Thông tin

PHẬT GIÁO VỚI VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ THỜI NHÀ TRẦN

PHẬT GIÁO VỚI VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ THỜI NHÀ TRẦN

 

THÍCH GIÁC MINH HỮU

 


 

Lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Suốt thời kỳ chiều dài lịch sử, các triều đại phong kiến hưng thịnh của nước nhà, thì không thể không nói đến triều đại thời nhà Trần, là thời kỳ vàng son nhất của Phật giáo, cũng là đỉnh cao hào hùng của lịch sử Việt Nam. Đại Việt thời nhà Trần là đỉnh cao trí tuệ của thời đại, là quốc gia hùng cường, sánh ngang với các nước lớn trong khu vực. Những đóng góp của Phật giáo trên mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, văn hóa, v.v. trong thời kỳ triều đại nhà Trần là vô cùng quan quan trọng, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.

Bối cảnh lịch sử thời nhà Trần

Nhà Lý bắt đầu từ Lý Công Uẩn (1010-1028).Với sự trợ giúp của Thiền sư Vạn Hạnh và tướng Đào Cam Mộc, triều đình đã suy tôn võ tướng Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều đại nhà Lý. Năm 1010, Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là Thăng Long, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Nhà Lý tồn tại suốt 215 năm từ (1010-1225), truyền được 9 đời vua, cũng là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử.

Năm 1226, do sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi Hoàng Đế, lập ra triều đại nhà Trần. Nhà Trần tồn tại 175 năm (1226-1400), truyền được 13 đời vua, vẫn lấy tên nước là Đại Việt và kinh đô là Thăng Long.

Thời Trần, nhân dân ta đã ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược: Lần thứ nhất năm 1258, lần thứ II năm 1285, lần thứ III năm 1287.

Từ cuối thế kỷ XIV, triều Trần suy vong, phong trào nông dân khởi nghĩa bùng nổ khắp nơi. Trước tình hình đó, Hồ Quý Ly - một quý tộc trong triều đã ép vua Trần nhường ngôi cho mình để lập ra triều đại Hồ. Hồ Quý Ly, sau khi lên ngôi Hoàng đế đổi tên nước là Đại Ngu (đóng đô ở Tây Đô - Thanh Hóa).

Phật giáo với vai trò Chính trị thời nhà Trần

Phật giáo khi truyền vào Việt Nam đã tiếp biến với văn hóa của dân  tộc, thích ứng và phát triển cùng dân tộc. Phật giáo Việt Nam với tinh thần nhập thế tích cực, vận dụng giáo lý dung thông đã tạo được chỗ đứng trong lòng dân tộc, đặc biệt thời đại Lý – Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo, vai trò của Phật giáo tham gia trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, quân sự… sâu sắc nhất vẫn là vấn đề chính trị, vì chính trị là cốt lõi của mọi vấn đề khác.

Sau khi kế tục sự nghiệp xây dựng và phát triển Đại Việt, nhà Lý đã có những thành tựu và phát triển nhất định, mà đỉnh cao của trí tuệ là trong việc lãnh đạo quốc gia. Nhà Trần đã rút ra những bài học kinh nghiệm từ nhà Lý, các vị vua anh minh của nhà Trần đã biết vận dụng, chọn lọc những tư tưởng nhập thế tích cực của Phật giáo và phù hợp với thời đại để làm hệ tư tưởng chủ đạo của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ như: “Hòa quang đồng trần, Tùy duyên bất biến, Phật tại tâm, Cư trần lạc đạo v.v.”. Để rồi hiếm có một thời đại nào trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc mà xây dựng được một vị Vua Phật như nhà Trần đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông. “Đến thời Trần, nền văn học Phật giáo lại càng phát triển mạnh mẽ. Cư trần lạc đạo chính là bài thuyết pháp bằng thơ của người sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - vua Phật Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo nhập thế, Trần Nhân Tông là một đấng minh quân, một anh hùng dân tộc gắn liền với hào khí Đông A của văn hóa Đại Việt… đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc1. Có được thành quả đó cũng là nhờ những nguyên nhân sâu xa, trong quá trình xây dưng và đặt nền tảng từ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông… để rồi thành tựu một cách trọn vẹn khi vua Trần Nhân Tông làm xong việc đời, khởi phát việc đạo.

