Thông tin

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO (1920-1945)

Ở HẢI PHÒNG

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

 


Chùa Dư Hàng xưa

 

Những năm đầu thế kỷ XX, tại Sri Lanca (Tích Lan), Nhật Bản, Ấn Độ, nhất là Trung Hoa đã diễn ra phong trào chấn hưng Phật giáo. Báo “Hải Triều Âm” phổ biến tư duy mới của các nhà sư. Thái Hư đại sư, vị lãnh tụ của Phật giáo Trung Hoa, nêu khẩu hiệu: “Cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế,cách mạng giáo sản”. Việt Nam cũng nằm trong vùng ảnh hưởng này và chịu tác động trực tiếp từ phong trào chấn hưng do Thái Hư đại sư khởi xướng.

Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam khởi từ Nam Kỳ do Hòa thượng Lê Khánh Hòa trụ trì chùa Tiên Linh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre chủ xướng với việc thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp Nam Kỳ, Hòa thượng Như Nhãn - Từ Phong làm Hội trưởng năm 1920 rồi ra tờ Pháp Âm (1929), thành lập Hội Nghiên cứu Phật học Nam Kỳ năm 1931…

Ở Bắc Kỳ, đầu năm 1927, sư Tâm Lai1 về Hải Phòng thăm các thiện tín ủng hộ việc tu tạo chùa Hang (Tiên Lữ động tự) ở làng An Thái, đồn điền Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, nơi ông đang trụ trì. Về đây, sư biết chuyện đạo Cao Đài đã lan tới thành phố, đặc biệt là được đọc bài Nên chấn hưng Phật giáo ởnước nhà của Nguyễn Mục Tiên2 sư “cảm động muốn phát phẫn” và khởi xướng một chương trình chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên, sau khi đọc bài “Chấn hưng Phật giáo ở nước nhà” của sư Thiện Chiếu ở Nam Kỳ3, trong đó chỉ rõ nguyên nhân sự suy vi của Phật giáo Việt Nam và đề ra chương trình chấn hưng gồm ba điểm (Lập Phật học báo quán để truyền bá Phật lý; Lập Phật học gia công học hội để đào tạo những nhà truyền giáo đúng đắn; dịch kinh Phật ra chữ Quốc ngữ để Phật giáo Việt Nam không bị thất nguyên). Sư rất phấn khởi và cho rằng: “Chấn hưng thì cùng một ý, có cái thủ tục thì hơi khác”. Từ đó, ông đưa ra Chương trình 7 điểm4:

1- Lập giảng đàn trong các chùa giảng kinh sách Phật cho các thiện tín.

2- Mượn các nhà văn thông Hán học dịch kinh sách Phật bằng chữ Hán ra Việt văn.

3- Mượn các nhà Pháp học dịch kinh sách Phật bằng chữ Pháp ra Quốc ngữ

4- Lập mỗi chùa một cái thư viện

5- Lập ra ở mỗi chùa một nhà nuôi kẻ khó, cho làm các công việc;

6- Lập ở mỗi chùa một nhà nuôi người tàn tật và nhà cho thuốc cho kẻ đau ốm;

7- Lập ra ở mỗi chùa một nhà nuôi trẻ con mồ côi.

Ngày 9 tháng 2 năm 1927, Tỷ khiêu Tâm Lai đăng tiếp bài “Cáichương trình chấn hưng Phật giáo của tôi” đã cô đọng thành 3 nội dung then chốt5:

1- Việc lập ra Phật giáo tổng hội

2- Việc lập giảng đàn

3- Việc dịch kinh sách nhà Phật

Sau đó, ông tiếp tục bổ sung thêm thành 10 điểm6:

1- Nói về sự lập ra Phật giáo hội

2- Nói về sự lập ra Phật gia công học hội

3- Nói về sự lập ra Phật học thư xã

4- Nói về lập giảng đàn

5- Nói về việc lập trường học cho con cái thiện tín học

6- Nói về việc lập ra thư viện trong các chùa

7- Nói về việc lập ra cuộc y tế trong các chùa

8- Nói về lập nhà bảo cô (trẻ mồ côi)

9- Nói về lập ra nhà nuôi kẻ khó (tàn tật, già cả, cô đơn)

10- Nói về dạy nữ công cho con gái thiện tín.

