Thông tin

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở THANH HÓA

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
TS. NINH THỊ SINH

 

 

 

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh - Thanh Hóa

 

Vào đầu thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam lại bị phân hóa: Tăng đoàn rời rạc, đạo hạnh và sự học của các tu sĩ Phật giáo sa sút. Bên cạnh đó, ách nô lệ của thực dân Pháp cũng khiến cho chùa chiền, tăng đoàn không sao phát triển, lại còn công kích lẫn nhau. Sự xuất hiện của đạo Cao Đài (1926), thu hút tín đồ đạo Phật Việt Nam.

Bấy giờ, các nước trong khu vực (như Campuchia, Srilanca…) đã có nhiều hoạt động cách tân Phật giáo. Đặc biệt, Phật giáo Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Thái Hư Đại sư đã mở nhiều Phật học viện, ra tạp chí Hải Triều Âm kêu gọi Phật giáo thực hiện tam đại cách mạng: “Cách mạng Giáo lý, Cách mạng Giáo chế và Cách mạng Giáo sản”. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Phật giáo Việt Nam. Từ đó tăng sĩ và cư sĩ Việt Nam nhận thấy việc chấn hưng Phật giáo là nhu cầu bức thiết đối với Phật giáo nước ta lúc bấy giờ.

Sau nhiều năm đi khắp các tỉnh ở Nam Kỳ vận động, Hòa thượng Lê Khánh Hòa cùng các đồng chí của mình như Từ Phong, Huệ Quang, Thiện Chiếu đã thành lập "Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hội" (26 tháng 8 năm 1931) do Hòa thượng Từ Phong làm Hội trưởng, ngài Khánh Hòa và cư sĩ Trần Nguyên Chấn làm Phó Hội trưởng. Ít lâu sau, Hội ra tạp chí Từ bi âm (1 tháng 2 năm 1932) để truyền bá giáo lý Phật Đà bằng tiếng Việt. Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học ra đời, không những đánh dấu địa vị hợp pháp của phong trào chấn hưng mà còn cổ động phong trào chấn hưng ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.

Tiếp đó, vào năm 1932 tại chùa Từ Đàm (Huế) "An Nam Phật học hội" ra đời, sáng lập viên gồm 5 tăng sĩ và 17 cư sĩ. Tuy được thành lập từ năm 1932, nhưng đến năm 1935, Hội An Nam Phật học mới sửa lại Điều lệ và Quy tắc của Hội và được nhà vua phê chuẩn.

Hội họp phiên Đại hội đồng bầu ra một Ban Trị sự gồm có Chánh Phó hội trưởng 2 người; Chánh, Phó Thư ký 2 người; Chánh, Phó Chưởng quỹ 2 người; Kiểm soát viên 3 người; Cố vấn 2 người. Tất cả Ban Trị sự có 11 người đều do Cư sĩ đảm nhiệm, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Hội trưởng. Hội lại thỉnh các vị Hòa thượng đức trọng đạo cao để lập Ban Chứng Minh Đạo sư do Hòa thượng Giác Tiên (1880-1936) làm Chứng minh Đạo sư, đồng thời thỉnh các tăng ni có nhiệt tâm chấn hưng sung vào Ban Giảng sư. Năm 1933, Hội ra báo Viên Âm để hoằng dương chính pháp và thỉnh Đại Tạng Kinh để làm tài liệu nghiên cứu. An Nam Phật học hội ra đời đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ. Từ năm 1932 đến năm 1945, Hội đã thành lập các Tỉnh hội Phật giáo ở khắp các Trung Kỳ, trong đó có Thanh Hóa.

Xứ Thanh lúc bấy giờ có tới hơn 300 chùa với nhiều tăng ni, nhưng mãi tới giữa năm 1936 mới thành lập được Ban Trị sự tỉnh hội để hướng dẫn phong trào chấn hưng Phật giáo tỉnh nhà.

1. Thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo

Có thể nói, tài liệu lưu trữ về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Thanh Hóa hiện nay còn lại rất ít. Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV Đà Lạt - nơi đang bảo quản các tài liệu hành chính, Khối tài liệu bản đồ (với nhiều loại hình bản đồ khác nhau, phản ánh về địa dư các khu vực trên toàn Đông Dương và Việt Nam từ thời kỳ thuộc địa đến thời kỳ Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1881-1969), chúng tôi tìm thấy duy nhất một hồ sơ có tên "Hồ sơ về việc thành lập Hội Phật giáo của sư tăng Thanh Hóa" vào năm 1936, tại phông Tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Hồ sơ này gồm 7 trang. Có thể tóm tắt lại một số nội dung của hồ sơ này như sau:

Bức thư số 1209 ngày 19 tháng 10 năm 1936 của viên Công sứ (tỉnh) gửi cho Khâm sứ Trung Kỳ, trong đó có đề cập đến việc “các quan trong tỉnh Thanh Hóa vừa gửi tới viên Công sứ một bản Dự thảo Điều lệ do các sư tăng trong tỉnh soạn thảo mục đích thành lập một Hội Phật giáo để tập hợp Phật tử nhằm chấn hưng và phổ thông đạo Phật”.

Lí do chấn hưng là do Phật giáo ở An Nam không thuần khiết và không được tổ chức chặt chẽ như Phật giáo ở Campuchia hay ở Lào. Phật giáo An Nam tồn tại một tình trạng lộn xộn, không có nguyên tắc cụ thể trong việc lựa chọn sư tăng, các mối liên hệ đạo đức của họ lỏng lẻo và xa rời với giáo lí Phật tổ đã dạy. Xuất phát từ lí do đó, ý muốn củng cố giáo lí và thay đổi cách thức lựa chọn trụ trì các chùa xuất hiện. Đó cũng là động cơ dẫn đến việc soạn bản Dự thảo Điều lệ với mong muốn chấn hưng đạo Phật.

Phía chính quyền thuộc địa nhận thấy, việc thành lập một hội Phật giáo, tập hợp chư tăng vào một tổ chức có trật tự và được kiểm soát theo cách nói của những người soạn bản Dự thảo Điều lệ, để kiểm soát và cấp danh hiệu chính thức là những phương tiện hiệu quả để kiểm soát chư tăng trong tỉnh, vì hoạt động của hội sẽ không vượt qua khuôn khổ bản Điều lệ đã đệ trình. Tuy nhiên viên Công sứ nhận thấy, ý định này là ảo tưởng bởi lẽ hội Phật giáo không thể thu hút được toàn bộ chư tăng, sẽ có một bộ phận chư tăng ở ngoài hội. Do vậy viên Công sứ thấy không có nhiều lợi ích khi tập hợp một bộ phận chư tăng trong tỉnh vào một hiệp hội, mà nó còn có thể tạo ra những nguy hiểm đối với chính quyền.

Qua những thông tin bức thư đề cập, rõ ràng ở Thanh Hóa vào năm 1936, sư tăng trong bản tỉnh đã soạn thảo và đệ trình một bản Dự thảo Điều lệ để thành lập Hội Phật giáo nhằm mục đích chấn hưng đạo Phật. Nhưng nội dung cụ thể của Bản Dự thảo ấy ra sao và những vị sư tăng nào đã tham gia soạn thảo, thì đáng tiếc là tài liệu còn lại hiện nay không thể giúp chúng ta giải đáp được những thắc mắc nêu trên.

Tiếp theo trong bức thư 250R có ghi chú "mật" và "khẩn cấp" của Thượng thư Bộ Lễ Tôn Thất Quảng gửi cho viên cố vấn, có nhắc tới Thông tư số 740 ngày 15 tháng 5 năm 1936 về việc lập danh sách tên các chùa và chư tăng ở Thanh Hóa. Trái với các tỉnh khác đều lập và gửi về Bộ Lễ, riêng Thanh Hóa không những hiểu sai mà còn không tuân thủ quy định về thời gian. Thay vì gửi danh sách các chùa và chư tăng, Thanh Hóa gửi về Bộ Lễ dự trù ngân sách để trùng tu các chùa và hai Tăng cương đã soạn thảo bản Dự thảo Điều lệ.

Như vậy, trên địa bàn Thanh Hóa vào năm 1936, các sư tăng bản tỉnh có dự định thành lập một hội Phật giáo để chấn hưng đạo Phật nhưng đã không được chính quyền chấp thuận.