Kể từ khi Trần Cảnh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Trần Thái Tông đã thấm nhuần lời dạy của Quốc sư Viên Chứng: “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm, tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật2. Chưa dừng lại ở đó, Quốc sư còn dạy cách trị vì thiên hạ hay nói ngắn gọn hơn là làm chính trị theo lời đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh, tức cúng dường chư Phật”. Thể theo tinh thần ấy, Quốc sư Viên Chứng đã dạy Trần Thái Tông: “Phàm làm Vua phải lấy ý muốn của nhân dân làm ý muốn của mình3. Nghe lời dạy của Quốc sư Viên Chứng, Trần Thái Tông đã đem đạo vào đời một cách tích cực, phục vụ nhân dân theo tinh thần vô úy, cùng lúc với việc tham thiền học đạo. Bởi vì Vua biết rất rõ (đạo không thể xa đời), đạo là phải sống và thể nghiệm ngay cuộc đời. Người Phật tử chân chính cần phải lấy chúng sinh làm đối tượng để phụng sự. Vì quán triệt lẽ đó mà Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông... đã sẵn sàng quên mình để lo cho dân, cho nước. Khi Vua cha hiểu đạo thì cách dạy dỗ và có những ảnh hưởng đến các đời kế nghiệp mang tư tưởng Phật giáo cũng là lẽ đương nhiên. Từ đó, nhà Trần lấy tư tưởng nhập thế của Phật giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo thực hiện tự chủ, xây dựng nên độc lập của Đại Việt về mọi mặt: Văn hóa, chính trị, kinh tế… tránh khỏi sự lệ thuộc và sự đồng hóa của phương Bắc, xây dựng bản sắc riêng của Đại Việt về mọi phương diện. Thực hiện phương châm: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. Đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 11, tháng 2 năm 1242. Nhà Trần chia Đại Việt thành 12 lộ như sau: “Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng Khoái, Thanh Hóa, Hoàng Giang, Diễn Châu”. Ngoài các lộ trên còn đặt các phủ: “Lâm Bình, Thái Nguyên, Lạng Giang”. Đặt chức an phủ, trấn phủ có hai viên chánh và phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại tư xã, tiểu tư xã, có người kiêm luôn 2 đến 4 xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan.

Dân chúng được chia ra làm ba hạng: “Tiểu hoàng nam (18-20 tuổi), đại hoàng nam (20-60 tuổi), và hạng lão hoàng nam trên 60 tuổi”. Lúc đầu chỉ có những người trong hoàng tộc họ Trần mới được giữ các chức quan nhưng đến đời vua Trần Anh Tông thì những người có đức, có tài cũng được giữ các chức vụ quan trọng. Khi vận dụng lời Phật dạy để xây dựng một quốc gia hưng thịnh các vua nhà Trần đã thực hiện tốt. Kinh Vũ Thế trong Trung A Hàm tập 1, đức Thế Tôn đã dạy 7 pháp làm hưng thịnh quốc gia cho dân chúng Bạt kỳ như sau: “1. Thường nhóm họp bàn nhũng sự việc chân chính; 2. Vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau; 3. Nhân dân thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ; 4. Người dân hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng; 5. Người dân thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần; 6. Người dân giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy; 7. Nhân dân tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ, chẳng biếng nhác4. Căn cứ vào bài kinh cơ bản này thì xét thấy vào thời nhà Trần đã thực hiện và tiếp biến bảy pháp trên một cách rất phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của thời đại. Các vua thời Trần thực sự là những vị minh quân, tài đức vẹn toàn nên thường truyền ngôi sớm cho các Thái tử. Khi lên ngôi các vua nhà Trần cũng rất đặc biệt vừa mang tính kế thừa, vừa nâng đỡ sâu sắc, làm việc cẩn thận, có trách nhiệm cao, nhưng không tham quyền, lạm thế, từ bỏ nhẹ nhàng. Chứng tỏ các Ngài uyên thâm về Phật pháp, xem nhẹ quyền lực đúng như sử gia Ngô Sĩ Liên viết trong Việt sử tiêu án:Bỏ ngai vàng như trút chiếc giày rách”, Trần Thái Tông xứng đáng là “Gương mặt văn hóa đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam5. Nhà Trần còn nỗ lực xây dựng và đào tạo con người kiểu mẫu của thời đại: “Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai6. Bởi ở địa vị Thái thượng hoàng chỉ là cố vấn cho vua, thế nhưng mọi ý kiến của Thượng hoàng đều được vua tuân thủ thi hành, chứng tỏ đạo cha con được tôn trọng triệt để, trên dưới phân minh rõ ràng, cha thương con, con kính cha, tạo nên sức mạnh thống nhất, quán triệt tinh thần vừa khích lệ tài năng trẻ, truyền thụ kinh nghiệm kế thừa bài bản, nâng cao giá trị đạo đức, cho các Phật tử qua khái niệm đương thời: “Khoan hòa, nhân từ, phúc tuệ”. Những tư tưởng siêu việt của một Phật giáo nhập thế là: “Chủ trương Phật tại tâm, cư trần lạc đạo, hòa quang đồng trần và tùy tục tùy duyên7 đã giúp cho một quốc gia nhỏ như Đại Việt trở nên hùng cường.

