như nhau. Cảm giác của người ủng hộ một đội banh khác với người coi vô tư. Người ủng hộ cảm thấy vui thích khi đội của mình thắng, và buồn nếu thua. Người coi vô tư thích thú khi được coi một trận đấu có những đường banh đẹp. Nhà dìu dắt nhận xét khả năng của các đấu thủ, nhà và đối phương, để biết vì sao mà thắng, hay thua. Các trọng tài thì nhận định lối chơi của cầu thủ, để phạt lỗi.

Một người con trai và một người con gái, hai người yêu nhau. Đã có những trường hợp hai người tự tử, vì không lấy được nhau. Hai người đó đã đem tâm của họ tô điểm cho người yêu. Bởi vì chàng trai đó, hay cô gái đó, không gây được cho những người con gái khác, hay chàng trai khác những tình tự như thế. Yêu nhau không lấy được nhau, hai người rủ nhau cùng chết. Nhưng cũng có những trường hợp, yêu nhau, lấy nhau, nhưng vào lúc cuối cuộc đời lại hay xích mích. Tuổi về chiều thường hay khó tính. Có khi cãi nhau chỉ vì tự ái cá nhân, không ai chịu kém ai. Người nào cũng muốn giành phần phải về mình. Vợ hơn chồng, hay chồng hơn vợ, xét ra chẳng mấy quan hệ.

Cũng là một mặt trời, một mặt trăng, nhưng mỗi người có một nhận định riêng về mặt trời, mặt trăng. Nhà nông, tùy theo mùa mà nghĩ về mặt trời. Nếu đã nắng nhiều rồi, nhà nông không thấy cái đẹp của mặt trời mọc, hay mặt trời lặïn, mà mong trời có mây có mưa.

Cũng một chị Hằng Nga đó,

Nhưng trăng của Xuân Diệu

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá

Ánh sáng tuôn đầy các lối đi

Tôi với người yêu qua nhè nhẹ…

Im lìm không biết nói năng chi

Khác với trăng của Tú Xương

Ta lên ta hỏi ông Trăng

Họa là ông có biết chăng sự đời?

Ông cao, ông ở trên trời

Mà ông soi khắp nước người, nước ta

Với những mẫu tự gồm 24 chữ cái hoàn toàn vô tư, nhà thơ làm thành thơ, nhà văn làm thành những bài văn, không bài nào giống bài nào. Thơ hay, hay văn hay là do sự rung cảm của nhà thơ hay nhà văn chứ không tùy thuộc vào 24 chữ cái. Chỉ một câu ngắn thôi, cùng dùng những chữ như nhau, nhưng nếu sắp xếp khác thì ý nghĩa lại khác:

“Tôn giáo phục vụ cho con người”

hoàn toàn khác ý nghĩa với

Con người phục vụ cho tôn giáo”.

Với 7 nốt nhạc, các nhạc sĩ đã sắp xếp để viết ra những bản nhạc, diễn tả tâm hồn của tác giả. Có bài nổi tiếng được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nhưng trong những bài nổi tiếng vẫn có những người thưởng thức khác nhau. Sự thưởng thức là do Tâm của người nghe. Chúng ta đều biết Bá Nha là người đàn giỏi, và Tử Kỳ là người biết thưởng thức tiếng đàn của Bá Nha. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập đàn đi không gẩy nữa, vì không có người biết thưởng thức. Đàn gây tai trâu? Nói về nhạc Tây phương, nhiều người trong chúng ta đều biết đến những bản nhạc nổi tiếng của Beethoven, Bach, Mozart, v.v. Nhưng những bản nhạc đó không làm tôi rung động bằng một câu hát “quan họ” rất bình dân, giản dị:

“Sáng trăng, sáng cả cái đêm hôm rằm”

Câu hát này làm cho tôi cảm động, vì nó liên hệ tới tôi, gợi cho tôi nhớ đến cái xã hội của tôi thời còn nhỏ dại, thời của thế hệ mẹ tôi. Cuộc đời tự nó vô tư, y như 24 chữ cái, hay 7 nốt nhạc, chính chúng ta đã đem Tâm của chúng ta tô vẽ lên cuộc đời. Chúng ta đã làm ra cuộc đời như thế. Nhạc sĩ dùng 7 nốt nhạc để làm ra các bản nhạc. Các nhà bác học dùng những nốt nhạc trong Vũ Trụ để tạo ra cái xã hội mà chúng ta đang sống. Người Âu-châu chú trọng vào khoa học thực tiễn, nên họ đã có những tiến bộ vượt bực trong lãnh vực này. Người Á-châu chú trọng vào Tâm nên đã có những khám phá thật sâu về Tâm Linh. Như thế ta có thể nói, xã hội mà chúng ta đang sống phản ảnh trung thực Tâm của thời đại chúng ta.

