Thông tin

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

VÀ TỔ CHỨC GIÁO HÔI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN

TRONG CÔNG CUỘC THAM GIA BẢO VỆ TỔ QUỐC

 

TRƯƠNG MỸ HOA
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng,
Nguyên Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam,
Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính,
Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”

 

Tôi rất tâm đắc dự cuộc hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”. Cuộc hội thảo này đối với tôi có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng.

Tôi tâm đắc cuộc hội thảo này bởi ý nghĩa sâu sắc của nó. Sâu sắc vì qua hội thảo làm cho chúng ta hiểu kỹ, đầy đủ hơn chặng đường đi của Giáo hội: từ Hội Lục Hòa Liên Xã, đến Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Giáo hội Lục Hòa Tăng, Hội Lục Hòa Phật tử, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc.

Một sự gắn bó đồng hành trọn vẹn, không phải bằng chữ nghĩa, lời nói mà là sự gắn bó thực sự bằng máu thịt, bằng hành động thực tế vượt qua khó khăn, hy sinh gian khổ, cùng vào sanh ra tử, cùng chiến đấu dũng cảm; cùng đương đầu với những thách thức khắc nghiệt khôn lường. Biết bao tấm gương tỏa sáng của chư Tăng, Ni và Phật tử phụng sự hy sinh cho đạo pháp và dân tộc.

Cuộc hội thảo này còn có ý nghĩa quan trọng, làm cho thế hệ nối tiếp hiểu rõ lẽ đời, lẽ đạo, những chặng đường lịch sử mà Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã đi qua, sự củng cố tổ chức, chấn hưng đạo pháp phù hợp với đặc điểm lịch sử tình hình của đất nước để không ngừng tiếp tục phấn đấu gìn giữ con đường đã chọn. Đồng thời thể hiện sự tri ân, tôn vinh đối với bậc tiền bối đi trước đã có công xây dựng, vun bồi con đường đạo pháp gắn bó đồng hành keo sơn máu thịt với dân tộc.

Nói đến Phật giáo Việt Nam, người dân Việt Nam ở mọi miền đất nước từ trước đến nay đều biết rằng Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Dân tộc chống ngoại xâm suốt chiều dài lịch sử. Thắng lợi to lớn của Cách mạng Việt Nam, của Dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận có sự đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng – tổ chức Phật giáo yêu nước, trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước đến ngày hôm nay.

Thực tế lịch sử đã chứng minh Phật giáo Việt Nam đã: “Phụng sự Đạo pháp – Phụng sự Dân tộc.

Qua các tư liệu lịch sử để lại, có thể nói tổ chức GHPGCTVN và các tổ chức tiền thân đã được các bậc tôn túc tiền bối gầy dựng, sáng lập với một mục đích duy nhất là chấn hưng Phật giáo, bảo vệ tổ quốc và dân tộc, các cụ đã cống hiến, đã hy sinh, có các cụ phải bị địch bắt bớ, tù đày, tra tấn, nhiều ngôi chùa là cơ sở cách mạng...

Kế thừa truyền thống yêu nước, phục vụ dân tộc của các bậc tôn túc Hoà thượng Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng, trong phạm vi hiểu biết khiêm tốn của mình, tôi xin được nói về sự đóng góp thầm lặng của một số ni sư mà tôi đã biết, để làm rõ thêm sự đóng góp có ý nghĩa với tình yêu đất nước.

Người đầu tiên tôi muốn đề cập là Ni trưởng Huệ Hương, người phụ nữ thuộc thế hệ kế thừa và có quá trình gắn bó với Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam hơn nửa thế kỷ, có nhiều đóng góp xuất sắc cho Giáo hội và tấm lòng đối với đất nước.

Tôi nhớ lại cách đây hơn 25 năm, vào năm 1995, tôi được gặp Ni sư trong khi chuẩn bị sự kiện Hội nghị Phụ nữ thế giới lần thứ 4 của Liên Hiệp Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lúc ấy Ni sư còn trẻ hơn 40 tuổi, người dong dỏng, đẹp, mắt sáng, nụ cười hiền dịu, nhanh nhẹn. Quá trình làm việc chung, chúng tôi còn nhận ra Ni sư là người sắc sảo, thông minh, là thành viên của Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Bắc Kinh, diễn đàn phi chánh phủ (NGO).