Tuy nhiên, theo nguồn tài liệu báo chí, nhất là báo Viên Âm, cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học, tại Thanh Hóa đã thành lập được Tỉnh hội Phật giáo. Tỉnh hội hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội An Nam Phật học do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm hội trưởng. Sự thành lập Tỉnh hội Thanh Hóa có thể lý giải thông qua vai trò của Lê Đình Thám. Ông không những là người có trình độ Phật học uyên bác mà còn là người có địa vị, uy tín trong xã hội. Năm 1916, Tâm Minh đỗ Thủ khoa khóa Đông Dương Y sĩ, sau đó năm 1930, ông đỗ thêm bằng Bác sĩ Y khoa ngạch Pháp (tức trường do Tây đào tạo). Rất có thể bằng uy tín, địa vị, trình độ kết hợp với mối quan hệ quảng giao, ông đã thuyết phục thượng thư Bộ Lại và thượng thư Bộ Lễ tâu lên vua Bảo Đại cho phép thành lập Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa. Lại nữa, Lê Đình Thám đã gặp gỡ vận động viên Công sứ Thanh Hóa và Khâm sứ Trung Kỳ là Maurice Fernard Graffeuil đồng ý chuyện này. Chính quyền Pháp - Nam đều chuẩn theo ý ông và tháng 11 năm 1936, Tỉnh hội Thanh Hóa được thành lập1. Cơ cấu Ban Trị sự của Tỉnh hội lúc bấy giờ gồm:

1) Trần Hữu Lương - Chánh Hội trưởng

2) Đặng Ngọc Thụ - Phó Hội trưởng

3) Lê Vạn Xuân - Chánh Thư kí

4) Nguyễn Đức Tuấn - Phó Thư kí

5) Chánh Thủ quỹ - Vũ Văn Mĩ

6) Phó Thủ quỹ - Lê Thụ

7) Cố vấn Trị sự - Nguyễn Văn Nguyên

8) Kiểm soát - Trần Quy Quỳnh, Vũ Đan Quế

Hội quán đặt tại chùa Thanh Hà, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Hội hoạt động theo bản Điều lệ của Hội An Nam Phật học ban hành.

Từ đây, dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của Ban Trị sự Tỉnh hội, Phật giáo Thanh Hóa đã có sự khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu.

2. Ban Trị sự tỉnh Hội Thanh Hóa qua các năm

Ngày 21 tháng 8 năm 1937, Tỉnh hội đã nhóm họp phiên Đại hội đồng bầu Ban Trị sự khóa 1937-1938. Nhân sự cụ thể gồm:

1) Hội trưởng: SE. Nguyễn Xuân Đàm, Thượng thư trí sĩ.

2) Phó Hội trưởng: SE Nguyễn Hữu Phái, Tuần phủ trí sĩ.

3) Chưởng quỹ: M Đặng Ngọc Thụ, y tá (Infirmier).

4) Phó Chưởng quỹ: Chưa cử.

5) Thư ký: M. Đặng Ngọc Sách, Thư ký kho bạc (Secrétaire Trésor)

6) Phó Thư ký M. Trần Cao Tiêu, Thư ký Sở Công trình công cộng (Secrétaire Travaux Publics).

7) Kiểm sát: M. Trần Đức Chương, Thư ký Kho bạc (Secrétaire Trésor), M. Lê Đình Huê, Thư ký Lưu trữ (Secrétaire archiviste TP).

8) Hà Thúc Tấn, Thừa phái.

Ngày 25 tháng 12 năm 1938, Tỉnh hội Thanh Hoá đã nhóm họp Đại hội đồng thường niên để công cử Ban Trị sự năm 1939, kết quả như sau:

Tăng già:

- Trị sự cố vấn: Thầy Nguyễn Văn Nguyện.

- Đạo hạnh cố vấn: Thầy Trần Văn Vinh (Thích Thanh Vinh).

Cư sĩ:

- Chánh Hội trưởng: Cụ Nguyễn Hữu Phái.

- Phó Hội trưởng: Ông Trần Hữu Lương.

- Chánh Thư ký: Đặng Ngọc Thụ.

- Phó Thư ký: Lê Văn Xuân.

- Chánh Thủ quỹ: Vũ Đan Quế.

- Phó Thủ quỹ: Trần Qúy Quỳnh.

- Kiểm sát: Nguyễn Đức Tuấn, Phạm Văn Hợp, Vũ Tiến Thư; Trương Tiến Nam, Lâm Văn Kiến, Ngô Huy San.

- Nữ Kiểm sát: Các bà Ngô Thị Dung, Vũ Thị Lân, Nguyễn Thị Ái, Lê Thị Sâm2.

