Thông tin

PHẬT TÍCH - TRUNG TÂM PHẬT GIÁO CỔ NHẤT VIỆT NAM

 

TS. TRẦN ĐÌNH LUYỆN*  

                                                                    

Trong các công trình khảo cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, hầu hết các nhà nghiên cứu đều xác nhận: Chùa Dâu (hay Luy Lâu), nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất ở nước ta, được hình thành từ những thế kỷ trước và sau Công nguyên.

Khi nghiên cứu về vị trí và vai trò của Luy Lâu trong lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc, chúng tôi thấy cùng với trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Phật Tích cũng là một trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất ở Việt Nam.

Trong bài viết này, chúng tôi trình bày những kết quả tìm hiểu về sự hình thành trung tâm Phật giáo Phật Tích và vị trí, mối quan hệ của Phật Tích với trung tâm Phật giáo Luy Lâu.

1. Tại chùa Dâu, hiện đang lưu giữ một tài liệu quý về lịch sử trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Đó là bản khắc về sự tích chùa Dâu và Phật “Tứ Pháp” có nên đại 1572 (Cảnh Hưng thập tam niên). Mở đầu của bản diễn ca ghi như sau:

“Lược bày đời Hán Linh Đế

Phật sinh xuất thế, thiên hạ phong lưu

Việt Nam đất hiệu Giao Châu,

Nhìn xem phong cảnh, địa đồ sơn xuyên.

Thiên triều đức Sĩ Vương tiên,

Dạy dân lễ nhạc, nối truyền nghiệp nho.

Từ Sơn phủ, huyện Tiên Du,

Phượng Hoàng, non ấy có chùa Linh Quang.

Rừng xanh hiệu chốn Mả Nang.

Kề bên Thạch Thấy, gần làng Non Tiên.

Có thày ở mãi Tây Thiên.

Luyện đạo, tu thiền, hiệu Khâu Đà La,

Lập am dưới cội cây đa.

Trụ trì cảnh ấy, nhật đà tụng kinh…”[1]

Theo sự tích trên, vào thời thuộc Đông Hán, Phật giáo đã được truyền từ ấn Độ vào Giao Châu (tức nước ta), mà người thực hiện là giáo sĩ Khâu Đà La. Địa điểm đầu tiên mà tu sĩ này lập am, luyện đạo tu thiền là chùa Linh Quang, núi Phượng Hoàng, xưa thuộc huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, nay thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

2. Các nguồn tài liệu và di tích lưu giữ ở Phật Tích đã cho phép chung tôi xác định những ghi chép trong Cổ Châu Phật bản hạnh về việc lập am luyện đạo tu Thiền của giáo sĩ Khâu Đà La tại Phật tích là có căn cứ đáng tin cậy.

Phật Tích ngày nay là tên xã, cũng là tên làng và tên của ngôi chùa nổi tiếng, một đại danh lam cổ tự thời Lý và nhiều triều đại sau, nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Nhưng Phật Tích vốn là tên một dãy núi ở cách Dâu, tức trung tâm Luy Lâu xưa, về phía Bắc chưa đầy 10km theo đường chim bay. Đây là dãy núi đất lẫn đá lô xô, chạy theo hình cánh cung như bức tường thành chắn giữ cho trung tâm Luy Lâu, với các ngọn chạy dài hai bên mang các tên: núi Bát Vạn, núi Long Khám, núi Vân Khám, núi Chè, núi Móng, trong đó núi Phật Tích nằm ở trung tâm và là ngọn núi cao nhất của dãy núi này (86m). Quanh sườn các ngọn núi là làng xóm trù phú, phía trước là ruộng bãi mầu mỡ, dòng sông Đuống chảy qua.

