Thông tin

PHẬT GIÁO TIỂU VÙNG MÊ-KÔNG:

DU NHẬP, PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

 

HT. THÍCH THIỆN NHƠN(*)

 

1. DẪN NHẬP

Mê-kông là tên gọi một con sông dài đứng hàng thứ 12 trên thế giới (4.850km), phát xuất từ cao nguyên tỉnh Thanh Hải (Cao nguyên Thanh Tạng), Trung Quốc chảy qua tỉnh Vân Nam vào Myanmar và Lào, rồi Thái Lan, làm ranh giới tự nhiên giữa các nước. Sông Mê- kông tiếp tục đổ vào Campuchia, cuối cùng sang Việt Nam với hai nhánh. Nhánh tay phải gọi là sông Ba Sắc hay là sông Hậu (gồm các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng đổ ra cửa biển Trần Đề). Nhánh tay trái là sông Mê-kông, gọi là sông Tiền gồm các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh đổ ra biển Đông, như miệng 9 con rồng nhã nước, nên gọi là Cửu Long, là Cửa Đại, Cửa Tiểu, Cửa Ba Lạc, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cửa Cung Hầu, Cửa Định An, Cửa Ba Sắc, Cửa Trần Đề.

Qua đó, khi đề cập đến Phật giáo tiểu vùng Mê-kông, cũng có nghĩa là nói đến Phật giáo Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Chủ yếu là vùng hai bên sông Mê-kông cho đến đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.

2. NỘI DUNG

2.1. Trước hết là Trung Quốc, theo truyền sử Phật giáo du nhập vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, năm 67 đời Hậu Hán Minh Đế, do hai Ngài Ca Diếp Ma Đằng, Trúc Pháp Lan rồi đến An Thế Cao v.v… đến nay trải qua trên 2000 năm, biết bao cuộc thịnh suy của những triều đại như Hậu Hán (25 – 220), Tam Quốc (220 – 285), Tây Tấn (265 – 316), Đông Tấn (317 – 420), Nam Bắc Triều (420 – 588), Tùy (589 – 618), Đường (618 – 907), Tống (960 - 1279), Nguyên (1279 – 1367 TL), Minh (1368 – 1662 TL), Thanh (1662 – 1911), Trung Hoa Dân Quốc (1911 – 1949), CHNDTH (1949 - nay).

Hiện nay, Phật giáo Trung Quốc chia làm ba hệ. Hệ Hán tạng (Bắc tông), hệ Tây Tạng (Phật giáo Lạt Ma giáo, Kim Cang thừa), hệ Pali tạng (Nam tạng, Nam truyền Phật giáo) chủ yếu là tỉnh Vân Nam và vùng phụ cận, do truyền từ Myanmar vào. Phật giáo Trung Quốc có gần 100 triệu tín đồ, 242.900 cơ sở tự viện và hơn 738.000 chư Tăng Ni, với bốn đại danh sơn Thánh tích Phật giáo Ngũ Đài Sơn (tỉnh Sơn Tây), Nga My Sơn (tỉnh Tứ Xuyên), Phổ Đà Sơn (tỉnh Chiết Giang), Cửu Hoa Sơn (tỉnh An Huy), là những điểm hành hương, du lịch nổi tiếng, thu hút hằng triệu du khách mỗi năm.

Phật giáo Trung Quốc qua các triều đại phần lớn chủ yếu sinh hoạt theo 10 Tông: Câu Xá Tông, Pháp Tướng Tông, Thành Thật Tông, Tam Luận Tông, Thiền Tông, Hoa Nghiêm Tông, Mật Tông, Tịnh độ Tông, Thiên Thai Tông, Luật Tông. Từ năm 1949 trở về trước gọi là Hội Trung Quốc Pháp giáo hiệp tiến (1911). Tổng hội Phật giáo Trung Hoa (1913), Hội Phật giáo Trung Hoa (1928), Hội Phật giáo Trung Quốc (1941) do Pháp sư Sơn Nhơn, Pháp sư Ký Thiền, Ấn Quang Đại Sư, Pháp sư Đế Nhàn, Thái Hư Đại Sư, Pháp sư Từ Hàng, Hòa thượng Hư Vân lãnh đạo. Từ năm 1949 trở về sau với tổ chức mới thành lập năm 1953 là Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc do Pháp sư Viên Anh, Đại sư Xi Giáo Gia Cua, Cư sĩ Triệu Phác Sơ, Hòa thượng Thành Nhất, Pháp sư Truyền Ấn lãnh đạo. Phật giáo Trung Quốc có 01 Học viện Phật giáo tại chùa Pháp Nguyên, Bắc Kinh và ba Phân viện tại Hà Bắc (Chùa Bách Lâm), Nam Kinh (Chùa Linh Nham), Vô Tích (Chùa Châu Viên) và các Phật học viện Phúc Kiến, Mân Nam, Hạ Môn ở Quảng Tây v.v…. Có Viện Văn hóa Phật giáo Trung Quốc thành lập năm 1987 và nhà in ấn Kinh sách Kim lăng tại Nam Kinh cùng Tạp chí Pháp Âm, tòa soạn tại chùa Quảng Tế, Bắc Kinh. Văn phòng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc trước đây đặt tại chùa Quảng Tế, nay chuyển sang chùa Bạch Tháp, Bắc kinh.

