Thông tin

PHẬT GIÁO TRONG “KHÔNG GIAN THIÊNG”

CỦA NGƯỜI XỨ NGHỆ


Ths. DƯƠNG THỊ THÙY LINH*

 

Đặt vấn đề

Nhiều người biết câu phương ngôn xứ Nghệ: “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần”, có nghĩa là xứ Thanh được dựa vào ân huệ của triều đình, người Nghệ lại dựa vào sự bảo hộ của thần linh.

Hippolyte Le Bereton nhận định trong công trình khảo cứu công phu của mình An - Tĩnh cổ lục về mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều triều vua, nhiều danh nhân văn hóa kiệt xuất: “Đất An – Tĩnh chẳng những là đất có nhiều truyền kỳ, mà còn là đất nổi tiếng trong lịch sử.”, “Nghệ Tĩnh là đất được lựa chọn của những vị thần bảo hộ. Và các vị ấy đều được thờ cúng một cách trang trọng vô chừng. Nghệ An lấy làm hãnh diện có bốn trong số những đền đẹp nhất ở An Nam: Đền Cần (đền Cờn), đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”[1]. Đại Nam nhất thống chí đã chép về đặc điểm đời sống tôn giáo vùng này: “…Không có chùa quán lớn, không làm chay làm tiếu linh đình, chỉ thờ thánh Khổng (từ phủ huyện đến xã thôn đều có văn chỉ), rất kính cẩn việc thờ thần. Phong tục vùng thượng du thì quê mùa, ở nhà sàn, mặc cả tấm vải, nhà nào cũng thờ ma, không ai dám phạm, nhất là dân phủ Trấn Ninh…”[2]. Nghệ An không chỉ là mảnh đất trọng yếu của nước Việt (ít nhất là cho đến thế kỷ XV) mà ở đây còn tồn tại một “không gian thiêng”, không gian tôn giáo tín ngưỡng đậm đặc có những nét đặc thù khu biệt với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng “ngoài Bắc”, trung tâm là Thăng Long - Hà Nội. Phật giáo Nghệ An chiếm một vị trí quan trọng trong suốt triều dài và chiều rộng của “không gian thiêng” ấy.

1. Về khái niệm "không gian thiêng" xứ Nghệ

Để có được chỗ dựa lý thuyết cho khái niệm “không gian thiêng của người xứ Nghệ” chúng tôi sử dụng khái niệm và những đặc trưng cơ bản mà E. Durkheim đã kết luận về cái thiêng khi ông nghiên cứu các hiện tượng tôn giáo và khái niệm không gian thiêng do GS.TS. Đỗ Quang Hưng đưa ra trong cuốn Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long – Hội và trong một số công trình khoa học gần đây với một không gian địa lý cụ thể là Thăng Long – Hà Nội.

Trước khi có các công trình nghiên cứu kể trên thì yếu tố thiêng, cái thiêng đã là một đặc điểm hiện hữu trong quan niệm của người Việt về cuộc sống, thể hiện trong phương thức ứng xử của họ với tự nhiên và thế giới con người. Người Việt vốn có một tâm thức tôn giáo sâu đậm như Cadière nhận xét: “Người Việt nói cho đúng sống trong thế giới siêu nhiên. Đại thể thì người Châu Âu khó mà hiểu được trạng thái tâm hồn này, vì nơi họ, khi tôn giáo chỉ còn là một số thực hành hay thậm chí một vài tin tưởng, thì thường đóng khung trong một vài giới hạn thời gian hoặc không gian và được họ dành cho một vài phút trong ngày của cuộc sống, một phần nhỏ trong hoạt động của họ. Người Châu Âu dẫu sùng đạo, thường vẫn sống với Thượng đế của mình. Người Việt, ngược lại cho dù giai cấp nào ngoại trừ một vài sản phẩm từ nền giáo dục hiện đại của ta, đều cảm thấy mình trực tiếp thường xuyên với các thần thánh trong thiên nhiên” [3].

