Thông tin

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở NINH BÌNH

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở NINH BÌNH

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

         

 

Chùa Nhất Trụ (Ninh Bình)

 

Cuối năm 1934  Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập đứng ra dẫn dắt tăng ni, Phật tử xứ Bắc tiến hành phong trào chấn hưng Phật giáo.

Sau ngày Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra đời, nhiều chi hội Phật giáo địa phương được thành lập để dẫn dắt phong trào chấn hưng Phật giáo ở tỉnh mình như Chi hội Phật giáo tỉnh Hải Dương (20-3-1935), chi hội Phật giáo Hưng Yên (21-3-1935)…

Ngày 9 tháng 6 năm 1935 (9-5 Ất Hợi), Ban Đại lý Phật giáo tỉnh Ninh Bình thành lập, Hội quán đặt tại chùa Phúc Chỉnh, cách thị xã chừng 2 cây số. Trưởng ban bên Tăng là sư cụ Nguyễn Thanh Thịnh, Tăng cương, Chứng minh Đạo sư, trụ trì chùa Phúc Chỉnh, huyện Gia Khánh. Trưởng ban bên Tại gia là ông Nguyễn Văn Tuyên, Kiểm học Ninh Bình.

Trong 10 năm tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Ban Đại lý Phật giáo tỉnh Ninh Bình, phong trào chấn hưng Phật giáo tỉnh đã gặt hái được những thành tựu sau.

 1) Thành lập các chi hội Phật giáo

Ngày 4 tháng 7 năm 1935, Ban Đại lý Phật giáo chùa Cánh Diều, Ninh Bình thành lập. Trưởng ban bên Tăng là sư cụ Nguyễn Thanh Qui, Trưởng ban bên Tại gia là ông Hà Đình Tuyên cán sự sở Địa ốc Ninh Bình. Hội quán đặt tại chùa núi Cánh Diều ở gần tỉnh lỵ.

Trong phiên họp ngày 7 tháng 7 năm 1935, các hội viên tỉnh lỵ Ninh Bình xin lập một Ban Đại biểu nữa ở giữa tỉnh lỵ vì theo về Ban Đại biểu chùa Phúc Chỉnh thì đường đi xa không tiện.

Ngày 21 tháng 7 năm 1935, Ban Quản trị họp do Chánh Hội trưởng chủ tọa, đồng ý cho chi hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình đặt thêm Ban Đại biểu ở tỉnh lỵ lấy chùa Sơn Thủy Hạ (Cánh Diều) làm Hội quán. Lại có thư ông Tuần phủ xin cử ông Dương Như Cương làm Đại biểu chi Phúc Chỉnh, ông Hà Đình Tuyên làm Đại biểu chi Cánh Diều và kiêm chức Kiểm soát cả hai chi ấy. Hội đồng không ưng thuận kiêm chức ấy vì xét trong Điều lệ hiện hành của Hội không có chức Tổng Đại biểu.

Cũng trong phiên họp này, Ban Quản trị nhất trí với đề nghị của Phó Hội trưởng Nguyễn Văn Ngọc xin đổi tên Đại biểu ở địa phương ra làm Đại lý, lấy lẽ rằng Đại lý là người thừa hành mệnh lệnh của Trung ương mà thi hành công việc ở địa phương còn Đại biểu là người thay mặt cho hội viên Địa phương để đối với Trung ương1.

Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Sửu (1937) chi giảng Thư Điền, huyện Yên Khánh làm lễ khánh thành, có ông Hà Đình Tuyên Chánh Đại lý Địa phương chùa Sơn Thủy thay mặt Trung ương Hội về chứng lễ cùng các ông Huấn đạo Hải Phòng Phạm Tài Luyện, ông Đốc Hà Văn Bính, ông Hàn Thịnh và Nha huyện Gia Khánh về tùy hỷ.

Sau khi ông Nguyễn Tử Quán đọc bài chúc từ, ông Hà Đình Tuyên có đáp lại mấy lời rồi mời ông Phạm Tài Luyện lên diễn thuyết về mục đích việc chấn hưng Phật giáo và Phật giáo có ảnh hưởng gì cho nhân tâm thế đạo, lời lẽ uyển chuyển, được thính giả rất hoan hỷ.

Lễ khánh thành xong có tổ chức cuộc diễn kịch vở Tu là cõi phúc do ông Tử An Trần Lê Nhân ở chi hội Cánh Diều sáng tác, do các tài tử trong làng diễn, được công chúng hoan nghênh.   

