PHẬT PHÁP VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ ỨNG DỤNG
NGUYÊN CHÂU
Toàn bộ giáo pháp của đức Phật là để chỉ cho chúng ta thấy đời là bể khổ, giúp chúng ta tìm ra cách vượt khổ và đạt đến sự giải thoát giác ngộ. Do vậy, cho nên chỉ khi nào chúng ta đạt được mục tiêu rốt ráo của việc tu hành là giải thoát khỏi khổ đau luân hồi sanh tử, thì lúc đó chúng ta mới khẳng định là mình đã thực sự đi đúng con đường đức Phật đã dạy.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi mạo muội nêu lên ý nghĩa của việc nhận biết diễn biến của Tâm và sự hiểu cần thiết về phương tiện tu tập, vì đây là mấu chốt của việc hành trì để đạt được nguồn tuệ giác. Tiếp đến là nói lên tầm quan trọng của việc hiểu đúng về Giới - Định - Tuệ nhằm giúp người tu học có một nhận thức đúng đắn về Giới luật và điều chỉnh hướng đi phù hợp với lẽ thật của pháp hành hơn là thiên về lý thuyết vốn trở thành nếp nghĩ như truyền thống tu học bấy lâu nay. Một nội dung cần thiết nữa, đó là những nguy hại của sự dính mắc và sự buông xả là rất cần thiết trên bước đường quay về cố quận. Phần cuối bài viết, chúng tôi nương lời đức Phật dạy trong bài kinh “10 Điều Chớ Vội Tin”, nhằm chỉ ra những định kiến thị phi trong không gian Phật giáo hiện thời vốn không cần thiết. Theo như lời đức Phật dạy trong Tăng Chi Bộ kinh (phần kinh Kamala), thì mục đích của người học Phật, dù trường phái nào, dù truyền thống nào, thì cũng đều dùng phương pháp Văn, Tư, Tu, nghĩa là, trước tiên phải “lắng nghe”, sau đó “suy nghĩ”, nếu thấy điều đó thực sự mang lại an lạc giải thoát cho mình thì hãy nương theo hành trì chứ cũng không nên cố chấp vào những gì như bấy lâu nay chúng ta đã mặc định.
I. Nhận biết diễn biến của Tâm và sự hiểu về phương tiện tu tập
“Khổ” có mặt, vì có nguyên nhân và điều kiện của nó. Trước hết, chúng ta nên hiểu rằng, khi tâm được tĩnh tại là nó đang ở trong trạng thái tự nhiên bình thường của nó; còn khi tâm ta vọng động thì nó trở nên có điều kiện, nó trở thành Hữu vi (Sankhāra). Khi tâm bị hấp dẫn bởi thứ gì đó, thì nó bị điều kiện tác động. Chẳng hạn như khi sân khởi sinh, thì tâm bị tác động và ngay đó ý khởi sinh, nó chuyển biến từ sự tác động đó…
Nhưng, nếu sự tỉnh giác của chúng ta không bắt kịp với những sự phóng túng đó của tâm khi chúng xảy ra, thì tâm ta cứ chạy theo chúng và bị tác động bởi chúng. Mỗi khi tâm chuyển động, thì ngay lúc đó, nó trở thành một thực tại theo quy ước của lý duyên khởi. Do vậy, đức Phật dạy chúng ta phải quán sát những chuyển động của tâm và những điều kiện tác động của tâm. Vì mỗi khi tâm chuyển động, nó trở thành không ổn định, nó là Vô thường, Khổ, và Vô ngã, nên ở đó không hề có là một cái “ta” nào cả. Đây là ba đặc tính phổ quát của tất cả mọi hiện tượng có điều kiện, chỉ chung cho tất cả pháp Hữu vi.
Đức Phật dạy chúng ta quán sát những chuyển động của tâm, điều này giống như giáo lý về sự khởi sinh tùy thuộc, tức chuỗi nhân duyên (Paticca Samuppāda), mà trong đó, Vô minh (Avijjā) là nhân duyên làm khởi sinh những ý hành tạo nghiệp (Sankhāra). Từ đây, nhân duyên tiếp tục khởi sinh phần Thức (Viññāna) của một chúng sinh, rồi Thức này lại làm nhân duyên để khởi sinh phần tâm trí và vật chất (Nāma-Rūpa) của chúng sinh đó.
Trong cái vòng Thập nhị nhân duyên này, đức Phật đã phân chia thành mỗi mắt xích để chúng ta dễ hiểu, đây là cách mô tả về thực tại, nhưng khi tiến trình này diễn ra trong đời sống thực tế, thường thì chúng ta không theo kịp với những gì đang diễn ra. Điều này, cũng giống như khi ta bị té xuống từ ngọn cây cao, do sự té diễn ra quá nhanh, cho nên chúng ta không thể biết có bao nhiêu nhánh cây chúng ta đã trải qua khi từ trên cành cây cao chúng ta bị té rơi xuống đất. Tương tự vậy, khi tâm bất ngờ bị chạm bởi một nhận thức của tâm (tưởng), nếu nó thấy thích thì nó sẽ nhanh chóng duyên lự theo trong một trạng thái tương ứng, nhưng nó không hề biết đến một chuỗi những điều kiện tác động đã xảy ra và gây ra nhận thức đó. Tiến trình chuỗi nhân duyên chuyển biến đó diễn ra theo đúng như đã được mô tả trong lý duyên sinh. Nhưng về mặt thực tế của sự vận hành này, thì nó hoàn toàn vượt qua những giới hạn của lý thuyết trong lý duyên sinh.
