Thông tin

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP

 

THIỀU CHỬU

 

Đây là bài của Thiều Chửu viết năm 1948 giảng tại Cao Phong Phật học tràng Phúc Yên những năm 1948 - 1949. Bài này do ông Trần Thanh Tuấn chép tay (hiện nay Tiến sĩ Thích Thanh Đạt, viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đang giữ). Năm 1950 Thiều Chửu giới thiệu ông Tuấn cùng một số đệ tử khác tham gia quân đội. Ông Tuấn đã hy sinh ở chiến trường Thượng Lào vào thập niên 1960. Sư bà Đàm Ánh, trụ trì chùa Phụng Thánh, Khâm Thiên, Hà Nội cũng có bản chép tay bài này.

I. Định danh

Hỏi: Anh có theo tôn giáo nào không?

- Có, tôi theo Phật giáo.

Hỏi: Phật giáo có ích lợi gì cho người mà anh theo?

- Có ích lắm chứ! Vì anh chưa vào nên chưa biết đó thôi. Anh nên biết rằng: sống ở cái thế kỷ 20 này, ai còn dại gì mà theo những cái vô ích. Hơn nữa, Phật pháp tuyệt đối không cho mê tín, không cho nuôi thêm tính chất ỷ lại, ấn định rõ rệt là người thì ai cũng là Phật, sẽ thành Phật cả, nên tôi cần phải theo.

Hỏi: Đời này là thời khoa học xương minh, cái chân lý chỉ có tài trí của người mới giải quyết được cái đời sống của người. Tôn giáo tuy có nói những sự khuyến thiện trừng ác, về đời xưa kia trí thức chưa mở mang mấy thì cũng có lợi cho đời đôi chút, đến nay thì không những không ích gì mà lại còn làm trở ngại cho sự tiến hoá của nhân loại nữa. Cái lẽ đó đã được toàn thế giới học thức công nhận, mà anh còn cứ ôm chân tôn giáo, chả phải là ngu quá ư?

- Phải rồi, chỉ có người mới giải quyết được cái đời sống của người, lẽ đó Phật tổ Thích Ca đã nói toạc móng heo ra rằng: "Chỉ có người mới đủ tư cách tu được thành Phật", hết thảy mọi người đều có cái khả năng thành Phật cả... Trên trời dưới trời chỉ có ta là tôn quí bậc nhất, và người nào cũng có tính Phật cả, không làm thì thôi, làm là thành Phật". Có phải như các tôn giáo khác quên mất mình đi, chỉ riêng trông vào một đấng toàn trí toàn năng ban phúc giáng vạ đâu. Phật định nghĩa hẳn rằng: "Sự gì cũng không ngoài Luật Nhân quả, sướng hay khổ đều tự người gây nên, tự người nhận lấy, chứ chẳng ai làm cho mình cả”. Đó, anh hãy nghe mấy câu đó mà anh suy xét xem Phật giáo của tôi theo có đúng với khoa học không? Tiếc rằng anh chưa kịp đọc kinh sách nhà Phật nên anh chưa thấy cái hay cái tốt của Phật mà anh phê bình một cách vơ đũa cả nắm đó thôi.

Hỏi: Thế Phật là hạng thế nào?

- Phật tức là người đã dùng công phu khoa học mà tu chứng tới chỗ cùng tột của cái bản năng con người, nghĩa là thành một nhân cách cao đẳng, lý trí đúng đắn, sáng suốt vô cùng.

Hỏi: Phật là tiếng gì?

- Phật - nguyên tiếng phạm là Bút Đa (Buddha), Trung Quốc dịch âm là Phật Đà, gọi tắt là Phật, dịch nghĩa là giác giả, nghĩa là người đã hiểu biết và thực hành được 3 nghĩa: tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.

Hỏi: Giác là thế nào?

- Giác là giác ngộ, là biết tỏ chân lý - Biết rằng cái bản tính của người ta ai cũng sáng suốt công bằng, hiền lành tử tế, chỉ vì không hiểu cái lý bình đẳng công lợi mà tự tư ích kỷ gây nên rất nhiều tội ác xấu xa. Nay nhận thấy rõ được cái lý ấy, không vì ích kỷ mà làm hại người thế là tự giác. Mình đã giác ngộ cái lẽ đó rồi, đã thực hành phá tan cái tính ích kỷ hại nhân rồi, lại tìm đủ mọi phương pháp để làm cho người cùng giác ngộ được như mình, thế là giác tha. Công tác giác tha làm được đến triệt để viên mãn, khiến cho ai nấy cùng được tiến tới đến chỗ phúc trí bình đẳng, thế là giác hành viên mãn.

Hỏi: Thế còn Bồ tát là thế nào?

- Bồ tát là người tu đã sắp sửa đi tới cõi Phật, là người tu đúng chính pháp của Phật, là người làm được đúng đắn tôn chỉ của Phật, nguyên tiếng Ấn Độ là Vô đi sát na (Boddhisattva), Trung Quốc dịch là Bồ đề tát đỏa, gọi tắt là Bồ tát, dịch nghĩa là giác hữu tình, nghĩa là người tu chứng được phần giác ngộ như Phật, lại đem chỗ giác ngộ đó mà giác ngộ cho hết thảy các giống hữu tình vì Bồ tát là một bậc tu lấy sự xả thân cứu thế làm cái đích duy nhất, nên người ta thường dùng chữ Bồ tát để tặng cho những người giàu lòng giúp đỡ mọi người.

Hỏi: Thế còn Thanh văn, Duyên giác là thế nào?

- Thanh văn, Duyên giác đều là người tu mới tự giác ngộ được mình, chứ chưa có cái công giác ngộ người. Thanh văn là bậc tu nghe Phật nói nghĩa Tứ Đế mà giác ngộ. Duyên giác là bậc xem xét cái lý 12 nhân duyên mà giác ngộ.

Hỏi: Vì sao trong một Phật pháp lại chia ra Đại thừa và Tiểu thừa? Cùng tông này phái khác? Như thế có phải là chia rẽ nhau không?

- Đại thừa tức là Bồ tát, Tiểu thừa tức là Thanh văn, Duyên giác. So với học qui thế gian: Bồ tát là đại học, Duyên giác là Trung học, Thanh văn là tiểu học. Còn chia tông phái là để chuyên môn cho tinh, cũng như thế gian học chuyên khoa vậy, không có gì là chia rẽ cả.

Hỏi: Thế người tu có cần tu Tiểu thừa không? Hay cứ tu ngay Đại thừa cũng được?

- Cái lẽ thường thì ai tu lấy mình cũng phải tu Tiểu thừa trước, rồi mới tiến lên Nhị thừa và Đại thừa. Song cũng có người căn cơ cao sáng, bẩm thụ hơn người, sinh ra đã có khả năng theo bậc Bồ tát ngay được thì tu ngay bậc Đại thừa cũng được.

Hỏi: Sao trong Phật giáo có lắm danh từ lạ lùng: Tỉ khiêu (Bhikkhu), Sa Di, Sa môn, Ô ba sách ca (Upâsaka), Ô Ba tư ca (Upâsika) v.v... như thế? Làm sao không dịch ra tiếng Việt mà gọi có dễ hiểu không?

- Cái đó chả có gì là lạ cả, vì hết thảy các khoa học, khoa nào cũng có danh từ chuyên môn của khoa ấy, tiếng nước này khác với tiếng nước kia, có khi một danh từ có vô lượng nghĩa, cho nên đành phải dịch âm rồi thích nghĩa riêng cho hiểu. Thí dụ như chữ La hán nguyên tiếng ấn Độ là Arahant có 3 nghĩa:

1. Đã trừ sạch được 3 món độc là Tham, sân, si

2. Phúc đức lớn lao đáng được mọi người tôn kính cúng dàng.

3. Chẳng bao giờ giật lùi xuống chỗ hèn kém nữa

Vì ta không có tiếng gì dịch được đúng ba nghĩa đó nên đành phải dịch âm là La Hán vậy. Cũng như tiếng Sà phòng (savon) ta không có tiếng gì thay được thì đành phải phiên âm mà gọi vậy.

II. Mục đích

Hỏi: Mục đích của Phật nhằm vào chỗ nào?

- Mục đích của Phật là trừ giai cấp chuyên chế tư bản để đưa toàn thể dân chúng đến chỗ phúc trí bình đẳng, cùng sum họp vui hoà trong một chế độ đại chúng hoá, hợp lý hoá. Hơn nữa giáo hoá cho ai nấy trừ sạch tính xấu, vượt hẳn tư cách bình thường mà tới một cái tư cách cao thượng tuyệt trần, thoát hẳn cái khổ đói khát ốm đau già nua chết chóc mà tới cái chỗ bất sinh bất diệt.

Hỏi: Đấy chỉ là một lý thuyết suông, làm gì có sự thực?

- Sự thực rõ ràng còn ghi trong kinh điển, sao bảo là lý thuyết xuông được?

Hỏi: Anh kể một vài sự thực xem nào?