Vào thời đầu Công nguyên, Phật Tích được nối với trung tâm Luy Lâu chủ yếu qua tuyến đường thuỷ là sông Dâu, nhưng ngày nay đã mất dòng. Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi và của một số học giả đã cho phép xác định sông Dâu vốn là một sông lớn, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giao thương giữa thủ phủ Luy Lâu với các vùng, các nước trong khu vực và với trung tâm Phật Tích. Sông đã bị vùi lấp, nhưng vết tích vẫn còn lại trong địa danh, địa hình cảnh quan, di tích cùng nhiều truyền tích, câu ca dân gian, cho thấy một thời dòng sông Dâu tấp nập thuyền bè và giữ vai trò giao thông quan trọng, như:

“Lênh đênh ba bốn chiếc thuyền kề

Chiếc ra bãi bể, chiếc về sông Dâu”

(Lời ca Quan họ cổ)

Hay:

“Thuyền em ngược bến sông Dâu

Buôn chè mạn Thái còn lâu mới về”

(Ca dao)

Sông Dâu còn có nhiều tên, như sông Cái, sông Thiên Đức, sông Nghĩa Giang, sông Bất Nghĩa Giang, gắn với nhiều truyền tích, nhất là truyền tích Man Nương, cho thấy đây là con sông lớn, một chi lưu của sông Hồng, phía trên tiếp nước dòng sông này ở cửa mang tên cửa Dâu (thuộc vùng Dâu – Canh, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Từ đây dòng chảy qua Lại Đà, Yên Thường (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) rồi về Đình Bảng, quê hương nhà Lý. Đến đây, sông phân làm nhiều nhánh. Một nhánh chảy ngược lên phía Đông Bắc qua Cẩm Giang - Tiêu Sơn - Lim - Phú Lâm, mang tên dòng chảy Tiêu Tương, đổ ra sông Ngũ Huyện Khê và xuôi ra sông Cầu ở vị trí cống Đặng Xá thuộc thành phố Bắc Ninh ngày nay. Một nhánh chảy xuống phía Nam và phía Đông Nam. Nhánh này chảy đến vùng làng Dền, làng Sộp (nay thuộc xã Cảnh Hưng, Tiên Du), phía trước Phật Tích thì phân dòng. Dòng chảy về phía Đông, qua các xã của huyện Tiên Du và Quế Võ, rồi đổ ra sông Cầu ở địa điểm trạm bơm Hiền Lương (xã Phú Lương, huyện Quế Võ) mang tên sông Tào Khê hay còn gọi là ngòi Tào Khê. Dòng chảy xuống phía Nam, qua Đình Tổ, Trà Lâm, Tư Thế xuống phía tây thành Luy Lâu, rồi xuống Cẩm Giàng (Hải Dương), Lương Tài (Bắc Ninh) đổ nước ra sông Thái Bình ở địa phận xã Lai Hạ, Trung Kênh… Dòng này dân gian vẫn gọi là sông Dâu, sông Thiên Đức, sông Cái… Dấu tích của những dòng sông cổ trên vẫn còn lại khá rõ nét ở những đoạn sông, những ao, đầm, hồ, ngòi cùng những địa danh, truyền thuyết và di tích, cho thấy thời cổ, sông Dâu giữ vai trò thông thương đường thuỷ đặc biệt quan trọng nối trung tâm Luy Lâu với các vùng miền xung quanh, với các nước trong khu vực. Và dòng chảy này là đường thuỷ nối Luy Lâu với Phật Tích và có vai trò quan trọng trong việc hình thành hai trung tâm Phật giáo Phật Tích và Luy Lâu[2].