Ngày 8 tháng 12 năm 1940, Tỉnh hội đã nhóm họp Đại hội đồng thường niên và đã bầu các chức vụ trong Ban Trị sự năm 1941, kết quả như sau:

Tăng già:

- Chứng minh Đạo sư: Ngài Nguyễn Soạn, Tăng cương chùa Đào Viên;

- Đạo hạnh cố vấn: Ngài Trần Văn Vinh (Thích Thanh Vinh), trụ trì chùa Quảng Thọ.

Cư sĩ:

- Chánh Hội trưởng: M.M Trần Hữu Lương.

- Phó Hội trưởng: Đặng Ngọc Thụ.

- Chánh Thư ký: Lê Văn Xuân.

- Phó Thư ký: Nguyễn Đức Tuấn.

- Chánh Thủ quỹ: Vũ Văn Mỹ.

- Phó Thủ quỹ: Lê Thụ.

- Cố vấn Trị sự: Nguyễn Văn Nguyên.

- Kiểm sát: Trần Quý Quỳnh, Vũ Đan Quế, Vũ Tiến Thư, Vũ Đình Dinh, Lâm Văn Kiến, Ngô Huy San.

- Nữ Kiểm sát: Đỗ Thị Nguyệt, Đỗ Thị Dung.

Danh sách Ban Trị sự Tỉnh hội Thanh Hóa năm 1943 gồm có 19 người. Cụ thể: 

Chức việc

Họ và tên

Nghề nghiệp

Nơi ở

Chánh hội trưởng

Trần Hữu Lương

Hiệu trưởng trường Đông Sơn

Phố Hôpital

Phó Hội trưởng

Vũ Đan Quế

Trưởng ga, hưu trí

Phố Lieutenant Chaveur

Cố vấn Trị sự

Nguyễn Đóa

Giám đốc các Trường Thanh Hóa

 

Cố vấn Trị sự

Đặng Văn Khang

Buôn bán

Phố Paul Bert

Chánh Thư ký

Trần Quý Quỳnh

Trưởng ga, hưu trí

Phố Paul Bert

Phó Thư ký

Hoàng Ngọc Tiệp

Thư ký Ngân hàng

Nông nghiệp

Phố Paul Bert

Chánh Thủ quỹ

Lê Văn Xuân

Thư ký hiệu thuốc

Giao

Phố Bonheur Pigé

Phó Thủ quỹ

Tôn Thất Văn

Tú học

Phố Huế

Nam Kiểm sát

Nguyễn Đức Tuân

Chef de brigae,

hưu trí

Phố Chùa

 

Vũ Tiến Thủ

Buôn bán

Phố Thợ Thêu

 

Vũ Đinh Dĩnh

Nt

Phố Bái Thượng

 

Trần Đào Trị

Nt

Phố Machéral Joff

 

Lê Thụ

Thừa phái hưu trí

Phố Thiệu Trị

 

Lưu Đào Viên

Buôn bán

Phố Paul Bert

 

Cao Bá Địch

Nt

Phố Thợ Thêu

Nữ Kiểm sát

Ngô Thị Lung

Buôn bán

Phố Rousseau

 

Trần Thị Thanh

Buôn bán

Phố Paul Bert

 

Trần Thị Quyên

Nt

Machéral Joff

 

Đỗ Thị Bích Ký

Nt

Phố Hôpital Pigé

 

3. Sự phát triển của Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa

Về số lượng hội viên của Tỉnh hội Thanh Hóa, nguyệt san Viên Âm cũng cho biết, vào tháng 8 năm 1937, Tỉnh hội có 64 hội viên. Gần một năm sau, số lượng hội viên tăng gần 3 lần (186 người, tháng 6 năm 1938). Đến năm 1940, sự phát triển của số lượng hội viên có phần chững lại. Số hội viên vào tháng 7 năm 1940 là 294 người. Trong một tháng, số hội viên tăng thêm được 1 người (tháng 8 năm 1940 - 295 người). Đây cũng là số liệu cuối cùng chúng tôi được biết về số lượng hội viên của Tỉnh hội Thanh Hóa3. Thực ra con số này khá khiêm tốn so với tiềm năng của Phật giáo Thanh Hóa!