- Thực hành bình đẳng như Phật Thích Ca là ngôi Thái tử, con Vua Tịnh Phạn một nước lớn trong 5 xứ Ấn Độ, mà bỏ hết mọi sự phú quý vinh hoa, cạo râu cắt tóc tu chứng chân lý. Khi đi giáo hoá có một anh chàng nghèo khổ cùng cực làm nghề hốt phân, thấy Phật thực hành chủ nghĩa mới xin vào tu, giữ được giới luật tinh nghiêm đức hạnh bậc nhất, Phật liền cất lên làm người đứng đầu tư pháp cho tất cả tăng già, mặc dầu trong tăng già có người là họ vua quan, là dòng dõi quí phái đều phải dưới quyền chỉ huy của ông cả. Ông ấy tức là ông Ưu Ba Li (Upali) là tổ đệ nhất về tông luật, thế chả phải là cực đoan bình đẳng là gì? Lại như trong luật nhà Phật: Ai tu học trước thì là hàng trên, chứ chả kể gì hơn tuổi với dòng giống, chỉ trọng Trí đức chứ chẳng trọng chức quyền, ai đã có tầm quan sát đến hình thức Phật pháp đều nhận thấy ngay chỗ đó.

Hỏi: Đạo Phật như thế cũng là bình đẳng thật, nhưng anh nói Phật độ cho ai nấy đều được đến chỗ phúc trí bình đằng thì có cái gì làm tang chứng?

- Có nhiều tang chứng lắm: như trong kinh Dược sư, điều thứ nhất Phật nguyện rằng: “Sau khi ta tu thành đạo rồi thì trí sáng của ta soi khắp mọi giới, thân thể trang nghiêm đủ 32 tướng đẹp, 80 vẻ lạ, và đồng thời làm cho mọi người đều được như ta, chẳng khác tý gì". Điều nguyện thứ 3 nói: "Sau khi ta tu thành đạo rồi, ta sẽ dùng cái trí sáng vô biên và phép phương tiện vô lượng để làm cho mọi người đều được hưởng thụ thoả mãn, chẳng thiếu tý gì". Điều nguyện thứ 11 nói: "Sau khi ta tu thành đạo rồi, nếu có người nào vì nỗi đói khát kiếm ăn mà phải làm các sự tàn ác, ta sẽ giúp cho được đủ mọi sự ăn ngon mặc đẹp, rồi mới dắt dẫn cho biết cái mùi tu đạo sung sướng tuyệt trần". Lại như trong kinh Bát Đại nhân giác, điều giác ngộ thứ 8 nói rằng: "Điều thứ 8 phải biết rõ rằng trong vòng sinh tử... như trong đống lửa cháy nồng nàn, khổ não vô lượng, nên ta phải mở tấm lòng cao cả rộng lớn cứu giúp cho hết thảy; phải phát nguyện lớn chịu thay mọi sự cực khổ cho chúng sinh, khiến cho chúng sinh đều được hưởng cảnh yên ổn sung sướng hết. Coi đó đủ biết lòng Phật là thế nào, Nguyện Phật là thế nào rồi.

Hỏi: Đấy vẫn chỉ là lý thuyết xuông, chưa phải là sự thực, nếu Phật làm được sự thực thì sao trong một thời gian đã trên 2000 năm rồi mà thế giới vẫn thấy ngày một rối ren hơn lên, hết trận đại chiến thứ nhất lại đến thứ hai, thứ hai vừa xong lại lo thứ ba xuất hiện, những trận chiến tranh tàn ác khốc liệt, thảm không nỡ nói ra, so với xưa kia chỉ thấy ngày một khổ thêm, chẳng thấy ích lợi tý gì, đủ biết đạo Phật anh theo đó chỉ là nói hão chứ chẳng có sự thực.

- Anh phê bình như thế là một lối nhắm mắt nói liều, không biết căn cứ vào sự thực, tức là không biết căn cứ vào lịch sử tiến hoá của nhân loại. Anh thử xem: Hiến pháp dân chủ nước Mỹ ban hành từ năm 1781, Hiến pháp của nước Pháp ban hành từ năm 1791, đến nay là mấy trăm năm rồi, mà đã thực hiện được dân chủ chưa? Một cái luật chung của thế giới này, hễ cái thuyết nào mục đích cao xa rộng lớn bao nhiêu thì cái ngày đạt tới mục đích cũng phải trải qua một kỳ lâu xa tương đương như thế. Anh lại xem như cái ngày thành lập đệ nhất quốc tế, đến nay cũng đã ngót 200 năm rồi, mà ngày nay mới thấy bành trướng ra hầu khắp thế giới. Vậy thì đủ biết cái lẽ Phật pháp không thành công ngay được nhờ nguyện Phật cũng là cái lẽ tất nhiên. Hơn nữa anh nói thế giới càng ngày càng khổ là anh nói lầm: nhân loại ngày nay đã tiến hoá nhiều, cái ngày sung sướng chẳng là bao xa, chẳng qua trong cơn bệnh hoạn khi nó sắp khỏi tất phải qua một phen uất tức, bực dọc bửa mồ hôi ra mới khỏi đó thôi. Anh xem toàn thể nhân loại ngày nay, chỉ trừ một số ít tư bản vì lòng tham dục tự kỷ mà gây tội ác lớn lao ra, còn thì ai nấy cũng đã giác ngộ cái lý bình đẳng, phải đạp đổ phăng giai cấp tư sản mà thay bằng vô sản chuyên chính để nâng đỡ tầng lớp thiệt thòi vì chế độ chuyên chế lừa bịp bóc lột mà tới chỗ ai cũng như ai, ai cũng có làm mới có ăn, ai cũng có quyền lợi tương đương không chút thiệt thòi, thế thì chả phải rõ ràng là cái ánh sáng phá đổ giai cấp, đi tới bình đẳng của Phật đã dựng cờ gióng trống từ trước đây hơn 2000 năm, mà ngày nay đã sắp đến ca khúc khải hoàn đó ư?

Hỏi: Cứ như ý anh thì thế gian này có thể thực hiện được cái cảnh tượng viên mãn tuyệt đối, bất sinh bất diệt như Phật đã nói không?

- Được lắm! Nhất định được! Cứ đem sự thực tôi đã kể ở trên kia ra mà suy xét thì cái mục đích của Phật tất có một ngày đạt tới. Trong kinh Phật đã chia rõ là có 3 cái thế gian:

1. Hữu tình thế gian tức là cái thế giới mà ở trong đó chưa thực giác ngộ hoàn toàn, còn say đắm vật dục thô thiển mà gây nên những sự đấu tranh.

2. Khí thế gian tức là đất đai núi sông.

3. Chính giác thế gian tức là cái thế gian mà người ở trong đó đã tiến tới cõi giác ngộ hoàn toàn bình đẳng cả tính và trí.

Hỏi: Chứng cứ anh đã viện ra, tôi cũng tin rằng nhân loại đã tiến hoá tất phải tiến đến bậc cao siêu, hoá hết thói dã man. Nhưng sự thúc đẩy đi tới chỗ đó có phải là nhờ Phật đâu? Có phải là ta theo đạo Phật mới được thế đâu? Sao anh lại vơ công về Phật được.

- Anh ngờ như thế cũng là có óc suy xét lắm đấy, nhưng anh chưa hiểu được cái chỗ diệu dụng của nhà Phật. Đạo Phật có phải chỉ thu hẹp vào một bộ phận nào hay cảnh giới nào đâu. Đạo Phật là đạo viên dung, nghĩa là tuỳ cơ phương tiện, bất cứ một cách nào hễ làm cho người tiến hoá được thì Phật dùng hết. Như kinh Pháp Hoa nói: "Hết thảy lời nói, văn tự để trị bình thiên hạ, và những phương pháp giúp ích cho đời sống của người đều là Phật pháp cả". Long Thụ Bồ tát nói: "Hết thảy pháp của Như Lai tức là pháp của thế gian, hết thảy tính của như lai tức là tính của thế gian". Phật pháp có phải là cái pháp nói ở ngoài thế gian đâu? Vậy thì bao món: chính trị, kinh tế, văn hoá v.v.... đó, cái tiến cho đến tinh thần để đưa nhân loại đến chỗ sung sướng như nhau tức là Phật pháp đấy. Đó là nói về pháp diệu dụng, cho đến những người làm những phương tiện diệu dụng đó cũng là các Bồ tát hiện thân cả. Hết thảy các đấng anh hùng hào kiệt, chí sĩ, nhân nhân hy sinh hạnh phúc riêng mình mà mưu toan tăng tiến hạnh phúc cho nhân loại đều là bậc Bồ tát Đại thừa cả đấy. Sao biết? Vì tấm lòng ấy tức là tấm lòng Bồ tát, hành động ấy tức là Phật pháp vậy. Trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói: "Bồ tát vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh, nên nghề gì cũng tập làm hết". Kinh Lăng Nghiêm nói: "Sau khi ta từ biệt cõi trần này, ta sẽ cho các Bồ tát ứng thân vào các tầng lớp để ra tế độ cho hết thảy. Hoặc làm thân thầy tu, làm cư sĩ, làm bình dân, làm trẻ trai trẻ gái, làm viên chức chính quyền cho chí làm cả con hát, gái hoá, đồ tể, trộm cắp v.v. .. để cùng đồng loã với chúng, rồi mới nhân các dịp tiện mới chuyển di chúng, cho chúng dần dần tỉnh ngộ trở nên giác ngộ mà chẳng bao giờ tuyên bố cho mọi người biết mình là Bồ tát, chỉ trừ khi sắp từ trần mới dỉ tai bảo cho người đồng chí biết".

