Thông tin

PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (TT)

 

CAO THĂNG BÌNH

 

CON THUYỀN HẠNH PHÚC

 


 

“Người đời thường dành quá nhiều thời gian để lựa chọn con thuyền mà không dành đủ thời gian để lèo lái con thuyền đó sau khi khởi hành...”

Hạnh phúc trần gian như một con thuyền. Cho dù con thuyền đó đang lướt sóng êm ả nhưng chỉ cần ta dừng tay chèo trong chốc lát thì con thuyền đó sẽ đi chệch hướng và va đập vào ghềnh thác. Mọi việc trên đời cũng thế, nếu ta ngừng tay lèo lái, nó sẽ lập tức biến thành khổ đau.

Ngày đầu, khi ta mới gặp người ta yêu thương cũng giống như ta vừa bước vào con thuyền, rất êm ả và bình yên. Nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Nếu sau khi lên thuyền rồi mà ta chỉ lo rong chơi hưởng thụ thì con thuyền đó sẽ quay cuồng và chìm đắm. Nhiều người than trách rằng người mình thương đã thay đổi, nhưng thực ra, điều đó chỉ đúng một phần mà nguyên nhân chính là do ta đã quá chủ quan không lo chèo lái và cũng không hiểu hết được sự hiểm nguy của dòng nước đang chảy xiết dưới mạn thuyền.

Điều bất hạnh là người đời thường dành quá nhiều thời gian để lựa chọn con thuyền mà không dành đủ thời gian để lèo lái con thuyền đó sau khi khởi hành. Thật sự mà nói thì không có con thuyền nào là bình yên mà sự bình yên chỉ có được khi người ta biết lèo lái con thuyền mình đang đi.

 

NGÓN TAY CHỈ TRĂNG

 


 

“Nếu biết nhìn theo hướng ngón tay thì sẽ thấy được mặt trăng, còn nếu chỉ nhìn vào ngón tay thì sẽ chỉ thấy ngón tay mà không thấy được mặt trăng...”

Khi ta còn nhỏ, để ta bớt ham chơi, cha mẹ thường căn dặn: “Con ơi, học là quan trọng nhất, có học thì mới nên người”. Rồi đến khi ta trở thành con mọt sách, cha mẹ lại dạy khác đi: “Con à, học trong trường cũng không phải là quan trọng nhất, con phải học làm người, học thêm cách ứng xử”. Cứ thế, mỗi lần, mỗi lần cha mẹ dạy ta một thứ khác, hết điều này đến điều kia, cái nào cũng có lý, nhưng không có cái nào trùng với cái nào. Thật sự, cha mẹ đã không hề gạt ta mà chỉ dùng pháp phương tiện để dẫn dắt ta từng bước trở thành người tốt.

Trong tu hành cũng vậy, Đức Phật thường dùng đến pháp phương tiện để giảng dạy sao cho phù hợp với hoàn cảnh và căn cơ của từng người. Nếu ta không hiểu được ý nghĩa thâm sâu phía sau những lời kinh đó thì sẽ rất dễ sa vào đa văn, cố chấp. Để hiểu được thật nghĩa của các kinh văn, ta cần biết liên kết chúng lại với nhau và chứng nghiệm qua thực hành. Từng lời dạy riêng lẻ sẽ không đúng cho mọi hoàn cảnh, nhưng khi liên kết chúng lại thì sẽ hướng cho ta đến được chân lý.

Chân lý chỉ có thể cảm nhận qua trực giác chứ không thể diễn tả hết bằng lời. Giống như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu biết nhìn theo hướng ngón tay thì sẽ thấy được mặt trăng, còn nếu chỉ nhìn vào ngón tay thì sẽ chỉ thấy ngón tay mà không thấy được mặt trăng.

TP. HCM, 2016

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6115272