Các nhà sư ở Hải Phòng, thuộc sơn môn Bà Đá như Tâm Ứng, Tâm Thái (chùa Dư Hàng), Tâm Nhạ, Thượng tọa Nguyên Ân cũng viết bài và lên tiếng ủng hộ làm tăng thêm sức nặng của những đề xuất tâm huyết.

Sau khi có những bài nghị luận của sư ông Tâm Lai đăng trên các tờ Khai hóa nhật báo, Đông Pháp, Thực nghiệp dân báo, một số thiện tín ở Hà Nội gom tiền in thành sách Chấn hưng Phật giáo, dày 86 trang do Long Quang ở phố Hàng Bông in ấn và phát hành, cổ động các nơi7.

Một số việc theo đường hướng chấn hưng Phật giáo do Tỷ khiêu Tâm Lai đề xuất đã được thực hiện ngay trong năm 1927: Hưởng ứng lời kêu gọi chấn hưng Phật giáo của sư ông Tâm Lai, sư cụ Nguyên Ân trụ trì chùa Phương Lăng đề khởi làm nhà Phúc đường ở làng Phương Lăng, tại chùa Vĩnh Bảo và đem chương trình ấy đăng trên Khai Hóanhật báo và tờ Đông Pháp8. Thượng tọa dịch xong Kinh Báo Ân, Sựtích Phật Thích Ca, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa. Sau 4 năm khai thác, được sự ủng hộ của các đạo hữu, thiện tín địa phương và ở Hải Phòng, sư ông Tâm Lai đã hoàn thành việc tu tạo chùa Tiên Lữ (Thái Nguyên). Chùa Phương Lăng còn nuôi 4 trẻ mồ côi. Trong vùng xảy ra dịch tả, sư tổ Nguyên Ân phát vô lượng tâm đi hành khất lấy thuốc về bố thí cứu được gần 200 người. Sư Ngộ Chân Tử tiến hành trùng tu các chùa Quan Âm, Vĩnh Khánh, Văn Đẩu, An Lạc...

Giữa tháng 5 năm 1927, khi biết việc cổ động chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ diễn ra sôi động, trong đó có nhiều ý kiến tán đồng thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Khánh Hòa liền cử Giáo thụ Thiện Chiếu ra Bắc bắt liên lạc với các Tổ đình. Sau khi đến gặp và xin phép Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ, Trưởng Sơn môn Linh Quang - Bà Đá, sư Thiện Chiếu đã lên chùa Hang trình bày nguyện vọng chấn hưng Phật giáo của Phật giáo Nam Kỳ.

Tiếp xúc với một vị sư Nam Kỳ, phẩm phục khác hẳn ngoài Bắc, không đưa pháp giới, nói năng sôi nổi, sư Tâm Lai sau khi bị vu cáo hoạt động chính trị (tham gia Quốc Dân đảng), cảm thấy e ngại không bộc bạch hết chương trình chấn hưng Phật giáo mà ông đã từng đề ra với Thiện Chiếu. Chuyến ra Bắc của Thiện Chiếu kết quả không như mong muốn.

Sư Tâm Lai thoái chí, về chùa Phương Lăng làm Đương gia sau khi Thượng tọa Nguyên Ân viên tịch, phong trào chấn hưng Phật giáo lắng xuống ở xứ Bắc.

Sư Thích Trí Hải9 năm 19 tuổi, khi còn là Sa di, Ngài đã ôm ấp hoài bão chấn hưng Phật giáo, làm cho Phật giáo trở lại đúng như Đức Phật dạy trong kinh điển. Sau 5 năm trời nỗ lực vận động, năm 1929, sư cùng các cộng sự trên cơ sở phỏng theo lối tổ chức Hội Liên Xã ở các sơn môn trước đây lập ra một tổ chức mang tên Lục hòa Tịnh lữ trong chư Tăng ở tỉnh Hà Nam, rồi dần mở rộng sang các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình.

 


Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906 - 1979)

 

Năm 1932, sau khi vận động các Tổ đình lớn như Bà Đá, Hòe Nhai, Liên Phái không được, Lục hòa Tịnh lữ10 quay sang hợp tác với các cư sĩ: Lê Toại, Trần Văn Giác, Thiều Chửu (Nguyễn Hữu Kha), đồng sáng lập Phật học Tùng thư, với mục đích truyền bá lời dạy của Đức Phật thông qua việc in kinh sách, phát rộng rãi trong Phật tử.