Đó, anh thử xem, những đoạn kinh tôi đã dẫn ra đó mà anh suy nghĩ cho kỹ, anh sẽ hiểu được đạo Phật tôi theo viên dung như vậy, diệu dụng như vậy, rồi anh sẽ nhận thấy ngay ở cõi đời này ai là Bồ tát và pháp nào là Phật pháp vậy.

Hỏi: Như vậy thì đạo Phật lại hoá ra không phải là tôn giáo ư?

Cũng là tôn giáo, cũng chẳng phải là tôn giáo.

Hỏi: Thế là cái nghĩa lý gì?

- Tôi đã nói là Phật pháp phương tiện diệu dụng viên dung vô ngại kia mà! Lúc nào trình độ nhân loại còn phải dùng đến lề lối tôn giáo thì Bồ tát cũng thi hành phép tôn giáo hoá, khi nào trình độ nhân loại tiến đến chỗ duy ngã độc tôn thì Bồ tát lại thi hành phép xã hội hoá, nhân gian Phật hoá. Vì thế nên ngài Phổ Hiền Bồ tát mới phát nguyện rằng: "Xin thường tuỳ - thuận chúng sinh mà làm lợi ích cho chúng sinh". Đạo Phật đâu phải chết chẹt một chỗ, không linh động đâu!

Hỏi: Ừ, thế thì đạo Phật cũng hay thật, mà cũng khó nói lắm nhỉ?

- Khó cũng khó thật, mà dễ lại rất dễ. Chỉ tại ta dốt thôi. Hễ ta chịu khó tinh tiến để cầu tiến hoá thì tự nhiên giác ngộ cũng dễ dàng thôi.

III. Lịch sử

Hỏi: Ai là giáo tổ sáng lập ra Phật giáo?

- Đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni)

Hỏi: Thích Ca Mâu Ni nghĩa là gì?

- Thích Ca là họ Phật, Mâu Ni là tên Phật. Thích Ca nghĩa là làm được triệt để tấm lòng nhân từ. Mâu Ni là tu chứng tới cõi rỗng lặng, không một cảnh gì làm rung động được tâm mình nữa. Nguyên họ của Phật là Cù Đàm (Gotama), tên của Phật là Tất Đạt Đa (Siddhattha), còn họ Thích Ca và tên Mâu Ni là cái danh hiệu để biểu dương cái đức tính khi Ngài đã tu thành Phật vậy.

Hỏi: Đức Thích Ca sinh vào hồi nào?

- Ngài sinh vào ngày mồng 8 tháng 4 trước công nguyên 564 năm. Tính đến nay (1949) là 2513 năm.

Hỏi: Phật là người thuộc giai cấp nào?

- Phật là Thái tử của vua Tịnh Phạn (Sudhodna) nước Xá Vệ (Savatthi) một nước phú cường trong 5 xứ Ấn Độ.

Hỏi: Vì cớ gì mà Phật bỏ cả vinh hoa phú quý để đi tu?

- Cái động cơ thứ nhất là thấy đời người có lắm sự khổ, nhất là chỉ vì miếng ăn mà tranh giành đánh giết nhau, cá lớn nuốt cá bé, bầy mạnh lấn bầy yếu, cả đến loài vật cũng vậy, nên Phật chán cái đời sống nhầy nhụa mà muốn cải tạo ra một đời sống vui tươi mãi mãi.

Cái động cơ thứ hai là Phật đi chơi gặp người già ốm, gặp kẻ chết đường, gặp thầy tu đạo, mà cảm thấy rằng: Đã là con người thì bất luận là giàu nghèo sang hèn, khôn dại, thánh, phàm, thảy đều không tránh khỏi được bốn cái khổ nạn lớn là: Sinh, già, ốm, chết, đó, mà chỉ có người tu đạo chứng chân lý, thấu triệt vạn sự vạn vật đều là nhân duyên hoà hợp, mà ra, thảy là khổ, là không, là không tồn tại mãi, là chẳng phải của ta thật, là chẳng thanh tịnh rốt ráo, rồi mới giải thoát được cái khổ sinh tử vô thường kia.

Hỏi: Phật giáo ra đời vào hoàn cảnh nào?

- Vì cái hoàn cảnh chuyên chế tư bản, áp bức bóc lột vô sản mà ra đời. Nguyên nước ấn Độ có một dòng họ Bà La Môn (Brahmana) là một giai cấp chuyên về việc thờ cúng cầu đảo. Họ thờ ông Phạm Thiên làm chúa tể, họ cho rằng loài người đều ở dưới quyền chi phối của một đấng thượng đế thiêng liêng, toàn trí, toàn năng, mà dòng dõi của họ thì từ nơi miệng Phạm Thiên sinh ra, đáng được là dòng tôn quí thứ nhất. Thứ hai là dòng Sát đế lợi (Ksatiya) do trong rốn Phạm Thiên sinh ra, tức là dòng dõi vua quan quý tộc. Thứ ba là dòng Phệ Xá (Vaisa) do nơi cạnh sườn Phạm Thiên sinh ra tức là hạng buôn bán, thứ 4 là dòng Thủ Đà la (Sudra) do nơi lòng bàn chân Phạm Thiên sinh ra tức là hạng cố cùng vậy.

Dòng Bà La Môn đã lợi dụng cái thuyết thần bí, bịp được đầu óc người Ấn Độ trong thời kỳ còn man rợ chưa được khai thông, rồi một mặt họ đặt ra bộ pháp điển Ma Nu (Manu), đem cả chính giáo trộn lẫn làm một, nghĩa là họ đem chế độ, giai cấp phân biệt như thế vào hẳn pháp luật công cộng để bắt chính quyền phải tôn trọng họ vậy. Một mặt họ hùa nhau viết ra một bộ thánh điển Phệ Đà (Veda) trong đó gồm những nghi lễ thờ cúng và các bài văn chầu, các câu thần chú cực kỳ phiền phức bí mật, khiến cho người thường không thể hiểu được để mà tranh cái quyền thân trời thứ nhất của họ được. Hai phần chính giáo họ nắm được cả rồi, làm cho dân Ấn Độ vốn cùng một loài người cả mà thành ra bốn cái giai cấp cao thấp giàu, nghèo, sang, hèn, khôn dại khác nhau như trời với đất vậy. Song, theo cái công lệ tiến hoá của loài người mỗi ngày một tiến lên, dân Ấn Độ là một dân tộc thông minh, hơn nữa, các giai cấp thấp kém nhất lại chiếm đa số, lẽ tự nhiên là họ phải cựa tìm đường ngoi lên, lại được một người ở giai cấp cao quý quyền thế nhất nước tức là đức Thích Ca bỏ hết mọi sự tôn vinh để lãnh đạo họ phá tan xiềng xích áp chế mà thở hít cái không khí tự do bình đẳng thì còn gì dễ bằng, vì thế nên Phật tu thành đạo, thấu triệt được cái chân lý bình đẳng rồi, phất cờ cách mạng ai nấy hoan hô, chỉ trong mấy năm đã quét sạch giáo Bà La Môn, giải thoát cho hơn 300 triệu dân ấn thoát ách nô lệ một cách rất dễ dàng.

Hỏi: Chủ nghĩa Phật giáo chân chính như thế, làm sao nước Ấn Độ thoái hoá đến nỗi bị người Anh đô hộ hơn 300 năm ròng mà vẫn chưa phục hưng được?

- Ấn Độ bị Anh đô hộ là tại dân Ấn không biết củng cố cái nền tảng Phật giáo, để cho giáo Bà La Môn lại ngóc lên được làm cho Phật giáo không tồn tại ở Ấn Độ nữa mà Ấn Độ mới thoái hoá dần, cho đến bị Anh đô hộ, chứ có phải tại Phật giáo đâu.

Hỏi: Đạo Phật đã giải thoát cho dân ấn thoát ách giai cấp chuyên chế, làm sao Đạo Phật lại đến suy vong, thế chả phải là đạo Phật không thích hợp với dân sinh là gì?

- Không phải thế, đạo Phật vẫn rất thích hợp với dân sinh, nhưng chỉ dân nào trình độ đã đến bậc cao thì mới áp dụng được đúng mực, nếu dân tộc nào trình độ còn thấp kém thì chỉ ảnh hưởng được nhất thời thôi. Dân tộc Ấn khi bị ách chuyên chế, nhân dân khổ não, nhờ cái lý thuyết và sự thực hành bình đẳng của Phật, nên cũng thấy bồng bột trong một thời gian là 8 trăm năm rồi, lại dần dần tối dần mà quay lại Giáo Bà La Môn. Nguyên nhân chính là trình độ dân Ấn vẫn còn ở trong vòng mê tín chưa thể theo được chính pháp của Phật vậy. Ai có cái công nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cũng đều nhận thấy cái liệt điểm của dân ấn là hay mê tín vậy. Lại còn một nguyên nhân lớn nữa là sau khi Phật từ trần rồi, các đệ tử Phật có nhiều người làm sai tôn chỉ của Phật, rồi chia rẽ ra đảng phái, công kích lẫn nhau, không thực hành được cái nghĩa mầu nhiệm tuỳ duyên của Phật, cứ giữ chết một lối cũ, cho nên mới bị giáo Bà La Môn phá tan một cách dễ dàng vậy.

