Thông tin

PHẬT TÍCH – NHỮNG SUY NGẪM VỀ LỊCH SỬ

 

TS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG*

 

Gần đây, trong chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có nhiều di tích lịch sử không chỉ của Hà Nội mà nhiều tỉnh lân cận cũng được tu sửa, chỉnh trang chống xuống cấp. Chùa Phật Tích ở Bắc Ninh là một trong những di tích như thế.

Trong quá trình trùng tu tôn tạo lớn chùa Phật Tích đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về phương pháp trùng tu, về cách thức bảo tồn các di vật cổ, song rất mừng ngày hôm nay đã hoàn thành một ngôi chùa Phật Tích khang trang hơn.

Lần theo lịch sử, chùa Phật Tích đã được nhắc đến từ rất sớm, ít ra là từ thời Khâu Đà La chúng ta đã nghe tới địa danh này rồi[1]. Song dưới góc độ khảo cổ học thì những dấu tích vật chất cho thấy chùa đã được xây dựng từ sớm, chí ít là trước thế kỷ X. Sau đó chùa được trùng tu và xây lớn vào các thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn sau này.

Cho dù đã có những di vật khảo cổ học được tìm thấy trong lòng đất Phật Tích, song một câu hỏi lớn vẫn được đặt ra là chùa bắt đầu được xây dựng từ bao giờ? Dạng thức kiến trúc buổi đầu là chùa hay tháp hay dạng chùa tháp? Những câu hỏi quả là không dễ trả lời.

1. Suy tư về Phật tích qua việc tìm thấy hộp xá lị Phật ở Nhạn Tháp

Năm 1982, tôi với Phan Tiến Ba được cử vào công tác điều tra khảo cổ học Nghệ Tĩnh, với chiếc xe đạp cọc cạch, hai chúng tôi có dịp rong ruổi khá nhiều nơi trên mảnh đất này. Phải nói rằng, Nghệ Tĩnh là một mảnh đất lịch sử và cách mạng - đây không chỉ quê hương cách mạng, nơi sản sinh ra vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là mảnh đất lịch sử ẩn giấu nhiều di tích xa xưa trong lòng đất. Dọc theo đôi bờ sông Lam của hai huyện Đức Thọ và Nam Đàn, chúng tôi đã phát hiện ra khá nhiều những di vật đồ đá, đồ đồng và bạt ngàn những khu mộ táng bằng gạch có niên đại từ thế kỷ III - IV đến VIII - IX thậm chí là thế kỷ X trở về sau.

Năm 1982, sau khi rời Đức Thọ, chúng tôi qua Nam Đàn đến xã Hồng Long huyện Nam Đàn (Nghệ Tĩnh) và đã phát hiện một chân móng tháp bằng gạch rất lớn nằm dưới sân kho HTX Hồng Long. Việc phát hiện móng tường chân tháp này đã cho phép chúng tôi có dịp quay lại Nghệ Tĩnh để khai quật[2].

Trong 2 năm liền, năm 1984 - 1985, chúng tôi đã phát lộ gần như hoàn toàn móng tháp bằng gạch có hình vuông khá lớn. Kích thước của mỗi chiều cạnh phía trong lòng tháp là gần 9m; chiều rộng của các tường móng là 1m30, như vậy nếu đo cạnh lớn bên ngoài thì chân móng tháp phải trên 10m. Đây là một ngọn tháp lớn. Khi mở rộng chân tháp bên ngoài chúng tôi còn tìm thấy những hành lang chạy xung quanh tháp và nằm sâu dưới lòng đất khoảng gần 2m.

Bên trong lòng tháp, chúng tôi tìm thấy nhiều viên gạch hình chữ nhật lớn dài gần 50 cm, rộng khoảng 22 cm với các đồ án trang trí khác nhau. Có viên trang trí hình mặt quỷ, có viên trang trí hình hoa dây, có viên trang trí hình tam thế với 3 pho tượng ngồi trên tòa sen. Mỗi pho tượng được trang trí trong một khung hình tò vò như dạng khung cửa… Các viên gạch có hình trang trí đều màu đen. Còn những viên gạch xây tường chân móng tháp đều có màu vàng nghệ. Những viên gạch này thường có trang trí văn xương cá, dây leo ở bên cạnh.

