Thông tin

PHÓNG SINH

PHÓNG SINH

 

NGUYỄN HOÀNG DUY

 


 

Bà lão đứng tần ngần trước cổng chùa, nơi có nhiều chiếc xe bán chim phóng sinh đậu kín vỉa hè. Bà bước lại một xe vắng khách nhất và nói:

- Cậu bán cho tôi 3 chú chim nhé!

    Tay bán chim đưa cặp mắt khó chịu nhìn bà lão rồi nói:

- Sang trọng thế mà mua chỉ có 3 con sao? Mua một chục đi, tôi để rẻ cho.

- Thôi, tôi chỉ có ít tiền trong túi. Cậu có bán thì tôi mua.

- Được rồi! Tôi bán!

Tay bán chim miễn cưỡng bỏ 3 chú chim vào lồng nhỏ rồi hối thúc bà lão:

- Bà thả nhanh đi để tôi lấy chiếc lồng lại. Phiền phức quá!

- Tôi không có phóng sinh.

- Thế bà mua về nuôi à?

- Đó là chuyện của tôi. Cậu bán luôn cho tôi chiếc lồng đi.

Tay bán chim vừa bất ngờ vừa khó chịu, nhưng cũng nhanh nhảu bán cho bà lão để bà đi cho nhanh.

Sau khi thanh toán tiền xong, bà lão gọi xe ôm. Lúc ngoảnh đầu nhìn lại, bà thấy gã bán chim khi nãy lấy giấy đốt phong long như kẻ lên đồng. Trên đường về nhà, ba chú chim trong lồng bắt đầu nhốn nháo, lo sợ nên cứ bay loạn xạ cố thoát ra khỏi chiếc lồng gỗ. Chú chim Sắc bực mình quát:

- Các cậu có thôi đi không! Tôi đang rối mà hai cậu còn làm tôi lo hơn.

- Đứng yên một chỗ thảnh thơi như cậu ư? - Chim Sẻ lên tiếng- Cậu có biết chúng ta sắp chết không hả? Có thể bà lão mua chúng ta về làm thịt đấy!

Chim Sâu hốt hoảng:

- Thế thì nguy to! Tụi mình sẽ không còn được gặp các bạn cũ nữa rồi.

Thấy hai bạn mình cụp cánh khóc thút thít, chim Sắc bảo:

- Các bạn nghĩ chúng ta về lại chiếc lồng cũ của tay bán chim lừa đảo là an toàn sao? Hắn ta cắt cánh chúng ta, dùng chim mồi dụ chúng ta không bay đi xa được. Theo mình, nơi đó chẳng khác nào địa ngục trần gian.

- Chim Sâu: Chẳng thà như vậy còn tốt hơn. Ít ra chúng ta cũng sống được một quãng thời gian, được trò chuyện cùng bạn bè, được ca hát, được mọi người nâng niu thả tung lên trời cao…

- Chim Sắc: Cậu có thôi những suy nghĩ lãng mạn ngay không! Cậu có biết loài chim phóng sinh như chúng ta đã chịu quá nhiều đau khổ chưa? Cậu không nhớ lần trước cậu vừa được Phật tử thả lên trời là té xuống đất ngay, suýt bị giẫm chết rồi còn gì. Cũng tại cái gã bán chim, hắn cắt cánh chúng ta quá mỏng nên chúng ta mất thăng bằng, bay không nổi. Chỉ có một lồng chim vài trăm con thôi mà hắn bán ngày này qua tháng khác không hết vì dùng chiêu chim mồi. Cứ mỗi lần chúng ta mạnh khỏe sắp được giải thoát thì cái lão chim mồi gọi dụ trở lại… Thành ra lòng từ tâm của Phật tử bị gã bán chim phá hỏng.

- Chim Sẻ: Đành vậy còn hơn chúng ta bị đem lên chảo rang.

- Chim Sắc: Đừng lo nữa, biết đâu bà lão là người tốt bụng.

Vừa về đến nhà, bà lão vội vàng mang lồng chim treo trong khuôn viên rồi mang cơm, nước cho ba chú chim ăn. Khuôn viên nhà bà lão khá rộng, đẹp và thoáng mát. Nơi đây có nhiều loài hoa tỏa hương ngào ngạt, cây xanh rợp bóng, gió thì thổi nhẹ du dương. Hít một hơi không khí trong lành, chim Sắc nói:

- Đấy, các cậu thấy tớ nói đúng chưa. Bà lão là người tốt, cho mình ăn cơm, uống nước, còn chọn nơi xinh đẹp cho mình ở.