Hỏi: Phật giáo truyền sang Đông phương từ bao giờ, và sự truyền giáo thế nào?

- Phật giáo truyền sang Trung Quốc từ năm Công nguyên 67 thuộc đời Minh Đế nhà Hán. Phật giáo được truyền khắp châu Á là nhờ công của vua A Dục hết sức ủng hộ và phái các cao Tăng làm tuyên giáo sư đi khắp mọi nơi truyền giáo.

Hỏi: Phật giáo truyền sang Việt Nam từ bao giờ?

- Sử ta không chép rõ, trong giới nhà chùa ta cũng không còn đủ sách vở để làm chứng chắc chắn. Nhưng lấy lý mà suy thì Phật giáo truyền sang Trung Quốc được ít lâu thì lan sang Việt Nam, vì đời Hán nước ta bị Tàu đô hộ, đạo Khổng truyền sang ngay, cho đến đời Hán Vũ Đế đã có lệnh bắt buộc các sư ta học kinh Phật bằng chữ Hán, vả lại từ Ấn Độ sang Trung Quốc đi đường biển tới Quảng Châu, tắt qua địa phận Việt Nam, nên về thế kỷ thứ V ngài Bồ Đề Lưu Chi, một vị cao tăng sang truyền giáo có ghi lại ở nước ta trước rồi mới sang Trung Quốc. Vậy thì biết rõ Phật giáo truyền sang Việt Nam cũng từ đời nhà Hán vậy.

Hỏi: Phật giáo truyền sang Đông Phương có được thịnh vượng, ích lợi gì không?

- Rất thịnh, thịnh hơn cả Ấn Độ, nguyên nhân chính là người Trung Hoa đã có cái văn minh Khổng giáo, trình độ dân đã tiến đến chỗ có tư cách ra người, có tư tưởng cao thượng, cho nên gặp Đại thừa Phật pháp liền như lửa gặp gió, phát triển một cách rực rỡ phi thường. Sự ích lợi của Phật pháp đối với Trung Quốc mà các học giả Trung Hoa đều phải công nhận và sùng bái là ở chỗ bồi đắp cho nền văn hoá Trung Hoa trở nên một nền văn hoá rất vĩ đại và quang vinh. Đạo khổng cũng nhờ có Phật giáo mà phát huy thêm được nhiều lẽ tinh thuần.

Hỏi: Sao Trung Quốc cứ mỗi ngày một suy đốn đến thế?

- Cũng như Việt Nam vậy.

Hỏi: Phật giáo có ích lợi gì cho nước ta?

- Ai đã đọc sử cũng biết Phật giáo có cái công rất lớn cho nước nhà, vì có hai việc trọng đại nhất là: Ngoại giao và văn hoá thảy đều nhờ giới Phật giáo cả. Vì trong thời kỳ như: Đinh, Lý, Trần, v.v... đối đáp với Trung Quốc là nhờ tăng già hết, vì thế nên Phật giáo ở ta có cái thế lực chi phối tất cả các phần tác dụng về tinh thần, không một giới nào là không hàm có cái màu sắc Phật giáo.

Hỏi: Phật giáo ở Việt Nam thịnh thế, làm sao nước ta bị Pháp đô hộ, phải chăng là vì Phật giáo truyền cái học thuyết ru ngủ dân ta làm cho nhân dân mất cả tinh thần đấu tranh.

- Anh phê bình Phật giáo như thế thực là không có con mắt quan sát và kém về sử học. Anh thử giở hết lịch sử Việt Nam ra mà xem, từ đời Đinh Tiên Hoàng đã có Khuông Việt quốc sư phụ chánh giúp vua xây đắp được nền độc lập của nước nhà đến chỗ vững chắc. Đời Lý thì đào tạo ra vua Lý Thái Tổ là sư cụ Lý Khánh Văn, gây dựng cho nhà Lý đến văn minh tuyệt điểm, lúc được nước là do chúng bầu lên, lúc mất ngôi là vua bà cưới chồng, dân ta chẳng một người nào vì ngôi vua của nhà Lý mà tan xương đổ máu. Võ công thì oanh liệt độc nhất, từ trước tới nay chỉ có đời Lý là có cái kỳ công truyền hịch đánh Tàu làm cho quân Tàu hết vía. Cho đến đời Trần, bao vua sáng suốt như Thái Tông, Nhân Tông đều đi tu, bao tôi anh hùng như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, đều hiểu sâu đạo Phật. Một đời nhà Trần hai phen bình Nguyên, võ công chói lọi cả vũ trụ, anh bảo là nhờ Phật hay nhờ Nho? Đến đời Lê Thánh Tông mới bỏ Phật sùng Nho, nghiêng hẳn về văn thơ bỏ rơi Phật giáo, vì cùng mắc chung một cái bệnh ích kỷ như các vua Tàu, lợi dụng Khổng giáo chia giai cấp, trọng quyền vua, rất đắc lực cho sự chuyên chế của họ, nên dân ta mới mất dần cái bản năng cương nghị anh dũng mà lạc vào con đường nhu nhược biếng lười, bao bậc anh tài trong nước đều trúng cái bả hư vinh khoa cử của nhà Lê, lại thêm họ Trịnh chuyên quyền, chỉ cốt mua chuộc lòng người vào bè với mình, chẳng cần biết nghĩa, chẳng cần trung trinh, miễn là giúp ích cho Trịnh củng cố được quyền vị thì Trịnh cho được thoả mãn, vì thế nên dân phong đồi bại, sĩ khí suy tàn. Đến triều nhà Nguyễn 25 năm trời nhờ thế lực ngoài gây cuộc nội tranh làm cho dân sinh càng khốn khó, dân trí càng kém hèn, cho nên mới mất về tay thực dân Pháp một cách rất để nhục như vậy, có phải là tại Phật giáo nữa không hở anh?

Hỏi: Phật pháp ở ta có cái gì là đặc sắc không?

- Các phương diện đều kém Trung Quốc cả, chỉ có Tam tổ đời nhà Trần là vua Trần Nhân Tông, Ngài Pháp Loa và Ngài Huyền Quang là có công thực tu thực chứng chẳng kém chi Trung Quốc, mà thực hành được Phật pháp vào thế pháp, thì Vua Trần Nhân Tông là một bậc có một không hai trong giới Phật giáo, chẳng những ở Trung Quốc chẳng có ai bằng mà cả Ấn Độ nữa cũng không có một vị nào sánh tầy... Sau hai trận đánh tan giặc Nguyên làm cho nước nhà Thái Bình cường thịnh vẻ vang hơn cả hoàn cầu rồi, một bình một bát lên Yên Tử tu. Một ông vua trẻ mới ngoài 30 võ công văn trị, tiến tới cái cõi tột bực như thế, hạnh phúc thế gian còn có ai bằng, mà ai là người chẳng thích với cảnh đó, thế mà Ngài trút hết tôn vinh vào một chỗ thâm sơn cùng cốc, thời nay là lúc giao thiệp tiện lợi đến thế mà người ta cũng còn nói đến Yên Tử là ghê người, mà lúc đó Ngài lại yên nhiên ở đó, hưởng thú thanh cao, xa tuyệt hồng trần thực cũng lạ thay! Xa cách hồng trần nhưng có phải ở đó, hưởng thú thanh cao, xa tuyệt hồng trần nhưng có phải Ngài ẩn váo đó mà trốn đời đâu, bao nhiêu quốc kế dân sinh vẫn quan tâm tới, con nối làm sai qui tắc một tý là bị nghiêm trị ngay, thực mới là lạ lùng quá vậy. Cái hạnh đầu đà là 1 hạnh cao quý nhất trong nhà Phật không mấy người làm được, thế mà Ngài 1 bình bát, 3 tấm casa với một chiếc gậy tầm xích, vết chân hầu khắp non sông, vừa để xem xét dân phong, vừa để phá trừ các sự mê tín, chỗ nào thờ các dâm thần, đồng bóng ngài đến phá sạch. Về sự nghiệp trước thuật có rất nhiều bộ có giá trị, nhưng vì giặc Minh cướp hết, chỉ còn lại mấy bộ như Tam tổ thực lục v.v... khiến cho người đọc đến những lời huyền diệu mà tự hào được rằng: "Ta cũng có người" thật là vẻ vang cho giới Phật giáo nước nhà vô cùng vậy.

Có ngôi vua, coi như không có, xưa nay chỉ có vua Thuấn làm được, thế mà vua Trần Nhân Tông ta không những làm được cái đức như vua Thuấn mà lại còn hơn vua Thuấn bao công vĩ đại về võ công, về kiến quốc, về hoằng pháp lợi sinh nữa. Ôi! sung sướng thay! ngàn năm xa cách, đọc đến lịch sử Ngài mà ai nấy đều được thơm lây, chả cũng là một bậc vĩ nhân đệ nhất của cái thế giới này ư?

