PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (TT)
CAO THĂNG BÌNH
THIÊN ĐÀNG
“Cánh cửa thiên đàng luôn rộng mở cho tất cả mọi người tu tập, nhưng vì ta theo các thói quen cũ nên đã tự xa rời thiên đàng mà không hay biết…”
Đa số chúng ta dù tu hay không tu, trước khi chết cũng đều ước muốn lên thiên đàng dù chưa ai biết thiên đàng trên đó như thế nào. Có lẽ do ta đã từng nghe trong các kinh sách rằng thiên đàng là nơi tuyệt đẹp, là nơi người ta không phải làm mà vẫn được hưởng thụ, là nơi không có khổ đau, bởi vậy dù là người thiện hay ác tất cả đều mong ước được lên trên đó.
Nhưng thực tế, thiên đàng chưa hẳn giống như ta nghĩ. Trên thiên đàng, mọi người vẫn phải luôn tu tập để không bị rớt xuống hạ giới. Niềm vui trên thiên đàng cũng khác xa nơi trần thế, đó là niềm vui an lạc, tịch tĩnh chớ không giống như niềm vui thế gian là những nơi ồn ào náo nhiệt, là sự hơn thua, là sự thỏa mãn sở hữu và chiếm đoạt. Vậy nên, dù có được may mắn lên thiên đàng thì chắc sẽ có không ít người muốn tìm xuống lại hạ giới để được tiếp tục cái vui trần thế.
Đâu có ai cấm ta lên thiên đàng! Sở dĩ, ta không lên được thiên đàng là do nghiệp lực của ta quá dày nên ta thấy địa ngục vui hơn, gần gũi hơn và ta bị cuốn theo xuống đó. Thực ra, cánh cửa thiên đàng luôn rộng mở với tất cả mọi người, nhưng vì ta theo các thói quen cũ nên đã tự xa rời thiên đàng mà không hay biết. Thiên đàng không phải chỉ có sau khi ta từ giã cõi đời mà nó cũng hiện hữu ngay khi ta còn sống, ngay tại đây nhưng tại ta không thấy hoặc không chịu thấy. Đó là cuộc sống nhẹ nhàng buông bỏ, đó là lòng yêu thương bao dung thay cho ích kỷ và thù hận. Tóm lại, lên thiên đàng không phải là không thể nhưng vấn đề là ta có muốn lên đó hay không?
BA ĐIỀU CƠ BẢN
“Ba điều cơ bản cho những người muốn học Phật đó là thấy được khổ, tâm truyền tâm và đường ta ta phải đi…”
Có ba điều cơ bản cho người muốn học Phật. Đầu tiên là thấy được khổ. Phần lớn ta đến với đạo Phật vì ta đã từng trải qua đau khổ trong cuộc đời. Với người chưa từng khổ, đang còn tham đắm với các niềm vui ngắn ngủi thì rất khó chấp nhận buông bỏ để học Phật. Cũng vì điều này mà kinh đầu tiên đức Phật giảng dạy là Tứ Diệu Đế, trong đó đề cập đến khổ như mắt xích đầu tiên đưa đến giác ngộ. Vì vậy, những người đang bị khổ thay vì than oán, sân hận thì nên thấy rằng đó là cơ hội để đưa mình đến với đạo Phật.
Thứ hai là tâm truyền tâm. Những gì ta giảng giải cho nhau nghe hoặc học được từ kinh sách chỉ là những giọt nước nhỏ trong đại dương mênh mông, tuy đúng nhưng không đầy đủ. Vậy nên, hãy lắng nghe chân lý bằng trái tim qua trái tim. Tất cả ngôn từ lý luận khi thì không đầy đủ, khi lại quá thừa thãi. Sa đà vào lý luận, tranh cãi thì càng đi càng xa những gì đức Phật dạy.
Sau cùng là đường ta ta phải đi. Ta có thể học thầy, học sách, học bạn bè đạo hữu nhưng đường ta thì ta phải đi. Có đi thì mới có đến, dù nhanh hay chậm, nhưng không ai có thể đi giùm ta. Những người thân chỉ ở bên ta chốc lát rồi chia xa nên ta phải tự thân mình bước đi.
Bình luận bài viết