Thông tin

PHẬT GIÁO VỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG XÃ HỘI

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 

TS. TRẦN HOÀNG HẢO(*)
ThS. DƯƠNG HOÀNG LỘC(**)

 

Tóm tắt:

Phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững xã hội, là mục tiêu trọng tâm của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, mục đích của bài viết nhằm nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa Phật giáo với sự phát triển bền vững xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, điều này còn cho thấy chức năng xã hội rõ nét của Phật giáo. Thông qua bài viết, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến một số khuyến nghị để các hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra.

1. DẪN NHẬP

Ra đời cách đây hơn 2.500 năm, từ miền đất thiêng Ấn Độ, hiện nay Phật giáo đã lan tỏa và bám rễ ở khá nhiều quốc gia ở các châu lục trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tiếp nhận và nhanh chóng chịu ảnh hưởng từ Phật giáo ở châu Á. Cho đến nay, đạo Phật đã gắn liền với đời sống xã hội, văn hóa của phần lớn người dân Việt Nam. Tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của đức Phật hòa quyện cùng đạo lý “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời nay của dân tộc ta đã làm cho Phật giáo Việt Nam mang đặc điểm nhập thế, đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Tinh thần đó của Phật giáo đã lan tỏa đến Đồng bằng Sông Cửu Long, mảnh đất cuối cùng của tổ quốc. Ngày hôm nay, mục tiêu phát triển bền vững. trong đó có phát triển bền vững xã hội, còn là một yêu cầu cấp bách cho vùng đất này đang trên bước chuyển mình hội nhập và phát triển. Với yêu cầu đó, Phật giáo đã nổ lực rất lớn, thông qua nhiều hoạt động đóng góp có giá trị, thiết thực cho sự phát triển bền vững xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long.

2. ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG XÃ HỘI

Đồng bằng Sông Cửu Long gồm 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ, có diện tích tự nhiên trên 4 triệu ha, dân số tính đến 2009 là 17,3 triệu người và chiếm hơn 22% dân số cả nước. Hằng năm, vùng này đóng góp 18% GDP, 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/ năm. Như vậy, tất cả đã cho thấy vai trò quan trọng của Tây Nam bộ với việc phát triển kinh tế nước ta, nhất là kinh tế nông nghiệp đang giữ một vai trò khá lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, Đồng bằng Sông Cửu Long được xem là vùng đa dân tộc, đa tôn giáo, có vai trò chiến lược về chính trị và an ninh quốc phòng hiện tại. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã đầu tư rất lớn, tạo tiền đề cho đây phát triển, nổi bật là mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển các đô thị, chăm lo nhiều giáo dục và y tế ở khu vực nông thôn,…Do đó, Đồng bằng Sông Cửu Long đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh và chính trị được giữ vững, quốc phòng được đảm bảo, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội cho cả nước(1), đặc biệt là quá trình xây dựng nông thôn mới đang được tiến hành và có nhiều kết quả tốt, làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, Đồng bằng Sông Cửu Long hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề và chúng là lực cản cho quá trình phát triển bền vững. Về kinh tế, đó là cơ cấu chuyển dịch còn chậm, du lịch và dịch vụ chưa phát triển xứng với tiềm năng, sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc nhiều về thương lái cộng với giá cả bấp bênh khiến người nông dân liên tục gặp khó khăn, có quá ít doanh nghiệp lớn làm mũi nhọn để đột phá, nhiều doanh nghiệp lớn bị thua lỗ hoặc phá sản trong thời gian gần đây. Ở phương diện môi trường, vấn đề được thế giới và cả nước quan tâm là Đồng bằng sông Cửu Long được xem là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của quá trình biến đổi khí hậu, nhất là mực nước biển dâng và có nguy cơ làm ngập nặng phần lớn diện tích nơi đây(2). Còn ở lĩnh vực xã hội thì có khá nhiều vấn đề nổi cộm như người nông dân mất đất sản xuất, bỏ quê lên thành phố ngày một nhiều do thiếu việc làm, tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng học sinh bỏ học cao, đồng bào Khmer còn gặp nhiều khó khăn và nhiều người đang trong tình trạng nghèo đói, nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ tiếp diễn, có nhiều người mắc bệnh tật hiểm nghèo,… Những điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là làm gia tăng nghèo đói và bất ổn xã hội, là những vấn đề xã hội đang nổi cộm ở vùng đất này.

Phát triển bền vững, không chỉ dừng lại ở nhận thức mà còn được biểu hiện qua những hành động và chiến lược cụ thể, mang tính thiết thực, sẽ là mục tiêu và phương pháp hiệu quả cho việc phát triển, ổn định lâu dài cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, với những vấn đề xã hội đang nổi cộm ở đây, nếu muốn giải quyết và định hướng phát triển, thì không thể không hướng đến các tiêu chí của phát triển bền vững xã hội như những giải pháp căn bản, hiệu quả. Khái niệm phát triển bền vững được giới học giả chia sẻ và nhắc đến nhiều là định nghĩa trong Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (nay là Ủy ban Brundtland) được phổ biến rộng dài vào năm 1987. Theo đó, phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai(3). Đây là một khái niệm có nội hàm rộng, nó không chỉ gồm yếu tố sinh thái mà còn chứa đựng các nhân tố kinh tế-xã hội, phản ánh sự hài hòa giữa môi trường sống với sự phát triển kinh tế và sự bình đẳng giữa các quốc gia giàu-nghèo, đặc biệt là nhấn mạnh đến sự quân bình giữa các thế hệ. Trên thế giới, phát triển bền vững thường được đánh giá qua 3 tiêu chí: Kinh tế, xã hội và môi trường. Ở nước ta, trong Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam từ 2011-2020 của chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát như sau: “Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”(4). Định hướng phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới là tập trung vào ba lĩnh vực cơ bản: Kinh tế, tài nguyên môi trường và xã hội. Ngoài ra, trong văn bản này, quan điểm về phát triển bền vững ở Việt Nam là lấy con người làm trung tâm, có sự kết hợp chặt chẽ hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời còn xem khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững đất nước. Trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam từ 2011-2020, phát triển bền vững xã hội gồm rất nhiều vấn đề: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, tạo việc làm bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo và nâng cao điều kiện sống cho đồng bào ở những vùng khó khăn nhất. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có nhà ở, có tư liệu và phương tiện để sản xuất, phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa, trợ giúp việc học chữ và học nghề. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với phát triển ngành nghề, tạo việc làm bền vững. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn và đô thị hóa. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội, có chính sách phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, giảm bớt sự gia tăng chênh lệch về mức sống của các vùng, các nhóm xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục những rủi ro do tác động của kinh tế, xã hội, môi trường. Phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm, khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm. Mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, tăng độ bao phủ, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương. Ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số. Ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, chủ động điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số. Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam(5).