2.4. Tâm Của Người Âu-châu.

Âu-châu coi Sigmund Freud là người giỏi nhất về nội Tâm của con người, rất nổi tiếng với “Thuyết Phân Tâm Học” (Theory of Psychoanalysis). Ông tìm cách chữa bệnh tâm thần, bằng cách đi sâu vào vô thức (unconsciousness, inconscience). Sau đây là hai tỉ dụ:

a) Một người cứ mỗi khi sắp thành công, thì tự mình làm cho nó trở thành thất bại. Lần theo trí nhớ, bác sĩ khám phá ra rằng, ông ta có một bà mẹ thương yêu con, tìm mọi cách ép buộc để con thành công. Vì không bằng lòng với cách dạy dỗ của mẹ, nên ông ta tìm cách trả thù mẹ, làm cho thành công trở thành thất bại. (Xin coi thêm chi tiết trong “Tôn Giáo Đối Chiếu, Tập I”, trang 187...189).

b) Có một cô bị bệnh khát nước, nhưng lại không dám uống nước. Sau khi gợi ý để tìm hiểu lý do, cô dần dần nhớ ra là có lần cô thấy con chó uống nước trong ly nước của cô. Cái cảm giác ghê sợ đó in sâu vào vô thức, làm cô tự nhiên cảm thấy sợ uống nước, mà chính cô không biết tại sao. Cho đến khi được bác sĩ tâm thần giải tỏa. (S.đ.d., trang 530-31).

Sự hiểu biết về Tâm của bác sĩ Sigmund Freud mới chỉ ở ngưỡng cữa của sự hiểu biết về Tâm, vì sự hiểu biết về Tâm của các nhà khoa học, hay tâm lý Âu-châu bị hạn chế bởi phương tiện sử dụng. Phương tiện sử dụng của khoa học là vật chất, vì là vật chất nên không thể giải thích được những hiện tượng vô hình. Chính vì thế mà Bertrand Russell mới nói:

“Đạo Phật bắt đầu từ chỗ khoa học không thể tiến tới được nữa, vì những giới hạn của phương tiện khoa học. Những chinh phục của đạo Phật thuộc về Tâm”.

(It [Buddhism] takes up where science cannot lead because of the limitations of the latter’s instruments. Its conquests are those of the mind).

Người Âu-châu hướng tâm ra ngoài. Họ nghiên cứu thiên nhiên và rất tiến bộ về khoa học và kỹ thuật. Họ chế tạo ra hỏa tiễn, bắn được người lên cung trăng, mà chúng ta thường gọi là hằng nga. Làm cho những nhà thơ của chúng ta mất đi nguồn cảm hứng làm thơ ca tụng ả hằng nga. Ả hằng nga không phải là người đẹp trên cung quảng mà chỉ là một vệ tinh của mặt trời.

Mới đây họ cũng đã thành công trong việc bắn hỏa tiễn “Cassini” mang máy thăm dò “Huygens” lên “Titan”, một mặt trăng của sao Thổ “Saturn”. Titan cách xa trái đất chúng ta hơn một tỉ cây số (1.196.000.000 km), mà hỏa tiễn phải bay 7 năm 3 tháng mới lên tới nơi, với tốc độ 18.702,6/ km.giờ. Hỏa tiễn “Cassini” được bắn đi ngày 15 tháng 10, 1997, từ căn cứ Cape Canaveral ở Florida. Máy thăm dò “Huygens” tách ra khỏi hỏa tiễn mẹ “Cassini” được ba tuần, thì đáp xuống “Titan”, ngày 14 tháng Giêng 2005. Nhưng cái gần mỗi người chúng ta nhất, “tâm”, thì họ không hiểu. Tâm là gì? Họ có thể mổ con người để thay thế tim gan, phèo phổi, nhưng “tâm” vô hình, nên họ không thể mổ được “tâm”, để xem “tâm” sinh hoạt ra sao. Làm thế nào để an “tâm”, sống trong hạnh phúc.