Như vậy, vào đầu Công nguyên, Dâu tức Luy Lâu, một vị trí trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, với nhiều lợi thế, đã trở thành trị sở của quận Giao Chỉ (sau là trị sở của quận Giao Châu), đồng thời là một đô thị sầm uất, là một trung tâm thương mại lớn của quận Giao Chỉ; Phật Tích với vị trí và cảnh quan một vùng sơn lâm, ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ, với núi non, đồi rừng thâm u, tĩnh mịch, có am đá, cây xanh bao phủ. Đó là vị trí cảnh quan thích hợp cho các giáo sĩ đến lập am, luyện đạo, tu thiền. Vì vậy, vào đầu Công nguyên, các giáo sĩ Ấn Độ, mà người tiêu biểu là sư Khâu Đà La đã tới nước ta (quận Giao Chỉ, thuộc Hán), qua trung tâm Luy lâu, rồi về Phật Tích lập am, luyện đạo tu Thiền đúng như tài liệu Cổ Châu Phật bản hạnh đã chép. Các giáo sĩ đã theo các thuyền buôn qua đường biển vào trung tâm Luy Lâu, rồi ngược dòng sông Dâu tới Phật Tích và dừng ở đó để lập am, dựng chùa, và tu luyện, sau mới trở lại truyền bá đạo Phật cho dân chúng tại Luy Lâu, lập nên sơn môn Dâu, một trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất ở nước ta.

Sự kiện sư Khâu Đà La tới núi Phượng Hoàng lập am luyện đạo tu thiền cũng như sự tích Man Nương không chỉ được chép trong Cổ Châu Phật bản hạnh, bản khắc lưu lại ở chùa Dâu, mà còn lưu dấu tích và nhiều nguồn tài liệu ở vùng Phật Tích.

Núi Phật Tích có tên là núi Phượng Hoàng, là non Tiên, với dấu tích, nhà đá, tức Thạch Thất, nơi truyền rằng chàng Vương Chất ngồi xem tiên đánh cờ  trên đỉnh núi Phật Tích. Đây là vùng lưu truyền sâu rộng trong dân gian sự tích Man Nương - Khâu Đà La cùng với hàng loạt địa danh và di tích về sự kiện vị tu sĩ này đến Phật Tích tu Thiền và gặp gỡ Man Nương, được chép trong Cổ Châu Phật bản hạnh như đồi Mả Nang và chùa Mả Nang, tức chùa Phúc Nghiêm - nơi thờ Phật mẫu Man Nương. Và điều lý thú là tại quê của Man Nương, làng Mãn Xá bên thành Luy Lâu cũng có chùa mang tên chùa Phúc Nghiêm, còn gọi là chùa Tổ thờ ông bà Tu Định, thân sinh của Man Nương, thờ Phật mẫu Man Nương và sư Khâu Đà La. Tại đây còn di tích tháp mộ Man Nương.

Cũng tại khu di tích về Khâu Đà La - Man Nương ở vùng Phật Tích còn có dòng suối Nghịch Thuỷ. Truyền rằng dòng suối này đã cuốn cây dung thụ, trôi theo dòng sông Dâu về bên thành Luy Lâu, được Man Nương vớt lên và Sĩ Nhiếp đã cho tạc thành tượng “Tứ Pháp” thờ ở Dâu. Và ngày hội khánh thành “Tứ Pháp” đúng vào ngày sinh Phật mẫu Man Nương “mồng tám tháng tư”, đây là lễ hội Dâu nổi tiếng, xưa nay được coi như ngày lễ Phật đản của Việt Nam (mới đây, giới Phật giáo nước nhà mới kỷ niệm ngày Phật đản vào ngày 14 tháng 4 là ngày Phật Đản quốc tế).