Nếu mục tiêu công ước loại trừ mọi phân biệt đối xử với phụ nữ gọi tắt là Công ước Cedaw: “Bình đẳng - Phát triển - Hòa bình”; thì mục tiêu của Hội nghị Bắc Kinh lần này mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát hơn: “Hành động vì Bình đẳng phát triển và hòa bình”. Trước khi diễn ra hội nghị Bắc Kinh, các quốc gia trên thế giới kiểm điểm nghiêm túc việc thức hiện mục tiêu ấy trong thập kỷ qua và đề ra hướng phấn đấu đến năm 2000 và 2010.

Hội nghị lần này gồm 181 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bà Trần Mộ Hoa, Phó Chủ tịch Quốc hội của Trung Quốc làm Chủ tịch. Bà Gghét Chút Mong Ghen La làm Tổng Thư ký, ông Bouchop Bouchop Gali Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cùng một số nguyên thủ quốc gia đến dự.

Số đại biểu tham dự cả châu lục khoảng trên 35.000 người, quy mô hội nghị lớn và chưa từng có từ trước đến nay.

Đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam có 147 người tham gia 2 diễn đàn: diễn đàn chánh phủ 17 thành viên do đồng chí Trương Mỹ Hoa, Bí thư Trung ương đảng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm Trưởng đoàn – Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước, khách mời đặc biệt của Hội nghị, Trưởng đoàn danh dự.

Đoàn Phi Chánh Phủ (NGO) có 130 đại biểu do chị Vương Thị Hanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Có thể nói ở 2 diễn đàn các đại biểu Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động cũng như tham gia tất cả các nội dung văn kiện, được ghi nhận và đánh giá cao.

Có điều cần phải nói trong khi trong nước đại biểu đi dự hội nghị với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, các đồng chí lãnh đạo như đồng chí Đỗ Mười Tổng Bí thư Đảng, đồng chí Vũ Oanh Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách Dân vận… tiễn đoàn và dặn dò mỗi đại biểu đại diện cho ý chí nguyện vọng phụ nữ Việt Nam phải dành tâm huyết đóng góp trí tuệ để các văn kiện mang tính thời đại mới ra đời thúc đẩy sự phát triển phụ nữ toàn cầu được nâng tầm cao mới; trong khi đó ở những nước khác nước nhất là nước Mỹ, một số Việt kiều phản động âm mưu đến Hội nghị Bắc Kinh để có tiếng nói ngược lại, cụ thể là bà Phương Anh, vợ tên phản động Võ Văn Ái, đến với Hội nghị Bắc Kinh với truyền đơn, tranh ảnh có nội dung phản động, bêu xấu chế độ ta ngược đãi bóc lột phụ nữ tận xương tủy cho là Việt Nam vi phạm nhân quyền. Với va ly đô la hòng mua chuộc mọi người có tiếng nói đồng tình với chúng, chống đối lại Việt Nam chúng ta, chính phủ chúng ta và đất nước chúng ta. Chúng tôi nhớ lại ở Hoài Nhu ngày 13/9/1995, vợ Võ Văn Ái đã nhân buổi hội thảo truyền bá tài liệu và lớn tiếng rêu rao như thế. Trong cuộc họp, một số chị em đoàn Việt Nam trong đó có Ni sư Huệ Hương, luật sư Nguyễn Phước Đại… Trước bạn bè quốc tế Ni sư đã phát biểu làm rõ chính sách nhất quán Đại đoàn kết dân tộc, chính sách bình đẳng nam nữ của Đảng – Nhà nước ta đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đồng thời lên án luận điệu xuyên tạc, bôi đen, thái độ thù địch phản động của những người cố tình dựng chuyện nói xấu chế độ Việt Nam. Vạch trần âm mưu dùng vật chất để mua chuộc mọi người.

Qua lập luận vững chắc, đập tan âm mưu đen tối của bọn phản động, được sự đồng tình của bạn bè quốc tế, bà Phương Anh đã phải ê mặt rút lui, không thực hiện được dã tâm của mình.

Tiếng nói của Ni sư Huệ Hương, tiếng nói của người tu hành mềm mại nhẹ nhàng, chặt chẽ có sức thuyết phục lớn đối với diễn đàn quốc tế, đẩy lùi cái xấu trong sự thán phục của mọi người.

