Thông tin

PHẬT GIÁO VỚI ĐẤT PHƯƠNG NAM

 

THÍCH VÂN PHONG*

 

Quốc sư Vạn Hạnh, người khai sáng triều đại nhà Lý, thảo chiếu chỉ dời đô và thiết kế hoạ đồ kiến trúc xây dựng kinh đô Thăng Long với ý nguyện cho nền độc lập lâu dài, thuyết phục đệ tử ưu tú là Thánh vương Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về Đại La, nơi tụ thủy, tụ nhân có ưu thế và nhiều vượng khí, là chỗ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời:

Thiền sư học rộng bao la,

Giữ mình hợp phép sấm ra ngoài lời.

Quê hương Cổ Pháp danh ngời,

Tháp bia đứng vững muôn đời Đế Đô.

Thích Mật Thể dịch

Đời sau, Huy Cận cũng ngợi ca:

Đây Thăng Long đất vừa  tròn nghìn tuổi,

Rồng bay lên ngày tháng tốt tâu vua,

Lý Công Uẩn mắt thần nhìn nước non mở hội;

Bốn phương trời Đại Việt lập kinh đô.

Thánh vương Lý Thánh Tông, vị khai sáng Thiền phái Thảo đường, năm Canh Thân (1057) cho xây dựng “Sùng Khánh Báo Thiên Tự” "Đại Thắng Tử Thiên Bảo Tháp", một công trình văn hóa tâm linh dân tộc quy mô nước Đại Việt, cũng là Tổ  đình của Thiền phái Thảo Đường, là một trong tứ đại khí Đại Việt. Thế nhưng năm Quý Mùi (1883), thực dân Pháp phá huỷ chùa Báo Thiên.

Thánh vương Lý Thánh Tông đã mở đầu cho sự nghiệp Nam tiến vào năm Kỷ Dậu (1069). Tiếp đến, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đặt nền móng cho sự nghiệp đó với sự kiện gã Công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành. Vua Chế Mân, Chiêm Thành dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ vào năm Bính Ngọ (1306), niên hiệu Hưng Long thứ 14. Rồi thành lập hai châu Thuận và Hoá.

Dòng Thiền Trúc Lâm, không những làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo mà còn tạo tiền đề cho sự nghiệp Nam tiến của dân tộc trong mấy trăm năm.

Bốn trăm năm sau, vào năm Mậu Dần (1698) niên hiệu Chánh Hoà thứ 19, Quốc Chúa Hiển Tông Bồ tát Nguyễn Phúc Chu, pháp danh Hưng Long hiệu Thiên Túng đạo nhân, đã chính thức sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh đi giúp dân, mở cõi, từng bước khẳng định chủ quyền đất nước trên đất liền cũng như biển đảo phương Nam.

Quốc Chúa Hiển Tông Bồ tát Nguyễn Phúc Chu là người có tư chất thông minh từ thuở nhỏ với tài kiêm văn võ. Năm 17 tuổi,  được tôn lên làm Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Tộ Quận Công.  Lên nối nghiệp Chúa, ông có tầm nhìn xa trông rộng, đã áp dụng nhiều chính sách chiêu hiền đãi sĩ, hay lắng nghe ý kiến của thần dân trăm họ, không thích xa hoa, sống bình dị tri túc, nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai là không vui mừng. Trong thời gian Quốc chúa Bồ tát cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao đổi hàng hóa thường xuyên. Chúa lại biết lợi dụng người Tây Âu để huấn luyện binh lính và kỹ thuật tác chiến: dùng Jean de Arnedo để mở rộng về khoa học và kỹ thuật. Dùng người về thần phục như Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu để khai khẩn đất hoang. Sử dụng các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân trong các cuộc mở mang bờ cõi… Quốc Chúa Hiển Tông Bồ tát cũng cải cách cơ chế tổ chức Trung ương; định lại quan tước, phẩm hàm. Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử. Sách Đại Nam thực lục chép: “Năm Quý Mão (1723), tháng tư, thi Nhiêu học. Quan giám khảo lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò bàn tán rất sôi nổi. Chúa ra lệnh mở kỳ thi khảo hạch lại và không một sĩ tử nào được chấm đổ cả”. Đặc biệt chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức. Nhưng quan trọng hơn cả là Chúa đã thực hiện được việc  mở rộng bờ cõi; bảo vệ Tổ quốc và đặt nền móng vững chắc cho cả vùng đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ xưa:

Năm Nhâm Thân (1692), có tin vua Chiêm là Bà Tranh gây rối làm loạn ở phủ Diên Ninh, chúa cho quân đi bắt, nhân thể đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành.

Năm Đinh Sửu (1697), Chúa đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lý (Phan Rí), Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và huyện Hoa Đa.

Năm Mậu Dần (1698), niên hiệu Chính Hòa thứ 19, Chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh vào chia đất Đông Phố thành hai miền: lấy xứ Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (tức Gia Định). Mỗi dinh đều đặt quan cai trị và quản lý. Lập làng ấp, định thuế khóa.

Năm Kỷ Mão (1699), vua Chân Lạp là Nặc Thu (Ang Saur, có sách ghi Nặc Ong Thu) đem quân tấn công Đại Việt, Quốc chúa Bồ tát lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, cùng với Phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Và thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang - Phnôm Pênh), đánh tan quân của Nặc Thu.

Sau khi vua Chân Lạp (Campuchia) qui hàng, Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyền ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Khmer, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tinh thần thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau. Những hành động khoan hòa, thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của ông đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến. Quốc chúa Bồ tát sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho binh lính hải quân canh gác và thu thuế hai hòn đảo này (Theo Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán).

Năm Nhâm Ngọ (1702), công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catchpole đem 200 quân và 8 chiếc thuyền chiếm đảo Côn Lôn (nay thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa -Vũng  Tàu) của nước ta. Quốc Chúa Bồ tát ra lệnh cho Trấn Phủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan tùy liệu đối phó. Mùa đông năm Quý Mùi (1703), Phúc Phan tuyển mộ 15 người Chà và (dân đảo Java gốc Mã Lai - Nam Dương), sai họ dùng kế trá hàng để len vào đất địch. Nửa đêm, nhóm  người Chà và theo mưu của Trương Phúc Phan nổi lửa đốt trại, đâm chết những tên chỉ huy, bắt được một số thuộc hạ, số khác chạy thoát ra biển trốn, liền bị thủy binh ta truy đuổi tiêu diệt. Sau khi thắng trận, Phúc Phan ra Côn Đảo thu hết của cải mang về nộp cho Phủ chúa. Quốc Chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu trọng thưởng những người Chà và cùng các tướng sĩ tham gia trận đánh hết sức hậu.

Năm Ất Dậu (1705), nội bộ Chân Lạp (Campuchia) rối loạn, vua Nặc Yêm chạy sang Gia Định cầu cứu với triều đình nước ta, Quốc Chúa Bồ tát cho tái lập an ninh cho vua Chân Lạp (Campuchia).

Năm Mậu Tý (1708), bấy giờ có Mạc Cửu người Quảng Đông không phục nhà Thanh, bỏ chạy sang Chân Lạp, được vua Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha (Oknha - như chức Tri phủ). Mạc Cửu khai hoang lập được 7 xã ở Hà Tiên. Sau đó, ra Thuận Hóa (Huế) dâng sớ lên Quốc Chúa, xin đem đất đó quy thuận nước ta.  Quốc chúa Bồ tát nhận lời và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng Binh, trấn giữ Hà Tiên. Nước ta mở rộng bờ cõi đến Hà Tiên kể từ năm đó.