“Cái thiêng tôn giáo” đã được các nhà nghiên cứu trước đó đề cập đến như tác phẩm Luận cương về Phơbách hay Chống Duyrinh của Mác và Engghen đã nghiên cứu và phê phán phạm trù này. Nhưng phải đến E.Durkheim thì phạm trù cái thiêng mới trở thành trung tâm, trong tác phẩm Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo, ông viết: “Tất cả các tín ngưỡng tôn giáo đã được biết tới, dù đơn giản hay phức tạp đều có cùng một tính chất chung: Chúng giả định một sự phân loại về các sự vật hiện thực hay tâm tưởng mà con người hình dung được thành hai loại đối lập nhau, nói chung được gọi bằng các từ ngữ khác nhau, thể hiện khá chính xác ở hai từ “cái thế tục” (Frofane) và “cái thiêng liêng” (Sacré). Sự phân chia thế giới thành hai lĩnh vực: lĩnh vực này bao gồm tất cả những gì thiêng liêng và lĩnh vực kia bao gồm tất cả những gì thế tục, là nét khu biệt của tư duy tôn giáo, tín ngưỡng, huyền thoại, chuyện ma quỷ, truyền thuyết, là những biểu tượng hay hệ thống biểu tượng thể hiện bản chất của các sự vật thiêng liêng, các tính năng và quyền năng được gán cho chúng, lịch sử của chúng, các quan hệ của chúng với nhau hoặc với các sự vật thế tục”[4].

GS.TS. Đỗ Quang Hưng khi đề cập đến khái niệm không gian thiêng đã nhấn mạnh rằng không thể chỉ hiểu đây là không gian trong các nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, chùa, đạo, quán… mà còn được hiểu theo nghĩa rộng là không gian tâm linh, không gian thiêng mà chính đời sống tôn giáo tín ngưỡng cộng đồng ấy tạo ra.

Là một vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, tập trung rất nhiều các di tích tôn giáo bao gồm các đình, chùa, đền, phủ đại diện cho một hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng khá đa dạng và có những nét tiêu biểu so với các tỉnh phía Bắc, mảnh đất Nghệ An ngay trong mình nó đã bao chứa một không gian thiêng đặc sắc đáng để chúng ta nghiên cứu.

2. Về đặc điểm “không gian thiêng”của người xứ Nghệ

2.1. “Không gian thiêng” xứ Nghệ được tạo nên từ lịch sử lâu đời

Nghệ An từ lâu đã là đề tài trong những công trình khảo cứu lịch sử chuyên sâu trong số đó phải kể đến Dư địa chí cử Nguyễn Trãi, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Nghệ Tĩnh tạp chí của Phan Huy Chú và Phan Huy Sảng, Hoan Châu phong thổ ký, Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn và cuốn An – Tĩnh cổ lục của Hippolyte Le Bereton viết năm 1935, 1936. Cũng trong cuốn An Tĩnh cổ lục mà chúng tôi đã dẫn, tác giả H. Le Bereton đã có những nhận định tinh tế và sâu sắc về lịch sử xứ Nghệ: “Tôi tin có thể khẳng định rằng không tỉnh nào đã đóng vai trò lớn hơn trong lịch sử của nước Đại Việt, ít nhất cho đến thế kỷ XV, như An – Tĩnh”, “Cho đến thế kỷ X, đất Nghệ Tĩnh đánh dấu giai đoạn quan trọng nhất của sự nghiệp Nam tiến của nòi giống An Nam”[5].

Những nghiên cứu khảo cổ đã tìm ra những bằng chứng cho thấy mảnh đất Nghệ An đã sớm có sự xuất hiện của con người từ thời kỳ đá mới. Mảnh đất này cũng là nơi gắn với tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng đứng đầu và Nghệ An cũng là một vùng đất giàu truyền thống Cách mạng, nơi đã sinh thành nhiều vị anh hùng dân tộc trong số đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh người là đại diện của tinh hoa văn hóa dân tộc, là kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Nghệ.