2.5. Tâm Làm Chủ Thế Giới

“Thiên thượng, địa hạ, duy Ngã độc tôn”

Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là nhất.

Đã có một số người cho rằng Đức Phật kiêu căng, nghĩ rằng chỉ có Đức Phật là nhất. Không phải thế đâu.

Đã có một số người cho rằng Đức Phật kiêu căng, nghĩ rằng chỉ có Đức Phật là nhất. Không phải thế đâu.

“Ta là Phật đã thành,

Chúng sinh là Phật sẽ thành”

Đức Phật kính trọng chúng sinh, coi chúng sinh cũng có khả năng thành Phật, đứng ngang hàng với Đức Phật.

Cái Tâm “Duy Ngã Độc Tôn” ấy, mỗi người đều có bổn phận phải tìm cho ra.

Sigmund Freud không biết rằng đời sống của thế giới bị tâm chi phối. Tâm quyết định tất cả mọi sinh hoạt trong xã hội, từ những chuyện cá nhân nhỏ nhặt nhất cho đến chuyện lớn liên quan đến hòa bình hay chiến tranh.

Blaise Pascal (1623-1662) là người đã nhận ra sức mạnh phi thường ấy của tư tưởng.

Con người chỉ là một cây sậy, một vật yếu đuối nhất trong thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy tư. Toàn thể vũ trụ không cần phải võ trang để nghiền nát hắn. Một hơi nước, một giọt nước cũng đủ để giết hắn. Nhưng dù cho vũ trụ có giết được hắn, thì con người vẫn còn quí phái hơn cái nó đã nghiền nát hắn, bởi vì hắn biết rằng hắn chết và cái lợi thế mà vũ trụ có được ở trên hắn, vũ trụ không biết gì về chuyện đó.

Tất cả phẩm giá của chúng ta như thế là do suy tư. Với suy tư chúng ta phải nâng cao chúng ta lên, không phải trên không gian và thời gian mà chúng ta không lấp đầy được. Vậy thì chúng ta phải hết sức cố gắng để suy nghĩ tốt; đó là nguyên tắc của luân lý”.

1.- Chuyện nhỏ. Chúng tôi quen một người bạn. Hai ông bà buôn bán giàu có, lo cho cậu con trai ăn học thành tài, đậu bác sĩ y khoa. Mua nhà để con làm phòng mạch. Lo lấy vợ cho con. Hai ông bà giới thiệu với cậu con một người con gái của bạn. Cậu ta bằng lòng. Nhưng ít lâu sau, cậu ta mê một cô khác, và từ chối cô con gái mà cha mẹ đã chọn cho cậu, và cậu đã bằng lòng. Cậu còn nói hỗn. Hai ông bà mất mặt với bạn. Bà mẹ của cậu buồn phiền, mang bệnh mất sớm.

Làm tổng thống một nước lớn là một vinh dự lớn. Nhưng không phải lúc nào cũng sướng. Cựu tổng thống Bill Clinton đã nhiều ngày mất ăn, mất ngủ vì bị quốc hội điều tra tìm cách buộc tội, về chuyện ngoại tình với cô giúp việc Monica Lewinsky. Tại sao ông lại đi làm một chuyện không chính đáng như thế? Chúng ta biết rằng, tâm chi phối hành động của mỗi người chúng ta, và của toàn thể nhân loại. Tâm hướng dẫn cho hành động, “nghĩ thế nào thì làm đúng y như thế ấy”.

Thông thường, người trai trẻ, hay đàn ông, mỗi khi thấy một người con gái đẹp cũng cảm thấy thích thú, thèm muốn. Nếu không kiểm soát tâm, để tâm điều khiển, thì rồi ra sẽ bị sa ngã. Có một nhà sư trẻ tu ở một ngôi chùa trên núi. Dưới chân núi có một con sông. Không có cầu bắc qua sông, muốn qua sông phải dùng đò. Hằng ngày có một bà già chở đò đưa khách qua sông. Nhưng một ngày kia, có một cô con gái đẹp chèo đò đưa khách qua sông thay bà già. Khi sang đến bờ bên kia, mỗi người trả cho cô lái đò một tiền. Nhà sư trẻ cũng trả một tiền, như những người khác. Cô lái đò không chịu, đòi nhà sư hai tiền. Sư ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao mỗi người trả một tiền, mà cô lại đòi tôi hai tiền,

- Thưa thày, một tiền là tiền đò, và một tiền là để trả việc thày say đắm nhìn tôi.