Trong sự phát triển của Tỉnh hội Thanh Hóa, chúng ta cũng ghi nhận một sự kiện quan trọng khác, đó là Tỉnh hội đã thành lập được Chi hội Phu Khê Thượng vào năm 19424. Vào những năm 1940, tình hình chính trị hết sức phức tạp, việc hoạt động của các Hội Phật giáo nói chung gặp nhiều khó khăn, do vậy, đây là một thành tích rất đáng tự hào của Tỉnh hội Thanh Hóa. Ngoài Chi hội Phu Khê Thượng, còn có Chi hội Bái Thượng. Mặc dù tài liệu không cho chúng ta biết chi hội này thành lập vào thời gian nào, nhưng Viên Âm đã biểu dương “một nghĩa cử đáng khen” của một hội viên chi hội Bái Thượng. Đó là việc ông Đào Trọng Nhung trong lúc trời rét mướt đã quên mình nhảy xuống đập Bái Thượng để cứu một người có tên là Nhỏ. Chỗ đập ấy nước chảy cuồn cuộn mà dưới nước lại có nhiều hang đá.

4. Về công tác hoằng pháp

Thực hiện tôn chỉ của Hội An Nam Phật học “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc hữu tình”, nghĩa là đem các phương pháp giác ngộ của Phật truyền bá cùng khắp nơi nơi, cho người người đều hiểu biết và tu trì cho thoát ly các sự khổ não5, Tỉnh hội Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các buổi diễn giảng nhằm phổ thông giáo lý đạo Phật đến đông đảo giới Phật tử. Tin tức về các buổi diễn giảng cũng được Viên Âm đưa tin ở mục Tin tức hoặc Tiêu tức. Chủ đề diễn giảng tập trung vào một số vấn đề như giới thiệu về những nhân vật, ngày lễ của Phật giáo “Sự tích đức La Hầu La”, “Sự tích lễ Vu Lan”, cổ động chấn hưng Phật giáo “Vì sao phải chấn hưng Phật pháp”, quan hệ giữa Phật giáo đối với các vấn đề xã hội, tôn giáo “Quan hệ của Phật giáo đối với thanh niên”, “Đạo Phật với Tôn giáo”. Diễn giả có thể là cư sĩ (ông Trương Thế Giám), có thể là Tăng sĩ từ Trung ương hội gửi ra hoặc tăng sĩ ở trong tỉnh Thanh Hóa. Tờ Viên Âm cho chúng ta biết Trung ương Hội An Nam Phật học đã từng cử hai thầy ra Thanh Hóa thuyết giảng, đó là thầy Thích Mật Nguyện, học sinh trường đại học và thầy Thích Đôn Hậu [Giác Thanh (1905-1992)] tốt nghiệp Đại học Phật giáo ở chùa Tây.

Thầy Thích Mật Nguyện, thế danh là Trần Quốc Lộc, pháp danh Tâm Như, sinh năm 1911, tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, và là con trưởng trong một gia đình có năm anh em. Ngài xuất gia năm 15 tuổi, thụ giới với Hòa thượng Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm. Năm 18 tuổi, ngài thụ giới Sa di, pháp danh Tâm Như. Sau một thời gian tinh tấn tu học tại trường Sơn môn Phật học Tây Thiên, ngài đã tốt nghiệp Trung cấp Phật học và được cử làm giảng sư của Hội An Nam Phật học. Ngoài ra, ngài còn để tâm viết bài đăng trên các nguyệt san tạp chí Phật giáo xuất bản tại Huế như Viên Âm, Giác ngộ, Liên hoa v.v... để phổ biến giáo lý, hướng dẫn bao người quay về với chánh pháp để chung lo việc phục hưng và bồi đắp cho nền đạo giáo của dân tộc ngày một phát triển. Ngài còn dịch các kinh tạng như kinh Giải Thâm Mật, kinh Vô Lượng Thọ, Tân Duy Thức Luận (của Thái Hư). Thượng tọa Thích Mật Nguyện là một trụ cột quan trọng trong ngôi nhà Phật pháp, một vị hộ pháp đắc lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những ngày đầu của phong trào phục hưng, một thành viên cơ yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Với đức hy sinh cao cả, ngài đã vượt qua mọi khó khăn để gánh vác những Phật sự lớn lao. Nhờ ý chí bền vững, cùng tâm hồn hỉ xả, vị tha, ngài đã khéo nhẫn nhục, dung hòa mọi dị kiến để hòa đồng với mọi tầng lớp trong Tăng giới cũng như hàng cư sĩ để hoàn thành sứ mạng “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” của một Như Lai sứ giả.