Mười hai ngày làm việc của Đoàn Chính Phủ; mười lăm ngày làm việc của diễn đàn phi chính phủ, Đoàn đại biểu Phụ nữ Việt Nam đã làm hết sức mình bằng trí tuệ, bằng thực tiễn sinh động Việt Nam, bằng cả sự dũng cảm đấu tranh giữa phi nghĩa và chính nghĩa đã góp phần xứng đáng cho hội nghị để: Chương trình hành động Bắc Kinh và tuyên bố Bắc Kinh được thông qua với nhiều cam kết mạnh mẽ của các chính phủ. Đó là những văn kiện tiến bộ mang ý nghĩa lịch sử cho phụ nữ trên hành tinh chúng ta.

Câu chuyện hơn 25 năm trước của Ni sư Huệ Hương để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn bè quôc tế, câu chuyện ít tai nghe kể nhưng tấm lòng nhân ái của Ni sư luôn thường trực với những hoàn cảnh khó khăn. Ni sư đã đồng hành với Quỹ học bổng Vừ A Dính lo học bổng cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Đồng hành cùng CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” lo cho con em chiến sĩ, ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió, giữ từng tấc đất của ông cha, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng tổ quốc. Cuộc đời Ni sư là tấm gương luôn tỏa sáng để thế hệ mai sau noi theo.

Người thứ hai mà tôi muốn nhắc đến đó là Ni sư Diệu Phú trụ trì chùa nữ tu Kim Sơn ở Phú Nhuận. Ni sư Diệu Phú tên thật là Đỗ Thị Vinh, quê xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, gia đình đều tham gia cách mạng. Bà đi tu hồi còn trẻ từ chùa ở tỉnh Vĩnh Long về chùa Kim Sơn ở Sài Gòn, tại đây bà con theo đạo Phật ngày càng đông, quý Ni cô theo bà ngày càng nhiều.

Năm 1959, Trường Trung học tư thục Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre bị chính quyền Mỹ Diệm đóng cửa, vây bắt thầy trò của trường. Hầu hết 13 thầy đều là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, là những người kháng chiến trở về, là những người thầy yêu nước - “nơi ươm mầm cách mạng”, một số học sinh là cán bộ Đoàn chạy lên chùa Kim Sơn nương nhờ cửa Phật để “lắng” một thời gian rồi tiếp tục hoạt động cách mạng.

Lúc ở chùa, anh em học sinh làm công quả khá tốt, được ni sư quan tâm giúp đỡ, được các cô nhiệt tình tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hành, ăn ở đi lại… nhờ đó mà anh em hoạt động tương đối dễ dàng như hợp pháp, công khai, bí mật nên đạt được nhiều kết quả.

Chính vì vậy mà số học sinh, cán bộ Trường Bình Hòa quy tụ về chùa Kim Sơn khá đông do chính quyền Mỹ Diệm bao vây lùng bắt. Lúc bấy giờ phong trào đấu tranh chống Mỹ Diệm ở địa phương và đô thị nhất là Sài Gòn ngày càng phát triển mạnh. Bến Tre đồng khởi, một số trở về quê hương Bến Tre công tác, đa phần ở lại Sài Gòn tiếp tục hoạt động nương náu tại chùa. Lúc này chùa Kim Sơn cũng bị theo dõi: công an, mật vụ, biệt kích. Có một số lần bị chúng khám xét, tra hỏi nhưng Ni sư bảo lãnh được. Chùa cũng có đặc điểm: chùa nữ tu không chỉ có Ni giới mà còn có một số nam: anh Phổ (Tịnh Phổ) dưới 40 tuổi, chiến sĩ tiểu đoàn 307, quê ở Mỏ Cày, Bến Tre; chú Ngộ (Tịnh Ngộ) khoảng 50 tuổi, quê ở Tây Ninh, 2 người ở chung 1 am. Số anh em học sinh trường Bình Hòa vào chùa hết đợt 1, đợt 2 và đợt 3. Các anh em nương nhờ của Phật để hoạt động: sân chùa, ao chùa, am chùa… là nơi liên lạc, bàn bạc, hội họp.

Đợt 2 vào chùa có các học sinh:

- Trương Tấn Biên (Hà Văn Hiển) Tịnh Tâm, Nguyên Phó Ban quản trị tài chánh Trung ương đảng, Nguyên Bí thư quận ủy quận 10, TP Hồ Chí Minh, Đội phó Đội “Quyết tử quân” thuộc đội võ trang Hội Liên hiệp thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.

- Lê Văn Thành, đội viên đội “Quyết tử quân”, người trực tiếp tấn công Đại sứ Mỹ Nolthing và nhiều sĩ quan chuyên gia Mỹ khác.