Trên lĩnh vực quốc tế, Phật giáo Trung Quốc đã tổ chức thành công Đại hội Phật giáo Liên hiệp thế giới năm 1924, Hội nghị đoàn kết các nước Á Phi tại Bắc Kinh năm 1964. Diễn đàn Phật giáo thế giới tại Triết Giang năm 2004, và Giang Tây năm 2006. Đại hội Liên hữu Phật tử thế giới lần thứ 27 tại Tp. Bảo Kê – Thiểm Tây, Trung Quốc năm 2014 cũng như các lễ hội cung tiến Ngọc Xá lợi Phật từ Trung Quốc sang các nước Myanmar, Nhật Bản, Hồng Kông, đảo Đài Loan chiêm bái, thành công tốt đẹp.

2.2. Myanmar là quốc gia Phật giáo Nam truyền. Theo truyền sử, Phật giáo truyền vào Miến từ thế kỷ thứ V, có nghĩa là sau khi Phật nhập Niết bàn 1000 năm (528 - 1000), bằng đường thủy và đường bộ. Theo sử, vua Dhamazeti soạn năm 1476, có đề cập đến hai Trưởng lão Uttara và Sona giảng pháp Tứ đế, có khoảng 6.000 người Quy y, đây được xem như hai Trưởng lão đầu tiên truyền bá đạo Phật tại Miến.

Thực tế thì phải kể từ khi vua Anawrahta, năm 1041 đã tiêu diệt Sokkate, rồi lần lượt chinh phục các địa phương, hợp nhất thành một quốc gia Miến rộng lớn, làm vua chính thức từ năm 1044 TL.

Trải qua thời gian hơn 10 thế kỷ, Phật giáo Miến có lúc thịnh, lúc suy nhưng trước sau như một vẫn giữ truyền thống Phật giáo Nam truyền, Thượng tọa bộ, dù có một thời gian Phật giáo Đại thừa hoạt động tích cực, có vị thế đặc biệt trong xã hội, nhưng không phù hợp với tâm lý và nhu cầu người dân xứ Miến, nên dần dần đã cáo chung. Hiện nay Phật giáo Miến có ba phái: 1./ Đà Đạt Ma (Thudhama), 2./ Thụy Cảnh (Srwegym), 3./ Đạt Bà La (Dvara). Tuy nhiên, đều tuân thủ một giới pháp và giáo pháp Phật. Chỉ mặc áo màu khác nhau và hành trì nghi thức sai biệt tương đối nhỏ như đắp y phủ kín cả cổ và hai tay, tụng kinh che quạt trước miệng v.v… Hiện nay, Phật giáo Miến do Hòa thượng Kumara Bhivamisa, Hòa thượng Bhadanta Pa- nyeindabhivamsa, Hòa thượng Ashim Nyanissara lãnh đạo Giáo hội Tăng già Myanmar.

Phật giáo Miến có 52.000 Tự viện, 5.100.000 Tăng sĩ và một số tu nữ. Phật giáo Miến có một Đại học Phật giáo Quốc tế Nguyên thủy và 65 Thiền viện, có hàng trăm trường Trung cấp Phật học và nhiều Thánh tích Phật giáo, đặc biệt là chùa Vàng ở thủ đô Yagon (Ran- goon) và nhiều Thánh tích khác ở cố đô Mandalay v.v...

Những Phật sự nổi bật mang tính lịch sử và quốc tế, Phật giáo Miến đã tổ chức thành công Đại hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 3 (1954), kiết tập Tam tạng lần thứ VI, thời gian kéo dài thời gian 02 năm (1955 - 1956). Tổ chức Hội nghị Phật giáo thế giới năm 2004 thành công viên mãn và nhiều Phật sự trọng đại khác.

2.3. Phật giáo Lào bắt đầu từ thủy tổ lập quốc là Ngài Phà Ngựm (1353 – 1375 TL), cha là Pháp Thị, đưa lánh nạn ở Campuchia, được Trưởng lão Maha Pasamanta nuôi dưỡng. Vua Khmer gã cho con gái là Keo Lot, chọn làm phò mã. Được sự hộ trợ của vua Khmer, đã tiến đánh Patac, Khăm Muội, Xiêng Khoảng v.v… dọc theo sông Mê- kông, thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Lạn Xạng (năm 1353 TL) nghĩa là Vạn Tượng (Triệu Voi).