Điều đặc biệt nhất là khi đào sâu xuống lòng tháp hơn 2m, chúng tôi không thấy còn gạch vụn lẫn đất mà chỉ có lớp đất sét màu vàng nguyên thổ. Xem vào lớp sét vàng này thi thoảng thấy màu đen nhạt của các lớp tro than. Tò mò, chúng tôi đào tiếp xem tận cùng của lòng tháp là gì? Và điều bất ngờ đã xảy ra, khi chúng tôi đào được một thân cây khoét rỗng dựng đứng chính giữa lòng tháp.

Trong lòng thân cây khoét rỗng, chứa đầy than tro màu đen tuyền và mịn. Do có thể chôn ở dưới đất lâu ngày nên phía trên dầu cây gỗ đã bị mục. Dưới sâu chừng 40cm tính đầu cây gỗ trở xuống (tương đương khoảng 2m80 tính từ mặt nền  sân kho bắt đầu phát lộ một hiện vật khá đặc biệt. Hiện vật hình chữ nhật, có kích thước dài khoảng hơn 20cm, rộng trên 11cm, cao 11cm. Bên ngoài hộp dính đầy than bùn. Khi cạo sạch lớp than bùn, chúng tôi thấy lộ ta chiếc hộp kim loại làm bằng đồng đã gỉ xanh và bên trên có nắp. Khi mở nắp hộp kim loại bên ngoài, bản thân tôi chúng nhiều người lóa mắt vì một màu vàng của một chiếc hộp nhỏ hơn ở bên trong. Chiếc hộp được làm bằng kim loại màu vàng, do để trong lòng hộp bằng đồng nên còn sạch nguyên, có kích thước dài 12cm, cao 8cm, rộng 8cm và bên trên có nắp đậy. Bên ngoài hộp trang trí những dải văn hoa cúc, hoa sen cách điệu rất tinh tế. Khi mở nắt đậy, bên trong lòng hộp có chứa ít than tro và một viên hình tròn có màu trắng ngà. Viên hình tròn này do để nhiều năm trong lòng đất nên cũng đã bị hỏng một phần[3].

Quá ngạc nhiên, quá sung sướng, phải mất một thời gian chúng tôi mới định thần và gọi tên cho hiện vật. Đây có lẽ là hộp xá lị Phật được chôn trong lòng tháp. Nói là chôn trong lòng tháp thì không sai, song quả thật nếu nói cho kĩ càng thì hộp xá lị được chôn táng trong lòng một thân cây khoét rỗng. Cây này được dựng đứng có chiều cao 1m25, đường kính 0m60. Trong lòng rỗng của cây người xưa đem đổ vào đó một lớp than tro đen mịn. Trong lớp than tro này, người ta đặt vào đó hộp xá lị Phật. Cây này theo nhiều học giả đã nghiên cứu các tháp cổ ở nước ngoài, người ta gọi đó là cây vũ trụ. Chức năng của loại cây vũ trụ chôn trong lòng tháp giúp cho ngọn tháp có khả năng thông thiên vũ trụ, hòa đồng với vũ trụ, làm cho mọi người đến đây có cảm tưởng như mình đang được gắn kết với vũ trụ bao la. Trong cái gắn kết với vũ trụ ấy, con  người nhận thấy có sự hiện diện và nâng đỡ của đức Phật. Quả là một triết lý cao xa những lại rất gần gũi với đời người.

Do hộp xá lị này được làm bằng vàng, nên sau đó công an huyện Nam Đàn và công an tỉnh Nghệ Tĩnh cùng ngân hàng Nghệ Tĩnh niêm phong đưa về cất trong kho tại thành phố Vinh. Kể từ đó về sau, chúng tôi không hề được xem lại hiện vật này nữa.

Niên đại của Tháp Nhạn qua ghi chép của sử sách, qua nghiên cứu hoa văn và kích thước gạch cũng như niên đại ghi trên viên gạch là Đường Trinh Quán lục niên (631)… Như vậy có thể nghĩ rằng Tháp Nhạn cùng một số tháp khác được xây dựng vào đầu thế kỷ VII sau Công nguyên.