- Hồ Văn Chiêu, cán bộ khu đoàn Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó Chủ tịch huyện Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

- Hồ Văn Ngoan, đội viên đội “Quyết tử quân”, nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận 11, TP Hồ Chí Minh.

- Đỗ Văn Sinh, đội viên đội “Quyết tử quân”.

Các anh bị bắt, qua các vụ võ trang tuyên tuyền. Tòa án quân sự Mỹ Diệm, xử 12 chiến sĩ cách mạng đánh Mỹ theo luật phát xít 10/59 ngày 24/6/1962.

Có 4 anh bị kêu án tử hình:

- Giáo sư Lê Quang Vịnh

- Lê Hồng Tư, đội trưởng đội “Quyết tử quân”

- Lê Văn Thành, đội viên đội “Quyết tử quân”

- Huỳnh Văn Chính, đội viên đội “Quyết tử quân”

4 anh chung thân trong đó có anh Trương Tấn Biên (Hà Văn Hiển), Đội phó Đội “Quyết tử quân”.

Phiên tòa kéo dài từ 7g30 ngày 24/6/1962 đến 1 giờ ngày 25/6/1962, phiên tòa quân sự đặc biệt nhằm trấn áp, ngăn chặn phong trào đấu tranh của trí thức học sinh sinh viên đô thị, đặc biệt là Sài Gòn. Nhưng chúng hoàn toàn thất bại vì phiên tòa kết án người yêu nước trở thành người yêu nước trở thành bọn tay sai bán nước và cướp nước.

Trong 12 chiến sĩ bị ra tòa đã có 5 học sinh thuộc trường Bình Hòa, và 8/12 cán bộ thường xuyên ở tại chùa Kim Sơn hoặc thường xuyên tới chùa.

Sau các vụ tấn công Mỹ, bọn công an, mật vụ càng theo dõi chùa. Vào chùa đợt 3 trường Bình Hòa có anh Tám Đạo (Đỗ Duy Nhan) bị địch bắt tại chùa, công an thu được 2 súng ngắn, vũ khí chuẩn bị tấn công Mỹ.

- Ngoài tham gia hoạt động vũ trang tấn công Mỹ, các anh em học sinh còn vận động các chị em, các cô thoát ly về địa phương công tác: anh Phổ, chú Ngộ, 2 cô Huệ Lý, Huệ Hằng và 1 nữ sinh trường Gia Long ra chiến khu công tác.

- Nhiều sự cố xảy ra ở chùa, chính quyền Diệm tìm cách đánh phá, nhưng với uy tín lớn, Ni cô nhiệt tâm ủng hộ những người yêu nước chống Mỹ Diệm, nên những khó khăn cũng vượt qua được.

Qua đó, chứng tỏ Ni sư Diệu Phú rất kiên cường và các cô trong chùa đã quyết tâm bảo vệ những người hoạt động cách mạng, bảo vệ chính nghĩa rất đáng khâm phục.

- Chùa nữ tu Kim Sơn xứng đáng là địa chỉ đỏ mà quận Phú Nhuận đã chọn từ những năm đầu giải phóng.

- Chùa là vỏ bọc cho học sinh hoạt động công khai; nương tựa; tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi anh em hoạt động; điểm giao liên lạc, bàn bạc hội họp…; ủng hộ vật chất tinh thần.

- Nơi luôn vung đắp tình thương, gắn bó và chia sẻ mọi khó khăn giữa học sinh cách mạng và các thành viên trong chùa, là sự đoàn kết và trách nhiệm.

- Nơi nhiều thanh viên chùa thoát ly làm cách mạng.

Chùa Kim Sơn thể hiện rõ quan điểm: Phật giáo đi cùng Dân tộc. Hôm nay, Ni sư Diệu Phú không còn, các cô ở chùa Kim Sơn không còn nhưng tấm lòng nhưng tình yêu đất nước như Phật dạy, vẫn tỏa sáng cho các thế hệ noi theo.

Phong trào Phật giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc là một chặng đường khá dài so với lịch sử. Đó là một chặng đường đầy thử thách gian khó mà đó cũng là kết quả đóng góp hy sinh trong từng thời kỳ của nhiều tổ chức và cá nhân.

Như con suối chảy thành sông, như con sông chảy thành biển lớn. Đại dương mênh mông có được phải từ những giọt nước. Sự cống hiến hy sinh thầm lặng của những cá nhân tiêu biểu đã góp phần làm nên thành tích “đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” là chân lý sáng ngời lớp lớp kế thừa cần phải trân trọng noi theo và gìn giữ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6953992