Thầy Thích Đôn Hậu, thế danh là Diệp Trương Thuần, pháp danh Trừng Nguyên, thuộc đời thứ 8 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán. Ngài sinh ngày 16 tháng 2 năm 1905, tại làng Xuân An, tổng An Đồn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngài xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, nhưng lại quy ngưỡng Phật giáo. Năm 19 tuổi, ngài vào chùa Tây Thiên đảnh lễ tổ sư Tâm Tịnh, xin được xuất gia. Một năm sau, cũng đúng vào ngày vía Quan Âm (ngày 19 tháng 6 năm Giáp Tý - 1924), nhờ học hạnh kiêm toàn và chí nguyện xứng đáng, ngài được đặc cách cho thụ tam đàn Cụ Túc tại Giới đàn chùa Từ Hiếu, Huế, do chính Bổn sư làm đàn đầu. Thụ giới được hai năm thì Bổn sư viên tịch (1926), ngài bèn đến chùa Hồng Khê cầu pháp với sư huynh là Hòa thượng Giác Tiên. Năm 1927, ngài được 22 tuổi, trường Phật học Thập Tháp tại tỉnh Bình Định khai mở, do Tổ Phước Huệ - bậc danh Tăng nổi tiếng làm Giáo thụ, Ngài cùng một số vị khác như Hòa thượng Chánh Huy, Chánh Thống, Viên Quang vào đây tham học.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, trường Trung học, Đại học Phật giáo được mở tại Tây Thiên, Tổ Phước Huệ được cung thỉnh từ Bình Định ra làm Giáo thụ. Với tinh thần hiếu học cầu tiến không ngừng, ngài tiếp tục theo học chương trình đại học mở tại đây và được bầu làm Thủ chúng cả hai trường. Ngay từ lúc còn ngồi ghế đại học tại Tây Thiên, ngài được mời làm giảng sư của Hội An Nam Phật học. Năm 1936, tốt nghiệp Đại học Phật giáo, với tuổi 32, Ngài được mời làm giáo sư cho Phật học đường Báo Quốc và luật sư cho Sơn môn Thừa Thiên, từ đó ngài đã trở thành một hạt nhân tích cực của phong trào chấn hưng Phật giáo, và là giảng sư nòng cốt, tiền phong của Hội Việt Nam Phật học (hậu thân của Hội An Nam Phật học từ 1949). Ngài đã đi giảng dạy khắp các tỉnh Trung Kỳ, trong đó có Thanh Hóa.

Bên cạnh các giảng sư do Trung ương hội cử, tăng sĩ ở Thanh Hóa cũng tích cực tham gia vào hoạt động này. Tăng cương Nguyễn Soạn (chùa Đào Viên) là người đã đóng góp nhiều bài diễn giảng. Các buổi diễn giảng thường diễn ra ngay tại hội quán chùa Thanh Hà, hoặc tại chùa Đào Viên, nơi Tăng cương Nguyễn Soạn trụ trì.

Các buổi diễn giảng thu hút hàng trăm thính giả. Chẳng hạn như buổi diễn giảng của thầy Mật Nguyện tại chùa Đào Viên vào tháng 8 năm 1937 thu hút tới 700 thính giả hay buổi diễn giảng của ông Trương Thế Vinh tháng 7 năm 1940 có tới 200 người đến nghe. Đây quả là một con số không hề nhỏ!

Song song với việc giảng kinh, thuyết pháp, Tỉnh hội Thanh Hóa cũng tiến hành xuất bản những cuốn sách nhỏ, giới thiệu những đạo lý căn bản của đạo Phật tới dân chúng. Trong Thư viện Quốc gia Pháp, chúng tôi tìm thấy một cuốn sách nhỏ gồm 8 trang với nhan đề “Phật giáo lược giảng”, in năm 1944 tại nhà in Đuốc Tuệ (của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội) do Thanh Hóa Tỉnh hội ấn tống. Cuốn sách nhỏ gồm 8 mục giới thiệu những nội dung căn bản của đạo Phật.