Sử cũ chép rằng: vào thời Tuỳ Đường, có một người tên là Lưu Phương mang sang Giao Châu 4 hòm đựng xá lị và đưa vào 4 tháp, gồm: Chùa Dâu, chùa Phật Tích, Nhạn Tháp và hộp cuối cùng chưa rõ ở đâu[4]. Vẫn theo sử cũ chép lại thì tại chùa Dâu người xưa tìm thấy hộp xá lỵ của Phật[5]

Sau cuộc khai quật này, bản thân tôi chú tâm vào nghiên cứu khu vực Dâu (Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh), theo ghi chép của sử cũ cho hay tại khu vực chùa Dâu người xưa (ở vào thời Lý - Trần) trong quá trình tu sửa lớn, người ta đã tìm thấy hộp xá lỵ Phật. Nghe nói khi tìm thấy thì hộp xá lị phát sáng như ánh hào quang bất tận của Phật. Nhưng hộp xá lị này có thật là do Lưu Phương mang sang hay không? Chưa có tư liệu để chứng minh, chỉ biết rằng nếu tìm thấy hộp xá lị vào thời Lý - Trần thì hộp xá lị này phải có trước đó. Trước đó là thời nào? Đường hay Lục Triều hay Tuỳ Đường?... vẫn còn thiếu tư liệu thực tế[6].

Trong quá trình nghiên cứu pho tượng đá A di đà nổi tiếng còn lại tại chùa Phật Tích, có ý kiến cho rằng pho tượng này gồm có tượng Phật và bệ tượng chẳng ăn nhập gì với nhau. Nghiên cứu những hoa văn, điêu khắc còn để lại trên bệ tượng các nhà nghiên cứu của chúng ta cho rằng pho tượng này có niên đại vào thời Lý. Và đây là một di vật thời Lý hiếm có, cần được bảo vệ. Song hình như đó mới là bệ tượng còn bản thân pho tượng đá A di đà có thật là được tạc vào thời Lý hay không? Có nhiều nhà nghiên cứu phương Tây, sau khi xem xét  đã so sánh pho tượng này với nhiều pho tượng Phật ở Trung Quốc và nhận thấy rằng pho tượng này mang đậm phong cách nghệ thuật thời nhà Tuỳ Đường. Khi nhắc tới niên đại, làm tôi nhớ tới sự kiện lịch sử Lưu Phương cũng ở vào thời kỳ này. Song hai sự kiện này có mối quan hệ ràng buộc gì không? Hiện chưa có tài liệu để chứng minh.

Báo cáo nghiên cứu chùa Vạn Phúc của L.Bezacier cho hay cuộc khai quật chân móng tháp Phật Tích thu được khá nhiều hiện vật có niên đại sớm nhất là thời Đường; song không thấy học giả này nhắc tới hộp xá lị trong lòng tháp ở Phật Tích[7]. Điều làm tôi quan tâm là cấu trúc và một số vật liệu thu được qua cuộc khai quật tháp Phật Tích (Bắc Ninh) có nhiều nét gần với Tháp Nhạn (Nghệ An). Nếu niên đại của pho tượng đá ở vào thời Tuỳ mà là đúng, kết hợp với móng tháp thì có thể (tôi chỉ nói có thể) Phật Tích là nơi lưu dấu chân của Lưu Phương?

2. Ngôi chùa cổ Vạn Phúc ở làng Phật Tích theo các báo cáo khai quật của L. Bezacier

“Chùa Vạn Phúc ở làng Phật Tích, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, cách đê phía bắc của sông Chảy một cây số và cách Hà Nội khoảng 28 cây số. Chùa dựng trên sườn một ngọn đồi, thuộc dãy núi tiên gọi là Lạn Kha Sơn. Tên "Lạn Kha" bắt nguồn từ một truyền thuyết như sau: "Một ngã tiểu phu nghèo tên là Vương Chất, một hôm đi kiếm củi trên ngọn núi này, chợt gặp mấy vị Tiên đang đánh cờ ở chiếc bàn đá, đặt dưới một cây thông. Chàng ta bèn xin phép các vị Tiên cho đứng xem đánh cờ. Tiên cho phép anh được xem một giờ. Gã tiều phu tựa vào cán rìu, đứng xem các tiên đánh cờ; nhưng một giờ theo thời gian của Tiên giới thì bằng cả một trăm năm của người trần tục, nên chỉ khi gã tiều phu muốn bỏ đi nơi khác thì anh đã già lụ khụ sắp chết rồi; cán rìu đã mục và lưỡi rìu cũng bị rỉ ăn gần hết.