Ngày mồng sáu, mồng bảy và mồng tám tháng bảy năm Bính Tý (1936), chi hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình làm lễ kỷ niệm một năm ngày thành lập rất long trọng. Ngoài đàn chay có phả độ bách linh (nhân lễ Trung nguyên), có kéo chữ bằng đèn do năm chục tiểu đồng kéo và đốt cây bông. Ở dọc đường và trước cửa chùa, có cắm cờ quạt rất rực rỡ. Buổi tối có thắp đèn điện sáng khắp một góc núi Diên Sơn.

Tối mùng 7 có cuộc nghênh tiếp Chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc và hai quan Thủ hiến tỉnh Ninh Bình cùng các quan Tây, Nam rất trang trọng. Dọc đường vào chùa, các đoàn thể đứng thành hai hàng. Đầu tiên là Ban Trị sự, rồi đến Ban âm nhạc Đồng ấu, hương lý sở tại toàn ăn mặc áo thụng xanh, lính cơ, Ban Tiểu đồng kéo chữ, đoàn hướng đạo Đinh Bộ Lĩnh, ban đồng nam đồng nữ rồi đến Ban Đạo sư. Khi các đại biểu an tọa, Ban Đồng nam, Đồng nữ hành lễ rồi đến chư sư tụng kinh. Sau khi ông Chánh Đại biểu Hà Đình Tuyên đọc chúc từ, thì các quan Pháp-Nam đọc diễn văn. Đoạn đến ngài Chánh Hội trưởng nói về mục đích của Hội và khen ngợi giáo hữu Ban Trị sự tỉnh đã tiến hành công việc rất mau chóng và có thể thống. Sau cùng, Phó bảng Nguyễn Can Mộng diễn thuyết về “Cuộc nhân sinh ngày nay và đạo Phật”.

Trong ba ngày hội, từ kẻ chợ thôn quê, thiện tín đến lễ Phật và dự lễ đông không biết bao nhiêu mà kể.

2) Chấn hưng về mặt giáo lý đạo Phật

Một trong những nội dung chính của việc chấn hưng của Hội Phật giáo Bắc Kỳ là sự chấn hưng về mặt giáo lý, trong đó có việc đề cao phương pháp tu tập Tịnh Độ. Tổ Phúc Chỉnh là bậc cao tăng nhiệt liệt ủng hộ vấn đề này. Trong bài diễn thuyết Ba món tư lương sang Tịnh Độ tại chùa Hội quán Ninh Bình2 ngài viết: “các đấng Tổ sư đặt ra môn Tịnh Độ này là tìm lấy phép giản dị cho ta tu, tìm lấy đường nhanh chóng cho ta đó thôi. Nghĩa là bớt cho ta cái công trình tự tìm kiếm ở trong các rừng kinh bể luận mới thấy được phép tu và đường về cõi Phật. Chớ thực ra thì ngoài sự phát nguyện vãng sinh và hàng ngày niệm Phật ra, cũng còn phải làm bao nhiêu những sự trạng thực tế gì để tích lũy lấy công duyên cho mình mới được, có phải chỉ phát nguyện và niệm Phật không như thế mà được đâu.”

Tổ cho rằng “Tín, Hạnh, Nguyện” là ba món tư lương của chúng ta ăn đường đi về Tịnh Độ. Trong đó không có đủ ba món ấy không được, mà thiếu một món nào cũng không được. Trong ba món ấy, Hạnh là một món cần thiết hơn hết. Có tín, có nguyện, nhưng không đủ hạnh làm nên quả phúc, thì Tín chỉ là mê tín, chứ không phải là chính tín, Nguyện chỉ là hư nguyện chứ không khi nào được phỉ nguyện. Xem thế thì biết rằng người nào bo bo một mình, ngồi yên một nơi, đêm ngày chỉ chăm chăm cầu nguyện siêu độ lấy một mình về nơi Tịnh Độ, mà chưa từng làm được một mảy may việc phúc đức gì cho đời, quyết người ấy không khi nào thành chính quả, mãn nguyện mình được”.

Bài diễn thuyết Ba món tư lương sang Tịnh Độ của Tổ Phúc Chỉnh đã được Hội Phật giáo Bắc Kỳ chọn làm bài giảng diễn tại tất cả các chi hội Phật giáo thuộc Hội vào rằm tháng Chạp năm Bính Tý (đầu năm 1937)

Sự canh tân của các nhà lý luận Phật giáo Bắc Kỳ, trong đó có Tổ Phúc Chỉnh trong phương pháp tu tập Tịnh Độ chính là sự quay về Phật giáo nhân gian vốn đậm tư tưởng Tịnh Độ với việc thờ đức Phật A Di Đà và Quán Thế Âm Bồ tát, song đã nâng cao hơn về mặt lý luận và chuẩn hóa về việc nghi lễ. Đây là điều hợp lý, bởi vì pháp môn Tịnh Độ rất phù hợp với đặc điểm tâm thức tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của đông đảo người dân Việt Nam.

