Thông tin

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở NAM BỘ

VÀ VAI TRÒ CỦA HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA

 

PGS.TS. NGUYỄN THỊ MINH NGỌC*
ThS. NGUYỄN THỊ KIM THOA**

 

Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Khánh Hòa có vai trò vô cùng quan trọng. Ông là một trong những người có công đầu của phong trào chấn hưng.

Từ giữa thế kỷ XVI trở đi, bạo động và loạn lạc xảy ra liên tiếp khiến một mình Nho giáo không còn đủ sức làm chỗ nương tựa tín ngưỡng và nơi an tâm lập mệnh cho quần chúng nữa. Phật giáo lại được nhà cầm quyền lựa chọn để làm chỗ dựa hệ tư tưởng.

Bối cảnh của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam

Dưới triều Nguyễn, trong các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, tuy Phật giáo ít bị kỳ thị nhưng chủ lực chính trị vẫn nằm trong tay Nho gia. Vào thời điểm này, Công giáo phát gắn với sự phát triển của thế lực thực dân và làn sóng chống đối Công giáo đã bắt đầu hình thành. Sự chống đối này phát triển mạnh từ khi vua Minh Mạng lên ngôi. Phật giáo thời bấy giờ một phần vì không có ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị, một phần vì có tinh thần dung hợp không kỳ thị tôn giáo, nên không phải là đối tượng của những đạo dụ "cấm đạo" của vua Minh Mạng. Chính sách đàn áp kỳ thị Công giáo về phía chống lại chính quyền. Lực lượng Cần vương mà phần chủ yếu là Nho sĩ cũng tiếp tục xô đẩy một số người Công giáo vào thế đối lập. Trước sự suy giảm của hệ tư tưởng Nho giáo, phong trào Cần vương phải tìm tới những cơ sở Phật giáo. Chùa chiền trở nên cơ sở kháng chiến và tăng sĩ không ngần ngại đóng góp phần mình vào công trình cứu nước. Cuộc khởi nghĩa chống Pháp có sự tham gia tích cực của tăng ni Phật tử. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, tất cả các chùa chiền trong địa bàn hoạt động của phong trào Cần vương đều bị lục soát, và số tăng sĩ bị bắt giam rất là đông đảo. Giới tăng sĩ Phật giáo ủng hộ tích cực cho phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa thục của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Phan Chu Trinh, một trong những nhà chí sĩ lãnh đạo Đông Du và Đông Kinh Nghĩa thục, là người tin tưởng nhiều nhất về sự đóng góp của một nền Phật giáo phục hưng. Ông thường hô hào việc chấn hưng đạo Phật để hỗ trợ cách mạng.

Theo ông, Nho học đã làm cho nước Việt suy nhược và do vậy cần khuyếch trương tinh thần Phật giáo. Ông tin tưởng vào Phật giáo không chỉ vì nhận thức về thời đại cực thịnh Lý-Trần của Phật giáo mà còn ở sự nhận thức về khả năng duy tân của Phật giáo đối với xã hội Nhật Bản. Nhưng vì trong nhiều người thuộc hội Đông Du, Nghĩa Thục còn quá sâu đậm với Nho giáo nên ông không thể hô hào phục hưng đạo Phật và phế bỏ Hán học.

Phong trào Đông Du, Nghĩa Thục của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh tuy ngắn ngủi nhưng đã tạo được những thay đổi cần thiết hình thành con đường duy tân. Sự kiện này có ảnh hưởng lớn đến phong trào phục hưng Phật học ở nửa đầu thế kỷ XX. Những nỗ lực cải cách văn hóa, xiển dương Quốc học và phục hưng Phật giáo chính là những họat động công khai nhằm nối tiếp tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục với một đường lối đấu tranh ôn hòa trong khuôn khổ "thỏa hiệp" với phe thống trị. Mục tiêu của tất cả những họat động này là khai hóa dân trí, tìm kiếm và xác định một ý thức hệ dân tộc. Công cuộc phục hưng Phật giáo được hình thành với sự thành lập các hội Phật giáo và các tạp chí Phật học. Trước hết là Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập năm 1931 và tạp chí Từ bi âm xuất bản đầu năm 1932. Tiếp đến là Hội An Nam Phật học (1932) và tạp chí Viên âm (1933), rồi Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1934) và tạp chí Đuốc tuệ (1935). Sau đó nhiều hội Phật giáo hoặc tạp chí Phật học tiếp tục ra đời, như tạp chí Tiếng chuông sớm (1935) của hai sơn môn Hồng Phúc và Bà Đá xuất bản tại Hà Nội, tạp chí Duy tâm (1935) do Hội Lưỡng Xuyên Phật học xuất bản ở Trà Vinh, tạp chí Tam Bảo (1937) của Đà Thành Phật học xuất bản tại Đà Nẵng, tạp chí Tiến Hóa (1938) do Hội Phật học Kiêm Tế xuất bản ở Rạch Giá, v.v...