Hỏi: Vì sao Phật giáo nước ta lại kém Trung Quốc?

- Vì không có chí khí cao xa, lại kém công nghiên cứu, chỉ hấp thụ được Thuyền tông, Luật tông, Tịnh độ tông, mà phần nhiều theo bằng 1 cách tạp nham, không có hệ thống, không có cạnh tranh, không ai có chí khí lực lượng làm cho Phật giáo nước nhà quang vinh, rồi lại tuyên truyền sang nước khác, cho nên không phát triển được năng lực hơn lên, rút cục chỉ cắm cổ theo người mà cũng không kịp. Cái nhược điểm này chẳng những chỉ riêng một giới Phật giáo, mà cả các giới đều như thế cả, đó cũng là một vết nhục lớn cho dân tộc Việt Nam ta vậy.

IV. Học thuật

Hỏi: Học thuật của nhà Phật có cái giá trị như khoa học không?

- Có mà lại còn hơn nữa.

Hỏi: Thế nào là có giá trị như khoa học?

- Phật pháp tuy chia ra rất nhiều khoa, nhưng rút lại thì có 5 khoa:

1. Nội minh, 2. Nhân minh, 3. Công xảo minh, 4. Y phương minh, 5. Thanh minh.

Nội minh cũng như môn Tâm lý học ngày nay, nhưng so bề tinh thần triệt để thì không lường xiết dược. Vì Tâm lý học ngày nay mới phân tách cái tâm vọng động hiện tại thôi, mà Phật học thì lại suy tìm được cả cái tâm bản lai thường trụ, khiến cho người cứ đó mà tu mà chứng mà tới cái cõi sáng lòng tỏ tính, tiến lên một nhân cách siêu việt tinh thần nữa. Nhân minh cũng tựa như khoa Luân lý học bây giờ, mà chia chẻ rành rẽ thì lại càng có giá trị cao sâu vô để.

Công xảo minh tức là khoa học cơ khí bây giờ, nhất là mỹ thuật thì lại có cái chỗ phối hợp nhận xét một cách tinh tế lắm. Đã có nhiều nhà mỹ thuật châu Âu khảo sát và tán thưởng nhiệt liệt.

Y phương minh tức là khoa học Y dược ngày nay, về nội khoa đã thấy nói rất kỹ về vi trùng, về phẫu giải đã thấy nói rõ về cơ thể (có ghi trong kinh Bảo Tích).

Thanh minh cũng tựa như lối Thế giới ngữ ngày nay. Trong kinh có chép "Phật chỉ nói một thứ tiếng viên âm mà loài nào cũng hiểu được cả" có lẽ thứ tiếng ấy nó là cỗi gốc cả các thứ ngôn ngữ chăng? Trong kinh lại chép rằng: "Khi tu chứng được tới cõi đắc nhất thiết ngữ ngôn văn tự Đà la ni thì tiếng gì cũng hiểu chữ gì cũng biết" theo chỗ khảo cứu của người Nhật thì ở Tây Tạng dường như còn dấu được một ít tài liệu. Ước gì tìm thấy được cả toàn tạng thì phúc cho thiên hạ biết là dường nào!

Đại khái Phật pháp chia rành 5 khoa đấy, nhưng theo bộ óc người Đông phương chỉ trọng lý thuyết, coi rẻ thực nghiệm, cho nên ngày nay chỉ còn có 2 khoa nội minh và nhân minh, thật đáng tiếc thay!

Hỏi: Quan niệm về thế giới của nhà Phật thế nào?

- Đối với thế giới, nhà Phật không những phân tách được hết mọi sự sai khác của cái hiện tượng mà lại còn nói rõ được cái lẽ chân như bình đẳng, suốt tới cái bản thể bất sinh bất diệt nữa.

Hỏi: Quan niệm về nhân sinh của nhà Phật thế nào?

- Đối với nhân sinh, nhà Phật nhận định cõi đời là bể khổ, thân người là cái vật để đựng các cái khổ mà tự mình trổi dậy tu chứng suốt tới cái chỗ quan niệm đời người ta tự tại giải thoát.

Hỏi: Quan niệm về sự tu hành của nhà Phật thế nào?

- Nhà Phật đối với sự tu hành chẳng những cầu lấy giải thoát mọi sự khổ cho mình và giải thoát cho tất cả mọi người cùng được giải thoát. Trong 2 phần lợi mình lợi người lại lấy sự lợi cho người làm chủ đích.

Hỏi: Quan niệm về phần chứng quả của nhà Phật thế nào?

- Đối với phần chứng quả - sự giải thoát của nhà Phật là tích cực. Vì Phật biết rõ bao sự phiền não của người ta từ xưa tới nay thảy là không ráo, nên tự nhiên thoát được quả khổ mà tu hành được 4 đức: Thường, lạc, ngã, tịnh rồi mới tế độ cho người được viên mãn thành tựu.

Hỏi: Đối với vạn sự vạn vật trong vũ trụ, nhà Phật có phân tách được rành rẽ như khoa học ngày nay không?

- Cũng cùng một lối, mà còn nhiều điểm tinh thần giản yếu hơn khoa học ngày nay nữa.

Hỏi: Thế nào là cùng một lối với khoa học?

- Khoa học đối với vạn sự vạn vật đều phân tách ra từng loại một mà nghiên cứu cho tinh, như khoa Thiên văn chuyên khảo về Nhật nguyệt tinh thần; khoa Địa lý chuyên khảo về chất đất, núi, bể v.v..., khoa Sinh lý chuyên khảo về sự kết cấu của mọi loài sinh vật; khoa Tâm lý chuyên khảo về tâm tính; khoa Chính trị chuyên khảo về luật pháp, trị bình, khoa Điện học chuyên khảo về điện; khoa Vi khuẩn chuyên khảo về các loài ký sinh v. v..., thực là trăm khoa nghìn cách thi nhau mà nghiên cứu cho thật tinh tường. To như trời, đất, nhỏ như nguyên tử, vi trùng, không còn một loài nào là không moi móc cho hết ngọn nguồn. Nhà Phật đối với vũ trụ vạn vật cũng chia rành từng môn mà nghiên cứu, nhưng không tế toái như khoa học.

Bao nhiêu sự vật có hình sắc làm chướng ngại được, cho vào một loại gọi là sắc pháp. Bao nhiêu sự vô hình vô sắc không làm chướng ngại, cho vào một loại gọi là tâm pháp; phụ với tâm pháp tức là những cái tác dụng phụ thuộc với tâm linh của người ta gọi là tâm sở hữu pháp. Hai loại này tương đối với nhau. Sắc pháp tức là duy vật, tâm pháp tức là duy tâm. Lại còn có những sự nó bởi cả hai phương diện sắc tâm liên đới phát sinh ra, chẳng phải là tâm mà cũng chẳng phải là vật, nhà Phật cho nó vào một loại gọi là tâm bất tương ứng hành pháp. Bốn loại: Sắc pháp, tâm pháp, tâm sở hữu pháp, tâm bất tương ứng hành pháp thì người ta còn biết tới, duy một loại thứ 5 là vô vi pháp thì chỉ có nhà Phật là biết tới, chứ thế gian tịnh chưa hề tưởng tượng được, vì nó không có động tác, không hề biến thiên, chỉ những bậc tu tới cái cảnh đại định, chứng được phần chân thực của nội tâm mới có thể biết được.

Đó, muôn loài ngàn thứ phiền toái đến đâu rút lại cũng không một loài nào ra ngoài 5 loại lớn đó của nhà Phật, đủ biết Phật học rộng lớn tinh vi là dường nào.

Hỏi: Đối với sự sáng tạo ra thế giới, nhà Phật có nhận định đúng với khoa học không? Hay lại chỉ bịa đặt huyền hoặc là Phật là trời sinh ra?

- Không, chỗ nhận định của nhà Phật rất đúng với khoa học ngày nay, mà biết trước từ trên 2000 năm nay rồi kia. Nhà Phật cho sáng tạo ra thế giới, vạn sự vạn vật chỉ là bởi một cái năng lực của sự phân biệt của cái thức, trong kinh gọi là duy thức. Cái năng lực của cái thức chia làm ba bộ gọi là ba bộ năng kiến:

Bộ thứ nhất là A Lại Da thức tức là một cái kho chứa đủ hết thảy năng lực để tạo ra vạn vật.

Bộ thứ hai là Mạt Na thức, tức là một cái chủ não để vận dụng cái năng lực ra ngoài, cũng như anh coi kho mở khoá nhà kho lấy các vật liệu ra mà dùng vậy.

Bộ thứ ba là 6 thức: ý, nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, mỗi cái coi riêng một việc, mà tổng chỉ huy là ý thức.

Cái thuyết ba bộ năng biến này cũng như khoa học đã phát minh trong ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất tìm thấy nguyên tử là cái đơn vị tạo nên vạn vật.

Giai đoạn thứ hai tìm thấy điện tử là cái làm cho nguyên tử tản mát thành một mối có hệ thống.

Giai đoạn thứ ba tìm thấy năng tử mới là cái phần động lực thứ nhất thành ra nguyên tử và điện tử.

