Thông tin

PHÓ BẢNG NGUYỄN SINH HUY VÀ SƯ KHÁNH HÒA

TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở NAM KỲ

 

ThS. NGUYỄN HỮU HIẾU*

 

Quan điểm chấn hưng Phật giáo của Nguyễn Sinh Huy, theo Phật là nhập thế, phải hòa mình với xã hội, phải biết, hiểu được cái nhục mất nước và phải chống lại nạn ngoại bang đô hộ, không phải ngồi tụng kinh gõ mõ…

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc từng bước xuống cấp và suy đồi nghiêm trọng. Trong đó, Phật giáo một bộ phận quan trọng nhưng cũng nằm trong sự tàn phá của cơn lốc tai ác này. Chùa chiền, hệ thống tăng ni còn đó nhưng không khí bi quan, yếm thế bao trùm cửa thiền. Nơi thờ Đức Phật bị biến thành chỗ cúng bái, hành nghề mê tín dị đoan, buôn bán, thần thánh; nhà sư học thêm bùa ngải…trở thành thầy cúng, thầy bùa, thậm chí có nơi nhà sư chỉ là ông từ giữ chùa…

Vào đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng phong trào Duy Tân, phong trào chấn hưng đạo Phật ở Trung Quốc với tạp chí “Hải triều âm”, giới Phật học Việt Nam bắt đầu ý thức chấn hưng bảo vệ đạo pháp. Phong trào nổ ra sôi nổi nhất là ở Nam kỳ, không chỉ quan tâm đến tiền đồ đạo Phật, mà còn một phong trào yêu nước, bảo vệ văn hóa dân tộc; nên người tham gia không chỉ có nhà sư, các cư sĩ Phật giáo mà còn có cả các trí thức yêu nước; trong đó có cả phó bảng Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Hồ Chủ tịch).

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, ở chùa Linh Sơn (Sài Gòn), chùa Tiên Linh (sư Khánh Hòa, Bến Tre), chùa Thiên Thai (sư Huệ Đăng, Bà Rịa), chùa Kim Tiên (Mỹ Tho), chùa Phi Lai (sư Chí Thành), chùa Hòa Thành (sư Viên Minh ở Tịnh Biên), chùa Giồng Thành (sư Đạt Điền ở Tân Châu), chùa Linh Sơn (Hòa thượng Hấu), Hòa Long (Hòa thượng Thoại, Cao Lãnh), chùa Phật Quang (ở Trà Vinh, một trong những chùa có nhiều kinh sách ở Nam kỳ)…thỉnh thoảng người ta thấy phó bảng Nguyễn Sinh Huy xuất hiện bên cạnh các nhà sư có trọng trách trong phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ, nhất là sư Khánh Hòa và giáo thọ Thiện Chiếu.

Trong các năm 1987, 1988, 1989, trong khi sưu tầm tư liệu liên quan về phó bảng Nguyễn Sinh Huy, chúng tôi bắt gặp ở các chùa này còn nhiều bút tích (chua, chú, khuyên) của Phó bảng Huy trong các cuốn kinh. Như vậy, Phó bảng Huy có quan hệ gì Phật giáo và sư Khánh Hòa - người đứng đầu phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ.

Để giải mã vấn đề này, chúng tôi xin giải đáp hai câu hỏi:

- Phó bảng Nguyễn Sinh Huy thường đến các chùa với mục đích gì?

- Mối quan hệ giữa sư Khánh Hòa và Phó bảng Nguyễn Sinh Huy trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ.

Phó bảng Nguyễn Sinh Huy đến các chùa với mục đích gì?

Nguyễn Sinh Huy là người có cảm tình với đạo Phật ngay từ lúc nhỏ, do ảnh hưởng của thầy học và cha mẹ vợ. Lúc trưởng thành Nguyễn Sinh Huy rời Nghệ Tĩnh, nơi vốn mang nặng màu sắc văn hóa Nho giáo vào Huế sống ở “mảnh đất dưới chân vua”, nhưng luôn bàng bạc phong vị Phật giáo, với nhiều chùa chiền, tu viện, cao tăng…qua hai quãng thời gian: từ 1895-1901 là thời khổ học và từ 1906-1909 là lúc miễn cưỡng phải làm quan1.