Vài nét về phong trào Chấn hưng Phật giáo

Phong trào chấn hưng Phật giáo là một phong trào có tính cách quốc tế. Vào thế kỷ XVIII, Phật giáo Ấn Ðộ không còn là một tôn giáo đang hưng thịnh mà chỉ còn là tôn giáo vang bóng một thời. Nhưng khi người Anh bắt đầu đi sâu tìm hiểu văn hóa Ấn Ðộ, họ đã ngạc nhiên khi với nền văn chương, triết học thâm thúy của đạo Phật đã bị chôn vùi trong lãng quên. Và người Anh, người Ấn Ðộ đều đồng thanh hô hào và cổ súy sự phục hưng của Phật giáo.

Người có công lớn nhất trong số những học giả Phật giáo đầu tiên có sáng kiến xây dựng phong trào chấn hưng Phật giáo là Raryendachilala. Ông đã căn cứ vào 144 loại kinh chữ Phạn ở Népal để viết ra cuốn "Văn chương Phật giáo" bằng Phạn ngữ của Népal. Năm 1888, ông tiếp tục xuất bản cuốn "Tiểu phẩm Bát nhã". Năm 1893, ông Sarat Chandrodas, một học giả Ấn Ðộ khác, đề xướng thành lập hội "Nghiên cứu Thánh điển Phật giáo Ấn Ðộ và nhân lọai học thuật". Hội nghiên cứu này đã thu thập được một số đông hội viên thông thái, gồm cả người Ấn Ðộ và người Anh. Hội đã phát động phong trào tìm hiểu Phật giáo tại Ấn Độ và phong trào này lan sang đến Anh Quốc.

Người thứ ba đóng vai trò quan trọng trong phong trào này là cư sĩ David Hewavitarane, người Tích Lan, sau này xuất gia thành đại đức Dharmapala. Đầu tiên, ông thực hiện vận động trùng tu lại những Phật tích quan trọng ở Ấn Độ; sau đó, ông cho lập hội Mahabodhi Society, xuất bản tạp chí Phật học, thành lập trung tâm Phật học và tu viện Phật giáo. Ông đã đạt được những thành công lớn với sự trợ giúp củ thi sĩ Edwin Arnold người Anh, tác giả The Light Of Asia, và đại tá Henry Steel Olcott, người Hoa Kỳ. Nhờ sự có mặt của bác sĩ Ambedkar, hàng triệu người Ấn thuộc giai cấp hạ tiện (intouchables) tại Ấn Độ đã quy y theo Phật giáo, tại Nagpur ngày 14.10.1956; năm trăm ngàn người đã làm lễ quy y trong một lần.

Chính Dharmapala đã viết thư liên lạc với cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Hoa vào năm 1908 để mời cộng tác. Dương Nhân Sơn đã đứng lên thiết lập Kỳ Hoàn Tinh Xá và triệu tập thanh niên tăng ni và cư sĩ hữu tâm về để nghiên cứu Phật học qua Hán văn, Anh văn và Pali. Từ sự cộng tác này, Dương Nhân Sơn có Âu Dương Tiệm, Mai Quang Hy, Thích Nhân Sơn sau này là những nhân vật rường cột nền phục hưng Phật giáo Trung Hoa. Kỳ Hoàn Tinh Xá đã xuất hiện nhiều tài năng. Từ 1914 trở đi, các cơ sở hoằng pháp được thành lập tại nhiều nơi trong nước. Thiền sư Thái Hư lập Phật học viện Vũ Xương năm 1912 và tiếp theo đó, nhiều Phật học viện được tuần tự thiết lập trong nước, xuất bản tạp chí Phật học. Các hiệp hội Tăng Giáo dục, Phật giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Liên hiệp, Phật giáo Cư Sĩ Lâm vân vân... thi nhau ra đời. Tạp chí Giác Xã ra đời năm 1918 do Thái Hư chủ trương, ít lâu sau biến thành nguyệt san Hải Triều Âm, là một trong những cơ quan ngôn luận Phật giáo có ảnh hưởng tới sự phục hưng Phật giáo tại Việt Nam.

