PHẬT GIÁO TIỂU THỪA TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER NAM BỘ
PHẬT GIÁO TIỂU THỪA
TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER NAM BỘ
LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC
Từ những năm đầu Công nguyên, các dân tộc ở Đông Nam Á đã rất quen thuộc trong việc trao đổi sản phẩm với các thương nhân Ấn Độ. Vào Thế kỷ thứ 3 trước CN, chính trị và tôn giáo miền Nam Ấn có nhiều biến động. Đạo Phật đã rất phát triển, có thể nói là tương đương với đạo Bà la môn truyền thống. Giới Tăng lữ phái Tiểu thừa (Hynayana) không ngần ngại dấn thân vào những chuyến viễn du đầy hiểm nguy để truyền bá Phật pháp đến những vùng đất xa xôi. Họ đã đưa đạo Phật đến Nam Ấn, cũng như đến miền Đông nam Ấn Độ, dưới chân rặng núi Hy Mã Lạp sơn, xuống Myanmar, Thái Lan, Campuchea, Lào, Phù Nam, Mã Lai bằng đường bộ. Đạo Phật đã đến với các tộc người Môn ở các thung lũng các con sông như Irrawaddly, Saluen, Ménam, Mékong. Mặt khác, từ Nam Ấn, theo đường thủy, đạo Phật theo chân các thương gia phổ biến đến các quần đảo trên Ấn Độ Dương và Đông nam Thái Bình Dương, để rồi hai đường thủy bộ lại hội tụ tại Nam Việt Nam ngày nay, lan truyền ra miền Nam Trung bộ, rồi theo bước chân của người Chàm không ngừng tiến về phía bắc thời Tiền Đại Cồ Việt. Còn Phật giáo Đại thừa từ miền Bắc miền Trung truyền vào miền Nam chậm hơn nhiều, sớm nhất là vào khoảng thế kỷ 16 CN.
Vào thế kỷ thứ 2, 3 CN, một trung tâm Phật giáo đã phát triển ở Nagarjunakonda nằm trong thung lũng Krisna (Nam Ấn) đã tạo điều kiện cho một đợt quảng bá đạo Phật mới về phía Đông. Rồi vào thế kỷ thứ 5 CN, một đợt truyền giáo mới lại xuất phát từ trung tâm Phật giáo Kanchipuram, cũng ở Nam Ấn, gần Madras ngày nay, và đã đạt được những nền tảng vững vàng ở các khu vực như bán đảo Mã Lai, lưu vực sông Mékong, miền duyên hải Trung bộ Việt Nam ngày nay. Một nhành khác lan tỏa qua Sumatra và Java.
Chùa Dơi (Sóc Trăng)
Chùa Hang (Trà Vinh)
Chùa Kh'leang (Sóc Trăng)
Những nhà truyền giáo thường theo lộ trình của các thương nhân cả đường thủy lẫn đường bộ. Sự phát triển tôn giáo đã tác động trở lại đối với thương nghiệp và đặc biệt nền thương nghiệp viễn dương kết nối Nam Ấn Độ và Nam Trung Hoa và đã trở nên phồn thịnh ở Đông Nam Á. Miền Tây Nam bộ, đặc biệt là khu di tích Cạnh Đền ở bán đảo Cà Mau, là một trong những nơi xuất phát và tiếp nhận những dòng giao lưu kinh tế và văn hóa này. Pho tượng Phật được tìm thấy ở Cạnh Đền 3 (ấp Trổi Mộc, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có niên đại thế kỷ 6, 7 CN.