Có lẽ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử hào hùng mà các di tích tôn giáo ở vùng đất này thường gắn với những chiến công, những vị anh hùng dân tộc cụ thể, đất Nghệ An song song tồn tại hai chiều hướng thú vị đó là lịch sử hóa huyền thoại và huyền thoại hóa lịch sử khiến việc bóc tách những màn sương mờ ảo để tìm ra đâu là thực đâu là ảo là việc không hề dễ dàng cho các nhà nghiên cứu.

Đền Cuông tại núi Mộ Dạ, xã Diễn Anh, huyện Diễn Châu thờ phụng Thục An Dương Vương, bến nước nơi đây đã chứng kiến cái chết của An Dương Vương và sự sụp đổ của cả một triều đại. Tương truyền trước kia ở đây có nhiều chim công và ở gần và gần đó còn có Ngọc Khê, suối ngọc trai nơi có đền Ngọc Công thờ nàng công chúa bất hạnh, vì vậy ở cửa đền Cuông có đôi câu đối:

Linh truyền địa thắng, sơn văn tước, hải văn tê

Phân định thiên thư, bắc lưu cổ thành, nam hữu miếu

Dịch nghĩa:

Đất linh thiêng lưu truyền, núi còn lưu vẻ chim công, biển còn ngậm ngọc

Sách trời định phận, phía Bắc còn giữu cổ thành, phía Nam còn miếu thờ

Đền Cờntrên núi Quý Lĩnh cũng mang trong mình những huyền tích linh thiêng. Trong quá khứ, đền Cờn từng được coi là một trong bốn ngôi đền đẹp nhất An Nam (Trung kỳ) gồm đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng. Ngôi đền này được dựng lên để thờ Hoàng thái hậu triều Tống đã gặp nạn trên đường trốn chạy khỏi kẻ phản nghịch. Sau khi chết thi thể của bà tỏa ra một thứ thiên hương nên dân gian sùng kính mang bà về thờ. Đến năm thứ 19 (có sách ghi là năm thứ 12) đời Hưng Long (1311), vua Trần Anh Tông đã nghỉ lại cửa Cần này một đêm. Đêm đó nhà vua nằm mơ thấy vị Hoàng thái hậu nguyện âm phù nhà vua đánh giắc, nhờ thế, vua giành nhiều thắng lợi lớn. Nhớ ơn thần, vua ban cho bà danh hiệu Quốc gia Nam Hải đại càn Thánh nương.

Khi nghiên cứu không gian tôn giáo xứ Nghệ, nhiều học giả chú ý nhấn mạnh đến “yếu tố thiêng” , đến “hồn thiêng sông núi” như một đặc tính nổi bật của vùng đất này. Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí như sau: “Thế xứ Thanh, thần xứ Nghệ, nước Hưng Thái, ma Cao Lạng đều rất đáng sợ”[6]. TS. Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký cũng nhận định: "Núi Kim Nhan ở sách Kệ Trường, huyện Thanh Chương là ngọn núi có tiếng trong huyện, núi đá cao ngất trời, dáng rất nhọn như cây bút. Tục truyền người Giao Nam chết tinh khí đều hội tụ cả ở đó, nên gọi là núi Thu Tinh… Thu tận tinh anh khí, An Nam tiểu Thái Sơn”[7].

