Thông tin

PHONG THÁI BI TRÍ DŨNG

NƠI BẬC TÚC NHO LA SƠN PHU TỬ

 

TS. LÊ SƠN*

 

Xứ Nghệ là đất học, là cái nôi nuôi dưỡng văn học. Xứ Nghệ còn là nơi hun đúc những nhà tư tưởng bậc thầy thời chữ Nho như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nam Sơn phu tử Nguyễn Đức Đạt,... và trong thời đại ngày nay nhà Đông phương học nổi tiếng Cao Xuân Huy, đặc biệt là nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh.

Kể từ thời Hậu Lê trở về sau, nói đến học là nói đến cái học khoa cử, sở học nhà Nho, người ta tôn vinh Nho sĩ và cho rằng sở học nhà Nho đào tạo nên những bậc hiền tài. Người ta gắn sở học nhà Nho với vận mệnh của đất nước, rồi quàng lên vai người Nho sĩ tất cả mọi điều vinh quang, khiến cho các sở học khác bị lu mờ dần: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước hùng mạnh phấn phát, nguyên khí yếu thì thế nước suy nhược đắm chìm. Cho nên các bậc thánh vương sáng suốt không ai không đặt lên hàng đầu việc nuôi dưỡng hiền tài, tuyển người tài năng trị nước để vun bồi nguyên khí quốc gia.

Bởi quan hệ giữa người tài với quốc gia quan trọng đến như thế, nên ý sùng thượng mới tột cùng. Đã làm vẻ vang bằng thanh danh khoa bảng, lại còn phát huy bằng chức tước phẩm trật. Ơn vua đã đến độ nhuần thấm, mà vẫn cho là chưa đủ, còn nêu tên long trọng nơi tháp nhạn, xưng hô oai vệ là rồng là cọp, mở tiệc mừng cho triều đình được thêm người tài.

Không gì là không tôn vinh đến cùng cực.

Thế mà ngày nay, thánh triều lại cho rằng, những việc tôn vinh linh đình như thế, tuy có vinh hiển nhất thời, nhưng chưa đủ làm cho tiếng thơm lưu truyền lâu dài được. Cho nên lại cho dựng bia đá đề tên, đặt long trọng nơi chỗ thánh hiền, để cho đông đảo sĩ tử chiêm ngưỡng, nảy lòng hâm mộ mà phấn khởi gắng tô danh tiết, phò tá triều đình.

Sùng thượng Nho học đến như thế quả là tột bậc"[1].

Đó là cái học được thời Hậu Lê xiển dương và được duy trì cho đến hết các triều đại phong kiến tại nước ta. Các triều đại phong kiến nước ta đều lấy sở học nhà Nho làm khuôn mẫu đào tạo và tuyển chọn người tài ra cai trị đất nước. Triều Hậu Lê với nhà vua tài trí Lê Thánh Tông, với những chiến công hiển hách, và sự nghiệp văn hóa mà ông gây dựng nên thật hoành trán. Chính vua Lê Thánh Tông đã giao Ngô Sĩ Liên soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử kinh điển của nước ta. Chính vua Lê Thánh Tông cho lập ra thư viện nhà nước đầu tiên gọi là "kho Bì Thư". Chính vua Lê Thánh Tông đã lập ra bộ luật Hồng Đức, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Chính vua Lê Thánh Tông đã lập hội thơ đầu tiên ở nước ta, là hội Tao Đàn, khởi động việc đưa văn Nôm lên tầm văn học, sóng đôi với văn Hán. Người ta phải tán tụng: "Nhờ có vua Thánh Tông thì văn hóa nước Nam mới thịnh"[2].

Hệ tư tưởng Nho giáo vốn là công cụ tổ chức xã hội của nhà nước phong kiến. Nho giáo với hệ thống tam cương ngũ thường ràng buộc từ dưới lên trên hết sức cụ thể và rất chặc chẽ, là một mô hình cai trị lý tưởng, một triết lý chính trị rất có hệ thống mà bất cứ triều đại phong kiến nào cũng mơ ước và họ đã không ngừng bổ sung hoàn chỉnh nó trong suốt quá trình lịch sử chế độ phong kiến vài ngàn năm qua.