Một nếp nhà nhỏ, xếp bằng những tảng đá nằm rải rác quanh đó, được dựng lên bởi ngọn đồi này, cạnh một vạt đất phẳng mà dân làng cho là nơi ngày xưa tiên ngồi chơi cờ, tất nhiên giả sử trước kia có đi nữa thì nay cũng chả còn.

Một tấm bia đã vỡ mất một nửa nằm ở cạnh nếp nhà đó.

Tên làng ngày nay là Phật Tích, có nghĩa là Vết tích của Phật thay cho tên cũ làng là Hoa Khê (Lũng Hoa) được cắt nghĩa bằng câu truyện truyền thuyết sau đây: "Ở địa điểm chùa ngày nay, trước kia có một ngọn tháp, mà đứng ở Hà Nội cũng trông thấy được. Khi ngọn tháp này đổ nát, người ta tìm thấy trong đống gạch đá vụn một pho tượng Phật bằng đá và bèn dựng lên ngôi chùa Vạn Phúc, có nghĩa là “một vạn điều hạnh phúc” để thờ. Pho tượng Phật bằng đá này được đem sơn son, thếp vàng đặt ở vị trí tôn quý nhất của toà  Thượng điện. Bệ của pho tượng bằng đá, vì đã bị hư hỏng nên vẫn để ở trạng thái tự nhiên. Chúng ta sẽ trở lại bàn về pho tượng này và cái bệ của nó sau.

Phương pháp mới trong việc trùng tu nhà cửa ở Việt nam, cũng chỉ định bằng thuật ngữ "Anastylose" như ở Cao Miên. Theo phương pháp này người ta tháo đỡ toàn bộ nếp nhà hoặc những nếp nhà cần phải trùng tu, rồi lại lắp khung nhà trở lại như cũ, sau khi đã cọ rửa kỹ càng. Chính phương pháp này đã cho phép chúng tôi, đặc biệt là ở Phật Tích, tiến hành mấy lần khai quật nền nhà mà không có gì trở ngại, sau khi đã gỡ tung các khung nhà ra.

Những cuộc khai quật đầu tiên tiến hành ở chùa Vạn Phúc vào năm 1937, trong dịp trùng tu nhà Thượng điện. Khai quật lớp nền của căn nhà này, chúng tôi đã tìm được một số bức chạm bằng đá và đất nung, thể thức cũng tương tự như những bộ phận mệnh danh là nghệ thuật Đại La, phát hiện được ở gần Quần Ngựa, vị trí của phủ thành cũ là Đại La thành. Cùng một lần với bức chạm đó, còn phát hiện được nhiều viên gạch, trên một mặt bên có in hình chữ nhật, ghi mấy chữ sau: "dựng năm Long Thuỵ Thái Bình thứ tư, triều vua thứ ba nhà Lý" tức là năm 1057.

Những phát hiện này tương ứng với truyện cổ nói rằng ở vị trí của ngôi chùa ngày nay, xưa kia có một ngọn tháp cao đứng ở Hà Nội vẫn trông thấy được. Nếu như điều quyết đoán phần nào khuyếch đại, nó vẫn chính xác. Bản văn bia của ngôi chùa thuật lại lịch sử của ngôi chùa, khẳng định rằng ở vị trí đó có ngọn tháp, và những bức trạm cùng những viên gạch đã phát hiện được là bộ phận của cây tháp cổ đó, hiện nay không còn nữa.