Tùng thư đặt trụ sở tại chùa Mai Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tuy khá xa thành thị nhưng vẫn thu hút được nhiều người hâm mộ đạo Phật trong đó có nhiều trí thức, học giả nổi tiếng đương thời như các ông Lê Dư, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh...

Nhờ có Thượng tọa Thái Hòa và các ông Lê Dư, Lê Toại… Phật học Tùng thư chuyển trụ sở lên chùa Quán Sứ (8/4 âm lịch 1934), do sư Trí Hải trụ trì chùa.

Ngày 16 tháng 11 năm 1934, Thống sứ Bắc Kỳ A.Tholance đã ký Nghị định 4282 cho phép thành lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, số 73 phố Richaud11. Hội viên sáng lập gồm 5 Tăng sĩ và 27 cư sĩ. Một Ban Trị sự gồm 13 người với 9 chức danh do Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc làm Chánh hội trưởng; hai Phó hội trưởng là Đốc học Nguyễn Văn Ngọc và ông Nguyễn Quốc Thành, Tham tá Sở Thương chính Hà Nội. Ngoài ra còn cử 11 Ban giúp việc cho Hội: Ban Chứng minh Đạo sư, Ban Giám luật, Ban Công tác, Ban Tài chính, Ban Diễn giảng, Ban Hộ 0niệm, Ban Thanh niên, Ban Khánh tiết, Ban Cứu tế xã hội…12.

Ngày 23 tháng 12 năm 1934, trong lễ đón Hòa thượng Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) về Hà Nội, tại chùa Quán Sứ Chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc nói về mục đích Hội Phật giáo Bắc Kỳ: "Đau xót trước sự lầm than của chúng sinh mà chúngtôi rủ nhau lập Hội Phật giáo... Tăng với tục đồng tâm hiệp lực số sức mở rộng Đạo Phật ra làm thành một tôn giáo có trật tự, có học vấn, khiến cho sự tín ngưỡng của dân chúng được sở cứ vào chỗ chắc chắn vững vàng. Ai nấy sẽ biết theo con đường dũng mãnh, tinh tiến mà bước lên, và đem lòng từ ái mà thi hành ra ở đời, để bớt được nhiều nỗi khổ sở ở cõi trần này"13. Hôm ấy, Tổ Vĩnh Nghiêm sau này, được suy tôn là Thiền gia Pháp chủ cũng chỉ rõ: “Trong chư Tăng có vị nào trước đã chót làm sai tôn chỉcủa Đạo Phật thì kịp nên sửa đổi thân tâm, còn ra thì nên lấy cái nghĩa lục hòa của Phật, bỏ hết mọi sự hiềm kích, của tông nọ, phái kia, một lòng sùng bái Đức Phật chí tôn ra công bảo trợ Hội Phật giáo làm hoàn toàn mọi việc để Phật lý ngày một sương minh, cho quần sinh được vui vẻ nương nhờ dưới bóng Bồ Đề mà thoát khỏi vòng trầm luân khổ ải"14.

Với uy tín của các bậc tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, nhất là đức Pháp chủ Thích Thanh Hanh, là Tổ của hầu hết sơn môn miền Bắc, công tác quản trị lại do các đại thần nguyên là Tổng đốc, Tuần phủ, các quan chức cao cấp của chính quyền bảo hộ, nắm chắc luật pháp, vững về quản lý tài chính, sành về soạn thảo văn bản chữ Pháp, chữ Nho, Quốc ngữ, giỏi ngoại giao. Hội đã đẩy mạnh hoạt động và tiến hành thành lập tổ chức tại các địa phương.

Thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An có số hội viên khá đông đảo. Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra quyết định thành lập Ban Đại lý ở hai địa phương này. Ngày 3 tháng 3 năm 1935, trong biên bản số XIV15, tại cuộc họp của Ban Quản trị, do Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc chủ tọa, đã bàn nhiều việc, trong đó có nội dung: Thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An đã có nhiều hội viên, thì Hội đồng định lập các Ban Đại lý theo như Quy tắc của Hội. Vậy, thành phố Hải Phòng là địa phương đầu tiên của Bắc Kỳ đề nghị lập tổ chức Hội Phật giáo. Ngày 31 tháng 3 năm 1935 (ngày 27 tháng 2 âm lịch), Ban Đại lý Phật giáo thành phố Hải Phòng được thành lập. Trưởng ban bên Tăng là sư cụ Thanh Chân, trụ trì chùa Hoa Linh (chùa Vẽ). Trưởng ban Tại gia là ông Tô Văn Lượng, phán sự Nha Thương chính. Hội quán đặt tại chùa Dư Hàng16. Tiếp đó, ngày 31 tháng 5 năm 1935 (ngày 10 tháng 4 âm lịch), Ban Đại lý Phật giáo tỉnh Kiến An được thành lập, do sư cụ Tâm Đoan (Nguyễn Ngọc Đoan), trụ trì chùa Vĩnh Phúc làng Trữ Khê, phủ Kiến Thụy (nay thuộc quận Kiến An) làm Trưởng ban bên Tăng, Trưởng ban Tại gia là ông Phạm Đức Đẩu, Phán sự sở Vô tuyến điện đã hưu trí. Hội quán đặt tại chùa Lũng Tiên, phố Quy Tức, thị xã Kiến An (nay thuộc quận Kiến An).

Sau khi thành lập, Ban Đại lý Phật giáo Hải Phòng và Kiến An đã có những hoạt động thiết thực. Về phát triển tổ chức: Ngày 9 tháng 2 năm 1936 (ngày 14 tháng giêng âm lịch), Ban Đại lý Phật giáo huyện Kiến Thụy thành lập. Hội quán đặt tại chùa Vĩnh Phúc, làng Trữ Khê (nay thuộc quận Kiến An). Trưởng ban bên Tăng là sư cụ Nguyễn Ngọc Đoan. Trưởng ban Tại gia là ông Nguyễn Năng Viện. Hội trưởng Phật giáo Bắc Kỳ về dự. Tiếp theo là thành lập các Chi hội Phật giáo làng Cổ Am huyện Vĩnh Bảo (hội quán đặt tại chùa Cổ Am) ngày 1 tháng 10 năm 1936, làng Phục Lễ huyện Thủy Nguyên ngày 13 tháng 01 năm 1941, huyện An Dương ngày 26 tháng 6 năm 1941 …

Tháng 3 năm 1938, sư cụ Ngộ Chân Tử thành lập Viện Dục Anh ở Kiến An thu nhận các trẻ em nghèo khổ, mất cha mẹ, thiếu tình thương để nuôi dạy cho ăn học thành tài (tiêu biểu là ông Thất, sau này là đại tá quân đội. Nơi đây cũng là cơ sở hoạt động bí mật của đội quân áo thâm, như ông Trần Văn Tước, cán bộ lão thành cách mạng, trú tại ngõ Hàng Gà, phố Hai Bà Trưng, Quận Lê Chân). Ngoài ra, Ngài còn mở thêm nghề thủ công, để giúp đỡ những người nghèo khó có phương tiện sinh sống. Việc làm này được các chư tôn, thiền đức hết sức tán thán và ủng hộ, vì thể hiện được tinh thần cứu khổ, ban vui của đạo Phật. Ngày 11 tháng 3 năm 1939, Ban kịch Phật giáo Hải Dương đi diễn ở 4 phủ huyện,   đến đâu cũng được hoan nghênh. Tại huyện Vĩnh Bảo (thời kỳ này thuộc tỉnh Hải Dương) Ban kịch thu được 600 đồng tiền vé (tính giá trị khoảng 3-4 tấn gạo). Ông Chánh Đại lý Phật giáo Hải Dương đã mời cụ Hội trưởng Hội Trung ương Nguyễn Năng Quốc và mấy vị cư sĩ xuống xem. Chùa Thiên Hương (chùa Mét), ở huyện Vĩnh Bảo, do cơ ngơi khang trang, rộng rãi nên những năm 30 thế kỷ XX, trong thời kỳ Chấn hưng Phật giáo, đã được sử dụng làm hội trường để thuyết giảng. Tham gia thuyết giảng là các thiền sư nổi tiếng, như Thượng tọa Tố Liên, Thượng tọa Trí Hải, Hòa thượng Hoàng Đình Nghiêm ở Vĩnh Bảo. Các Tăng Ni, cư sĩ ở các Chi hội Phật giáo Hải Phòng đều tham gia các hoạt động của Trung ương Hội tổ chức ở Hà Nội. Năm 1940, trong lễ khánh thành nhà Tổ tại chùa Quán Sứ, trong phiên họp của Đại hội đồng tiến hành sau buổi lễ, có mặt các đại biểu Hải Phòng, như Sư cụ Tâm Thanh (Cổ Am, Vĩnh Bảo), các sư Bùi Thanh Long (My Sơn, Thủy Nguyên) và đại biểu các Chi hội Phật giáo Kiến Thụy, Thủy Nguyên và tỉnh Kiến An, thành phố Hải Phòng... Đại biểu Hải Phòng còn tham gia ý kiến trong các kỳ họp. Tại kỳ họp Đại hội đồng tháng 5 năm 1940, Trưởng Ban Đại lý Phật giáo tại gia, ông Tô Văn Lượng, yêu cầu Hội in lại Điều lệ gửi cho các chi hội để phát cho người xin vào Hội. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó hội trưởng Trung ương Hội, trả lời nay giấy hiếm và đắt nên in lại Điều lệ bằng chữ Quốc ngữ thôi, ông Tô Văn Lượng nhất trí. Các Chi hội Phật giáo Hải Phòng tiếp tục được phát triển, trong kỳ họp Đại hội đồng của Hội Trung ương ngày 25 tháng 5 năm 1941, ngoài các chi hội cũ, còn có thêm các chi hội Phật giáo Phục Lễ huyện Thủy Nguyên, chi hội huyện An Dương (lập ngày 26 tháng 6 năm 1942). Theo báo cáo tổng kết năm 1940, toàn miền Bắc có 80 chi hội (trong danh sách làm được giảng đường, tô tượng, đúc chuông, mở trường, lập nghĩa trang... có chi hội Phật giáo huyện Kiến Thụy).