Năm Kỷ Sửu (1709)  Quốc Chúa Bồ tát sai đúc Quốc bảo. Đó là chiếc ấn khắc chữ “ĐẠI VIỆT NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẤN CHI BẢO”. Chiếc ấn này đã được lưu truyền cho đến các vua nhà Nguyễn sau này.

Quốc Chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu thọ trì giới đại thừa Bồ tát và tập theo gương hạnh Duy Ma Cật: “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là tịnh độ”, chủ trương lấy tinh thần Phật pháp định hướng cho đời sống dân tộc, mở đất phương Nam bằng con đường Phật giáo, đến đâu đều dựng chùa thỉnh cao tăng đắc đạo trụ trì tụ khí thiêng, sau đó mới di dân và định canh, an cư lạc nghiệp cho dân.

Quốc Chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu cho lập ba Đàn truyền giới vào ngày mồng 01 tháng 04 năm Ất Hợi (1695) cho 1.400 (một nghìn bốn trăm) giới tử, Đàn Sa Di, Tỳ Kheo, đàn thứ ba truyền giới Bồ tát cho Công hầu, Khanh tướng, Tông tộc Chúa Nguyễn. Quốc Chúa cũng thọ giới Bồ tát giới một đàn riêng biệt.

Năm Tân Mão (1711), niên hiệu Vĩnh  Thạnh  thứ  6, Quốc Chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu sắc tứ chùa Vạn An ở Long Điền, Bà Rịa : “SẮC TỨ VẠN AN TỰ” bên hữu khắc: “Vĩnh Thạnh lục niên, kiết nhật” bên tả khắc: “Quốc chủ Thiên Túng Đạo nhân” và trùng tu, sắc tứ nhiều ngôi Tự viện khác…

Quốc Chúa Bồ tát an nhiên thể  nhập Chân tánh vào tháng 4 năm Ất Tỵ (1725), ở ngôi 34 năm. Chí hướng của Chúa được thể hiện trên một bài ‘minh’ do chúa viết trên chiếc chuông đồng tại tại  chùa Thiên Mụ (Huế) đúc năm Canh Dần (1710):

“Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí” (Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ).

Với 34 năm trị vì thiên hạ, Quốc Chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu đã đóng góp được nhiều công lao vào việc mở mang đất nước; cũng như thực hiện nhiều tiến bộ về xã hội ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ 17I.

Những sứ giả Như Lai là chư tôn đức Tăng già và các quan lại thọ Bồ tát giới  đã theo gót chân của các bậc thánh triết, hiền nhân đi trước vào thời Lý, Trần; dùng chủ nghĩa Từ bi, hiện thực lý tưởng Bồ tát đạo, Quốc sách an dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực. Cùng bước song hành với đoàn người mở đất, Phật giáo cũng gieo mầm tuệ giác trên vùng đất mới đầy phù sa. Duyên Bồ đề quyến thuộc gặp nhau, cùng chung sống trong ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ, để niềm tin Phật nở trong lòng người xa xứ theo âm điệu mõ sớm chuông chiều:

Đây chùa đây Phật, đây mõ sớm chuông chiều, nhắn nhủ khách trần về nẻo giác;

Này trăng này gió, này kinh vàng kệ ngọc, khuyên răn người tục bỏ đường mê.

Khởi nguyên dân tộc miền Nam, Quốc chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu cùng chư tôn đức Tăng già  đem ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ phổ hoá nhân gian, ứng dụng thực tiễn mọi phương tiện thiện xảo, hiệu quả trong việc giáo hóa quần chúng thành công dân chân thiện mỹ, góp phần tốt đạo đẹp đời, phụng đạo yêu nước trên tinh thần: “QUỐC VƯƠNG ĐẠI THẦN DUY TRÌ PHẬT PHÁP - HỘ QUỐC AN DÂN”

Nam  Mô Quốc Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu Hộ Quốc Nhân Vương Bồ tát.



* Đại đức, Ban PGVN, VCN Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6705184