2.2. Không gian thiêng xứ Nghệ được tạo bởi một hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng, phong phú

Người Nghệ An vốn có truyền thống dung hợp tôn giáo, đây là vùng đất có nhiều hình thức tín ngưỡng nổi trội liên quan đến đạo Mẫu, thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là thờ các anh hùng dân tộc và tổ nghề, có hệ thống thần linh phong phú bao gồm cả nhân thần và nhiên thần, được bố trí đều khắp ở các địa bàn trong tỉnh. Chúng tôi xin nêu ra đây một số nét chính trong các loại hình tín ngưỡng tôn giáo Nghệ An:

- Thờ cúng tổ tiên: Cũng như mọi người dân Việt, người Nghệ An coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Có một khía cạnh đáng lưu tâm khi nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ đó chính là sự ảnh hưởng của dòng họ đến con người và đời sống tâm linh xứ Nghệ. Ở Nghệ An, họ nào cũng có nhà thờ họ, nhiều dòng họ lớn có công với nước đã xây dựng lên những nhà thờ họ tiêu biểu như họ Hồ ở Quỳnh Lưu, họ Nguyễn Cảnh ở Đô Lương, họ Nguyễn Đình ở Nghi Lộc, họ Ngô ở Diễn Châu, họ Phan ở Yên Thành. Nhiều dòng họ còn lưu giữ được hệ thống phong phú đồ sộ các thư tịch Hán Nôm, tộc phả, thần phả giá trị, những  tư liệu này là nguồn sử liệu quý giá cho nhiều nhà khoa học khi tìm hiểu về Nghệ An. Kính cẩn trong việc tế tự tại gia và dòng họ là truyền thống đẹp tạo nên sức mạnh cho con người Nghệ An trong quá khứ cũng như hiện tại.

- Thờ Thành hoàng làng: Người Nghệ An luôn tin vào sức mạnh của các vị thần, của một vùng đất được các thần linh lựa chọn, bảo hộ. Nhân dân vùng này đặc biệt coi trọng việc thờ cúng Thành hoàng làng. Xứ Nghệ hiện tồn một số lượng lớn các ngôi đình, đền, miếu, thậm chí trong các làng lớn, mỗi giáp hay mỗi xóm cũng có riêng một ngôi đình và vì thế cũng có một hệ thống về các vị thần bao gồm nhiên thần, thiên thần và nhân thần. Đặc biệt, nhân dân Nghệ An rất sùng bái các vị thần có công lớn với nước, với dân như An Dương Vương, Mai Thúc Loan, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Lý Nhật Quang, Hoàng Tá Thốn... Điều này chứng tỏ nhân dân rất trọng anh hùng, trọng chính nghĩa, yêu quê hương đất nước, biết ơn những người đã hy sinh bảo vệ mảnh đất Nghệ An và nước Việt thân yêu. Đó cũng là một căn nguyên sâu sa sản sinh ra những người con kiên trung anh dũng và một xứ sở anh hùng.

- Tín ngưỡng thờ Thổ địa: Tại Nghệ An bên cạnh bàn thờ tổ tiên, nhiều gia đình còn có một bàn thờ nhỏ thờ gia thần gồm thổ công, thổ địa và thổ kỳ. Có gia đình đặt ban thờ nhỏ trong nhà, cũng có những nhà đặt cây hương ở góc sân góc vườn, ngày giỗ, ngày tết đặc biệt là những lúc làm nhà, động thổ nhân dân thường thành tâm cúng vái.

Trong hệ thống tín ngưỡng kể trên, người Nghệ An có xu hướng nghiêng về các tín ngưỡng cổ truyền. Tục thờ Mẫu nổi lên như một nét trội trong đời sống tín ngưỡng xứ Nghệ. Tại Nghệ Tĩnh tồn tại hệ thống đền, điện, phủ miếu thờ mẫu Liễu như đền Nhà Bà, xã Hưng Đạo; đền Bà Chúa, xã Hưng Tây; điện Đức Thánh Mẫu, huyện Hưng Nguyên. Tỉnh Nghệ An có đền đức Thánh Mẹ, xã Phúc Thọ, phủ thờ Chúa Liễu, xã Nghi Yên, miếu Thánh Mẫu, xã Nghi Thạch huyện Nghi Lộc... Nhưng nổi tiếng hơn là đền thờ Ông Hoàng Mười, một nhân vật văn hóa có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ trong vùng. Trong các vị thần của đạo Mẫu, ông Hoàng Mười thuộc Ngũ vị hoàng tử. Tương truyền các ông hoàng đều là con trai Long Thần Bát Hải Đại Vương ở hồ Động Đình. Tuy nhiên, nhân gian gắn các ông với những nhân vật ở cõi phàm là những danh tướng có công dẹp giặc cứu nước. Nhân dân đã lịch sử hóa lai lịch của ông hoàng này, tương truyền ông là một viên quan đời Lê, gốc ở Nghệ An, vậy nên có thơ rằng:

Cánh hồng thấp thoáng trăng thanh

Nghệ An có đức thánh minh ra đời

Gươm thiêng chống đất chỉ trời

Đánh Đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung

Thanh xuân một đấng anh hùng

Tài danh nổi tiếng khắp vùng trời Nam

2.3 Không gian thiêng xứ Nghệ góp phần quan trọng trong việc đào luyện nên khí chất con người Nghệ An.

Kinh Lễ nói : “Người là tâm của trời đất và là chỗ hội của quỷ thần”. Tác giả Nghệ An ký cũng cho rằng khí thiêng đất trời có ảnh hưởng lớn đến tâm tính con người và việc đào luyện nhân tài, ông viết: “Người ta sống ở đời nếu khí của người hòa hợp được với sinh khí của trời đất thì có thể sinh sản được. Không hòa hợp được với khí của trời đất thì không sinh sản… Khi hòa hợp được với khí trong sạch, thanh thuần thì sinh ra người khôn ngoan tài giỏi”,“Song do đất có mạch từ xa kéo đến mỗi nơi một khác mà (tính người) bẩm thụ khí đó không giống nhau. Vùng có mạch đất từ Lâm An đến núi đẹp sông thêm mát cho nên người ở đây phần nhiều tính thuần hiền lành. Vùng mạch từ Quỳ Châu đến, núi hùng vĩ, sông chảy trì trệ, cho nên con người ở đây phần nhiều hào hùng dũng cảm”[8]. Tương truyền, Nguyễn Xí, người có công giúp vua Lê Thái Tổ mở nước được sinh ra tại một vùng đất thiêng có mạch đất của huyện Chân Phúc. Và từ Quỳ Châu xuống đồng bằng, mạch khí cương nên sinh ra nhiều vị tướng tài xông pha chiến trường... Có thể thấy sức mạnh tâm linh, sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống đã cho con người xứ Nghệ sức mạnh để vượt qua thiên tai khắc nghiệt và nhiều người trở thành tinh hoa của đất Việt.

3. Vài nét về Phật giáo Nghệ An trong không gian thiêng của người xứ Nghệ

3.1. Nghệ An có một nền Phật giáo có lịch sử lâu đời, gắn bó với vận mệnh dân tộc

Đến nay, chưa tìm được nguồn tư liệu chính xác về thời điểm Phật giáo truyền vào Nghệ An, nhưng qua các tự viện, phế tích cũng như trong tâm thức dân gian thì Phật giáo đã hiện diện trên đất này hàng ngàn năm.

Vào thời Lý, Nghệ An đã có trung tâm Phật giáo Đô Lương. Vùng Đô Lương đến nay vẫn còn lưu nhiều dấu vết Phật giáo như chùa Già ở xã Đà Sơn, chùa Bà Bụt ở xã Bạch Đường, chùa Vườn ở thị trấn Đô Lương. Nhiều địa danh gắn với chữ nhà Phật như Đà Lam, Phật Kệ, Bụt Đà, núi Già, chợ Già… nay đều thuộc xã Đà Sơn. Tương truyền, Tể tướng Lý Đạo Thành khi làm tri châu tại Nghệ An đã rước bộ Địa Tạng kinh vào thờ ở chùa Già để thường xuyên tụng niệm…

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng thì Phật giáo được truyền vào Đàng Trong từ đời nhà Trần. Đại Việt sử ký toàn thư và sau này là Nghệ An ký cho biết Tĩnh vương Trần Quốc Khang khi vào làm quản hạt ở Diễn Châu đã xây phủ đệ quá lộng lẫy ở làng Công Trung, sợ vua nghi ngờ nên tô tượng Phật để thờ. Này chính là chùa Thông ở núi Thàng, thuộc làng Phúc Tăng...