Cũng tại kỳ họp Đại hội đồng năm 1941 này, đại biểu Tô Văn Lượng (Hải Phòng) đề nghị tờ Đuốc Tuệ ra hằng ngày, cho mở rộng thêm đường ngôn luận. Ông Trần Trọng Kim, trong Đại hội đồng, trả lời chưa thể làm ngay, cần phải nghiên cứu chu đáo rồi mới ấn định được. Tại cuộc họp Ban Đạo sư của Hội, ngày 12 tháng 6 năm 1942, để bầu Chánh đốc giáo, Trưởng ban Thiền học, bầu chánh, phó hưng công, chánh, phó đốc công kiến trúc chùa Hội quán Trung ương Quán Sứ, tham gia có đại biểu chùa Phúc Lâm (Dư Hàng), Chi hội Phật giáo Hải Phòng, Chi hội Phật giáo Kiến An.

Ngày 13 tháng 9 năm 1942, Đại hội đồng họp thường niên thông qua quỹ hội, thu chi và bầu Phó hội trưởng Trung ương Hội. Tham gia kỳ họp có các đại biểu Hải Phòng: Ông Tô Văn Lượng, Uông Chu Niệm (Kiến Thụy), Nguyễn Đăng Trọng (Kiền Bái, Thủy Nguyên). Đại biểu chi hội huyện Kiến Thụy, cùng với các đại biểu tỉnh Nam Định, Hải Dương, đã đề cập cần thống nhất y phục của chư Tăng. Trong cuộc họp, chi hội Kiến An báo cáo đã xây dựng được Hội quán, phí tổn trên dưới 1 vạn đồng (Hội quán Trung ương đang xây là 7 vạn đồng). Vậy thì, Chi hội Phật giáo Kiến An chi phí cũng không phải là nhỏ. Chi hội Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên cũng xây dựng chùa Hội quán, mở được một Ban Đồng ấu và mua thêm được nhiều kinh sách, báo chí. Một đạo hữu đề nghị Hội ra quyết định cấm những điều mê tín dị đoan, nhất là việc đốt vàng mã. Một vị khác đứng lên can thiệp, cho rằng không nên đụng đến. Vì đó là việc cần để phụng sự thần linh và báo hiếu tiên tổ. Trong biên bản của Đại hội đồng đặt câu hỏi: Vậy vàng mã nên để hay nên bỏ, rồi dẫn ra ý kiến ông Phan Văn Phụng ở Hải Phòng là nên bỏ.

Tháng 12 năm 1943, Hội Phật tử Việt Nam được thành lập, do bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y học Hà Nội, làm Hội trưởng.