Thời gian đầu do hoàn cảnh gia đình, ông ít có dịp đến chùa tiếp xúc với các sư. Bước sang giai đoạn hai, hoàn cảnh cá nhân và môi trường xã hội khách quan làm cho ông xít lại gần Phật giáo hơn.

Chính cái học vị phó bảng, chứng minh tài nho học của ông, giúp ông hiểu Phật giáo sâu sắc, uyên bác hơn cả một số nhà sư, nên mọi cửa chùa ở kinh đô đều rộng mở đối với ông. Trong thời gian này, có một số người thân ở quê nhà thấy ông làm quan ở kinh đô, nghĩ rằng ông có nhiều quyền thế nên có ý muốn nhờ vã cậy dựa. Nhân đó ông viết thơ gửi cho cháu là Nguyễn Sinh Lý, lời thơ nhuốm mùi “sắc không” của Phật giáo, nội dung như sau:

Nhân sinh nhược đại mộng,

Thế sự như phù vân.

Uy thế bất túc thi,

Xảo hiểm đò tự hại.

Giới chi! Giới chi!

Tạm dịch:

Đời người như giấc mộng lớn

Sự đời như đám mây trôi

Uy thế không đủ để dựa

Xảo hiểm là tự hại mình

Cháu hãy nghe theo.

Chùa Quốc Ân của Hòa thượng Như Hồng Quốc Ân là nơi ông thường lui tới trao đổi, đàm luận Phật học.

Năm 1914, khi theo Lương Ngọc Quyến sang Phnom Pênh thăm cụ cử Lương Văn Can; từ đó đến khi về nước (1917) Nguyễn Sinh Huy thường xuyên trú ngụ trong chùa Sùng Phước ở Châu Hộ (Phnom Pênh), do Hòa thượng Hồng Đại Bửu Phước, vốn là người thân quen từ lúc ở Huế, trụ trì2.

Khi về Sài Gòn, Nguyễn Sinh Huy ngụ ở chùa Sắc tứ Từ Ân ở Chợ Lớn, thường xuyên vẫn là chùa Linh Sơn. Ngày ngày vẫn ra đường Espagne (Thiết Binh, nay là Lê Thánh Tôn) xem mạch ra toa kiếm sống, tối về chùa Linh Sơn cùng giáo thọ Thiện Chiếu đàm đạo về Phật học.

Vào thời điểm này, ở Nam kỳ, phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu manh nha với sự góp mặt của một số nhà sư yêu nước như sư Khánh Hòa chùa Tiên Linh (Bến Tre), giáo thọ trẻ Thiện Chiếu chùa Linh Sơn (Sài Gòn)… Hoạt động chủ yếu của cuộc vận động lúc đầu là đăng đàn thuyết pháp. Sau đó, Hòa thượng Khánh Hòa cho ra tờ “Pháp âm”, có trụ sở ở chùa Chúc Thọ (xóm Thuốc, Gia Định), Thiện Chiếu cho ấn hành tờ “Phật hóa Tân thanh niên”, mục đích động viên tăng ni trẻ và thanh niên hướng về đạo pháp và dân tộc. Ngoài ra, Thiện Chiếu còn xuất bản một số sách giáo lý, gọi là “Phật học Tùng Thư”.

Trên tờ Đông Pháp thời báo do Trần Huy Liệu làm chủ bút, xuất hiện hàng loạt các báo nói về đạo Phật. Bắt đầu từ số 59 (ngày 5/10/1923) với hàng loạt bài “Khảo lược về cách tu trong Phật giáo”, người viết ký tên là Viên Hoành. Từ số 70 (ngày 5/11/1923), sau 10 bài của Viên Hoành lại xuất hiện loạt bài “Phật giáo khảo lược”, ký tên ĐPTB (Đông Pháp thời báo). Rồi từ số 100 đến hàng loạt bài “Ảnh hưởng của Phật giáo khảo lược”, cùng viết ký tên là T.V. Ba cây viết nổi tiếng về Phật giáo lúc ấy là Khánh Hòa, Thiện Chiếu và Trần Huy Liệu3.

