Thông tin

PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (TT)

 

CAO THĂNG BÌNH

 

ẢO ẢNH

 


 

“Người giỏi, thông minh có thể chiến thắng người khác nhưng không chiến thắng được bản thân, thời gian và sự sinh diệt của tạo hóa…”

Đời nào cũng vậy, lớp lớp anh hùng lao vào tranh đấu, nhiều bộ óc thông minh, mưu mô tranh tài. Họ có thể chiến thắng người khác nhưng không chiến thắng được bản thân, không chiến thắng được thời gian và sự sinh diệt của tạo hóa. Để rồi họ cũng như những đợt sóng dũng mãnh gào thét, sau đó tắt lịm để lại những tiếc nuối cho những giấc mộng còn dang dở. Viết đến đây, chợt nhớ đến những câu thơ trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa:

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông

Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng

Thịnh suy, thành bại theo dòng nước

Sừng sững cơ đồ bỗng tay không…”

Vậy mới biết người giỏi và thông minh chưa chắc đã tỉnh, người chậm chạp chưa chắc đã ngu. Cuộc đời người tưởng lâu mà như giấc mộng. Nếu ai đó nhìn và biết được kết cục của mình về sau thì chắc là họ sẽ buông bỏ bớt được những ảo ảnh của ngày hôm nay.

 

SINH TỬ

 


 

“Người có trí sẽ chuẩn bị cho mình những gì có thể mang theo, đó là trí tuệ, phước báo và thiện nghiệp, chứ chẳng nặng công tích cóp làm gì những thứ không khả dụng…”

Đời người là quãng thời gian giữa sinh và tử. Sinh là lúc ta có mặt ở cõi này và tử là lúc ta từ giã cõi này đi về một cõi khác. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng chết là hết nên vô cùng lo sợ, thậm chí sống vội vàng, không nghĩ nhiều đến nhân quả ở các kiếp sau. Hiểu được bản chất của sinh tử sẽ giúp ta không còn sợ chết và biết phải làm gì tốt nhất trong cuộc đời hiện tại.

Đức Phật dạy mỗi chúng sinh luôn có ba thân đó là pháp thân, báo thân và hóa thân. Pháp thân là thân chân như bất diệt. Thân đó không bao giờ mất đi, không hiển lộ ra bên ngoài. Nhờ có thân đó mà chúng sinh ai cũng có khả năng thành Phật. Báo thân và hóa thân là thân hiển lộ, là hình tướng tạo thành từ sự kết hợp của vật chất. Các thân này thay đổi, tạo thành rồi tan rã. Khi ta sống, ba thân hợp nhất với nhau làm một nhưng mắt trần ta chỉ thấy được báo thân và hóa thân. Khi ta chết, báo thân và hóa thân cùng hư hoại, pháp thân tách ra đi tìm hóa thân mới để nương gá vào. Khi tìm được hóa thân mới, báo thân mới cũng xuất hiện và kiếp sống mới lại bắt đầu.

Kinh Bát Nhã có dạy tất cả các pháp không sinh không diệt. Cái chết mà người ta sợ thực ra chỉ là sự chuyển tiếp đến một kiếp sống mới, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn hiện tại. Ta không thể mang theo gì ngoài trí tuệ, phước báo và thiện nghiệp. Tài sản vật chất ở cõi nào sẽ phải để lại ở cõi đấy vì chúng không khả dụng ở cõi khác. Vậy nên, người có trí sẽ chuẩn bị cho mình những gì có thể mang theo, chứ chẳng nặng công tích cóp làm gì những thứ không khả dụng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 57
    • Số lượt truy cập : 6951876