Thật vậy, sau khi đã minh định về chùa Phật Tích, bản văn bia còn kể rằng: "Vị hoàng đế thứ ba của nhà Lý (Lý Thánh Tông) năm Long Thuỵ Thái Bình thứ tư (1057) cho dựng ở đây một ngọn bảo tháp, cao mười trượng và một pho tượng thếp vàng cao sáu "xích" và cấp cho nhà chùa hàng trăm thửa ruộng. Nhà vua đã cho xây trên đó một trăm gian nhà". "Trượng" là đơn vị đo lường Việt Nam bằng 3m20. Vậy ngọn tháp mười trượng ắt phải cao tới 32mét.

Bây giờ còn phải tìm xem vị trí của ngôi tháp ở chỗ nào. Cho mãi tới tháng Chạp năm 1940, nhân đợt trùng tu nhà Thiêu hương mới phát hiện ra chân của cây tháp, đồng thời cũng khai quật được những bức trạm khắc, cùng một thể thức như những bức trạm đã phát hiện được vào những năm trước đây.

Chân tháp nằm sát mặt đất, mỗi chiều dài ngót  8m,50 và hãy còn nguyên vẹn. Các lớp tường ở chân tháp dày 2,15, xây bằng nhiều gạch kích thước khác nhau, thông dụng nhất là loại gạch dài 0,40 rộng 0,25 và dày 5cm. Cũng như những viên gạch đã được phát hiện từ trước đây, gạch phát hiện được lần này mặt cũng đều in dấu hình chữ nhật, với hai dòng chữ viết rất đẹp, ghi rõ niên đại 1057.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là chân của ngọn tháp mà vua Lý Thánh Tông đã cho dựng vào khoảng giữa thế kỷ XI, đúng như văn bia của chùa cũng như câu chuyện truyền thuyết về làng Phật Tích đã kể lại.

Mặt tường phía nam của chân tháp gồm nhiều bậc đi sâu xuống tới 3m30. Trước mặt còn có một bức tường thấp cũng bằng gạch chỉ cao có 0,50m.

Một mảng tường thấp khác xây bằng gạch được phát hiện dọc theo mặt tường phía Bắc. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa thể nói rõ được tác dụng của những vạt tường thấp ấy. Hai bức chạm đẹp nhất đã phát hiện được đều nằm ở chân mảng tường thấp của phía Nam. Chúng tôi không rõ vì lẽ gì chúng lại bị vùi ở chỗ này.

Thử hỏi ngôi chùa cổ này kiểu dáng như thế này? Đem nhân bề rộng của chân tháp lên 5 lần, theo hệ số tưởng như là bình thường, nếu chúng ta căn cứ vào những cây tháp cùng loại đó ở Trung Quốc, thì chúng ta sẽ có 42m. Như vậy thì ngôi chùa cổ Phật Tích chắc hẳn chúng tôi không giám khẳng định có kiểu dáng giống như một trong hai ngôi chùa "Hing Kiao", dựng ở gần Tây Nam phủ, vào thế kỷ IX, song có phần cao hơn và đánh dấu địa điểm mai táng di hài của nhà sư danh tiếng Trung Quốc là Huyền Trang. Bề cao 42m đó, tất nhiên bao gồm không những chỉ có thân cây tháp mà cả cây cột treo vòng dựng ở trên đỉnh tháp nhưng ở chùa "Hing Kiao" không còn thấy nữa. Tháp Bình Sơn cũng có thể cho ta thấy ý niệm về hình dáng của cây tháp cổ ở Phật Tích, nhưng kích thước phải nhân đôi lên, vì tháp Bình Sơn mỗi cạnh đáy chỉ có 4m.

Có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng lớp móng đầu tiên của chùa Vạn Phúc thuộc niên đại 1057. Nhưng một số tài liệu lịch sử và khảo cổ học cho biết rằng ở địa điểm này đã từng có một ngôi chùa cổ hơn nữa.

Trong số những sách sử Trung Quốc và Việt Nam miêu tả cảnh chùa mà hiện nay chúng ta đang nghiên cứu, phải dành một phần riêng cho bộ sách Trung Quốc nhan đề là Đại Minh nhất thống chí. Bộ sách này soạn năm 1461 có một đoạn miêu tả về nước Việt Nam, ngắn thôi, song đã cung cấp cho ta những chú dẫn rất có ý nghĩa về mặt lịch sử và khảo cổ học. Đoạn nói về Phật Tích như sau: Núi sông Cựu ở châu Gia Lâm thuộc phủ Bắc Giang, còn gọi là núi Đồng Cao. Trên ngọn là Tĩnh Lự tự hoặc còn gọi là Thiên Phúc.