Mật thám Pháp chú ý và theo dõi sát hành tung Nguyễn Sinh Huy từ năm 1919, khi Nguyễn Ái Quốc gởi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến hội nghị Versailles. Nhưng đến thời điểm này, chúng không biết Nguyễn Sinh Huy ở đâu, làm gì. Trong báo cáo mật thám ngày 13/11/1923 có đoạn lộ rõ ý này:“Từ ngày 18/4/1922 Nguyễn Sinh Huy rời khỏi Sài Gòn để vào miền trong hốt thuốc đến hết quý ba năm 1923 vẫn chưa thấy trở lại Sài Gòn”.

Sau này, chúng phát hiện trong tay nải của Nguyễn Sinh Huy một bản chứng chỉ quy y, với toàn văn như sau:

Chứng chỉ quy y: Chúng tôi, Nguyễn…tức Hồng Đại Bửu Phước Hòa thượng trụ trì chùa Sùng Phước ở Châu Hộ, Phnom Pênh, sanh quán tại nước An Nam, năm Quý Hợi, môn đệ của phái Lâm Tế, học trò của Tổ sư Hòa thượng Như Hồng Quốc Ân, chùa Quốc Ân tại Huế gần ngự đài nhà vua,

Cấp: Bản chứng chỉ này cho tín đồ Nhật Sắc (1) tức Thiện Thành được công nhận là môn đồ của phái Phật giáo Lâm Tế chúng tôi.

Làm ngày mùng 2 tháng 7 năm Nhâm Tuất (24/8/1922 giữa buổi trưa)”.

Bên dưới có ấn triện đỏ của nhà sư.

Trên bản chứng chỉ có ghi chú (1) sau chữ Nhật Sắc và cuối trang ghi Nguyễn Sinh Huy tức Nguyễn Xuân Sắc4.

Như vậy, vào trung tuần tháng 4/1922, Nguyễn Sinh Huy bí mật sang Phnom Pênh đến chùa Sùng Phước, mà mật thám Pháp không biết, để xin Hòa thượng Hồng Đại Bửu Phước cấp tờ chứng chỉ trên.

Thật ra đây không phải tờ “phái quy y thế độ” tức là loại giấy tờ chứng nhận tín đồ của Phật giáo, mà lại là tờ giấy giới thiệu (một loại giấy tờ hành chính, không phải là loại giấy tờ của nhà chùa). Giấy giới thiệu này do Hòa thượng Hồng Đại Bửu Phước, trụ trì chùa Sùng Phước ở Châu Hộ (PhnomPenh) cấp. Riêng pháp danh Nhật Sắc làm cho chúng ta thắc mắc. Nhật: chữ dùng đặt pháp danh cho tín đồ đời thứ 41, chi phái Nguyên Thiều dòng Lâm Tế. Chữ Nhật dưới chữ Hồng một bậc. Sắc: Nguyễn Sinh Sắc. Chữ Nhật và chữ Sắc ghép lại thành một pháp danh nôm na, hoàn toàn xa lạ với ngôn từ của nhà Phật. Điều đó, chứng tỏ lúc viết giấy giới thiệu, Hòa thượng Hồng Đại bối rối không kịp chuẩn bị cho ông Huy một pháp danh hợp lý hơn.

Phải chăng Cụ Sắc không có pháp danh pháp hiệu; Hòa thượng Hồng Đại vì một tình cảm riêng với cụ Sắc hay vì một lý do nào khác, bịa ra để chứng nhận ông là một tín đồ của chùa Sùng Phước và đặc biệt cấp cho ông một giấy giới thiệu để ông tiện việc tới lui các chùa (Việt kiều) trên đất Campuchia, cũng như thế dễ dàng tới lui các chùa trong nước?5

Giữa năm 1923, Nguyễn Sinh Huy về nước qua ngã biên giới Châu Đốc, lần lượt qua các gặp sư Chí Thành chùa Phi Lai, sư Viên Minh chùa Hòa Thành (Cây Mít) ở Tịnh Biên, sư Đạt Điền ở chùa Giồng Thành (Tân Châu). Vào cuối quý ba năm 1923, ông về đến chùa Linh Sơn (Sài Gòn) đàm luận với các sư Khánh Hòa, Khánh Anh cùng giáo thọ Thiện Chiếu, trong khi trước cổng chùa đã xuất hiện đôi liễn đối:

Phật pháp thị nhập thế, nhi phi yếm thế.

Từ bi nải sát sanh dĩ độ chúng sanh.