Sự thật, khi rơi từ ngọn cây cao xuống, sau khi nghe cái bịch và chạm đất, thì làm gì chúng ta có thể biết mình đã rơi chính xác là bao nhiêu thước, bao nhiêu tấc, và trải qua những gì từ ngọn cây cao rơi xuống. Cái chúng ta biết khi té xuống đất là âm thanh chạm đất, thêm vào đó là một sự đau đớn và chỉ có vậy thôi. Tâm ta cũng như vậy, những sự khổ, đau, buồn, rầu, sầu, não và tuyệt vọng có từ đâu, trong khi lý thuyết diễn tả về tiến trình đó một cách mạch lạc, còn trên thực tế thì chúng ta chẳng bắt kịp những chỗ nào đã tạo ra sự khổ đau để nhận diện nó. Ở đây, chúng ta sẽ nhận thấy, tiến trình thực xảy ra và trình tự trong lý thuyết chỉ giống như hai kẻ đồng hành trên một con đường, chính vì vậy mà đức Phật đã dạy chúng ta tuy thấu hiểu lý thuyết, nhưng quan trọng là chúng ta phải tự mình nâng cao sự hiểu biết một cách minh tuệ nhất, bởi vì bất cứ sự khởi sinh nào thì nó cũng đều xảy ra trong sự hiểu biết này, tức là cái biết đúng với lẽ thật. Và như vậy, với sự hiểu biết tuệ giác này, thì cái tâm (tức Tâm vương) và những yếu tố liên hợp với nó (tức Tâm sở) hoàn toàn không phải là cái “của ta”, mà đã là cái không phải là “của ta”, thì chúng ta sẽ không ngộ nhận nó là ta nữa và sẽ không chấp giữ. Do đó, cuối cùng thì tất cả những hiện tượng vốn Vô thường, Khổ và Vô ngã đó sẽ bị loại bỏ ra khỏi tâm ta.
Thực tế thì chẳng có gì để có thể chỉ ra rằng, đây là Vô minh, đây là Hành (tạo tác), đây là Thức hay Thức biến; bởi trong đời sống thực tế, tiến trình này sẽ không cho chúng ta một cơ hội nào để đọc ra thứ tự những phần hay từng mắt xích trong lý duyên sinh đang diễn ra. Mặc dù, đức Phật đã phân tích cũng như giải thích trình tự diễn tiến của những khoảng khắc tâm (sát-na) một cách chi tiết, nhưng kỳ thật thì tiến trình xảy ra đó chẳng khác gì một cú té từ cây cao như đã minh họa.
Đức Phật dạy chúng ta nhận biết các pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã, và buông bỏ chúng. Do vậy, chúng ta chỉ cần ý thức nhận biết chúng, khi chúng đang khởi sinh. Trên thực tế, cái tâm chúng ta vốn đã bị tác động có điều kiện và đã thành Hữu vi. Nó đã bị dẫn dắt và tác động, nên đã bị lạc lối và mất tự chủ. Nó xa lìa khỏi trạng thái tỉnh giác tinh khiết, ngay khi nó trượt thắng, nó sẽ tạo ra một chuỗi những hiện tượng có điều kiện (Hữu vi). Nó tiếp tục tác động lên cái tâm, và sự phóng tâm cứ như vậy mà diễn ra liên tục. Chính tiến trình nhân duyên này sẽ liên tục khởi sinh ra những thứ tốt, xấu, thiện, ác và mọi sự khác như chúng ta đã thấy. Chính vì vậy, mà đức Phật dạy chúng ta phải nhận ra sự khởi sinh trong tâm niệm và buông bỏ tất cả, tức dẹp bỏ cái tiến trình đó.
Tuy nhiên, trên con đường tu tập giác ngộ giải thoát, lúc đầu chúng ta cần phải y cứ vào lý thuyết duyên khởi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta nên biết, ở đó “Tâm” chỉ đơn giản là nó đang diễn ra theo xu hướng tự nhiên. Những yếu tố tâm lý (Tâm sở) cũng đang diễn ra theo cách tự nhiên, và đây cũng chỉ là một tiến trình rất tự nhiên trong hành hoạt nơi tâm mỗi chúng ta.
Khi nhận thức rõ như vậy, thì chúng ta sẽ dễ dàng và thoải mái thực hành Bát chánh đạo, đó là khi trí tuệ chúng ta nhìn thấy rõ hết thảy mọi sự việc một cách đúng đắn bằng sự minh sát, cái nhìn đúng đắn (chánh kiến) này sẽ dẫn đến suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy), lời nói đúng đắn (chánh ngữ), hành động đúng đắn (chánh nghiệp)… Tất cả những điều này liên quan đến những điều kiện tâm lý khởi sinh từ một sự tỉnh giác chánh niệm, tức là sự hiểu biết trong sáng và tinh khiết. Sự hiểu biết đúng đắn này giống như cái đèn lồng treo bên lối đi trong đêm tối. Nếu cái đèn được treo đúng chỗ, giống như sự hiểu biết là đúng đắn, thì nó sẽ tỏa sáng và chiếu sáng từng bậc, từng bước chỗ lối đi. Bất cứ thứ gì ta trải nghiệm, nó đều khởi sinh từ bên trong sự hiểu biết này.
Nhưng, điều rất đặc biệt và vô cùng quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây là, nếu “Tâm” vốn “Không”, thì khi đó chỉ có ánh sáng tuệ giác chiếu soi, còn mọi sự vọng động chấp trước phân biệt của tâm thức cũng sẽ không có. Tất cả mọi sự ở đây chỉ là những hiện tượng của tâm, như đức Phật đã dạy, tâm không phải là một “con người”, tâm cũng không phải là một cái “ta”, là “mình” hay là “bản ngã” của mình. Tóm lại, tâm chẳng là một ai cả. Sự thật tâm chỉ là tâm và giáo pháp cũng chỉ là giáo pháp, tất cả là tự nhiên, là tiến trình vô chủ thể, là vô ngã, nó không phụ thuộc vào “ta”, vào “chúng ta”, hay vào bất cứ một ai cả. Nó chẳng là “cái gì” cả, bởi vì bất cứ thứ gì mà một người trong số chúng ta trải nghiệm, thì đó cũng chỉ là một trong Ngũ uẩn (Khandha), gồm: Thân (Sắc), Cảm giác (Thọ), Nhận thức (Tưởng), Ý nghĩ (Hành) và Tâm thức (Thức). Vì thế, đức Phật dạy chúng ta rốt cuộc phải nên buông bỏ mọi thứ thuộc về Ngũ uẩn này.