Trong chuyến về, nhà sư trẻ sợ cô lái đò đòi hai tiền vì đã nhìn cô, nên cúi đầu nhìn xuống sàn đò. Nhà sư rất lấy làm ngạc nhiên khi sang đến bờ bên kia, cô lái đò không đòi hai tiền, mà đòi những bốn tiền. Nhà sư hỏi:

- Lúc qua sông, cô đòi tôi hai tiền, bảo tôi nhìn cô, nhưng lượt này đi về, tôi nhìn xuống sàn đò, có nhìn cô đâu?

- Thưa thày, thày không nhìn tôi bằng mắt, nhưng bằng tâm, thày nhìn tôi từ trên xuống dưới, từ trong ra đến ngoài. Xin thày trả cho bốn tiền.

Không muốn lôi thôi, và cũng không cãi lại được, nhà sư trẻ bèn trả bốn tiền. Nhưng kể từ ngày sau đó, chở đò đưa khách qua sông lại vẫn là một bà già như trước. Người ta không thấy bóng dáng cô lái đò trẻ, đẹp nữa. Cô lái đò đã cho nhà sư trẻ một bài học về tâm. Nếu không kiểm soát tâm, làm chủ tâm, để cho tâm chi phối, thì sẽ không tu được. Tâm chi phối đời sống của con người. Những ý nghĩ trong tâm có thể làm cho thân xác mất ăn, mất ngủ, sinh bệnh. Những người theo đạo Phật thường chúc nhau “thân tâm an lạc” là vì thế.

Trong việc lái xe mỗi ngày, bị cảnh sát phạt hay không, gây ra tai nạn hay không, đều do tâm quyết định. Một người lái xe đến bảng stop, nhìn trước nhìn sau, rồi lái xe đi luôn, không đậu lại. Nhưng chỉ một phút sau, thì có đèn xe cảnh sát giọi vào kính chiếu hậu. Người lái xe biết là gặp ngày xui xẻo, ngừng xe lại sát lề đường. Cảnh sát đến bên người lái xe, lễ phép hỏi:

- Ông có trông thấy bảng stop không?

- Thưa có,

- Trông thấy bảng stop, sao không đậu lại?

- Thưa, (ngập ngừng) ... tại tôi không trông thấy ông.

Viên cảnh sát phì cười, biết là người lái xe nói thật, không biên giấy phạt, chỉ bảo, lần sau nên cẩn thận, thấy bảng stop thì phải đậu lại.

Trên màn ảnh truyền hình, một đôi khi ta thấy một người đang nằm nhắm mắt, và hình những con cừu nhảy qua người. Ông ta không ngủ được, cố quên những chuyện làm cho tâm bất an, nên ông ta đếm, một con cừu, hai con cừu, v.v..., mục đích là để chú tâm vào đếm cừu không nhầm lẫn, mà quên chuyện buồn phiền. Người ta thường nói tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Tuổi trẻ là tuổi thần tiên. Tôi chơi đùa với đứa cháu gái út lên 2 tuổi. Nó chùm chăn lên đầu, tung chăn ra rồi cười như nắc nẻ. Nó làm lại nhiều lần như thế. Tuổi thần tiên đó một khi qua đi là hết, không bao giờ trở lại. Tuổi trẻ đẹp như bông hoa hồng vừa mới chớm nở. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã để cho tuổi trẻ qua đi, mà không biết tuổi trẻ đẹp như thế nào. Cho đến khi tuổi trẻ qua đi rồi mới nuối tiếc, nhưng không sao lấy lại được. Cái bình đựng hoa để ở trên bàn, có những bông hoa hồng đẹp lắm, nhưng đã có bao nhiêu người thấy được cái đẹp của hoa hồng. Xin mời quý vị, khi sáng vừa thức giậy hãy đi nhẹ bước, xin đừng làm kinh động cái không khí yên tĩnh trong căn phòng yên tĩnh, lại gần bình hoa, quý vị sẽ thưởng thức được cái mùi thơm của hoa còn cô đọng trong không khí.