Còn một số nguồn tư liệu dân gian lại cho thấy những dấu tích đầu tiên của Phật giáo xuất hiện tại Nghệ An từ thời Bắc thuộc. Cũng theo nhân dân truyền lại thì Quỳnh Lưu có những chùa cổ như chùa Trả ở Quỳnh Dị, chùa Bình An ở Quỳnh Thiện, chùa Đồng Bạc ở Quỳnh Vi, chùa Lão ở Quỳnh Trang, chùa Ngô, chùa Mốt ở Quỳnh Diễn, chùa Củ ở Quỳnh Lập, chùa Nổ ở Quỳnh Lập, chùa Luốc ở Quỳnh Văn, chùa Sưởi ở Quỳnh Châu… hay tại Diễn Châu có chùa Luốc, chùa Am ở Diễn Đoài, chùa Lăng, chùa Cồn Sim ở Diễn Lâm… tại Yên Thành có chùa Tháp và chùa Vũ Kỳ. Đáng tiếc rằng hiện nay chúng ta khó có thể tìm được những vết tích của các ngôi chùa này.

3.2. Phật giáo Nghệ An nhập thế, đồng hành cùng dân tộc, cùng sự nghiệp vệ quốc và xây dựng quê hương.

Phật giáo Nghệ An luôn đồng hành cùng cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc. Những ngôi cổ tự xứ Nghệ đã nhiều lần chở che cho nghĩa binh Lê Lợi, Quang Trung. Cả hai vị vua lẫy lừng chiến tích đều sử dụng các cơ sở thờ tự Phật giáo để lập đại bản doanh, đóng quân, huấn luyện binh sĩ - với tâm thế “nhờ” Phật độ cho dẹp được giặc dã, thiên hạ thái bình (?).  

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc giữa thế kỷ XX, cũng với tinh thần nhập thế, Phật giáo đóng góp không nhỏ cho độc lập dân tộc. Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu, văn thân yêu nước tại Nghệ An, nhân dân đoàn kết tập hợp dưới lá cờ đại nghĩa, đấu tranh cho độc lập dân tộc. Nhiều ngôi chùa đã là nơi tập hợp quần chúng, mở trường dạy học, luyện binh, luyện tài,phát triển các phong trào đấu tranh. Nhiều tăng, ni, phật tử đã không ngại gian khổ hy sinh, hiến tặng tài sản đất đai ruộng vườn của chùa, góp thêm nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước.

Trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, các phong trào yêu nước đã phát triển rộng sâu trong đời sống nhân dân, nhiều người tu hành trực tiếp tham gia cách mạng, nhiều ngôi chùa là nơi nuôi giấu cán bộ, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để ủng hộ phong trào toàn quốc kháng chiến, cũng để tránh quân xâm lược lợi dụng chiếm đóng lâu dài.

Miền Bắc được giải phóng, đất nước tạm thời chia cắt hai miền Nam Bắc, nhiều tăng, ni, phật tử đã cởi áo cà sa, tạm gác tiếng chuông, tiếng mõ, cần súng  tới các chiến trường. Cũng trong thời gian này, chùa là nơi sinh hoạt của cộng đồng ,nơi làm việc của chính quyền, bệnh xá, lớp học... Tất cả đều góp phần vào sự thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nam Bắc sum họp một nhà.

Tuy vậy, Phật giáo phát triển trên đất Nghệ An không phải lúc nào cũng theo hướng thuận chiều, trong những năm thực hiện bài trừ mê tín dị đoan mà Nghệ An là một tỉnh dẫn đầu, đạo Phật gần như đã bị xóa trắng. Hiện trạng phát triển hiện nay như một sự chấn hưng sau nhiều năm khói lửa.