Thế nhưng, để cho bộ khung ấy được hoạt động đồng bộ và nhịp nhàng thì không phải là chuyện dễ làm và không phải triều đại hay nhà vua nào cũng làm được. Nói theo cách của La Sơn phu tử thì người giỏi mới làm được, người không giỏi không làm được.

Gia Long chiếm được Phú Xuân, Quang Toản đã chạy ra Bắc, người không chạy kịp đều sợ hãi. Tiên sinh [Nguyễn Thiếp] ngồi đứng như thường, cư xử thản nhiên. Lính vệ sĩ về mách lại rằng có người hình trạng như thế. Gia Long vốn nghe tiếng cụ, bảo: Đó chắc là ông Lục Niên [Nguyễn Thiếp]. Bèn triệu cụ tới, tiếp đãi rất có lễ. "Gia Long hỏi [kháy] cụ: Ngụy Tây mời Tiên sinh làm thầy, vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?[mà nó thua tôi]. Cụ trả lời: Có 8 điều trong sách Đại học, có chín đường trong sách Trung Dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được. Gia Long khen cụ nói hay, trọng đãi cụ. Cụ ở lại mười ngày rồi xin về"[3].

Nhưng một xã hội theo bộ khung Nho giáo cũng lại dễ dẫn đến tình trạng xơ cứng, bảo thủ mà sau này bị người ta quy cho sở học nhà Nho. Bao nhiêu cái hại từ việc vận dụng cứng nhắc "chữ Lễ", "chữ Tín", "chữ Hiếu", "chữ Trung"… cũng đã xuất hiện nhiều trong lịch sử và đều bị dư luận xã hội không đồng tình, nếu không nói là bị dư luận xã hội phê phán.

Chỉ 30 năm sau khi vua Lê Thánh Tông qua đời (1497), nhà Mạc lên nắm quyền (1527) thì nước ta bị rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc triền miên kéo dài hơn 300 năm. Tại sao như vậy?

Một nhà học giả uyên bác xứ Nghệ, cụ Cao Xuân Huy cho rằng Nho giáo dễ rơi vào chủ quan, tạo nên tinh thần sùng bái một chiều dẫn đến tệ bảo thủ cứng nhắt của giới thống trị.

Như thế thì làm nhà túc nho thôi chua đủ, thời Lý Trần kéo dài suốt 400 năm, thời kỳ xã hội có thể gọi là khá ổn định. Đó là thời kỳ triều đình chuộng sở học "Tam giáo". Thời ấy, triều đình xiển dương cả ba tôn giáo gọi là thời "tam giáo đồng nguyên", triều đình tuyển người ra làm quan phải giỏi cả ba sở học Nho - Phật - Lão được lý giải: "Quy luật đặc sắc về tiến trình phát triển của tư tưởng dân tộc - quy luật luôn luôn hóa giải mọi sự độc tôn về ý thức hệ bằng cách tạo nên một đời sống tâm linh phong phú, thăng bằng"[4].

Cao Xuân Huy đề cập đến hiện tượng "cân bằng tâm thức xã hội" là nhu cầu không thể thiếu rong việc ổn định xã hội, cái mà Nho giáo không bao giờ để tâm bàn đến. Sở học Phật - Lão cần thiết trong một xã hội vận hành theo mô hình thiết chế Nho giáo: "Thực chất cũng chỉ là một hiện tượng cân bằng vị thế, trên phương diện tâm thức xã hội, nhằm điều hòa trở lại sức ép của hệ tư tưởng Nho giáo vốn là công cụ tổ chức xã hội của nhà nước chuyên chế"[5].