Có nghĩa là:

Đạo Phật phải nhập thế, không thể yếm thế.

Từ bi có khi phải sát sinh để cứu độ chúng sinh.

Như thế, Nguyễn Sinh Huy có phải là tín đồ Phật giáo bình thường và ông năng đến nhiều chùa chiền, tu viện liệu có phải chỉ đi hành hương lễ bái, tìm ở cửa thiền, ở các sư nguồn an ủi khi cuộc đời gặp nhiều bất trắc?

Qua các tài liệu như câu đối tại một số chùa ở Nam kỳ, lời chú thích của ông trên các quyển kinh còn giữ lại được, ta thấy với năng lực nho học ông am tường triết lý đạo Phật một cách sâu sắc. Ông chẳng những am hiểu những quyển kinh thuộc loại thượng thừa của phái Thiền tông như Kim Cang, Đại Bi mà ông còn có khả năng chú thích kinh (hiện ở khu di tích Nguyễn Sinh Sắc có trưng bày một cuốn kinh có lời chú của ông). Chú thích kinh là một việc làm không phải bất cứ vị cao tăng đại đức nào cũng có thể làm được. Vì công việc này đòi hỏi một khả năng thông tường triết học Phật giáo, am hiểu các điển tích nhà Phật.

Các câu đối liễn của ông còn lưu giữ nhiều chùa ở Nam Bộ đã phản ánh rõ quan điểm chấn hưng Phật giáo của ông. Theo ông, tu theo Phật không có nghĩa là xuất thế, ôm kinh kệ, chuông mõ; chỉ lo đúc tượng to, xây chùa lớn hay đi làm ma chay, thầy cúng… mà phải nhập thế, thực hiện thuyết từ bi cứu khổ của Đức Phật. Điều đó nghĩa là phải tham gia vào các hoạt động bảo vệ văn hóa, giải thoát chúng dân ra khỏi ách thống trị của ngoại nhân. Nhà sư phải hiểu dược cái nhục mất nước, phải hô hào đồng bào tham gia chống giặc cứu nước thông qua các buổi thuyết giảng về thuyết cứu khổ cứu nạn của Đức Phật; chùa chiền là nơi hội họp đi lại của các nhà sư với các người yêu nước…

Chính vì thế, năm 1926, khi gặp Phan Trọng Bình phái viên của Thanh niên cách mạng Việt Nam từ Quảng Châu về, ông khuyên: “Muốn giải phóng dân tộc các cháu phải theo đạo Phật6.

Và trong báo cáo mật thám ngày 8/9/1927, mật thám cũng cho biết ông có gửi thư về Nghệ An khuyên con cháu theo đạo Phật: “Nguyễn Sinh Huy báo tin cho bà con họ hàng biết là ông đang ở tại số 225, tiệm Tiến Phúc Đường, đường Thiết Binh (Espagne) và khuyên bà con nên theo đạo Phật7.

Như vậy rõ ràng là Nguyễn Sinh Huy đến các chùa gặp các sư không phải với tư cách của một người thất chí, chán nản cuộc sống trần tục, đến đây đã tìm quên trong kinh kệ chuông mõ, trong lời khuyên nhủ của các sư mà đến với phong thái của nhà nghiên cứu Phật học. Nhưng với ông không chỉ nghiên cứu đơn thuần về mặt triết học mà còn vận dụng kết quả nghiên cứu làm phương tiện cải cách, chấn chỉnh tình trạng thực tế của Phật giáo Nam kỳ lúc bấy giờ là đang suy thoái nghiêm trọng, đã bị Phật tử phê phán là suy đồi ở hai điểm cơ bản là dốt và hư8.

Chính vì thế sự hội ngộ giữa phó bảng Nguyễn Sinh Huy, một người nghiên cứu Phật học uyên bác với sư Khánh Hòa, người khởi xướng và lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ như rồng mây gặp vận.