- Chim Sâu: Chưa chắc! Biết đâu bà lão vỗ béo ba chúng ta rồi vặt lông thì sao. Hãy chờ xem. Nhưng trước tiên chúng ta phải ăn thôi, đói lắm rồi nè!

Ba chú chim ăn một cách mê say đến nỗi bầu diều căng cứng. Cả ba ngã mình ra rỉa lông rỉa cánh rồi chìm vào giấc ngủ, quên hết mọi sầu đau của quá khứ. Đã lâu lắm, rồi ba chú chim mới có được một ngày yên bình, hạnh phúc như thế này. Khi còn ở trong lồng sắt, ngày nào ba chú chim cũng phải inh tai vì tiếng còi xe, mệt nhoài vì cảnh bay-bắt (tức là bay xong rồi lại bị bắt vào lồng tiếp). Cái vòng tuần hoàn lẩn quẩn khiến ba chú chim quên mất tổ tông, quên luôn trời cao mây trong và những rừng cây xanh mướt. Giờ như được giải phóng khỏi chế độ chiếm hữu nô lệ, những chú chim nhà ta sung sướng ngủ một mạch cho đến chiều tối. Khi bà lão ra vườn thò tay vào lồng chim thì ba chú chim mới giật mình thức giấc. Chú chim Sẻ la lên:

- Chết rồi, bà lão mang chúng ta đi làm thịt. Sẻ chỉ kịp nói một câu thì bà lão đã mang chú vào nhà. Bà lấy khăn ướt lau sạch bộ lông, chân, mỏ cho Sẻ, rồi còn dùng khăn bàn lông ủ ấm. Lần lượt, ba chú chim được bà tỉ mẩn tắm gội. Khi việc vệ sinh cá nhân hoàn tất, ba chú chim mới thở phào nhẹ nhõm.

- Chim Sâu: Hóa ra bà lão tắm rửa cho chúng ta. Mình nghĩ bà ta cũng tốt đấy.

- Chim Sẻ: Tạm thời là thế! Nhưng biết đâu ngày mai…

- Chim Sắc: Các cậu cứ hay đa nghi. Mình tin bà là một người tốt bụng.

Ngày qua ngày, các chú chim được bà lão chăm sóc, nâng niu như trứng mỏng. Cả ba béo núc lên trông thấy rõ. Cánh được thay lông, dài ra gấp đôi so với trước đây. Từ nghi ngờ, ba chú chim suy nghĩ lại và thầm cảm ơn bà lão. Cả ba đã lớn, đã trưởng thành, kể cả trong cách nghĩ. Bỗng dưng Sẻ, Sâu, Sắc lại muốn được sống với bà lão suốt đời.

Nhưng một ngày kia, bà lão mang lồng chim ra sau vườn nhà và nói:

- Đến lúc bà cho các con về với cội với nguồn rồi. Hồi trước, bà biết gã bán chim hành hạ các con, lừa bịp bà, vì vậy mà bà không phóng sinh ngay lúc ấy. Bà muốn nuôi cho các con mạnh khỏe, chắc da chắc thịt rồi về với trời xanh. Bây giờ thì bay cao đi và đừng để con người giăng bẫy nữa.

Ba chú chim được thả ra, theo phản xạ tự nhiên, chúng bay vút lên trời cao. Nhưng rồi thoáng chốc, chúng lại bay ngược trở về lồng. Dù không hiểu biết tiếng người, không biết bà lão đã thì thầm vào tai chúng những gì, nhưng chúng biết tấm lòng bà lão từ bi như Bồ tát. Chúng không nỡ xa bà lão nên quyến luyến quay về.

- Bay đi! Về với tổ tiên đi! - Bà lão bảo - Sống trong lồng, dù có bằng vàng cũng là tù ngục. Hãy về với rừng xanh của các con, bắt đầu cuộc sống mới.

Bà lão khoát tay để ba chú chim bay đi. Dù buồn, nhưng vì sứ mệnh của một loài chim, Sẻ, Sâu và Sắc vội vàng cất cánh bay cao đi tìm sự sống mới.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 132
    • Số lượt truy cập : 6946819