Đặc biệt, văn bản này còn nhấn mạnh việc tham gia vào công cuộc phát triển bền vững để hướng đến xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh còn là công việc của toàn xã hội: “Tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng dân cư trong thực hiện phát triển bền vững, trong tư vấn, phản biện, kiến nghị chính sách về phát triển bền vững và giám sát thực hiện phát triển bền vững”(6). Vì vậy, vai trò của các tổ chức xã hội, trong đó có Phật giáo, một tổ chức xã hội rộng lớn với đông đảo Tăng, Ni và Phật tử ở ba miền đất nước, là rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, chiến lược và hành động cụ thể cho phát triển bền vững, nhất là phát triển bền vững xã hội. Trong đạo Phật, quan niệm về bố thí (tài thí, pháp thí và vô úy thí) có nhiều nét tương đồng với các mục tiêu của phát triển bền vững xã hội. Theo lí giải của Thích Nhất Hạnh, tài thí làm giảm những khổ đau của con người về  phương diện vật chất, tức là  phương diện kinh tế và y tế, bao gồm những kế hoạch phát triển kinh tế, tái phân lợi tức, xóa bỏ những cơ cực gây nên do đời sống quá chênh lệch hằng ngày trong xã hội và thực hiện công bằng xã hội. Còn pháp thí không chỉ dừng lại truyền bá suông những tư tưởng đạo Phật mà còn bao hàm chương trình truyền bá những kiến thức cần thiết cho đời sống cá nhân và xã hội những kiến thức về văn tự, y tế, vệ sinh, pháp luật, chính trị nhằm giúp người dân thoát khỏi sự dốt nát, bệnh tật, nghèo khổ và tìm kiếm cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Vô úy thí có mục đích che chở, bảo bọc mọi người thông qua những kế hoạch bảo vệ bằng pháp luật, y tế, giáo dục, chính trị, quân sự cho tự do, an ninh, sức khỏe của con người(7). Đây là một biểu hiện rõ nét về chức năng xã hội của tôn giáo, vừa hỗ trợ vật  chất vừa giúp đỡ về mặt tinh thần để con người vượt qua những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống.

Một điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là trong quan niệm của Phật giáo, nguyên nhân chính làm phá vỡ sự cân bằng cuộc sống, tính chất không bền vững của xã hội là do lòng tham và sự vô minh của con người. Những ảnh hưởng của nó đến đời sống của con người hiện tại là một biểu hiện sinh động của triết lý nhân quả. Những trụ cột của việc thiết lập sự phát triển và bình đẳng kinh tế- xã hội được giải thích trong nhiều bản kinh Phật. Nó chứng tỏ rằng sự ham muốn là khởi nguồn của mọi đau khổ và đấu tranh. Đức Phật giải thích những cách để kiếm và chia sẻ sự giàu có một cách có đức hạnh và theo đuổi con đường tâm linh để thiết lập hòa bình, hòa hợp, bình đẳng trong xã hội. Nikãyas tuyên bố rõ rệt rằng sự nghèo khó là nguyên nhân của sự vô đạo đức và những tội ác như trộm cắp, dối trá, bạo lực, thù hận, sự tàn ác,…Phật giáo phản đối sự quyến luyến tham đắm với những thứ không thể thỏa mãn được. Theo Phật giáo, sự tiêu thụ không phải là mục tiêu cuối cùng của một xã hội(8).

3. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA PHẬT GIÁO VÌ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG XÃ HỘI Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất gắn liền với quá trình khẩn hoang với bao khó khăn, trở ngại và đi đầu đấu tranh chống lại các thế lực xâm lược thời cận-hiện đại của lịch sử nước ta. Buổi đầu, trong đoàn di dân vào đây đã có mặt các vị thiền sư cùng đồng cam, cộng khổ với người dân. Các nhà sư, ngoài việc cùng khai phá, đã lập chùa để có nơi cho cộng đồng sinh hoạt tâm linh và giúp đỡ họ mỗi khi có thiên tai, địch họa, tham gia dạy học và bốc thuốc khám chữa bệnh cho người dân trong vùng. Đó là tinh thần từ bi vô ngại, nhập thế hành đạo, là một đặc điểm nổi bật của Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này đã được kế thừa và phát huy rất hiệu quả trong tình hình hiện nay ở vùng đất này.