3) Chấn hưng về việc hoằng dương Phật pháp

Hoằng dương Phật pháp là một trong những biện pháp quan trọng để giữ gìn mạng mạch của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Ninh Bình nói riêng. Trước kia khi chưa có Hội chấn hưng Phật giáo thì người ta đã đi chùa lễ Phật, nhưng nghe giảng kinh thuyết pháp tập trung thì xưa nay chưa từng có. Sự giảng diễn này mới thực là có ích cho tâm thần giáo hữu. Nếu nhà truyền đạo khéo đem những nghĩa lý thiết thực đến cuộc sống hiện tại như Tứ ân, Lục phương cùng các điều luân lý, đạo đức khác trong đạo Phật mà giảng dụ thì bổ ích cho nền giáo dục xã hội vô cùng.

Từ ngày Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra tờ Đuốc tuệ việc giảng diễn ở các Chi hội Phật giáo địa phương tuân theo hướng dẫn của Ban Khảo cứu giảng diễn Trung ương, ví dụ: giảng ngày rằm tháng 8 năm Đinh Sửu (1937) lấy bài Kinh Bách Dụ của Đốc học Nguyễn Văn Ngọc đăng trên báo Đuốc tuệ  số 39 ra ngày 1-9-1936; ngày rằm tháng 9 lấy bài Nghĩa chữ Không trong học Phật của Phó bảng Bùi Kỷ đăng trên Đuốc tuệ số 48 và 49 ra năm 1937 giảng…nhưng từ năm 1938 Ban Khảo cứu Trung ương đề nghị từ ngày 1 tháng 1 năm 1938 các ngài diễn giảng ở các chi hội cứ tự chọn lấy bất cứ bài nào đăng trên báo Đuốc tuệ lấy làm bài giảng. Làm như vậy tạo điều kiện cho việc diễn giảng ở các Chi hội Phật giáo được chủ động và linh hoạt hơn3

Đội ngũ giảng diễn ở Chi hội Phật giáo Ninh Bình khá đông đảo, ngoài người của địa phương như các ông Đỗ Đức Long, Đinh Gia Thuyết, bà giáo Đinh Chí Nghiêm v.v… còn có sự chi viện của các thành viên Ban Khảo cứu giảng diễn Trung ương như Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, Phó bảng Bùi Kỷ, Tú tài Nguyễn Hữu Tiến, cử nhân Dương Bá Trạc v.v.., với nội dung giảng diễn khá phong phú:

1-  Ngày 2 tháng 10 năm Ất Hợi (1935), ông Nguyễn Trọng Thuật giảng về Chữ Tâm trong đạo Phật tại chùa Sơn Thủy-Hội quán Chi hội Phật giáo tỉnh lỵ Ninh Bình. Chùa Sơn Thủy bấy giờ do sư cụ Nguyễn Thanh Qui Đạo sư Hội Phật giáo, một người chất phác thật thà làm trụ trì. Công việc của Ban Đại lý xếp đặt trong chùa rất có thứ tự và phát triển nhanh chóng, tuy buổi mới mà mọi việc đều đã dự đặt được nền móng. Hội quán có tủ đựng kinh sách, có các sách chữ Hán, chữ Pháp, sách Phật, sách Nho và có sổ ghi chép, có quyển kim thư, mỗi vị quý khách tới thăm chùa đều xin chữ ký làm kỷ niệm.

Tuy còn nhiều việc phải làm như đặt nghĩa trang, xây Tam quan và giảng đường, nhưng việc cần cấp hơn là mua sách, mở hai lớp học bên tăng và bên ni. Bên ni thì định mời sư cụ Đàm Đăng tuy đã ngoài 80 mà rất tinh thông kinh giáo, đang trụ trì chùa Phúc Lý gần đó làm chủ. 

2- Ngày 15 tháng 1 năm Bính Tý (1936), giáo học Đỗ Hữu Long giảng tại chùa Sơn Thủy về Câu chuyện đi chùa.

3- Ngày lễ Phật đản 8 tháng 4 năm Bính Tý (1936), tại chùa Sơn Thủy bà giáo Đinh Chí Nghiêm diễn thuyết về “Phật giáo với Phụ nữ Việt Nam” Nội dung bài nói gồm hai phần:

1) Đạo Phật giúp ích cho phái nữ lưu thanh niên;

2) Đạo Phật giúp ích cho toàn thể nữ lưu.