Theo đề nghị của hoàng hậu, vua Phà Ngựm đã tôn sùng Phật pháp, hộ trì Tam bảo, cung thỉnh Trưởng lão Maha Pasamanta sang truyền đạo tại Vạn Tượng (Vientaine). Trưởng lão nhận lời, từ Kinh đô Khmer mang theo Tam tạng Kinh điển và lãnh đạo 20 vị Tăng sang truyền đạo tại Vạn Tượng. Phật giáo Lào được hình thành từ đấy, năm 1359 TL, có sử liệu biên niên cụ thể.

Đến nay, trải qua thời gian thời gian gần 1.000 năm, Phật giáo Lào trước sau là một, theo hệ thống Phật giáo Nam truyền, Thượng tọa bộ. Trước ngày giải phóng 1975, Phật giáo Lào có tổ chức duy nhất là Giáo hội Tăng già Vương quốc Ai Lao, và là Quốc đạo, theo Hiến pháp quy định, Quốc vương phải là người theo Đạo Phật và hết lòng hộ trì Phật pháp. Tuy nhiên, từ khi giải phóng đến nay, Phật giáo Lào theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa, nhưng vẫn là Quốc đạo, theo Hiến pháp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào quy định, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Phật giáo mới thành lập là “Tổ chức Liên minh Phật giáo Lào”, do Hòa thượng Sinha Lat và Samphong Samaleuk lãnh đạo. Hiện nay Phật giáo Lào có 22.150 Sư sãi và 4.937 Tự viện. Có một Trường Cao đẳng Phật học và một Trường Trung đẳng Phật học tại thủ đô Vientaine. 38 Trường Tiểu học Phật giáo toàn quốc. Phật giáo Lào với một trung tâm văn hóa nổi bật là chùa Tháp Luỗng, nổi tiếng ở thủ đô Vientaine và nhiều Thánh tích khác tại cố đô Luang Prabang.

2.4. Phật giáo Thái Lan là một trong 5 quốc gia Châu Á có truyền thống Phật giáo Nam truyền mạnh nhất và tổ chức chặt chẽ, tiêu biểu nhất trong vùng. Dân tộc Thái vốn dĩ là trước đây sinh sống ở miền Nam tỉnh Vân Nam Trung Quốc, về sau tiến về phía Nam vượt qua sông Mê-kông, định cư sinh sống và phát triển đến ngày nay. Về danh xưng có hai giai đoạn. Đầu tiên là hai Tiểu quốc Xiêm và La Hộc. Cuối cùng La Hộc cường thịnh hơn, tiến chiếm đất Xiêm, hợp nhất thành quốc gia là Xiêm – La (năm 1257 TL). Sau cuộc Cách mạng tư sản năm 1932, thành chính thể Quân chủ Lập hiến, lấy tên là Thái Lan, có nghĩa là Tự do. Nói theo văn chương là “Đất nước thanh bình với những nụ cười”.

Về Phật giáo theo truyền sử, được truyền vào Thái trong 4 giai đoạn và 4 hướng, như :

a- Vào năm 304 Tr TL truyền từ Ấn Độ theo đường biển, do các nhà truyền giáo do vua Asoka phái đi qua sự lãnh đạo của Mogalan Tissa (Mục Liên Đế Tu) hướng dẫn. Theo sử Tích Lan có 09 đoàn, trong đó có một đoàn do Ngài Uttara hướng dẫn đi hoằng hóa xứ Kim địa, Thái Lan rồi đến Việt Nam (ghi dấu Đồ Sơn – Hải Phòng vẫn còn di tích).

b- Phật giáo du nhập từ Indonesia (Nam Dương) và Campuchia vào những năm 804 TL (thế kỷ thứ VIII), mang hình thức là Phật giáo Đại thừa, thuộc triều đại Srivijaya. Còn từ Campuchia là triều đại Suriavacman thứ nhất.

c- Phật giáo từ Miến truyền vào Thái Lan năm 1044 TL, do vua Anavrata triều đại Pagan chỉ đạo và phát huy liên kết hai nước Thái – Miến, như vua Anavrata của Miến sau khi xây dựng xong vương triều Pagan hùng mạnh đã thôn tính nhà nước của người Môn ở phương Nam, đã thỉnh một số cao Tăng của Thượng tọa bộ sang Pagan thực hành cải cách Phật giáo, phát triển Thượng tọa bộ. Từ đó, Phật giáo phát triển mạnh ở Miến Điện, lan ra các khu vực xung quanh. Sau khi tiếp thu văn hóa người Môn, người Thái theo tín ngưỡng tôn giáo người Môn là Thượng tọa bộ, do đó thời kỳ này Phật giáo Thái Lan ảnh hưởng mạnh Phật giáo Miến vùng Pagan.