Ngày nay, trước thực trạng có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh và phát triển, thậm chí phức tạp, cộng đồng Phật giáo, không chỉ riêng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mà còn có cả Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh,…, đã tham gia nhiệt tình, hỗ trợ cho người dân mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống bằng nhiều hoạt động thiết thực với tinh thần “phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”. Có thể khái quát bức tranh của vấn đề này như sau:

Hoạt động từ thiện xã hội của Tăng Ni, Phật tử hướng về Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng nhiều, bằng các hình thức khác nhau để hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Mỗi khi nơi nào đó có khó khăn, giới Phật giáo các tỉnh thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,…tổ chức quyên góp, đi cứu trợ với hình thức trao tặng tiền mặt, mì tôm, dầu ăn, quần áo,…cho bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa ở các tỉnh. Điều này đã góp phần an ủi vì cuộc sống của họ vốn rất nhiều khó khăn. Một hình thức khác của Phật giáo và rất cần thiết cho người dân nông thôn là việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách, người có công ở nhiều tỉnh của Tây Nam bộ. Nhiều tổ chức của Phật giáo, chẳng hạn như Hội Từ thiện chùa Giác Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh), Hội Sự nghiệp Từ thiện Minh Đức (Tp. Hà Nội), Phòng khám Đa khoa Từ thiện Long Bửu (Bình Dương)… đã huy động sự nhiệt tình, tâm huyết của cộng đồng xã hội, nhất là đội ngũ y bác sĩ, đến đây phục vụ y tế miễn phí cho cộng đồng và được chính quyền, người dân hoan nghênh. Chẳng hạn, trong tháng 8/2013, Ban Liên lạc đồng hương huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội Sự nghiệp Từ thiện Minh Đức do Đại đức Thích Giải Hiền làm hội trưởng đã tổ chức tặng xe lăn, xe lắc tay, kính đeo mắt cho người khuyết tật, phát quà gồm gạo, dầu ăn, đường cát … cho người nghèo địa phương với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Đồng thời, hội đã tổ chức đưa  hơn 100 y bác sĩ về địa bàn huyện để khám bệnh và phát thuốc miển phí cho 6.000 lượt người(9).

Trong những tỉnh, thành hướng về Đồng bằng Sông Cửu Long, hoạt động của Tăng Ni, Phật tử ở Thành phố Hồ Chí Minh là nổi bật và có lẽ là nhiều nhất vì đời sống kinh tế ở đây phát triển, mối quan hệ sâu sắc giữa Phật giáo thành phố với các tỉnh, thành ở đây. Qua các báo cáo tổng kết công tác các năm 2009, 2010 và 2011của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy kinh phí hoạt động từ thiện xã hội không ngừng tăng lên, cụ thể như sau: Năm 2009 đạt 171.832.642.000 đồng, năm 2010 là 201.826.410 đồng, năm 2011 được 201.213. 615.000 đồng(10). Ngoài ra, Ban Từ thiện xã hội thuộc Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh còn tư vấn, giới thiệu cho các đoàn từ thiện của Tăng Ni, Phật tử đến các địa phương đang cần sự giúp đỡ, trong đó có Đồng bằng Sông Cửu Long, để hoạt động này có ‎ý nghĩa thực sự, đúng đối tượng. Thời gian hoạt động là thường xuyên, đồng thời chuẩn bị tinh thần cứu trợ đột xuất. Mỗi khi các địa phương chẳng may gặp bão lụt, hạn hán, mất mùa,…được nhiều đoàn từ thiện đến ủy lạo, cứu trợ bằng hàng hóa, lúa gạo và tiền bạc. Bên cạnh sự hỗ trợ từ bên ngoài, bản thân Tăng Ni, Phật tử ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã tự thân nỗ lực và tham gia rất nhiệt tình vào hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương. Ở các chùa, thông qua việc phối hợp với chính quyền và tổ chức đoàn thể tại địa phương, vào các dịp tết Nguyên đán, Phật đản, rằm tháng bảy…, họ thường tổ chức các hoạt động phát gạo, mì, dầu ăn và tiền bạc, tặng học bổng cho học sinh nghèo, trao nhà tình thương cho người khó khăn, gia đình neo đơn, chính sách và những người bệnh tật. Nhiều chùa ở các tỉnh, thành còn đứng ra vận động xã hội tổ chức bếp ăn tình thương cho người lao động nghèo, phát cháo ở các bệnh viện cho bệnh nhân, được đánh giá rất cao. Đó là trường hợp chùa Đại Giác (Tp. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), chùa Phước Long (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Tịnh thất Ngọc An (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ), Tịnh xá Ngọc Vân (Tp. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), chùa Quan Âm (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long),…Hoạt động từ thiện-xã hội của giới Phật giáo tỉnh Kiên Giang được xem là nổi bật ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tính trong hơn 3 năm (2007-2010), Phật giáo Kiên Giang có hơn 80% các tự viện, tịnh xá, tịnh thất tham gia công tác từ thiện-xã hội. Sự đóng góp của Phật giáo chiếm gần 50% tổng số các tôn giáo tham gia công tác này. Tổng giá trị công tác từ thiện là 79,86 tỉ đồng, chiếm gần 50% so với giá trị thực hiện chung của tất cả các tôn giáo. Những lĩnh vực Phật giáo tham gia tỉ lệ cao là: Cất nhà đại đoàn kết chiếm gần 60%, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, các hoạt động giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm 48,58%, bắc cầu, làm đường giao thông nông thôn chiếm 22,72%. Năm 2010, cất nhà đại đoàn kết hơn 240 căn, xây mới hơn 60 cầu bê tông, ngoài ra còn quan tâm cứu trợ đồng bào nghèo, bị thiên tai, phát gạo, quà tết, trung thu, tập học… trị giá trên 30 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng số tiền thực hiện của Phật giáo Kiên Giang là gần 22 tỷ đồng(11). Năm 2012, Phật giáo Kiên Giang thực hiện từ thiện xã hội với tổng số tiền 48.045.320.000 đồng với sự tham gia của tất cả ban đại diện Phật giáo các huyện trong tỉnh với các hình thức cụ thể: trao nhà đại đoàn kết (80 căn), trao nhà tình thương (165 căn), mổ mắt (120 ca), khám phát thuốc miễn phí (10.000 lượt), xây cầu (117 cây), cho tập viết học sinh nghèo (1.150.600.000), làm đường giao thông nông thôn (20.000m), ủy lạo đồng bào nghèo (16.000 xuất), tiếp sức mùa thi ở Cần Thơ (699 người), tặng xe lăn xe lắc (80 chiếc), tặng xe đạp (260 chiếc), tặng trống cho các trường học (120 cái), cho hòm từ thiện (300 cái), khoan cây nước cho hộ nghèo (40 cây), phát quà cho trẻ em nhân dịp trung thu (12.000 phần)(12). Có thể nói rằng, bằng các hoạt động từ thiện-xã hội, với nhiều hình thức khác nhau, Phật giáo đã ủng hộ và góp phần giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống, tạm thời giải quyết cái ăn cái mặc của người dân nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là thuộc vùng sâu vùng xa. Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội và chính quyền địa phương, tạo nên mạng lưới xã hội vì an sinh cho cộng đồng ở từng địa phương.