 

 

Điều đó chứng tỏ các tư tưởng Phật giáo đã đi vào thực tiễn đời sống sinh hoạt của mọi người con dân Đại Việt, trực tiếp góp phần tạo nên trật tự an ninh xã hội và phát triển thời nhà Trần.

Phật giáo thời nhà Trần đã chuyển biến từ nhập thế đơn thuần của nhà Lý sang nghiên cứu và thực nghiệm giáo lý và đồng hành cùng dân tộc tạo nên bản sắc riêng, thuần hóa và hình thành nên dòng Phật giáo nhất tông “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”. Dưới triều đại nhà Trần, Phật giáo trở thành Quốc giáo, tư tưởng Phật giáo xâm nhập hoàn toàn với nền văn hóa dân tộc, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, khát khao độc lập dân tộc và yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hợp. Khi đất nước lâm nguy, Phật giáo đã phát huy sức mạnh trí tuệ và tập hợp sức mạnh tinh thần đoàn kết nhân tâm: “Ông Bụt từ bi, Phật bà cứu khổ”, hệ giáo lý sống động thực tiễn đi vào đời sống, đạo đời gắn bó đã làm nên sức mạnh vô song để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Một đặc sắc nữa của Phật giáo thời Trần là tinh thần nhập thế “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp8. Đạo và đời cả hai dung hợp, thể nhập linh động sáng tạo và diệu dụng trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói các vị quân vương và các vị Thiền sư thời Trần đã sử dụng đúng tiềm năng của đạo Phật, khiến cho Phật giáo trở thành một tư tưởng triết lý hùng mạnh, có công năng uy lực xây dựng và phát triển đạo pháp, cũng như bảo vệ và mở mang đất nước dưới triều đại nhà Trần. Các vị vua thời nhà Trần đều thông tỏ đạo lý như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và đặc biệt là Trần Nhân Tông, ông mang phong thái của vị Phật Đại Việt.

Khi tìm hiểu về Phật giáo thời nhà Trần, đạo Phật không chỉ có dân tu tập sùng mộ mà vua cũng tu, hoàng thân quốc thích, hoàng hậu, phi tần, công chúa, quan lại cũng tu. Đúng như nhà Nho Lê Quát đời nhà Trần cho rằng: “Phần nửa thiên hạ đi tu9. Phật giáo lúc bấy giờ có ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, văn hóa, tư tưởng, chi phối hầu hết mọi tín ngưỡng, tập tục. Không biết từ bao giờ những ngôi chùa trở thành bộ phận hữu cơ, gắn bó mật thiết với cộng đồng xã hội “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”.

Tiếc rằng nửa sau thế kỷ XIV, các vị vua nhà Trần đã mất sự anh minh, lại có khuynh hướng trọng dụng Nho giáo, giới tri thức Nho giáo bước lên vũ đài chính trị và nhà Trần cũng bắt đầu suy tàn từ đó. Còn Phật giáo đi sâu vào văn hóa quần chúng nhân dân với tinh thần vô ngã, vị tha, chất phác, bình đẳng, yêu thương, từ bi cứu khổ, cứu nạn, tình thương đồng loại. Đây là sức sống bền bỉ của Phật giáo cho đến hôm nay

Với tất cả yếu tố trên, Phật giáo Đại Việt thời Trần đã trở thành một hình mẫu, lý tưởng đặc sắc và rất riêng có sức ảnh hưởng và tác động nhiều mặt trong đời sống xã hội, làm nên sự thịnh vượng và vẻ vang trong lịch sử Đại Việt. “Quá trình hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, một Thiền phái mang đậm một bản sắc dân tộc độc lập, tự chủ không hề phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng bất cứ Thiền phái Phật giáo nào từ Trung Hoa10. Đó cũng chính là tinh thần nhập thế rất riêng của Phật giáo Đại Việt thời nhà Trần.