Nguyễn Thiếp thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu, 21 tuổi đậu Thủ khoa thi Hương. Một Giải nguyên tân khoa trẻ tuổi phải là người giỏi sở học nhà Nho, con đường tiến thân sáng rực. Nhưng vị Giải nguyên trẻ tuổi này không theo đường khoa danh mà chọn đường xử sĩ, có lẽ vì thấy thời cuộc không phù hợp. Ông chuyên chú nghiên cứu sâu các sách Tính lý, Ngũ kinh, Tứ truyện, Chu lễ, Nghi lễ cận tư lục, Chu tử toàn tập. Đó là các sách Nho kinh điển. Cụ ngưỡng mộ đạo Khổng một cách rất chân thành. Nổi tiếng là bậc thông tuệ học Nho. Thời bấy giờ người ta nói nhân tài nước Nam có 3 người: “Đạo học sâu xa thì Lạp sơn xử sĩ (La Sơn phu tử), văn chương phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài thì chỉ có Nguyễn Huy Tự”.

Chúa Trịnh Sâm nghe tiếng ông là người “rất có học hạnh”, trân trọng  vời cụ ra Thăng Long. Trịnh Sâm hỏi ý cụ về việc phế vua Lê, để họ Trịnh lên làm vua, cụ cho là không phải đạo. Cụ trực diện và nói không với Trịnh Sâm, một người đang tham vọng ngôi vua của nhà Lê. Làm trái ý một người quyền lực là chuyện khó làm, huống hồ người ấy lại đang nung nấu tham vọng thì lại càng khó hơn. Vả lại, điều đáng quan tâm ở đây là Trịnh Sâm đã không làm gì nặng tay với cụ, trong khi đồng thời với cụ, nhà Nho Vũ Trần Triệu phải chết: “Trịnh Sâm nhân tuế cống sang Thanh Triều, mật biểu tâu rằng nhà Lê không có con cháu tốt. Lại dặn Vũ Trần Triệu đem việc ấy tâu với vua Thanh và sai quan nội giám đi theo, mang của báu để hối lộ cầu phong, Đến hồ Động Đình, Vũ Trần Triệu thác bệnh. Ban đêm, trước mặt sứ bộ, đem tờ biểu đốt đi, rồi uống thuốc độc chết”[6].

Ông về quê chịu sống cành nghèo nàn, khi tuổi đã sáu mươi. Bấy giờ vận nước rối bời, dân tình khốn đốn.

Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất, nghe danh ông, viết thơ mời ông, lời thư tôn trọng, lễ vật rất hậu. Ông phúc đáp và trả lại thư mời cùng lễ vật. Ông khéo léo từ chối. Nhưng Nguyễn Huệ là một con người rất mạnh mẽ, đã tính làm việc gì thì theo đuổi đến kỳ cùng. Trước khi ra Bắc lần hai Nguyễn Huệ lại gởi thư cho ông, lời lẽ thống thiết hơn, ý trân trọng còn hơn thư trước. Ông lại viết thư trả lời vẫn là lời từ chối. Nguyễn Huệ không bằng lòng, nhưng vẫn kính trọng ông, muốn mời ra làm việc cho kỳ được, viết thư lần thứ ba, lời thư thật thống thiết, biện bác chặc chẽ, khéo léo. Ông vẫn không chịu ra.

Nguyễn Huệ vốn rất có uy, không một ai dám trái lệnh mình. Nhưng trước một Nguyễn Thiếp gởi thư mời ba lần, đều bị từ chối cả ba lần, Nguyễn Huệ không khỏi ngạc nhiên, lại quyết muốn gặp cho được. Nhân việc Nguyễn Huệ ra Thăng Long giải quyết vụ Vũ Văn Nhậm, gỏi thư trước cho ông hẹn gặp tại trại quân ở Nghệ An.