Diễn giả mong rằng chị em thanh niên theo đạo Phật mà tu đức. Những tiểu thuyết lằng xằng nên thoảng qua, để thì giờ quý báu xem mấy tạp chí Phật học mà ba kỳ đã xuất bản, kiên tâm học hỏi cho rõ ràng triết lý, đạo hạnh cao siêu của Phật, rồi tự nhiên cái tâm của ta khai minh, hiểu thấu điều hay, lẽ phải; cái trí của ta kiên cố, theo về con đường chí thiện chí mỹ.

Diễn giả khuyên toàn thể nữ lưu: “bởi phụ nữ có chồng, có con, nên Phật dạy tu theo nhân đạo. Nhân đạo là đạo làm người, đạo làm người phải tu phúc nhân gian…nhất là hai việc: Thờ chồng và dạy con là cái đạo cốt yếu mà phái phụ nữ chúng ta phải tu trước nhất”.

Tu theo được đạo Phật rồi thì bỏ được ba cái độc: tham, sân, si, giải thoát được mọi điều phiền não. Dầu cho phụ nữ đa sầu đa khổ, nhưng nếu đã giác ngộ, tâm phụ nữ trở lại tâm Phật, tính phụ nữ quay về tính Phật, sẽ nhờ pháp lực Phật mà lấp bằng được “khổ hải vô biên”.

Và bà khuyên phụ nữ Ninh Bình nên tu theo đạo Phật: “Xem như thế thì đạo Phật đối với phụ nữ chẳng là đáng theo lắm sao?”

4- Ngày 15 tháng 10 năm Bính Tý (1936), ông Nguyễn Hữu Tiến giảng tại chùa Sơn Thủy về Chứng giải triết lý đạo Phật bằng những câu ca dao ngạn ngữ.

5- Ngày 15 tháng 1 năm Canh Thìn (1940), cư sĩ Đinh Gia Thuyết giảng về Ba đường tu tại chùa hội quán Sơn Thủy.

Sau khi giới thiệu ba đường tu gồm những gì, diễn giả kết luận: “Vậy thì trong ba đường tu: Tu nhà, tu chợ, tu chùa thì tu chùa là một đường tu khó nhất, cho nên người ta mới nói:

Thứ nhất thì tu tại gia,

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

Tuy nhiên, thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên. Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ lòng người chẳng vững bền. Giáo lý của đức Thích Ca huyền diệu và cao siêu thực, song “Có thì có tự mảy may, Không thì cả thế gian này cũng không”. Rộng thì biến hóa vô cùng, hẹp thì chỉ một cõi lòng mà ra. Đứng trước cửa Tam bảo, tôi dám nói rằng: Các giáo hữu đây với tôi, chúng ta có thể tu thành Phật được cả. Thực thế, trong bộ Hộ Pháp luận có nói: “Phật tức tâm dã, tâm tức Phật dã, thử tâm Phật bất hữu chi, giáo tác Phật dã, mê tắc chúng sinh dã”. Nghĩa là: Phật tức là lòng, lòng tức là Phật, lòng ấy ai cũng có, chỉ khác rằng giác ngộ thì là Phật, mà mê hoặc tức là chúng sinh.

Vậy thì đức Phật cũng đã chỉ đường dẫn lối cho chúng ta có thể thành Phật được, chứ đức Phật có cấm ai, chỉ tại ta chưa giác ngộ đó thôi, chỉ tại ta còn mê muội nên ta vẫn là chúng sinh, chịu dưới quyền ngài phả độ”.

6- Ngày 28 tháng 2 năm 1943 (Quý Mùi), Thượng tọa Tuệ Chiếu ở Trung ương hội về chùa Bích Động, giảng “Những điều thiết yếu trong đạo Phật”4.

Tuyên truyền giáo lý đạo Phật qua hoạt động nghệ thuật sân khấu là một hình thức mới mà Chi hội Phật giáo Ninh Bình là đơn vị đi tiên phong. Các vở chèo Tu là cỗi Phúc do Tử An Trần Lê Nhân và Quả báo luân hồi của Thi Nham Đinh Gia Thuyết không những thu hút được nhiều khán giả các chi hội tỉnh nhà mà còn được đưa đi biểu diễn ở các tỉnh khác bởi mục đích phục vụ việc công đức, từ thiện cùng những việc nghĩa khác cũng như tuyên truyền giáo lý, khuyến thiện khuyến tu5

Cư sĩ Đinh Gia Thuyết là một người hâm mộ đạo Phật đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền giáo lý đức Phật ở Chi hội Phật giáo Ninh Bình với các bài diễn thuyết tại chùa Sơn Thuỷ được đăng lại trên báo Đuốc tuệ-cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ như: Lịch sử chùa Sơn Thuỷ (Đuốc tuệ số 31, 31 năm 1936); Cụ Trương Hán Siêu với Phật giáo (Đuốc tuệ số 50 năm 1936); Một vị Thánh tăng của Ninh Bình (Đuốc tuệ số 75, 76 năm 1937); Ông Sãi Cao Mên (Đuốc tuệ số 92 ra năm 1938); Ba đường tu (Đuốc tuệ số 128-130 năm 1940).  