d- Phật giáo du nhập vào Thái từ Srilanka. Ngoài việc các nhà sư Miến thời vương triều Pagan sau khi du học Phật pháp ở Srilanka rồi trở về truyền bá Phật pháp ở Miến, rồi sang truyền bá Phật pháp ở Thái Lan. Cụ thể, như Tỳ kheo Rahula dưới vua Ram Kham Hẻng tin tưởng cho mời các sư dòng Srilanka đến hoằng dương Phật pháp ở thành Xu Khổ Thay. Khi Phật giáo Thượng tọa bộ phát triển, thì Phật giáo Đại thừa dần dần yếu thế, lu mờ và cuối cùng bị diệt vong.

Hiện nay, Phật giáo Thái Lan do Hòa thượng Somdet Phra Bud- dhacarya Tăng thống pháp Maha Nikaya và Hòa thượng Somdet Phra Nyanasamvara và Phra Thesaravatee Tăng thống, Phó Tăng thống phái Thamayutt lãnh đạo. Phật giáo Thái Lan hiện có 4.700.000 tu sĩ, 70.000 tu nữ và 52.000 Phật học Viện trong toàn quốc. Phật giáo Thái Lan có hai phái. Thời vua Rama IV là Maha Kong Kut (1851 - 1861), pháp danh Kim Cang Trí (Vaja Nàra) chủ trương chia Phật giáo Thái Lan làm hai phái Thamayut Nikaya (Thượng tọa bộ Hoàng gia, năm 1862), trụ sở đặt tại chùa Bovoniwet và phái Maha Nikaya Đại chúng bộ có từ khi lập quốc năm 421 TL, trụ sở đặt tại chùa Mahathat thủ đô Bangkok. Cả hai đều có Trường Đại học Phật giáo và bệnh viện riêng, cũng như một số công trình văn hóa giáo dục nổi bật của Phật giáo Thái Lan khắp cả nước.

2.5. Phật giáo Campuchia. Cũng như các nước khác ở vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Phật giáo có thể truyền đến Campuchia rất sớm, có thể tính từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 6 (550 TL), Campuchia bị Ấn Độ hóa hoàn toàn. Do đó, trong quá trình các thương nhân từ Ấn Độ sang buôn bán với Campuchia, dĩ nhiên, họ mang theo những nhà truyền giáo Ấn Độ và một số là chư Tăng Phật giáo Nam truyền. Vì vậy, Phật giáo giai đoạn đầu chưa rõ nét, mà Bà La môn giáo thì rõ nét hơn.

Sau khi vua Phù Nam là Trúc Chiên Đàn (Candam) qua đời, không có con nối ngôi, Hội đồng nhiếp chính đã rước vua Phù Nam sinh sống ở Nam Thiên Trúc là Kiều Trần Như về nước, mà Kiều Trần Như là người theo đạo Bà La Môn, do đó Bà La Môn giáo thịnh hành ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên.

Song đến khi hậu duệ của Kiều Trần Như nối ngôi là Xà Da Bạt Ma (Jayavarman), là người sùng kính đạo Phật, Ngài đã thỉnh các sư dịch kinh Đại thừa, một số kinh Tiểu thừa và cho sứ giả đi đường biển sang cảng Quảng Châu v.v… đến triều đình dâng lễ cho các vua Trung Quốc nhà Lương và vua nhà Tề tặng Kinh điển do chư Tăng Đại thừa dịch tại Vương Quốc Khmer (Campuchia). Qua đó, cho thấy Phật giáo phát triển ở giai đoạn hai là Phật giáo Đại thừa từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XIII.

Khi vua Phù Nam là Xà Da Bạt Ma băng hà, vào khoảng thế kỷ XIII (1219), dưới thời vua Xà Da Bạt Ma thứ 8, thì Phật giáo Thượng tọa bộ được Truyền đến Campuchia một cách mạnh mẽ, gồm hai luồn. Tăng nhân người Môn của Miến đưa Tăng đoàn Srilanka đến cải cách Phật giáo Campuchia, và Tăng đoàn Thái Lan cũng đưa Tăng đoàn Sril- anka vào phát triển hệ phái Phật giáo Srilanka tại Campuchia. Cho đến thế kỷ XIV (1307 TL) sau khi vua Thất Lỵ Nhân Đà La Bạt Ma nhường ngôi cho người họ hàng là Nhân Xà La Đà La Bạt Ma rồi ông xuất gia tu Phật. Việc Thất Lỵ Nhân Đà La xuất gia làm cho Phật giáo Thượng tọa bộ có cơ sở vững chắc cho sự phát triển vì được Hoàng gia ủng hộ.