Ông tới, Nguyễn Huệ trách việc ba lần mời mà ông không thèm ra, chắc ông cho Huệ chỉ là một tên giặc cỏ, không đáng mặt anh hùng. Ông không hề nao núng, thong thả trả lời. Sử viết rằng nghe ông nói, Nguyễn Huệ phải biến sắc mặt, cho người hộ tống ông về nhà. Nên biết rằng nơi Nguyễn Huệ tiếp Nguyễn Thiếp cũng là noi Trương Phụ tiếp Nguyễn Biểu. Nguyễn Biểu đã lấy lời chính trực đối đáp, bị Trương Phụ giết. Khi La Sơn phu tử đến gặp Nguyễn Huệ, hẳn là có quân đội hộ tống. Nói là hộ tống mà thật tình thì nếu không đi đâu được yên, chắc ông phải liên tưởng đến chuyện xưa. Ông đã trả lời chân thật, mạnh bạo đại ý:“Họ Trịnh tiếm quyền đã hai trăm năm. Tướng quân đánh một trận mà dứt được, lấy đất đai trả lại cho nhà Lê, như thế ai nói là không phải anh hùng, Nếu nhân người nguy, lợi dụng tai họa người, nếu trước vì nghĩa, mà sau vì lợi, thì là gian hùng”[7].

Nguyễn Huệ thực bụng đâu có phù Lê, ông nói thế khác chi mắng Nguyễn Huệ gian hùng, nhưng Nguyễn Huệ không tỏ vẻ giận ông, chỉ lái câu chuyện sang hướng khác.

Khi vua Quang Trung kéo quân ra đánh quân Thanh, đến Nghệ An lại cho triệu ông đến hỏi mẹo đánh và giữ, cơ được hay thua. Lúc này Nguyễn Thiếp và Quang Trung mới thật sự tương đắc vì Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào xâm lược, đẩy bao nhiêu công lao nhà Lê xuống tới bùn, tấm lòng trung quân với nhà Lê của giới Nho sĩ phải bị cạn gần hết để dành chỗ cho tinh thần yêu nước chống ngoại xâm. Hình tượng Quang Trung bấy giờ trở thành hình ảnh của vị lãnh tụ của lực lượng kháng chiến chống xâm lược, một vị chúa công.  Nguyễn Thiếp trả lời: “Nay trong nước trống không, nhân tâm tan nát. Quân Thanh xa đến, không biết tình hình quân ta mạnh yếu thế nào, khó dễ thế nào, nên chúng chưa biết chiến thủ thế nào, lại có bụng khinh địch. Chúa công ra đó, nếu đánh gấp thì không quá mười ngày, sẽ bình được giặc Thanh”.

Quang Trung mừng lắm khen: “Ông nói hợp ý ta lắm”.

Sau này trong một bức thư gởi cho cụ, Quang Trung viết: “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật”[8].

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là người được ba vị vua chúa đối nghịch nhau triệu vời và trực tiếp chuyện trò với từng người. Riêng đối với Quang Trung như một đôi tri kỷ dù nhận ra nhau hơi muộn và không được lâu. Còn với chúa Trịnh Sâm và vua Gia Long, ông đối đáp thẳng thắn, mà được yên thân, quả là không phải ai cũng hành xử được như vậy.

Ông là một vị túc Nho, hẳn như thế rồi, nhưng thời bấy giờ nhiều vị túc nho khác không được như ông. Nhận thức của xã hội thời bấy giờ của người đời về người Nho sĩ, giống như sợi dây trói vô hình không dễ thoát ra được.

Khi ông bị nhà Tây Sơn triệu lần thứ tư, thì ông mới bằng lòng giúp, bấy giờ giới sĩ phu xầm xì bàn tán, không còn trọng ông như trước, thậm chí có người mạt sát ông. Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, nhiều nhà Nho chạy theo, họ xem lỏng trung quân cao hơn tội bán nước, thì rõ là sai quá đi rồi, nhưng lúc bấy giờ có mấy Nho sĩ nhận thức được điều đó, vì trong quan niệm của họ vua tức là nước, dù là vua bán nước. Có lẽ, bấy giờ họ chưa nhận thức rành rẽ được hành vi của Lê Chiêu Thống đồng nghĩa với hành vi bán nước. Họ đánh đồng vua Lê Chiêu Thống với vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thánh Tông. Thật là mê muội!