Phật giáo còn là một nhân tố trong việc góp phần thay đổi diện mạo nông  thôn Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm vừa qua.

Đồng bằng Sông Cửu Long vốn là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt nên việc đi lại ở nhiều nơi còn khó khăn. Muốn phát triển nông thôn, nâng cao cuộc sống người dân và phát triển kinh tế ở đây thì nhất thiết phải hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn đường bộ qua việc đầu tư xây cầu và đường bằng bê tông, xóa đi cảnh cầu treo, cầu tạm, bớt nhọc nhằn trong việc đi lại. Nhiều Tăng Ni, Phật tử ở các tỉnh, thành của Tây Nam Bộ đã tích cực đóng góp vào lĩnh vực này, nhất là ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp,…Hình thức chính là vận động các mạnh thường quân trong và ngoài nước, ngoài ra nhà chùa đóng góp xây cất để việc đi lại của người dân được thông suốt, giao thương mở mang. Nguồn lực ủng hộ mạnh nhất trong vấn đề này và không thể không nhắc đến là Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Một trường hợp tiêu biểu là, với người dân miền Tây thật thà, chất  phác, Hòa thượng Thích Như Niệm, hiện trụ trì chùa Pháp Hoa (Quận Phú Nhuận), đồng thời là phó Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được họ gọi một cách thân mật là “Sư ông xây cầu”. Tính đến thời điểm này, Hòa thượng Thích Như Niệm đã xây được 176 cây cầu trên 13 tỉnh khu vực miền Tây Nam. Hành trình của “Sư ông xây cầu” đi qua gần 2 thập kỷ. Kinh phí xây dựng những cây cầu đầu tiên, Hòa thượng Thích Như Niệm dùng chính số tiền đền bù giải tỏa hai miếng đất - tài sản thừa kế từ gia đình của cá nhân Hòa thượng. Sau đó, tiếng lành đồn xa, quỹ xây cầu được lập tại chùa, để rồi bình quân mỗi năm có 12 cây cầu được xây dựng từ nguồn quỹ này(13). Ngoài ra, Quỹ Từ thiện Đạo Phật Ngày Nay, Hội từ thiện chùa Giác Nguyên, và một số tự viện khác,…thường xuyên tổ chức quyên góp xây cầu nông thôn và bàn giao lại cho các địa phương, được các cấp chính quyền và bà con đánh giá rất cao. Đây là hoạt động rất ý nghĩa về phương diện kinh tế, xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực và có chiều sâu, nhất là trong tình hình Đảng và nhà nước ta quan tâm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế người nông dân. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, hoạt động này rất phù hợp với đặc điểm, nhu cầu phát triển nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay.

Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long, kế thừa truyền thống nhập thế hành đạo và ban vui cứu khổ của Phật giáo dân tộc, tham gia cung cấp dịch vụ xã hội cho cộng đồng qua hai hình thức cơ bản là y tế và giáo dục. Điều này nhằm đem lại sự phát triển và cải thiện cuộc sống của cộng đồng. Trong mọi xã hội đều xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản, nhưng có một bộ phận không nhỏ dân chúng ở các vùng xa xôi, dân tộc thiểu số, những người nghèo ở thành thị và nông thôn, những người HIV/AIDS, những người khuyết tật... không có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ mà họ mong muốn. Vì vậy, việc hỗ trợ giáo dục và y tế của Tăng Ni, Phật tử mang lại ý nghĩa xã hội rất lớn cho người nông dân miền Tây. Điều dễ  thấy nhất  là có nhiều ngôi chùa ở nông thôn mở phòng khám từ thiện thuốc Nam để chữa bệnh cho cộng đồng. Có thể kể đến một số chùa tiêu biểu: Chùa Phước Thiện (xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), Chùa Tân Khánh (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), Chùa Khải Tường (xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Chùa Phước Long (xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Chùa Hương Sơn (phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), Chùa Phật Học (phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), Chùa Tâm Thành (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), Chùa Phong Lợi (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự (phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau),…Ở Chùa Phước Thiện (xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) có phòng thuốc Phước Thiện chuyên khám và bốc thuốc Nam miễn phí cho người nghèo trong vùng. Phòng thuốc thành lập từ năm 1970 và duy trì đến ngày nay, luôn bảo đảm hoạt động khám và bốc thuốc cho người dân. Phòng thuốc Phước Thiện có 3 lương y có bằng cấp và nhiều kinh nghiệm trong việc bắt mạch, châm cứu chẩn đoán cho bệnh nhân. Bệnh nhân đến khám có nhiều dạng bệnh từ hư (bệnh nhẹ bên ngoài) đến thực (loại bệnh thấm vào can chi) nhưng được các Sư bắt mạch cho thuốc, bệnh nhân dần khỏe mạnh và một số người đã khỏi bệnh. Thuốc Nam do các sư cô tự trồng trong vườn của chùa và một số thuốc phải đi lặn lội nhiều nơi tìm kiếm. Ngoài ra, khi thiếu thuốc, phòng khám còn liên hệ với nguồn thuốc ở Gò Công (Tiền Giang) và Chợ Mới (An Giang) hay thông báo vị thuốc thiếu đến các Phật tử, bệnh nhân, để được hỗ trợ. Trong suốt quá trình hoạt động, Phòng thuốc Phước Thiện nhờ vào sự đóng góp của mạnh thường quân và thùng tiền từ thiện cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Phật giáo địa phương. Trung bình một ngày có trên 50 người đến Phòng thuốc Phước Thiện để bốc thuốc chữa bệnh. Kết hợp với việc bốc thuốc hàng ngày cho người dân, phòng thuốc còn mời các lương y có tay nghề về chùa để tổ chức thăm khám thường xuyên cho người dân(14). Ở Đồng bằng Sông Cửu Long và kể cả các khu vực khác, trong tình hình y tế công lập thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, còn việc đến các cơ sở y tế tư nhân thì phải trả chi phí cao, là một vấn đề đáng được quan tâm khi bệnh tật ngày một gia tăng trong cộng đồng. Cho nên, việc các chùa mở phòng khám chữa bệnh cho người dân là góp phần rất lớn trong việc xã hội hóa hoạt động y tế, hỗ trợ việc chữa trị kịp thời của người dân vùng sâu, vùng xa, trở thành những địa chỉ thường xuyên của bệnh nhân nghèo và nhất là việc bảo tồn, phát huy giá trị của y học cổ truyền dân tộc kết hợp với y phương minh của nhà Phật. Bên cạnh đó, các chùa ở Đồng bằng Sông Cửu Long còn tham gia mở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và đào tạo nghề, mở lớp trang bị kiến thức ngoại ngữ, tin học cho địa phương, cấp học phí học cao đẳng, đại học. Phần lớn các đối tượng được hưởng lợi từ dịch vụ này chính là thanh thiếu niên, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thậm chí khuyết tật, nên không có điều kiện được học hành- một chìa khóa quan trọng cho hành trang hội nhập xã hội và trở thành một công dân tốt. Năm 2012, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy được thành lập ở Chùa Long Thạnh (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là một tấm gương điển hình của Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long trong việc hỗ trợ dịch vụ giáo dục cho cộng đồng, đồng thời là ngôi trường tư thục đầu tiên do tôn giáo điều hành trong cả nước. Trường đào tạo theo hệ thống giáo dục quốc dân.  Năm học 2013 – 2014, trường có tất cả 12 lớp học ở 3 cấp lớp, với tổng số học sinh là 189 em. Phần lớn các em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đã bỏ học giữa chừng hoặc có nguy cơ phải bỏ học ở các trường công lập, tư thục khác, trẻ mồ côi, cơ nhỡ, cha mẹ ly hương,… Trường không thu học phí của học sinh nên chi phí cho hoạt động của trường nhờ vào 3 nguồn tài trợ: Chùa Long Thạnh và kêu gọi Tăng Ni, Phật tử ở tỉnh Long An cùng các doanh nghiệp hảo tâm bảo trợ(15). Còn ở Kiên Giang, ngày 1/1/2013, Nhà giữ trẻ Nhân Ái đã mở cửa đón nhận các trẻ thuộc đối tượng gia đình nghèo, không đủ tài chánh để gửi con đến trường. Nhà giữ trẻ này nằm trong khuôn viên chùa Phật Quang (phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) do Đại đức Thích Minh Nhẫn, trụ trì chùa thành lập và nằm trong sự bảo trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang. Đây là tổ hợp công trình trường học, khuôn viên khang trang với 4 phòng ấm cúng, tiện nghi, trong đó có 1 nhà ở cho giáo viên, 3 nhà dành cho trẻ em được trang bị đầy đủ tiện nghi  và các trang thiết bị để hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần cho trẻ. Tổng kinh phí xây dựng cơ sở gần 2 tỷ đồng(16). Trong tương lai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang sẽ nhân rộng mô hình này ở các địa phương trong tỉnh nhằm hỗ trợ cộng đồng ngày một nhiều hơn nữa. Trong nhiều năm qua, ở Huyện Ba Tri -một địa phương còn khó khăn của Tỉnh Bến Tre, Đại đức Thích Thiện Sanh (Chùa An Phước, Xã An Bình Tây), với sự đóng góp của các mạnh thường quân, đã hỗ trợ tiền bạc, nhận nuôi miễn phí học sinh nghèo, đặc biệt sẵn sàng chu cấp khi các em đến với giảng đường đại học(17). Điều này mang ý nghĩa khá thiết thực, bởi việc trang bị học vấn là nền tảng để thoát nghèo hiệu quả nhất, tạo nền tảng vững chắc để phát triển tương lai các em.