Chúng ta nên nhớ là trong quá trình tu tập và buông xả, thì Thiền sẽ giống như chiếc đũa. Nơi chiếc đũa này, trí tuệ minh sát (Vipassanā) là một đầu, và sự tĩnh lặng hay thiền định (Samatha) là một đầu. Do đó, khi chúng ta cầm chiếc đũa lên, một đầu này được nhấc lên, thì đầu kia cũng sẽ lên theo, vậy thì đầu nào của chiếc đũa là Thiền minh sát (Vipassanā) và đầu nào của đũa là Thiền chánh định (Samatha), phần nào là đầu, phần nào là cuối, vì cả hai phần thật ra đều là tâm của chúng ta cả. Khi thấu hiểu điều này, trong công phu thiền tập chánh định (Samatha), hay thiền chánh niệm (Vipassanā), chúng ta đều sẽ nhận ra hai pháp tu này. Cũng như tất cả các pháp môn khác nói chung, chúng đều là công cụ, chúng đều là phương tiện để giúp chúng ta nhiếp phục, chuyển hóa tâm thức chúng ta trong nhất thời khi chúng ta đang cần dùng đến những công cụ đó. Qua đó, chúng ta không nên cố chấp vào công cụ, không nên cố chấp vào phương tiện để rồi kiến lập ra những thị hay phi, chánh pháp hay không phải chánh pháp, lời đức Phật nói ra hay không phải do đức Phật thuyết.
Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo tác; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo” và “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình”1. Và đức Phật cũng dạy chúng ta “Tự tịnh kỳ ý”, tức là làm cho trong sạch ý căn, được như vậy thì ở đó hoàn toàn không có thị phi, không có phân biệt và chấp trước. Được như vậy, thì chúng ta mới dễ dàng nhận diện tâm niệm dấy khởi. Từ đó, chúng ta mới có cơ sở buông xả chúng. Và như vậy, nền tảng tu hành của đạo Phật đều phải bắt đầu từ tỉnh thức chánh niệm, nói một cách gần gũi hơn đó là sự lắng tâm và buông xả.
Trong thực hành lắng tâm và buông xả, khi tâm ta được bình an, đầu tiên sự bình an có được là nhờ sự tĩnh lặng của Thiền chánh định (Samatha). Khi chúng ta tập trung và hợp nhất tâm vào những trạng thái bình an của thiền thì gọi đó là trạng thái Định (Samādhi). Tuy nhiên, nếu sự bình an và tĩnh tại của trạng thái Định phai biến dần, thì ngay đó, khổ sẽ khởi sinh trở lại. Tại sao như vậy? Bởi sự bình an nhất thời có được từ thiền định vẫn còn dựa trên sự dính chấp, và sự dính chấp này vẫn có thể là một nguyên nhân của khổ và những sự khổ sẽ nối tiếp theo sau đó.
Sự thật thì sự tĩnh lặng hay trạng thái Định vẫn còn là một phần của thế giới Hữu vi có điều kiện và sự dính chấp vào loại bình an này là sự dính chấp vào thực tại theo quy ước, cho nên chừng nào tâm chúng ta còn dính chấp vào đó, thì chúng ta vẫn còn bị dính chặt trong vòng sinh tử. Theo đó, sự tham đắm vào trạng thái Định vẫn còn, thì nó sẽ tiếp tục dẫn dắt ta luân hồi trong sinh tử, nhất là trong đời sống, thường khi sự bất an và động vọng của tâm tạm thời lắng xuống, nó sẽ tạo ra sự tĩnh lặng và bình an nhất thời, và người tu hay bị dính đắm vào loại bình an đó, hay nói cách khác là trạng thái định của tâm lúc đó. Qua đó cho thấy, sự bình an đó là chưa rốt ráo, chưa tột cùng, sự tĩnh lặng hay thiền định vẫn chưa phải là phần kết cục của con đường giác ngộ giải thoát. Bởi vì những nguyên nhân nằm bên dưới tiến trình sinh hữu (Bhava) vẫn chưa đưa đến ngừng diệt (Nirodha), và những điều kiện nhân duyên gây ra tái sinh vẫn còn đó, cho nên sự nghiệp tu hành của hành giả lúc đó vẫn chưa đạt đến mức hoàn thiện. Do vậy, từ cơ sở sự tĩnh lặng của thiền định đó, hành giả phải cần ứng dụng Thiền minh sát tuệ (Vipassanā) để thẩm thấu bản chất của thực tại Hữu vi, cho đến khi nào không còn bất kỳ sự dính chấp nào nữa, thậm chí ngay cả sự dính chấp vào sự tĩnh lặng của thiền định cũng không còn. Và nội dung trên đây là một phần của vấn đề nhận thức về giáo pháp của đức Phật để ứng dụng vào đời sống tu hành của tất cả chúng ta.
II. Hiểu đúng về Giới - Định - Tuệ
Giáo pháp của đức Phật nhằm giúp cho mỗi hành giả thân tâm được thanh tịnh. Nhờ tâm thanh tịnh sẽ phát sanh trí huệ, đi đến chỗ giải thoát giác ngộ. Vì vậy, có thể nói nền móng căn bản trong giáo pháp của đức Phật không ra ngoài ba yếu tố Giới, Định, Tuệ.
Giới - Định - Huệ, còn gọi là “tam vô lậu học”, tức ba môn học giúp hành giả vượt thoát sự trói buộc của mọi phiền não, lậu hoặc, đạt được trạng thái tâm trong sáng thuần tịnh, từ đó đưa đến giác ngộ, chứng nhập quả vị giải thoát, nhằm giúp thân tâm chúng ta được trong sạch thanh tịnh. Đức Phật dạy chúng ta phải huân tu Giới Định Huệ và thực hành Bát chánh đạo, thì thân, khẩu, ý mới đạt được sự trong sạch. Nhờ đó tánh giác sẽ hiển lộ và phát huy diệu dụng của trí tuệ.
Giới, tiếng Pãli là “Sila”, có nghĩa rộng bao hàm lối sống có đạo đức, tuân thủ Giới luật, cư xử có tư cách, có giới hạnh, không làm hại người, hại mình; trong ngữ cảnh này, Giới cũng có nghĩa là đức hạnh.
