Thông tin

PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (tt)

 

CAO THĂNG BÌNH

 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐẸP TRONG ĐỜI

 


 

“Ai trong đời cũng cần có một quãng thời gian để nhớ, đó là những kỉ niệm đẹp mà ta sống hết mình, như những bông hoa lặng lẽ âm thầm tô thắm cho đời…”

Trong một dịp công tác ở một làng quê nghèo miền Trung, tôi có dịp gặp gỡ một số kỹ sư trẻ Hàn Quốc đến sống và làm việc với cộng đồng dân tộc thiểu số ở đó. Nhìn cách sống và sinh hoạt của họ cùng bà con dân tộc, tôi thấy ở họ toát ra sự hồn nhiên, yêu đời và sự khát vọng cống hiến của tuổi trẻ.

Khi còn là sinh viên, tôi cũng từng mơ đến những cánh đồng chua phèn để giúp người dân có đủ cơm ăn áo mặc. Khi ra trường, tôi cũng đã lặn lội ở những vùng xa xôi hẻo lánh nơi những tộc ít người sinh sống. Những cảnh chiều muỗi bay như sáo thổi, ban ngày lội bùn, đêm tối ngủ chòi canh. Đó là quãng thời gian vất vả nhưng đẹp và đậm chất thơ của một thời tuổi trẻ.

Không ai muốn nghèo, nhưng qua cái nghèo mới hiểu hết được bản chất và bản lĩnh con người. Ai trong đời cũng cần có một quãng thời gian để nhớ, đó là những kỉ niệm đẹp mà ở đó ta sống hết mình, như những bông hoa lặng lẽ âm thầm tô thắm cho đời…

 

NGƯỜI ĂN MÀY BÊN GỐC CÂY

 


 

“Trong tu hành, ta vẫn lẩn quẩn bên gốc cây vì không có ý chí tìm tòi, học hỏi để tự mình chủ động bước đi trên con đường của chính mình…”

Người ăn mày ban ngày xin ăn, tối về ngủ bên gốc cây. Ngày qua ngày, anh ta sống nhờ của bố thí nên không còn nghĩ gì đến tìm kiếm việc làm để nuôi thân. Đôi khi gặp các nhà hảo tâm, có ngày anh ta cũng xin được nhiều tiền nhưng chỉ biết gói chúng lại rồi cất vào thắt lưng chứ đâu biết sử dụng tiền đó để làm ăn gì. Năm năm rồi mười năm, người ta gặp lại, vẫn thấy anh ta còn ăn mày và tối đến vẫn ngủ bên gốc cây.

Trong cuộc đời này, đôi lúc chúng ta cũng như người ăn mày đó, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác chứ không muốn tự thân vươn lên. Trong tu hành cũng vậy, nhiều khi ta chỉ muốn chờ đợi giúp đỡ chứ bản thân không chịu tư duy, tìm tòi và học hỏi. Năm năm, mười năm gặp lại vẫn như thế, vẫn chưa tiến bộ được gì hơn xưa.

Người ăn mày lẩn quẩn bên gốc cây vì anh ta tật nguyền nên không còn động lực phấn đấu. Còn ta? Trong tu hành, ta vẫn lẩn quẩn bên gốc cây vì không có ý chí tìm tòi, học hỏi để tự mình chủ động bước đi trên con đường của chính mình.

TP. HCM, 2016

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 87
    • Số lượt truy cập : 6952464