Cao Biền đại tướng Trung Quốc đời nhà Đường làm thứ sử ở Việt Nam vào thế kỷ IX. Đến xứ Bắc kỳ năm 865 và sau chiến thắng quân Nam Chiếu, một bộ tộc ở Vân Nam đã xâm lấn xứ Bắc Kỳ. Cao Biền đã xây dựng lại kinh đô Đại La. Ông ta đặc biệt quan tâm đến vùng Tiên Du là nơi ngày nay còn giữ lại nhiều kỷ niệm của Cao Biền.       

Ngoài ngọn tháp đã cho dựng trên đồi Lạn Kha ra, ông còn cho chôn ở ngọn đồi lân cận vô số những tháp nhỏ bằng đất nung; theo dân địa phương kể lại thì có tới 8 vạn chiếc, trông phảng phất giống như những chiếc tháp đào được ở gần Quần Ngựa - Hà Nội. Những chiếc tháp nhỏ này, ngày nay đã tìm được một số, dùng để thách thức sự hưng khởi của nước Việt Nam.

Vậy thì trước khi Cao Biển có dựng tháp ở Phật Tích đã có ngôi chùa nào chưa ? không có điều gì cho phép ta khẳng định được mặc dầu có thể có.

Trước khi nghiên cứu sâu hơn về những ngôi chùa, tháp đã kế tiếp nhau trên ngọn đồi Lạn Kha này, chúng ta sẽ nghiên cứu một số di vật khảo cổ đã phát hiện được.

Trong hai bức trạm đào được ở chân tường phía Nam của ngôi chùa cũ đã nói ở trên, thì một bức gồm có hai dải hoa văn hình những cánh hoa sen nổi trên một lớp những đường gợn sóng. Cùng một cách thức trang trí đó, nhưng có phần tinh xảo và đậm nét hơn, đã gặp lại trên một mảnh đất nung tìm được ở Đại La.

Có thể bức trạm này là ngôi chùa do Cao Biền cho dựng và đã được đem dùng lại vào ngôi chùa ở thế kỷ XI sau bị loại bỏ và chôn vùi ở dưới đất, khi xây dựng ngôi chùa ngày nay. Hoa văn trang trí này cũng như nhiều kiểu loại khác nhau, vốn gốc ở miền bắc Trung Quốc, thường gặp nhất trong các hang động ở Vân Cương và Long Môn.

Các hang động Vân Cương ở phía bắc tỉnh Sơn Tây, trên vách có khắc rất nhiều cảnh sinh hoạt. Đó là những hình tượng điêu khắc cổ nhất về nghệ thuật Phật giáo Trung quốc, đã được thể hiện theo lệnh của nhà Tuỳ, ở nửa sau thế kỷ V, khi nhà Tuỳ thiên đô về Lạc Dương tức là Hồ Nam Phủ ngày nay, vào năm 495, nhà Tuỳ cũng cho đào ở Long Môn gần đó cũng hang động cùng một loại như trên.

Nếu như những hình tượng điêu khắc của các động Vân Cương thuộc thế kỷ V thì những hình tượng ở các động Long Môn hều hết thuộc thế kỷ VI và VII. Những hình tượng điêu khắc đó có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật Trung Quốc và ảnh hưởng đó không chỉ biểu hiện ở Nhật Bản, như ông Chtalto đã cho biết, mà cả ở Bắc kỳ như chúng ta sắp xem dưới đây.

Ở Phật Tích, ta thấy ảnh hưởng đó thể hiện rõ nhất ở những chân tảng cột được đem dùng lại vào ngôi chùa ngày nay nhưng hoàn toàn chôn xuống đất. Trong cả năm chiếc chân tảng đã đào lên, ta thấy cả bốn mặt chân tảng này đều khắc những hình trang trí như nhau, tức là chính giữa có một hình hoa sen cách điệu rất cao, trông giống như hình Phật hoặc cây bồ đề thì đúng hơn, hai bên là hai dãy, mỗi dãy năm hình người đứng nối tiếp nhau, trong đó có bốn nhạc công, sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau, tạo thành một đường thẳng đều. Phong cảch và tư thế của những nhân vật này ta gặp lại trên nhiều hình tượng điêu khắc của các động Long Môn, nhất là trên một bức chạm nổi thuộc đời Bắc thuộc tức là đầu thế VI.