Đến thế kỷ XIX (1861) dưới triều vua Rama IV – Mongkut Bang- kok Thái Lan, cho hình thành phái Hoàng gia, gọi là Thamayut Ni- kaya – Pháp Tạng bộ và Maha Nikaya (Đại chúng) có từ năm 421TL. Đến năm 1864, phái Hoàng gia truyền sang Campuchia, hình thành hai phái Thamayut Nikaya và Maha Nikaya (Đại Chúng bộ). Rồi đến năm 1890, Hoàng gia Campuchia cho truyền sang Việt Nam, chủ yếu là tỉnh An Giang. Hiện nay có 28 cơ sở, Trung tâm là chùa Prey Veng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, tạo cho Phật giáo Nam tông tại Việt Nam có hai phái Thamayut Nikaya và Maha Nikaya. Cho đến năm 1975, khi Khmer đỏ chiếm chính quyền Phnom Penh, thì trong thời gian 5 năm dưới quyền cai trị của Khmer đỏ, Phật giáo Campuchia cả hai phái đều bị tiêu diệt hoàn toàn.

Năm 1979, Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế giải phóng Campu- chia, phục hồi Phật giáo Campuchia. Năm 1980, phái đoàn Phật giáo Nam tông Việt Nam sang Campuchia làm lễ xuất gia cho 08 vị sư còn sống sót. Trong đó có Hòa thượng Um Sum, Hòa thượng Tep Vong

… Ngày nay, Phật giáo Campuchia đầy đủ hai bộ phái. Phái Thama- yut Nikaya do Hòa thượng Bourkry (từ nước Pháp trở về) làm Tăng thống; phái Đại chúng do Hòa thượng Tep Vong làm Tăng thống và hoạt động càng ngày càng phát triển ổn định dưới sự ủng hộ của Quốc vương Norodom Sihanouk, kế đến là Quốc vương Sihamuni (con vua Sihanouk). Phật giáo Campuchia có phái Thamayut Nikaya trụ sở là chùa Butom và phái Maha Nikaya có trụ sở là chùa Ounalom tại thủ đô Phnom Penh có 01 Học viện Phật giáo Hoàng gia, 01 Viện Nghiên cứu Phật học Hoàng gia tại thủ đô Phnom Penh và 16 Trường Trung cấp Phật học tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như các công trình văn hóa nổi bật là chùa Vàng, chùa Bạc tại thủ đô Phnompenh và Angkor Vat, Angkor Thom ở Xiêm Riệp v.v… Hiện nay Phật giáo Campuchia có 58.828 Sư sãi, 9.018 Tự viện. Trong đó, phái Thama- yutt có 1.319 Sư sãi và 126 Tự viện. Phái Maha Nikaya có 57.509 Sư sãi và 1.319 Tự viện.

2.6. Phật giáo Việt Nam

Theo sử liệu hiện hữu đáng tin cậy, mang tính khoa học lịch sử và cổ ngữ, khảo cổ học, cho thấy Phật giáo được tượng hình vào những thế kỷ trước công nguyên qua sự kiện Đại sư Phật Quang cùng Chữ Đồng Tử hành đạo tại núi Quỳnh Viên (Cửa Sót, Cửa Nam Giới), nay là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp theo là Khâu Đà La vào thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch (189), Khương Tăng Hội thế kỷ thứ III sau Tây lịch (220), Chi Cương Lương (TL thứ 4, 320). Tất cả đều đi bằng đường thủy từ Ấn Độ truyền sang, và Nam Dương, Mã Lai truyền vào Trung bộ, Champa và Bắc bộ, hiện nay còn di tích tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Thứ đến là đường bộ từ Trung Quốc sang, như Pháp sư Đàm Hoằng (425 TL), Đạo Thiền, Dhammadeva (550 TL), Tỳ Ni Đa Lưu Chi (580 TL), Vô Ngôn Thông (820 TL) v.v…

Qua đó cho thấy Phật giáo vào những thế kỷ đầu cho đến thế kỷ thứ X, thuộc Đinh, Tiền Lê (969-9009 TL), Phật giáo mang màu sắc Mật tông, dù có tư tưởng Thiền, tạm gọi là Thiền Mật song hành, chủ đạo vẫn là Mật tông. Thời Lý (1010 - 1225), Phật giáo mang đậm màu sắc của ba dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (580), Vô Ngôn Thông (820) và Thảo Đường (1069). Do đó, có thể nói Phật giáo thời Lý mang đậm màu sắc Thiền Trí thức, ẩn tàng Tịnh độ và cả Mật giáo, nhưng nổi bật là Thiền Tịnh, gọi là Thiền Tịnh song hành, Tịnh độ hóa nhân gian.