Vậy thì có thể kết luận được rằng: Sáng tạo ra thế giới vạn vật chỉ là bởi cái năng tử tức là cái năng lực đã chứa cả trong A lại da thức vậy. Còn trời thì nhà Phật nhận định là một hạng người có công tu hơn, nghĩa là đã tiến hoá hơn người mà ở vào cái thế giới khác. Nhà Phật lại nhận định rằng có rất nhiều thế giới chứ không phải chỉ có một cái thế giới là quả địa cầu ta ở đây đâu. Khoa học ngày nay cũng đã tìm thấy được mấy thế giới như thế thuỷ tinh, thế giới thổ tinh v.v... rồi. Đủ biết Phật nói có những 3000 cái địa thiên thế giới là sự có thực, chỉ vì ta chưa tu được thiên nhãn cho nên chưa thấy cả đó thôi.

Hỏi: Thế còn cái thuyết Địa ngục, Tịnh độ của Phật nói có đúng hay không? hay cũng là một thuyết bịa đặt để doạ người nhử người?

- Ta đã nhận thấy các lý Phật nói có nhiều thế giới là đúng, vậy thì hạng tiến hoá hơn ở cái thế giới Tịnh độ, hạng quá dã man ở cái thế giới địa ngục cũng có thể có. Ngay như thế giới ta ở đây, trước đây trên 1000 năm nhân loại sống dưới chính thể chuyên chế độc ác, tàn phá hết quyền tự do thì có khác gì địa ngục. Vì thế nên Địa Tạng Bồ tát mới thề rằng: "Quyết vào địa ngục cứu vớt cho kẻ đoạ đầy, bao giờ địa ngục không còn một mống nào nữa mới lên cảnh Phật". Cuộc cách mạng ngày 14 tháng 7 các tay anh hùng Pháp phá tan ngục sắt, dành lại cái quyền tự do cho dân Pháp; cuộc cách mạng ngày 19 tháng 8 các bậc anh hùng cứu quốc ta phá tan cái ách nô lệ cho dân Việt Nam, đều là những bậc dã làm được đúng cái hạnh chịu ở địa ngục để mưu toan phá đại ngục trả lại hạnh phúc cho nhân sinh cả đấy.

Còn cái thuyết Tịnh độ thì Phật đã vạch cho ta rõ ràng: "Tâm ta thanh tịnh thì đất nước thanh tịnh", toàn thể quốc dân ai nấy cùng một lòng yêu thương nhau, cùng sống với nhau bằng một bầu không khí đúng đáng lẽ phải, không ai lấn ai, không ai lừa ai, không ai chiếm đoạt của riêng cho mình cho nhà thì non nước thái bình, nhân dân an lạc, hết chiến tranh hưởng thái bình, thế thì trên cõi đời này là một Tịnh độ rồi vậy.

Hỏi: Chủ trương của nhà Phật là Duy tâm hay Duy vật?

- Trên kia tôi đã nhắc đi nhắc lại rằng đạo Phật là đạo viên dung, tuỳ cơ cải tiến, tuỳ duyên thực hành, chứ không tự giam mình vào một cảnh thiên lệch nhỏ hẹp, cho nên trong kinh có kinh nói về duy vật như Di Đà, Dược Sư, Bảo Tích v.v... ; có kinh nói về duy tâm như Lăng Nghiêm, Bát Nhã, Kim Cương v.v...; có kinh nói về duy thức như Hoa Nghiêm, Lăng Già v. v... Nếu ta cứ chấp một mặt thì chỉ đúng được với thời chứ không đúng được với lý. Chính nhà khoa học ngày nay cũng đã cực đoan nhận rằng: hết thảy sự vật không một cái nào ra ngoài phạm vi trí thức của chúng ta rồi kia mà.

Nhà Phật cực đoan phá chấp, sạch không nhân ngã, có lúc nói xuất gia công đức vô lượng, có lúc nói tại gia công đức phi thường, có chỗ nói đàn ông tu mau chứng quả, có chỗ nói đàn bà lại chóng tới hơn, người không hiểu tưởng là mâu thuẫn, người hiểu ra mới biết cái lý viên dung vô ngại của Phật là tuyệt nhiệm mầu. Anh muốn phê bình giáo lý nhà Phật, tôi xin anh hãy dẫn cái lòng nhân ngã chấp vật chấp tâm kia đi mà nghiên cứu kinh điển cho kỹ rồi anh sẽ thấy sở kiến của anh có đúng hay không.

Hỏi: Đối với sự giáo dục, nhà Phật có tâm khoa như giáo dục ngày nay không?

- Về phương diện giáo dục người thì cũng giống nhau, mà về đạo học làm người thì lại có phần giản dị thiết yếu hơn. Nhà Phật gồm có 5 khoa giáo dục gọi là ngũ thừa:

1. Nhân thừa dạy đạo làm người

2. Thiên thừa dạy đạo làm trời

3. Thanh văn thừa dạy đạo tu Tiểu thừa.

4. Duyên giác thừa dạy đạo tu Trung thừa

5. Bồ tát thừa dạy đạo tu Bồ tát đi thẳng đến Phật.

Hỏi: Phương pháp dạy người thế nào?

- Phật cũng tuỳ theo trình độ tiến hoá mà thi hành, nhưng thiết yếu nhất là dạy phép thụ ngũ giới và làm Bát Chính đạo.

Hỏi: Ngũ giới là gì?

- Tức là 5 điều răn cấm:

1. Không được tàn ác, bất nhân

2. Không được trộm cắp

3. Không được tà dâm (hiếp dâm hay dùng thuật quyến rũ).

4. Không được nói xằng (gồm 4 điều: không được nói dối, không được nói đơm đặt, không được nói 2 lưỡi, không được nói tục nói ác).

5. Không được uống rượu

Bốn điều trên gọi là tính giới, nghĩa là ra đời là đã có cái tính di truyền xấu ấy rồi. Điều thứ năm là già giới, nghĩa là cái tội uống rượu, là vì ngu dại đua đòi kẻ hư mà mắc vậy.

Hỏi: Bát Chính đạo là gì?

- Bát Chính đạo là 8 con đường ngay, cứ đi theo đó là tới đạo:

1. Thấy biết chân chính (thấy đích xác được chân lý)

2. Suy xét chân chính

3. Nói năng chân chính

4. Việc làm chân chính (không làm việc bậy bạ)

5. Sinh hoạt chân chính (không làm các nghề bậy bạ để kiếm ăn)

6. Tinh tiến chân chính (chăm làm việc chính thiện).

7. Nghĩ ngợi chân chính

8. Yên định chân chính (tu phép định đúng đắn)

Thế gian dạy người phí nhiều công phu, dùng nhiều phương pháp lắm mới rèn đúc nên người có tư cách, nhà Phật thì chỉ dùng hai phương pháp này là đủ làm cho người chóng thành một người có tư cách hoàn toàn vậy.

Hỏi: Phương pháp dạy làm Trời thế nào?

- Cũng như đạo làm người, cốt nhất là 10 điều thiện:

1. Ý không tham lam

2. Ý không giận dữ

3. Ý không si mê

4. Thân không tàn ác bất nhân

5. Thân không trộm cắp

6. Thân không tà dâm

7. Miệng không nói dối

8. Miệng không nói đơm đặt

9. Miệng không nói hai lưỡi

10. Miệng không nói tục nói độc ác.

Làm được hoàn toàn đầy đủ 10 điều đó sẽ được làm trời.

Hỏi: Phương pháp dạy Thanh văn thế nào?

- Phải tu theo 4 phép rất mầu nhiệm, rất đúng đắn gọi là Tứ đế hay Tứ Diệu đế.

1. Khổ đế - người là khổ, dù đến hạng nào cũng không tránh khỏi bốn cái khổ nạn lớn là sinh, già, ốm, chết.

2. Tập đế - người phải chịu cái quả khổ, là vì trước đã gây nên nhân khổ tức là lòng tham dục vậy.

3. Diệt đế - là cái cõi đã diệt hết mọi nỗi khổ, sinh tử coi không cả.

4. Đạo đế - là tu theo Ngũ giới, Bát Chính đạo v.v... làm nhân mà chứng được cái quả diệt đế vậy.

Vậy ta có thể kết luận: Khổ đế là quả; Tập đế là cái nhân kết thành khổ đế; Diệt đế là cái quả sướng; Đạo đế là cái nhân kết thành quả sướng vậy.

Hỏi: Phương pháp dạy Duyên giác thế nào?

- Phải tu theo 12 nhân duyên:

1. Vô minh, tức là ngu si, không hiểu rõ cái đời người là khổ, là không, là vô thường, thế gọi là mê hoặc , đó là cái nhân chính kết thành quả khổ.

2. Hành, tức là làm theo vô minh, ươm sẵn nhân xấu để kết quả khổ, nhất định không sai, gọi là nghiệp. (hai món này là cái nhân đã gây từ trước).