Giới là những điều đức Phật dạy nhằm ngăn ngừa hoặc đình chỉ các nghiệp ác do thân, khẩu, ý sanh ra, từ đó làm tăng trưởng nghiệp thiện. Như vậy, trên căn bản thì nhờ có Giới sẽ giúp cho thân tâm thanh tịnh, dần dần triệt tiêu những phiền não tham, sân, si. Giới được đặt trên nền tảng tự lợi tự tha. Đối với tự thân mình, Giới giúp hành giả nâng cao phẩm cách, trở nên một người cao thượng được sự kính trọng quý mến của mọi người. Nhờ tu Giới mà thân, khẩu, ý không bị ô nhiễm, giúp gia tăng phẩm hạnh. Đối với tha nhân, hành giả trì Giới sẽ có cuộc sống đạo đức, sẽ cộng hưởng tích cực đến những người xung quanh, nhất là nhờ trì Giới sẽ giúp hành giả thuận lợi trong tu tập thiền định. Ý nghĩa của sự trì Giới được đức Phật tóm gọn trong bài kệ: “Chư ác mạc tác (không làm các điều ác), Chúng thiện phụng hành (siêng làm các việc lành), Tự tịnh kỳ ý (giữ tâm ý trong sạch), Thị chư Phật giáo (là lời Phật dạy)”2.
Giới, trước hết có “Biệt giải thoát giới” (Pati-Mokkha), tiếng Hán phiên âm là Ba La Đề Mộc Xoa, trong đó từ “Pati” có nghĩa là hướng về, từ “Mokkha” có nghĩa là giải thoát. Đó là những giới nằm trong Luật tạng được áp dụng cho nhị chúng xuất gia. Theo đó, các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni thọ giữ giới nào, thì được sự lợi ích và sự giải thoát của giới đó, cũng như luật nhân quả là gieo nhân nào thì được quả nấy. Trong đó, “Biệt giới” là từng giới riêng của hàng xuất gia và cư sĩ. Hàng cư sĩ có ngũ giới chung cho tất cả Phật tử. Hàng xuất gia có thập giới cho các Sa di và Sa di ni. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, thì Tỳ kheo có 227 giới, Tỳ kheo ni có 311 giới. Theo truyền thống Phật giáo phát triển, thì Tỳ kheo có 250 giới và Tỳ kheo ni có 348 giới. Và Thông giới (hay Bồ tát giới) là giới mà bất kỳ ai thọ cũng được. Hàng cư sĩ hay tăng sĩ, già hay trẻ, cơ thể khỏe mạnh hay bị bệnh, bị khuyết tật đều có thể thọ giới được, miễn là người phát tâm thọ giới hiểu được Pháp và tự nguyện phát Tâm Bồ đề. Như vậy, Thông giới có tính chất bình đẳng và không bị hạn chế bởi hình tướng… Tuy được phân ra nhiều loại, nhưng kỳ thật thì chỉ có Giới tướng và Giới tánh. Các phần Giới vừa nêu ở trên thuộc về Giới tướng, còn Giới tánh chính là Tịnh giới, cũng được xem là Bồ đề tâm vậy.
Tóm lại, Giới được thể hiện đầy đủ trong Luật tạng, là một trong ba phần căn bản của Tam tạng kinh điển. Giới đóng vai trò quan trọng trong đời sống Tăng đoàn. Một Phật tử khi quy y Tam bảo đều phải thọ trì Ngũ giới. Một người xuất gia trước hết phải thọ Sa di giới (Thập giới). Sau một thời gian tu tập, khi thọ dụng Giới đức nhất định, thì mới được cho thọ Cụ túc giới.
Thật ra, bản chất của đạo Phật là một con đường giải thoát chứ không phải là một hệ thống luân lý, mô phạm, cấm đoán con người làm điều này, bắt buộc con người làm điều nọ. Theo đó, Giới không phải chỉ đơn thuần là một sự cấm đoán răn ngừa mà bao hàm các phẩm chất tích cực. Tự thân mọi pháp lành sẽ khởi sinh nhờ sự trì giới. Chẳng hạn như trì giới không sát hại sẽ nảy nở tâm từ bi, không trộm cắp sẽ phát sinh tâm bố thí, không nói dối sẽ phát sinh tâm chân thật, không tà dâm sẽ phát sinh tâm thanh tịnh, không say sưa sẽ phát sinh tâm tỉnh thức.
- Định tiếng Pãli là “Samãdhi”, tiếng Hán nghĩa là “Tam muội”. Định mang nhiều ý nghĩa như sự tập trung không dao động, sự tĩnh lặng… Trong Trung Bộ kinh 1, bài kinh số 30, Định được xem là “Nhất tâm”, cũng có nghĩa là “Nhất niệm”. Đây là trạng thái tâm đồng nhất với đối tượng, nơi đó không có Ý thức hiện hữu mà chỉ có “đơn niệm biết”, nghĩa là tâm hoàn toàn yên lặng không dao động bởi các đối tượng bên ngoài giác quan. Và trong bài kinh số 36, Định được xem là “trạng thái tâm thuần nhất”. Đây là trạng thái tĩnh lặng của tâm, hay trạng thái “bất nhị” của Ý thức, trong đó nội tâm thiền gia không còn Tầm (trạng thái tâm không còn chú ý (tầm) và bắt dính (tứ) theo đối tượng. Theo trình tự, thì Định chính là nhịp cầu để tiến tới Huệ. Hành giả muốn khai mở Trí huệ, thì nhất định phải tu tập thiền Định. Như vậy, Định vừa là một phương tiện để đạt được Trí huệ, vừa đào thải tận gốc tập khí lậu hoặc, đưa hành giả đến bến bờ giải thoát. Và Huệ ở đây là nói gọn hai chữ “Trí huệ”, còn gọi là Bát nhã, Hán ngữ dịch âm từ chữ Panna (Pãli) hay Prajna (Sanskrit) đều có nghĩa là ánh sáng tuệ giác chiếu soi khi không còn vô minh và trần lao phiền não.
Tuy Giới - Định - Huệ được phân chia làm ba phần với ba trình tự tu tập, song, cho dù chúng ta có phân chia thành từng mảng tu tập khác nhau, nhưng khi chúng ta nhìn sâu vào bên trong nội hàm mỗi phần, chúng ta sẽ thấy ba phẩm chất này hội tụ với nhau thành một. Trước hết, để duy trì giới hạnh, chúng ta phải có sự hiểu biết đúng đắn, tức là trí tuệ ban đầu. Chẳng hạn, hàng Phật tử chúng ta thường khuyên bảo nhau phải tu dưỡng những chuẩn mực đạo đức bằng cách giữ gìn năm giới hạnh căn bản để đức hạnh của chúng ta được chắc vững. Tuy nhiên, việc hoàn thiện đức hạnh cần phải có sự hiểu biết đúng đắn. Chúng ta phải biết xem xét những lời nói và hành động của chúng ta, biết phân tích những hậu quả của chúng và tất cả điều này chính là công việc của sự hiểu biết. Sự thực thì mọi sự tu tập đều phải dựa vào sự hiểu biết trí tuệ của chúng ta để tu dưỡng phần giới hạnh. Theo lý thuyết, giới hạnh có trước, từ đó có sự định tâm, rồi mới có trí tuệ.