Việc mua và tổ chức đọc báo Đuốc tuệ có sự chỉ đạo thống nhất trong các chi hội Phật giáo xứ Bắc. Ngày 15 tháng 3 năm 1939, Ban Quản trị Hội gửi bản chương trình 9 điểm tới ông Chánh Đại lý chi hội Phật giáo các địa phương để các chi hội chấn chỉnh lại các công việc:

........

5- Chi Đại lý nào cũng phải mua ít nhất là 3 số báo Đuốc tuệ để tại Hội quán cho hội viên xem và để chọn lấy bài giảng... Ai muốn mượn về nhà xem cũng được, nhưng chỉ hạn trong 2 ngày phải trả.

6- Trong chi Đại lý nếu có nhiều xã hợp lại thì phải chia thành nhiều khu, mỗi khu cử một Ban Giảng diễn, lựa những người thông chữ quốc ngữ để đọc các bài trong báo Đuốc tuệ cho thiện tín nghe. Nếu có đông người hội họp mà nhà nước bắt phải xin phép thì nên xin phép trước 2 ngày.

............

9- Mỗi khu vực cử một hoặc hai vị ủy viên chuyên phát hành báo sách của Hội, thu tiền niên liễm, bán và cổ động cho các hội viên mua báo Đuốc tuệ và kinh sách do Trung ương gửi xuống cho nhiều người đọc để hiểu thấu đạo lý nhà Phật thì sau này có kết quả về nhân tâm phong tục nhiều lắm.

4) Chấn hưng về giáo dục tăng ni

Một trong những nội dung chủ yếu của chi hội Phật giáo Ninh Bình lúc bấy giờ là phải chấn hưng công tác giáo dục đào tạo tăng tài nhằm khắc phục tình trạng “dốt” của tăng ni.

Theo kỉ luật Tăng giới, hàng năm các môn phái đều có mở các khóa Xuân, Hạ, Thu nhưng cách tổ chức chỉ từng sơn môn một, chứ không thể thống nhất trong toàn thể tăng giới một địa phương. Bởi vậy, vào thời điểm trước đó, tuy trong tỉnh Ninh Bình có ngót 200 vị tăng ni, mà có khi kết hạ tại ba bốn chùa, tức là mỗi một chùa được ba bốn chục vị theo Hạ. Cách tổ chức như thế không bổ ích mấy cho sự học luyện của chư tăng.

Một việc mà tăng ni Phật tử Ninh Bình mong mỏi nhất từ khi chi hội Phật giáo tỉnh thành lập là mở trường tăng học. Phát biểu trong lễ khai mạc trường Hạ tối hôm rằm tháng tư năm Đinh Sửu (tức 24-5- 1937) tại chùa hội quán Sơn Thủy trước các quan Pháp, Nam và đại biểu Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ về dự, chư tăng các Sơn môn Đồng Đắc, Cổ Loan, Bích Động, v.v... đều đến kết Hạ đông đủ. Ông Chánh Đại lý Phật giáo tỉnh Ninh Bình Hà Đình Tuyên cho biết, cách đây ít lâu khi tiếp Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, sư cụ chùa Đồng Đắc có tỏ ý muốn hợp nhất các Sơn môn bản tỉnh để cùng nhau tính việc lập trường tăng. Cái mỹ ý của sư cụ Đồng Đắc được cụ Nguyễn hoan nghênh. Cụ còn nói tiếp rằng: “không những các Sơn môn Ninh Bình nên hợp nhất. Khi đứng lên lập Hội Phật giáo, bản ý tôi là tìm cách hợp nhất tất cả các môn phái trong nước”.

Ông cũng cho hay, quan Tuần phủ bản tỉnh từng khuyên ông nên nâng trình độ tăng giới. Muốn tăng trình độ tăng giới, chi bằng lập trường tăng ni. Mà muốn chấn hưng Phật giáo, điều thứ nhất là đào luyện các nhà tu hành để đi truyền đạo trong nước.