Tiến sang Phật giáo thời Trần (1225 – 1400), do vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành chứng ngộ, gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, Vua Phật Việt Nam, đã thống nhất ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1299), thống nhất Phật giáo thời Trần thành một mối, gọi là Giáo hội Trúc Lâm, trụ sở đặt tại chùa Quỳnh Lâm – Đông Triều, Quảng Ninh. Cơ quan văn hóa và Đại học Phật giáo đầu tiên đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm – Đức La, Lạng Giang nay là Bắc Giang.

Cuối cùng đến thời Hậu Lê, Tây Sơn, Triều Nguyễn v.v… do hoàn cảnh chiến tranh, nô lệ thực dân phương Bắc, phương Tây nên Phật giáo tiềm ẩn trong dân gian làng mạc, núi rừng. Tuy nhiên, tinh thần và sức sống tiềm tàng của Phật giáo vẫn còn, đã tạo thành tinh thần hộ quốc an dân, đánh thắng bao đế quốc phương Bắc, phương tây như Pháp, Mỹ… thống nhất đất nước Việt Nam.

Trong thời gian dài gần 2000 năm này, Phật giáo Việt nam có 03 lần thống nhất:

a. Năm 1299, thống nhất các Thiền phái Phật giáo là Giáo hội Trúc Lâm;

b. Năm 1950, thống nhất Phật giáo ba miền Bắc, Trung, Nam thành Tổng hội Phật giáo Việt Nam;

c. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập năm 1981, thống nhất các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo đang sinh hoạt tại Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử tên vàng, là đỉnh cao của thời đại.

Phật giáo ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong các mối quan hệ trong và ngoài nước, do cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Tâm Tịch và hiện nay là Đức Pháp chủ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ lãnh đạo tối cao GHPGVN và Hội đồng Trị sự điều hành công việc Phật sự của GHPGVN toàn quốc là cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Trí Tịnh Chủ tịch Hội đồng Trị sự, nay Quyền Chủ tịch HĐTS là Hòa thượng Thích Thiện Nhơn. GHPGVN có 62 đơn vị Phật giáo Tỉnh, Thành hội và hơn 500 Quận, Huyện hội trong cả nước, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và 4 Trường Đại học Phật giáo, 31 Trường Trung cấp Phật học, và hơn 1.000 Trường, lớp Tiểu học; Có hơn 100 Tăng Ni có học vị Tiến sĩ, trên 400 Thạc sĩ và hàng ngàn Tăng Ni có trình độ Trung học, Cử nhân Phật học. Về Tăng, Ni có thể lấy Phật giáo thời Trần làm sự so sánh. Phật giáo đời Trần hơn 30.000 Tăng Ni, ngày nay là 49.278 Tăng Ni; Cơ sở tự viện Phật giáo đời Trần 20.000 tự viện, ngày nay 17.387 cơ sở tự viện trong toàn quốc (Một số cơ sở bị chiến tranh tàn phá chưa phục dựng lại, một số chưa đăng ký, gia nhập GHPGVN); Về sắc thái Phật giáo trong ngôi nhà chung GHPGVN là Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, Phật giáo Khất sĩ, Phật giáo người Hoa, Phật giáo người Chăm; Truyền thống tu tập là Thiền tông Nguyên thủy, Thiền Trung Hoa – Tổ sư Thiền, Thiền phái Trúc Lâm, Pháp môn Tịnh độ, Đạo tràng Pháp Hoa, Đạo tràng Dược sư, Đạo tràng Đại Bi, Kim Cang Thừa v.v… sinh hoạt hài hòa, ổn định trong sự đoàn kết hòa hợp các hệ phái Phật giáo, các pháp môn tu học biệt truyền đúng chánh pháp được Hiến chương GHPGVN qui định và bảo đảm duy trì.

Trong lĩnh vực quốc tế hiện nay, GHPGVN có các Hội Phật tử Việt nam tại Pháp, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary, Đức, Ucraina, Liên bang Nga và Nhật Bản đang hoạt động có kết quả hữu hiệu, làm gạch nối GHPGVN với các nước trên thế giới.

2.7. Trong quá trình giao lưu, hội nhập Phật giáo Quốc tế cũng như khu vực

a. Trước hết phải nói rằng, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Cam- puchia, Lào, Myanmar là thành viên sáng lập Hội Phật tử Châu Á vì Hòa bình năm 1972, trụ sở đặt tại Ulanbato – Mông Cổ. Việt Nam và Lào đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành ABCP tại Hà Nội và Vientaine.

b. Đối với Tổ chức Liên minh Phật giáo Toàn cầu (IBC) dưới sự bảo trợ của Hội Asoka Misson, có trụ sở đóng ở New Deldhi - Ấn Độ. Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia là những thành viên sáng lập năm 2011.

c. Phật giáo Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanmar là những thành viên sáng lập Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp (WBC), có trụ sở đặt tại Kobe, Osaka, Nhật Bản, thành lập năm