3. Từ các nguồn tài liệu được trình bày và phân tích trên đây, chúng tôi có một số nhận xét đánh giá như sau:

a. Với vị trí gần thủ phủ Luy Lâu, lại có đường thông với trung tâm này qua sông Dâu, Phật Tích, một vùng sơn lâm giữa trung tâm châu thổ Bắc Bộ với nhiều lợi thế về kinh tế, văn hoá, ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, nơi đây là điểm dừng chân đầu tiên của các tăng sĩ Ấn Độ mà người tiêu biểu là sư Khâu Đà La. Tại vùng sơn lâm này, các tu sĩ Ấn Độ đã cho xây dựng chùa, lập am, dựng tháp, tiến hành luyện đạo, tu Thiền để thực hiện việc truyền bá đạo Phật ở Giao Châu. Trung tâm Phật Tích đã được hình thành và phát huy ảnh hưởng trong dân chúng Giao Châu, trước hết là dân chúng vùng Luy Lâu - Dâu. Người tiếp thu Phật Giáo đầu tiên tại trung tâm Phật Tích là Man Nương, một phụ nữ ở Luy Lâu (làng Mãn Xá ngày nay). Nàng đã được sư Khâu Đà La thụ giáo để sau đó trở thành Phật mẫu Man Nương, vị tổ của trung tâm Phật giáo Luy Lâu.

Như vậy, Phật Tích là một địa danh mang ý nghĩa ghi dấu tích Phật ở vùng sơn lâm dãy Phượng Hoàng (Tiên Du) Phật Tích - vừa là tên dãy núi, tên chùa, tên làng… được lưu tồn từ xưa đến nay cùng hàng loạt di tích, tài liệu, truyền thuyết và sinh hoạt Phật giáo, với hệ thống chùa tháp đậm đặc và cổ kính, đã khẳng định Phật Tích là địa điểm dừng chân truyền bá đạo Phật đầu tiên của các tu sĩ Ấn Độ từ những thế kỷ đầu Công nguyên trên đất Giao Châu.

b. Từ trung tâm Phật Tích, các tu sĩ sau khi tu Thiền, đắc đạo, đã tiến hành truyền bá đạo Phật ra các vùng miền, trước hết là tại Luy Lâu, trị sở của Giao Châu, cũng là nơi đô hội vào bậc nhất của Giao Châu thời bấy  giờ. Sự tích Man Nương được ghi trong Cổ Châu Phật bản hạnh với các tình tiết người con gái vùng Dâu - Luy Lâu thọ giới sư Khâu Đà La, sinh ra Thạch quang Phật và cây dung thụ gẫy trôi từ Phật Tích theo dòng sông Dâu về Luy Lâu, được Man Nương vớt lên và Sĩ Nhiếp cho tạc thành “Phật Tứ pháp” thờ ở các chùa tại trung tâm Luy Lâu và lễ hội Dâu nổi tiếng vào ngày sinh Phật mẫu Man Nương… cho thấy ảnh hưởng của Trung tâm Phật giáo Phật Tích đối với việc hình thành Trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Có thể khẳng định, trung tâm Phật giáo Phật Tích có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hình thành Trung tâm Phật giáo Luy Lâu.

Vậy là, vào đầu Công nguyên, trung tâm Phật giáo Phật Tích và trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã được hình thành với sự truyền bá của các giáo sĩ Ấn Độ và sự tiếp thu của người dân bản địa, trước hết là người dân vùng Luy Lâu mà tiêu biểu là Man Nương, một phụ nữ vùng Dâu sau trở thành Phật mẫu Man Nương. Cả hai trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất Việt Nam này đều trên đất Bắc Ninh, trong đó trung tâm Phật giáo Luy Lâu là một trong ba trung tâm phật giáo lớn nhất trong đế chế Hán thời đầu Công nguyên là Lạc Dương, Bành Thành và Luy Lâu. Bắc Ninh chính là đất tổ Phật giáo Việt Nam và là quê hương của chùa, tháp ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Vào những thế kỷ sau, nhất là thời kỳ thuộc nhà Tuỳ, nhà Đường, trung tâm Phật giáo Phật Tích ngày một hưng thịnh. Nhiều nhà sư Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á tới Giao Châu truyền đạo và đã tới Phật Tích thực hành đạo pháp và truyền giáo. Chùa tháp được xây cất khá nhiều ở khu vực này, trong đó chùa Phật Tích giữ vai trò trung tâm và có quy mô lớn.