Trong lúc ấy, tại các nước châu Á khác như Myanmar, Tích Lan và Nhật Bản, phong trào phục hưng Phật giáo cũng được hình thành. Động cơ của sự phục hưng này không phải chỉ do phong trào Phật học ở Ấn Độ và Trung Hoa mà còn do sự hâm mộ của Tây phương về Phật giáo. Những học giả Tây phương nghiên cứu Phật học một cách nghiêm chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ đã khám phá ra được nội dung thâm sâu vĩ đại của tư tưởng Phật giáo và đã trung thực nói lên những cảm nghĩ của họ. Điều này khiến cho Tây phương bắt đầu chú ý tới đạo Phật và dần dần từ bỏ ý niệm khinh miệt có sẵn từ trước về đạo học Đông phương. Sự khâm phục của các học giả phương Tây đã làm cho niềm tự tin của các dân tộc Phật giáo sống dậy: người Phật tử bắt đầu nghiên cứu trở lại giáo lý của tôn giáo họ với tất cả nhiệt tình. Đó là một trong những động cơ lớn thúc đẩy phong trào Phật giáo ở các nước Á Châu.

Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam

Ảnh hưởng của làn sóng chấn hưng Phật giáo thế giới, nhất là Trung Quốc, phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu hình thành tại Việt Nam vào khoảng năm 1920. Lúc đầu chỉ là những cố gắng của một số Tăng già lão thành trong nước. Ở Bắc Kỳ có sư cụ Vĩnh Nghiêm (Thanh Hanh), sư cụ Tế Cát (Phan Trung Thứ), sư cụ Bằng Sở (Dương Văn Hiển); ở Trung kỳ có HT Tâm Tịnh, HT Huệ Pháp, HT Phước Huệ; ở Nam kỳ có HT Khánh Hòa, HT Huệ Quảng, HT Khánh Anh. Các cao tăng đã có sáng kiến mở trường dạy Phật học với mục đích gây giống đạo pháp cho thế hệ sau. Ðồng thời, các học giả có tiếng tăm trong nước như Trần Văn Giáp, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim... cũng đã có nhiều bài nghiên cứu rất có giá trị về giáo lý đạo Phật.

Tuy nghiên, phải đợi đến năm 1931, những cố gắng trên mới kết hợp thành lực lượng có tổ chức.Hội Phật học đầu tiên được thành lập tại Sài Gòn lấy tên là Nam kỳ Nghiên cứu Phật học; kế đó là Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Những cao tăng có công khởi xướng hội này là HT Khánh Hòa, HT Huệ Quang, HT Khánh Anh cùng một số tăng già và cư sĩ tân tiến.

Năm 1932, ở Trung kỳ các HT Giác Tiên, Phước Huệ và một nhóm Cư sĩ Tân Hồng, đứng đầu là đạo hữu Tâm Minh Lê Ðình Thám đã thành lập Phật học hội mà hội quán là chùa Từ Ðàm.

Năm 1934, ở Bắc Kỳ có TT Thái Hoà, sư Trí Hải, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim cùng một số Ðại đức và cư sĩ thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Những hội này đều có mục đích và chương trình hoạt động giống nhau: Chỉnh đốn Thiền môn, vãn hồi quy giới, đào tạo một thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính, hữu học và hoằng dương chính pháp.

Ðể đạt được mục đích đó, các hội đều mở trường đào tạo. Bắc Kỳ có trường Tăng học ở chùa Quán Sứ, chùa Bồ Đề; Trung kỳ có Phật học viện tại chùa Tây Thiên và chùa Báo Quốc, trường Ni ở chùa Diệu Ðức; Nam kỳ có Phật hoc viện Lưỡng Xuyên, trường Ni ở chùa Vĩnh Bửu…

Ngoài ra, các hội còn xuất bản những tạp chí để hoằng dương Phật pháp, như tờ Ðuốc tuệ ở Bắc Kỳ, tờ Viên âm ở Trung kỳ, tờ Pháp âm, tờ Từ bi âm, Duy tâm ở Nam kỳ. Những hội này được tín đồ nhiệt liệt hưởng ứng và chẳng bao lâu mỗi tỉnh trong nước đều có chi nhánh của hội. Nhờ sự hưởng ứng ấy mà các hội đã xây dựng thêm cơ sở, mở mang thêm nhiều Phật học viện, xuất bản thêm kinh sách, báo chí.

Khi phong trào chấn hưng Phật giáo đang lên, Thế chiến thứ 2 bùng nổ tiếp theo là chiến tranh Việt - Pháp đã làm gián đoạn sự hoạt động của các hội Phật học trong nước. Đến năm 1949, một số tăng già ở trong các vùng bị quân đội Pháp chiếm đóng, tích cực hoạt động để chỉnh đốn, phát triển những cơ sở của các hội đã bị chiến tranh tàn phá.

