Thông tin

PHẬT GIÁO TỈNH NGHỆ AN

THÀNH TỐ TÍCH CỰC CỦA  GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

                                       

HT. THÍCH GIA QUANG*

 

1. Xứ Nghệ, mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của truyền thống anh hùng cách mạng

Nghệ An nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, phía bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía tây giáp Lào, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Vinh, nằm cách thủ đô Hà Nội 291km về phía nam. Suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, xứ Nghệ đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Mai Hắc Đế, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Xí, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Phạm Hồng Thái...Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một nhà yêu nước lớn, một danh nhân văn hóa thế giới và anh hùng giải phóng dân tộc.

Từ thế kỷ thứ VIII, Mai Hắc Đế đã phất cao cờ chính nghĩa, xây thành Vạn An để chống lại ách thống trị của nhà Đường. Năm 1285, trước họa xâm lăng của quân xâm lược Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã dựa vào nguồn nhân lực hùng hậu của vùng đất này. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, năm 1424, Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An lập đại bản doanh ở đây 4 năm. Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ trên đường hành quân cấp tốc ra Bắc để đánh đuổi quân Thanh xâm chiếm nước ta, ông đã dừng lại ở Nghệ An tuyển thêm quân sĩ. Những tân binh này được tổ chức thành cánh Trung quân, do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, đã hăng hái thần tốc tiến ra Thăng Long, góp phần làm nên chiến công vang dội ở Ngọc Hồi, Đống Đa giữa tết năm Kỷ Dậu (1789). Trong buổi đầu chống thực dân Pháp, dưới ngọn cờ của tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn và Phó bảng Lê Doãn Nha, nhân dân Nghệ An đã dấy lên một trong trào kháng Pháp mạnh mẽ, đứng hàng đầu trong cả nước. Vùng đất Nghệ An là nơi ghi dấu ấn đầu tiên của truyền thống đấu tranh cách mạng vô sản ở Việt Nam với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, mở đầu cho cao trào cách mạng vô sản trong cả nước. Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, Nghệ An là quê hương của các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”,… để góp phần mình cùng cả nước đi đến toàn thắng mùa xuân năm 1975. Đặc biệt, Nghệ An tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy nhiệt huyết yêu nước, đã bôn ba hải ngoại, với khát vọng tiếp thu cái hay, cái mới, để cứu nước thắng lợi và sau này đã trở thành một lãnh tụ thiên tài, người đã làm rạng danh non sông gấm vóc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghệ An còn là một trong những địa phương có tổ chức lực lượng thanh niên xung phong sớm nhất và số lượng đông nhất cả nước, bám trụ ở các địa điểm ác liệt, gian khổ. Truyền thống anh hùng của nhân dân Nghệ An nơi được mệnh danh là cái nôi của phong trào yêu nước, là hành trang, nền tảng tinh thần, là động lực cho người dân Nghệ An vươn lên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong sự nghiệp cách mạng ngày nay, người dân xứ Nghệ cũng góp phần xứng đáng đối với cả nước trong việc xây dựng quê hương mình nhanh chóng trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, đầy tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong truyền thống cách mạng anh hùng của xứ Nghệ, chúng ta không thể không nhắc tới những đóng góp của Phật giáo tỉnh nhà trong truyền thống vẻ vang ấy. Trong các cuộc trường kỳ kháng chiến, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nghệ An nói riêng đã đồng hành cùng dân tộc. Nhiều nhà sư đã tạm gác áo Cà sa mặc áo lính, thành anh bộ đội Cụ Hồ. Nhiều ngôi chùa là cơ sở cách mạng, là nơi che dấu, nuôi dưỡng cán bộ, thương bệnh binh, là địa chỉ đáng tin cậy của cách mạng xứ Nghệ.

Cùng với những trang lịch sử oai hùng, xứ Nghệ cũng có rất nhiều di tích, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia, xếp hạng cấp tỉnh như Khu Di tích Kim Liên, Khu di tích Truông Bồn, đèn Bà Bụt … ngoài ra, Nghệ An có truyền thống hiếu học, có nhiều dòng họ, nhiều làng học nổi tiếng, là cái nôi sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lương thần, nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá có tầm cỡ quốc gia và quốc tế càng khẳng định xứ Nghệ là một vùng “địa linh nhân kiệt”.

2. Phật giáo Nghệ An: những chặng đường đã qua

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo tại Việt Nam, đạo Phật đã được phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân xứ Nghệ, mỗi làng xã đều có chùa để thờ Phật, đặc biệt khi vua Trân Nhân Tông về đây chiêu mộ binh sỹ đánh đuổi quân Nguyên Mông, thời kỳ này nhiều chùa đã được vua ban chiếu xây dựng và khuyến khích nhân dân công đức lập chùa.