1998, có 34 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của Hội. Tổ chức Hội nghị lần thứ hai (2000) tại Thủ đô Bangkok Thái Lan và lần thứ ba (2002) tại Phnompenh thành công rực rỡ.

d. Đối với Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới, thành lập năm 1950 tại Comlombo – Srilanka trụ sở đặt tại Comlombo, sau nầy trụ sở dời qua Rangoon, Myanmar, cuối cùng là Bangkok Thái Lan. Tất cả các nước Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Lào là những thành viên sáng lập tổ chức nầy. Campuchia, Thái Lan là hai nước từng đăng cai tổ chức Đại Hội hai năm một lần. Lần thứ VI (1960) tại Thủ đô Phnompenh và thứ 21 (2000) tại Bangkok Thái Lan. Đặc biệt năm 2014, trong kỳ Đại hội lần thứ 27 được tổ chức tại Tp. Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, GHPGVN đã tham dự với tư cách đặc biệt.

e. Về Ủy ban Tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ trước là IOC nay là ICDV – thành viên cố vấn Unessco Liên Hiệp Quốc. Trụ sở đóng tại Bangkok Thái Lan. Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar đều là thành viên sáng lập năm 2004. Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 02 lần Đại lễ Vesak năm 2008 và 2014.

f. Đối với giao lưu Giáo dục. Hiện nay Phật giáo Việt Nam là Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Phật giáo Thế giới. Trụ sở đóng tại Trường Đại học Mahachulalongkorn, Vương quốc Thái Lan. Hòa thượng Dharma Kosajorn là Chủ tịch.

g. Trường Đại học Phật giáo Nguyên thủy Quốc tế Myanmar hằng năm đều tiếp nhận Tăng Ni sinh, tu nữ, Phật tử Việt Nam theo học. Đến nay đã đào tạo được 23 Tăng Ni, Tu nữ, Phật tử có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học.

Ngoài ra, Chính phủ Myanamr còn tặng 02 bằng Đại Pháp sư Chánh Pháp Quang Minh cho Hòa thượng Danh Nhưỡng và Hòa thượng Thích Thiện Tâm là hàng giáo phẩm cao cấp GHPGVN. Trường Đại học Mahachulalongkorn Vương quốc Thái Lan đã tặng bằng tiến sĩ danh dự cho Quý Hòa thượng GHPGVN từ năm 1997 đến nay như HT. Thích Minh Châu (1997), HT. Thích Trí Quảng (2008), HT. Thích Thiện Nhơn (2009), HT. Thích Đạt Đạo (2010), HT. Thích Thiện Tâm, TT. Thích Nhật Từ, GS. Lê Mạnh Thát (2011), HT. Thích Đức Thanh (2013) v.v…

Được sự giúp đỡ của Cục Tôn Giáo Quốc vụ viện Trung Quốc, Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam đã giới thiệu 28 Tăng Ni theo học tại Đại học Sư phạm Hoa Trung Hoa Đông, Vũ Hán, Phật học viện Phúc Kiến, Mân Nam, Hạ Môn v.v…

h. Trong các mối giao lưu văn hóa thế giới, Việt Nam, Campuchia, Hồng Kông là những nước sáng lập Hội Hữu Nghị Giao lưu Văn hóa Châu Á, do Hòa thượng Đại Nguyện Trụ trì chùa Lục Tổ Quảng Đông Trung Quốc làm Chủ tịch, có văn phòng đặt tại Hồng Kông đã tổ chức Hội thảo lần thứ nhất tại Campuchia, lần thứ hai tại Hồng Kông thành tựu tốt đẹp.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ v.v… hoạt động có hiệu quả, tạo được mối giao lưu văn hóa, quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực.

i. Phật giáo Campuchia đã giúp Phật giáo Việt Nam thỉnh 358 bộ Đại Tạng Kinh và hơn 100 đầu sách đủ loại bằng chữ Khmer cho chư Tăng, Phật tử nghiên cứu đọc tụng và làm Pháp bảo tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phật giáo Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn Phật giáo thăm hữu nghị, hành hương, tham dự các Lễ hội mang tính văn hóa và hữu nghị. Nhất là các Thiền sư Phật giáo Myanmar sang giảng thiền tại các thiền đường của Phật giáo Việt Nam.

j. Về quan hệ Tổ chức Hội đoàn. Hiện nay GHPGVN có mối quan hệ mật thiết với Hội Phật tử Việt Nam tại Vientaine và Pasé, Savanakhet Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, do Hòa thượng Tánh Nhiếp và Thượng tọa Minh Quang lãnh đạo. Văn phòng đặt tại chùa Phật Tích, Bàng Long thủ đô Vientaine và chùa Trang nghiêm, chùa Bảo Thắng tại Tp. Pasé.