Nay các sơn môn trong tỉnh đã hợp nhất, các bực thượng, trung, hạ tọa đã vì Phật pháp, vì chúng sinh, theo lời chúng tôi thỉnh cầu mà kiết Hạ tại Hội quán bản chi, thực là tăng tục chúng ta đã hiểu nhau mà hợp tác, mong một ngày kia sẽ cùng nhau đi tới mục đích. Rồi sau đây, nhờ ơn Phật tổ phù trì, quan trên bảo vệ, chúng tôi sẽ mưu sự lập Tùng lâm để làm một thế giới cho chư tăng tu luyện một cách chuyên cần. Tùng lâm này chỉ là một trường tiểu trung học mà thôi. Trường đại học đã có ban Trung ương tổ chức. Rồi ra các vị xuất gia, nhờ ơn Phật tổ, hưởng thụ giáo dục của các vị Thượng đức, sẽ trở nên những bậc giáo sĩ có giá trị, có đủ tư cách giáo hóa cho quần chúng. Nền tảng Phật giáo là ở đó, kỷ cương Giáo hội cũng ở đó.

Trong khi chưa thành lập được trường Ban Đại lý Phật giáo quan tâm đến nâng cao chất lượng ở trường Hạ của tỉnh bằng cách cải tiến nội dung học tập. Trước đây, tăng ni trường Hạ chỉ học những bộ kinh chữ Hán. Nay họ được học kinh bằng chữ quốc ngữ và còn được nghe các bài thuyết pháp của các tăng sĩ và cư sĩ của CHPG Ninh Bình hoặc Trung ương Hội ở Hà Nội như các ông Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật ở Ban Quản trị Trung ương Hội những năm 1937, 1938. Đồng thời cử tăng ni trong tỉnh ra học các trường Tăng học do Hội Phật giáo Bắc Kỳ mở.

5) Chấn hưng về nghi lễ Phật giáo

Cứ như lệ thường, hàng năm đến ngày mồng 7 tháng tư âm lịch, các chùa tại Ninh Bình vẫn có lễ kỷ niệm khánh đản đức Phật Tổ; nhưng chỉ có chư tăng lên cúng Phật, rồi đến các quan viên thiện nam tín nữ vào chiêm bái, đến nửa đêm thì Mộc dục (tắm) các tượng Phật mà thôi.

Song từ năm 1936 trở đi, sau khi báo Đuốc tuệ tường thuật Lễ Phật đản năm 1935 của Hội An Nam Phật học tổ chức tại Huế và lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ do Hội Phật giáo Bắc Kỳ tổ chức, tại các địa phương, nội dung lễ Phật đản phong phú hơn nhiều, nhờ đó mà thu hút được nhiều người yêu mến đạo Phật.

Báo Trung Bắc Tân Văn số ra ngày 8 tháng 6 năm 1936 tường thuật lễ kỷ niệm đức Phật đản sinh tại tỉnh Ninh Bình như sau:

Hôm 7 và 8-4 năm Bính Tý nhuận (27 và 28-5-1936), Chi hội Phật giáo Ninh Bình đã làm đại lễ rất long trọng. Hai ngày ấy quang cảnh chùa Bát Long xã Phúc Am và chùa Sơn Thủy xã Đại Phong khác vẻ ngày thường, người đi lại tấp nập. Tối hôm 7-4 chùa Sơn Thủy có Ban Đồng ấu kéo chữ và ông cử Dương Bá Trạc ở Trung ương diễn giảng về Sự tích đức Thích Ca, có Tổng đốc Bắc Ninh Bùi Thiện Cơ, Tuần phủ Ninh Bình Dương Văn Am, Bố chánh Nguyễn Văn Nghi đến chứng kiến. Mồng 8-4 cũng có kéo chữ và làm lễ thí thực có các quan Tây, Nam đến chứng kiến.

Ở bãi chùa Bát Long, tối 7-4 có lễ Phật ngũ bách với giảng thơ mà người đi xem và đi nghe giảng rất đông không lúc nào ngớt. Hôm 8-4, ban ngày cũng có giảng thơ, đến 6 giờ tối làm lễ lục cúng dâng hoa có quan Tuần phủ, quan Bố chánh cùng các thân hào trong tỉnh đến dự lễ rất đông. Tối hôm ấy, trong nhà giảng trong chùa ngoài sân đều đông nghịt những người, có lúc hội đồng tổ chức giảng thơ phải đình nghỉ để giữ trật tự vì đông quá không sao giảng được. Khi làm lễ lục cúng xong, ông chánh tổng Yên Phong cũng lên giảng về sự tích đức Thích Ca”.

Tại chùa Phúc Nhạc huyện Yên Khánh, để cho lễ kỷ niệm ấy thêm bề long trọng, sư ông trụ trì Phạm Thanh Sán, cùng với các cụ thân hào thỏa thuận lập thành ba Ban Đồng ấu được hơn 100 cô cậu và buổi chiều ngày mồng 7 đã tổ chức một cuộc rước. Từ 4 giờ chiều, các quan viên cùng thiện nam tín nữ và ba Ban Đồng ấu, mỗi người cầm một cái đèn có đủ các kiểu trông rất là ngoạn mục, tề tựu tại sân chùa rất đông. Tuy sân chùa rộng rãi như thế, mà ai ra chậm không thể nào len chân vào được.