Mối quan hệ giữa sư Khánh Hòa và Phó bảng Nguyễn Sinh Huy

Sư Khánh Hòa và phó bảng Nguyễn Sinh Huy gặp nhau vào khoảng năm cuối 1919, trong hoàn cảnh ngày ngày Nguyễn Sinh Huy đến đường Espagne (Thiết Binh, nay là Lê Thánh Tôn) xem mạch ra toa kiếm sống, tối về chùa Linh Sơn với giáo thọ Thiện Chiếu. Có hai điểm ở ông “Thầy Huế9 nho nhã này làm cho nhà sư cảm phục:

- Một là phong cách sống giản dị của ông phó bảng: Một người học hành uyên bác, đỗ đạt cao đã từng làm quan, nay từ bỏ tất cả những gì mà đa số người đời ai cũng ao ước; để sống một cuộc sống bình dị. Chẳng những thế, mà ông phó bảng còn năng đi lại nhiều nơi, tìm cách nối kết bạn tâm giao mới, luôn tin tưởng vào người con đang bôn ba hoạt động ở trời Tây xa xôi…

- Hai là ngoài kiến thức uyên bác, dù không phải là nhà sư nhưng ông phó bảng có những hiểu biết, kiến thức về Phật giáo thuộc hạng bậc thầy.

Như đôi câu đối ở chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một):

Chí trung thứ, niệm từ bi, tư cảm ứng, Nho, Thích, Đạo tam giáo đồng tâm,

Hiệu khuông sừ, cầu miễn lệ, động cù lao, Quân, Sư, Phụ, nhất ban kiệt lực”.

Tạm dịch:

Hết lòng với đạo trung thứ, nhớ mãi đến Đức từ bi, nghĩ suy về sự cảm ứng: Nho, Thích, Đạo tam giáo một lòng.

Ra sức giữ gìn và từ bỏ, mãi mãi siêng năng, báo đáp công nhọc nhằn, Vua, Thầy, Cha cả ba đều hết sức.

Ngoài tư tưởng Tam giáo hòa hợp, câu đối trên còn thể hiện hai nét độc đáo:

Lối chơi chữ của tác giả thật tài tình: mỗi vế đối có 16 chữ thì 10 chữ có bộ “tâm”, 10 chữ có bộ “lực” đối nhau giữa hai câu đối. Câu trên dùng bộ tâm, câu dưới dùng bộ lực tạo nên tính biện chứng rất có ý nghĩa.

Lối chơi chữ ấy hàm chứa một nội dung tư tưởng, một bài học thực tiễn có giá trị. Đó là sự hài hòa, hợp sức giữa “tâm” và “lực”. Ta có thể hiểu đó là sự hài hòa giữa tài năng và đức độ; giữa nhiệt tình và khả năng; giữa ước mơ và điều kiện… Tránh được tình trạng “lực bất tòng tâm”. Tư tưởng ấy là tư tưởng tích cực hết sức cần thiết cho cả đạo lẫn đời.

Hoặc câu đối ở chùa Kim Tiên, Cai Lậy:

Đại đạo quãng khai, thố giác khêu đàm đê nguyệt.

Thiền cơ giáo dưỡng quy mao phược thọ đầu phong.

Tạm dịch:

Mở rộng đạo lớn, giống như dùng sừng thỏ khều bóng trăng dưới đáy nước.

Nuôi dưỡng mái thiền lại giống như lấy lông rùa trói gió vào đầu ngọn cây.

Lông rùa”, “sừng thỏ” là hai hình ảnh mà Thiền tông thường dùng để mỗi khi đề cập đến tư tưởng “Tánh không” với dụng ý “phá chấp”. Ở đây, Cụ Sắc còn sáng tạo ra hai hình tượng mới là “khêu đàm đê nguyệt” (khều bóng trăng dưới đáy nước) và “phược thọ đầu phong” (trói gió vào đầu ngọn cây).

Như thế, chấn hưng đạo Phật có phải là vận động tiền của tín đồ để đúc tượng lớn, xây chùa to? Hai câu đối trên ông viết tặng chùa Kim Tiên năm 1922, nhân khi chùa này mới trùng tu xong và làm lễ khánh thành, theo lời thỉnh cầu của Hương quản Siếu (Nguyễn Thành Long), một điền chủ góp nhiều tiền bạc trùng tu chùa. Nguyễn Sinh Huy đã dẫn lời Thích Ca (trong kinh Kim Cang) để viết, với thâm ý phê phán những kẻ chấn hưng Phật giáo bằng hình thức bên ngoài là kẻ ngu muội, đi theo con đường phi lý để tìm cái phi lý…