Mở đầu cuốn sách tác giả nêu lên tình trạng “nếu có người hỏi dân Việt Nam ta theo đạo nào, thời chín phần mười sẽ trả lời rằng theo đạo Phật. Song xét cho kỹ thời trong mười người tự nhận là Phật tử đó, đến chín người chẳng biết đạo Phật là gì và Phật là ai cả”, chính tình trạng đó đã dẫn đến hệ lụy “Vì thế nên phần nhiều chỉ lạc vào đường mê tín”. Từ đó, tác giả nhấn mạnh đến sự cần thiết việc phải hiểu tôn chỉ đạo Phật. Đó cũng là mục đích chính của cuốn sách.

Để giới thiệu một cách khái lược tới công chúng, cuốn sách tập trung vào 4 vấn đề căn bản gồm Đạo Phật là gì? Thế nào là Phật? Lược sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật pháp. Sau khi giải thích những nội dung căn bản, tác giả tiếp tục lý giải lý do vì sao phải tu học Phật và chỉ ra cách thức để tu học Phật.

Ở nội dung thứ nhất, cuốn sách giải thích một cách ngắn gọn, dễ hiểu về khái niệm đạo Phật. Đó là “con đường sáng suốt, tuyệt đối, do đức Thích Ca Mâu Ny đã chứng ngộ và chỉ dạy cho hết thảy chúng sinh có thể tùy căn cơ noi theo để tâm chí được tiến hóa, giác ngộ, giải thoát tất cả khổ ách phiền não, và đời đời kiếp kiếp yên vui”. Từ việc hiểu khái niệm đạo Phật, tác giả tiếp tục giảng giải cho chúng ta biết Thế nào là Phật. “Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ, nghĩa là đã thấu triệt chân lý vũ trụ, từ xưa đến nay, từ xa đến gần, bất kỳ sự vật gì đều hiểu biết thấu nguồn cội gốc. Phật là bậc hoàn toàn giải thoát, nghĩa là thường được yên vui, không bị hoặc nghiệp ràng buộc, trần lụy câu thúc, thoát khỏi tất cả khổ quả trong tam giới. Phật là đấng chí tôn, từ bi bình đẳng, công đức viên dung, thương xót muôn loài chúng sinh như con đỏ, dắt đường chỉ lối cho mà tiến hóa đến bờ giác ngộ giải thoát, lìa khổ nạn được yên vui”. Nội dung thứ ba, tác giả khái lược về cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni, từ khi ngài sinh ra là một thái tử, khi ngài 4 tuổi nhìn thấy những cảnh khổ ở quanh thành, quá trình cầu đạo, đắc đạo và tuyên dương Phật pháp. Nội dung thứ tư, là nội dung rất quan trọng đề cập tới “Phật pháp”, “là những phương pháp Phật dạy để y theo đó mà diệt khổ nạn, đặng thường vui, ra khỏi bến mê, bước lên bờ giác”.

Những lời Phật dạy được các đệ tử kết tập thành kinh điển, gồm ba tạng: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, gọi là Tam tạng thánh giáo. “Kinh tạng ghi những giáo lý Phật dạy tùy theo căn cơ để rõ đường tu. Luật tạng ghi những luật giới Phật chế ra để người tu hành, tùy theo căn cơ phải giữ gìn cho tâm tánh khỏi xao lãng! Luận tạng ghi những lời Phật và các bậc Thánh tăng bàn giải Phật pháp, để người tu hành khỏi hiểu lầm tu lạc”. Ở nội dung này cuốn sách cũng đề cập tới “lý nhân quả”, là đạo lý của Phật giáo. “Theo lý ấy thì làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ, cũng như giồng dưa được dưa, giồng đậu được đậu. Đời hiện tại là kết quả của công việc làm trong đời quá khứ; Đời tương lai lại là kết quả của công việc làm trong đời hiện tại. Vậy ai cũng nên tránh điều dữ, vì kết quả dữ sẽ trở lại cho mình; ai cũng làm điều lành, vì sẽ được phúc lành về tương lai”.