Để hiểu về khái niệm nhập thế tích cực

Nhập thế đã được ngài Mâu Tử khái niệm như sau: “Cư gia khả sự thân, tể quốc khả dĩ trị dân, độc lập khả dĩ trị thân (dịch) Nhà có thể phụng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng trị dân, đứng một mình có thể tu thân11. Khái niệm nhập thế này đã dung hòa cùng bản sắc dân tộc, sống mãi với thời gian, đi sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt. Trong tâm niệm của người xuất gia cũng luôn lập hạnh nguyện tự lợi và lợi tha, báo đền tứ ân, ba cõi siêu thoát, chí khí cao ngút như Tổ Quy Sơn có dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, trấn nhiếp mà quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu12. Tạm dịch: (Phàm làm người xuất gia, thì siêu vượt đến chân trời cao rộng, hình tướng và tâm tánh khác với thế tục, làm cho dòng Thánh hưng thịnh, thu phục ma quân, trên báo bốn ơn nặng, dưới cứ khổ ba đường). Đến thời nhà Trần thì lại có quan điểm “Phật tại Tâm, Hòa quang đồng trần, Tùy duyên, Cư trần lạc đạo” làm cơ sở lý luận và hành động thực tiễn nhập thế tích cực của Phật giáo thời nhà Trần.

Để chống lại sự xâm lược tư tưởng, văn hóa và đồng hóa bản sắc của phương Bắc, Nhà Trần đã chủ trương thiết lập một hệ tư tưởng Phật giáo nhập thế tích cực làm trục vận hành xã hội đã đem lại thành công lớn góp phần đưa dân tộc Đại Việt thời nhà Trần sánh với các cường quốc lúc bấy giờ không chỉ tại Đông Nam Á, mà ngay cả châu Á. Với chứng tích là ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên là một đế quốc mạnh nhất lúc bấy giờ. Mông – Nguyên đã xâm lược hầu như toàn bộ châu Á và một số nước châu Âu. Các vua thời nhà Trần không những biết vận dụng tư tưởng nhập thế Phật giáo một cách sáng tạo, mà còn góp phần thành công trong việc xây dựng quan điểm và lý luận, tinh thần nhập thế hết sức linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh thời đại lịch sử. Không ai khác mà những nhân vật lịch sự lớn như: “Vua Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã chuẩn bị tất cả tiền đề lý luận làm nền tảng cho Thiền phái Trúc Lâm hình thành và đi vào hoạt động dưới sự lãnh đạo của Trần Nhân Tông. Mục đích của Thiền phái này nhằm đáp ứng nhu cầu lịch sử và Phật giáo Đại Việt giao phó13. Với sự ra đời và lý tưởng sống tốt đẹp của Thiền phái Trúc Lâm đã đặt ra cho Phật giáo Việt Nam ngày nay nhiều suy nghĩ, trăn trở, với mong muốn khôi phục lại sự vinh quang của Phật giáo thời nhà Trần.

 

 

Đóng góp của Phật giáo cho triều đại nhà Trần

Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc ta trong suốt chiều dài của lịch sử, chống lại sự xâm lược, đồng hóa của Trung Hoa. Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình nên có sự tiếp nhận và hòa nhập vào  nền văn hóa Việt. Từng bước, nếp sống Phật giáo đi sâu vào mỗi cá nhân, gia đình, xã hội nước Đại Việt thời bấy giờ, tạo nên bản sắc văn hóa Việt. Phật giáo vượt khỏi khuôn viên nhà chùa, đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước rất cụ thể: “Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là ‘Người có công dự bàn sách lược’ đại diện triều đình tiếp sư thần nhà Tống khiến họ nể phục”. Thiền sư Mãn Giác, Quốc sư Phù Vân, Quốc sư Đại Đăng… là những vị có công lớn trong việc hộ quốc an dân. Khi xong việc, các Ngài lại lui về nếp sống thiền môn thanh tịnh nên không có chuyện tranh chấp giữa giáo quyền và thế quyền qua cái nhìn duyên sinh, với tinh thần vô ngã, vị tha, độ lượng, cống hiến cho đời không đòi hỏi...