Nhưng nếu suy xét kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy phần trí tuệ hiểu biết, mới là viên đá đặt nền móng đầu tiên cho tất cả phần tu tập khác. Và chính phẩm chất trí tuệ ban đầu này mới có thể dẫn dắt và giám sát mọi sự vận hành của luật nhân quả, từ đó mới thanh lọc những hành động, lời nói của mỗi chúng ta. Khi chúng ta dẹp bỏ những điều xấu, tu dưỡng những điều tốt, dẹp bỏ những điều sai và tu dưỡng những điều đúng đắn, chúng ta sẽ tạo nên phẩm chất tốt đẹp của người tu, và đó là Giới hạnh. Từ kết quả này, tâm chúng ta sẽ dần dần trở nên ổn định vững chắc, và ngay chỗ này mới thật sự là sự ổn định của nội tâm. Đây chính là sự định tâm vững chắc (samādhi).
Sự hợp nhất ổn định của tâm tạo nên một nguồn năng lượng mạnh mẽ trong sự tu hành của chúng ta, giúp chúng ta có thể quán xét sâu sắc hơn về những thứ bên ngoài như cảnh sắc, âm thanh mà chúng ta trải nghiệm. Khi tâm chúng ta đã được thiết lập với một sự chú tâm chánh niệm và sự định tĩnh bình an vững chắc không gì lay chuyển, thì chúng ta có thể tham dự vào việc điều tra liên tục để tìm hiểu thực tại của sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, tâm thức. Các hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, những cảm nhận thân và những đối tượng của tâm, khi chúng liên tục khởi sinh, chúng ta liên tục điều tra với một sự kiên định nhất quán không để mất đi sự chánh niệm của mình. Từ đó, chúng ta sẽ biết được những thứ đó đích thực là chúng chỉ xuất hiện theo thể cách tự nhiên của chúng, đó là lẽ tự nhiên đến đi, sinh diệt của chúng (của thức tâm). Khi sự hiểu biết này của chúng ta tăng lên, thì một phần tuệ giác sẽ ló dạng, một khi đã có sự hiểu biết rõ ràng (sự rõ biết) về đường lối diễn ra nơi mọi thứ, đúng như chúng đích thực là như thị, thì những nhận thức (Tưởng) của chúng ta từ trước đến giờ sẽ được bứng bỏ và sự hiểu biết trí thức theo khái niệm trước giờ sẽ biến chuyển thành trí tuệ đúng đắn.
Trên đây là nói chung về sự hợp nhất của Giới, Định, Tuệ và chúng vận hành không hề tách biệt. Khi trí tuệ gia tăng và mạnh mẽ hơn, thì sự định tâm cũng trở nên mạnh chắc hơn theo. Khi định càng vững chắc và khó lay chuyển, thì giới hạnh cũng bao trùm hơn và khó lay chuyển. Khi giới hạnh được hoàn thiện, nó dung dưỡng sự định tâm, và khi định gia tăng nó làm tăng độ chín chắn của trí tuệ. Như vậy, có nghĩa là ba mảng tu tập này luôn luôn đan xen hòa quyện vào nhau, khi hợp nhất với nhau, ba phần này tạo thành Bát chánh đạo, tức là tám con đường bước lên Chánh đạo mà của đức Phật đã dạy. Đặc biệt, khi Giới, Định, Tuệ đạt đến đỉnh cao, con đường Chánh đạo này có sức mạnh tẩy sạch mọi thứ tâm thức từng gây ô nhiễm sự tinh khiết vốn nguyên sơ của chơn tâm. Ở đây, nếu xét trên nền tảng giáo lý căn bản là Tứ diệu đế, thì khi tâm chúng ta ham muốn, nhục dục khởi lên, khi đó đồng thời sân giận và si mê sẽ có mặt. Trước tình cảnh này thì con đường Bát chánh đạo sẽ phát huy tác dụng nếu ta thực hành thường xuyên trong đời sống hằng ngày, khi đó nó sẽ có năng lực cắt bỏ tận gốc rễ của sự ham muốn.
Khuôn khổ của sự tu tập Bốn chân lý (Tứ diệu đế) mà đức Phật đã chỉ dạy, đó là có sự khổ ở khắp nơi (dukkha), có nguyên nhân của khổ (Samudaya), có sự chấm dứt khổ (Nirodha), có con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ (Magga). Con đường Bát chánh đạo này gồm ba phần là Giới, Định, Tuệ. Đây là khuôn khổ để tu tập cái tâm vọng động sanh diệt không ngừng nghỉ, vì vậy mà sự tu tập Giới, Định, Tuệ nơi mỗi chúng ta cũng sẽ luôn phải vận hành liên tục. Bát chánh đạo bao trùm mọi hình sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, cảm nhận của thân, và theo đó, Bát chánh đạo tự nhiên sẽ hướng dẫn và củng cố năng lực quán xét. Khi nào chúng ta có năng lực quán xét một cách chính xác, thì khi đó những ô nhiễm sẽ không còn đất sống. Nếu chúng ta nỗ lực tu tập phát triển theo giáo pháp, thì những ô nhiễm sẽ dần dần lụi tàn và chắc chắn bị bứng nhổ tận gốc. Khi Tứ diệu đế đã được tu tập hoàn toàn, thì thắng pháp sẽ luôn trú ngụ trong tâm mỗi chúng ta.