5 giờ chiều, hồi 9 tiếng chuông trống, các phu cờ, phu kiệu, phu chấp kích và ba Ban Đồng ấu dàn xếp đâu ra đấy, thì kiệu Cửu Long khởi hành rước đi xung quanh làng. Ngày hôm ấy thập phương nô nức đến xem. Hai bên đường, đông như nêm cối, các nhà chức trách phải hết sức để ý mới giữ được trật tự. Khi kiệu Cửu Long đi đến đâu, đều có người đứng chờ để dâng cúng hương nến, qua các cửa hiệu và các nhà phú hộ đều có pháo đốt mừng.

Đến chợ Đình là Phúc chỉ thôn Đỗ thì kiệu nghỉ lại độ nửa giờ để chư tăng lên cúng tiếp linh, rồi đến Ban Đồng ấu nữ vào múa hát, có hội âm nhạc hòa lẫn rất là du dương. Bấy giờ đã chập tối, các đèn đều thắp lên, sáng như ban ngày, rồi đám rước lại đi vòng vào các xóm, đến 8 giờ tối mới về đến chùa. Rước tượng yên vị xong, Ban Đồng nam Minh Tâm lên chùa, rồi đến Ban trường Hương sư và Ban nữ Đồng ấu lần lượt theo chương trình đã định trước. Khi mỗi ban lên làm lễ đều có hội bát âm hòa nhạc, người đi xem rất đông mà ai ai cũng chú tâm về sự lễ bái, nên rất có vẻ tôn nghiêm.

Ba ban làm lễ xong đã 9 giờ, sư ông đứng lên giới thiệu các ông: Lý trưởng Trần Hữu Khánh, ông Hương sư Phạm Văn Hội và ông Trưởng ban Minh Tâm là Lê Đức Quảng sẽ lần lượt lên đàn giảng. Trước tiên ông lý trưởng nói về sự tích đức Phật Tổ và khuyên bảo các cậu Đồng nam, các cô Đồng nữ; công chúng rất hoan nghênh. Sau một tràng pháo đốt liên thanh, ông Hương sư ngồi đọc sự tích đức Thích Ca, tôn chỉ của đạo Phật, luân lý tứ ân và lời thỉnh cầu lập Hội Phật giáo. Sau cùng, ông Trưởng ban Minh Tâm đứng nói ứng khẩu về tôn chỉ đạo Phật, cùng mục đích lập Ban Đồng ấu và thỉnh cầu với các cụ thân hào khuyến khích thế nào cho anh chị em Ban Đồng ấu trong làng ai ai cũng vào hội cả để Phật giáo ngày một xương minh.

Lúc ấy đã 12 giờ đêm, chư tăng lên đàn lục cúng, đọc sớ và mộc dục tượng, đến 2 giờ sáng mới xong.

Sư ông và các quan viên trong làng đã nhất trí, từ nay trở đi, cứ mỗi tháng 4 kỳ, tại chùa sẽ có cuộc diễn giảng do các nhà cư sĩ sẽ soạn ra hay đọc ở báo Đuốc tuệ để cho hết mọi người trong làng nghe và cứ hàng năm đến ngày khánh đản lại có cuộc rước.

Ngày 21 tháng 2 năm 1939 (7-1 Kỷ Mão), tại chi giảng Thư Điền, huyện Yên Mô có 4 vị giáo hữu đăng thọ 60. Để dứt bỏ tục phiền văn mừng nhau bằng lễ phẩm các giáo hữu làm lễ cầu diên thọ cho 4 vị. Lễ cử hành rất giản dị và tôn nghiêm. Hơn 100 hội viên và thiện tín đứng nghiêm chỉnh xếp hàng trước cửa chùa tâm niệm kỳ nguyện Phật Tổ phù hộ độ trì cho 4 vị. Rồi lại xuống nhà giảng nghe ông Nguyễn Tử Văn đọc và giảng báo Đuốc Tuệ. Xong, mọi người vui vẻ phát tâm cúng tiền vào việc tăng học trên Trung ương được 1$62, ủy cho ông Quán gửi lên Trung ương. Đây là một việc cải cách rất có ý nghĩa.