3. Thức, tức là tính phân biệt tác dụng cái tâm linh, cũng hàm có ý nghĩa như cái hồn của ta thường vẫn nói.

4. Danh sắc, tức là cái tên riêng của cái thân cái tâm khi mới thành thai chưa được hoàn toàn.

5. Lục nhập, tức là 6 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khi còn ở trong bào thai chưa có tác dụng.

6. Xúc, tức là khi sinh ra đời, 6 căn xúc tiếp với 6 trần như "mắt với sắc, tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với sờ biết, ý với mọi sự mọi vật.

7. Thụ, tức là khi căn trần xúc tiếp mà cảm nhận thấy thích hay chán, sướng hay khổ vậy (5 món này là cái quả hiện tại, ai đã có thân đều có đủ 5 món đó).

8. ái, tức là căn trần xúc tiếp, nhận thấy là thích là sướng, sinh lòng yêu mến, triền miên, đã yêu mến tất say mê, đó tức là si, là vô minh.

9. Thủ, tức là đã yêu mến thì phải lấy cho được về mình, đó tức là gây nên nghiệp nhân từ nay vậy.

10. Hữu, tức là đã gây nên nghiệp nhân thì sau này tất kết quả. (Ba món này là cái nhân hiện tại, cũng như cái nhân từ trước).

11. Sinh, tức là đã có nhân thì có quả, đã gây cái nhân si mê thì lại sinh ra người si mê để chịu lấy quả khổ.

12. Lão tử, tức là đã có sinh tất có già chết, tất phải chịu cái khổ: già, chết vậy.

Duyên giác tu theo pháp này biết rõ kiếp này chịu khổ là vì trước đã vô minh mà gây nên nghiệp, không thể tránh được, nên không phàn nàn gì cả, không sợ hãi gì cả, mà chỉ lo cải tạo một cái đời khác, tức là trừ sạch vô minh, không ái, thủ nữa thì tự nhiên sạch hết nghiệp nhân, tự chứng được quả giải thoát, chẳng phải chịu khổ sinh - tử nữa.

Hỏi: Phương pháp dạy Bồ tát thế nào?

- Phải tu đủ muôn hạnh tốt, nhưng cần nhất có 2 phương pháp là Lục độ và Tứ nhiếp. Lục độ là:

1. Bố thí, tức là giúp đỡ cho người cả 2 phương diện: vật chất và tinh thần. Vật chất phải cho no ấm, tinh thần phải cho vui hoà cao thượng.

2. Trì giới, tức là giữ các điều răn cấm rất nghiêm cẩn, phục tùng pháp luật một cách triệt để.

3. Nhẫn nhục, tức là bền chí bền lòng, không sợ một trở lực nào.

4. Tinh tiến, tức là tiến thủ mạnh mẽ, thẳng bước không lùi.

5. Thiền định, tức là tu tập cho cái tâm niệm luôn luôn tập trung vào một cảnh.

6. Trí tuệ, tức là nhờ đức thiền định tâm thần yên tĩnh, nên nảy ra trí sáng suốt, thấy rõ chân lý không chút mê lần.

Tứ nhiếp là 4 phép chuyên dùng để giáo hoá người:

1. Bố thí

2. Ái ngữ: dùng lời nói ngọt ngào mà giảng dụ cho dễ hiểu.

3. Đồng sự: Tức là vào trong cảnh người, sống chung với người để thừa cơ cảm hoá.

4. Lợi hành: tức là làm các việc lợi ích cho mọi người.

Phép Lục độ là phép tự lợi mình lại lợi cho người, còn phép Tứ nhiếp thì chỉ hoàn toàn làm lợi cho người. Bồ tát tu theo Lục độ, Tứ nhiếp, tự giác ngộ mình lại giác ngộ cho người, khi làm được đến viên mãn, ấy là thành Phật.

V. Chế độ

Hỏi: Đối với sự sinh hoạt hiện tại, nhà Phật theo chế độ gì?

- Triệt để dân chủ cộng hoà mà mở rộng mãi ra cho đến đại chúng hoá, hợp lý hoá. Còn sự sinh sống hàng ngày thì theo qui tắc xã hội hoá, tập sản dùng chung, tập đoàn sống chung, cũng như đời sống mới ngày nay, mà lý sự đều viên mãn.

Hỏi: Thế nào mà bảo là dân chủ cộng hoà?

- Chỉ nói một sự tập họp và xử án cũng đủ rõ. Nhà Phật tuy triệt để bình đẳng, nhưng bình đẳng có trật tự, kỷ luật nghiêm ngặt tinh thuần. Hành chính đều theo một chế độ hội đồng như trong chùa thì chia làm 7 chức:

1. Thủ toạ (cũng như chủ tịch ngày nay)

2. Thư ký

3. Đương gia (cũng như Bộ Nội vụ ngày nay)

4. Tri khố (cũng như thủ quỹ)

5. Tri điền (coi việc ruộng vườn)

6. Tri khách (tức ngoại giao)

7. Duy Na (tức Bộ Tư pháp)

Ngoài ra lại phụ thêm các chức nữa như: Tri tạng (coi về kinh sách), Khán bệnh (trông nom người ốm đau) v.v... Bảy chức này mỗi chức làm một việc, mà phương pháp làm việc thì trước khi thi hành phải họp Hội đồng 7 chức lại nghị quyết theo bên đa số mà thi hành, không ai có toàn quyền chuyên chế cả, cho đến khi làm một việc gì cũng phải họp lại ấn định qui tắc làm đã rồi mới làm. Khi một người làm trái qui tắc thì ít nhất cũng phải có 4 vị sư đã đủ cả học hạnh, cùng họp hội đồng mà xét xử. Cách xử phải hoàn toàn căn cứ vào các điều luật đã được đại chúng đã ấn định trước. Người bị xử tha hồ cãi, bao giờ chịu phục là phạm luật thật, không còn cớ gì bào chữa được nữa mới xong việc án. Nếu xử những án trọng đại thì có khi phải họp đến 20 vị đạo cao đức trọng giới luật tinh nghiêm mới xử đoán nổi. Anh xem như thế có phải triệt để dân chủ cộng hoà không?

Hỏi: Thế nào mà bảo là hợp với đời sống mới? Là xã hội hoá?

- Nhà Phật không cho ai lập một nghiệp riêng bao giờ, cùng phải sống chung, ăn chung, làm chung, của gì cũng là chung hết. Tuy ai cũng được có một chút của riêng, nhưng của riêng ấy chỉ là các món cần dùng hàng ngày như các món tiêu vặt thôi, chứ không có lập hẳn cơ nghiệp riêng. Thế tức là tập sản, là tập đoàn. Tôi chỉ dẫn qua một cái qui tắc ăn một bữa cơm của nhà chùa để anh nghe, anh cũng đủ rõ thế nào là xã hội hoá, là đúng với đời sống mới:

Việc làm cơm nước trong chùa đều cắt phiên luân lưu, ai cũng phải làm. Trong Bộ này đặt ra một chức Trực tuế trù tính lương thực hàng năm; một chức Trực nguyệt trù bị lương ăn hàng tháng; một chức Trực nhật coi sự ăn uống hàng ngày. Trong chùa đã có một cái bảng kê tên các hạng người được ăn. Chức Thư ký phải kiểm soát, ai đi vắng phải bỏ cái tên người ấy đi, có khách phải thêm thẻ ăn của khách vào để cho Trực nhật cứ coi bảng đó mà làm cơm. Làm cơm xong rồi dọn lên trai đường (nhà riêng để ăn), cách giờ ăn 15 phút đánh một hồi chuông hay mộc bản, đó là báo hiệu cho người trong chùa biết để sửa soạn quần áo chỉnh tề (ăn phải mặc lễ phục chứ không xoay trần đánh chén như thế gian), sắp hàng vào trai đường, chỗ của ai vào ngồi đấy. Vị Thủ toạ đánh hiệu cùng mọi người đều làm lễ cúng (lễ cúng này có 2 ý nghĩa chính: một là cúng Phật, Bồ tát tỏ lòng kính quý; hai là kể cho biết một hạt cơm đó bao người khó nhọc, phải nghĩ sao cho khỏi uổng công người. Không tu, không làm, nghe đếm đủ nhục không thể nuốt trôi được nữa). Cúng xong một người ra dõng dạc nói một câu "xin mời các vị xơi cơm", thế là cùng cất bát đũa ăn, chẳng phải mời mọc nhau phiền phức như thế gian. Lúc ăn đã có đoàn đầu bếp và Trực nhật đi lại xem xét săn sóc, thiếu gì lấy ấy, chẳng phải đòi hỏi. Ăn xong ngồi nói chuyện cổ kim hay các sự thường thức để cho các đầu bếp dọn hết mâm bát, rồi đọc mấy câu triệt thực, ý nói mình được no nê là ơn mọi người, phải thương người còn đói, phải cố mà tu hành và chúc nguyện cho người có công ân với mình được mọi sự tốt lành, đoạn mới được đứng dậy, chứ không có lối ăn quá nhanh, quá chậm, muốn ngồi thì ngồi, muốn đi thì đi, lộn xộn không có trật tự như thế gian đâu.

Đó, anh thử suy xét một bữa cơm như thế có phải đúng là lối ăn tập đoàn ngày nay, mà còn hàm có bao nghĩa lý sâu xa nữa không?

Hỏi: Nhà Phật có theo chủ nghĩa quốc gia không?