Tóm lại, việc tu tập giáo pháp của đức Phật chỉ dạy, luôn liên quan đến hai thế lực là sạch và nhơ, tịnh và động, giác và mê. Mỗi chúng ta cần phải luôn có trách nhiệm hướng dẫn sự chiến đấu không ngừng nghỉ này bằng chính trí tuệ của chúng ta. Tất nhiên là phải thông qua ba phẩm hạnh Giới, Định, Huệ. Sự chiến đấu đó cho đến khi nào thế lực tích cực hoàn toàn chiến thắng thế lực tiêu cực trong tâm thức, tức là khi đó chúng ta đã chiến thắng. Và khi đó, chúng ta sẽ đi đến kết quả tối hậu của con đường Thánh đạo.
Về mặt lý thuyết, trong truyền thống tu tập của Phật giáo như đã nêu ở trên, thì con đường tu tập giải thoát sẽ bắt đầu bằng Giới luật. Nhờ nền tảng Giới luật mà có sự hiện hữu của Định. Từ Định mà phát sanh Trí tuệ. Đây là điều cơ bản mà bất kỳ ai cũng biết. Song, về mặt thực hành, thì có phần khác biệt, đó là, thứ nhất, chúng ta nên công tâm nhìn nhận một thực tế mà chúng ta thường đối diện trong đời sống tu tập. Chẳng hạn, một người có thể được xem là giữ giới tinh nghiêm, có một đời sống chuẩn mực, nhưng khi đụng chuyện bất như ý, thì vẫn có thể phản ứng ra mặt, thậm chí còn biểu lộ tâm nóng giận bực bội mà vị này ngay lúc đó không kiềm chế được. Như vậy, việc giữ những giới răn trong đời sống tu hành vẫn chưa phát sinh Định, nghĩa là chưa có một Định lực.
Tuy nhiên, một người thật sự có chánh niệm và có sự định tâm chuyên nhất, thì trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, vẫn có thể khống chế cảm xúc của mình và chuyển hóa được nghiệp cảnh. Trong trường hợp này, thì Định tựu thành Giới, dù trong lúc đó người đó hoàn toàn không có khái niệm về Giới.
Qua đó cho thấy, việc giữ Giới tùy theo mức độ thọ nhận chỉ có thể mang lại kết quả tốt đẹp tương ứng với các giới đã thọ nhận. Chẳng hạn, đối với một người giữ ngũ giới trong sạch, thì hiện tại sẽ là một người có đạo đức nhân cách được mọi người kính trọng, trong tương lai sẽ đảm bảo quả báo sẽ được sanh vào cõi Trời hoặc tái sanh làm người trở lại và là một người đầy đủ y báo tốt đẹp ở cõi Người. Một vị Tỳ kheo giữ giới luật tinh nghiêm, có phạm hạnh đáng kính ngưỡng, thì trong tương lai sẽ đảm bảo quả báo được sanh Thiên hoặc tái sanh làm một vị Tỳ kheo và là một vị Tỳ kheo người đầy đủ y báo tốt đẹp trong môi trường đạo pháp. Nhưng nếu cho rằng việc giữ gìn ngũ giới cho đến các phần giới khác mà sinh ra Định lực hiện tiền, công tâm mà nói thì vẫn chưa có gì bảo đảm cho lắm. Điều này sẽ cho chúng ta thấy, Giới theo truyền thống tu học bấy lâu nay chỉ nhằm răn ngừa điều bất thiện và tạo nên các pháp lành, đồng thời bảo đảm trong kiếp lai sinh sẽ thọ nhận nhiều phước báu và những thắng duyên thuận lợi khác.
Từ những nhận xét này, chúng tôi mạo muội cho rằng, sự tỉnh giác chánh niệm và sự định tâm chuyên nhất mới có thể sanh ra Giới, sự tỉnh giác chánh niệm và sự định tâm mới thể hiện trọn vẹn được Tịnh giới, nói rõ hơn thì Tịnh giới ở đây chính là sự tỉnh giác chánh niệm và sự định tâm. Chỉ có Tịnh giới này mới phát sinh thiền định và trí tuệ có năng lực hủy diệt mọi thống khổ, chứ chưa hẳn là các phần giới tướng theo truyền thống tu học của chúng ta bấy lâu nay. Điều này đã được đức Phật dạy trong kinh Di Giáo: “Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc, phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy, nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy. Giữ tịnh giới thì các thầy không được buôn, bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo, tất cả việc này, hãy tránh như tránh hố lửa, kể cả việc chặt phá cỏ cây và đào cuốc đất đai, những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, tính lịch số, đều không thích hợp với các thầy. Các thầy hãy tiết chế cơ thể, ăn đúng thì giờ, sống bằng cách sống trong sạch…, tất cả đều không được làm, phải tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ, không được che dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng… Đó là Như Lai nói tóm tắt về sự giữ giới, Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh Ba La Đề Mộc Xoa, nhờ giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ có năng lực hủy diệt thống khổ”3. Qua lời kinh nêu trên, một lần nữa chúng ta có thể hiểu đức Phật dạy về Giới ở đây là Tịnh giới, mà Tịnh giới đó chính là sự chánh niệm và chánh định. Nhờ có chánh niệm và chánh định mà người con Phật sẽ thành tựu được Giới tướng, tức là viên mãn những phần giới mà tứ chúng đang thọ trì trong đời sống tu tập hằng ngày.
III. Nguy hại của sự dính mắc và sự cần thiết của việc phải buông xả
Tuệ giác của đức Phật nhìn thấy tất cả mọi thứ đều là vô thường, bất toại nguyện (khổ) và vô ngã. Ngài dạy chúng ta nắm vững lẽ thật này, sự hiểu biết của chúng ta phải hiểu đúng lẽ thật này. Khi trí tuệ, chúng ta biết rõ sự sướng hay sự khổ, thì bản thân nó vẫn không động vọng. Ở đó, chúng ta sẽ thấy rõ mọi cảm xúc hay sự động vọng theo sự sướng là một dạng sinh, các khuynh hướng theo buồn phiền là một dạng diệt. Khi nào còn có diệt là còn có sinh, và cái gì được sinh ra rồi cũng diệt, tức là có sinh thì có diệt, có diệt thì có sinh. Những thứ sinh và diệt này còn, thì chúng ta còn dính mắc trong vòng luân hồi bất tận.