2.- Chuyện Lớn.

Swami Vivekananda quan niệm rằng “Tâm có quyền năng vô biên”. Lời Người:

Tất cả mọi thứ Nó (Tâm) mong muốn, thực hiện ra ngay tức khắc; tất cả mọi thứ Nó muốn làm, Nó có thể làm được”. (Xin coi lại chi tiết ở phần trên).

Hãy bắt đầu từ dễ đến khó. Nếu biết cách tập, thì có thể điều khiển Tâm như điều khiển một dụng cụ vật chất. Tất cả mọi người đều biết rằng, khi chú Tâm vào một vấn đề gì, thì vấn đề đó sẽ tiết lộ cho ta biết bí mật của nó. Nhà khoa học khi muốn khám phá ra một bệnh gì, ông phải chú tâm vào đó. Tùy theo chú tâm được nhiều hay ít, mà có người khám phá ra được bệnh, người không. Trong đời sống hiện tại, ở Âu-châu, nhiều người mắc bệnh thần kinh vì họ đã không kiểm soát được Tâm, để cho tâm buồn phiền lo lắng. Người điều khiển được Tâm, sẽ giữ cho Tâm bình tĩnh, trong mọi hoàn cảnh của sự sống, dù phải sống gần kề cái chết.

Cao hơn nữa là người tu tìm ra được bản chất thật của chính mình, mà người Âu-châu gọi là “True Self” hay “Le Vrai Moi”, người tu Thiền của Phật Giáo gọi là “Tâm Phật”, hay “Bổn Tánh” (Nature propre).

Về mặt xã hội, vì thiếu hiểu biết Tâm, mà Âu-châu mà tôi kính phục khi còn ít tuổi đã là nơi xảy ra hai cuộc khủng hoảng vĩ đại. Thế chiến II làm chết khoảng 50 triệu người. Và cái họa cộng sản làm chết gần 100 triệu người. (Le Livre Noir du communisme par Stéphane Courtois... Jean-Louis Margolin, page 14).

Như ở phần trên chúng tôi đã trình bày, sự vật vô tư, không đẹp cũng không xấu, đẹp hay xấu là do sự rung cảm của Tâm mà ra. Tâm đã đem lại sự sống cho cuộc đời. Tất cả những sinh hoạt trong xã hội đều do Tâm quyết định. Từ chiến tranh cho đến hòa bình, từ thương yêu cho đến thù hận, ghen ghét, và chém giết nhau.

Tâm nghĩ ra sao, thì hành động y như thế. Tầm quan trọng của Tâm đã đượïc chứng minh trong chiến tranh. Khi còn “Chiến Tranh Lạnh”, hai nước Mỹ – Nga đã chi phí mỗi năm hàng trăm triệu đô-la vào thông tin để tìm cách ảnh hưởng tới suy nghĩ của dân nước đối nghịch. Mỹ 153 triệu, Nga 700 triệu. Xin coi thêm chi tiết trong Yoga của tác giả, trang 38.

Như đã được trình bày ở phần trên, tất cả mọi việc từ đời sống cá nhân cho đến xã hội, đều do Tâm quyết định.

Ở Hanoi, Việt Nam, ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh đã cướp được chính quyền bằng tuyên truyền, hô hào dân chúng đi biểu tình, không phải bằng lực lượng quân sự.

2.6. Hòa bình

“Đối với tất cả mọi điều, đều phải áp dụng lý trí. Sau khi phân tích, nếu thấy những điều ấy tốt cho mọi người và cho mỗi người, thì hãy tin nó, sống cho nó và giúp cho người khác cùng sống như vậy”. (Phật Thích Ca).

Trên thế giới hiện nay, bạo động xẩy ra ở nhiều nơi. Chiến tranh ở Iraq chưa chấm dứt, xung đột giữa Do-thái và dân Palestine ở Trung Đông thì không biết bao giờ mới giải quyết được... Nguyên nhân của những bạo động ấy là vì nhân loại tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, nhưng chậm tiến về tâm linh.