Trong bức tranh chung các hoạt động từ thiện, hỗ trợ xã hội của Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long, việc các chùa đứng ra nhận nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa và trẻ mồ côi là một điểm sáng nổi bật và thể hiện được tính chuyên nghiệp, nhân văn, được cộng đồng xã hội đánh giá rất cao vì hiệu quả của nó. Đây là nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, nếu không hỗ trợ và can thiệp, họ sẽ bị gạt ra bên lề và trở thành một gánh nặng của xã hội. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, trước tình hình xã hội ngày càng có nhiều cụ già bị con cái bỏ rơi, mất người thân, không nơi nương tựa, cho nên một số chùa đã xây dựng nhà dưỡng lão để các cụ tá túc lúc cuối đời. Đó là trường hợp Chùa Kim Phước (xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Chùa Liên Bửu (xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), Chùa Long Thạnh (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Chùa Phật Học (phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), Chùa Phước Linh (phường 2, thành phố  Bạc Liêu),… Ở Trà Vinh, Ni trưởng Thích Nữ Bửu Lý- trụ trì Chùa Liên Bửu đã thành lập nhà dưỡng lão trong khuôn viên chùa. Đến nay, nhà dưỡng lão nhận khỏang 40 cụ tá túc. Nguồn kinh phí họat động chủ yếu là do Phật tử và các doanh nghiệp trong và ngòai tỉnh ủng hộ. Ở chùa, các cụ được chăm sóc sức khỏe thật chu đáo, bác sĩ duy trì việc khám bệnh 3 ngày/tuần. Ngòai ra, hàng tháng, chùa còn tổ chức giảng pháp và khóa lễ sám hối nhằm giúp các cụ hiểu được lẽ vô thường, tập buông xả để được an vui trong buổi xế chiều của đời người(18). Mặt khác, do đời sống xã hội ngày càng phức tạp nên hiện tượng trẻ vô gia cư, mồ côi, mất cha mẹ ngày càng nhiều, trở thành một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, trong đó có ở các tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long. Vì vậy, nhà chùa đã mở cửa đón nhận các trẻ về nuôi dưỡng, chăm sóc từ vật chất đến tinh thần để các em có điều kiện phát triển toàn diện. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long có thể kể đến các chùa tham gia việc này như sau: Chùa Phật Minh (xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), Chùa Pháp Tánh (xã Tân Kiên, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Chùa Bửu Trì (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), Chùa Phật Học (phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), Chùa Vĩnh Phước An (phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), Chùa Phật Quang (phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang),…Một trường hợp nổi bật là Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang (tỉnh Kiên Giang) do Chùa Phật Quang quản lí. Trung tâm này được thành lập từ năm 2002 có tên gọi là Điểm Trường tình thương Phật Quang, đến năm 2006 thì đổi tên cho đến nay. Hiện Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang nuôi dưỡng trên 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và miễn phí hoàn toàn, thuộc 4 đối tượng sau: Trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ mất cha hoặc mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng, trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, trẻ thuộc hộ nghèo vùng sâu vùng xa không thể đến trường. Tổng kinh phí hoạt động hằng năm trên 1,5 tỉ đồng. Toàn bộ kinh phí là dựa vào nguồn ủng hộ của cộng đồng xã hội. Mục tiêu của trung tâm đặt ra là sẽ nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em có thể thi vào các trường trung cấp, cao đẳng hay đại học và trung tâm sẽ tài trợ toàn bộ việc ăn học cho đến khi ra trường. Trung tâm có đội ngũ nhân sự hoạt động 20 người, trên là ban giám đốc và dưới là các bộ phận văn phòng, giáo vụ, giám thị, y tế, nhà ăn để vận hành công việc. Ngoài ra, còn có một ban bảo trợ với nhiều vị nhân sĩ trí thức, doanh nghiệp và các mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hỗ trợ thường xuyên kinh phí hoạt động cho trung tâm. Đến nay, Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang đã nuôi dưỡng hơn 500 trẻ và được chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá rất cao(19).

Phật giáo Nam tông Khmer là bộ phận quan trọng của Phật giáo Đồng bằng sông Cửu Long. Đời sống xã hội và văn hóa của người Khmer ở đây gắn liền với Phật giáo, ngôi chùa là trung tâm của phum, sóc. Thời gian gần đây, ngoài việc thực hiện chức năng văn hóa, giáo dục và gắn kết cộng đồng, các chùa Khmer đã tiến hành các hoạt động vì an sinh xã hội cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống và nâng cao dân trí, đào tạo nghề cho bà con Khmer ở vùng sâu, vùng xa và đã góp phần thay đổi bộ mặt phum, sóc. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước ở 8 tỉnh, thành của Tây Nam bộ gồm Thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã có nhiều thành tích vào xóa đói giảm ng- hèo, hoạt động từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương và cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai. Ở Kiên Giang, tổng số tiền hoạt động từ thiện năm 2013 của Phật giáo Nam tông Khmer là 5.826.297.000(20). Hầu hết các huyện, thị có chùa Khmer như Gò Quao, Tp Rạch Giá, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên, huyện U Minh Thượng, huyện An Biên, huyện Vĩnh Thuận, huyện Hòn Đất tham gia nhiệt tình các hoạt động vì cộng đồng và rất có ý nghĩa với nhiều hình thức khác nhau. Trong bài viết Đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer ở tỉnh Kiên Giang, tác giả Danh Lắm cho biết cụ thể: Các chùa Phật giáo Nam tông Khmer hưởng ứng tích cực các hoạt động từ thiện, thường xuyên vận động, tuyên truyền, huy động đóng góp sức người lẫn của cải vật chất của tín đồ Phật tử. Bước đầu đã làm được một số việc như: Xây dựng cầu, đường, bê tông hóa giao thông nông thôn, chăm sóc người nghèo nông thôn, tổ chức đưa người nghèo đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn, khám chữ bệnh bằng thuốc Nam, châm cứu cho bệnh nhân nghèo, xây dựng lò hỏa táng, đóng góp tiền và hiện vật cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt,…Điển hình như Hòa thượng Trần Nhiếp, trụ trì Chùa Đường Xuồng Mới (huyện Gò Quao) vận động đồng bào Phật tử xây cầu, đường nông thôn trị giá hàng tỉ đồng, xây dựng trên 40 cây cầu, hàng ngàn mét đường nông thôn. Chùa Klang Mương (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành) nổi bật với phòng thuốc Nam miễn phí cho bệnh nhân khám chữa bệnh, bình quân mỗi năm phát hàng chục ngàn thang thuốc. Chùa Rạch Sỏi (Thành phố Rạch Giá) tổ chức lớp dạy nghề, hướng dẫn bà con Phật tử đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chùa Thôn Dôn, Chùa Phật Lớn (Thành phố Rạch Giá) nuôi con em đồng bào Phật tử và sư sãi các nơi  để đi học ở trường,…Bên cạnh đó, nhiều vị sư sãi tham gia vào các tổ chức như hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, hội chữ thập đỏ các cấp như Hòa thượng Trần Nhiếp, Đại đức Danh Ri, Danh Hạnh,…(21)

4. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VÀ KIẾN NGHỊ

Qua tìm hiểu một số hoạt động của Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long vì sự phát triển bền vững xã hội, chúng tôi có một số nhận định như sau:

Thứ nhất, các hoạt động này mang lại ý nghĩa xã hội tích cực, được chính quyền và cộng đồng người dân đánh giá rất cao, thể hiện được lối sống nhân ái, nghĩa tình của người dân Nam bộ: “Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Ngoài ra, đó còn là những minh chứng sinh động, cụ thể về truyền thống nhập thế, từ bi, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Qua đây cũng thấy được tính linh hoạt của Tăng Ni, Phật tử trong nhập thế hành đạo là khế cơ, khế lý, khế xứ, khế thời. Chính điều này đã giúp Phật giáo đi sâu vào lòng dân tộc, trong đó có miền Tây Nam bộ.