Trong thời gian vua Lê Lợi lập đại bản doanh cũng như thời kì vua Quang Trung tiến quân ra thành Thăng Long cũng đã dựa vào cơ sở chùa chiền để đóng quân và huấn luyện binh sỹ.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhất là trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ khốc liệt trên cả hai miền Nam-bắc, với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì Miền Nam thân yêu” cả nước đang dồn sức người, sức của để giải phóng miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi: "cởi Cà sa khoác chiến bào" của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam phát động, nhiều vị sư trẻ đã tòng quân ra tiền tuyến.

Đây cũng là giai đoạn hết sức khó khăn của Phật giáo tỉnh Nghệ An bởi ai cũng biết thực trạng lúc đó. Các chùa trong tỉnh chỉ còn lại rất ít vị Tăng ni tuổi cao, các chùa hoạt động tự phát, sinh hoạt theo sơn môn pháp phái.

Nghệ An là tuyến lửa đạn bom trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ vì thế khi chiến tranh kết thúc, cơ sở vật chất của Nghệ An chỉ là đống ngổn ngang đổ vỡ. Trong hoàn cảnh đó, các cơ sở thờ tự của Phật giáo tại Nghệ An cũng không còn, tiếng chuông tiếng mõ, hình dáng của Tăng ni, Phật tử chỉ còn lại trong tâm thức của mỗi người dân.

Tưởng rằng mất hết dấu tích của Phật giáo nơi xứ Nghệ, song cũng như sức sống bền bỉ của con người Nghệ An, chùa Cần Linh tại thành phố Vinh còn lại tương đối nguyên vẹn và là ngôi chùa duy nhất tại Nghệ An có sư trụ trì, mãi đến năm 2009 - 2010 mới lại có sư về Nghệ An trụ trì tiếp một số chùa để chuông mõ lại được vang lên, để rồi thành lập Tỉnh hội Phật Giáo Nghệ An trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật tử xứ Nghệ lại tập trung về đây để củng cố đạo lực sau bao năm chiến tranh gian khổ, từng bước khôi phục phát triển, lan toả về những phế tích Phật giáo vùng quê. Phật tử Nghệ An đã từng bước khắc phục khó khăn, góp công, góp của xây am làm thất, dựng chùa để tôn trí thờ Phật, tiếp tục duy trì mạng mạch Phật pháp của tổ tiên.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước. Ni Trưởng trụ trì chùa Cần Linh đã được suy cử tham gia Uỷ viên Hội đồng trị sự khoá I. Tuy nhiên do sự tàn phá hết sức nặng nề của chiến tranh, do chưa có thuận duyên nên phải đợi đến dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nghệ An mới hoàn tất các thủ tục cần thiết để cho ra đời tổ chức Phật giáo. Tuy muộn so với nhiều địa phương trong cả nước nhưng Phật giáo Nghệ An bước đầu cho thấy dấu hiệu của sự phát triển. Tuy có lúc ở cao trào phát triển, có lúc ở thời khắc khó khăn do chiến tranh kéo dài, nhận thức tôn giáo còn có mặt hạn chế đã ảnh hưởng đến nền văn hoá tâm linh, nhưng hôm nay mạch đạo Pháp nơi đây lại được khơi lại.

Đây chính là minh chứng hùng hồn để khẳng định sức sống của đạo Pháp mãi mãi trường tồn và tôn vinh trong đời sống xã hội.

Lịch sử hơn 2000 năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam là cả một chặng đường dài gắn bó cùng vận mệnh dân tộc. Những vị Tăng ni của Giáo hội nói chung, của tỉnh nhà nói riêng kể từ ngày đầu luôn làm tốt việc hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, sống đời sống tu hành mẫu mực, thực hiện tốt đời đẹp đạo Bất cứ thời kỳ nào, cũng đều có những bậc chân tu làm tốt những điều răn dạy của đức Phật để không phải hổ thẹn với những mong muốn của Ngài và làm rạng danh Phật giáo Việt Nam.

Nhiều Tăng ni thuộc Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An thực sự là những tấm gương về bậc chân tu chân chính. Mặc dù vậy, các vị lại hết sức giản dị, thể hiện rõ tinh thần Từ - Bi - Hỷ - Xả của Phật giáo. Tăng ni, Phật tử Nghệ An với truyền thống cách mạng của mình đã có ý thức tiếp nối truyền thống của các bậc tiền bối, Tổ sư, một lòng một dạ tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội, quốc phòng,...đều có bóng dáng của Tăng ni Phật tử, trong số đó không hiếm những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc, nhân dân, rất xứng đáng với truyền thống yêu nước, hộ quốc an dân của các bậc tiền bối trong suốt chiều dài lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam. Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế, đồng thời khẳng định niềm tin của Phật giáo Việt Nam vào chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Phật giáo Nghệ An: Hiện tại và tương lai