Sau khi đã giảng giải 4 nội dung căn bản giúp độc giả hiểu đúng đắn về đạo Phật, cuốn sách lý giải lý do phải tu học Phật:“Ngoài ra Phật không còn ai chỉ dạy cho ta rõ thấu nguồn gốc khổ, nguồn gốc sinh tử. Mà có biết nguồn gốc khổ mới mong dứt trừ được khổ, có biết nguồn gốc sinh tử mới mong ra khỏi nẻo luân hồi. Vì vậy ta phải học Phật tu Phật” cũng như cách thức để tu học Phật. Trước hết phải Quy y Tam bảo (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo), phải “giữ năm điều răn cần yếu Phật dạy cho người sơ cơ” (không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không điêu ngoa lừa dối, không rượu chè hút sách), bên cạnh đó “còn để tâm tránh những điều ác, làm những điều lành”. Ở những dòng cuối cùng cuốn sách giới thiệu một pháp môn dễ tu và mau hiệu quả, đó là pháp môn Tịnh độ “Đức Phật A di đà có phát đại nguyện tiếp dẫn tất cả chúng sinh niệm danh hiệu Ngài về cõi Tịnh độ của Ngài. Tịnh độ là một cõi rất thanh tịnh, trang nghiêm, ở đó chỉ có vui không có khổ và mọi người đều sống lâu vô lượng vô số kiếp, lại đủ nhân duyên tu học cho mau giải thoát. Vậy chúng ta nên hằng ngày trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để về sau được vãng sinh về cõi Tịnh độ”.

Cuốn sách nhỏ này tuy giản lược nhưng rất cần thiết cho những ai bước đầu tu học Phật!

Ngoài việc hoằng dương Phật pháp, Tỉnh hội Thanh Hóa cũng chú ý đến việc mở mang Hội quán. Báo Viên Âm cho biết vào năm 1940, hội cũng mua thêm một miếng đất để mở rộng chùa Hội quán. Trên Viên Âm, chúng tôi cũng tìm thấy nhiều độc giả Thanh Hóa đã đặt mua và gửi ngân phiếu trả tiền báo Viên Âm, chẳng hạn như các ông Tôn Thất Toại, Nguyễn Lương Bính, Lê Trọng Ngu, Hồ Công Thế, Nguyễn Thức, Phạm Văn Quảng.

Song song với việc chăm lo Phật sự trong tỉnh, Tỉnh hội Thanh Hóa cũng đã hai lần cúng tiền bất động sản cho Phật học trường (Huế). Lần thứ nhất là 500$6, lần thứ hai là 1335$7. So với số tiền của các tỉnh hội khác ủng hộ trường Phật học được Viên Âm phương danh, thì số tiền Tỉnh hội Thanh Hóa cúng vào trường Phật học không hề nhỏ!

(Còn tiếp)

 


1. Ở đây cũng cần nhắc đến sự giúp đỡ của Thiền sư Đỗ Văn Hỷ, trụ trì chùa Bà Đá, sinh năm 1890, xuất gia năm lên 8 tuổi, quê ở làng Tân Hi, tổng Chi Nê, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 21 tháng 7 năm Quý Dậu (1933) niên hiệu Bảo Đại thứ 8, sư được vua Bảo Đại phong Tăng cương Hòa thượng, do có những đóng góp to lớn đối với đạo Phật, đặc biệt là trong việc trùng tu lại chùa Bà Đá, một danh lam thắng tích ở kinh thành Thăng Long xưa. Chùa Bà Đá (Linh Quang tự) được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông 1460 - 1497 ở làng Báo Thiên. Ngài Đỗ Văn Hỷ quen biết với Hòa thượng Giác Tiên - Chứng minh Đạo sư và bác sĩ Lê Đình Thám - Chánh Hội trưởng An Nam Phật học, đã đề nghị Hội giúp đỡ Phật giáo Thanh Hóa trong việc thành lập Tỉnh hội Phật giáo.

2. Tạp chí Viên Âm, số 35, tháng 2-3 năm 1939.

3. Tờ trình tóm tắt về việc hoằng pháp ở các chi hội, Viên Âm, số 27, tháng 8 năm 1937. tr. 57; Tin tức, Viên Âm, số 30, tháng 6-1938, tr. 60; Tiêu tức, Viên Âm, số 40, tháng 9 năm 1940, tr. 31; Tiêu tức, Viên Âm, số 42, tháng 11-1940, tr. 20.

4. Tin tức, Viên Âm, số 54, tháng 11 năm 1942, tr. 31.

5. Tôn chỉ của An Nam Phật học hội, Viên Âm, số 33, tháng 10-11/1938, tr. 26.

6. Viên Âm, số 68, 1944, tr. 31.

7. Viên Âm, số 72, 1944, tr. 24.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6953274