Ngược lại về phía Nguyễn Sinh Huy, ông tiếp xúc với rất nhiều nhà sư nhưng ông thấy ở nhà sư Khánh Hòa có nhiều điểm đặc biệt đối với các nhà sư khác:

- Có chí cầu học: Ở chùa Khải Tường, năm 1907, ông về trụ trì chùa Tiên Linh. Ông đắc pháp với thiền sư Đạt Thụy và có pháp hiệu là Như Trí. Ông rất có chí cầu học, hễ nghe ở đâu có bực cao tăng là tìm tới để thọ giáo. Năm hai mươi tám tuổi, trong kỳ kết hạ tại chùa Long Hoa ở quận Gò Vấp, Gia Định, ông được mời giảng kinh Kim Cương Chư Gia cho đại chúng. Đây là lần đầu ông làm giảng sư Phật học. Ông được các bậc tôn túc khen ngợi và từ đó tiếng tăm của ông được đồn xa.

- Sư Khánh Hòa là người quan tâm đến tiền đồ Phật giáo Nam Bộ, năng nổ đi lại liên kết với nhiều nhà sư, nhân sĩ… đồng chí hướng, đặt nền móng cho phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ. Nhà sư là người có nhiều khả năng vận động tổ chức, quy tụ được nhiều người ngoài nhà chùa ủng hộ phong trào. Năm 1923, trong một buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ông, một tổ chức tăng sĩ được thiết lập gọi là Hội Lục Hòa Liên hiệp với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam Toàn Quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo. Trong số những người cộng sự của ông, có một vị tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tên là Thiện Chiếu. Thiện Chiếu khác hẳn với hầu hết các tăng sĩ đương thời, vì ông là người tân học xuất gia. Năm 1927, Thiện Chiếu được ông gửi ra Bắc để vận động…

Trong thời điểm này, chấn hưng Phật giáo không chỉ thuần túy là một phong trào tôn giáo mà còn là một phong trào vận động chấn hưng, bảo vệ văn hóa dân tộc, một hoạt động yêu nước. Nên phong trào chẳng những thu hút các cao tăng, các cư sĩ mà còn lôi cuốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà hoạt động yêu nước. Sự hiện diện của luật sư Trịnh Đình Thảo, nhà báo Trần Huy Liệu, bác sĩ Lê Đình Thám, Tôn Thất Tùng… trong phong trào chấn hưng Phật giáo từ Nam đến Bắc càng khẳng định bản chất của phong trào…

Phó bảng Nguyễn Sinh Huy là người ủng hộ cuộc vận động chấn hưng Phật giáo nhiệt tình. Ông đã làm một câu đối tặng Hòa thượng Nhất Trí (tức Khánh Hòa). Qua nội dung câu đối chúng ta thấy được ông Phó bảng vừa ca ngợi, tán dương công đức của sư Khánh Hòa đối với phong trào, vừa thể hiện rõ tư tưởng và nhiệt tình của ông về công cuộc uốn nắn, hướng dẫn những tín đồ kể cả một số nhà sư mê muội… sớm quay về với chánh pháp.

Như thị Như Lai, xuất thế khai thông, hướng dẫn mê đồ quy Phật pháp.

Trí vi trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào trí thức thượng thiên lai.

Dịch nghĩa:

Giống như Như Lai, đã xuất thế khai thông, nhưng vẫn hướng dẫn những tín đồ mê muội quay về chánh pháp của đạo.

Trí như trí giả, hiện thân thuyết pháp, hô hào trí thức như từ trên cõi trời xuống.

Thấy như chưa đủ, ông Phó bảng còn tặng cho chùa Tiên Linh, nơi sư Khánh Hòa đang trụ trì, cũng là nơi đặt cơ quan đầu não của phong trào đôi đối như sau:

Tiên tức Phật, Phật tức tâm, bát vạn trầm lạc đô tịnh tâm.

Linh như hư, hư như giác tam thiên thế giới tổng bao hàm.

Dịch nghĩa:

Tiên là Phật, Phật ở trong tâm, tám vạn khổ đau đều do tâm tạo ra.

Linh như không có, không có mà có, ba ngàn thế giới đều nằm trong đó – tức nằm trong tâm.