Loại hình tượng nhân vật này rất thường được tái hiện, không những ở Trung Quốc mà cả ở Nhật Bản? Ở Bắc kỳ chắc hẳn nó cũng được xử dụng khá nhiều vì chúng ta cũng thấy nó được thể hiện trên nhiều bộ phận khung nhà của chùa Cói, tỉnh Vĩnh Yên, được chạm khắc rất tinh vi. Tuy nhiên có một vài chỗ thay đổi, nhất là ở hai chân, ở đây nó biến thành một kiểu đuôi cá. Song, cần phải tính đến không những chỉ sự xa cách về mặt địa lý của những nơi mà hai nhân vật đó đã có định cho các bậc chạm tuyệt diệu của chùa Cói một niên đại khá xưa đi chăng nữa, cũng không thể nào đẩy lùi chúng về cùng thời với những hình tượng điêu khắc ở Long Môn được. Cũng các lập luận đó có thể ứng dụng cho những hình chạm nổi trên các chân cột chùa Phật Tích. Ở đây cũng như ở chùa Cói, chân các nhân vật đó có thay đổi chút ít. Nếu như ở đây khoảng cách về địa lý vẫn như thế, thì kiểu cách về thời gian cũng rất lớn, tuy có phần ngắn hơn. Có thể, các chân cột này trước đây là của ngôi chùa ở thế kỷ XI, sau được sử dụng trở lại ở ngôi chùa mà Lý Thánh Tôn cho xây dựng.

Các hang động ở Vân Cương cho ta thấy những chủ đề y hệt như ở các hang động Long Môn. Chẳng những phong cảnh mà cả tư thế của một số nhân vật cũng là một. Ta gặp lại những nhân vật đó có ở Phật Tích, không chạm thành đường diềm mà chạm trên những tảng đá dùng làm đầu cột. Loại nhân vật này hẳn đã từng thịnh hành ở xứ Bắc Kỳ vào khoảng các thế kỷ IX - X. Những đồ trang sức bằng bạc tìm thấy ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, hiện nay để ở bảo tàng Khải Định tại Huế cũng tái hiện những chủ đề ấy với những tư thế giống như vậy.

Chúng ta biết được vị trí chính xác của những tảng đá chạm thành đầu cột ấy nhờ ở một chiếc mô hình tháp bằng đất nung tráng men trong bộ đồ sưu tập Đỗ Đình Thuật bố trí các bộ phận ấy là hơi khác.

Ở đây, cũng như ở Phật Tích và ở Vân Cương, các nhân vật này đều chắp tay trước ngực. Duy có chỗ khác là ở Vân Cương, các nhân vật này tay cầm một chiếc khăn choàng, giống như các hình tượng thần đang bay, mà ta đã thấy ở Long Môn và ở chân cột chùa Phật Tích, còn trên các đầu cột thì cái giải thay bằng đôi cánh. Trái lại, trên những đồ trang sức tìm thấy ở Nông Cống thì lại có cả hai, cả giải lẫn cánh.      

Loại đầu cột này đã từng được sử dụng ở Trung Quốc chưa? chắc hẳn là có, song không hề thấy ở một ngôi chùa hay tháp nào nói riêng trong số những ngôi mà Ki-ren và Bôs-sơ-man đã chụp ảnh.

Nhiều bức phù điêu phát hiện được ở chùa Phật Tích cho ta thấy không phải chỉ có ảnh hưởng Trung Quốc ở Bắc Kỳ mà còn phải kể đến cả ảnh hưởng Chàm”[8].