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là một nhà túc Nho, đã không để sa vào sự mê lầm tai hại như thề. Ông vẫn kiên trì tấm lòng trung nghĩa với nhà Lê, khi đối diện với trịnh sâm và Nguyễn Huệ, nhưng khi Lê Chiêu Thống đi ngược lại quyền lợi của đất nước thì cụ tỏ ra sáng suốt, dứt khoát đứng về phía kháng chiến.

La Sơn phu tử lúc nào cũng giữ được phong thái ung dung dù trong tình cảnh biến đổi ghê gớm, như trong tình cảnh cụ thuộc phe bại trậnTây Sơn đang nằm trong vòng quản lý của phe đối nghịch thắng trận tại Huế. Trong tình cảnh ấy, người Nho sĩ thường tự tìm cái chết để giữ tròn danh tiết, hoặc giả dạng để lẩn trốn. Phong thái của La Sơn phu tử là BI TRÍ DŨNG, chỉ thấy nơi các vị đại cao tăng đạo cao dức trọng.

Trong văn thơ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, chỉ thấy tư tưởng Nho học bao trùm. Nhưng có một bài thơ Nôm "Chơi chùa Hương Tích” của ông có câu: 

Gởi lời nhắn với chàng Tô,

Ông Xương Lê ấy bây giờ ra chi?

Chàng Tô là thi hào Tô Đông Pha có bài văn Triều Châu Hàn văn công miếu bi ca tụng Hàn Dũ (Hàn Xương Lê), người kịch liệt bài bác đạo Phật. Câu thơ trên, cho thấy La Sơn phu tử chê cười việc bài Phật cùa Hàn Dũ.

Bà nội La Sơn phu tử là một người tán dương tư tưởng đạo Phật nhiệt thành và thực hành ngay trong cuộc sống: “Bà thường bảo các con rằng: Trữ của nhiều không bố thí, người xưa lấy thế làm khinh. Nhà ta của cải không thiếu, sao chẳng giảm bớt tội mình, dể cho đạt ý ta”[9].

Lẽ nào một người phụ nữ mạnh mẽ như vậy đã không tạo nên ảnh hưởng đậm đà trên đứa cháu nội.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là một bậc túc Nho, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nền tảng, đã không sa vào định kiến hẹp hòi, sống trong một giai đoạn lịch sử hết sức khắc nghiệt, ông vẫn giữ được phong thái của một nhà trí thức Việt Nam đích thực, đáng làm điển hình cho mọi thời đại.

Tiến sĩ Lê Sơn
(Lê Sơn Phương Ngọc)

 


Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử,

2. Cao Xuân Huy - Nguyễn Huệ Chi, Tư tưởng phương Đông gợi những

điểm nhìn tham chiếu.

3. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược.

4. Thân Nhân Trung, Đại Bảo tam niên Nhâm tuất khoa tiến sĩ đề danh ký. (Bản chữ Hán).

5. Cổ văn quán chỉ (bản chữ Hán)



*Ban Phật giáo Việt Nam

[1]Thân Nhân Trung, Đại Bảo tam niên Nhâm tuất khoa tiến sĩ đề danh ký

[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tr. 267.

[3]Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, tr 216.

[4] Cao Xuân Huy - Nguyễn Huệ Chi, Tư tưởng phương Đông gợi những  điểm nhìn tham chiếu, các tr. 22,23.

[5] Cao Xuân Huy - Nguyễn Huệ Chi. Tư tưởng phương Đông gợi những  điểm nhìn tham chiếu, tr. 20.

[6] Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, tr 111.

[7] Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, tr 142.

[8] Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, tr 164.

[9] Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, tr 281.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 314
    • Số lượt truy cập : 6948422