Thông tin

PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC THỜI HIỆN ĐẠI

PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC THỜI HIỆN ĐẠI

 

NGUYỄN HẢI HOÀNH  

 


 

Phật giáo là một tôn giáo có hơn 2.500 năm, nhưng tín đồ Phật giáo Trung Quốc (TQ) ngày nay là những con người hiện đại, họ sống trong một xã hội đang hiện đại hóa với nhịp điệu hối hả. Bởi thế, hoạt động Phật giáo TQ dĩ nhiên cũng phải được hiện đại hóa. Nhưng hiện đại hóa thế nào để vẫn giữ được các giáo lý cơ bản của Phật giáo? Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng và khó khăn mà Phật giáo trên toàn thế giới đang phải cố gắng giải quyết. Trong những năm gần đây, Giáo hội Phật giáo TQ đã tập trung nghiên cứu giải quyết hợp lý vấn đề này, nhờ đó Phật giáo đang được hoằng dương mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Thành tích này là kết quả sự lãnh đạo của Hội trưởng - Thiền sư Học Thành, người đề xuất và dẫn đầu thực hiện các cải cách lớn của Giáo hội Phật giáo TQ.

Thiền sư Học Thành (Xue Cheng), tục danh Phó Thụy Lâm (Fu Rui-lin), sinh năm 1966, tại huyện Tiên Du, tỉnh Phúc Kiến. Chịu ảnh hưởng của bà nội và mẹ, từ 12 tuổi ngài bắt đầu đọc kinh Phật; 16 tuổi xuất gia vào chùa tu hành; 23 tuổi trở thành người trẻ nhất, học lực cao nhất trong số các nhà sư trụ trì chùa Phật giáo Hán truyền ở TQ. Tháng 4/2015, thiền sư Học Thành 49 tuổi, tiếp nhận từ Trưởng lão Truyền Ấn chức danh Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo TQ, trở thành vị Hội trưởng trẻ nhất trong lịch sử 62 năm của Hiệp hội này. Đồng thời ngài còn kiêm trụ trì các chùa Long Tuyền (Bắc Kinh), chùa Điền Quảng Hóa (Phúc Kiến), chùa Phù Phong Pháp Môn (Thiểm Tây); ngoài ra còn làm Ủy viên Thường trực Chính Hiệp toàn quốc.

Thiền sư Học Thành thuộc số các cao tăng đại đức đại lục TQ đầu tiên sử dụng mạng Internet để hoằng dương Phật Pháp. Năm 2006, ngài mở Blog cá nhân, thường xuyên thu hút trên chục triệu lượt người đọc. Năm 2009, ngài mở Weibo sử dụng nhiều ngôn ngữ, tới 2015 đã dùng 11 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt Nam; thu hút người đọc ở 2/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.        

Có người cho rằng Internet đã đưa sự phù hoa và náo nhiệt của cuộc sống thế tục vượt qua bức tường thâm nghiêm đi vào các chùa chiền, phá hoại đạo tràng thanh tịnh của những người xuất gia thanh tu giới luật vốn không màng gì tới trần thế. Thiền sư Học Thành nhận định việc tu hành của người xuất gia không mâu thuẫn gì với việc dùng mạng Internet để hoằng dương Phật Pháp. Ngài nói: Phật giáo rất coi trọng sự truyền thừa; tín đồ Phật giáo muốn hoằng dương Phật Pháp, quảng độ chúng sinh thì phải chịu khó học cách sử dụng các phương tiện truyền bá tiên tiến như mạng Internet. Đây là con đường ngắn nhất để Phật giáo hiện đại tham gia xã hội, hoằng dương Phật Pháp, hóa đạo chúng sinh.

Thực ra hiện nay, giới Phật giáo đang sử dụng rộng rãi công nghệ truyền thông hiện đại. Diễn đàn Phật giáo thế giới năm 2012 đã sử dụng Weibo, mạng Internet, truyền hình vệ tinh ở mức độ rất cao. Từ 2009 tới nay, Thiền sư Học Thành ra sức ủng hộ “Đạo tràng Weibo” dùng nhiều ngôn ngữ, coi đó là hình ảnh thu nhỏ của sự phát triển rầm rộ Phật giáo TQ, thể hiện bộ mặt Phật giáo TQ tích cực hòa nhập xã hội trong thời kỳ mới. Ngài nói: “Chúng ta không những dùng mạng Internet để phát đi các tin tức hoạt động của Phật giáo mà đồng thời còn dùng sân chơi Weibo để giải đáp thắc mắc của dân mạng, hướng dẫn dân chúng học cách làm người, cách xử lý mối quan hệ gia đình, thúc đẩy nâng cao đạo đức xã hội”.