Thứ hai, các hoạt động vì cộng đồng, xã hội của Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng và mở rộng an sinh xã hội nông thôn ở nước ta hiện nay. Nó là biện pháp hiệu quả cho việc giải quyết các vấn đề xã hội đang có mặt ở nông thôn Việt Nam nói riêng và phát triển bền vững nói chung. An sinh xã hội ở nông thôn, theo Mai Ngọc Anh, là: Hệ thống an sinh xã hội cho nông dân là một hệ thống các chính sách, các giải pháp mà trước hết là nhà nước, gia đình và xã hội thực hiện nhằm trợ giúp người nông dân thoát khỏi nghèo, rồi mới đối phó với những rủi ro gây ra bới các cú sốc về kinh tế-xã hội làm cho người nông dân bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, già cả không còn sức lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác làm cho họ rơi vào cảnh nghèo khổ, bần cùng hóa. Vai trò của hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân chình là giảm bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, từ đó tạo nên sự ổn định về chính trị, kinh tế và xã hội. Ngoài ra, nó có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa rủi ro, giải quyết những vấn đề liên quan đến giảm thiểu rủi ro, hạn chế dễ bị tổn thương và khắc phục hậu quả của rủi ro(22).

Thứ ba, trong các hoạt động này, Phật giáo thể hiện được vai trò kết nối cộng đồng của mình. Là nhân tố trung tâm, Tăng Ni, Phật tử đã nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tổ chức xã hội, người dân,…để giúp đỡ cho người nghèo, khó khăn ở nhiều địa phương khác nhau của Tây Nam bộ. Đó còn là mối quan hệ giữa Phật giáo với chính quyền và các tổ chức, giữa Phật giáo miền Tây với các tỉnh, thành khác trong cả nước trong việc thực hiện an sinh xã hội cho cộng đồng. Trần Hoàng Hải và Lê Thị Thúy Hương, trong một nghiên cứu, đã nhắc đến vai trò của cộng đồng khi tham gia vào an sinh xã hội: “Ngoài vai trò của nhà nước, nét đặc biệt của an sinh xã hội còn thể hiện ở sự tham gia của toàn bộ cộng đồng. Mỗi cá nhân sống trong cộng đồng của mình đều có trách nhiệm với những thành viên khác với  chính mình trên cơ sở  tự yêu thương, đùm  bọc, che chở lẫn nhau. Chính vì vậy, an sinh xã hội còn là một trong các hoạt động có tính xã hội rất cao”(23).

Thứ tư, qua tìm hiểu đã cho thấy Phật giáo Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp cho sự phát triển bền vững xã hội thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu của các đối tượng xã hội khác nhau. Đặc biệt, sự đóng góp này ngày càng chuyên nghiệp, có chiều sâu và tính thực tiễn cao thông qua việc xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ mồ côi, trường học cho học sinh nghèo, đào tạo nghề cho thanh niên, chăm sóc sức khỏe cho người dân…và đã tạo nên hiệu quả rất lớn. Đây là một hướng đi đúng và kịp thời, cần nhân rộng hơn nữa.

Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, Phật giáo Đồng bằng Sông Cửu Long cần mở rộng và đi vào chiều sâu hơn nữa các hoạt động xã hội vì cộng đồng, góp phần vào việc phát triển bền vững xã hội ở nông thôn nước ta, thực hiện được mục tiêu: “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị ,đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”(24). Vì vậy, Phật giáo các tỉnh, thành Tây Nam bộ cần phối hợp với Ban Từ thiện-xã hội TW xây dựng các kế hoạch dài hạn, chiến lược cụ thể cho các hoạt động từ thiện xã hội, phù hợp điều kiện các tỉnh, thành khác nhau. Cần mở rộng hơn nữa các hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên, phụ nữ ở nông thôn, xây dựng nhiều nhà tình thương và các trường học ở các cấp, có phương án thành lập các phòng khám y tế từ thiện kết hợp cả Đông và Tây y với đội ngũ y bác sĩ giỏi để trong tương lai có thể ra đời một bệnh viện phục vụ cộng đồng của Phật giáo ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Muốn thực hiện được những yêu cầu này thì bắt buộc phải có nguồn lực được đào tạo về y tế, sư phạm, nhưng theo chúng tôi, cần thiết nhất là phải nhanh chóng trang bị  kiến thức và kĩ năng của ngành công tác xã hội, phát triển cộng đồng cho Tăng Ni, Phật tử đang tham gia hoạt động xã hội ở các  địa phương. Trong bối cảnh gia tăng các vấn đề xã hội, trong đó có Đồng bằng Sông Cửu Long, việc Phật giáo có một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản sẽ giúp đỡ được cộng đồng ngày một nhiều hơn, qui mô rộng lớn hơn và có ý nghĩa, tính thiết thực, mang tính chuyên nghiệp hơn nữa. Làm được như vậy, Phật giáo sẽ là một chỗ dựa vững chắc của cộng đồng, lan tỏa tinh thần từ bi của đức Phật, thắp sáng những giá trị truyền thống của dân tộc, là nơi thắp lên niềm hi vọng về cuộc sống của người nông dân lam lũ, nhọc nhằn trên mảnh đất đồng bằng cực Nam của đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thế Nghĩa-Bùi Quang Huy-Lê Thế Đạt (đồng chủ biên) (2005), Đồng bằng Sông Cửu Long hội nhập và phát triển, Hà Nội, NXB. Khoa học xã hội.