Tập tục đốt vàng mã đã phát triển rất phổ biến ở Phật giáo xứ Bắc trước khi diễn ra chấn hưng Phật giáo. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, người ta đã đốt, đã hoá, đã gửi đủ loại đồ mã xuống cõi âm cho người thân, cho tổ tiên, trong đó chủ yếu là những vật dụng trong gia đình mà người thân khi còn sống thường dùng, gây tốn kém, lãng phí rất lớn.

Ngày 20 tháng 8 năm 1938 (15-7 năm Mậu Dần), tại chùa Đông Thuần Chánh Đại lý chi hội Phật giáo tỉnh Hải Dương là Tuần phủ trí sĩ Trần Văn Đại đã đi đầu Phật giáo xứ Bắc kiên quyết bỏ vàng mã trong ngày rằm tháng bảy. Đây thực sự là một cải cách lớn thực hành tại Hải Dương. Báo Đuốc tuệ đã nêu tấm gương này và kêu gọi các chi hội Phật giáo xứ Bắc noi theo và: “Cầu nguyện đức Phật phù hộ cho tất cả mọi nơi từ Hội Trung ương cho đến các chi hội các nơi, đâu đâu các giáo hữu cũng giác ngộ mà thực hành việc cải cách về tinh thần ấy - là việc bỏ vàng mã thì tiền đồ Phật giáo nước nhà không biết đâu mà lường vậy”.

Chi hội Phật giáo Ninh Bình đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi này của Hội. Ông Vũ Tự Tiệp Quyền Chánh Đại biểu hội Phật giáo Ninh Bình phát biểu trên báo Đuốc tuệ: “giỗ tết cho lớn, vàng mã cho hậu thời thật là tốn kém vô ích mà tấm lòng hiếu đễ để biểu diễn một cách rất thô thiển, rất trẻ con, đáng buồn cười. Tục đốt mã lại có hại cho nền kinh tế trong nước. Một năm đốt đi bao nhiêu là giấy, tiền tốn hàng vạn, bao nhiêu công trình vất đi. Giá đem tiền ấy dùng vào việc hữu ích, những công trình ấy dùng vào công nghệ thời lợi biết bao.” Ông kêu gọi nhân dân Ninh Bình nên học tập tỉnh Thái Bình có lệnh cấm đốt vàng mã nên tục ấy cũng giảm đi nhiều.

Các chùa trong tỉnh, đi đầu là các chùa Sơn Thuỷ, Phúc Chỉnh… ở thị xã Ninh Bình đã thực hiện ngay lời kêu gọi không đốt vàng mã của ông Vũ Tự Tiệp trong lễ Vu Lan Bồn - rằm tháng 7 năm Kỷ Mão (1939).

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Ninh Bình bước đầu đã gặt hái một số kết quả và đang có cơ phát triển thì những biến cố lịch sử diễn ra nhanh chóng từ đầu năm 1945 Nhật đảo chính Pháp rồi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công. Phật giáo Ninh Bình chuyển qua một giai đoạn khác.

 


1. Báo Đuốc tuệ số ra tháng 9 năm 1935.

2. Tổ Phúc Chỉnh, Ba món tư lương sang Tịnh Độ đăng trên báo Đuốc tuệ số 3 và số 4 ra ngày 24 và 31 tháng 12 năm 1935.

3. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb Tôn giáo, 2008.

4. Báo Đuốc tuệ từ 1935 đến 1940.

5. Theo Đuốc tuệ số 43 ra ngày 6 tháng 9 năm 1936 cho biết: Chi hội Phật giáo Ninh Bình dựng vở Tu là cỗi phúc biểu diễn ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà  Nam, lấy tiền ủng hộ đồng bào bị lụt. Báo Đuốc tuệ số 121-122 ra ngày 1 và 15 tháng 12 năm 1939 đưa tin: Tại Hải Dương, Ban kịch Phật giáo Hải Dương do Chánh Thư ký Ban Đại lý Phật giáo Hải Dương phụ trách, diễn viên là các nhà thân hào, viên chức trong thị xã lại là hội viên chi hội Phật giáo ngày 11 tháng 3 năm 1939 diễn vở Quả báo luân hồi tại chùa Hội quán Đông Thuần, thị xã Hải Dương, sau đó đi diễn ở 4 phủ huyện, đến đâu cũng được hoan nghênh; tại Vĩnh Bảo, tiền vé bán được 600$, đã ủng hộ Hội Thể thao 100$. Tối 9 và tối 20 tháng 11 năm 1939 diễn vở Quả báo luân hồi và vở Tu là cỗi phúc tại rạp Sélect thị xã Hải Dương, thu được 424$ ủng hộ tiền để mua áo rét cho binh sĩ Việt Nam tham gia chiến tranh thế giới thứ 2 tại Pháp. 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 348
    • Số lượt truy cập : 6947206