Trong khi tích cực đề xướng và thực hành dùng mạng Internet để hoằng dương Phật Pháp, Thiền sư Học Thành cũng luôn nhấn mạnh giới Phật giáo phải cảnh giác với sự thâm nhập, ô nhiễm của những thông tin tiêu cực từ mạng Internet. Ngài nói: “Hiện nay trên mạng tràn ngập những thông tin không tốt, kích thích ham muốn vật chất của con người, làm ô nhiễm nặng không gian tinh thần của con người hiện đại. Các Phật tử có nghĩa vụ gánh vác lấy trách nhiệm làm sạch thế đạo nhân tâm, không ngừng đưa vào đại dương thông tin những nguồn năng lượng chân chính, lành mạnh, từ bi, trí tuệ. Họ nên sử dụng mọi phương thức của xã hội hiện đại để truyền bá các trí tuệ Phật giáo như từ bi, bình đẳng, viên dung”.

Chùa Long Tuyền (Long Quan) ở Bắc Kinh do Thiền sư Học Thành trụ trì đã đưa ra một chế độ quản lý tăng đoàn hiện đại thích hợp với đặc điểm thời đại, quy định tăng sĩ sử dụng máy tính khi lên mạng phải xin phép. Vì số người phụ trách các công tác sự vụ có nhu cầu lên mạng chỉ là một số ít thiền sư, còn việc học hành tu dưỡng của hầu hết tăng sĩ đều không bị ảnh hưởng của mạng Internet, họ có thể thanh tịnh trì giới, yên tâm tu hành.

Không cho các hoạt động buôn bán vào trong chùa

Trước các hiện tượng xấu trong giới Phật giáo hiện nay như “chùa chiền bị đấu thầu”, “thắp hương giá cao”, “tự tiện đặt hòm công đức”, Thiền sư Học Thành nhấn mạnh: “Chùa chiền phải trở lại là đạo tràng thanh tịnh để người xuất gia có thể giữ được các giới luật một cách tốt nhất, có thể yên tâm tu hành”.

Ngài cho rằng chùa là nơi thể hiện Tam Bảo: Phật Pháp Tăng, chùa hiện đại là đạo tràng để người xuất gia tu hành, càng nên gánh vác các trách nhiệm xã hội như giáo dục Phật Pháp, truyền bá văn hóa, làm các hoạt động từ thiện công ích.

Từ năm 1984, Thiền sư Học Thành khi vừa mới vào học ở Học viện Phật giáo TQ đã phát hiện thấy vì không có đạo tràng thích hợp cho việc tu hành mà nhiều cư sĩ Bắc Kinh phải chạy ra các nơi khác tìm đạo tràng. Vì thế, ngài đã mong muốn sẽ mở tại Bắc Kinh một đạo tràng cho các Phật tử học Phật có nơi tu hành.

21 năm sau, nguyện vọng ấy được thực hiện. Năm 2005, Thiền sư Học Thành đến chùa Long Tuyền, trụ trì ngôi chùa có lịch sử nghìn năm này. Từ đó, chùa Long Tuyền trở thành ngôi chùa tu hành mở cửa đối với một số ít công chúng trong nước và không thu chi phí hương hỏa. Để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp lao động cổ trắng muốn được thể nghiệm việc tu hành và thư giãn thân tâm, chùa Long Tuyền còn tổ chức lớp học công nghệ tin học (IT), lớp học âm nhạc, lớp học nghệ thuật hoạt họa, tất cả đều miễn phí.

Thiền sư Học Thành nói: “Khái niệm xuất thế trong Phật giáo chủ yếu là xa rời mọi nỗi phiền não, giải thoát mọi nỗi phiền não chứ không phải là cách ly trần thế. Chỉ khi nào được con người hiện đại hoan nghênh và tiếp thu thì năng lượng chân chính của Phật giáo mới có thể như dòng nước chảy vào toàn xã hội”. Ngài kêu gọi giới Phật giáo phải triển khai các hoạt động phục vụ xã hội, truyền năng lượng chân chính vào xã hội chứ không phải là để cho Phật giáo bị thương mại hóa.