Khi chúng ta thẩm thấu mọi hiện tượng hữu vi và buông bỏ tất cả, thì sự biết của chúng ta giống như một người quan sát khách quan về cái tiến trình sinh diệt của sự sống đang diễn ra. Suy cho cùng, thì sự tu tập của chúng ta thật chất chỉ là quan sát những sự đến đi sanh diệt diễn ra. Dù sanh hay diệt, thì chúng ta cũng không buồn hay vui, chúng ta chỉ quan sát, bình tâm và buông xả.
Mặt khác, là người tu tập theo chánh pháp, khi trải nghiệm điều gì tích cực, chúng ta cũng không cần phải trở nên tích cực theo điều đó, mà đơn thuần là chúng ta chỉ quan sát nhận biết điều đó. Khi trải nghiệm điều gì tiêu cực, chúng ta cũng không để bị cuốn theo tiêu cực đó, vì tu tập theo chánh pháp bằng sự quan sát nhận biết, tâm chúng ta lúc này đã và đang cắt lìa khỏi những nguyên nhân và điều kiện, để nó không còn dính nhân duyên. Không còn tùy nhân duyên nữa, thực hành như vậy tức là chúng ta đã thấu suốt sự thật vạn pháp. Được như vậy, những điều kiện dẫn đến tái sinh cũng sẽ không còn. Đây là một sự biết chắc chắn và đáng tin cậy. Ở đó không còn tùy thuộc vào nhân và quả, cũng không còn phụ thuộc vào tiến trình nhân duyên mà khởi sinh.
Lý thuyết mô tả về tâm và sự hoạt động của tâm là chính xác, nhưng trên thực tế, sự hiểu biết dựa trên lý thuyết không có ý nghĩa thực so với thực chất của nó. Chúng ta hiểu biết điều gì đó và tin nó, nhưng điều này không hề mang lợi ích bình an của tâm, mà sự hiểu biết trí tuệ thật sự chính là sự từ bỏ, buông xả. Nói chính xác, thì đó là kết quả từ việc buông xả. Bởi, nếu chúng ta không dính mắc vào những điều đúng hoặc điều sai, tức không dính mắc vòng thị phi lẩn quẩn, thì sự bình an của tâm hiện hữu.
Khi nói về thiền định (samatha) và thiền tuệ minh sát (vipassanā), điều quan trọng là chúng ta phải phát triển những trạng thái định và tuệ này trong tâm chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta tự mình tu tập những trạng thái đó, thì mới thực chứng chúng là gì. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ thuần lý thuyết suông, thì không thể nào nhổ bỏ tận gốc rễ những ích kỷ, tham, sân, si, mạn, nghi, vốn là gông cùm trong tâm thức mỗi chúng ta. Chẳng hạn, khi chúng ta trải nghiệm thứ gì khó chịu, chúng ta có phản ứng và dính mắc vào một trạng thái khó chịu đó hay không, chúng ta có thể buông bỏ nó không. Nếu có sân khởi sinh và chúng ta nhận ra nó, chúng ta có mắc kẹt vào nó không, hoặc khi đã nhìn thấy nó, chúng ta có buông bỏ nó được hay không. Và khi việc tu tập đạt đến mức hoàn thiện, thì sự buông xả sẽ tự nhiên thuần thục. Chính vì vậy, mà việc thực hành đúng giáo pháp là điều cực kỳ quan trọng. Đức Phật gọi mấu chốt này là sự biết, cũng gọi là trí tuệ. Khi sự biết về đường lối vận hành sanh diệt của mọi thứ một cách chính xác, đúng như lẽ thực của vạn pháp, thì chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của cái tâm.
Thật ra cốt lõi vấn đề tu hành giác ngộ giải thoát là ở chỗ hành giả cần phải không sanh tâm động niệm. Nếu sanh tâm, thì ngay đó phải buông xả và nhất là đừng để bị dính mắc vào bất cứ thứ gì, kể cả những trạng thái thiền định thâm sâu đi chăng nữa. Về điều này, đức Phật đã dạy rất rõ trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện như sau: “…Những chúng sanh mà chưa được giải thoát, tánh thức của nó không định, hễ quen làm dữ thời kết thành nghiệp báo dữ, còn quen làm lành thời kết thành quả báo lành. Làm lành cùng làm dữ tùy theo cảnh duyên mà sanh ra lăn mãi trong năm đường không lúc nào tạm ngừng ngớt, mê lầm chướng nạn trải đến kiếp số nhiều như vi trần”4. Và trong bổn kinh này, ở mục Khuyên Tu Thánh Đạo, ghi rằng: “Lúc đó ngài Địa Tạng Đại Bồ Tát bạch cùng Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù sanh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội”5. Hoặc trong Pháp Bảo Đàn kinh có ghi: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái nào là bổn lai diện mục của Thượng tọa Minh”6…
Do đó, khi thực tập thiền định, chúng ta cần phải dựa vào sự kiên nhẫn và bằng thiền minh sát tuệ chịu khó quán xét sự diêu động của tâm thức để buông xả. Trong quá trình tu tập, nếu chúng ta trải nghiệm chút tĩnh lặng, thì sẽ có chút thọ dụng và liền đó sanh tâm vọng động về một sự chứng đắc. Nhưng khi ý nghĩ vừa khởi sinh, thì ngay đó sự tĩnh lặng cũng tan biến. Nguyên nhân là vì chúng ta còn tham muốn thành tựu chứng đắc. Chính vì lẽ này, mà chúng ta phải nên dẹp bỏ mọi tư tưởng, ý nghĩ và mọi phỏng đoán trong khi ngồi thiền. Khi đó chúng ta chỉ cần lấy thân, lời nói và hành động làm chỗ quán xét, tu tập, cần nhất là phải chìm lặn thật sâu vào tĩnh lặng để gia cố công phu tu tập. Nếu tâm chúng ta đang bình an, thì cứ để cho nó bình an một cách tự nhiên, vì những mức độ thâm sâu của sự bình an, giống như tầng thiền định là hiển nhiên và có thực. Vì thế chúng ta cứ để tự nhiên mà không cần dính mắc vào nó, nhất là đừng nên cố gắng làm điều gì đó để làm cho tâm bình an. Chẳng hạn như tiến trình thở, nếu chúng ta cố o ép hơi thở ngắn hay dài, sâu hay cạn, thì điều đó rất khó thực hiện. Nhưng nếu chúng ta không cần để ý là mình đang thở, thì lúc đó tâm cực kỳ thư thái. Qua đó, chúng ta có thể suy ra rằng, khi chúng ta không để ý đến hơi thở, thì hơi thở đâu có làm khổ chúng ta, cũng giống như khi chúng ta ngồi thiền suốt nhiều giờ với quyết tâm sẽ thiền sao cho được tâm an, thì ngay đó đã tạo sự dính chấp và ràng buộc một cách miễn cưỡng. Sự dính chấp ràng buộc này, hoàn toàn ngược lại với thiền, bởi thiền là vắng lặng rõ suốt thênh thang tự tại, mọi sự đều buông bỏ không dính mắc.