- Cũng có, cũng không.

Hỏi: Thế là thế nào?

- Trên kia tôi đã nói đi nói lại là Đạo Phật viên dung vô ngại, tuỳ duyên thực hành kia mà. Khi nhân loại còn trong phạm vi quốc tế thì Phật theo chủ nghĩa quốc gia rất thiết tha, chả thế mà 4 ơn, nhà Phật cho ơn quốc gia đứng trên cả cha mẹ và thầy, hằng ngày tụng niệm, cho đến đánh một tiếng chuông cũng nhắc đến quốc gia. Khi nào nhân loại tiến đến đại chúng hoá thì đạo Phật lại là hợp lý, vì cái mục đích sau chót của Phật là mưu hạnh phúc cho cả nhân loại đều tới chỗ hợp lý đồng tình thái bình vô sự.

Hỏi: Đạo Phật đã chú trọng vào chỗ đại chúng hóa, làm sao chế độ của Phật lại cứ đi riêng hẳn một mặt, cả từ ăn mặc, nói năng, cái gì cũng làm cho khác chúng?

- Lẽ đó cũng dễ hiễu, chỉ vì nhân loại chưa tiến tới chỗ tốt đẹp hoàn toàn, còn cần phải dùng nhiều phương tiện mà giáo hoá, cho nên nhà Phật vẫn có một ngành riêng, theo cái quy chế tôn giáo để giáo hoá những người còn có cái tin tưởng về tôn giáo mà phần này cũng còn là một đại đa tố, chừng nào mọi người đều tiến tới cõi phúc trí bình đẳng thì tự nhiên không thấy có những hình tướng như thế nữa.

Hỏi: Tu hành như vậy là cốt chỉ làm được quán triệt cái đích của Phật là được rồi, can chi phải cạo râu, cắt tóc, áo vải, ăn chay, trút bỏ gia đình ở nơi vắng lặng, chỉ làm thêm khổ cái thân?

- Thế anh chưa nghe lời tuyên cáo của Hồ Chủ Tịch à? Người nói: Ai muốn hỏi tôi là người thế nào, xin cứ trả lời cho họ biết rằng: tôi là một người tuổi già gần 60, răng đã gẫy rồi mà chưa có vợ có con". Chủ tịch là một bậc thông minh tuyệt đích, tài trí phi thường, mà còn phải xuất dương từ nhỏ là để làm gì? Không lập gia đình là để làm gì? Lúc nào cũng thế, chỉ mặc một bộ vải vàng cũ là để làm gì? Phải chăng là Ngài hy sinh hết hạnh phúc riêng để mưu cái hạnh phúc chung cho chúng ta và cho cả nhân loại? - Vậy thì chủ nghĩa nhà Phật chỉ cốt cứu vớt nhân loại ra khỏi bể khổ, tín đồ nhà Phật lẽ tự nhiên là phải theo gương Phật tổ mà hy sinh hết hạnh phúc riêng để lo tu học, tự cứu lấy mình rồi lại phụng sự công việc cứu đời, cũng là cái lẽ đương nhiên phải không anh?

Hỏi: Tôi chỉ thấy anh khoe đi khoe lại khoe tái khoe hồi những đạo Phật là đạo hy sinh cứu đời, mà tôi chả thấy một đệ tử Phật nào cứu được đời cả, nhất là trong lúc Tổ quốc bị xâm lăng này mà các sư cứ lùng thùng với chiếc áo dài khua chuông khua mõ và ngồi bàn suông thì có ích gì?

- Anh nói thế thì lại càng lầm lắm. Thế anh không nhớ đoạn trên tôi đã nói Bồ tát ứng thân làm hết thảy các hạng người để làm việc ích lợi cho đời đấy à? Huống chi từ khi xảy ra quốc nạn, anh em trong phái Tăng già chúng tôi bao nhiêu người đã cởi áo cà sa xung phong vào bộ đội ra ngoài tiền tuyến và đi tuyên truyền rồi đấy à? Giọt máu đồng bào chảy chỗ nào cũng trộn lẫn giọt máu Tăng già chúng tôi đấy thôi. Còn các người hoặc vì yếu ớt, tuổi tác, hay vì hoàn cảnh khác thì ở hậu phương tham gia các công tác cứu quốc như tiêu trừ giặc dốt, phá tan giặc đói, cầu nguyện cho trận vong chiến sỹ, đúng như bản Điều lệ của Hội Phật giáo Cứu quốc, đã đoàn kết sát cánh với mặt trận từ lúc còn ở trong vòng bí mật đó mà anh vẫn chưa biết ư? Tôi xin nói trắng ra rằng: Ai là chân chính đệ tử của nhà Phật, nhất định là người tận trung với Tổ quốc, tận hiếu với giống nòi, không phải là lời nói ngoa vậy.

Hỏi: Anh nói nhà Phật trọng nhất là trí tuệ, làm sao trong tăng già lắm người học thức kém cỏi đến thế?

- Vậy, điều đó tôi không dám phản đối hẳn anh, nhưng anh nên biết rằng sở dĩ có cái hiện tượng kém quốc văn, đó là vì trong nhà Chùa từ trước tới nay chỉ quen học kinh chữ Hán, cho nên thờ ơ với quốc văn, nhưng không thờ ơ hẳn đâu. Anh xem lịch sử văn hoá nước nhà, đời xưa cũng như đời nay, nhà Chùa cũng dự một phần lớn lắm chứ có phải là không đâu! Hiện giờ cũng có nhiều người viết sách viết báo, chen vai thích cánh với các văn sĩ trong Tao Đàn chứ có phải là không hẳn đâu.

Còn câu anh nói kém trí thức thì không đúng. Chỉ có thể nói rằng kém quốc văn thôi, còn trí thức thì chẳng kém. Vì đệ tử Phật bất cứ sáng suốt hay đêm tối cũng đều có một cái trí thức phổ thông là vui hoà với người, tận trung với việc, ít tham muốn chơi lười, đối xử trong xã hội bao giờ cũng niềm nở nhã nhặn, chẳng làm hại ai, thế có gọi là kém trí thức, kém văn hoá được không?

Hỏi: Anh nói đạo Phật bình đẳng triệt để, chính tín không mê, làm sao các sư cứ ngày đêm thì thụp lạy dưới tượng gỗ và khua chuông khua mõ ầm ỹ làm gì thế? Có phải là rõ ràng mê tín và rèn đúc lấy tính cách nô lệ đấy không?

- Anh hỏi như vậy thật tầm thường quá! Vậy tôi xin hỏi anh rằng: làm sao người ta đối với Hồ Chủ Tịch cũng đắp tượng cũng vẽ tranh, cũng chụp ảnh, cũng làm thành nhãn hiệu, thậm chí đúc cả vào trong viên ngói nữa là để làm gì? Bất cứ lễ lớn lễ bé đều rước ảnh Hồ Chủ Tịch để trước bàn thờ Tổ quốc là để làm gì? Phải chăng do một tấm lòng thành, muôn người như một, cảm cái ơn lớn của Chủ Tịch đã giải phóng cho giống nòi, mộ cái đức lớn của Chủ tịch đã hy sinh vì Tổ quốc, thì bất cứ làm hình thức gì hễ đạt được tấm lòng sùng bái ngưỡng mộ thì làm tất cả, phải không anh? Vậy thì chúng tôi đối với Phật tổ, tô tượng, vẽ tranh, lễ lạy cúng vái cũng một ý nghĩa như vậy chứ có khác gì? Hơn nữa sự lễ bái của nhà Phật còn có nhiều ý nghĩa sâu xa người ngoài không thể hiểu được. Tôi xin nói qua để anh nghe:

Hết thảy tội lỗi của người ta, cái động cơ thứ nhất chỉ là vì cái lòng tham lam giận dữ, ngu si, mà thực hành nên tội là do 3 phương diện: thân, miệng, ý. Nay chúng tôi: Thân lễ Phật thế là không làm tội. Miệng niệm Phật thế là miệng không làm tội, ý nghĩ đến Phật thế là ý không làm tội. Mỗi ngày 3 lượt chúng tôi lễ, thế là chúng tôi đã bớt được tội lỗi, trong 2, 3 giờ đồng hồ là người vô tội rồi. Đem số giờ đó mà tính với số tuổi đã sống được thì anh thử cộng hộ xem có nhiều đức tốt hơn người cũng thì giờ ấy mà thân miệng ý chỉ làm ác không? Như anh, anh có chắc ngày đêm 24 tiếng đồng hồ mà thân miệng ý của anh đều làm sự tốt lành cả không?

Đã không làm được, thì mỗi ngày bớt ra mấy giờ đề thao luyện thân tâm chả ích lợi hơn ư? Hơn nữa một ngày đêm 24 tiếng đồng hồ anh có làm việc hết cả không? Hay quá nửa là vơ vẩn, lông bông, chơi vơi, đắm đuối, như vậy thì cái thì giờ ấy dùng vào việc lễ đáng được là hơn lắm chứ! Còn như khua chuông khua mõ, đó cũng là một lẽ như dùng âm nhạc để điều hoà tâm tính, giúp thêm cho cái sức tập trung tư tưởng vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 54
    • Số lượt truy cập : 6951873