Tại Nam bộ, từ bao đời nay trong các Srok của người Khmer thì ngôi chùa là quần thể quan trọng nhất đối với họ. Chùa là trung tâm tôn giáo văn hóa xã hội của người Khmer và là nơi chủ yếu bảo tồn truyền thống của họ. Trong khuôn viên ngôi chùa có nhiều công trình kiến trúc mà nổi bật nhất là ngôi chánh điện (Pre Vihila). Cửa chính luôn quay về hướng Đông (có lẽ là hướng truyền đạo của trung tâm Nam Ấn). Chánh điện thờ Phật Thích Ca theo nhiều tư thế: Phật đắc đạo, Phật thiền định, Phật Xêa Mêtrây, Phật cứu độ chúng sinh, Phật khuyến thiện. Bốn phía đều có hành lang, bên ngoài hành lang có hàng cột trang trí hoa văn với nhiều nội dung. Vách chùa trang trí những hình ảnh thể hiện quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật. Người Khmer từ khi sinh ra đời cho đến khi qua đời, mọi buồn vui của họ đều gắn bó với ngôi chùa.
Đạo Phật Tiểu thừa ở người Khmer chỉ ở giới nam. Mỗi người nam nào bất kể tầng lớp xã hội đều có thể đi tu. Khi lên 12 tuổi nam giới đi tu, nhưng cũng có người đi tu trẻ tuổi hơn. Thời gian xuất gia đi tu được tự ý tự giác của từng người, không có quy định, có thể là một đêm, một tháng, một năm, hoặc suốt đời. Con trai Khmer đều muốn đi tu, ít nhất một lần. Tu không phải để đắc đạo thành Phật mà là tu để thành người, để chuẩn bị cho cuộc sống ngày mai tốt đẹp hơn. Đi tu cũng là cơ hội để học chữ, học đạo lý và đức hạnh, đồng thời là cách tích phước cho cha mẹ, cho gia đình và cho chính bản thân mình.
Thời điểm xuất gia tốt nhất là vào dịp lễ hội mà đặc biệt là lễ nhập hạ, lễ mừng năm mới theo tục lệ truyền thống cổ truyền của người Khmer. Người con trai Khmer thành đạt trong học vấn, có chức sắc trong nhà chùa thì được mọi người kính trọng.
Trong giới luật của giới tu sĩ phái Tiểu thừa, tu sĩ vẫn ăn mặn, chỉ kiêng mười thứ thịt là thịt người, thịt chó, thịt voi, thịt ngựa, thịt rắn, thịt rùa, thịt cọp, thịt beo, thịt sư tử, thịt chó sói. Các loại thịt khác được ăn khi không phải tự tay mình giết mổ. Tu sĩ mỗi ngày chỉ ăn hai bữa, bữa sáng và bữa trưa (ngọ). Từ sau bữa trưa đến sáng hôm sau không được ăn các chất đặc mà chỉ dùng thức uống như sữa, trà… Các thức ăn uống của tu sĩ đều do cúng dường. Người theo đạo Phật Tiểu thừa đều tự nguyện dâng thức ăn ngon cho tu sĩ trong chùa, vì họ tin rằng thức ăn của họ được các tu sĩ chiếu cố thì là họ được phước lớn, sẽ được trả gấp 10 lần.
Người Khmer không sợ nghèo, mà chỉ sợ chết không được hỏa táng lấy cốt đem vào chùa được ở gần đức Phật. Họ ít lo cho bản thân mình tích lũy để góp vào xây dựng mở rộng chùa làng mình ngày một khang trang.
Đạo Phật Tiểu thừa ở người Khmer Nam bộ có những lễ nghi như là:
- Lễ Cầu siêu: để phần hồn được độ trì siêu thoát có thể tổ chức tại gia.
- Lễ Ngàn núi hay lễ Đắp núi: để xin các loài sinh vật tha thứ, không làm hại họ.
- Lễ Ban hành giáo lý: nhắc nhở nhớ ngày ban hành giáo lý của Phật.
- Lễ Dâng bông: nhắc chuyện đức Phật đi thuyết pháp, áo cà sa bị lấm, ngài nhận quần áo sạch do đồ đệ mang lại.
- Lễ Hội linh: lễ tạo phước cho linh hồn.
- Lễ an vị tượng Phật.
- Lễ Kết giới tạm: chọn vị trí rồi làm mọi nghi thức với vật tượng trưng.
(Dựa theo Địa chí Cà Mau)
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết