Thông tin

PHÉP QUÁN NIỆM CỦA SIGMUND FREUD

 

PHAN CÁT TƯỜNG

 


Sigmund Freud (1856-1939)

 

Sigmund Freud (1856-1939) là một bác sĩ thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo. Từng là nghiên cứu sinh của Viện Sinh lý nổi tiếng Ernst Brucke và là giảng viên danh dự của Đại học Wien, ông xứng đáng trao Giải Goethe vào năm 1930, một giải thưởng văn hóa danh giá của Đức.

Freud là người đặt nền móng cho khoa Phân tâm học. Ông có nhiều tác phẩm luận giải cho cơ cấu hình thành phẩm chất con người, trong đó “The Ego and the Id” (Ngã và Vô thức, 1923) là một trong những những tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến Tâm lý học hiện đại.

Freud với khái niệm Libido

Sigmund Freud trình bày Phân tâm học bằng ba thuật ngữ: Id (Vô thức), Ego (Ngã) và Super Ego (Siêu ngã) được diễn tả bằng hình ảnh tảng băng trôi trong tác phẩm “The Ego and the Id”.

Trong tác phẩm này, Id là phần chìm của tảng băng, dụ cho Vô thức, sự chất chứa, sự tiềm ẩn những ý niệm sâu kín bên trong lòng người. “Chúng ta sẽ nhìn một cá nhân như là một Id tâm lý, không biết rõ và Vô thức, có Ego nằm trên bề mặt của nó1.

Theo ông, phần chìm của tảng băng này rất lớn, như là phần đáy của một tam giác. Id chứa đựng những sự thực khủng khiếp mà ông gọi là Libido (đam mê nhục dục, tự yêu mình,…). “Việc chuyển hóa libido-đối tượng vào trong libido-tự yêu mình. Thế nên xảy ra hàm chứa rõ ràng một sự từ bỏ những mục tiêu tình dục, một sự hủy tình dục. Do đó là một thứ thuộc về sự thăng hoa2.

Ở đây, ta có thể hiểu Trư Bát Giới trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một dạng của Libido, sâu kín, tiềm tàng nhưng mãnh liệt. Trư Bát Giới-Dục tính có mặt trong mỗi con người, từ đó cõi người ta đồng nghĩa với Dục giới.

Cũng có thể hiểu Libido là tính cách của nhân vật Narcissus trong thần thoại Hy Lạp: Kẻ tự yêu mình, nhìn ngắm mình không chán trên mặt nước hồ thu đến nỗi gục chết trong tâm trạng mê muội và hóa thành loài hoa Thủy Tiên.

Sâu thẳm hơn, Libido còn là mặc cảm Oedipus, kẻ sống trong tội lỗi vì đã giết cha, lấy mẹ để vinh danh ngôi vị hoàng đế.

Đó là lề trái của Libido. Lề phải của nó là lòng đam mê cao thượng. Khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, tu hành cầu mong giải thoát,… là những danh từ khoác vẻ đẹp của một chiếc áo choàng lụa tơ trời, nhưng bên trong, bản chất của nó vẫn là dục, là Libido, là sự ham muốn trần trụi của một con người đi tìm cái bên ngoài bản thân.

Sigmund Freud đã gán cho Id một bộ mặt thật ghê tởm, nó nằm sau bức màn Ego mà ông gọi là Tự ngã, chi phối Ego và muốn làm chủ vận mệnh con người.

Phải chăng Freud đã quá chủ quan và khiếm diện khi chiếu một thứ ánh sáng đen vào tảng băng chìm Id. Nhưng cũng chính điều này làm cho Phân tâm học Freud khác biệt với triết học Duy thức của Phật giáo, dù cả hai đều cố gắng nhấn mạnh đến “phần chìm” của tảng băng tâm lý.

Freud và triết học duy thức

Bồ tát Thế Thân (Vasubandhu) dựa trên các kinh điển truyền thừa Phật giáo để trước tác bộ Duy Thức Tam Thập Tụng gồm 30 bài kệ (mỗi bài 4 câu) để luận giải về cảnh giới của Bát thức tâm vương (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, Mạt na và A lại da thức). Kệ mở đầu bài tụng đã chỉ rõ triết lý “vạn pháp duy thức”:

Do giả thuyết ngã pháp

Hữu chủng chủng tướng chuyển

Bỉ y thức sở biến

Thử năng biến vi tam3.

Dịch:

Ngã và pháp không thật

Các chủng tướng chuyển hiện

Đều là do thức biến

Thức năng biến có ba.

Ngay từ đầu, Duy thức đã xác nhận Ngã và Pháp đều hư huyễn, những gì ta cảm nhận được đều là do thức biến hiện. Duy thức học đặc biệt chú ý đến thức thứ tám (A lại da thức), đóng vai trò như một kho chứa tạp niệm và có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành trú xứ của con người:

Sơ A lại da thức

Dị thục, nhất thiết chủng.

Bất khả tri chấp thọ

Xứ liễu. Thường dữ xúc

Tác ý, thọ, tưởng, tư

Tương ưng duy xả thọ4.

Dịch:

Thứ nhất A lại da

Khác biệt, mọi chủng tử.

Không thể biết thọ thân

Xứ nào. Thường cùng xúc

Tác ý, thọ, tưởng, tư

Chỉ tương ưng xả thọ.

Ta thấy có sự trùng hợp thú vị giữa khái niệm Id của Freud và A lại da thức theo diễn giải của Ngài Thế Thân Bồ tát. Cả hai đều nhấn mạnh đến vai trò là “kho chứa” tạp niệm của dạng thức này. Chính vì thế mà Id của Freud có thể hiểu là “Niệm” trong ngôn ngữ Thiền. Nhưng điều khác biệt là Id quá chú trọng đến đặc tính Libido, trong khi Thế Thân lại cho rằng đây là kho chứa “nhất thiết chủng”, bao gồm các chủng tử thiện, ác lẫn vô ký.

Freud và Thập Mục Ngưu Đồ

Tuy là nhà Tâm lý học, nhưng Freud không chỉ dừng lại ở chỗ phân tích tâm lý mà ông còn có những kiến giải cá nhân, mang tính khai thị một giải pháp giúp con người có thể làm chủ được tâm thức mình.

Freud đã viết: “Sự quan trọng chức năng của Ego được thể hiện trong sự kiện vốn bình thường kiểm soát những tiếp cận với tính chất di động được trao cho nó. Thế nên, trong quan hệ của nó với Id là giống như một người trên lưng ngựa, người ấy phải nắm lấy kiểm soát sức mạnh vượt trội của con ngựa; nhưng với sự khác biệt này, rằng người cỡi cố gắng làm thế với sức mạnh của mình, trong khi Ego dùng những sức mạnh vay mượn. Sự tương tự có thể được kéo xa thêm một chút nữa. Thường thường một người cỡi ngựa, nếu ông không rời bỏ con ngựa của mình, thì buộc có bổn phận phải hướng dẫn nó, đến nơi nó muốn đi; trong cùng một cách như thế, Ego là trong thói quen của biến đổi ý chí của của Id vào trong hành động như thể nó là của riêng Ego5.

Hình ảnh một người (Ego) trên lưng ngựa (Id) cố gắng làm chủ dây cương làm ta liên tưởng đến hành giả thực hiện phép quán niệm trong Thập Mục Ngưu Đồ (十牧牛圖) của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (廓庵師遠, ~1150) đời Tống:

1. Tầm ngưu (Tìm trâu): Ngã cố gắng rút ngắn khoảng cách đến Niệm

2. Kiến tích (Thấy dấu): Ngã đã có ý thức về Niệm

3. Kiến ngưu (Thấy trâu): Ngã nhận diện được Niệm

4. Đắc ngưu (Được trâu): Ngã hợp nhất với Niệm

5. Mục ngưu (Chăn trâu): Ngã làm chủ được Niệm

6. Kỵ ngưu quy gia (Cưỡi trâu về nhà): Ngã quy phục được niệm

7. Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu còn người): Niệm huyễn biến mất, chỉ còn lại người

8. Nhân ngưu câu vong (Người trâu đều quên): Ngã huyễn, Niệm huyễn đều biến mất

9. Phản bổn hoàn nguyên (Trở về nguồn cội): Trực nhận chơn tâm bất sanh, bất diệt

10. Nhập triền thùy thủ (Thõng tay vào chợ): Sống cuộc đời an vui tự tại.

 

Ngay chỗ này, ta thấy Freud đã nói được đến bước thứ 6 (Kỵ ngưu quy gia) trong Thập Mục Ngưu Đồ, khi cho rằng: “Người cỡi cố gắng làm thế với sức mạnh của mình, trong khi Ego dùng những sức mạnh vay mượn”. Cưỡi trâu về nhà là một sinh hoạt tự nhiên của trẻ mục đồng. Người cưỡi chỉ việc ngồi trên lưng trâu và vay mượn chính sức mạnh của trâu để đến nhà mà không cần một chút dụng công nào. Đó cũng chính là Thiền, chỗ “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Như thế, ở một góc nhìn khác, ta thấy Sigmund Freud đã sử dụng phép Quán Niệm của Thiền Tông để trình bày cách mà Ego (Ngã) làm chủ được Id (Niệm). Tuy nhiên ông chỉ nói được giai đoạn đầu trong quá trình mà một hành giả phải trải qua để minh tâm kiến tánh.

Nhưng như thế cũng có thể nói là Freud quá xuất sắc để được tôn vinh là ông tổ của khoa Phân tâm học. Các vị Thiền sư vì đã minh tâm kiến tánh nên nói được đến chỗ tột cùng của giai đoạn hợp nhất giữa Ngã và Niệm. Nhưng triết học Freud thì phải dừng lại ở chỗ “Kỵ ngưu quy gia”, vì nếu nói thêm một bước nữa, đến chỗ “Nhân ngưu cưu vong” thì cả khái niệm Ego và Id của Freud đều sụp đổ hoàn toàn.

Có thể nói “Kỵ ngưu quy gia” là giới hạn của Freud, nhưng chỉ là bước đệm của Thiền. Hành giả tùy theo căn cơ của mình, có thể tĩnh tọa bên bờ vực sâu với Freud hoặc nhún mình làm một cú nhảy sanh tử với Khuếch Am Sư Viễn để chạm chân đến bờ bên kia, nơi mà con người có thể thõng tay vào chợ đời mặc cho những thi phi danh lợi.

 


1. Chương 2, The Ego and the Id.

2. Chương 3, The Ego and the Id.

3. Duy thức Tam Thập Tụng.

4. Duy thức Tam Thập Tụng.

5. Chương 3, The Ego and the Id.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6703641