IV. Những định kiến thị phi không cần thiết trong Phật giáo
Trong bài kinh “10 Điều Chớ Vội Tin” mà đức Phật dạy người dân Ka La Ma, nước Kô Sa La, với mục đích mong muốn tất cả chúng ta có cái nhìn trí tuệ, khách quan và dung hòa hơn trong không gian chung của Phật giáo nước nhà thời nay. Nhận thấy nội dung này rất cần thiết, dù cho có lặp lại một lần nữa vẫn không thừa, nên trên tinh thần này, chúng tôi chỉ lược trích tóm tắt một vài đoạn nổi bật trong kinh Kamala như sau:
“Đức Phật dạy: Này các thiện nam, tín nữ, các vị phân vân, nghi ngờ là điều tất yếu và hợp lý; trong trường hợp như vậy, các vị không nên vội tin hay bác bỏ quan điểm của đạo nào, khi mà các vị chưa tìm hiểu đạo ấy một cách thấu đáo. Này các thiện nam tín nữ Ka-La-Ma, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về mười nền tảng của đức tin chân chánh:
Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
- Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: “Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán. Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài”, thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.
- Này các vị hãy nghĩ xem, khi lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng… đã được vứt khỏi nội tâm con người, thì con người sẽ được hạnh phúc hay bất hạnh?
Dân chúng Ka-La-Ma trả lời:
- Bạch Thế Tôn, người ấy sẽ sống hạnh phúc.
Đức Phật dạy tiếp:
- Này các thiện nam tín nữ, đúng vậy. Vì khi họ không còn lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng chi phối, chinh phục, họ sẽ không khởi lên ý nghĩ hay hành động bức hại sinh linh, lấy của không cho, quan hệ tình cảm bất chính, nói láo, uống rượu, cũng như họ không còn khích lệ người khác làm những điều xấu ác trên. Như Lai tuyên bố sự xa rời ấy giúp cho con người sống hạnh phúc, an lạc lâu dài.
- Này các thiện nam tín nữ, xa lìa tham, sân, si và các pháp nhiễm ô là thiện hay ác, là có phước hay tội, có được người trí tán thán hay không?
- Bạch Thế Tôn, theo chúng con hiểu, đó là khuynh hướng thiện ích, là việc làm phước báu, bậc trí sẽ tán thán và người làm được như vậy sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài.
Đức Phật tán thán: - Lành thay, lành thay, hỡi dân tộc Ka-la-ma như mười đức tin nền tảng mà Như Lai vừa giảng dạy cũng như những điều vừa thảo luận: Chỉ khi nào quý vị suy tư, chiêm nghiệm và nhận thức xác đáng điều gì là chân chính, lợi ích cho mình và người khác rồi hãy đem lòng tin tưởng và làm theo. Đó là tiêu chuẩn của đức tin chân chánh, các vị nên học hỏi”7…
Từ nội dung bài kinh này đã cho chúng ta thấy vấn đề định kiến thị phi gây tranh cãi về giáo lý Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển hiện nay vốn đã được đức Phật tiên liệu cách đây hơn 25 thế kỷ. Điều này, khiến mỗi người học Phật chúng ta trở nên kính nể nguồn tuệ giác thâm sâu siêu việt thời gian và không gian của đức Phật. Cũng từ nội dung bài kinh này, tất cả chúng ta đều sẽ nhận ra trong chiều sâu của bản kinh “10 Điều Chớ Vội Tin”, ngoài thông điệp cắt đứt mọi định kiến thị phi vốn không cần thiết trong môi trường Phật giáo, thì ở đó còn là một phương pháp hành thiền, vì nó bao hàm tất cả tinh túy nhất của thiền chánh niệm và thiền chánh định. Bởi lẽ, một người có tu hành có chánh niệm và đang ở trong trạng thái chánh định, thì sẽ không bao giờ xuất hiện sự đúng sai phải quấy trong tâm, sẽ không bao giờ phan duyên vọng động để truy tìm nghiên cứu phân tích cội nguồn của một vấn đề nào đó, nhất là trong khi bản thân những người đang cố gắng khẳng định quan điểm của mình là đúng, nhưng sự thật thì họ lại đang động niệm vọng tưởng phan duyên. Một người trong trạng thái tâm như vậy, ngay cả bản thân họ cũng không được chút lợi ích gì, chứ nói đến lợi ích cho người. Đồng thời, căn cứ vào lời đức Phật dạy, chúng ta sẽ thấy rõ là chính bản thân những người đang biện giải thị phi đã đi ngược lại tôn chỉ ý nghĩa mục đích của đạo giác ngộ giải thoát. Chúng tôi cho rằng, những cố chấp định kiến tương tự như vậy, dẫu trong trường hợp nào và với bất cứ vấn đề gì, thì cũng đều gây ra bất ổn và chẳng thể nào mang lại lợi ích đích thực cho tha nhân.
[1] Kinh Pháp Cú 01-02 – Phẩm Song Yếu.
[2] Phẩm Song Yếu - Kinh Pháp cú 183.
[3] Kinh Di Giáo, Hòa thượng Thích Trí Quang phiên dịch.
[4] Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm Thứ Tư: Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh, Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Pháp Đăng, Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh.
[5] Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm Thứ Bảy: Lợi Ích Cả Kẻ Còn Người Mất, Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Pháp Đăng, Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh.
[6] Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng, Tỳ kheo Thích Duy Lực dịch và lược giải, Từ Ân Thiền đường, Santa Ana xuất bản năm 1992.
[7] Bài Kinh “10 Điều Chớ Vội Tin” trong Kinh Kamala.
Bình luận bài viết