Giao Châu được vua nhà Tuỳ coi là chốn linh địa, nên đã sai đem Xá lỵ của đức Phật ban cho các bậc cao tăng tới Giao Châu để cúng dàng, xây tháp, trong đó có chùa Dâu và chùa Phật Tích. Truyền tích ở vùng Phật Tích kể rằng từ trước thời Lý, ở Phật Tích đã có chùa lớn và tháp đá cao ngất nên gọi là chùa tháp. Sau cây tháp bị đổ, lộ ra pho tượng Phật bằng đá, vì thế núi và chùa mang tên Phật Tích. Điều này, cho thấy rằng, vào thế kỷ thứ VI - VIII, Phật Tích là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi chùa tháp được xây dựng quy mô và hoạt động Phật giáo ở đây khá nhộn nhịp. Dấu tích của kiến trúc Phật giáo thời kỳ này, theo chúng tôi chính là pho tượng Phật bằng đá, mà hiện vẫn còn nhiều ý kiến thảo luận về niên đại của di phẩm nghệ thuật đặc sắc này. Quan sát và tìm hiểu về toàn bộ khối tượng, chúng tôi thấy không có sự đồng nhất về chất liệu và nghệ thuật điêu khắc giữa bệ tượng, toà sen và pho tượng Phật; không những vậy, về kết cấu giữa các thành phần bệ, toà sen và pho tượng cũng bất chỉnh hợp. Xét đặc điểm nghệ thuật điêu khắc, chúng tôi ngỡ rằng pho tượng Phật bằng đá ở chùa Phật Tích hiện nay, có niên đại trước thời Lý, có thể là di phẩm nghệ thuật thuộc thời thuộc Đường, còn bệ tượng có thể thuộc thời Lý và toà sen còn có niên đại muộn hơn.

d. Thời Lý, Phật Tích thuộc đất Cổ Pháp, quê hương của triều đại tôn sùng Phật giáo và là thời kỳ Phật giáo hưng thịch nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trung tâm Phật giáo Phật Tích là một trung tâm Phật giáo lớn và có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng với sự quan tâm đầu tư xây chùa, dựng tháp, đúc chuông, dựng tượng Phật của vua, quan và các vị hoàng tộc nhà Lý, từ Lý Thánh Tông đến Nguyên phi ỷ Lan, Lý Thần Tông… Hàng chục ngôi chùa được xây dựng trong khu vực này, trong đó quy mô lớn nhất là ngôi chùa Phật Tích với hàng chục hạng mục công trình, hàng nghìn gian chùa cùng nhiều tháp đá, tháp gạch được xây dựng công phu, kiến trúc to lớn, nghệ thuật điêu khắc, đắp vẽ tài nghệ. Phật Tích trở thành đại danh lam cổ tự nổi tiếng, mà dấu tích kiến trúc cùng nhiều di phẩm nghệ thuật còn lại đến ngày nay là minh chứng rõ ràng.

Thời Trần, Phật Tích không chỉ là trung tâm Phật giáo mà còn là một trung tâm Nho giáo. Các vua Trần đã cho xây dựng ở Phật Tích một thư viện lớn và năm 1384, triều đình nhà Trần đã tổ chức cuộc thi Thái học sinh (tức thi chọn Tiến sĩ) quy mô toàn quốc tại chùa Phật Tích. Sang thời Lê, chùa Phật Tích được tu dựng lại với quy mô lớn mang tên Vạn Phúc tự, trên nền của ngôi chùa xưa bị tàn phá trong cuộc xâm lược của giặc Minh. Chùa Vạn Phúc tiếp tục là một trung tâm Phật giáo lớn vào thời Lê và các thời sau.