Ở Hà Nội, Thượng tọa Tố Liên, Trí Hải với sự giúp đỡ của một nhóm cư sĩ tận tâm vì Ðạo, đã làm sống dậy phong trào chấn hưng Phật giáo và đem lại một sắc thái mới, chú trọng nhiều về các công tác từ thiện và xã hội, như lập cô nhi viện, tư thục, các cơ quan từ thiện cứu trợ nạn nhân chiến tranh.

Ở Huế, các ngôi chùa đã bị đổ nát vì chiến tranh đã được tu bổ lại. Bên cạnh đó, tăng ni cùng Phật tử đã đứng lên quy tụ những tín đồ và hội đoàn, lập lại các tỉnh hội, các khuôn hội Phật học và đặc biệt phát triển hệ thống gia đình Phật tử, một tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên Phật tử.

Nhìn chung, trong làn sóng chấn hưng, nhiều hội Phật học được thành lập mặc dù ở trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, các hội này đều đã phát triển một cách mau lẹ, mạnh mẽ và được sự tín nhiệm của đồng bào nói chung, và của giới tín đồ Phật tử nói riêng. Trong khoảng vài năm, các hội đoàn Phật giáo đã xây dựng thêm được nhiều hội quán, mở nhà in, phòng phát thuốc, thư viện, phát hành sách, báo của các cơ quan ngôn luận Phật giáo, dịch kinh điển... Hoạt động của các hội đoàn Phật giáo cùng dần đi vào quy củ, tập trung được nhiều vị tăng tài, có thực tu, thực học và đã thực sự có được sự tín nhiệm của Phật tử.

Đến năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời với tư cách là tổ chức thống nhất các hội đoàn Phật giáo cả Bắc, Trung, Nam. Tính đến thời điểm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam là đoàn thể quan trọng nhất ở Việt Nam có tổ chức chặt chẽ, theo đúng tinh thần của đạo Phật và quy tụ trên một triệu hội viên. Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng là hội viên sáng lập của Tổng hội Phật giáo Thế giới, thành lập năm 1950 tại Columbo và đã cử đại biểu đi tham dự tất cả các khóa họp của Tổng hội Phật giáo Thế giới. Tổng hội Phật giáo Việt Nam gồm các ngành hoạt động sau đây: Hoằng pháp, giáo dục, văn mỹ nghệ, thanh niên, nghi lễ, từ thiện xã hội... Sự thành lập Tổng hội Phật giáo Việt nam là một thành tựu quan trọng của phong trào chấn hưng Phật giáo.

Cùng với sự củng cố, trưởng thành về tổ chức, phong trào chấn hưng Phật giáo đã xây dựng được một số cơ sở đào tạo gọi là Phật học đường để đào tạo bồi dưỡng tăng ni một cách quy củ ở cả ba miền. Ở miền Nam có Trường Tăng sĩ tại Chợ Lớn, các lớp Phật học ở các chùa Tuyên Linh (Bến Tre), chùa Phi Lai (Châu Đốc), chùa Giác Hoa (Bạc Liêu), chùa Long Hoà (Trà Vinh), chùa Thiên Phước (Vĩnh Long), Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh). Ở miền Trung có Sơ đẳng Tăng Trường, Trường Trung đẳng Phật học (Bình Định), Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên, Phật học đường Báo Quốc và Kim Sơn (Huế). Ở miền Bắc có hai lớp tiểu học cho tăng và ni ở Phúc Yên và Hải Dương, lớp Trung học Phật học tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), lớp Đại học Phật học tại chùa Sở (Hà Đông)...

Các cơ sở đào tạo của Phật giáo không chỉ đào tạo ra đội ngũ tăng ni trí thức của Phật giáo hỗ trợ cho cho phong trào chấn hưng, mà còn tạo ra một nề nếp mới trong việc đào tạo tăng tài của Phật giáo ở những giai đoạn về sau.

Đối với phong trào chấn hưng, Hòa thượng Khánh Hòa có vai trò vô cùng quan trọng. Ông là một trong những người có công đầu của phong trào chấn hưng. Theo những tư liệu để lại, thì chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông hình thành từ rất sớm. Ông đã đi khắp các tổ đình và Nam kỳ để tạo dựng ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc. Ông đã liên kết được một số các vị cao tăng, trong số đó có Huệ Quang, Pháp Hải và Khánh Anh, những người đã cộng tác chặt chẽ với ông trong suốt thời kỳ hoạt động của ông sau này. Năm 1923, với nỗ lực không ngừng của ông, hội Lục hòa Liên hiệp được thành lập với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo. Trong số những cộng sự của ông, có nhà sư Thiện Chiếu, một tân học xuất gia. Năm 1927, sư Thiện Chiếu được ông gửi ra Bắc để vận động cho phong trào này.