Nghiên cứu lịch sử giai đoạn này thì nhiều chuyên gia sử học đã cho rằng: Nhà Trần đã thay thế nhà Lý đầu thế kỷ XIII là cần thiết và kịp thời cho sự phục hưng của nước Đại Việt đang bị suy sụp nghiêm trọng thời kỳ cuối nhà Lý. Nếu không có sự xuất hiện của nhà Trần vào lúc này, Đại Việt sẽ khó tồn tại bởi nạn cát cứ “Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng, sự nổi dậy của người Man…bên trong”. Bên ngoài thì sự quấy nhiễu của giặc Chiêm Thành phía Nam, Ai Lao cướp phá phía Tây và đặc biệt là đội quân Mông - Nguyên đang tiến đánh xuống phía Nam các nước láng giềng gần Đại Việt. Trước tình hình đó, nhà Trần đã chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức14, tạo sự thống nhất cao, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên dưới một lòng. Vua tôi nhà Trần đã tổ chức hai hội nghị mang tầm vóc lịch sử thời đại: “Hội nghị Bình Than (1282) và Hội Nghị Diên Hồng (1285)”. Đó là chuẩn bị về tư tưởng, còn về nhân lực, nhà Trần chủ trương xây dựng con người: “Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai15, biết khơi dậy được tinh thần tự tôn dân tộc, phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Kết luận

Với quá trình nghiên cứu, “Phật giáo với vấn đề Chính trị thời Trần”, đã cho chúng ta có một cái nhìn khách quan, với “Hào khí Đông A ngút trời, một Phật giáo hưng thịnh được xây dựng trên nên tảng lịch sử Thiền phái Trúc Lâm, cả dân tộc Đại Việt bước sang kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự chủ để xây dựng đất nước16. Qua đó, chúng ta thấy được những tư tưởng cơ bản của Phật giáo đã được khéo tiếp biến một cách phù hợp nó đã trở nên sắc bén và trở thành ý thức hệ sống mãi với thời gian. 


 1. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương (2012), Hội thảo khoa học: Giáo dục Phật giáo - Định hướng & phát triển, Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Lưu hành nội bộ, tr. 437.

2. Thư viện Đại học Vạn Hạnh, Tư tưởng số 4 (1970), Thiền tông đời Lý, In tại Đăng Quang - Phan Thanh Giản - Sài Gòn, tr. 51.

3. HT Thích Phước Sơn, 2009, Phật học khái yếu, đặc trưng của Phật giáo giai đoạn đầu nhà Trần, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr. 273.

4. Hán Dịch: Tam tạng Tăng Già Đề Bà, Việt dịch: Tuệ Sỹ, 2008, Kinh Trung A Hàm Tập 1, 142. Kinh Vũ Thế, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 1066.

5. Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, TP. HCM, tr. 100.

6. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 50.

7. Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương, 2012, Hội thảo khoa học: Giáo dục Phật giáo - Định hướng & phát triển, dạy & học môn Văn học Phật giáo Việt Nam tại các Học viện Phật giáo Việt Nam,
Lưu hành nội bộ, tr. 78.

8. Phật pháp ở tại cõi đời này, không tìm ngoài có được. Đạo không thể tách rời cuộc đời và đời không thể thiếu vắng đạo được.

9. Người xuất gia quá đông, chùa chiền đâu cũng có, lúc này đạo Phật hưng thịnh nhất trong lịch sử.

10. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng  Đức, Hà Nội, tr. 43.

11. Lê Mạnh Thác (1982), Nguyên cứu về Mâu Tử, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr. 511.

12.  Thích Hành Trụ (2011), Quy sơn cảnh sách, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 252.

13. Thích Phước Đạt (2013) Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 59.

14. Đỗ Đức Hùng và Quỳnh Cư (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên,TP. HCM, tr. 94.

15. Đỗ Đức Hùng và Quỳnh Cư (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên,TP. HCM, tr. 94.

16. Hòa thượng: Ấn Thuận, Người dịch: Thích Hạnh Bình, 2007, Phật giáo và cuộc sống, 2. Nguyên tắc của lý luận, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 178.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6939648