Những năm đầu của thế kỷ XXI, Phật giáo Nghệ An đã cùng với Phật giáo cả nước có những bước chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của thời đại cũng như sứ mệnh của Phật giáo đối với dân tộc. Việc ra đời Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh là thời điểm đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trên bước đường hội nhập và ngay tại Đại hội Phật giáo Nghệ An lần thứ nhất có thể nói Phật giáo Nghệ An đã hoàn toàn hội nhập vào con thuyền lớn của Phật giáo nước nhà, thực sự là thành tố tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã chứng minh tiềm năng, sức mạnh và khát vọng vươn lên của Phật giáo xứ Nghệ để góp sức mình của Phật giáo đối với dân tộc, với thời đại.

Với khoảng 2 triệu người là những tín đồ và người yêu mến Phật giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, con số này là một điều kiện vô cùng thuận lợi trong việc hướng dẫn đời sống sinh hoạt của cộng đồng Phật tử. Mặt khác đạo Phật hướng dẫn đời sống tâm linh của cộng đồng Phật tử hoàn toàn phù hợp với phong tục tập quán và truyền thống của người Việt Nam như việc thờ cúng ông bà, tổ tiên, những người có công với cộng đồng. Chính vì thế, thời gian qua số lượng Phật tử trong tỉnh ngày một tăng về số lượng và chất lượng. Phật tử ngày nay không chỉ tin theo và thực hành như một tín đồ thuần tuý nữa mà họ đều có những hiểu biết khá sâu sắc về đạo. Có thể nhận thấy rằng đức tin của Phật tử ngày nay bền vững hơn. Hằng năm cứ mỗi dịp xuân về khi mà các lễ hội Phật giáo bắt đầu vào mùa thì Phật tử trên khắp mọi nẻo đường đất nước lại nô nức kéo về lễ Phật, cầu an. Họ tập trung cầu nguyện cho hoà bình nhân loại, cho đất nước phồn vinh, cho gia đình và những người thân yêu của họ khoẻ mạnh, hạnh phúc. Cộng đồng Phật tử Việt Nam không chỉ đi lễ Phật, cầu xin mà họ còn thực hành lời Phật dạy mọi nơi, mọi lúc để sống đúng với tôn chỉ “tốt đời, đẹp đạo”. Trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, Phật tử cũng luôn thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như những lúc hoạn nạn. Phật giáo Nghệ An trong thời gian qua không chỉ hoạt động gói gọn trong phạm vi một tôn giáo mà còn góp phần tích cực vào các hoạt động xã hội khác, đặc biệt trong công tác từ thiện xã hội là một trong những hoạt động mang tính đạo đức tích cực, vừa đượm nét từ bi cứu khổ của đạo Phật, lại vừa đúng với chủ trương xoá đói, giảm nghèo của Đảng  và Nhà nước nên được Tăng ni Phật tử rất quan tâm hưởng ứng và Phật giáo Nghệ An thực sự là một trong những tỉnh tích cực của Giáo hội trong hoạt động này.

Với sự thấu hiểu rằng đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo, đạo Phật không phải chỉ có đức tin, niềm hy vọng vào tương lai và sự cầu nguyện, mà đạo Phật còn là một kho tàng tuệ giác với những phương pháp rất cụ thể có thể giúp nhân loại tháo gỡ, chuyển hoá những khó khăn, những khổ đau trong bản thân, gia đình và ngoài xã hội, khắc phục được tình trạng môi trường hiện nay đem lại sự yên vui cho nhân loại. Đạo Phật là con đường chuyển hoá, con đường đưa tới giải thoát giác ngộ và an lạc, Muốn tìm con đường giải thoát, con đường chuyển hoá đi tới giác ngộ, an lạc, từng người tích cực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường sống hiện nay, chúng ta phải thực tập Bát chính đạo. Phật giáo Nghệ An đã tích cực giáo dục Tăng ni, Phật tử vận dụng giáo lý Bát chính đạo để làm phương thuốc giải quyết vấn nạn trong cuộc sống, xã hội hiện nay.

Đức Phật đã ban cho chứng ta một khuôn mẫu sinh hoạt và cả một kho tàng chính pháp làm lợi lạc quần sinh, nhưng nó chỉ có thể có tác dụng hữu hiệu thông qua sự củng cố tổ chức, giới luật Tăng già và sự gia tăng chất lượng của các thành viên trong Giáo hội trong việc thực hiện phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu: “dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Phật giáo Nghệ An xứng đáng là thành tố tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Nghệ An, tháng 7.2012



*  Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng I, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6114155