Tại Campuchia, có Giáo hội Phật giáo Maha Nikaya Annam, do Hòa thượng Từ An Lạc làm Hội trưởng, Văn phòng đặt tại chùa Quan Âm, Tp. Phnom Penh.

Tại Thái Lan, có 12 chùa Maha China NiKaya của người Hoa, 18 chùa Maha Annam Nikayan của người Việt tại thủ đô Bangkok. GHPGVN có 18 Tăng sinh đang lưu trú tại chùa Cảnh Phước, Sùng Phước để theo học tại Trường Đại học Maha Chulalongkorn Vương quốc Thái Lan, đồng thời đang tiến hành thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Thái Lan, Campuchia và Myanmar, Trung Quốc để tạo mối quan hệ hợp tác đồng bộ trong lãnh vực quan hệ quốc tế và Phật giáo trong cộng đồng Châu Á, Asean nói chung trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

3. KẾT LUẬN

Tóm lại, đối với Phật giáo 6 nước Tiểu vùng Mê-kông, đều thấy rõ là hai nước Việt Nam, Trung Quốc thuộc Phật giáo Bắc truyền. Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào thuộc Phật giáo Nam truyền. Điểm đồng nhất là Phật giáo truyền vào các nước từ đầu thế kỷ, bằng hai ngã đường thủy và đường bộ, đồng thời lấy Phật giáo Ấn Độ làm Trung tâm điểm theo hai hướng khởi hành là Đông Nam, Đông Bắc Ấn Độ để xuất phát.

Phật giáo 6 nước Tiểu vùng Mê-kông dù khác nhau về chính thể, sắc thái Phật giáo, nhưng trên tinh thần cộng thông, cùng sống chung hòa bình, nhất là trong nền giáo lý Từ bi, Trí tuệ, Hỷ xả và bao dung của đạo Phật. Cho nên, từ khi hiện diện trên đất nước bản địa đã không xảy ra một điều gì đáng tiếc cho Phật giáo, trái lại còn tạo được sự đoàn kết với nhau trong phạm vi quốc nội, cho đến cộng đồng quốc tế và có thể nói khi đề cập đến Phật giáo châu Á, thì điều trước nhất là đều lấy Phật giáo 6 nước Tiểu vùng Mê-kông làm điển hình cho sự tồn tại và phát triển trong khu vực và thế giới. Tiềm năng và sự phát triển các mặt văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, tổ chức nghiệp vụ, du lịch v.v… luôn luôn được phát huy, tạo thế nội lực và ngoại lực cho đất nước phát triển không ngừng qua ngõ ngoại giao, hoạt động tôn giáo trong khu vực. Tạo được thế ổn định và hòa bình lâu dài cho dân tộc các nước và thế giới qua sự vận dụng, áp dụng giáo lý đạo Phật vào đời sống, sự sinh hoạt, giao lưu, tiếp cận các luồn văn hóa bản địa và ngoại nhập một cách nhuần nhuyễn, hài hòa có chọn lọc, để nuôi sống văn hóa tâm linh, vật thể, phi vật thể của Phật giáo và dân tộc mỗi nước trong hiện tại và mai sau ở thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo của nhân loại và thế giới trên hành tinh này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Trung Quốc, tb, 2011.

2. Nguyễn Lang, Sử luận Phật giáo Việt Nam, NXB Văn học, tb, 2008.

3. Lê Mạnh Thát, Lược sử Phật giáo Việt Nam, NXB Tôn giáo, 2006.

4. Nguyễn Thị Quế, Lược sử Phật giáo Thái Lan, NXB KHXH, 2007.

5. Trần Khánh Dư, Lược sử Phật giáo Nam truyền các nước, NXB Tôn giáo, 2006.

6. Thích Nguyên Tạng, Phật giáo khắp thế giới, NXB Phương Đông, 2006.

7. Lịch sử Myanmar, Vũ Quang Thiên, NXB KHXH – Hà Nội (2005)

8. Nguyễn Văn Thoàn, Phật giáo Lào dưới góc nhìn văn hóa, ĐHQG, Hà Nội, 2006.

9. Lê Hương, Người Khmer gốc Việt, Sài gòn, 1966.

10. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam bộ: Vấn đề cần nhìn lại, Viện KHXH – Viện NCTG, 2008.

11. Lữ Vân, Tôn giáo ở Trung Quốc, NXB Tôn giáo, 2003.

12. Trần Quang Thuận, Phật giáo Trung Quốc, NXB Tôn giáo, 2008.

13. Lê Văn Quang, Vương Quốc Thái Lan, NXB Tp. HCM, 1995.

14. Pháp sư Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới (Nam truyền), NXB ĐH&GDCN 1992, bản dịch Thích Thanh Ninh.

15. Tài liệu Ủy ban Quốc tế Mê-kông, 5/4/2014.

 


*. Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 7
    • Số lượt truy cập : 6704311