Năm 1928, ông cùng ba vị tăng sĩ đồng chí là Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm xây dựng Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn. Năm 1929, Hòa thượng Khánh Hòa và Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ hảo tâm tài trợ kinh phí và đã mua được cho Thư Xã một bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 tập để tại chùa Linh Sơn. Năm 1929, Hòa thượng Khánh Hòa ấn hành tập san Phật học bằng quốc ngữ lấy tên là Pháp âm. Tạp chí Pháp âm đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột (Mỹ Tho), dựa trên sự ủng hộ kinh tế của Phật tử chùa này. Đây là tờ báo Phật học đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam. Cùng với việc vận động xây dựng Thích học đường đang được xúc tiến, HT Khánh Hòa quyết định thành lập một hội Phật học để làm bàn đạp cho sự tiến tới thành lập Phật giáo Tổng hội. Ông cùng với sự cộng tác của một số cư sĩ tại Sài Gòn như các ông Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ và Nguyễn Văn Cần... thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. HT Khánh Hòa năm đó 55 tuổi. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập năm 1931, điều lệ của hội được phê y ngày 26 tháng 8 năm ấy. Thiền sư Từ Phong - chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm Chánh Hội trưởng. Hòa thượng Khánh Hòa giữ trách vụ Phó nhất hội trưởng và Chủ nhiệm Tạp chí Từ bi âm. Tuy nhiên, công cuộc vận động xây dựng Thích học đường của HT Khánh Hòa đã thất bại. Thất vọng về Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, đầu năm 1933, ngài Khánh Hòa từ bỏ chức vị phó hội trưởng và chủ nhiệm Từ bi âm. Lúc đó, Từ bi âm đã ra tới số 45. Nhưng HT Khánh Hòa vẫn không ngừng nỗ lực hoạt động cho chấn hưng Phật giáo.

Ông là người gây dựng Hội Phật học Lưỡng Xuyên. Khởi đầu, ông tổ chức Phật học đường lưu động lấy tên là Liên đoàn Phật học xã. Khoảng năm mươi vị học tăng được thu nhận vào liên đoàn và lớp học đầu được khai giảng tại chùa Long Hòa, do các vị Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải giảng dạy. HT Khánh Hòa kêu gọi tín đồ ủng hộ tài chính cho chùa Long Hòa để chùa có thể cung phụng cho lớp học đủ mọi vật dụng. Sau khi tổ chức được hai khóa tiếp theo ở chùa Thiên Phước (Trà Ôn) và chùa Viên Giác (Bến Tre), lớp Phật học này bị tan rã vì lý do thiếu tài chính. Sự kiện này khiến HT Khánh Hòa thấy rằng cần phải thành lập một hội Phật học có đông đảo hội viên đóng góp tài chính thường trực mới có thể duy trì được một Phật học đường. Ông đã cùng các pháp hữu thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh. Cộng tác với ngài là một số cư sĩ như: Nguyễn Văn Khỏe, Trần Văn Giác, Phạm Văn Liêu, Huỳnh Thái Cửu, Ngô Trung Tín và Phạm Văn Luông. Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập chính thức ngày 13.8.1934, đặt trụ sở tại chùa Long Phước ở Trà Vinh. Công việc đầu tiên của hội là tổ chức Phật học đường. Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng ngay vào cuối năm 1934. Các thiền sư Huệ Quang và Khánh Anh được mời đến giảng dạy. HT Khánh Hòa đảm nhiệm chức vụ đốc giáo.

Năm 1934, thiền sư Khánh Hòa lui về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre. Tuy đã già yếu, ông vẫn tổ chức được một Phật học đường cho ni chúng. Đây là trường học đầu tiên cho ni giới tại Nam kỳ. Năm 1947, ông về chùa Tuyên Linh cũng ở Bến Tre, và viên tịch ở đây vào ngày 19 tháng 6 âm lịch, thọ 70 tuổi. Có thể nói rằng, HT Khánh Hòa là người đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ cho đạo pháp, nhất là phong trào chấn hưng Phật giáo.

 


* Viện Xã hội học, VASS.

** Trường Đại học Nội vụ

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 91
    • Số lượt truy cập : 6952574