PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (TT)
CAO THĂNG BÌNH
THÊM MỘT CHÚT CÓ THỂ LÀ DẤU CHẤM HẾT
“Bất chấp, bất cần không phải là cách lựa chọn tốt cho những người đang đau khổ…”
Ở đời, người khá giả thường muốn mình khá thêm nên phần đông họ làm việc cật lực. Ngược lại, người nghèo khó hay thích sống mặc kệ, đến đâu hay đến đó. Bởi vậy, dân gian mới có câu: “Cùi không sợ lở”, ý nói vì họ khổ quá nên bất chấp, buông xuôi, thậm chí gặp phải nguy hiểm cũng bất cần.
Đáng lẽ người giàu mới không sợ “lở”, vì người ta có nhiều tiền để chữa trị. Còn với người vốn đã khổ, nếu phải khổ thêm thì biết sống làm sao? Dân gian có câu: “Còn nước còn tát” là để ca ngợi những người vượt khó đến phút cuối cùng. Những gì ta tính được thì nên tính, những gì làm được thì nên làm. Bất chấp, bất cần không phải là cách lựa chọn tốt cho những người đang đau khổ, rồi sẽ có ngày ta hối hận cho những quyết định bất chấp, bất cần ở ngày hôm nay.
Sống trên đời đừng bao giờ để mình tuyệt vọng. Với người tu hành thì cuộc đời là cõi tạm, sướng khổ đều vô thường, rồi tất cả cũng sẽ qua đi. Một nắm muối khi cho vào tô nước nhỏ thì sẽ rất mặn nhưng khi cho xuống dòng sông thì không còn chút vị mặn nào. Với người nhiều phúc đức thì khổ một chút chẳng ăn thua gì. Nhưng nếu ta ít phúc, kém đức thì thêm một việc khổ nhỏ có thể là dấu chấm hết cho mình. Vậy nên, nếu ta đang ở trong hoàn cảnh khổ và thực sự muốn thoát khổ thì cần tính toán thật kỹ cho mỗi việc mình làm. Đừng liều lĩnh thử thách số phận, thử thách nhân quả rồi hối không kịp.
THUỐC GIẢM ĐAU KHÔNG DỨT ĐƯỢC BỆNH
“Người tu hành có thể kết hợp hài hòa các pháp phương tiện trong tu tập, nhưng không sa vào các liệu pháp tâm lý để rồi rời xa Chánh Đạo…”
Khi bị bệnh nặng, nếu ta chỉ dùng thuốc giảm đau thì sẽ không hết bệnh. Thuốc giảm đau chỉ là phương tiện nhất thời chứ không có chức năng chữa dứt bệnh, nếu lạm dụng nó sẽ gây nên nghiện. Giảm đau mà không chữa bệnh chỉ là lừa dối cơ thể, bệnh chẳng những không giảm mà sẽ càng nặng thêm. Nhưng chữa bệnh mà thiếu thuốc giảm đau thì cơ thể có thể suy kiệt vì đau đớn.
Khổ đau trên đời này cũng vậy. Các liệu pháp tâm lý có thể giúp ta tạm thời quên hay giảm đi phần nào đau khổ. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, đau khổ sẽ quay trở lại, mỗi ngày một nhiều hơn và lớn hơn. Chỉ khi nào ta nỗ lực chữa trị chúng bằng thực hành Phật pháp thì đau khổ mới có thể được diệt trừ tận gốc.
Người đời thích dùng các liệu pháp tâm lý để giảm đau. Người tu muốn dứt khổ nên thực hành các lời Phật dạy. Liệu pháp tâm lý thì dễ nghe, dễ nhớ nhưng không dứt được khổ. Phật pháp diệt khổ nhưng khó thực hành nếu không có quyết tâm, vững chí. Vậy nên, người tu hành có thể kết hợp hài hòa các pháp phương tiện trong tu tập, nhưng không sa vào các liệu pháp tâm lý để rồi rời xa Chánh Đạo.
Bình luận bài viết