e. Phật Tích không chỉ là trung tâm Phật giáo, nơi đây còn lưu giữ kho tàng truyền thuyết và sinh hoạt văn hoá - văn nghệ dân gian, mà tiêu biểu là những chuyện kể về bà Tồ Cô, về các cuộc chiến tranh giữa An Dương Vương và Triệu Đà, những huyền thoại về chàng tiều phu Vương Chất, về Từ Thức gặp tiên Giáng Hương, về Cao Biền xây tháp yểm bùa, về bà Chúa Chè, về Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo và nổi tiếng là hội xem hoa mẫu đơn chùa Phật Tích vào ngày mùng 4 tháng giêng… Những di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc đó cho thấy Phật Tích không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hoá, nơi du nhập các luồng tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng, các nước trong khu vực hoà nhập với  sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá bản địa, làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ. Nơi đây, nhiều thế hệ các học giả, các thi nhân đã tới tham quan, nghiên cứu, thưởng ngoạn, vãng cảnh đề thơ, để lại nhiều tác phẩm thơ văn nổi tiếng.

4. Trải trường kỳ lịch sử dân tộc và quê hương, trung tâm Phật giáo Phật Tích đã bao lần hưng thịnh rồi hoang phế. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hầu như các công trình Phật giáo ở Phật Tích đã bị phá huỷ.

Với đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng và bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, các di tích kiến trúc chùa pháp ở Phật Tích đã được Nhà nước bảo tồn và đầu tư khôi phục, tôn tạo, tiêu biểu là chùa Phật tích, một di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia đặc biệt quan trọng vừa được phục hồi và nằm trong hạng mục công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều di tích chùa trong vùng đã được Nhà nước xếp hạng, cấp bằng di tích lịch sử - văn hoá. Lễ hội xem hoa mẫu đơn chùa Phật Tích được khôi phục và tổ chức ngày càng quy mô, hấp dẫn. Chùa Phật Tích đã và đang là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt Phật Giáo lớn quy mô quốc gia và quốc tế.

Trong sự nghiệp đổi mới, trung tâm Phật giáo Phật Tích lại được dịp phục hồi và hưng thịnh. Nhưng để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá và sinh hoạt Phật giáo của Trung tâm Phật Tích, còn nhiều việc phải làm, trong đó có những công việc quan trọng và cấp thiết sau:

- Cần có chương trình, kế hoạch nghiên cứu một cách toàn diện về lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo và văn hoá của Phật Tích để có sự đánh giá khoa học về vị trí, vai trò của Phật Tích trong lịch sử văn hoá, tôn giáo của dân tộc. Hiện nay, chưa có một công trình nghiên cứu chuyên khảo nào về Phật Tích.

- Nhà nước, giáo hội Phật giáo và các tổ chức xã hội cần quan tâm đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi không chỉ di tích chùa Phật Tích mà cho hệ thống các di tích kiến trúc chùa tháp trong khu vực, trong đó có các di tích, địa điểm, địa danh về Thánh mẫu Man Nương, sư Khâu Đà La, như đồi và chùa Mả Nang, chùa Linh Quang (tức chùa Phúc Nghiêm), suối Nghịch Thuỷ, hệ thống các chùa Kim Ngưu, Cổ Miếu, chùa Linh Quang - tức chùa Vĩnh Phú…

- Cùng với việc tu bổ, phục hồi các di tích chùa, tháp, cần xây dựng Phật Tích thành trung tâm văn hoá - du lịch tâm linh và sinh thái, đáp ứng không chỉ các nhu cầu về sinh hoạt Phật giáo của các tăng ni, phật tử mà còn phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, tham quan du lịch của quý khách trong và ngoài nước mỗi khi về Bắc Ninh - Kinh Bắc, quê hương của dân ca Quan họ, quê hương của chùa tháp và lễ hội dân gian tiêu biểu của Việt Nam. 



* Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Bắc Ninh

[1] Sự tích đức Phật chùa Dâu. Nguyễn Quang Hồng, Lã Minh Hằng, Nguyễn Tá Nhí, Cung Khắc Lược, sưu tầm và biên soạn. Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, 1994.

[2] Trần Đình Luyện. Luy Lâu - Lịch sử và  văn hoá. Sở Văn hoá - Thông tin Bắc Ninh xuất bản, 1999.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6952407