PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (T.T)
CAO THĂNG BÌNH
BA NHÓM NGƯỜI
“Người tiến bộ chậm còn hơn người không chịu tu sửa hay người làm sai mà không xấu hổ lại còn khoe khoang tự hào...”
Trong quá trình tu học, tôi quan sát có ba nhóm người. Nhóm thứ nhất khi đọc kinh sách, tuy chưa hiểu hết lời Phật dạy, dù biết rằng khó nhưng vẫn cố gắng thực hành. Ngày qua ngày, họ tiến bộ dần, tuy có chậm, nhưng cũng được kết quả, bản thân ngày càng hoàn thiện và bớt dần đau khổ.
Nhóm thứ hai, họ tuy nhận ra mình còn nhiều tật xấu, nhưng không chịu sửa vì cho rằng giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Có người tự an ủi rằng “Tính mình là thế, nếu không thì mình đã thành Phật”. Với nhóm người này, nhiều năm sau gặp lại họ vẫn thế, vẫn như ngày nào, không tiến bộ gì.
Nhóm thứ ba, khi làm điều bất thiện mà không bị phát hiện, họ tự cho mình là hay, là giỏi. Họ không xấu hổ mà còn tự hào, xem đó là tài năng, chiến tích. Mỗi khi có dịp, họ kể về nó với vẻ khoe khoang, rồi còn muốn truyền bá kinh nghiệm cho người khác. Nhóm người này ngày càng tạo thêm nhiều ác nghiệp. Số ít trong số họ sám hối vào lúc cuối đời hoặc sau những biến cố trọng đại trong đời.
Trong ba nhóm người trên, ta hãy xét xem mình thuộc nhóm người nào?
DỤC VỌNG KHỞI TỪ ĐÂU?
“Mặc dù thân xác cũng có nhu cầu được nuôi dưỡng, nhưng ý tưởng thèm muốn cái này, cái kia là do tâm và nghiệp...”
Một số người cho rằng dục vọng khởi từ thân xác. Họ cho rằng tham ăn là do cái bụng, tham nhìn là do con mắt. Vậy nên, một số người cực đoan đã tìm cách hủy hoại thân xác mình để diệt dục. Kết quả là thân xác thì hư hoại, mà trí tuệ vẫn chưa khai mở, vẫn còn tham sân si, nên khi chết họ đi vào địa ngục trong khi dục vọng vẫn còn.
Đức Phật, Ngài đã thành đạo ngay trong thân xác của con người. Qua đó, ta thấy thân xác này thực sự không phải là chướng ngại cho sự tu tập và giác ngộ. Ma quỷ dù chúng không còn thân xác, nhưng vẫn đau khổ do còn dục vọng. Nếu cho rằng diệt đi thân xác này sẽ hết dục vọng, thì thật là sai lầm.
Thân xác này chỉ là phương tiện để tâm nương gá vào. Mặc dù thân xác cũng có nhu cầu được nuôi dưỡng, nhưng ý tưởng thèm muốn cái này, cái kia là do tâm và nghiệp. Do đó, muốn diệt dục thì phải tu tâm, sửa nghiệp chứ hành hạ thân xác sẽ chẳng có ích gì. Khi tâm tĩnh lặng thì dục không còn. Khi dục không còn thì nghiệp cũng hết.
Bình luận bài viết