PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (TT)
CAO THĂNG BÌNH
HIỂU BIẾT CHƯA PHẢI LÀ GIÁC NGỘ
“Giác ngộ là một quá trình rèn luyện tâm cho đến khi nhìn đâu cũng thấy rõ tánh Không của pháp...”
Có người nghĩ rằng chỉ cần đọc một vài quyển kinh, hiểu được một vài giáo lý trong kinh Phật tức là đã giác ngộ. Thực ra giác ngộ không đơn giản như vậy. Đạo Phật là đạo thực hành, nên dù đã hiểu nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Vì thân làm người vẫn còn nhiều ham muốn dục lạc, đâu phải dễ gì ta có thể dứt bỏ chúng trong một sớm, một chiều. Giống như loài rắn không thể lột xác vài lần thì có thể hóa rồng, mà nó cần phải tu tập nhiều đời nhiều kiếp mới hóa kiếp thành rồng.
Hiểu biết văn tự và giác ngộ tưởng chừng như gần nhưng thực sự lại rất xa. Giống như ta tuy có thể thấy bóng mặt trăng, nhưng chạm được mặt trăng thì còn phải đi muôn nghìn kiếp. Biện luận, diễn thuyết, tranh cãi chỉ làm tăng thêm ngã mạn chứ không ích lợi gì. Phải cất bước lên mà đi, vì có đi thì mới có đến.
Tu là một quá trình thực hành và chứng nghiệm, không phải chỉ có lý thuyết suông. Đó là hành trình thực tiễn với nhiều khó khăn thách thức, rất khó vượt qua nếu không có quyết tâm cao. Giác ngộ là một quá trình rèn luyện tâm cho đến khi nhìn đâu cũng thấy rõ tánh Không của pháp, từ đó tâm tĩnh lặng, đối cảnh mà không còn vọng tưởng.
Bình luận bài viết