Thông tin

PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (TT)

 

CAO THĂNG BÌNH

 

Mê tín

 


 

“Đức Phật từng nói nếu tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta…”

Niềm tin dựa trên trí tuệ thì đó là Chánh tín, còn niềm tin dựa trên si mê thì là Mê tín. Trong khi đối với chánh tín thì ai cũng quý trọng, còn đối với mê tín thì ai cũng chê trách bởi vì niềm tin mà thiếu hiểu biết thì dễ mê muội và sai lầm.

Người mê tín càng tu càng khổ, hạnh phúc gia đình theo đó cũng mất đi. Đức Phật từng nói “Nếu tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta”. Điều này có nghĩa là chớ vội tin vài kinh điển khi mà mình chưa hiểu rõ nghĩa, hoặc chớ vội tin vào ai khi mình chưa hiểu rõ lời dạy của họ. Niềm tin mà không có trí tuệ thì cũng như người mù cầm ngọn nến, ngọn nến dẫu sáng cũng không thể soi sáng cho người mù.

Người mê tín ít chịu khó tìm tòi học hỏi mà chỉ thích cầu xin được ban phước. Cúng bái và cầu xin cũng không có gì sai nhưng vấn đề ở chỗ là ta cầu gì và cầu cho ai? Nếu do lòng tham mà ta cầu lợi cho ta thì tức là ta đã đi ngược lại với những điều Phật dạy. Tu như thế càng tu sẽ càng tham chứ không bao giờ giải thoát được.

 

Tướng không và trí Bát nhã

 

 

“Các pháp đều không tướng, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm…”

Phàm sở hữu tướng giai thị hư võng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai. Tức là: “Hễ có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng không tướng tức thấy Như Lai”. Đó là lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang. Khi ta chấp vào sắc tướng (hư vọng) thì không thấy được thật tánh (bất sinh bất diệt) của pháp. Ngược lại, lìa chấp tướng thì sẽ thấy được thật tánh của pháp, thật tánh đó không sinh không diệt, không phân chia nhị nguyên. Khi thấy được thật tánh của pháp tức là ta đã thấy “Như Lai”.

Bát nhã Tâm kinh có câu: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”. Tạm dịch: “Mọi pháp đều không tướng, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm”. Khi ta thấy rõ vạn pháp không tướng, ta sẽ thấy sự phân biệt về tướng đều là hư dối.

Khi học giáo lý “không” tức là ta đang học cách quán chiếu các pháp bằng trí tuệ Bát nhã của chư Phật. Trí Bát nhã này không giống với tri thức thông thường của người đời. Người đời càng học cao thì càng phân biệt, càng phân biệt thì càng chấp cho nên càng khổ. Người tu hành khi học trí Bát nhã sẽ không còn chấp tướng, nên tâm họ không chạy theo tướng mỗi khi pháp tướng thay đổi. Đây là điểm then chốt mà chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều theo đó tu hành đạt đến giác ngộ viên mãn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6130430