Thông tin

PHẬT VÀ BỤT

PHẬT VÀ BỤT

TRỊNH SÂM

 

Về cách gọi tên Bụt, hiện nay có hai giả thiết: (i) bắt nguồn từ tiếng phạn: Buddha; (ii) nguồn gốc từ tiếng Hán: Bồ đà.

Cả hai cách lý giải đều cho thấy xu hướng đơn tiết hóa và đọc trại theo các nguyên âm cùng đặc tính.

Câu chuyện không đơn thuần về mặt chữ nghĩa mà phức tạp hơn nhiều, có liên quan đến nguồn gốc và quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam.

Dễ thấy, hiện nay trong tiếng Việt, Phật và Bụt song tồn. Trong giao tiếp, tùy theo yêu cầu diễn đạt mà có thể dùng Phật hay Bụt đều được và trong khá nhiều ngữ cảnh trung tính, hai từ này hoàn toàn có thể thay thế cho nhau. Nhưng phải thừa nhận, trong giao tiếp có tính nghi thức, Phật được dùng phổ biến hơn, trong khi đó Bụt được dùng nhiều trong sinh hoạt hằng ngày. Từ đây kéo theo cái ấn tượng bác học và trang trọng của từ Phật và tính chất mộc mạc, dân dã của từ Bụt. Nói cho rốt ráo, trong một số tổ hợp có tính chất thành ngữ, quán ngữ dù trong địa hạt giao tiếp nào thì Phật vẫn được sử dụng trong tổ hợp cố định như: Mô Phật, nam mô a di đà Phật, lạy Phật, vái trời, nói có trời Phật, có trời có Phật chứng giám… Còn nhìn chung là có thể thay thế cho nhau: Hiền như Bụt (Phật), đi với Phật (Bụt) mặc áo cà sa… Tìm kiếm trên google cho thấy, Phật có tới 22.800.000 kết quả, trong khi Bụt chỉ có 1.830.000 kết quả. Điều này cho thấy tính phổ biến của từ Phật hiện nay. Cũng cần lưu ý là từ Bụt xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ từ thời Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Gần đây, nằm trong chiều hướng tìm về cội nguồn, tìm ra bản sắc văn hóa dân tộc, có nhiều bài viết rất thú vị về hình tượng Bụt trong không gian tinh thần của người Việt, qua khảo sát tư liệu từ văn học dân gian như truyện cổ, ca dao, tục ngữ, thành ngữ… Quả nhiên, Bụt trong tâm thức của người Việt rất dân dã, gần với ông tiên, ông trời, là biểu tượng của hiền minh, công lý, chuyên giúp đỡ người nghèo khó gặp hoạn nạn, bị bức hiếp. Nói khái quát hình tượng Bụt được Việt hóa theo cảm xúc dân gian, đời hơn, năng động hơn, chứ không quá câu nệ vào giáo lý Phật pháp.

Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý, một số bài viết nằm trong chiều hướng trên thường thời sự hóa chữ nghĩa mà xét về văn bản học, khó lòng chấp nhận được.

Hãy quan sát văn bản sau đây:

Nu na nu nống

Cái ống (cái cống) nằm trong

Con ong nằm ngoài

Củ khoai chấm mật

Phật ngồi Phật khóc

Con cóc nhảy ra

Con gà ú ụ

Nhà mụ thổi xôi

Nhà tôi nấu chè

Tay xòe chân rụt.

Vị trí từ Phật xuất hiện trong văn bản trên đều được các nhà nghiên cứu thay thế bằng từ Bụt.

Thoạt nhìn tưởng không có vấn đề gì lớn:

 (i) Vì cùng thanh điệu, cùng loại âm tiết, sự thay thế hầu như không ảnh hưởng gì đến âm hưởng của bài đồng dao mà còn thể hiện được cái chất dân gian và bao trùm lên hết, là dẫn liệu rất đắt chứng minh cho xu hướng Việt hóa: Bụt Việt Nam gần gũi, quen thuộc, xuất hiện trên cửa miệng của trẻ em đấy thôi!

(ii) Vì là sản phẩm của văn học dân gian, nên việc có dị bản là chuyện hết sức bình thường, nghĩa là bên cạnh các văn bản điển dạng, trên lý thuyết có thể tồn tại các biến thể.

Nhưng cần lưu ý đây là bài đồng dao. Mục đích của đồng dao là giúp trẻ vừa chơi vừa học. Cha ông ta đã hình dung ra tác dụng giáo dục lớn lao của thể loại này, đó là cung cấp vốn từ và các mẫu câu cho trẻ em. Ở đây là các danh từ như cái ống, con ong, củ khoai, Phật…, là những động từ như nằm trong, nằm ngoài, chấm mật, khóc…, là những mô hình câu đơn giản. Trẻ thuộc nhiều từ thì khả năng diễn đạt càng lớn, mà khả năng diễn đạt càng lớn thì tư duy càng phát triển.

Về mặt tổ chức văn bản, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của đồng dao là liên kết hình thức. Nói cụ thể, ở đây bất chấp sợi dây mạch lạc ngữ nghĩa, mà liên kết thuần túy là âm thanh. Cho nên, tiếp xúc với các văn bản đồng dao, ta dễ thấy bình diện hình thức nổi trội hơn bình diện nội dung. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự mờ nhạt về chủ đề.

Xuất phát từ chức năng làm phong phú vốn từ cho trẻ em và vừa giải trí vừa học, với yêu cầu phải làm sao cho dễ nhớ, dễ thuộc, việc tổ chức văn bản ưu tiên sử dụng đường dây ngữ âm. Trong đó, tiếng cuối của dòng trước phải hiệp vần với một số tiếng ở dòng tiếp theo, theo một chu kỳ khép kín. Và về nguyên tắc là tiếp xúc với câu đồng dao trước, dựa vào vần của tiếng cuối, ta có thể đoán được vần chủ đạo của câu tiếp theo. Do vậy, với mô hình ngữ âm cho cho sẵn, trẻ có thể chế tác thành các văn bản khác nhau, hoặc trong quá trình chơi, nhỡ có quên câu nào thì chính vần sẽ gợi lại cho các em nhớ, thậm chí các em hoàn toàn có thể lấp đầy văn bản một cách ngẫu hứng, miễn sao duy trì được đường dây liên kết là được.

Mô hình ngữ âm của bài đồng dao:

 

Sợi dây liên kết theo trật tự tuyến tính là: Nống - ống, trong – ong, ngoài – khoai, Mật – Phật, khóc – cóc, ra – gà, ụ - mụ, xôi – tôi, chè – xòe. Mô hình ngữ âm, ở đây là các vần móc xích vào nhau rất nghiêm ngặt. Nếu thay Phật bằng Bụt, xét cục bộ trong từng câu đồng dao, như đã nói không ảnh hưởng gì, nhưng nếu nhìn toàn cục rõ ràng nó phá vỡ tính hệ thống của vần điệu, đó là chưa kể làm ảnh hưởng lớn đến bước thơ trong thi pháp đồng dao.

Do vậy, xét trên nhiều khía cạnh, trong văn bản đang khảo sát không thể thay PHẬT bằng BỤT được.

Xin trả lại đời sống vốn có và khách quan của văn bản đồng dao, không nên vì mục đích chứng minh cho việc Việt hóa mà thay đổi chữ nghĩa.

Thật ra, vấn đề nằm ở nội hàm của ý niệm chứ không phải là hình thức của cách định danh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 1)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6625139