Đồng thời, Thiền sư Học Thành còn kiến nghị tất cả các chùa lớn [TQ có 10 ngôi chùa gọi là Phật giáo Danh sơn Đại tự] đều giảm mức tiền vé vào cửa hoặc miễn phí vào cửa. Ngài nói thẳng: “Trong đời sống xã hội, chùa Phật có tác dụng làm trong sạch nhân tâm, hướng dẫn xã hội tiến tới lương thiện. Nếu nhà chùa lấy lợi ích kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp làm mục đích hoạt động thì rõ ràng như thế là làm tổn hại tác dụng đó. Các chùa nên xem xét nhiều hơn đến việc làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của đại chúng, làm lợi cho đại chúng, báo đáp xã hội”.

Mười năm qua, tuy chùa Long Tuyền không thu bất cứ loại phí vào cửa nào, nhưng mọi nhu cầu sinh hoạt cơ bản của các tăng sĩ vẫn được bảo đảm, đó là nhờ trong chùa có nông trại hữu cơ cung cấp thực phẩm.

Nhằm tránh tình trạng chùa chiền bị thương mại hóa, Thiền sư Học Thành đề xuất: Trên cơ sở giới luật thanh quy truyền thống, nhà chùa phải xây dựng và hoàn thiện chế độ quản lý chùa hiện đại; phải tăng cường việc xây dựng tín ngưỡng, xây dựng phong cách đạo, xây dựng người tài và xử lý tốt “5 mối quan hệ” giữa giáo lý cơ bản với nền văn minh khoa học công nghệ hiện đại.

“Không phát tiền lương cho tăng sĩ, tăng sĩ phổ thông không được sở hữu điện thoại di động, tăng sĩ mỗi khi ra ngoài chùa phải có người đi kèm, toàn bộ tiền bạc đều đưa vào quỹ công…” - đây là vài chế độ  do Thiền sư Học Thành quy định đối với tăng chúng chùa Long Tuyền.

Tư tưởng Phật giáo có ích cho sự phát triển kinh tế

Những năm gần đây, rất nhiều thầy trò các trường Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh đến chùa Long Tuyền cắt tóc đi tu, quy y cửa Phật; chùa này được gọi là “Chùa nghiên cứu khoa học tốt nhất TQ”. Sau khi triển khai hoạt động dùng mạng Internet hoằng dương Phật Pháp, năm 2011 chùa Long Tuyền lại lập “Trung tâm Hoạt họa” triển khai hoạt động dùng hoạt họa hoằng dương Phật Pháp. Năm 2014, Trung tâm này thiết kế hình ảnh hoạt họa kinh điển “Hiền Nhị”, câu chuyện tu hành của nhà sư này hàng ngày được đưa lên phim hoạt họa, rất được khán giả ưa thích. Lễ Quốc khánh năm 2015, Trung tâm hoạt họa này lại lắp ráp được robot “Nhà sư máy Hiền Nhị”, mọi người có thể đến đây trực tiếp đối thoại với robot, hoặc ngồi nhà dùng sân chơi chung vi tính để giao lưu với nhà sư máy. Sáng tạo này nói lên sự hòa hợp giữa Phật giáo với khoa học hiện đại, thể hiện tinh thần sáng tạo đổi mới của Phật giáo.   

Thiền sư Học Thành cho rằng Phật giáo TQ từng lập được nhiều thành tựu nghệ thuật rất cao về hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, thư pháp… Nghệ thuật và tôn giáo vốn có mối liên hệ nội tại sâu sắc; tình cảm tôn giáo thành kính đem lại cho con người những linh cảm nghệ thuật vô tận, trong khi sự theo đuổi nghệ thuật cao siêu có thể dẫn dắt người ta tới cảnh giới tôn giáo siêu việt. Nghệ thuật Phật giáo đã trở thành vật mang quan trọng truyền thừa nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.

TQ hiện đang lâm vào cuộc khủng hoảng về đạo đức và niềm tin. Thiền sư Học Thành nói khủng hoảng đạo đức bắt nguồn từ chỗ mọi cái đều xuất phát từ cá nhân, từ tiêu chuẩn giá trị “mọi cái đều lấy tôi làm trung tâm”; nguyên nhân căn bản là thiếu tín ngưỡng. Cần thấy rằng tín ngưỡng là một sức mạnh ổn định tính cách con người, người nào có tín ngưỡng tôn giáo chân chính thì nội tâm người đó sẽ có sự dẫn dắt của lý trí, sẽ có sự tự phát từ nội tâm để tự ràng buộc bản thân. Cái gọi là Phúc Báo thì sinh trưởng trên nền tảng đạo đức, tín ngưỡng; có nền tảng tín ngưỡng thì mới có thể tự giác chủ động làm điều thiện, ngăn điều xấu, tiến tới làm những điều ích quốc lợi dân.

 


Nguồn tham khảo:

 中国佛教协会会长学诚:商业请退出庙门

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6784633