3.3. Tiềm năng phát triển Phật giáo mạnh mẽ, đặc biệt là trong giai đoạn hiện tại…

Khi nghiên cứu về Phật giáo dân gian tại Việt Nam, L.Cadière nhận định: “Người Việt vào chùa thấy các tượng Phật và các thực thể trừu tượng bao quanh. Nào là các vị Bồ Tát, các vị La Hán chạm trổ sơn son, nào là Quan Âm từ bi che chở. Nhiều khi người Việt sẵn sàng quỳ lạy trước các vị thần của Khổng giáo và Đạo giáo cùng hòa thuận trong chùa… Đối với họ đạo Phật không phải là một khối nguyên vẹn, khác xa với Phật giáo nguyên thủy…”[9]. Phần đông người Nghệ An (thậm chí các Phật tử thường xuyên đi chùa cúng Phật) không nhấn mạnh (hay phân biệt) Đại thừa hay Tiểu thừa, cũng chẳng cần dốc công tìm hiểu sâu xa những giáo lý (triết lý) nguyên thủy của nhà Phật. Nhưng với truyền thống văn hóa, tôn giáo uyển chuyển, với một “tâm thức nước” ít cực đoan nên người Nghệ An vẫn có tình cảm tốt với đạo Phật và những tín ngưỡng dân gian thờ Thánh Mẫu khác. Trong suy nghĩ của họ, Phật giáo tồn tại “hòa hảo” bên các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa trong không gian thiêng của người xứ Nghệ.

Theo tác giả Nghệ An ký thì người xứ Nghệ: không mê đạo Phật nên không có chùa quán lớn, không làm chay lễ linh đình như các nơi khác... Chúng tôi cho rằng tác giả đúng khi xem xét đạo Phật ở góc độ "chùa quán" "chay lễ". Nhưng nếu xem xét ở góc độ "tấm lòng" thì người xứ Nghệ trước sau vẫn luôn có cảm tình đặc biệt với đạo Phật. Tuy nhiều di sản Phật giáo ở Nghệ An đã bị hư nát hay vắng bóng trụ trì, nhưng “cảm tình đặc biệt với Phật giáo” của người xứ Nghệ trong mỗi buổi giảng pháp có tới bốn năm trăm phật tử đến dự như một minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của Phật giáo trên mảnh đất Nghệ An trong trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tạm kết:

Phật giáo chiếm một vị trí quan trọng trong không gian tâm linh tôn giáo của người xứ Nghệ, một xứ sở vốn đa dạng các hình thái tôn giáo, tín ngưỡng. Đến nay, Phật giáo xứ Nghệ đã trải qua nhiều thăng trầm với lịch sử dân tộc, nhưng vẫn luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng xứ Nghệ. Và như thế, sự phát triển của đạo Phật, sự phát triển về kinh tế, văn hóa ở xứ Nghệ có mối liên hệ khăng khít không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà còn ở tương lai.



*  Giảng viên văn hóa, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

[1] Hippolyte Le Bereton, An – Tĩnh cổ lục (Le vieux An – Tĩnh), tr.29,2005.

[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập II, tr.146,1992.

[3] Leopold Cadière, Văn hóa tínngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, tr.107, 2010.

[4] Dẫn theo: Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Về tôn giáo, tr.139, 1994.

[5] Hippolyte Le Bereton, An – Tĩnh cổ lục (Le vieux An – Tĩnh), tr.29,2005.

[6] Nguyễn Trãi, Dư địa chí, tr.41,1960

[7] Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký , tr.78,1993.

[8] Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký , tr.75,1993

[9] Dẫn theo Đỗ Quang Hưng, Nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam L.Cadière và những người Pháp khác, 2010.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 307
    • Số lượt truy cập : 6948374