Ngày 19 tháng 5 năm 1945, Hội Phật giáo Bắc Kỳ họp phiên Đại hội đồng, quyết định đổi tên thành Hội Việt Nam Phật giáo, đổi tên Ban Quản trị thành Ban Trị sự, bầu Hòa thượng Tuệ Tạng Thích Thanh Thuyên là Chủ tịch, Tổng đốc trí sĩ Bùi Thiện Cơ và Thượng tọa Tuệ Chiếu làm Phó Chủ tịch, sư cụ chùa Phúc Lâm (Dư Hàng) được bầu vào Ban Giám luật do Hòa thượng Tuệ Tạng làm Trưởng ban. Năm 1945, Hội Phật giáo tỉnh Kiến An xây thêm ngôi nhà Tổ, 3 gian nhà Giảng, đúc một quả chuông nặng 3 tạ, tốn 5.000 đồng, các đệ tử cúng vào chùa 49.600 đồng làm hoành phi, câu đối, cửa võng, tậu thêm 8,4 mẫu ruộng. Hội Phật giáo huyện Kiến Thụy làm 5 gian nhà Tổ, 14 gian nhà Tăng, phòng Hội đồng, nhà Tiếp khách, trị giá hơn 7.000 đồng…17.

Mười năm, tính từ sau ngày Chi hội Phật giáo Hải Phòng và tỉnh Kiến An được thành lập trong Hội Phật giáo Bắc Kỳ, các vị Tăng Ni, Phật tử lần đầu tiên tập hợp lực lượng, đoàn kết để xiển dương đạo pháp, thực hiện công cuộc từ thiện, nhân đạo, cứu khổ cứu nạn. Những hoạt động Phật sự và đóng góp của Tăng Ni, Phật tử vào sự nghiệp giành độc lập trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là những thành tựu trong lịch sử dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

GHPGVN TP.Hải Phòng, Hội Khoa học Lịch sử TP.Hải Phòng, Lịchsử Phật giáo thành phố Hải Phòng, Nxb. Tôn giáo, 2022.

 


1. Tỷ khiêu Tâm Lai là đệ tử của Thượng tọa Nguyên Ân, trụ trì Chùa Phương Lăng, xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên.

2. Đăng trên Đông Pháp thời báo số 529, ra ngày 5 tháng 1 năm 1927. Theo sách Nguyễn Đại Đồng-PhD. Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấnhưng Phật giáo, tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.11-13

3. Đăng trên Đông Pháp thời báo số 533, ra ngày 14 tháng 1 năm 1927, theo sách Nguyễn Đại Đồng-PhD. Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấnhưng Phật giáo, tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, Nxb. Tôn giáo, 2008, tr. 13-19.

4. Đăng trên Đông Pháp số 318, ra ngày 3 tháng 2 năm 1927, theo sách Nguyễn Đại Đồng-PhD Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phậtgiáo, tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.40-45.

5. Khai Hóa nhật báo, Nguyễn Đại Đồng-PhD Nguyễn Thị Minh, Phongtrào chấn hưng Phật giáo, tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.48-53.

6. Khai Hóa nhật báo, từ số 1655 ra ngày 10.2.1927 đến số 1664 ra ngày 20.2.1927. đăng trong Nguyễn Đại Đồng-PhD Nguyễn Thị Minh, Phongtrào chấn hưng Phật giáo, tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.58-120.

7. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb. Tôn giáo, tr. 24-25.

8. Sách đ. dẫn, tr.22,23.

9. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979), thế danh Đoàn Thanh Tảo. quê quán làng Quần Phương Trung, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; pháp danh Thanh Thao. Thuộc sơn môn Tế Xuyên, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

11. Phố Richaud sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) đổi tên thành phố Quán Sứ.

12. Sa môn Trí Hải, Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr.28-32.

13. Hòa thượng Thích Thanh Hanh được suy tôn lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ ngày 12 tháng 1 năm 1936 (Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sửPhật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb. Tôn giáo, tr. 94,95.

14. Nguyễn Đại Đồng - PhD Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưngPhật giáo (tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938), Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.342-344.

15. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.58,59.

16. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.63.

17. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo Miền Bắc (1920-1953), Nxb. Tôn giáo, 2008, tr.226-230.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 246
    • Số lượt truy cập : 6296909