2. Vương Xuân Tình-Trần Hồng Hạnh (đồng chủ biên) (2012), Phát triển bền vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở Vùng Đông Bắc. Hà Nội, Nxb.Khoa học xã hội.

3. Thích Nhất Hạnh  (2008),  Đạo Phật hiện đại hóa, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

4. Thích Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (chủ biên) (2014), Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, Tp Hồ Chí Minh, Nxb.Đại học Quốc  gia Tp.Hồ Chí Minh.

5. Viện Nghiên cứu Tôn giáo-Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (2014), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Kiên Giang, tháng 6/2014.

6. Mai Ngọc Anh ( 2010),  An sinh xã hội đối với nông dân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Trần Hoàng Hải-Lê Thị Thúy Hương (2011), Pháp luật an sinh xã hội kinh nghiệm của một số nước đối với Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự Thật.

 


(*), (**). Trường Đại học KHXH&NV TPHCM.

1. Nguyễn Thế Nghĩa-Bùi Quang Huy-Lê Thế Đạt (đồng chủ biên) (2005), Đồng bằng Sông Cửu Long hội nhập và phát triển, Hà Nội, NXB. Khoa học xã hội, trang 14.

2. Gần đây nhất, theo Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường, khi nước biển dâng cao 1m thì 10 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Trong đó, nặng nhất là tỉnh Bến Tre, nước triều có khả năng ngập 50,1% diện tích, kế đó là Long An 49,4%, Trà Vinh 45,7%, Sóc Trăng 43,7% . Nguồn:  Đức Khánh, Biến đổi khí hậu - thách thức lớn cho Đồng bằng Sông Cửu Long. In trong: Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 1/7/2010, trang 53.

3. Dẫn theo: Vương Xuân Tình-Trần Hồng Hạnh (đồng chủ biên) (2012), Phát triển bền vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở Vùng Đông Bắc. Hà Nội, Nxb.Khoa học xã hội, trang 29.

4. Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam từ 2011-2020 của Thủ tướng chính phủ. Nguồn:http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_ id=2&mode=detail&document_id=157753. Ngày truy cập 7/11/2014.

5. Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam từ 2011-2020 của Thủ tướng chính phủ.

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=157753. Ngày truy cập 7/11/2014.

6. Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam từ 2011-2020 của Thủ tướng chính phủ. Nguồn:http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_ id=2&mode=detail&document_id=157753. Ngày truy cập 7/11/2014.

7. Thích Nhất Hạnh  (2008), Đạo Phật hiện đại hóa, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, trang 69-70..

8. Mukesh Kumar Verma, Phản ứng của Phật giáo đối với sự phát triển bền vững: Lý thuyết và thực tế. In trong: Thích Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (chủ biên) (2014), Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, Tp Hồ Chí Minh, Nxb. Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, trang 64.

9. Những thôn tin này do ông Đoàn Hoàng Hải, Trưởng Ban liên lạc đồng hương huyện Ba Tri tại TpHCM cung cấp cho nhóm tác giả  bài viết  năm 2014.

10. Nguồn:

- Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2009 và chương trình hoạt động phật sự năm 2010 của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 14.

- Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2010 và chương trình hoạt động phật sự năm 2011 của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 13.

- Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2011 và chương trình hoạt động Phật sự năm 2012của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 14.

11. Nguyễn Quốc Minh, Phật giáo Kiên Giang với công tác từ thiện. In trong: Hương Từ bi, Đặc san Phật học của Tỉnh  hội Phật giáo Kiên Giang, số 1, tháng 3/2012, trang 21.

12. Đại đức Thích Minh Khải, Công tác từ thiện xã hội một năm nhìn lại. In trong: Ánh đạo Kiên Giang, Đặc san Phật học của Tỉnh  hội Phật giáo Kiên Giang, số 2, tháng 1/2013, trang 30-33.

13. Hồng Minh. Chuyện rơi nước mắt của sư ông xây hàng trăm cây cầu. Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-roi-nuoc-mat-cua-su-ong-xay-hang-tram-cay- cau-602022.tpo. Ngày truy cập 11/11/2014.

14.  Phan  Hân,  Bốc  thuốc  từ  thiện  giúp  người.  Nguồn:  http://baodongkhoi.com. vn/?act=detail&id=30616. Ngày truy cập: 11/11/2014.

15. Tư liệu thực tế năm 2014 của nhóm tác giả bài viết.

16. Đại đức Thích Minh Khải, Công tác từ thiện xã hội một năm nhìn lại. In trong: Ánh đạo Kiên Giang, Đặc san Phật học của Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang, số 2, tháng 1/2013, trang 31.

17. Tư liệu thực tế năm 2011 của nhóm tác giả bài viết.

18. Tư liệu thực tế năm 2011 của nhóm tác giả bài viết.

19. Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang mái nhà chung của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. In trong: Ánh đạo Kiên Giang, Đặc san Phật học của Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang, số 2, tháng 1/2013, trang 64-69.

20. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự 2013. In trong: Ánh đạo Kiên Giang, Đặc san Phật học của Tỉnh  hội Phật giáo Kiên Giang, số 4, tháng 8/2013, trang 85.

21. Danh Lắm, Đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer ở tỉnh Kiên Giang. In trong: Viện Nghiên cứu Tôn giáo-Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Kiên Giang, tháng 6/2014, trang 356.

22. Mai Ngọc Anh ( 2010), An sinh xã hội đối với nông dân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 29-33.

23. Trần Hoàng Hải-Lê Thị Thúy Hương (2011), Pháp luật an sinh xã hội kinh nghiệm của một số nước đối với Việt Nam, Hà Nội, Nxb.Chính trị Quốc gia-Sự Thật, trang 43.

24. Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Ban Chấp hành TW khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Báo Sài Gòn Giải Phóng, Chủ nhật ngày 17/8/2008, trang 9.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6795993