3. Thay cho lời kết

Nhìn chung là tôi thất vọng, vì trong báo cáo khai quật của L. Bezacier về Phật Tích không như suy nghĩ ban đầu của tôi là có thể làm sáng tỏ thêm về những hộp xá lị Phật mà chúng tôi đã khai quật được từ Nhạn Tháp. Không lẽ chỉ có duy nhất một hộp xá lị Phật được khai quật và biết đến như hôm nay.

Một điều nữa, có lẽ là do tư liệu lúc đó nên bản thân học giả L. Bezacier cũng rất lúng túng trong việc đoán định niên đại cho chùa tháp Phật Tích. Lúc thì ngôi chùa cổ này có trước thế kỷ X, có thể là IX – X sau Công nguyên. Lúc ta lại thấy học giả nhắc tới ngọn tháp có niên đại 1057 dưới triều Lý; lúc thì ta lại thấy học giả L.Bezacier nói tới các họa tiết trang trí ở Phật Tích có nhiều nét tương đồng với Vân Cương, Long Môn của Trung Quốc thế kỷ V - VI sau Công nguyên. Có lúc thì cho rằng tượng A Di Đà chùa Phật Tích và bệ tượng không có cùng niên đại. Bệ tượng có thể được làm vào thời Lý, còn tượng có thể sớm hơn vào khoảng Tùy Đường… đọc các tài liệu do L.Bezacier để lại khi chép về chùa Vạn Phúc làng Phật Tích chúng ta như bị lạc vào trong mê cung, khó phân biệt được chùa hay tháp, niên đại cổ nhất của tháp là bao nhiêu? Phật Tích là dấu tích của Phật, nhưng dấu tích ấy là pho tượng A Di Đà hay tòa tháp được xây dựng trước khi nhà Lý cho sửa lại vào năm 1057…? Sau khi nghiên cứu tôi cảm thấy dường như mình lại phải bắt đầu lại từ đầu. Dẫu sao cũng xin cảm ơn L. Bezacier và những học giả khác ở vào thời điểm đầu thế kỷ XX đã có những công trình nghiên cứu tuy mới vỡ vạc song vẫn là những tư liệu rất quý.

Việc của tôi vẫn sẽ là truy tìm những hộp xá lị tương tự như hộp xá lị Phật mà chúng tôi đã đào được tại Nhạn Tháp. Tôi hy vọng rằng ngày nào đó, chúng ta sẽ biết thêm về ngọn tháp cổ Phật Tích và những tư liệu đã tìm được trong những lần khai quật này. Hy vọng về một hộp xá lị tại chùa Phật Tích vẫn còn đang ở phía trước.



*  Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1] Nguyễn Mạnh Cường. Chùa Dâu, Tứ Pháp và Hệ thống các chùa tứ pháp. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 2000.

[2] Nguyễn Mạnh Cường, Pham Tiến Ba và Võ Văn Tuyển: Khu di tích Nhạn Tháp (Nghệ Tính); trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1983; tr: 179.

[3] Nguyễn Mạnh Cường – Trần Anh Dũng: Báo cáo khai quật khu di chỉ Tháp Nhạn  (Nghệ Tĩnh) năm 1984-1985. Lưu tại Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học.

[4] Hộp cuối cùng có thể đưa vào Tháp Linh Nga ở Hà Tĩnh chăng? Đây cũng chỉ là giả thiết công tác mà thôi.

[5] Nguyễn Bá Lăng: Chùa xưa tích cũ . Paris 1974; tr: 66.

[6] Nguyễn Mạnh Cường: Chùa Dâu – Tứ pháp và Hệ thống các chùa Tứ Pháp. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học – 1995. Hiện lưu tại Thư viện Viện Khảo cổ học; tr: 76.

[7] L. Bezacier: Nghệ thuật Việt Nam; Hà Nội 1944. Sau được tu chỉnh và in lại những năm 50 tại Pháp. Có thể tham khảo them cuốn: Le Vietnam của tác gải in năm 1964 tại Paris.

[8] L. Bezacier. Nghệ thuật Việt Nam, chương VIII viết về chùa Vạn Phúc làng Phật Tích. Tư liệu dịch do cụ Lê Tư Lành dịch hiện lưu tại Thư viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hoặc Tư liệu Viện Khảo cổ học.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 75
    • Số lượt truy cập : 6952450