Câu đối khoán thủ hai chữ Tiên Linh, một từ riêng không phải của nhà Phật, thật là đại tài. Qua nội dung câu đối này cũng đủ chứng tỏ cho ta thấy ông am tường triết lý Phật học đến độ nào; không phải nhà sư nào của lĩnh hội được đến mức độ đó và ông đã đem cái kiến thức mình lĩnh hội được trao đổi với nhà sư Khánh Hòa để vận dụng vào phong trào. Nhân tặng câu đối này, ông cũng gợi ý sư Khánh Hòa nên đổi tên chùa thành Tuyên Linh.

Ngoài những lúc gặp nhau ở Sài Gòn, hai người thường gặp ở chùa Tuyên Linh. Vào khoảng cuối năm 1926, Nguyễn Sinh Huy đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tiên Linh một thời gian. Trong thời gian lưu trú tại chùa, dưới sự bảo trợ của sư Khánh Hòa, ông Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa bàn việc dân, việc nước. Ở đây, Nguyễn Sinh Huy cũng gặp gỡ các ông: Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát (Hương lễ Đấu) và giới thiệu họ cho Phan Trọng Bình; trong số đó, sau này có người trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre10.

Năm 1930, nhân dịp chùa được trùng tu, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đổi tên Tiên Linh Tự thành Tuyên Linh Tự theo gợi ý của Nguyễn Sinh Huy trước đây. Từ đấy, chùa được gọi bằng tên mới: Tuyên Linh.

Quan điểm chấn hưng Phật giáo của Nguyễn Sinh Huy, theo Phật là nhập thế, phải hòa mình với xã hội, phải biết, hiểu được cái nhục mất nước và phải chống lại nạn ngoại bang đô hộ, không phải ngồi tụng kinh gõ mõ như trước được như hai câu đối trước chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Chính quan điểm này, qua mối quan hệ với sư Khánh Hòa, làm cho phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ mang nội dung tích cực hơn so với phong ở Trung và Bắc

Với năng lực uyên bác về triết lý Phật học và nhiệt tâm, Nguyễn Sinh Huy vô hình trung trở thành cố vấn cho Hòa thượng Khánh Hòa trong công cuộc tổ chức xây dựng Phật giáo Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Chính vì thế, trong tạp chí “Phật học duy tâm” năm 1935 đã viết: “Cụ Sắc đã gợi ý sáng tỏ cho cụ Khánh Hòa là phải tổ chức, có tổ chức mới có cơ sở để làm việc, để tạo thế mạnh và hoàn đạo, phải tổ chức thành Hội Phật giáo. Bấy lâu cụ Khánh Hòa có ý đó, giờ đây được Cụ Sắc làm sáng tỏ hẳn lên và Cụ Sắc trở thành một lý thuyết gia của cụ Khánh Hòa11.

 


* Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội KHLS Đồng Tháp.

1. Nguyễn Hữu Hiếu (2005), Nguyễn Sinh Huy, chân dung một nhà Nho, Hội KHLS Đồng Tháp, tr. 89-91.

2. Nguyễn Hữu Hiếu-Ngô Bé (1990), Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đồng Tháp, tr. 85-88.

3. Nguyễn Hữu Hiếu-Ngô Bé (1990), Sđd, tr.123-124.

4. Theo hồ sơ của mật thám Pháp số A. 3780 I, lập để theo dõi hành tung Nguyễn Sinh Huy.

5. Trương Ngọc Tường, Kỷ yếu hội thảo khoa học về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Ban Tuyên giáo Đồng Tháp, 1990, tr. 210.

6. Cụ nói với Phan Trọng Bình, phái viên đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội lúc mới về Sài Gòn 1926 (do ông Hà Huy Giáp kể tại Hội thảo khoa học về Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp ngày 11-12/01/1990).

7. Theo hồ sơ của mật thám Pháp số A. 3780 I, lập để theo dõi hành tung Nguyễn Sinh Huy.

8. Trần Văn Giàu – Triết học và tư tưởng, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1988.

9. Người dân Nam kỳ có thói quen gọi các nhà Nho, không nói giọng miền Nam là ông “Thầy Huế”.

10. Nguyễn Hữu Hiếu-Ngô Bé (1990), Sđd, tr. 136-138.

11. Khánh Vân (1935), Phật học duy tâm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6952536