Họ không nhận được ra rằng,

“Nếu chúng ta liên hệ tới mọi thứ và mọi người khác, thì một ý nghĩ, một việc làm, một hành động nhỏ nhoi nhất, vô nghĩa nhất, cũng đem lại hậu quả cho toàn thể vũ trụ”. (Sogyal Rinpoche).

Không biết rằng,

“Bởi vì luật nhân quả không tránh được và không sai lầm, mỗi khi chúng ta làm hại người khác, chúng ta làm hại cho chính chúng ta, và khi chúng ta đem lại hạnh phúc cho họ, chúng ta đem lại hạnh phúc tương lai cho chúng ta”. (Because the law of karma is inevitable and infallible, whenever we harm others, we are directly harming ourselves, and whenever we bring them happiness, we are bringing ourselves future happiness.- Sogyal Rinpoche).

Như thế thì để đem lại yên vui cho thế giới, “Bổn phận của chúng ta là ... nới rộng phạm vi từ bi cho tới mọi sinh vật và tất cả thiên nhiên trong cái đẹp của nó” (Albert Einstein).

Đạo Phật, Đạo của Hòa Bình. Với những đặc tính của Phật Giáo trong đó có những đặc tính vừa trình bày ở đoạn trên, Phật Giáo có khả năng đem lại yên vui cho gia đình, xã hội, quốc gia, và hòa bình thế giới. Linh mục Jean Vernette cũng có một nhận định giống y như thế, “Nếu Thời Đại Mới thành công, thì lẽ dĩ nhiên không thể nghĩ đến chiến tranh”

Và thêm rằng,

“Hòa bình, chính mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm, tùy theo khả năng”.Các chính phủ không thể làm được công việc ấy, nếu không có chúng ta góp sức. Bởi vì các chính phủ đều phải phục vụ cho dân, cho nước. Nếu dân còn ích kỷ, chỉ nghĩ đến cái lợi của mình, của nước mình, dù nó có hại cho người khác, nước khác, thì chính phủ muốn tồn tại đương nhiên cũng phải làm theo ý dân. Đó là nguồn gốc của chiến tranh, xâm lăng, và bạo động.

Sau khi suy nghĩ, nếu thấy rằng những lời dậy trong Kinh Phật là hợp lý thì hãy tin nó, sống cho nó, và giúp cho người khác cũng tin và sống như chúng ta. Làm như thế là chúng ta có thể đóng góp vào việc xây dựng hòa bình cho thế giới.

III.- KẾT THÚC.

Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin:

a) Nhắc lại nhận định của New Age mà linh mục Jean Vernette đã nói đến ở trên,

“Chúng ta đang đi không ngừng nghỉ tới thời đại “Bảo Bình”, với sự ra đời một nền văn minh hòa hợp, hòa bình, và thống nhất toàn thể: một thời vàng son đích thực”.

b) Trích dịch, kèm theo nguyên văn tiếng Pháp, nhận định của nhà bác học Albert Einstein, mà nhà khoa học Việt Nam Trịnh Xuân Thuận, có ghi lại trong sách “L’infini dans la paume de la main”, của ông.

“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó phải vượt lên trên quan niệm một Thượng Đế hiện hữu bằng thân xác và tránh giáo điều và thần học. Bao quát cả thiên nhiên và tâm linh, tôn giáo ấy phải căn cứ trên một ý thức tôn giáo sinh ra từ kinh nghiệm của mọi vật, thiên nhiên cũng như tâm linh, được coi như một toàn thể biết cảm xúc”. Những lập luận đó đi theo cùng chiều với cuộc đối thoại của chúng ta. Và Einstein nói rõ thêm: “Phật Giáo trả lời cho cách mô tả đó. Nếu có một tôn giáo có thể phù hợp với những nhu cầu tuyệt đối của khoa học hiện đại, thì đó là Phật Giáo”. Điều này không thể trình bày rõ ràng hơn. Khoa học có thể sinh hoạt không tâm linh. Tâm linh có thể hiện hữu không khoa học. Nhưng con người, muốn đầy đủ, phải cần cả hai. (Bản dịch của chúng tôi).

27 Tháng 3, 2006



[1] Nhà nghiên cứu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 83
    • Số lượt truy cập : 6952550